Thach Lam by Dinh
Cuong<http://www.thoibao.com/images/stories/July_13_TH/Thach_Lam_by_Dinh_Cuong.jpg>
Bố tôi: THẠCH LAM
Tường Nhung
Ngày bố tôi mất, tôi lên 6 tuổi, em kế tôi 3 tuổi và em
út mới sanh được 3 ngày. Cả hai em tôi đều là trai. Bố tôi bị lao phổi, vì thời
gian đó làm việc quá sức. Một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết
bài, viết truyện.
Bố tôi bị bịnh nằm nhà đã mấy tháng, nhưng vẫn tỉnh táo,
ngay <http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=168795&zoneid=271> trước khi mất vài tiếng đồng hồ cũng vẫn tỉnh...
thấy bố tôi đau lâu mà không bớt, bà nội và cô tôi đi coi bói về bịnh trạng của
bố tôi. Thầy bói nói sợ bố tôi không qua khỏi, nhưng sau khi ông bấm số của mẹ
tôi. Mẹ tôi lúc đó đang mang thai người em út gần đến ngày sinh. Ông bảo:
“Nếu bà sinh con gái thì nên làm tiệc lớn ăn mừng, còn nếu
con trai thì nên lo trước việc tang <http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=168795&zoneid=271> lễ, vì đứa con trai này khắc cha mẹ và anh chị
em nữa.” Tuy bà và cô tôi không tin hẳn lời của ông thầy bói, vì bố tôi vẫn còn
tỉnh táo lắm, nhưng cả hai đều rất lo lắng. Rồi ngày sinh em của mẹ đã đến. Khi
biết là con trai thì bà và cô tôi khóc rất nhiều. Mọi người giấu mẹ tôi vì chuyện
đó. Mẹ ở nhà thương được hai ngày thì tối ấy bố tôi hơi trở bịnh mệt hơn. sáng
sớm ngày thứ ba thì bà tôi cho người đến đón mẹ về vì muốn bố tôi thấy mặt em
tôi. Lúc ấy bà phải nói cho mẹ tôi biết về lời thầy bói nói. Thế là cả ba đều
khóc, phải xuống dưới bếp khóc vì sợ động đến bố tôi. Người nào mắt cũng đỏ hoe
<http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=168795&zoneid=271>
. Mẹ tôi bế em tôi vào để bố nhìn mặt. Bố tôi bảo đỡ dậy để nhìn em cho rõ hơn.
Bố tôi ngắm nghía em rồi khen thằng bé kháu khỉnh và khỏe mạnh rồi quay qua mẹ
tôi mắng nhẹ, sao lại bế con về nhà sớm vậy, mới sinh nở còn non nớt, sức khỏe
còn yếu, phải nằm lại nhà thương một tuần lễ chứ. Thế là mẹ tôi không cầm lòng
được nữa, khóc nức nở. Bố tôi cau mày và nói, tôi đã chết đâu mà khóc.
Ðến trưa bố tôi tỉnh dậy và đòi ăn na, thứ na bở mùi thơm
ngào ngạt mà bố tôi thích nhất. Ngoài na ra bố tôi còn thích ăn dưa hồng và dưa
gang, các thứ dưa đó khi chín cũng tỏa ra một mùi thơm thật nhẹ nhàng. Ăn được
một vài miếng thì bố tôi lại đuối sức mệt lả, người nhà vội đỡ bố tôi nằm xuống
và bố tôi bắt đầu thiếp dần. Chiều đến thì chú Bảy tôi đến thăm, chú đã ngồi lại
trong phòng bố tôi rất lâu. Khi chú Bảy tôi đẩy cửa bước ra thì mọi người trong
nhà đều nhìn chú bảy tôi bằng ánh mắt chờ đợi một hy vọng may mắn do chú tôi
đem lại, vì lúc ấy chú Bảy tôi đã đậu xong bằng bác sĩ cho nên chú biết rất rõ
về bệnh trạng của bố tôi. Chú bước ra và đi rất vội vàng không nhìn ai cả. Có
nhẽ chú sợ làm cho mọi người ruột thịt trong nhà mất hết niềm hy vọng đã đặt
vào chú là chú có thể chữa khỏi bệnh cho bố tôi. Vẻ mặt đau buồn và cặp mắt đỏ
hoe của chú đã nói lên được sự sắp sửa ra đi của bố tôi. Cho nên chú chỉ nói một
câu tiếng Tây ý nghĩa là bệnh của bố tôi không khỏi được và sự ra đi vĩnh viễn
của bố tôi cũng gần đến. vài giờ sau đó thì bố tôi tắt thở.
Ngày đưa đám bố, tôi được ngồi chung xe kéo với mẹ tôi.
Trước giờ đưa đám, bà vú bắt tôi mặc áo tang may bằng vải sô thô sơ, lại có dây
bằng gai thắt ngang bụng, lại thêm cái mũ mấn chụp vào đầu, kéo miếng vải ở
phía trước chụp xuống mắt thì chỉ còn nhìn thấy hai bàn chân mình mà thôi. Tuy
còn nhỏ nhưng có lẽ tôi cảm nhận được sự đau buồn qua chiếc áo tang hay có nhẽ
vì trông chiếc áo và mũ đó quá xấu và kỳ dị mà tôi chưa thấy bao giờ, cho nên
tôi đã khóc và trốn vào trong tủ áo nhất định không chịu mặc khi đưa đám bố
tôi.
Chiếc xe tang có bốn con ngựa kéo, ngựa được phủ cái
choàng màu đen có viền ren trắng, kéo theo chiếc quan tài được phủ bằng nhung
đen chung quanh có tua, bốn góc của chiếc xe tang có bốn người thân tay cầm mỗi
người một sợi dây từ bốn góc của chiếc quan tài đi chậm chậm theo xe tang. Mẹ
tôi mặc áo tang may bằng vải sô, buộc ngang lưng bằng dây gai, đầu đội mụ mấn,
tóc xõa ngang lưng, chẳng nhìn thấy mặt mẹ tôi đâu cả. Lúc ấy mẹ tôi mới ngoài
30 tuổi. Bố tôi chết đi để lại cho mẹ tôi 3 đứa con còn quá nhỏ dại, về vật chất
thì chẳng có gì, ngoài những cuốn truyện, tiểu thuyết ngắn, dài mà sau này khi
chúng tôi khôn lớn, đó là một gia tài vô cùng quý giá và là một niềm hãnh diện
cho chúng tôi. Không biết mẹ tôi lúc ấy nghĩ gì và đau buồn ra sao, nhưng tôi
chắc mẹ tôi đã đau buồn đến cực độ. (Tôi sẽ viết về mẹ tôi vào một dịp khác.)
Khi quan tài hạ huyệt thật là thảm thiết, bà, cô chú Bảy
cùng bạn bè thân thiết của bố tôi, ai nấy đều quá đau lòng thương tiếc người ra
đi còn quá trẻ, khi nhìn cảnh mẹ tôi cứ khóc ngất đi và không còn nói ra lời nữa.
Tôi thì cứ nhìn mọi người khóc rồi cũng khóc theo luôn. Em kế tôi khi nhìn thấy
có bát cơm đầy, trên có cắm đôi đũa vông và có hai cái trứng gà luộc thì chỉ
tay và đòi ăn. Chị em chúng tôi nào đã biết được sự chia ly chết chóc như thế
nào đâu.
Tôi còn nhớ rất rõ về hình dạng của bố tôi, bố tôi rất
cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Bố tôi hay mặc bộ vét màu kem nhạt
may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giầy tây, lúc nào cũng
bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp, bố tôi rất ngăn
nắp thứ tự và rất quý sách. Bố tôi có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất
ngăn nắp. Có một lần cô Năm tôi sang thăm, cô tôi có dẫn theo hai người con
trai đang ở tuổi nghịch phá, và họ đã vào phòng sách và lục sách của bố tôi. Bố
tôi nói ngay với cô tôi: “Lần sau chị đến thăm em thì chị đến một mình, đừng
dân theo mấy cháu nữa.” Cô tôi đã quá quen thuộc với tính nói thẳng của bố tôi
cho nên không bao giờ giận bố tôi cả. Ngày bác Ba tôi có người con bị chết, bác
Tư gái không đến chia buồn được, cô tôi nói với bố tôi về chuyện đó, bố tôi bảo:
“Nếu chị Tư không đến đưa đám con chị Ba thì khi nào con chị Tư chết thì chị Ba
cũng không phải đến.” Tuy cô tôi đang buồn về việc cháu mất cũng phải phì cười
vì câu nói của bố tôi. Cô chỉ lầm thầm một mình: “Ai mà muốn con mình chết bao
giờ.” Cô tôi và bố tôi rất thân và thương nhau vì lúc nhỏ khi các bác tôi đi học
ở xa nhà chỉ còn có ba chị em mà chú Bảy thì lại còn nhỏ, bố tôi chỉ kém cô tôi
có một tuổi. Khi cô tôi đi lấy chồng, bà tôi cũng bắt đầu ngấm nghé vợ cho bố
tôi.
Bà rất ưng ý một cô con của bà bạn thân, nhà rất khá giả
và cô cũng đẹp. Bà cô có đánh tiếng và nhà gái bằng lòng chỉ chờ bố tôi đi xem
mặt. Bà tôi thúc giục bố tôi mấy lần, nhưng lần nào bố tôi cũng tìm cách từ chối
khéo, giằng dưa mãi cả gần năm trời, nhà gái thấy bố tôi vẫn chưa động tĩnh gì
bèn nhờ người sang dò hỏi bà tôi một lần chót để bà quyết định vì có người khác
muốn đi hỏi cưới cô con gái bà. Bố tôi biết tin ấy bèn thưa với bà tôi là: “Mẹ
bảo cô ấy đi lấy chồng đi.” Thế là từ đó bà tôi không đả động gì đến chuyện cưới
vợ cho bố tôi nữa. Khi gặp mẹ tôi, bố mẹ tôi đã yêu thương nhau ngay. Bố tôi về
thưa chuyện với bà tôi để cưới mẹ tuy lúc đầu bà có hơi ngần ngại vì chưa biết
mặt mẹ tôi và gia thế như thế nào. Bà và cô tôi có bàn với nhau về chuyện đó,
nhưng bà tôi biết tính của bố tôi, khi đã quyết định chuyện gì thì khó có ai mà
lay chuyển đổi ý được, phần nữa tính của bố tôi rất khó chiều. sau cùng bà và
cô tôi đã chấp nhận mẹ, tôi rất vui vẻ, bà và cô tôi nói với nhau “thế là từ
nay mọi chuyện của bố tôi đã có mẹ tôi gánh lấy, mẹ con mình được thảnh thơi”.
Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi, bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và
rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố
tôi và tôn trong tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi
buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha.
Cà phê mua thứ thượng hạng nguyên hột đem về nhà xay lấy.
Khi bố tôi vừa ở tòa soạn về thì đã có sẵn một chậu nước nóng ấm và một cái
khăn mặt để sẵn để bố tôi lau mặt. Thay quần áo ra, sau khi tắm xong thì cơm nước
đã dọn sẵn. Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm
cảnh, tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp
tình nhân họ chèo thật chạm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âm yếm.
Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố
tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình, mẹ tôi rất thích được nghe
bố tôi nói chuyện đó là những giây phút sung sướng của mẹ tôi.
Bố tôi viết văn, viết báo, và có nhà in riêng do một nhóm
anh em và bạn bè chung vốn, bố tôi rất bận rộn với công việc. Sáng sớm đã rời
nhà để lên tòa soạn làm việc, chiều mới vè. Khi về, bố tôi đi tắm thay bộ áo ngủ,
trong lúc bố tôi tắm thì mẹ tôi đã sửa soạn bữa ăn tối, thức ăn bố tôi không
đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh
khiết, sạch sẽ, và bày cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như
canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm
hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã
dọn ăn ngày hôm trước. Có một lần mẹ tôi kho một nồi cá thật công phu định để
làm món mặn ăn mấy ngày. Ngày đầu dọn cá kho ra bố tôi thích lắm vừa ăn vừa khen
và ăn hết gần một khúc cá kho. Qua ngày hôm sau mẹ tôi lại dọn cá kho ra nữa bố
tôi hỏi mẹ tôi “Cá này là cá gỗ phải không?” và không đụng đũa vào dĩa cá nữa
nên từ đó trở đi không bao giờ mẹ tôi dọn thức ăn đã ăn ngày hôm trước nữa. Nhà
cửa thì lúc nào cũng phải sạch sẽ gọn gàng. Trước giờ bố tôi về, mẹ tôi luôn
coi lại nhà cửa tuy lúc nào cũng dọn dẹp cho sạch rồi nhưng nhà có trẻ con thì
không thể giữ được gọn gàng như ý muốn. Chỉ một chiếc guốc hay dép hoặc đồ chơi
của trẻ con vứt ở giữa nhà thì cả nhà bị mắng ngay. Bố tôi rất khó tính và ít
khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo
xe cho bố tôi đi làm hàng ngày nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội
nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ
mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm, anh phu
xe chẳng mất khi được kéo xe cho bố tôi cả, quanh quẩn ở nhà phụ việc lặt vặt với
mẹ tôi.
Bố tôi rất yêu tôi, tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi
cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết
của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ
màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật
đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy
ra cho tôi một cái, chỉ mt cái thôi không bao giờ bố tôi cho thêm, tôi biết như
vậy nên cũng không bao giờ dám xin thêm. Tôi ăn viên kẹo đó thật chậm, chỉ ngậm
chứ không dám nhau, khi chất ngọt của kẹo đã tàn gần hết bên trong có một hạt hạnh
nhân tôi cắn tan và nhau thật kỹ, vừa ròn vừa bùi.
Ngày tôi còn bé bố tôi bảo mẹ may một cái yếm dãi cho tôi
lúc nào cũng đeo ở trước ngực có thêu chữ “Ðừng hôn tôi”. Chắc bố tôi sợ mọi
người thấy tôi mũm mĩm dễ thương thì hay hôn lên má tôi như vậy không vệ sinh
và có thể lây bệnh. Khi trời trở lạnh mẹ tôi nói để mua mũ cho tôi đội thì bố
tôi bảo tóc con nó dầy và đen nhanh không cần đội mũ trông xấu xí. Khi mẹ tôi
có thai tôi thì bố đã chọn tên sẵn con đầu lòng thì đặt là Bạch kế là Ðằng rồi
Giang, lấy tên một dòng sông. Ðến khi tôi chào đời là gái bố tôi ngại khi lớn
lên tôi đen đúa cho nên đổi tên khác cho tôi, nhưng sau vẫn giữ hai tên đã chọn
sẵn cho hai em tôi. Có lẽ cũng là số mệnh đã định sẵn cho nên bố tôi đã chị chọn
có ba tên.
Bố tôi không thích tiếp khách ở nhà, ngay cả bạn thân
cũng vậy. Chỉ có chú Ðinh Hùng và bác Thế thỉnh thoảng đến có một lần. Chú Ðinh
Hùng có lần uống rượu say nôn mửa tung tóe, mẹ tôi lấy vôi rồi bôi vào gan bàn
chân của chú. Chủ trẻ hơn bố tôi vài tuổi, người thấp và bé nhỏ, tóc để dài và
chải ngược về phía sau và lúc nào cũng bôi brillantine bóng mướt.
Khi còn sinh thời (sống) bố mẹ tôi ở tại đầu làng Yên Phụ
trong một căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nhà ở ngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ,
tàn liễu xà xuống gần mặt nước hồ có cái cầu bằng gỗ đưa ngoài xa. Tôi hay ra cầu
đó ngồi thả đôi chân xuống nước rồi đung đưa đôi chân dưới lần nước thật mát.
Ðường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ, trên đường đi chỗ nào cũng nhìn
thất nước hồ, đi qua một cái đình lớn là tới nhà bố tôi. Ði sâu vào trong làng
rất đẹp, hai bên là những dàn hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng
phẳng khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh, ăn
thì thật thơm và ngọt. Trừ một vài gia đình từ xa đến ở thuê phần đông làng Yên
Phụ sống bằng nghề trồng hoa, đủ các loại từ thược dược tím, đỏ, tía, cúc vạn
thọ, vàng ươn, đại đóa vàng mơn, lay ơn trắng hồng, huệ trắng thơm ngào ngạt,
v.v... Buổi sáng sớm các tay buôn hoa từ các nơi đều đến vườn hoa để mua buôn về
bán lẻ lại tại chợ hoa và các chợ trong thành phố. Một số gia đình có đông người
thì họ tự cắt hoa rồi đem ra chợ bán như vậy họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Sau khi bố tôi mất, bà nội tôi đã đón mẹ tôi và chị em chúng tôi về lại Cẩm
Giang ở với bà. Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa.
Thấm thoát bố tôi đã ra đi hơn chục năm rồi, hàng năm đến
ngày giỗ bố khi mẹ tôi còn sống năm nào bà cũng làm giỗ thật trang trọng dù lúc
đó nhà nghèo bà cũng xoay xở để có đủ tiền mua gà, vịt, xôi chè, và các thứ cần
thiết cho việc cúng bái, nhất là hoa sen và hoa cẩm chướng hai thứ hoa mà bố
tôi thích nhất và thạch trắng thái nhuyễn thả vào trong chén nước đường có thả
hoa nhài màu thạch long lanh trông như nhưng mảnh vụn thủy tinh và mùi thơn của
hoa nhài, cộng thêm mùi trầm hương của cúng tỏa ra từ trên bàn thờ, tôi có cảm
tưởng qua làn khói mỏng đó, bố tôi đã hưởng được và ẩn hiện đâu đây để vui cùng
con cháu. Mẹ tôi mất cũng đã hơn hai chục năm qua, chị em chúng tôi cũng vẫn
cúng giỗ bố tôi y như hồi mẹ tôi còn sống, năm nào cũng có cô tôi và các cháu của
bố tôi tham dự. Năm nay lại sắp đến ngày giỗ của bố tôi, tôi viết bài này để
dâng lên hương hồn của bố tôi và để tưởng niệm một nhà văn đã được khen là người
viết truyện ngắn hay nhất của đầu thế kỷ thứ 20.
(Tác giả bài viết là Ái nữ nhà văn Thạch Lam và cũng là
Phu nhân cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng) ~~~~~~~~~~~~
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết