TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG
VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC
TRONG MÙA HÈ 1972
**!**
VĂN NGUYÊN DƯỠNG
1. QUÂN ĐOÀN III & VÙNG 3 CHIẾN THUẬT
VỚI
TƯỚNG ĐỖ CAO TRÍ VÀ TƯỚNG NGUYỄN
VĂN MINH
Trung tướng Nguyễn văn Minh nhận chức vụ
Tư lệnh Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật (QĐIII & V3CT)
sau khi vị tướng lãnh lỗi lạc nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa
(QLVNCH) Trung tướng Đỗ Cao Trí, tử nạn trực thăng trên không phận tỉnh
lỵ Tây Ninh vào ngày 23 tháng 2, năm 1971.
Trước đó ở cả bốn Vùng Chiến
Thuật, QLVNCH đã mở những cuộc hành quân sâu vào căn cứ địa của lực
lượng Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào và
truy diệt chúng xa hơn vào lãnh thổ Miên và Lào. (Về lý do vì sao
QLVNCH tổ chức các cuộc hành quân vượt biên sang Cao Miên và Lào, sẽ
trình bày trong một dịp khác, hoặc xin mời đọc “The Tragedy of The
Vietnam War” của tôi, ở tiểu mục “A Controversal Escalation of the War in
Indochina”, do McFarland xuất bản tháng 9, 2008, từ trang 135 đến 141).
Lực lượng hành quân QĐ III & V3CT của Tướng Đỗ Cao Trí
đạt thành quả lớn lao nhất. Từ tháng 4, 1970, đã đánh bạt Sư đoàn
Công trường 7 CSBV (SĐ-7/CSBV) và Sư đoàn Công Trường 9 Cộng Sản của
TWC/MN (SĐ-9/CS) ra khỏi các căn cứ địa quan trọng Lưỡi Câu, ở biên
giới tây bắc Bình Long và Mỏ Vẹt ở biên giới tây nam Tây Ninh, đồng
thời phá tan các căn cứ hậu cần lớn, nhỏ, của Trung Ương Cục Miền
Nam (TWC/MN) cơ quan chính trị và quân sự đầu não của CSBV ở Nam Việt
Nam; hạ hơn 11,000 quân CSBV, bắt hơn 2,200 tù binh và thu hoặc phá
hủy hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị và
hậu cần của chúng. Sư đoàn Công trường 5
Cộng Sản của TWC/MN (SĐ-5/CS) lúc đó đã rút sang Cao Miên hoạt động
bên ngoài biên giới Kiến Phong và đang là mục tiêu của QĐIV & V4CT.
Ở mặt trận phía bắc,
dọc Liên Quốc lộ 7, các chiến đoàn QĐIII & V3CT vượt qua các đồn
điền cao-su Mimot, Krek và Chup, đến tận Tonle-Bet đông ngạn Sông Mékong
ngang thành phố Kampong-Cham -nơi trú đóng Bộ Tham Mưu Quân Khu I của
Tướng Fan Muong thuộc Quân lực Quốc gia Cao Miên (Forces Armées Nationales
Khmères -FANK). Ở mặt trận phía nam, trên Liên Quốc lộ 1, các chiến
đoàn khác của Tướng Trí cũng tiến đến bên ngoài thành phố Sway-Riêng
yểm trợ cho các đơn vị của Đại tá Dap Duon, Tỉnh trưởng của tỉnh
phía đông Cao Miên này, giáp với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam.
Suốt
trong gần một năm hiện diện trên lãnh thổ Miên, QLVNCH đã liên lạc với
chính quyền quân sự Cao Miên, đưa khoảng trên dưới vài chục nghìn đồng
bào Việt Nam ở đó trở về nước. Chính Tướng Đỗ Cao Trí đã làm
việc này. Nỗi bận tâm của Trung tướng trong các cuộc Hành quân Toàn
Thắng trên lãnh thổ Miên không chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng CSBV và
các căn cứ hậu cần quan trọng của chúng ở biên giới Miên, hay chỉ để
yểm trợ cho lực lượng quân đội non yếu của Tướng Lon Nol (Ông này là
Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Miên, vừa làm cuộc đảo chính lật đổ
Norodom Sihanouk trong tháng 3, 1970, khi Sihanouk công du nước ngoài) nhưng
còn để giải thoát hàng chục nghìn Việt kiều bị chính quyền địa
phương của chính phủ Lon Nol nghi ngờ là Việt Cộng, bắt giam giữ.
Trung tuần tháng 4, 1970, tôi được Trung tướng Trí cử sang làm Sĩ quan
Liên lạc ở Tỉnh Sway-Riêng thay thế Đại tá Lê Đạt Công lúc đó là
Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT. Tôi nhận rõ chỉ thị và hiểu rõ mối
quan tâm của Trung tướng Trí về vấn đề Viêt kiều ở Miên. Vì vậy, khi
biết nhu cầu cần được yểm trợ của Đại tá Đap Duon, Tỉnh trưởng
Sway-Riêng, và sau khi thoả mãn được vài điều khá quan trọng, việc
đầu tiên của tôi là yêu cầu Đại tá Đap Duon đưa đến thăm viếng số
đồng bào chừng hai nghìn người bị chính quyền Miên tập trung giam giữ
ở Trường Tiểu học tỉnh lỵ. Trước cổng Trường này, tôi hứa với đại
diện Việt kiều nạn nhân ở đó là sẽ trình nguyện vọng muốn về nước
của đồng bào lên Tướng Trí, Tư lệnh QĐIII & V3CT. Tôi đã làm như
đã hứa.
Trong tháng 5, 1970, khi được Tướng Trí uỷ thác sang Kompong-Cham làm Sĩ
quan Liên lạc ở Bộ Tư lệnh Quân khu I Cao Miên của Tướng Fan Muong, với
một toán trên mười sĩ quan, hạ sĩ quan Phòng 2, Phòng 3, và Truyền
tin của QĐIII & V3CT. Ở Komgpong-Cham, tôi cũng yều cầu Trung tá Ly
Tai Sun, Tư lệnh phó của Fan Muong, nhất định phải đưa tôi đi xem nơi
đồng bào Việt Nam bị họ bắt giam giữ. Hơn vài nghìn Việt
kiều, kể cả đàn bà và trẻ con, chen chúc dưới các đường giao
thông hào khá sâu và rộng --mà người Pháp gọi là tranchées-- trong
khuôn viên chiếc sân rộng lớn của Bộ Tư lệnh Quân Khu trong thành phố.
Việc nầy chỉ diễn ra vào buổi sáng sau khi tôi đã yêu cầu Tướng Trí
cho Không Quân Việt Nam (KQVN), đánh giải tỏa Bộ Tư lệnh Quân Khu I, bị
Tiểu Đoàn J-16 Đặc công và các đơn vị chính qui của CSVN tấn công và
bao vây từ đêm trước. Khi chỉ vào nhóm Viêt kiều bị giam giữ dưới các
giao thông hào đó, Ly Tai Sun nói với tôi bằng tiếng Việt: -“Nếu hôm
nay Ông không gọi được KQVN đánh giải cứu chúng tôi, thì số người nầy
sẽ bị bắn hết.” Đó là nguyên văn câu nói của tên Trung tá nầy. Từ
ngày toán Liên lạc của chúng tôi đến Kompong-Cham, tôi tiếp xúc với
Thiếu tá John Fernandez Tham Mưu trưởng, Ly Tai Sun Tư lệnh phó và Tướng
Tư lệnh Fan Muong bằng tiếng Pháp, vì tôi không biết tiếng Miên, tôi
chưa hề nghe các Sĩ quan Miên này nói một câu tiếng Việt nào. Đột
nhiên nghe Ly Tai Sun bật lên câu nói ghê tởm đó, tôi nói với hắn, “Thì
ra Ông là người Việt Nam, họ Lý. Ông nói vậy có nghĩa là các Ông sẽ
giết hết số Việt kiều nầy và cả toán Liên lạc của chúng tôi, đúng
không? Hắn cười. Tôi nói tiếp: “Chắc là Ông chưa lường được hậu quả
lớn lao sau nầy.” Lý Tài Sun, hay Lý Đại Sơn -tên thật của Sun- không
nói gì thêm. Tức tốc, tôi vào gặp Tướng Fan Muong nói việc Ly Tai Sun
và tôi gửi mật điện trình mọi việc với Tướng Trí. Ngay buổi trưa
đó, Trung tướng cho trực thăng, kèm theo quân Dù, đón toán Liên lạc
chúng tôi về Biên Hòa. Có lẽ sau đó Tướng Fan Muong điện xin lỗi Trung
tướng Trí. Dĩ nhiên vấn đề chính phải là chuyện giải quyết số phận
của hàng chục ngàn Việt kiều bị chính quyền Miên giam giữ từ mấy
tháng trước đó khi quân CSBV phối hợp với các đơn vị Cộng sản Miên
tấn công các thành phố Miên và tạo vòng đai bao vây Thủ đô Phnom Penh
của Chính quyền Lon Nol. Mấy ngày sau, Thiếu tá Nguyễn văn Lý của Phòng
2 QĐIII và một toán Liên lạc khác được đưa trở lại Kompong-Cham. Không
lâu sau đó Đại tá Trần văn Tư thay thế Thiếu tá Lý.
Trong tháng 5 đó, vấn đề nội bộ ở cấp
cao giữa Trung tướng Đỗ Cao Trí và Tổng thống Nguyễn văn Thiệu hay
Chính phủ VNCH, hay vấn đề ngoại giao giữa Viêt Nam và Cao Miên diễn ra
thế nào tôi không ̣được biết, nhưng các cuộc hành quân thủy, bộ, của
QĐIII và QĐIV đã diễn ra, đón đưa nhiều chục nghìn Việt kiều ở Miên về
nước trong các tháng 5, 6 và 7, 1970. Lúc đó tôi tiếp tục phục
vụ ở Phòng 2 QĐIII & V3CT, dưới quyền Đại tá Lê Đạt Công, khi
ở Biên hòa, khi ở Hiếu Thiện, rồi Tây ninh, luân phiên thay thế ông về
tình báo chiển trường cho đến ngày Trung Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn.
Từ ngày Trung tướng Nguyễn văn Minh về
thay thế nắm quyền Tư lệnh, nhất là sau tang lễ trọng thể của cố
Đại tướng Đỗ Cao Trí, tình hình ngoại biên và trong nội địa Quân
đoàn III & V3CT có nhiều thay đổi lớn vì hai lý do:
Thứ nhất: CSBV tăng
cường đáng kể lực lượng của họ ở các mặt trận Lào và Miên
với những cuộc phản công dữ dội ở Tchépone và suốt dọc Đường 9 đến
biên giới Khe Sanh, cũng như các cuộc phản công ở Đường 7, từ các đồn
điền cao su Chup, Mimot đến biên giới Việt-Miên, vùng Lưỡi Câu và Mõ
Vẹt. Chiến đoàn 8 của Sư đoàn 5 Bộ binh (SĐ5BB) cũng tổn thất nặng
và rút khỏi Thị trấn Snoul của Miên trong cuối tháng 5, 1971.
Địa điểm duy nhất của Quân đoàn III còn duy trì trên lãnh
thổ Miên là căn cứ hỗn hợp Việt-Mỹ ở Thị trấn Krek, giao điểm giữa
đường 7 và đường 22 đổ vào nội địa tỉnh Tây Ninh và cách biên giới
chừng 12 km.
Thứ hai: Trung tướng Nguyễn văn Minh tánh người ôn
nhu, chuộng phòng thủ hơn tấn công. Ông không phải là một hổ tướng như
Đại tướng Trí, nhưng là một túc tướng (tôi sẽ trình bài ở phần
sau). Hơn nữa, cục diện chiến trường đã thay đổi sau cuộc Hành quân
Lam sơn 719 ở Hạ Lào. Tướng Minh lâm vào tình trạng bất cập, khó khăn
trong vấn đề chỉ huy. Ông xuất thân Khóa IV Trường Võ bị Liên quân
Dalat, trong khi hai vị tư lệnh sư đoàn dưới quyền đều thuộc khóa đàn
anh. Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu, Tư lệnh SĐ5BB và Thiếu tướng Lâm
Quang Thơ, Tư lệnh SĐ18BB, cùng xuất thân Khóa III . Sau
trận rút lui khỏi Snoul của Chiến đoàn 8, SĐ5BB, Tướng Hiếu được trao
phó trọng trách khác. Đại tá Lê văn Hưng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu
trưởng Cần Thơ, được Tướng Minh đề nghị thay thế Tướng Hiếu làm Tư
lệnh SĐ5BB. Ít lâu sau, Tướng Lâm Quang Thơ cũng được Đại tá Lê Minh
Đảo thay thế.
Tuần
lễ đầu tháng 6, 1971, tôi được lệnh thuyết trình tình hình các đại
đơn vị địch trong lãnh thổ và ngoại biên -mà QĐIII & V3CT phải
đương đầu- cho Đại tá Lê văn Hưng, tân Tư lệnh SĐ5BB. Nội dung bài
thuyết trình không khác gì nhiều so với nhưng gì tôi viết trên đây. Dĩ
nhiên là không có phần nói về các vị Tướng Tư lệnh Trí, Minh, Hiếu
và Thơ. Tôi nóí về tình hình của các đại đơn vị CSBV và TWC/MN đang
hoạt động ở biên giới Việt Miên sau khi QLVNCH rút ra gần hết khỏi
lãnh thổ Miên, chỉ còn duy trì cứ điểm cuối cùng ở Krek. Tôi trình
bày rõ về qui luật tác chiến, quân số, trang bị, vùng hoạt động của
từng đại đơn vị CSBV & TWC/MN theo trận liệt và tin tức mới nhất
mà chúng tôi có được. Sau cùng là phần ước tính về hoạt động của
các đại đơn vị nầy và chủ trương của TWC/MN trong thời gian tới. Tôi
cho rằng nên giải tỏa áp lực địch có khuynh hướng tập trung để dứt
điểm căn cứ Krek vì lúc đó chúng tôi ghi nhận TWC/MN đang hiện diện
trong vùng Snoul, và các căn cứ hậu cần của chúng đang hoạt động trở
lại ở vùng biên giới Bình Long và Tây Ninh. Đây là bài thuyết trình
thường lệ ở cấp Vùng Chiết Thuật (là cấp Quân Khu cũ) về “tình
hình địch”. Hình như Đại tá Hưng nghe rất rõ, không hỏi một câu nào.
Ngược lại, khi bài thuyết trình vừa chấm dứt, Đại tá Hưng quay sang
Trung tướng Minh, và nói: -“Thưa Trung tướng, Dưỡng là bạn cùng Khóa,
cùng Trung đội với tôi.” Sau đó, ông đứng lên và bước thẳng đến bục
thuyết trình bắt tay, ôm lấy tôi. Đó là dấu hiệu thân thiện đầu tiên
khi gặp lại sau hơn 15 năm kể từ khi tốt nghiệp và rời Quân trường
Thủ Đức vào tháng 1, năm 1955. Ngày ra trường, chúng tôi đều mang cấp
bậc Thiếu uý. Ở buổi thuyết trình nầy, tôi chỉ là một Thiếu tá,
nhân viên của một Phòng 2 Quân đoàn, còn ông là Đại tá, một tân Tư
lệnh của một sư đoàn. Địa vị trong quân đội cách xa nhau nhiều lắm!
2. TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ TÔI
Tổng số Sinh viên Sĩ quan Khóa V, Vì Dân,
trên 1,300 người, kể cả hai đại đội bộ binh gửi thụ huấn ở Liên
trường Võ bị Liên Quân Dalat. Đại đa số SVSQ được gọi nhâp ngũ và đưa
đến Trường SQTB Thủ Đức trong tháng 5, năm 1954. Ông Hưng và tôi được
xếp vào Trung đội 8 của Thiếu uý Nguyễn Hưng Chiêu, thuộc Đại đội 2
Bộ binh, cùng ở chung phòng hỗn hợp (salle mixe) với Trung đội 7 của
Trung uý Lê văn Sỹ. Ở phòng chung nầy, Trung đội 7 có 12 sinh viên và
Trung đội 8 cũng có một số sinh viên như vậy. Còn phòng chính của
mỗi Trung đội gồm 24 sinh viên nằm kế cận hai bên phòng mixe nầy.
Khóa nầy, tại Thủ Đức có hai đại
đội bộ binh và sáu đại đội chuyên ngành như Pháo binh, Trọng pháo,
Thiết giáp, Công binh, Truyền tin, Hành Chánh Quân Nhu v.v... Đại đội I
Bộ binh gồm các Trung đội 1, 2, 3 và 4; Đại đội II Bộ binh gồm
các Trung đội 5, 6, 7 và 8. Trung đội 8 của chúng tôi có 36 sinh viên,
mà ngày nay tôi còn nhớ tên trên hơn ba mươi bạn. Trung đội 8, Đại đội
II Bộ binh của Thiếu uý Nguyễn Hưng Chiêu có thể là Trung đội SVSQ
tạo được hai kỳ tích là đã cho ra trường một Thủ khoa và một sĩ
quan sau đó trở thành Tướng lãnh duy nhất cho toàn khoá, danh tiếng
lẫy lừng.Vị tướng lãnh này là Lê văn Hưng, người Quận Hóc Môn, Tỉnh
Gia Định. Ông là một trong 5 vị Tướng tuẫn tiết ngày 30, tháng 4 đen,
năm 1975. SVSQ Lê văn Hưng lúc đó thỉnh thoảng đôi mắt thoáng
nháy nhẹ một lần như khi đã làm tướng. Thường ngày, lúc nghỉ ngơi
trong phòng, Hưng thường mặc chiếc sa-rong của người Miên, màu đỏ sọc
xanh đen, ở trần không mặc áo, cổ đeo một giây chuyền vàng mang một
nanh heo rừng nhỏ. Hưng rất ít nói, nhưng dễ mến vì lúc nào gặp ai
cũng cười; nụ cười dễ gây thiện cảm và theo tôi nghĩ, dễ làm xiêu
lòng các người đẹp. Nước da ngâm, nhưng cao lớn và đẹp trai theo lối
một người hùng hơn là một thư sinh. Lúc đó anh đã lập gia đình. Khi
gần hết giai đoạn I, nhất là sau khi đã được mang Alpha --biểu trưng
của SVSQ-- cứ mỗi hai tuần sinh viên được đi phép 24 giờ về thăm gia
đình. Như vậy mỗi trung đội 36 sinh viên, thì một nửa đi phép, một
nửa khác lưu trại. Tôi thuộc toán được đi phép hay lưu trại chung với
anh Hưng.
Trong đời, đôi khi ta gặp những hoàn cảnh chạnh lòng. Khi bước chân
vào Quân trường Thủ Đức tôi đã mang nỗi buồn riêng, tủi cho thân phận
mình. Không biết nói cùng ai. Lúc đó tôi là một cậu học trò, độc
thân, gia đình nghèo.Tôi nhập trường vào tháng 5, đến tháng 7, 1954,
sau Hiệp định Genève, đất nước chia đôi. Thị trấn Càmau nhỏ bé thân
thương của tôi biến thành nơi tập trung của các lực lượng vũ trang bộ
đội và du kích Việt Minh trong nhiều tháng, trước khi họ tập kết ra
miền Bắc. Cha và anh tôi là tiểu công chức phải rời Càmau lên tỉnh
lỵ Bạc liêu làm việc; gia đình ăn ở tạm bợ, nghèo khó. Với số lương
tháng ít oi của một SVSQ tôi phải gởi bớt về giúp thêm cho cha mẹ,
đứa em gái còn đi học, người chị quả phụ và hai đứa cháu cô nhi.
Ngày thường, nhất là khi tập ở ngoài bãi, tôi lấy thêm phần ăn sáng
mà các bạn cùng bàn không đến ăn, thường là bánh mì với mấy thỏi
chocolate hoặc fromage đầu bò --ở Nhà Ăn Sinh viên-- mang theo để ăn trong
buổi giải lao, trong khi các bạn sinh viên khác bao quanh các gánh bán
thức ăn hàng rong ở các bãi tập đó. Buổi chiều, khi ăn cơm xong, tôi
thường mang về một ga-men (gamelle) cơm trắng để đến tối trong khi các
bạn đi ăn uống ở các Câu lạc bộ Sinh viên hay ở những gánh hàng rong
đủ loại thức ăn mà vợ con binh sĩ ở trại gia binh mang đến tận hành
lang ngoài phòng ngủ của sinh viên, tôi lặng lẽ đem phần cơm đó và
một chai xi dầu, ra ngồi ở bậc xi-măng đầu chiếc cống xây trên lạch
nước gần dãy trại của Đại đội chảy ra bãi tập thể dục quân sự, ăn
dưới ánh trăng, hay trong bóng tối bao quanh. Tôi đã nuốt những hạt cơm
nguội lạnh đó trong nhiều đêm cùng với nỗi tủi thân của mình. Rồi
một đêm nào đó, tôi không nhớ rõ, Thiếu uý Nguyễn Hưng Chiêu, Trung
đội trưởng của tôi, trong buổi trực đêm của ông, bắt gặp tôi đang ngồi
ăn cơm đêm trong bóng tối như vậy. Khi ông rọi đèn pile thấy rõ ga-men cơm
đang ăn dang dở và chai xi-dầu, trong khi tôi đứng thẳng ở tư thế nghiêm
của một sinh viên trước thượng cấp của mình. Ông không nói gì, để tôi
đứng đó và đi vào dãy phòng ngủ của Đại đội. Tôi âm thầm trở về
phòng với nỗi lo sợ lớn lao trong lòng. Tôi sợ mình đã vi phạm một
lỗi lầm quân kỷ nào đó của Trường. Mấy ngày sau tôi chờ đợi nhận
phần phạt. Nhưng không, ngược lại, tôi nhận được tờ giấy bạc 100
Đồng, một số tiền khá nhiều lúc đó, xếp giữa hai trang giấy trong
tập bài học của tôi sau khi Thầy khám duyệt và hoàn trả các tập vở
đó lại cho các sinh viên Trung đội. Thầy đã kín đáo cho tôi tiền như
đã hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Đã gần sáu mươi năm rồi, tôi mang ơn
Thầy Chiêu đã đào tạo tôi trở thành một sĩ quan QLVNCH và về đức độ
và lòng nhân hậu của Thầy. Tôi không mong trả được ơn Thầy trong cuộc
đời nầy vì tôi biết không có gì quí giá xứng với tấm lòng bao dong
rộng lớn của Thầy. Ngược lại, rõ ràng người đã đền đáp ơn Thầy
nhiều nhất là Tướng Lê văn Hưng vì những chiến công rực rỡ và sự
tuẫn tiết cao đẹp của vị Tướng nầy, người anh hùng mà Thầy một
thời đã tạo dựng nên.
Lúc đó tôi rất ít xuất trại nghỉ phép. Họa hoằn có đi phép thì
cũng chỉ xuất trại vào sáng ngày Chúa nhật, đi dạo vòng vòng các
khu phố lớn Saigòn, xem chớp bóng ở các rạp chiếu bóng thường trực
đề đợi đến chiều ra Đường Hai Bà Trưng, sau Trụ sở Quốc hội, đợi
đoàn xe GMC đưa đón SVSQ của Trường rước về. Những tuần không đi phép
tôi mặc quân phục chỉnh tề, cùng các bạn trong Trung đội người miền
Bắc, cũng “mồ côi” như tôi sau khi Hiệp định Genève-1954 chia đôi đất
nước, đi dạo ở khu chung quanh sân cờ lớn của Trường, nơi có những
hàng cây tỏa bóng mát, dù ít oi, xuống thảm cỏ dưới gốc, mà các
SVSQ lưu trại thường đón tiếp và vui vầy với gia đình hay người yêu
đến thăm viếng trong ngày Chúa nhật.
Chín năm sau ngày ra trường, mỗi người đi một nơi, không biết tin tức
gì của nhau, bỗng nhiên vào giữa tháng 1 năm 1964, tôi được biết tin
về anh Lê văn Hưng. Sau ngày đảo chánh 1 tháng 11, 1963, Tổng thống Ngô
Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Đại tá Nguyễn văn Phước
Trưởng Phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu (P2/BTTM) bị mấy ông Tướng đảo chính
bắt giam giử ở Cục An ninh Quân đội, Trung tá Hồ văn Lời, Chỉ huy
trưởng Trường Quân báo Cây Mai, được đưa lên BTTM thay thế. Tôi cũng được
thuyên chuyển theo ông và giữ chức vụ Trưởng ban Hành chánh của
P2/BTTM.
Một hôm tôi đọc được trong xếp hồ sơ “Công văn
Đến” lệnh thuyên chuyển của Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng ban hành hoàn
trả Trung uý Lê văn Hưng về ngành Quân Báo và đặt thuộc quyền sử
dụng của P2/BTTM. Trước cuộc đảo chính Trung uý Hưng là Quận trưởng
Trà Ôn ở miền Tây. Có lẽ những năm trước nữa ông Hưng có học qua một
khóa Quân Báo hay giữ chức vụ nào đó cùng ngành với tôi mà tôi không
biết. Sau đó ít lâu, khi hồ sơ cá nhân của Hưng gửi về P2/BTTM mới
được biết là sau khi tốt nghiệp ở Thủ Đức nhờ đậu cao nên anh được
chọn về Quân Khu I –lúc đó bao gồm cả lãnh địa của Vùng 3 và Vùng 4
Chiến thuật sau này- và thuyên chuyển về Bộ Chi Huy Trung đoàn 15 đóng
tại Gia Định. Thiếu tá Lê Thọ Trung là Trung đoàn trưởng. Sau này, khi
ông Hưng đã lên Tướng và làm Tư lệnh SĐ5BB, ông Trung, chỉ mang cấp bậc
Trung tá, là Tham Mưu trưởng cho ông Hưng.
Không đầy một tuần sau khi P2/BTTM
nhận được lệnh thuyên chuyển của Trung úy Hưng, cũng trong tháng giêng
đó, một người đàn bà đến xin gặp Trung tá Trưởng P2/BTTM. Với tư
cách là người phụ trách về hành chánh và quản trị̣ nhân viên, tôi
tiếp bà khách. Bà tự xưng là người phối ngẫu chính thức và đã ly
dị của ông Hưng. Tôi hình dung được ngay đó là người vợ của SVSQ Hưng
của gần mười năm trước. Tuy bà đã bớt vẻ thon thả, khá người hơn, mà
vẫn còn đẹp ở độ tuổ̉i trung niên. Bà mang theo một lá đơn xin gửi
lương tháng, mà bà nói là do Tòa án phán quyết khi ly dị, đến thẳng
địa chỉ của bà ở Gia Định. Tôi chỉ ghi nhận sự kiện, nhận đơn, mà
chưa giải quyết được vì Trung uý Hưng chưa trình diện P2/BTTM.
Sau đó không lâu, tôi nhận tiếp một
lệnh khác của Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng thuyên chuyển Trung uý Lê văn
Hưng về SĐ21BB. Như vậy đến năm đó tôi vẫn chưa gặp lại Hưng cho đến
đầu tháng 6, năm 1971 vì ông Hưng trình diện thẳng SĐ21BB mà không
trình diện P2/BTTM. Cuối năm 1967, vào một buổ̉i chiều, tôi vô tình
gặp lại người vợ đã ly dị đó của ông Hưng trong Dancing Club Victoria
ở Tân Định, gần Bộ Tổng Tham Mưu. Bà là vũ nữ ở đó. Tôi nhận ra bà
nhưng bà không nhớ có lần đã gặp tôi ở P2/BTTM gần bốn năm trước.
Lúc đó tôi mang cấp bậc Thiếu tá và được biết ông Hưng mang cấp Trung
tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 thuộc SĐ21BB và là một trong ngũ
kiệt nổi tiêng ở miền Tây. Ít lâu sau nghe ông Hưng thăng cấp Đại tá
và làm Tỉnh trưởng Cân Thơ. Từ cuối năm 1967, sau buổi khiêu vũ
“matinée” ở Victoria, tôi không gặp bà vợ đã ly dị của ông Hưng lần
nào nữa. Đến nay đã gần nửa thế kỷ.
Sau buổi thuyết trình đầu tháng 6, năm 1971 đó, Trung tướng Minh mời
Đại tá Hưng và tôi ăn cơm trưa trong chiếc “trailer” đặt ở sân trước Tư
dinh Tướng Minh ở Biên Hòa. Đáng lẽ tôi không có hân hạnh được mời tham
dự bữa cơm của hai ông tư lệnh này đâu, nhưng tôi nghĩ Tướng Minh mời
tôi là vì Đại tá Lê văn Hưng nói tôi là bạn đồng môn. Lý do thứ hai
là vì khi ra trường tôi thuyên chuyển về Tiểu đoàn 61 VN đầu năm 1955,
làm Trưởng Ban Quân số (Chef Bureau Effectif), đến khoảng tháng 8 năm
1955, ông Nguyên văn Minh, lúc đó mang cấp bậc Thiếu tá được bổ nhậm
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61 VN, kiêm Quận trưởng Quân Đức Hòa,
thuộc tỉnh Chợ Lớn, chỉ định tôi làm Văn phòng trưởng Tiểu đoàn
(Chef Bureau Secretariat), đồng thời là Chánh văn phòng Quận Đức Hòa
cho ông. Sau cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến và Tổng thống Đệ nhất
Cộng Hòa cuối năm 1955, Thiếu tá Minh được đề cử chức Tỉnh trưởng Sa
Đéc, thăng cấp Trung tá. Tôi xin thuyên chuyển ra Tiểu đoàn 1/43 Sư Đoàn
15 Khinh Chiến, đóng ở Dục Mỹ, Nha Trang.
Trong Đệ Nhị Cộng Hòa ông Minh thăng
cấp nhanh chóng, Đại tá Tư lệnh SĐ21BB, rồi Chuẫn tướng, rồi Thiếu
tướng, rồi Trung tướng làm Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô, rồi Tư lệnh
QĐIII & V3CT. Ông chưa quên tôi đã từng giúp việc cho ông từ 15 năm
trước. Còn lý do thứ ba nữa, đến khi ngồi vào bàn cơm tôi mới được
biết là Đại tá Hưng xin Tướng Nguyễn văn Minh cho tôi về giúp ông làm
Trưởng Phòng 2 SĐ5BB. Điều nầy làm tôi bất ngờ. Tôi xin để được suy
nghĩ lại. Tướng Minh cũng chưa quyết định ngay. Sau buổi cơm Đại tá Hưng
lên Lai Khê, tôi được Tướng Minh cho nghỉ phép một tuần về Saigon, nói
là để ông sẽ sắp xếp lại nhân sự.
Lúc đó, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT là Đại tá Lê Đạt Công không
được Tướng Nguyễn văn Minh tín nhiệm đã cho thuyên chuyển xuống SĐ21BB.
Phòng 2 tuy còn mấy sĩ quan cấp tá khác nhưng công việc do tôi quán
xuyến mặc dù tôi không giữ một chức vụ nào ở đó. Tôi nghĩ Trung tá
Mạch văn Trường, vừa rời chức vụ Quận trưởng Thủ Đức về QĐIII &
V3CT, đệ tử thân nhất của Tướng Minh, trước đó là Trưởng Phòng 2
SĐ21BB của Tướng Minh, sẽ được chỉ định làm Trưởng Phòng 2 Quân đoàn.
Nhưng không phải, khi hết phép trình diện Tướng Minh, tôi được ông cho
biết Đại tá Hưng đã gởi hai công điện chính thức xin tôi về SĐ5BB.
Tướng Minh nói với tôi là nên lên Lai Khê giúp ông Hưng và Trung tá
Mạch văn Trường cũng đã được đưa lên đó giữ chức vụ Trung đoàn
trưởng Trung đoàn 8. Trung tá Trần văn Bình, Trưởng Phòng 2 SĐ18BB sẽ
được chỉ định làm Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT. Điều nầy cũng
hợp lý, vì Trung tá Bình là một sĩ quan Quân báo nhiều kinh nghiệm
đã từng là Trưởng Khối Tình Báo của P2/BTTM.
Tôi rất buồn khi nghe quyết định của Tướng Minh. Không phải tôi muốn
thoái thác trách nhiệm làm trưởng phòng tình báo chiến trường cấp sư
đoàn mà tôi cho là quan trọng. Nhưng tôi tủi thân khi phải phục vụ
người bạn cùng khóa. Biết đâu việc làm của tôi không tránh khỏi
những sơ suất, chết quân mất đồn, lúc đó sẽ khó cho ông mà khó cho
tôi biết mấy. Thà làm việc cho vị tư lệnh nào khác, không giữ một
chút tình riêng trong lòng, tôi sẽ an tâm hơn. Thưởng phạt sẽ nhận và
chịu một cách vô tư, thảnh thơi hơn, nếu mình hữu công hay mình bất
lực. Nhưng là một quân nhân, tôi phải chấp hành lệnh của thượng cấp.
Tôi điện thoại cho Đại tá Hưng và xin cho tôi thu xếp và trình diện
SĐ5BB ngày 16 tháng 6. Quá trưa ngày đó, khoảng 2 giờ, Đại tá Hưng cho
trực thăng chỉ huy của ông đón tôi ở Biên Hòa lên Lai Khê. Trong văn
phòng Tư lệnh, ông Hưng bắt tay và ôm vai tôi lộ vẻ vui mừng. Sau đó,
tôi nhận nhiệm sở mà không có bàn giao vì người tiền nhiệm của tôi
là Trung tá Nguyễn Công Ninh đã rời Sư đoàn từ tuần trước. Khi tôi
đang họp với các sĩ quan Phòng 2 Bộ Tham mưu và Biệt đội Quân báo Sư
đoàn, thì Chánh văn phòng Tư lệnh, Đại úy Nguyễn Đức Phương, gọi
điện thoại nói là Đại tá Tư lệnh mời tôi dùng cơm tối tại tư dinh,
sau buổi họp 5 giờ chiều hằng ngày ở Trung tâm Hành quân Sư đoàn.
Trên chiếc trailler được che chắn bằng nhiều bao cát xung quanh, đặt ở
sân sau tư dinh Tư lệnh, song song với dãy nhà văn phòng của Phòng 2 Sư
đoàn, nơi làm việc của tôi từ buổi trưa đó, cách một lớp rào lưới
chống đạn B.40, lần đầu tiên tôi gặp người phối ngẫu chính thức của
Đại tá Lê văn Hưng, do chính ông giới thiệu, mà sau đó không lâu tôi
được biết nhũ danh của bà là Phạm Kim Hoàng. Tôi nghĩ bà là người
xứng với ông Hưng. Nước da trắng, gương mặt đẹp sáng, dáng người mảnh
mai thanh tú, giọng nói dịu dàng. Bà tỏ ra thân thiện với người đồng
môn của chồng. Ông Hưng cũng không hỏi một câu nào về gia đình hay bản
thân tôi từ ngày ra trường. Ông và tôi bàn về các vấn đề thời sự ở
phạm trù lớn hơn phạm trù QĐIII & V3CT, bình đẳng, không gò bó như
thường khi tôi tiếp xúc với bất cứ một thượng cấp nào của tôi trước
đó. Sau buổi cơm tối ngày tôi trình diện sư đoàn, tôi nghĩ rằng
tôi có thể yên tâm làm việc với Đại tá Hưng, không còn mặc cảm. Trái
lại, tôi nghĩ là phải cố gắng, bỏ tâm cơ nhiều hơn trong việc làm để
thực sự giúp người bạn hiểu biết mình và cũng để chứng tỏ mình
có đủ kiến thức và khả năng chuyên môn không làm phụ lòng ông.
Đó không phải là buổi duy nhất ông bà Hưng đãi cơm tôi trên chiếc
trailer ở tư dinh của tư lệnh trong căn cứ Lai Khê, mà rất nhiều lần
trong suốt thời gian tôi phục vụ ở SĐ5BB dưới quyền chỉ huy của ông
Hưng. Mỗi khi ông bà tổ chức các buổi ăn gia đình có tính kỷ niệm,
người bạn duy nhất được mời là tôi. Thêm nữa, mỗi lần khi mà buổi
sáng tôi bị gạch tên trong các lần đề nghị thăng cấp đặc cách, hay
trong danh sách đề nghị thưởng huy chương Anh dũng Bội tinh, dù ở cấp
sư đoàn mà ông Hưng, với thẩm quyền tư lệnh, có thể ký ban cho. Trong
ngày nào đó, nếu ông từ chối đề nghị của Trung tá Tham mưu trưởng Lê
Thọ Trung, thì buổi chiều bà Hưng gọi điện thoại mời tôi ăn cơm tối
với ông, bà. Trong buổi cơm, dù tôi tỏ ra bình thường bà Hưng vẫn nói
như an ủi tôi “ảnh luôn như vậy đó, anh đừng buồn”, trong khi ông Hưng
ngồi đó, nghe và cười. Nụ cười vừa an ủi vừa như bảo với tôi rằng
ông không muốn để người khác dị nghị và Anh dũng Bội tinh không thể
cấp cho sĩ quan tham mưu. Người hiểu rõ các điều trên đây lúc đó là
Trung tá Lê Thọ Trung, vị chỉ huy trưởng cũ của Ông Hưng. Tôi nghĩ
rằng Trung tá Trung nhiều lần cũng được gia đình ông Hưng mời ăn những
buổi cơm riêng như vậy, vì ông Hưng chắc không quên người đã từng là
thượng cấp của ông khi vừa bước ra khỏi cổng Quân trường Thủ Đức. Dĩ
nhiên người hiểu rõ nhất những mối liên lạc thân thiện giữa Tướng
Hưng và tôi là bà Hưng. Những buổi cơm có tính cách gia đình nầy
không chi diễn ra trong thời gian tôi phục vụ ở SĐ5BB mà còn như hằng
ngày ở những tháng sau cùng của chiến cuộc Việt Nam, tại tư dinh
Tướng Hưng ở Cần Thơ.
3. TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH
Chỉ một thời gian làm việc với Đại tá Lê văn Hưng, tôi hiểu rõ khả
năng của ông hơn và thành thực khen ngợi ông là người chí công vô tư.
Về khả năng, tôi có thể nói ông quyết đoán chính xác và nhanh chóng.
Tôi sẽ đề cập đến sau. Trước tiên, xin nói về bản tính và cách cư
xử của ông đối với mọi người. Ông rất thẳng thắn, cương nghị, nhưng
là người mang trong trong lòng thứ tình cảm đậm đà –với hai thí dụ
điển hình là sự đối xử của ông với Trung tá Lê Thọ Trung và với
tôi.
Nhìn dáng dấp bên ngoài, thuộc cấp có
thể nghĩ ông là người khó đến gần hoặc nghiêm khắc, vì tướng người
cao, rắn rỏi, nghiêm nghị, nhất là ít nói. Kỳ thực ông rất thương yêu
binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cấp uý. Ông chọn rất kỹ hạ sĩ quan
và sĩ quan cấp thiếu úy và trung úy để đặt vào các chức vụ tiểu
đội trưởng, trung đội trưởng và đại đội trưởng. Ở cấp tiểu đoàn
trưởng, ông thường chọn nhưng đại uý hay thiếu tá trẻ dày dạn trận
mạc, can trường, đánh trận hay và nhất là biết suy nghĩ, lo lắng và
thương yêu binh sĩ. Ông thường nói với tôi rằng các cấp chỉ huy nầy
biết thương yêu, lo lắng cho binh sĩ thì mình sẽ đỡ lo hơn và an tâm
hơn. Vì vậy ông tỏ ra thân mật với cấp chỉ huy ở cấp tiểu, trung,
đại đội, và các tiểu đoàn. Đôi khi ông nhớ rõ tên một hạ sĩ quan
tiểu đội trưởng hay trung đội trưởng của một đại đội hay tiểu đoàn
nào đó mà tôi nghĩ là ít vị tư lệnh sư đoàn nào để ý đến. Tuy
nhiên ở cấp Trung đoàn trưởng, Tư lệnh Sư đoàn không quyết định được,
thường là do Tư lệnh Quân đoàn hoặc cấp cao hơn bổ nhậm.
SĐ5BB có 3 Trung đoàn Bộ binh 7, 8, và 9, Thiết đoàn1 Kỵ binh, 4 tiểu
đoàn Pháo binh gồm Tiểu đoàn 50 đại bác 155 ly, các Tiểu đoàn 51, 52,
và 53 đại bác 105 ly. Ngoài ra còn các Tiểu đoàn chuyên biệt khác như
Công binh, Truyền tin, Tiếp vận và Quân y. Tổng cộng quân số trên 11,000
người. Trung đoàn 7 Bộ binh do Trung tá Lý Đức Quân chỉ huy (sau đó
thăng Đại tá và tử trận thăng cố Chuẩn tướng). Ông Quân gốc dân tộc
Nùng cũng như đại đa số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều thuộc
sắc tộc này từ khi được thành lập với danh hiệu là Sư đoàn 4 Dã
chiến. Sau chuyển thành SĐ5BB. Dần dà khi QLVNCH phát triển thì số
binh sĩ sắc tộc Nùng gần như hoàn toàn tập trung vào Trung đoàn 7.
Trung tá Quân là một sĩ quan mẫu mực, đạo đức, khả năng và kinh
nghiệm tác chiến cao nên Đại tá Hưng rất hài lòng. Trung đoàn 8 Bộ
binh được Tướng Minh giao cho Trung tá Mạch văn Trường chỉ huy (Ông
Trường xuất thân Khóa 12 Võ bị Dalat. Khi tốt nghiệp, toàn khóa được
đưa sang một Trường Bộ binh Hoa Kỳ để học chỉ huy cấp đại đội bộ
binh. Nhưng chính bản thân ông chưa hề chỉ huy một đại đội bộ binh
trong QLVNCH, mà là một sĩ quan Quân Báo. Làm Trung đoàn trưởng nghĩa
là sẽ thăng cấp Đại tá). Biết Trung tá MVT chưa từng cầm quân nên
Tướng Hưng đưa Thiếu tá Huỳnh văn Tâm là một sĩ quan rất trẻ nhưng đã
từng là Tiểu đoàn trưởng cừ khôi, làm Trung đoàn phó. Trung đoàn
trưởng Trung Đoàn 9 là Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, lớn tuổi, ốm yếu,
mà lần đầu gặp lại sau nhiều năm, tôi tự nghĩ là ông nên xin về làm
việc ở một nha sở nào ở Trung ương hơn là đi đánh giặc. Tuy nhiên
dưới quyền ông có hai sĩ quan lỗi lạc là Thiếu tá Trần Đăng Khoa
Trung đoàn phó và Thiếu tá Võ Trung Thứ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn
1/9, xuất thân Thủ khoa Khóa 15 Võ bị Dalat. Thiết đoàn trưởng Thiết
đoàn 1 Kỵ binh là Trung tá Nguyễn Đức Dương.
Đầu tháng 3, 1972 nhân ngày kỷ niệm
thành lập Sư đoàn, Đại tá Lê văn Hưng thăng Chuẩn tướng nhiệm chức và
Trung tá Mạch văn Trường, với chức vụ Trung đoàn trưởng, cũng thăng
Đại tá nhiệm chức. Người bị Tướng Nguyễn văn Minh bỏ quên, không đề
nghị thăng cấp, là Trung tá Lê Thọ Trung, Tham mưu trưởng Sư đoàn, rất
thâm niên trong cấp bậc.
Đối
với các sĩ quan cấp tá thì Tướng Hưng rất nghiêm minh, nhất là các
sĩ quan tham mưu. Đó là lý do tại sao Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh
phó Sư đoàn và các sĩ quan cấp tá khác thường bị ông Hưng “nẹt” khá
nhiều lần ngay trong các buổi họp ở Trung tâm Hành quân. Và một buổi
chiều, sau khi ông V. bị cự nự, không nhớ lần thứ mấy, hết buổi họp,
tôi theo Tướng Hưng vào văn phòng tư lệnh. Lúc ông đang chưa hết cơn
giận, thấy tôi bước vào, ông ngạc nhiên nhưng không nóí gì thì chính
tôi nói: “Xin... cho tôi được trình bày.” Tướng Hưng chưa kịp nói gi
thì tôi đã tiếp.“Tôi nghĩ là...anh xử sự quá đáng với Đại tá V. Ông
ta cứ bị “cự nự” hoài, làm sao chịu nổi. Đại tá V., hay chúng tôi
cấp trưởng phòng, đều có trách nhiệm trình bày ý kiến của mình,
dù đúng hay sai... Bị cự nự hoài ai dám nói nữa... nhất là trước
mặt thuộc cấp.” Tướng Hưng nỗi cáu, lớn tiếng: “Không phải việc của
mày!” Tôi nói một câu trước khi chào và bước ra: “Xin lỗi Thiếu
tướng, nếu không phải thì... tôi đi.” Đó là lần đầu tiên và cuối
cùng Tướng Hưng gọi tôi bằng “mày”, mà tôi nghĩ là xuất phát từ thâm
tâm ông coi tôi là một bạn đồng khoá ngày xưa hơn là một thuộc cấp.
Từ đó chữ này biến mất. Và chắc chắn ông hiểu rõ chữ “Thiếu
tướng” mà tôi dùng trong buổi chiều đó là mang theo sự bất bình của
tôi. Thường nhật trước mặt mọi người tôi gọi ông là Thiếu tướng, vào
những lúc khác chỉ riêng có hai người, hoặc trước mặt vợ ông, tôi
gọi là “anh’, vì ông Hưng lớn hơn tôi. Ông sinh tháng 3, năm 1933. Tôi
sinh tháng 1, năm 1934, mặc dù cùng năm Quí Dậu. Ông thường gọi tôi
bằng tên: “Dưỡng à”, hoặc “này Dưỡng”, không thêm một chữ nào nữa.
Không “toi”, không “cậu”, không “mày”...
Sáng hôm sau, tôi tạt qua văn phòng Tham mưu trưởng, nạp lá đơn xin
thuyên chuyển, trước khi ra sân bay trực thăng chờ tháp tùng Tướng Hưng
đi thăm các đơn vị. Khi bước xuống xe jeep, trước khi lên trực thăng chỉ
huy của mình, Tướng Hưng bắt tay Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng
Phòng 3, và tôi. Đến khi bắt tay tôi, ông Hưng cười, không nói gì. Buổi
trưa, trở về Lai Khê, khoảng chừng 2 giờ chiều Trung tá Trung, Tham Mưu
Trưởng, gọi tôi lên văn phòng cho biết là ông đã gặp Tướng Hưng về
việc của tôi và lập lại lời Tướng Hưng nói với ông: “Dưỡng nó làm
nư, bỏ lá đơn đi.” Tôi thực tình không làm nư với ông Hưng, mà định xin
thuyên chuyển thật. Tôi cũng không ngượng ngùng gì khi gặp ông buổi
chiều trước giờ họp.
Tuy nhiên mấy ngày sau, Tướng Hưng khi gặp
riêng tôi, nói rằng Đại tá Lê Nguyên Vỹ và ông không hợp tính với
nhau. Chỉ một tuần sau Tướng Nguyễn văn Minh điều Đại tá V. về làm
Phụ tá Hành quân ở Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT. Chức vụ Tư lệnh phó
SĐ5BB không có người thay thế. Có một đại tá khác thuyên chuyển về Sư
đoàn là Đại tá Bùi Đức Điềm, nguyên Tỉnh trưởng Long Khánh, Tướng
Minh không tín nhiệm, bãi chức. Khi về Sư đoàn Đại tá Điềm cũng chỉ
giữ chức Tham mưu trưởng Hành quân mà không phải là tư lệnh phó hay
phụ tá hành quân cho Tướng Hưng. Ông Điềm là một đại tá kỳ cựu,
người có công rất lớn trong cuộc chiến An Lộc diễn ra một tháng sau
đó. Ông ta bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già cằn cỗi trong một xó
rừng nào đó của Bình Long. Mãi đến gần cuối năm 1972 Sư đoàn mới có
vị tư lệnh phó là Đại tá Nguyễn Bá Long, tự Thìn, nguyên Tỉnh
trưởng Kontum, và là người có công rất lớn trong việc giữ vững thành
phố tỉnh lỵ này; ở đó hình như cũng có... bất công diễn ra liên quan
đến vị đại tá này.
Tôi sẽ nói riêng về những sự bất công của cuộc chiến An Lộc đúng như
sự thực, khác hơn nhiều người viết thêm bớt, dù tôi biết là những
gì tôi đề cập đến sẽ làm nhiều người không hài lòng và sẽ đem đến
cho tôi những ̣điều không tốt lành nào đó. Tôi chấp nhận, khi tôi nói
sự thực, và chỉ là sự thực, trước đây có rất nhiều người biết mà
không thể nói. Tôi cũng muốn quên đi từ hơn mấy chục năm qua. Nhưng
không thể quên được. Nhiều lần tôi tự hỏi phải chăng hào quang của
những vị anh hùng trong QLVNCH đã bị số ít người lãnh đạo bất xứng
với những vầng mây u ám, nhưng quá to lớn của họ, che lấp mất rồi
chăng? Tôi đã đắn đo nhiều lắm. Tôi đã câm nín quá lâu khi không nói
nỗi oan mà Tướng Hưng hay Đại tá Bùi Đức Điềm, hoặc ai đó nữa, bị
trù dập bởi thượng cấp. Đến nay một vài vị còn bị những người
ngoại cuộc, không hiểu tường tận, bôi biếm. Nay nghĩ lại, nếu tôi
biết mà không nói thì ai sẽ nói... Tôi là chứng nhân, là người trong
cuộc, dù sự hiểu biết của tôi chỉ cho phép tôi nói lên những gì ít
nhất và lễ độ nhất. Hôm nay, tôi viết vì những người còn sống nhất
là hai cháu Hải và Hà, con của Tướng Hưng, lúc đó mới chỉ là hai
đứa trẻ thơ đã mồ côi cha. Nay đã lớn, các cháu cần biết rõ hơn về
cuộc đời nhiều sóng gió và khổ tâm của người cha anh hùng của các
cháu. Tôi cũng viết gửi về chị Hưng, PKH, hiện cư ngụ ở đâu đó
trên đất nước Hoa Kỳ, là tôi hãnh diện có những thời kỳ sống và
chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy, với một vị Thần mà lúc đó chúng tôi
không hề biết. Thần và người chỉ khác nhau ở mực thước làm người.
Những con người tham quyền, cố vị, vinh quang thì muốn hưởng, khi hiểm
nguy thì tránh né, vận nước đảo điên thì trốn chạy, buông quân, bỏ
cờ, dù là tướng, thì cũng chỉ là những con người tầm thường như
mọi người tầm thường khác. Tướng mà coi mạng sống của bản thân và
của gia đình mình quá nặng thì làm sao có thể thành anh hùng hay
thành Thần được. Còn làm Tướng mang sinh mệnh đền ơn tổ quốc, chết
theo thành, thì thiên cổ đã ghi “Sinh vi Tướng, tử vi Thần.” Lịch sử
Việt Nam còn đó, gương kim cổ mãi mãi sẽ còn được rọi soi. Năm
vị tướng lãnh của miền Nam Việt Nam tuẩn tiết trong ngày cuối “Tháng
Tư Đen” sẽ lưu danh thiên cổ.
4. CHIẾN CUỘC Ở BÌNH LONG MÙA HÈ NĂM 1972
TIN TỨC VÀ CÁC ƯỚC TÍNH TÌNH BÁO
Sau khi nhận chức Tư lệnh SĐ5BB thay
Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu đầu tháng 6, năm 1971, Tướng Lê văn Hưng
củng cố lại các đơn vị trực thuộc và mở những cuộc hành quân cấp
Chiến đoàn (thường là một Trung đoàn Bộ binh cộng thêm Thiết kỵ và
Pháo binh) vào các mật khu Việt Cộng trong khu vực trách nhiệm của Sư
đoàn gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long như các mật khu
Tam giác Sắt, Long Nguyên, Bến Than cặp theo sông Sàigòn và Chiến khu D
vùng hữu ngạn Sông Bé, phía nam Đồng Xoài, là những địa danh nổi
tiếng với những trận đánh đẫm máu giữa liên quân Hoa Kỳ & QLVNCH
và quân xâm nhập CSBV & VC giữa thập niên 1960. Bộ Tư lệnh SĐ5BB
đóng tại đồn điền cao-su Lai Khê, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Khi Trung tướng Nguyễn văn Minh thay
thế Tướng Đỗ Cao Trí --tử nạn trực thăng tháng 2, 1971-- không hiểu
vì lý do gì không sử dụng nhân tài mà Tướng Trí đã rất tin tưởng
như trường hợp thuyên chuyển Đại tá Lê Đạt Công, Trưởng Phòng 2 QĐIII &
V3CT về SĐ21BB, và không sử dụng Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh
Lữ đoàn 3 Thiết kỵ (the 3rd Armored Cavalry Brigade) vừa mới
ở Hoa Kỳ về sau khi học một khóa quân sự cao cấp. Tướng Minh đã
giải thể và phân tán Lữ đoàn Thiết kỵ và Lực lượng Xung Kích của
Quân Đoàn (III Corps Assault Force –IIICAF) trước đó do Tướng
Trí thành lập và Tướng Khôi là tư lệnh. Quan niệm hành quân của
Tướng Minh cũng thay đổi theo cục diện chiến trường. Tướng Minh lần
lượt rút hết các cánh quân ở Miên về phòng thủ vùng lãnh thổ trách
nhiệm. QĐIII & V3CT lâm vào thế bị động. Tuy vậy, trong ba tháng
cuối năm 1971, với sự tăng viện của các đơn vị cấp lữ đoàn Dù và
Thủy quân Lục chiến, Tướng Minh đã tổ chức những cuộc hành quân sâu
vào lãnh thổ Miên trên trục lộ 7 để giải tỏa áp lực của các sư
đoàn CSBV đang bao vây và có ý định dứt điểm cứ điểm hỗn hợp cuối
cùng cấp chiến đoàn Việt-Mỹ ở Krek trên đất Miên, phía bắc biên giới
Tây Ninh, gây thiệt hại nặng cho các đơn vị địch. Đó là lần cuối
cùng chiến thắng trên đất Miên. Sau đó, đến cuối năm, ông ra lệnh
triệt thoái bỏ luôn căn cứ nầy, rút lực lượng về tăng cường các căn
cứ trên trục lộ 22, phía bắc tỉnh lỵ Tây Ninh và tái phối trí lại
lực lượng Quân đoàn III trong Vùng Chiết Thuật trách nhiệm.
Khu vực lãnh thổ trách nhiệm hành quân
chiến thuật của SĐ5BB gồm ba tỉnh Bình Dương, Tỉnh trưởng là Đại tá
Nguyễn văn Của; Bình Long, Tỉnh trưởng Đại tá Trần văn Nhựt; Phước
Long, Tỉnh trưởng Đại tá Lưu Yểm. Lực lượng của Sư đoàn được tái
phối trí như sau: Chiến Đoàn 9, do Đại tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy,
gồm Trung đoàn 9 Bộ binh với Tiểu đoàn 1/9, 2/9 và 3/9, Tiểu đoàn 53
Pháo binh gồm 14 khẩu đại bác 105 ly được tăng cường 4 khẩu 155 ly
(của Tiểu đoàn 50 Pháo binh), và Thiết đoàn 1 Kỵ binh (-), phụ trách
hành quân ở vùng tây bắc biên giới tỉnh Bình Long từ căn cứ Alpha ở
biên giới Việt-Miên trên Quốc lộ 13, về hướng đông qua Ngã ba Lộc Tấn,
giao điểm của Quốc lộ 13 và Liên tỉnh lộ 14, đến Quận Bố Đức thuộc
Tỉnh Phước Long.
Bộ Chỉ huy Chiến Đoàn 9 đóng tại
căn cứ chính của Tiểu đoàn 74 Biệt động quân Biên phòng (TĐ74/BĐQ/BP)
nằm cuối sân bay Quận Lộc Ninh, phía tây con đường từ Chợ chạy cặp
theo sân bay đến ven rừng cao su phía tây thị xã. TĐ74/BĐQ/BP lúc đó
trấn giữ Căn cứ Alpha ở biên giới Việt-Miên, với 4 khẩu đại bác 105
ly cơ hữu, được đặt dưới quyền phối hợp chỉ huy hành quân của Trung
tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ binh (TĐ1KB).
Bộ Chỉ huy Thiết đoàn đóng ở Ngã ba Lộc Tấn, giao điểm của hai trục
lộ 13 và 14, được tăng cường 4 khẩu đại bác 105 ly, với Chi đoàn 3/1
Thiết kỵ và Chi đoàn 1/1 Chiến xa; tính chung 40 chiến xa, trong đó có
14 M-41, 26 Thiết quân vận đủ loại, chưa kể các xe kéo pháo, GMC và
Jeep. Hai chi đoàn này hoạt động trên các trục lộ 13 và 14 bắc Lộc
Ninh. Toàn bộ Tiểu đoàn 1/9 đóng ở Quận Bố Đức trên lộ 13, tả ngạn
Sông Bé thuộc Tỉnh Phước Long, giáp ranh với Tỉnh Binh Long. Tiểu đoàn
2/9 (-) hoạt động trong vùng tây bắc Lộc Tấn, phối hợp và yểm trợ
cho TĐ74/BĐQ/BP và TĐ1KB. Tiểu đoàn 3/9 (-) hoạt động lưu động trong
vùng từ 3 đến 5 cây số tây nam Thị xã Lộc Ninh. Mỗi Tiểu đoàn để
lại một đại đội bảo vệ Bộ Chỉ huy Chiến Đoàn 9, trong khi Đại đội
Trinh sát 9 hoạt động vùng ranh giới Bình Long–Tây Ninh, phía bắc Căn
cứ Tống Lê Chân, do Tiểu đoàn 92 BĐQ/BP trấn đóng trên Sông Saigòn vùng
phía bắc Bến Than, tây bắc Quận Chơn Thành, Tỉnh Bình Long. Bộ Chỉ
huy Tiểu đoàn 53 Pháo binh của Trung tá Hoàng ... Thông ̣̣(chữ lót
không nhớ) và các vị trí pháo đóng trong một căn cứ cũng nằm trên
con đường chạy cặp theo sân bay, cách Bộ Chỉ huy Chiến Đoàn chừng 400
thước và cách Bộ Chỉ huy Quận và Chi Khu Lộc Ninh chừng 200 thước.
Thiếu tá Nguyễn văn Thịnh, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng có hai đại
đội Địa Phương quân và hai Trung đội Nghĩa quân để lo an ninh cho Bộ
chỉ huy của mình, không kể 4 đại đội Địa phương quân và các Trung đội
Dân vệ khác trong toàn quận và chừng một Trung đội cảnh sát của Chi
Cảnh sát Quận đóng ở khu vực Chợ Lộc Ninh.
Xa hơn về phía nam Lộc Ninh, khoảng 15 cây
số là Sông Cần Lê nối liền Sông Sàigòn và Sông Bé, với chiếc cầu
Cần Lê béton cốt sắt vững chãi. Tại đây được phối trí một đại đội
của Tiểu đoàn 2/9, một Pháo đội hỗn hợp 155 ly và 105 ly, một đại
đội Công binh Chiến đấu và hai đại đội Địa Phương quân. Tất cả do
Trung tá Nguyễn văn Hoà chỉ huy. Phía bắc cầu Cần Lê, chừng bốn cây
số, bên trái Quốc lộ 13 là Tỉnh lộ 17, bắt đầu từ Quốc lộ 13 chạy
về hướng tây vào lãnh thổ Tây Ninh. Con đường nầy dài chừng 20
cây số. Khoảng hơn hai cây số từ lộ 13 đi về hướng Tây Ninh là Căn cứ
Hùng Tâm gồm hai căn cứ nhỏ cấp tiếu đoàn nằm ở hai bên lề bắc và
nam của Tỉnh lộ 17. Theo tin tức và theo yêu cầu của Tướng Hưng. Trung
tướng Minh tăng phái cho SĐ5BB Chiến Đoàn 52 của SĐ18BB trong ngày 28,
tháng 3, 1972, đóng ở hai căn cứ Hùng Tâm này. Chiến đoàn nầy gồm
Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 52 , Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 thuộc
SĐ18BB, Đại đội Trinh sát của sư đoàn với bốn khẩ̉u pháo 105 ly, hai
khẩ̉u 155 ly, và một Đại đội Công binh.
Phía nam Cầu Cần Lê chừng 9 cây số là
Thị xã An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh và Tiểu khu Bình Long. Đại tá Trần
văn Nhựt, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng, là một cấp chỉ huy giàu
kinh nghiệm tác chiến của Thủy quân Lục chiến, từng là Trung đoàn
trưởng các Trung đoàn 43 và 48 của SĐ18BB. Cá nhân ông là một sĩ quan
can trường, nhưng khiêm tốn, tế nhị, rất khéo xử thế và được sự mến
chuộng của thượng cấp và thuộc cấp. Cố vấn Hoa Kỳ rất khen ngợi
ông, có lẽ cũng vì sự khéo léo của ông. Tại An Lộc, Đại tá Nhựt
có khoảng hai Tiểu đoàn Địa phương quân và nhiều Trung đội Nghĩa quân
và Dân vệ. Quân số tổng cộng dưới 2,000 người nhưng chia đóng ở nhiều
nơi trong tỉnh. Tại tỉnh lỵ và vùng xã ấp phụ cận, vùng Đồi Gió
và Đồi 169 ở đông nam tỉnh lỵ, chỉ có chừng 800 người, với vài
chiếc thiết giáp cũ loại V-100 và mấy Pháo đội hỗn hợ̣p đại bác
105 ly và 155 ly.
Tướng Hưng đặt Bộ Tư lệnh Hành quân
nhẹ của SĐ5BB trong thị xã. Bên ngoài, cách thị xã về hướng tây bắc
là căn cứ Charlie, nơi đóng Bộ chỉ huy Trung đoàn 7 của Sư đoàn. Hai
Tiểu đoàn 2/7 và 3/7 với Đại đội Trinh sát 7 hoạt động xung quanh thị
xã và khu vực tây bắc. Hai đại đội của Tiểu đoàn 1/7 hoạt động
hướng đông bắc và hai đại đội khác của tiểu đoàn nầy đóng ở căn cứ
Quản Lợi, cách thị xã An Lộc chừng 7 cây số về hướng đông bắc. Tại
đây còn có một đại đội Địa Phương quân và một đơn vị Lôi Hổ cấp đại
đội. Căn cứ chính của Trung đoàn 7 vẫn còn ở Quận Phú Giáo, Tỉnh
Bình Dương với một số ít binh sĩ bảo vệ. Quận và Chi Khu Chơn Thành
của Tỉnh Bình Long, ở phía nam An Lộc, chừng 30 cây số có hai đại
đội Địa phương quân bảo vệ. Nam Chơn Thành chừng 30 cây số là Căn cứ
Lai Khê, nơi đặt Bộ Tư lệnh chính của SĐ5BB, trong địa phận Quận Bến
Cát của Tỉnh Bỉnh Dương, cách tỉnh lỵ Bình Dương chừng 20 cây số.
Trung đoàn khác của SĐ5BB là Trung đoàn
8, với Bộ Chỉ huy Trung đoàn, một tiểu đoàn và Đại đội Trinh sát
bảo vệ Căn cứ Lai Khê. Một tiểu đoàn đang thụ huấn tại Trung tâm Huấn
luyện của Sư đoàn ở Bình Dương và một tiểu đoàn thứ ba đang hành
quân ở Quận Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương, nằm ở tả ngạn Sông Saigòn.
Từ đầu tháng 2, 1972, trong khu vực trách
nhiệm của Chiến đoàn 9, các đơn vị của Chiến đoàn nhiều lần chạm
súng với cấp tiểu đội hay trung đội quân CSBV ở vùng biên giới tây
bắc, gần các mật khu của chúng vùng Lưỡi Câu ở vùng biên giới, hoặc
dọc theo hành lang Sông Saigòn --ranh giới giữa Bình Long và Tây Ninh,
và bên ngoài mật khu Bến Than-- phía tây Chơn Thành, đã hạ một số
cán binh của chúng, phần lớn là thành phần cán binh trinh sát của
hầu hết các Sư Đoàn chính qui CSBV & TWC/MN 5, 7, 9. Một số tài
liệu tịch thu được trên các xác chết là các tài liệu học tập về
“tấn công hợp đồng bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố”.
Chúng tôi cũng phát hiện được một đơn vị cấp sư đoàn do Trung Ương
Cục Miền Nam –TWC/MN (Bộ Tư lệnh MACV Hoa Kỳ thường gọi tổ chức này
là COSVN, Central Office of South Vietnam) mới thành lập cho chiến trường
Tây Ninh và Bình Long, đó là Sư đoàn Bình Long hay Sư đoàn C30B gồm
Trung đoàn 271 -lấy cán bộ khung của Trung đoàn 271 Sư đoàn 9 chuyển
qua- và các Trung đoàn 24, 205 và 207, hầu hết là cán binh từ Tây
nguyên và miền Trung đưa vào. Từ các tin tức ở các tài liệu này, tôi
trình Tướng Hưng trước tiên nên mở một cuộc hành quân vào Mật khu Bến
Than,vùng phía bắc Liên Tỉnh lộ 13, nối Chơn Thành và Tây Ninh, cách
Quận lỵ Chơn Thành về hướng tây chừng hơn 15 cây số. Lữ đoàn 1
Nhảy Dù được tăng phái cho SĐ5BB mở cuộc hành quân vào Bến Than trong
tuần lễ thứ hai tháng 2, 1972. Kết quả tịch thu và phá hủy hơn 100
tấn g̣ạo và lương thực, tịch thu hơn 1,000 vũ khí cá nhân và phá hủy
nhiều tấn đạn dược của CSBV mới được chuyển từ các mật khu biên
giới Miên vào tồn trữ ở đó.
Vào trung tuần tháng hai năm 1972,
trong một cuộc hành quân thám sát ở vùng đồi thấp cách phía bắc
Lộc Ninh chừng 5 cây số và ở hướng tây Quốc lộ 13 chừng hơn 3 cây số,
Đại đội Trinh sát của Chiến đoàn 9 chạm súng với một tiểu đội quân
Công sản Bắc Việt, bắn hạ 4 tên và bắt một cán binh mang súng ngắn
và hai cán binh khác. Các cán binh này được đưa về Biệt đội Quân báo
Sư đoàn thẩm vấn. Chính tôi, lúc đó là Trưởng Phòng 2 Sư đoàn cũng
trực tiếp tiếp xúc với các cán binh nầy. Được biết người cán binh
mang súng ngắn là một sĩ quan của Bộ đội Bắc Việt, đã xâm nhập vào
miền Nam trong hai năm trước, đầu tiên được bổ sung cho Sư đoàn Công
trường 7 Bắc Việt, sau cùng được chuyển sang Tiểu đoàn Trinh Sát của
Sư đoàn 69 hay 70 Pháo, trực thuộc TWC/MN. Người sĩ quan trinh sát
pháo binh Cộng sản này, cấp bậc Trung uý, khai rằng anh tháp tùng tên
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh Sát Sư đoàn 69 Pháo của TWC/MN và
hai sĩ quan khác với một tiểu đội cận vệ hôm đó đến vùng đồi phía
tây lộ 13 là để điều nghiên các vị trí đặt pháo tiêu diệt căn cứ
của Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 Bộ binh đóng ở cuối sân bay Lộc Ninh, Bộ
Chỉ huy Chi Khu Quận Lộc Ninh gần đó, và tiêu diệt căn cứ của Thiết
đoàn I Kỵ binh thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh và Tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân
biên phòng ở Ngã ba Lộc Tấn, và Căn cứ A, hay Alpha, trên Quốc lộ 13,
nối liền với Quốc lộ 14A ở phía bắc Lộc Ninh, trong trận Tổng Công
Kích sắp diễn ra. Trận Tổng Công Kích này sẽ lớn lao vì đơn vị của
anh được học tập là sẽ hợp đồng tác chiến giữa “bộ binh, pháo binh
và chiến xa vào thành phố.”
Người tù binh trinh sát này tỏ ra
thành khẩn trong những lần tiếp xúc với tôi và khai báo cặn kẻ về
những gì tôi hỏi nhờ ở sự đối đãi nhẹ nhàng, cho ăn ngon, cà phê
thuốc lá, và nhất là để ý thăm hỏi gia đình anh ở miền Bắc. Anh cho
biết là Sư đoàn 69 Pháo TWC/MN đổi danh thành Sư đoàn 70 Pháo và từ
cuối năm 1971 đã tiếp nhận thêm rất nhiều loại đại bác lớn với khối
đạn dược lớn lao được chuyển từ Bắc Việt vào. Tuy nhiên, có hai câu
hỏi quan trọng mà anh không thể trả lời là ngày khai diễn chiến dịch
qui mô của TWC/MN và các đơn vị chiến xa Bắc Việt sẽ tham chiến. Anh
nói rằng theo kinh nghiệm thì sau khi đơn vị Trinh sát Pháo điều nghiên
xong trận địa, thiết lập xong xa-bàn và nếu xa-bàn phối trí pháo
được thông qua thì trận chiến sẽ khai diễn độ một tuần sau đó. Nhưng
nay Tiểu đoàn trưởng Trinh sát Pháo của anh vừa chết và anh bị bắt
nên không rõ TWC/MN sẽ có thay đổi gì hay không. Còn về các đơn vị
chiến xa, thì anh không được biết và không nhìn thấy trong khu vực
đóng quân của đơn vị anh hay vùng phụ cận, mà chỉ được biết qua học
tập.
Không thể khai thác gì hơn và theo
lệnh, tôi cho chuyển anh nầy về Trung tâm Thẩm vấn Tù binh Vùng III
Chiến thuật. Sau đó anh này được đổi sang diện “hồi chánh”. Khi trận
chiến An Lộc khai diễn được một tuần, anh Trung uý Trinh sát Pháo này
mặc quân phục binh sĩ VNCH, mang súng lục, theo một cố vấn Hoa Kỳ từ
Biên Hòa đến gặp thăm tôi ở Bộ Chi huy Hành quân của Sư đoàn tại An
Lộc. Tôi kể rõ chuyện trên đây để chứng minh rằng chúng tôi không hề
bị bất ngờ về cuộc Tổng Công Kích Mùa Hè của lực lượng CSBV. Sự
thực thì sự hiểu biết của người tù binh thành hồi chánh nầy rất
hạn hẹp so với cục diện chiến trường diễn ra ở miền Nam trong “Mùa
Hè Đỏ Lửa” 1972, vì tri quyền của một sĩ quan cấp nhỏ như anh không
thể biết nhiều hơn ... tiếp theo
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết