Giáng
Sinh 1991, ngày cuối cùng của chế độ CS Liên Xô
Quan điểm
của Điếu Cày và Cù Huy Hà Vũ
Trần Trung Đạo (Danlambao) - “Merry Christmas!” Một
viên chức trong đoàn tùy tùng của Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev chào Ted Koppel
và nhóm phóng viên của hệ thống ABC đang đứng chờ trước bậc thềm điện Kremlin.
Ted Koppel chào lại nhưng anh chàng Rick Kaplan, phụ tá của Ted Koppel phản đối “Với
tôi anh phải chúc là Happy Hanukkah mới phải”. Rick Kaplan nói thế chỉ vì
anh ta gốc Do Thái. Viên chức Liên Xô không hiểu Hanukkah nghĩa là gì và tưởng
là Honecker nên hỏi ngược “Tại sao tôi phải chào Happy Honecker nhỉ?”
Thật ra, thắc mắc của viên chức Liên Xô không
phải là không có lý do. Ngày 25 tháng 12 không chỉ là ngày cuối cùng của hệ
thống CS Liên Xô mà có thể cũng là ngày cuối của Erich Honecker nữa. Tên lãnh
tụ CS Đông Đức này bị truy tố tại Đức và được Gorbachev cho phép tỵ nạn chính
trị tại Liên Xô. Erich Honecker sợ bị Boris Yeltsin tống cổ về Đức nên hôm qua
đã chạy sang tòa đại sứ Chile ở Moscow xin tỵ nạn. Báo chí loan tin sáng hôm đó
Erich Honecker vừa xin tỵ nạn chính trị lần nữa nên viên chức trong đoàn tùy
tùng Gorbachev liên tưởng đến y khi nghe “Happy Hanukkah”.
Ngày 25 tháng 12 là ngày nhiều tỉ tín đồ Thiên
Chúa Giáo trên thế giới kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế giáng trần nhưng tại Moscow,
ngày 25 tháng 12, 1991 là ngày chính thức cáo chung của chế độ Cộng Sản. Thật
khó tin nhưng đang diễn ra trước mắt nhân loại. Ngày cuối cùng của chế độ CS
Liên Xô được tường thuật theo từng giờ trong tác phẩm Moscow, December
25, 1991, the last day of Soviet Union của Conor Óclery mà người viết
tham khảo.
Tối ngày 24
Thời tiết Moscow lạnh xuống gần 0 độ F. Những
lớp tuyết dày trên dưới chân tường điện Kremlin dấu vết của cơn bão tuyết ba
ngày trước. Nửa đêm 24 tháng 12, một đoàn hành hương đến cầu kinh dưới chân
tháp Thánh Nicholas. Từ khi chính sách Glasnost ra đời, việc
tiếp xúc tôn giáo có phần cởi mở. Nhiều đoàn hành hương có cơ hội đến thăm
viếng các nhà thờ lớn ở Liên Xô. Phần đông người trong đoàn đến từ Mỹ. Dù Giáng
Sinh theo lịch Julian do Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga dùng là ngày 7 tháng
Giêng những người hành hương này muốn đón Giáng Sinh theo lịch Mỹ ở Moscow.
Những ngọn đèn cầy được thắp lên trong đêm đông tại quốc gia CS hàng đầu thế
giới. Những người hành hương không biết một cách chi tiết những gì sắp xảy ra
trên đất nước này trong vài giờ nữa.
Sáng sớm ngày 25
Mikhail Sergeyevich Gorbachev, Tổng Bí Thư
đảng CS kiêm Chủ tịch Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết thức dậy sớm. Ông ta ý thức
ngay rằng, tất cả những gì ông sắp sửa làm từ bữa ăn sáng do đầu bếp Shura phục
vụ và cả biệt điện nguy nga mà vợ chồng ông ta nghĩ trước đó sẽ ở cho đến chết
đều sẽ là lần cuối. Chiếc xe đặc biệt ZiL-41047 chờ ông. Hai viên đại tá có
khuôn mặt lạnh như tiền ngồi trên chiếc Volga theo sau xe của Gorbachev. Họ không
phải là cận vệ nhưng là người mang chiếc cặp trong đó chứa các thông tin tuyệt
mật để phát động chiến tranh nguyên tử. Hai đại tá này biết chiều tối nay họ sẽ
chào từ biệt Mikhail Gorbachev để phục vụ lãnh đạo Cộng Hòa Nga Boris Yeltsin.
Mikhail Sergeyevich Gorbachev được thế giới ca
ngợi như là người đã thổi vào không khí chính trị Liên Xô làn gió mới và được
trao tặng giải Nobel Hòa Bình 1990 nhưng trong nước dân chúng đổ hết công phẫn
lên ông ta. Tên Gorbachev đồng nghĩa với suy thoái, thất nghiệp, vật giá leo
thang, tem phiếu. Người dân thường dĩ nhiên không biết và cũng không cần biết,
Gorbachev là lãnh đạo CS thứ bảy từ Lenin và cũng là người kế thừa một gia sản
lạc hậu, ung thối từ trong máu của chế độ.
Nhiều câu chuyện cười ở Moscow về thái độ bất
mãn của người dân đối với Gorbachev. Ví dụ, trong một tiệm rượu, một người
khách đứng dậy bỏ đi, các bạn anh ta hỏi đi đâu, anh chàng đáp đi giết
Gorbachev chứ đi đâu, anh ta mở cửa ra đi thật nhưng trở lại ngay, bạn bè hỏi
sao giết Gorbachev mà nhanh thế, anh chàng đáp không giết được vì phải sắp hàng
dài quá.
9 giờ sáng ngày 25
Mikhail Gorbachev và đoàn tùy tùng đến dinh
chủ tịch ở điện Kremlin hơi trễ hơn thường lệ chút ít. Hãng tin Mỹ ABC gồm Ted
Koppel và Rick Kaplan có mặt ngay tại chỗ dừng xe. Họ được Gorbachev cho phép
tường thuật biến cố lịch sử này. Theo lời kể lại của Ted Koppel, Gorbachev rất
trầm tĩnh. Nhân viên làm việc trong điện Kremlin vẫn tới đủ nhưng không có việc
nào làm khác hơn là dọn dẹp. Thời khóa biểu tiếp khách trước đây được tính từng
phút hôm đó trống không. Mặc dù theo thỏa thuận, Gorbachev có đến cuối năm để
dời ra khỏi điện nhưng thực tế Yeltsin đã tóm thu hết quyền hành và các phương
tiện thông tin. Đơn vị phòng vệ điện Kremlin vẫn túc trực nhưng không đặt dưới
quyền chỉ huy của Gorbachev mà trực thuộc thẳng Yeltsin. Chiếc điện thoại màu
trắng trên bàn làm việc của Gorbachev còn hoạt động nhưng không ai gọi vào.
10 giờ sáng ngày 25
Trong lúc điện Kremlin chìm trong im lặng, Tòa
Nhà Trắng Nga lại sôi nổi với hàng loạt chương trình trong ngày mới của nền
Cộng Hòa. Tòa nhà quốc hội Nga này là biểu tượng của trận chiến chống chế độ
toàn trị khi Yeltsin đứng trên xe tăng thách thức đám lãnh đạo CS cực đoan hồi
tháng Tám trước đó. Boris Yeltsin lãnh đạo Nga đến văn phòng làm việc. Ông lên
văn phòng đặt trên tầng thứ năm bằng cầu thang riêng phía sau. Trên bàn làm
việc hàng loạt sắc lịnh chờ ông ký. Một chế độ hình thành bằng máu, dao búa và súng
đạn đang được giải thể bằng sắc lịnh. Một trong những sắc lịnh ông phải ký hôm
nay là giải tán cơ quan KGB và thay bằng Federalnaya Sluzhba Bezopasnosti gọi
tắt là FSB tức Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga. Không chỉ trong ngành an ninh,
mật vụ mà cả sắc lịnh về các hí viện, nhạc viện, các viện hàn lâm, trường đại
học, viện bảo tàng v.v... từ ngay đều trực thuộc Cộng Hòa Nga.
Các cơ quan ngoại giao quốc tế cũng vậy. Bộ
trưởng Ngoại Giao Eduard Shevardnadze nổi tiếng thời Gorbachev bị trục xuất ra
khỏi nhiệm sở và thay bằng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Kozyrev. Tại tất cả
nhiệm sở ngoại giao khắp các múi giờ trên toàn thế giới, cờ Liên Xô bị hạ xuống
và cờ Cộng Hòa Nga ba màu được kéo lên. Nhiều đại sứ vội vã đánh điện cho
Yeltsin tuyên bố trung thành. Tòa đại sứ lớn nhất của Liên Xô là tòa đại sứ tại
Washington DC với hơn 300 nhân viên thuộc nhiều sắc tộc. Các nhân viên chia
thành nhiều nhóm theo sắc dân và tự tuyên bố họ là đại diện cho cộng hòa của họ
tại Mỹ.
Gần 11 giờ sáng Tổng thống Nga Boris Yeltsin
qua phòng họp quốc hội Nga ở lầu 1. Tổng cộng 252 đại biểu quốc hội đang tập
trung để chứng kiến ngày lịch sử. Nhân dịp này, Boris Yeltsin thông báo tin vui
rằng 11 quốc gia cựu Liên Xô trong phiên họp tại Kazakhstan đã đồng ý thành lập
Khối Thịnh Vượng chung.
12 giờ trưa ngày 25
Mikhail Gorbachev ăn trưa xong. Phía sau phòng
ăn có một phòng nhỏ bỏ trống. Tổng bí thư CS Liên Xô vào, đóng cửa lại và nằm
nghỉ. Các phụ tá của ông hớt hải đi tìm. Gorbachev phải có mặt để ký thư từ
biệt gởi các lãnh đạo thế giới mà ông có quan hệ tốt. Một danh sách khá dài từ
Tổng thống Mỹ George H. W. Bush cho đến Thủ tướng Anh John Major và cả các ông
hoàng như Vua Juan Carlos và Nữ Hoàng Sofia của Spain.
Bài bình luận trên báo Nga buổi sáng hôm đó
chẳng tốt lành gì cho lãnh tụ CS Mikhail Gorbachev. Tờ Rossiyskaya Gazeta tiết
lộ các cam kết mật Yeltsin dành cho Gorbachev khi về hưu bao gồm số phụ cấp
bằng với mức lương hiện nay của ông ta có điều chỉnh theo mức lạm phát, hai
chiếc xe riêng và một đoàn tùy tùng 20 người kể cả tài xế và an ninh. Đây là
thỏa thuận kín giữa Gorbachev và Yeltsin nhưng đã bị cánh Yeltsin tiết lộ cho
báo chí biết. Các báo còn cho rằng Gorbachev đòi hỏi một đoàn phục vụ lên đến
200 người. Thật ra, theo Chernyaev, phụ tá của Gorbachev, ông ta chưa bao giờ
đòi hỏi một số lượng nhân viên phục vụ đông như thế. Phe Yeltsin chỉ bịa ra để
làm nhục Gorbachev.
4 giờ chiều ngày 25
Gorbachev và phụ tá Andrei Grachev xem lại
diễn văn mà 4 giờ nữa ông sẽ đọc và quyết định thay chữ “từ chức” bằng
chữ “ngưng các hoạt động” trong chức vụ chủ tịch Liên Bang Sô
Viết. Diễn văn được sửa tới sửa lui nhiều lần chung quanh các điểm xung khắc
giữa Yeltsin và Gorbachev.
Cũng trong buổi chiều cuối cùng này, Gorbachev
gọi điện thoại chào từ giã tổng thống Mỹ George H. W. Bush. Buổi điện đàm được
truyền hình ABC thu. Gorbachev mở đầu trước bằng gọi một cách thân mật “George
thân mến, chúc mừng Giáng Sinh đến anh và Barbara!” và nói tiếp “George,
tôi muốn báo anh biết một tin quan trọng. Trước mặt tôi là diễn văn từ nhiệm.
Tôi sẽ rời khỏi chức vụ tổng tư lịnh và chuyển giao quyền sử dụng vũ khí nguyên
tử sang tổng thống Liên Bang Nga”. Buổi điện đàm diễn ra trong không
khí rất thân mật và tổng thống Mỹ mời Gorbachev viếng thăm Mỹ lần nữa. Cả hai
đều tránh nhắc tới tên Yeltsin.
Trời đã về chiều. Gorbachev và hai phụ tá thân
cận nhất của ông ngồi quanh nhau bên ly cà phê cuối cùng. Cả ba đồng ý, sau khi
đọc diễn văn, Gorbachev sẽ ký quyết định từ nhiệm thay vì ký trước như dự tính.
Trong lúc nhắp cà phê, câu chuyện về số phận Nicolae Ceausescu của Romania được
nhắc đến. Mặc dù Gorbachev ví Ceausescu như là Hitler của Romania, cả hai đã
duy trì một quan hệ lãnh đạo các quốc gia trong khối CS. Chỉ ba tuần trước khi
vợ chồng Nicolae Ceausescu bị xử bắn, Gorbachev đã tiếp y tại điện Kremlin.
Trong dịp đó Gorbachev khuyên Ceausescu đừng ngại thực hiện các cải cách dân
chủ và tiên đoán “đồng chí sẽ còn sống trong dịp hội nghị các lãnh đạo
CS Liên Xô và Đông Âu” tổ chức ngày 9 tháng Giêng. Ngày đó không bao
giờ đến và Nicolae Ceausescu cũng đã chết rồi.
7 giờ tối ngày 25
“Kính thưa toàn thể
nhân dân”, giọng Mikhail
Gorbachev hơi lạc đi vì xúc động, gò má ông rung lên. Trong chốc lát, ông lấy
lại bình tỉnh và đọc tiếp “Số phận đã quyết định rằng, khi tôi trở nên lãnh
đạo đất nước, hiển nhiên đã có những sai trái trầm trọng trong quốc gia này.
Chúng ta có đầy đủ mọi thứ, đất đai, dầu khí, tài nguyên thiên nhiên và Tạo Hóa
đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng - Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ
hại hơn nhiều so với các quốc gia kỹ nghệ khác và khoảng cách mỗi ngày rộng
thêm. Lý do rõ ràng vì xã hội bị bóp ngặt trong tay của một hệ thống quan quyền
được tạo ra để phục vụ một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang,
căng thẳng tột cùng. Tất cả cố gắng để thực hiện các cải cách nửa vời đều lần
lượt dẫn đến thất bại. Đất nước không còn hy vọng gì nữa.”
Gorbachev tiếp tục nói về các cải cách ông
thực thi từ 1985, dù sao, đã là những viên gạch cần thiết lót lên con đường dẫn
đến chế độ dân chủ và theo ông “xã hội đã đạt được tự do, tự do về
chính trị và tự do về tinh thần”. Gorbachev chấm dứt diễn văn lúc 7:12 phút
tối. Ông nhìn lên ống kính truyền hình và thêm vào câu nữa“Chúc quý vị mọi
điều tốt đẹp”.
Các lý do làm Liên Xô sụp
đổ là nguồn thúc đẩy sự nghiên cứu của nhiều sử gia, nhà nghiên cứu, nhà phân
tích và vẫn còn đang được nghiên cứu, phân tích. Tuy nhiên, như nhiều người
đồng ý, nguyên nhân sâu xa vẫn là những mâu thuẫn có tính triệt tiêu trong bản
chất của chế độ CS độc tài toàn trị, sự chuyển hóa không ngừng của xã hội và
các nguyên nhân trực tiếp gồm tình trạng tham nhũng thối nát, chạy đua vũ trang
và trung ương không giữ được địa phương.
Mâu thuẫn có tính triệt tiêu của chế độ CS.
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, chế độ CS Liên Xô không thể nào sụp đổ. Sau thế
chiến thứ hai, Liên Xô có một đạo quân khổng lồ gồm 500 sư đoàn trong đó 50 sư
đoàn thiết giáp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Mỹ và Tây phương, Liên Xô
duy trì một đạo quân từ 3 triệu người đến 5 triệu người. Khoảng thời gian Liên
Xô sụp đổ, Liên Xô có 210 sư đoàn với một phần tư là các sư đoàn thiết giáp.
Kho vũ khí hạt nhân Liên Xô có 27 ngàn đầu đạn nguyên tử trong đó 11 ngàn đầu
đạn có tầm bắn xa đến tận nước Mỹ. Mỗi đầu đạn nguyên tử có thể tàn phá một
thành phố Mỹ.
Bên ngoài hùng mạnh, nhưng bên trong, Liên Xô
là một cơ chế chính trị chứa đựng các mâu thuẫn nội tại dẫn đến thối rửa. Chủ
nghĩa Marx-Lenin đề cao “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” nhưng
thật sự từ Cách mạng CS tại Nga, Trung Cộng, Cu Ba, Bắc Hàn, Việt Nam v.v...
đều phát xuất từ một nhóm nhỏ cán bộ CS biết vận dụng các lý do lịch sử và bất
đồng nhất thời trong xã hội để phát động chiến tranh và sau đó tiếp tục cai trị
nhân dân bằng súng đạn, nhà tù, sân bắn. Người dân không có quyền chọn lựa. Mâu
thuẫn đối kháng mang tính triệt tiêu nhau giữa chế độ độc tài toàn trị và quyền
sống, quyền tự do chọn lựa của con người vì thế đã bắt đầu ngay khi cách mạng
CS thành công và sâu sắc dần theo thời gian.
Sự chuyển hóa tri thức xã hội. Như người viết
đã có dịp phân tích bài Trung Cộng không
đáng sợ, sự chuyển hóa tri thức của xã hội là nguồn lực
chính thúc đẩy cách mạng dân chủ tại các quốc gia CS. Nguồn lực đó nhanh hay
chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận
bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Những nguồn đối kháng từ bên trong các nước
CS đã âm thầm lớn mạnh chỉ chờ cơ hội là bùng vở. Sức sống của đất nước cũng
như của xã hội là một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ, các thế lực cầm quyền
độc tài chỉ là những khe đá, có thể làm chậm dòng thác văn minh nhưng không thể
ngào ngăn chận được.
Khi nhận thức con người được mở rộng sự sợ hãi
sẽ giảm dần. Điều này thể hiện không chỉ ở người dân Liên Xô lúc đó mà cả các
cấp lãnh đạo CS Liên Xô cũng không còn sợ các biện pháp chế tài của trung ương
đảng. Chưa bao giờ trong lịch sử đảng CS Liên Xô có một ủy viên bộ chính trị từ
chức. Không cần phải tìm hiểu cũng biết điều gì sẽ xảy ra cho Boris Yeltsin nếu
ông ta từ chức trong thời kỳ Lenin, Stalin.
Yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên
Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam
chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự
chuyển hóa không ngừng của xã hội. Các quốc gia CS còn lại như Trung Cộng, Việt
Nam tìm mọi cách để ngăn chận sự phát triển tự nhiên của văn minh con người, cố
tình che đậy, bưng bít thông tin nhưng chỉ làm chậm lại tiến tình cách mạng dân
chủ một thời gian ngắn mà thôi. Cuộc chiến tranh xoi mòn từng mảnh nhỏ này đang
diễn ra từng giờ, từng phút và phần thắng đang nghiêng dần về phía người dân.
Tham nhũng thối nát, chạy đua vũ trang và
trung ương không giữ được địa phương. Thập niên 1970 Liên Xô có vẻ trong vị trí
ổn định và có ảnh hưởng quốc tế nhất. Vị trí của Liên Xô lên cao tại Phi Châu,
Trung Đông và Á Châu. Tuy nhiên sau thượng đỉnh Vladivostok giữa Leonid
Brezhnev và Tổng thống Mỹ Gerald Ford tình hình bắt đầu đổi khác. Nền kinh tế
Liên Xô suy sụp dần vì hơn 30%, nhiều phân tích cho rằng hơn một nửa, ngân sách
quốc gia phải đổ vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Giống như đòn kinh tế Mỹ
đang áp dụng hiện nay đối với Vladimir Putin, thập niên 1980, Mỹ cũng thỏa
thuận với Saudi Arabia để giữ giá dầu thấp nhằm đánh vào nền kinh tế sống nhờ
xuất cảng dầu khí của Liên Xô.
Gorbachev kế thừa một “sự nghiệp cách mạng”
nhưng trong thực tế một gánh nặng của chủ nghĩa độc tài toàn trị kéo dài từ
1917 cho đến tháng 3 năm 1985, thời gian ông được chọn làm tổng bí thư đảng. Cơ
chế chính trị trung ương không giữ được các cộng hòa địa phương. Trước Giáng
Sinh 1991 vài ngày, 11 nước cộng hòa Sô Viết gồm Ukraine, Liên Bang Nga,
Belarus, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Turkmenistan,
Tajikistan và Uzbekistan tuyên bố họ không còn là những tiểu quốc trong liên
bang Sô Viết. Bốn nước Estonia, Lithuania, Latvia, Georgia chọn nghiêng hẳn về
phía Tây thay vì theo Nga.
Không có con đường nào
khác dành cho các lãnh đạo CS
Chế độ CS, một chế độ đi ngược dòng phát triển
văn minh nhân loại và quyền con người như Mikhail Sergeyevich Gorbachev xác
nhận trong diễn văn từ chức “hệ thống
toàn trị đã ngăn chận một quốc gia để trở nên giàu có và thịnh vượng, hệ thống
đó phải bị giải thể.” Điều đó đã xảy ra tại Nga, Đông Âu, Phi Châu và
đương nhiên sẽ xảy ra tại Trung Cộng và Việt Nam. Cách mạng dân chủ là một tiến
trình không thể nào đảo ngược. Các lãnh đạo CS chỉ có một trong hai chọn lựa,
hoặc như Mikhail Gorbachev hoặc như bị lật đổ như Nicolae Ceausescu, Erich
Honecker chứ không có chọn lựa thứ ba nào.
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết