Đại tá Vũ Quang, người khách lạ ở lại San Jose.
Giao Chỉ, San Jose
Thời kỳ trước 75, chúng tôi có nghe tiếng Đại tá Vũ Quang, nhưng
không có dịp gặp gỡ. Dù sao ông cũng là niên trường đi trước 2 năm. Ông thuộc họ
Vũ miền Cự Đà, tỉnh Hà Đông. Tôi là họ Vũ, tỉnh Nam Định. Chỉ biết qua loa
thời kỳ đi thuyết trình tại trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Sang đất Mỹ, chúng tôi
cùng làm với ông Vũ Khiêm tại cơ quan IRCC, San Jose. Có nghe nhắc đến ông
Quang lập nghiệp bên Minnesota. Ông Quang là anh ruột Vũ Khiêm.
Mới đây được bác Trịnh Tùng không quân, cũng dân Cự Đà báo tin anh
Quang mất tại San Jose. Như vậy ông Quang chỉ là khách vãng lai, con chim di tản
40 năm trước từ xứ lạnh về Cali trốn tuyết rồi bỗng ở lại đây luôn. Xúc động
trong cảnh chiến binh cao niên lần lượt ra đi, tôi hỏi thăm chị Bạch Tuyết xin
tấm hình để thông báo cho chiến hữu bốn phương. Chị Tuyết giới thiệu qua anh Vũ
Thượng Đôn là vai anh họ. Anh Đôn cho mượn cuốn hồi ký của tác giả kể chuyện đường
đi từ con sông Nhuệ mà sang đến sông Mississippi. Cuốn sách nầy tác giả phát
hành cho gia đình và bằng hữu, không bán.
Đọc hết tác phẩm 237 trang trong 3 giờ. Tôi bị lôi cuốn và phải
khen ngợi tác giả dù đã chậm mất cả tuần. Tôi không ngờ cuộc đời của anh ông Vũ
Khiêm lại hấp dẫn như thế. Bạn Vũ Quang rõ ràng là người có khả năng, có thiện
chí và có thời vận, sau cùng anh bắt nắm được thời vận. Thời vận trong quân đội.
Đời quân ngũ của ông trải qua rất nhiều hoàn cảnh. Xuất thân khóa 6 Võ bị Đà Lạt
giữa lúc chiến tranh Việt Nam diễn tiến khắp các mặt trận. Ngay khi còn là cấp
úy đã tham dự các chiến trường khốc liệt tại Bắc Việt.
Một chi tiết hết sức đặc biệt là Trung úy Quang là Đại đội trưởng Đại
đội trước đó đã từng được chỉ huy bởi Trung úy Bernard de Lattre là con trai của
danh tướng Pháp Jean de Lattre de Tassigny. Bernard đã tử trận tại Ninh Bình.
Anh Quang còn giữ các di vật của Bernard sau trả cho gia đình bên Pháp. Suốt của
đời binh nghiệp, Đại tá Quang đã từng có cơ hội làm việc trực tiếp với các vị
lãnh đạo quốc gia từ Tổng thống Diệm, Tổng thống Thiệu và hầu hết các vị Tướng
lãnh QLVNCH.
Ngoài ra ông cũng có quá nhiều cơ hội sống bên cạnh các biến chuyển
quốc gia đại sự trong suốt 25 nằm dài trong chiến tranh từ Bắc vào Nam. Với lời
văn đơn giản và trong sáng, tác giả kể chuyện đời mình bao gồm quê hương, quân
ngũ, tình yêu,chiến hữu và gia đình hết sức thành thực với niềm tự hào
đáng ghi nhận của một người quân nhân xứng đáng với những danh từ Danh Dự, Tổ
Quốc và Trách Nhiệm.
Tôi mong rằng tác phẩm này nên có dịp phổ biến rộng rãi hơn để các
độc giả biết rõ về người viễn khách đã chợt một lần nằm lại San Jose.
Tôi viết bài này để tưởng nhớ cả người anh lẫn người em: Ông Đốc phủ
sứ Vũ Khiêm của IRCC, San Jose và ông Đại tá Vũ Quang của Ngày Nay
Minnesota.
Xin chia buồn cùng chị Bạch
Tuyết và tang gia. Phải mà tôi được đọc sách của anh năm trước, đã có dịp ghé lại
nói chuyện nhiều hơn. Rất tiếc. Thôi cũng đành. Tôi biết anh đi chẳng trở về.
Vũ văn Lộc,
(Trại Trần Hưng Đạo,
TTM).
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết