Buổi lễ bàn giao tổng thống tại Dinh Độc Lập (giữa Trần Văn Hương và Dương Văn Minh)
Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương
Lời của phóng viên Đài Sài Gòn :
“Thưa quý thính giả, bây giờ là 17 giờ thiếu 5
phút, và phóng viên hệ thống truyền thanh vẫn có mặt tại phòng khánh tiết Dinh
Độc Lập. Nơi đây, buổi lễ giao tổng thống Việt Nam Cộng Hòa sẽ diễn ra trong
vòng năm phút tới. Bên trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập hiện giờ đèn sáng
choang và các dân biểu, nghị sĩ, cũng như tất cả nội các xử lý thường vụ của
Thủ trưởng Nguyễn Bá Cẩn hiện có mặt bên trong hội trường này.
Thưa quý vị thính giả, chúng tôi đã nhận thấy
ở trên hàng ghế đầu cùng là Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng Nguyễn
Văn Hảo, Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, quý vị cố vấn đoàn trong đoàn chính
phủ. Chúng tôi cũng nhận thấy Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm Trưởng phái
đoàn hòa đàm tại Ba Lê là ông Nguyễn Xuân Phong ngồi ở hàng ghế thứ nhì.
Phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này là nơi xưa
kia nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu vẫn thường tổ chức các
cuộc họp báo, và như quý vị đã biết, ở trên cùng của phòng khánh tiết là một
bức tranh diễn tả cảnh Quốc Tổ Hùng Vương hội họp các bộ tướng thời xưa. Ở hai
bên bức tranh đó là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và quốc huy của chế độ. Đó là
hình hai con rồng bay trên lá cờ Việt Nam.
Tiếp đến, chúng tôi nhận thấy là diễn đàn của
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và cách diễn đàn đó khoảng mười thước là ghế dành
cho các nhân vật trong chính phủ, các nhân vật thuộc đoàn cố vấn của chính phủ
và các dân biểu nghị sĩ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số các giám sát viên
thuộc giám sát viện và quý vị thẩm phán tối cao pháp viện.
Thưa quý thính giả, bên trong phòng khánh tiết
Dinh Độc Lập cũng được kê khoảng gần 200 ghế và hiện giờ thì những ghế đó đã
kín chỗ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số các nhân vật được nhiều người biết tới
ở trong Quốc Hội như ông Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, Nghị sĩ Tôn Thất Đính,
Nghị sĩ Nguyễn Văn Ân, Dân biểu Trần Văn Tuyên, Trưởng Khối Dân Tộc Xã Hội.
Chúng tôi cũng nhận thấy Dân biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa, Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận,
Dân biểu Trần Cao Đế, Dân biểu Mã Sái, Dân biểu Nguyễn Bá Lương, Dân biểu Đỗ
Xuân Tứ, Nguyễn Minh Đăng, Trương Tất Thịnh, Trương Xuân Bào, Hồ Ngọc Cứ,
Nguyễn Quang Phụng, Đinh Văn Đệ, Nhan Minh Trang, Nguyễn Tuấn Anh. Ở trong dãy
ghế dành cho quý vị Nghị sĩ chúng tôi cũng còn nhận thấy Nghị sĩ Khế Thiện Kế,
Nghị sĩ Trần Văn Đôn, Nghị sĩ Tôn Thất Đính, và Nghị sĩ Huỳnh Văn Cao.
Thưa quý vị thính giả, quang cảnh trong phòng
khánh tiết Dinh Độc Lập hiện nay đông nghẹt các phóng viên nhiếp ảnh trong
ngoài nước. Có đến khoảng gần 100 phóng viên nhiếp ảnh đã đứng ở phía trước cửa
phòng khánh tiết, tức là đứng ở hai bên và vì thế rất khó để quan sát toàn thể
hội trường.
Theo như chương trình thì lễ trao nhiệm chức
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa Tổng thống đương nhiệm Trần Văn Hương và cựu
Đại tướng Dương Văn Minh sẽ bắt đầu vào lúc 17 giờ ngày 28 tháng 4-1975. Nhìn
qua cửa kính bên phải phòng khánh tiết, chúng tôi nhận thấy cựu Đại tướng Dương
Văn Minh trong âu phục mùa xám tro đã tiến vào một trong các phòng làm việc của
Dinh Độc Lập ở phía cánh trái của Dinh Độc Lập. Và giờ này thì có thêm các dân
biểu và nghị sĩ vẫn còn tới để dự lễ trao nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng
Hòa giữa tổng thống Trần Văn Hương và tổng thống chỉ định Dương Văn Minh.
Chúng tôi vừa nhận thấy nghị sĩ Nguyễn Văn
Hương và nghị sĩ Vũ Văn Mẫu vừa bước vào phòng khánh tiết. Chúng tôi cũng nhận
thấy ông thẩm phán tối cao Trần Văn Tiết cũng vừa bước vào phòng khánh tiết.
Nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền sau một thời gian từ chức để phản đối chế độ, nay đã
trở lại nghị trường để sinh hoạt cùng với các bạn đồng viên của ông.
Như quý vị khán giả đã biết, đất nước chúng ta
đã trải qua một chuỗi dài đau thương của lịch sử, và kể từ ngày nguyên tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui khỏi Kontum và Pleiku, những chuỗi ngày
đen tối tiếp theo nhau và đã đưa đến khung cảnh chính trị và quân sự rất u ám
hiện tại. Như quý vị đã biết, vào thứ Hai 21 tháng 4, tức là cách đây một tuần,
nguyên tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức cũng ngay tại
phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này, và anh bạn phóng viên của chúng tôi cũng đã
trực tiếp truyền thanh hầu quý vị buổi lễ từ chức lịch sử đó. Phó tổng thống
Trần Văn Hương, theo hiến pháp, đã lên đảm nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng
Hòa và nếu tính đến ngày hôm nay thì tổng thống Trần Văn Hương giữ chức vụ
nguyên thủ quốc gia được đúng bảy ngày.
Và hôm nay là ngày 28 tháng 4, tổng thống Trần
Văn Hương với sự chuẩn chấp của Quốc Hội lưỡng viện, sẽ trao quyền thổng thống
Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh trong một vài phút tới đây. Tổng
thống Hương đã được Quốc Hội chỉ thị tìm kiếm đường lối và biện pháp vãn hồi hòa
bình, mà rồi thì ông đã giao trách nhiệm đó cho Quốc Hội để tìm kiếm người thay
ông có thể tìm thấy đường lối và biện pháp vãn hồi hòa bình cho miền Nam Việt
Nam. Nghị quyết ngày 26 tháng 4-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định như
vậy, và ngày hôm sau, Quốc Hội lưỡng viện một lần nữa họp khoáng đại và bỏ thăm
với số phiếu đa số tuyệt đối chấp thuận thổng thống Trần Văn Hương trao quyền
tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh. Nói như vậy có nghĩa
là Hiến Pháp đã có một vài điều khoản không được thi hành nữa.
Trong hàng ghế dành cho nội các, thì khuất sau
một chiếc camera của đài truyền hình chúng tôi cũng nhận thấy ông Tổng trưởng
phát triển sắc tộc Narouet, ông Bộ trưởng phủ thủ tướng. Chúng tôi xin nhắc
lại, là ở hàng ghế trên cùng chúng tôi nhận thấy Phó thủ tướng đặc trách tổng
thanh tra kiêm tổng trưởng quốc phòng, trung tướng hồi hưu Trần Văn Đôn trong
âu phục màu đậm. Bên cạnh ông là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ tướng đặc
trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ. Phó thủ tướng Hảo mặc y
phục bốn túi màu xanh nước biển và bên cạnh phó thủ tướng Hảo là phó thủ tướng
Dương Kích Nhưỡng đặc trách các chương trình cứu trợ và định cư.
Phía sau hàng ghế, chúng tôi nhận thấy linh
mục Cao Văn Luận, chúng tôi cũng nhận thấy ông quốc vụ khanh Lê Trọng Quát, ông
quốc vụ khanh Nguyễn Văn Ái, ông quốc vụ khanh Phạm Thái và ông Nguyễn Xuân
Phong, quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm trưởng phái đoàn hòa đàm.
Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài
Dinh Độc Lập chúng tôi đã nhận thấy là trời bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải
qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước.
Đây là phóng viên hệ thống truyền thanh Việt
Nam. Tôi xin nhắc lại, là quý thính giả đang theo dõi buổi trực tiếp truyền
thanh về lễ trao nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa tổng thống Trần
Văn Hương và cựu đại tướng Dương Văn Minh.
Tổng thống Trần Văn Hương đã rời khỏi ghế ngồi
của ông. Tổng thống đang tiến tới trước bục máy vi âm ở phía trước bức tranh
quốc tổ và ông bắt đầu nói…”
Diễn Văn Của Tổng Thống Trần Văn Hương
trao Quyền Tổng Thống VNCH Cho Đại Tướng Dương
Văn Minh
lúc 5 Giờ Chiều Ngày 28 tháng 4 Năm 1975
Tại Dinh Độc Lập
THƯA ĐẠI TƯỚNG
Thưa ông Chủ tịch Thượng Viện, thưa ông Chủ
tịch Hạ Viện, thưa quý vị Nghị sĩ, Dân biểu.
Thưa quý vị,
Bữa nay là cái ngày đã từ lâu rồi quý vị phải
có, mà ngày nay đã có, tức là đã đáp ứng được nguyện vọng của tôi từ lâu rồi.
Khi Tổng thống tiền nhiệm trao nhiệm vụ cho
tôi, tôi vẫn biết sức già, dầu muốn dầu không, tuổi trời đã cao, sức lực đã mòn,
tức nhiên là không thể nào đảm trách được một nhiệm vụ lớn lao trong khi mà
nước nhà đã trải qua một buổi khó khăn vô cùng không thể tưởng tượng được. Bởi
vậy cho nên trong lòng tôi vẫn mong mỏi rằng dầu thế nào cũng phải có được một
người ra lãnh cái trách nhiệm này để lo cho việc nước. Gọi là cú vét phần nào,
cái gì gọi là quyền lợi, cái gì gọi là danh dự của nước Việt Nam Cộng Hòa chúng
ta.
Khi tôi đến trao đổi ý kiến với Đại tướng
Dương Văn Minh, điểm làm tôi thắc mắc là điểm pháp lý, bởi vì nếu tự nhiên tôi
đem cái quyền của tôi trao lại cho Đại tướng thì như vậy về phương diện pháp lý
không hợp lý chút nào. Điểm đó tôi cùng Đại tướng đã có thảo luận. Sau khi ra
ngoài lưỡng viện, tôi cũng có trình bày, và lưỡng viện sau khi thảo luận hai
ngày thì tìm ra được giải pháp mà đây tôi tin là giải pháp đáp lại với chỗ mong
mỏi của mọi người.
Thưa quý vị, điểm thắc mắc về pháp lý hết rồi,
thì về mặt đó chúng ta không còn băn khoăn chi nữa, thì dầu muốn dầu không cái
chuyện lớn lao hiện giờ không còn là chuyện pháp lý nữa, thì việc làm sao cho
nước Việt Nam Cộng Hòa dẫu tình hình có khó khăn đến đâu đi nữa, thì cũng phải
giữ phần nào để bảo tồn được. Nếu không toàn vẹn hết thì cũng là phần nào cái
danh dự của tổ tiên chúng ta.
Thưa với Đại tướng, dù muốn dù không, một
chương lịch sử đã dở qua rồi, những chương sẽ viết tới đây sẽ do nơi tay của
Đại tướng. Mà bây giờ có hỏi ngay ra rằng Đại tướng sẽ viết những gì, tôi thấy
là Đại tướng cũng băn khoăn, không thể trả lời. Nhưng tôi biết rằng với thiện
chí của Đại tướng đã sẵn có, thế nào việc làm sau này không đến nỗi phải phụ
lòng tin cậy của tất cả đồng bào, của quốc hội đã hoàn toàn đặt nơi Đại tướng.
Đường đi nó có khác, nó đã khác, bởi vì triều đại đã thay đổi. Chúng ta bây giờ
không nghĩ là phải luôn luôn đổ xương máu. Chúng ta không phải nghĩ là chúng ta
phải đánh tới người chiến sĩ cuối cùng, viên đạn cuối cùng, khi mà còn một biện
pháp nào, một giải pháp nào có thể đem lại hòa bình mà không đến nỗi tổn thương
quá sức danh dự của nước nhà. Bởi vậy cho nên đường lối có lẽ là ở trong khuôn
khổ đặt sẵn như thế đó.
Thưa với Đại tướng, nhiệm vụ của Đại tướng rất
là nặng, khi Đại tướng ra gánh vác chuyện này, tôi thấy rõ ràng là Đại tướng
chẳng những có một thiện chí không mà thôi, Đại tướng còn phải có những can
trường gì mới dám đảm nhận như vậy, và tôi cũng mong mỏi thế nào cho Đại tướng
thành công. Vả lại, đặt lại vấn đề, giải pháp chiến đấu để giữ giải pháp dung
hòa, ôn hòa, nghĩa là quên hết tất cả những gì gọi là căm thù để đem lại trước
hết sự hòa giải, hòa hợp, rồi tới hòa bình để cùng nhau sống yên, mưu đồ chuyện
tái tạo nước nhà. Theo ý tôi nghĩ, con đường là con đường đó.
Thưa với Đại tướng, xóa hận căm thù không phải
là căm thù đối với ở ngoài, mà tôi cũng xin phép nói là chúng ta cũng nên xóa
căm thù tất cả những gì gọi là căm thù ở trong. Trước kia có lẽ những chỗ sai
biệt đâm ra nếu là người Việt Nam thành thật thương nước, thì tất nhiên người
đó dù muốn dù không cũng phải lo cho nước, yêu nước.
Nhưng tiếc có một nỗi đồng
sàng mà có nhiều khi dị mộng, cho nên nghĩ như vậy mà cái lòng nó nghĩ khác
nhau. Việc làm khác nhau, nên sanh ra xích mích, sanh ra đến cái chỗ có thể gọi
là căm thù, thì tôi thành khẩn yêu cầu Đại tướng bao nhiêu những việc gì có thể
gọi là căm thù nội bộ, Đại tướng vui lòng ráng thế nào xóa bỏ hết. Vả lại trong
bộ máy của chế độ, đều có những người phụng sự cho chế độ đó. Nếu chế độ kế
tiếp mà còn nghĩ đến những việc trước, tìm ra chuyện ân oán giang hồ, gây
chuyện căm thù nữa, thì những người bất kỳ ở chế độ nào, tôi nghĩ làm sao mà dám
tận tâm với chế độ đó khi nghĩ đến chế độ sau này có thể trả thù trả oán.
Cái chỗ mong mỏi của tôi là như thế, và tôi
cũng hết sức thành khẩn yêu cầu Đại tướng nên nghĩ về tiền đồ của nước nhà, nên
nghĩ về sinh mạng, sống còn của đất nước này, làm thế nào cho việc hòa giải
khởi sự trước ở trong nước này trước khi ra tới ngoài.
Còn một điểm nữa có lẽ là điểm chót. Tất nhiên
là Đại tướng sẽ ráng hết sức mình mà làm, nhưng tôi cũng nhìn nhận lòng mình
dẫu có thiện chí đến đâu nhưng sức mình nó có hạn. Đại tướng cũng là người, Đại
tướng không phải là một vị thiêng liêng nào có phép màu cho nên chỉ phán một
lời là mọi chuyện đâu đấy như ý muốn được.
Tất nhiên là Đại tướng phải ráng
sức, chuyện mà Đại tướng ráng sức mà thành công hay không thành công, đó là một
việc tôi tưởng phần lớn không phải tùy nơi Đại tướng. Nhưng nếu Đại tướng thành
tâm vì nước để lo cho nước, ráng vãn hồi hòa bình lại để dân được sống yên, làm
thể nào cho máu đừng đổ, thịt đừng rơi, thì cái công của Đại tướng đối với hậu
thế sẽ lưu lại đời đời. Dầu thế nào, tôi thiết nghĩ rằng không bao giờ mà đất
nước này người ta có thể quên Đại tướng. Tôi xin cám ơn quý vị (vỗ
tay).
Sau đây là lời phóng viên Đài Sài Gòn:
Sau khi nguyên Tổng thống Trần Văn Hương đọc
bài diễn văn trao nhiệm xong, chúng tôi nhận thấy một sĩ quan đã gỡ huy hiệu
Tổng thống hai con rồng bay và thay vào đó huy hiệu Tổng thống mới là hình hoa
mai năm cánh. Tân Tổng thống, Đại tướng Dương Văn Minh, ngồi ở ghế giữa bên
cạnh Nghị sĩ Huyền và Nghị sĩ Mẫu bắt đầu rời khỏi ghế và lên diễn đàn.
Diễn Văn Nhận Chức Của Tổng Thống Dương Văn Minh:
Thông Điệp Gửi Người Anh Em Cách Mạng Miền Nam
Việt Nam
Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa Thầy,
Qua những lời của thầy làm cho tôi rất cảm
kích. Thầy đã ghi nhận tình thế quân sự cũng như mọi mặt bi đát, làm cho tôi
phần nào yên tâm vì cái sự khó khăn mà tôi gặp phải. Những lời khuyên dạy của
thầy hôm nay tôi sẽ ghi mãi trong lòng và thầy hãy yên tâm. Chúng tôi đã lâu
nay thấy không còn giải quyết vấn đề của chúng ta bằng võ lực không, mà không
có kèm theo một giải pháp chính trị nào thì không thành công. Vì đó, anh em
chúng tôi đã mấy năm nay, thảo luận tìm được giải pháp chúng tôi đã chọn lựa,
giải pháp hòa giải dân tộc. Nói như thế để thầy yên tâm.
Nếu có hận thù
thì không thể lấy hận thù ra mà trả đối với tất cả mọi ai. Chúng tôi đã chủ
trương hòa giải với đối phương, không lý do nào chúng tôi không hòa giải được
với anh em một nhà. Thầy cứ yên tâm. Tôi xin hứa với thầy.
Kính thưa quý vị,
Quốc hội lưỡng viện trong khi họp khoáng đại
ngày 27-4-75 đã được các vị hữu trách trong chính phủ và trong quân đội tường
trình đầy đủ về tình trạng nguy ngập của Việt Nam Cộng Hòa trên cả hai mặt quân
sự và kinh tế. Những điều bi đát mà chúng ta được nghe người dân miền Nam Việt
Nam đang phải gánh chịu từng giờ từng phút, từng phần xác và tâm hồn, đang phải
trả bằng máu và bằng nước mắt. Những trách nhiệm lãnh đạo quốc gia trong những
giờ phút này thật chẳng có gì là vui sướng. Tôi đã nhận vì đó không
những là đòi hỏi của nhân dân, mà còn là điều kiện thiết yếu để tạo một cơ may
tránh được nguy cơ sụp đổ, thực hiện ngưng bắn, mở lại hòa đàm hầu đạt đến một
giải pháp chính trị trong khuôn khổ hiệp định thần hòa giải.
Với tinh thần đó, với tất cả thiện chí và ý
thức trách nhiệm, với ý muốn trân trọng phục vụ đất nước và nhân dân, tôi xin
nhận trách vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Xin cám ơn Tổng thống. (vỗ
tay)
Nhân dịp này tôi cũng xin thông báo cùng toàn
thể quý vị và đồng bào, là tôi đã mời luật sư Nguyễn Văn Huyền, vốn Chủ tịch
Thượng Viện, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thống (vỗ tay) và giúp tôi về vấn đề
hòa đàm. Luật sư Nguyễn Văn Huyền đã chấp nhận (vỗ tay). Tôi xin long trọng
giới thiệu Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền (vỗ tay).
Tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể quý vị và
đồng bào rằng tôi đã mời Giáo sư Nghị sĩ Vũ Văn mẫu đảm nhận chức vụ Thủ tướng
chánh phủ và giáo sư Vũ Văn Mẫu đã chấp nhận (vỗ tay). Xin long trọng giới
thiệu Thủ tướng Vũ Văn Mẫu (vỗ tay).
TÂN TỔNG THỐNG NÓI VỚI QUỐC DÂN:
Sau đây tôi xin phép trả lời cùng đồng bào
quốc dân.
Đồng bào thân mến, trong những ngày qua, trước
tình thế cực kỳ nghiêm trọng, nhiều đoàn thể, tôn giáo muốn tôi đứng ra thành
lập một chánh phủ mới. Tổng thống Trần Văn Hương chiếu các quyết nghị ngày 26
và 27 tháng 7-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định trao quyền tổng thống
lại cho tôi. Tôi đã nhận trách nhiệm đó. Sứ mạng giao phó cho tôi rất là rõ
rệt:
1. Đạt tới thỏa hiệp ngưng bắn càng sớm càng
tốt.
2. Thương thuyết một giải pháp chính trị cho
miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, lập
lại hòa bình trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.
Tôi sẽ thành lập một chính phủ với những nhân
vật tiêu biểu cho các đoàn thể tôn giáo không xu hướng chính trị tại miền nam
Việt Nam vừa có đủ khả năng và đức độ để gây lại niềm tin, vừa có một lập
trường hòa giải dứt khoát để không ai có thể nghi ngờ thiện chí của mình và
thiện chí hòa bình.
Tôi tin tưởng sẽ thành lập được một chánh phủ
như vậy trong thời gian ngắn nhất có thể mở lại một hòa đàm với chánh phủ Cách
Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Nhận lãnh trách nhiệm trong những giờ
phút khẩn trương này, tôi chỉ có một ý muốn duy nhất là đóng góp phần của tôi
vào sự nghiệp hòa giải của dân tộc. Tôi gọi đó là sự nghiệp của dân
tộc. Vì hòa giải chỉ có thể thành tựu khi mọi đoàn thể, mỗi cá nhân dứt
khoát chấp nhận con đường hòa giải và dấn bước lên con đường đó với tất cả
thiện chí của mình. Đó là điều mà tình thế đang đòi hỏi nơi mỗi người chúng
ta.
Những ngày sắp tới sẽ vô cùng cam go. Tôi
không hứa hẹn nhiều với đồng bào, nhưng trong ngắn hạn chính phủ sẽ hết
sức cố gắng và ổn định các sinh hoạt kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của
đồng bào, cứu trợ nạn nhân chiến thuật, chính phủ bảo đảm tôn trọng các quyền
tự do dân chủ được xác định căn bản bởi tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và với
điều 11 của Hiệp Định Paris.
Một trong những biện pháp đầu tiên là trả tự
do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị và chấm dứt chế độ kèm kẹp báo
chí. Quan trọng hơn hết, chính phủ hòa giải hòa hợp, và riêng tôi
sẽ làm hết sức mình để đạt tới một giải pháp hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền
sống của mọi thành phần dân tộc và các quyền tự do căn bản của mọi công dân. Sự
thành công của chính phủ sẽ tùy thuộc một phần lớn nơi sự bình tĩnh, sáng suốt
của đồng bào, nơi sự hỗ trợ tích cực mà đồng bào sẽ dành cho chính phủ.
Tôi kêu gọi tất cả các đoàn thể tôn giáo và
chính trị, hãy bỏ qua những tỵ hiềm, vượt qua những nghi kỵ, đoàn kết với nhau
trong tinh thần dân tộc, để tạo thành một sức mạnh hòa bình.
Tôi sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến, mọi sáng
kiến có lợi cho hòa bình, và sẵn sàng hợp tác với mọi người có thiện chí.
GỬI QUÂN LỰC VNCH:
Anh em chiến sĩ thân mến,
Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời trong hàng
ngũ của anh em. Hơn ai hết, tôi thông cảm tất cả những gì mà anh em đã phải
gánh chịu trong những tuần lễ bi thảm vừa qua, và giờ đây trang sử cũ sắp lật
qua, anh em đứng trước một nhiệm vụ mới, bảo vệ phần đất còn lại, bảo vệ hòa
bình. Anh em phải giữ vững tinh thần, anh em phải giữ vững hàng ngũ, anh em
phải giữ vững vị trí để hoàn thành nhiệm vụ đó (vỗ tay). Khi nào có lệnh ngưng
bắn, anh em phải thi hành nghiêm chỉnh, điều hành sẽ đúng với các điều khoản
các hiệp định Paris gìn giữ trật tự an ninh trên phần đất của mình, bảo vệ sinh
mạng và tài sản của đồng bào, không bỏ súng, không bỏ ngũ. Trong mọi trường
hợp, một cách tuyệt đối thi hành chỉ thị của cấp trên. Mọi hành vi vô kỷ luật
sẽ bị nghiêm trị ngay tức khắc, giữ vững tinh thần, giữ vững hàng ngũ, tôn
trọng kỷ luật và góp phần lớn vào công cuộc vãn hồi nhanh chóng hòa bình.
Tôi cũng yêu cầu các công chức, cán bộ, và lực
lượng cảnh sát tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình và canh phòng cẩn mật, không
cho ai phá hoại.
GỬI CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ANH EM Ở BÊN KIA:
Sau đây, tôi có đôi lời gửi đến Chính Phủ Cách
Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và những người anh em ở bên kia.
Chúng tôi thành thật muốn hòa giải. Anh em biết rõ điều đó, hòa giải đòi
hỏi các thành phần dân tộc phải tôn trọng quyền sống của nhau, đó là tinh thần
của hiệp định Paris. Anh em đã luôn luôn chủ trương thi hành hiệp định
Paris và chúng tôi cũng đã luôn luôn chủ trương như vậy. Căn cứ trên hiệp định
này, chúng ta hãy ngồi lại với nhau, để cùng nhau tìm một giải pháp có lợi nhất
cho tổ quốc Việt Nam và cho nhân dân miền Nam. Để biểu dương thiện chí của đôi
bên và để chấm dứt nhanh chóng sự đau khổ của binh sĩ và nhân dân, tôi đề nghị
chúng ta ngưng tức khắc các cuộc tấn công lẫn nhau (vỗ tay). Tôi
mong anh em chấp nhận đề nghị này và cuộc thương thảo sẽ khởi sự liền sau khi
chính phủ được thành lập để hòa bình sớm được vãn hồi trên đất nước thân yêu
của chúng ta.
GỬI CÁC NƯỚC BẠN:
Đối với các nước bạn, chính phủ Việt Nam Cộng
Hòa mong muốn duy trì mối giao hảo và hoan nghênh mọi sự giúp đỡ không điều
kiện chính trị trên bình diện kinh tế và nhân đạo. Chính phủ cũng sẵn sàng
thiết lập liên hệ ngoại giao với mọi quốc gia, không phân biệt ý thức hệ trên
căn bản bình đẳng đồng quyền lợi và không xen vào nội bộ của nhau. Chúng
tôi thiết tha kêu gọi tất cả dân tộc trên thế giới hãy tích cực hỗ trợ chúng
tôi trên công cuộc văn hối hòa bình, thực hiện hòa giải hòa hợp tại miền Nam
Việt Nam.
GỬI ĐỒNG BÀO:
Đồng bào thân mến,
Trong những ngày qua, đồng bào đã hoang mang
lo sợ trước những diễn tiến của tình hình, nhiều người đã âm thầm ra đi. Tôi
muốn nói với tất cả đồng bào, đất nước này là quê hương của chúng ta, hãy cương
quyết và can đảm ở lại, giữ thân bằng quyến thuộc, mồ mả ông bà tổ tiên ở lại,
để cùng với chúng tôi, cùng với tất cả những người có thiện chí, xây dựng một
miền Nam mới cho các thế hệ tương lai.
Một miền Nam độc lập, dân chủ, tự do, thịnh
vượng, trên đó người Việt sẽ được sống an lành với người Việt trên tình huynh
đệ (vỗ tay).
Xin cám ơn đồng bào (vỗ tay).
Tiếp theo là lời phóng viên đài Sài Gòn:
Tổng
thống Dương Văn Minh vừa chấm dứt bài diễn văn nhậm chức của ông. Buổi lễ bế
mạc. Chúng tôi cũng nhận thấy hai vị tướng lãnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa
là Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Tổng Tham Mưu, và Trung tướng
Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân. Chúng tôi vừa thấy Phó tổng thống Nguyễn Văn
Huyền bắt tay Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, trong khi Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu bắt
tay cựu Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo.
Thủ tướng Mẫu cũng bắt tay linh mục Cao
Văn Luận, trong khi Phó tổng thống Huyền tiếp tục chào hỏi các quý vị ở trong
Nội Các cũ của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn. Phó tổng thống Huyền cũng đang trò
chuyện với nguyên Tổng thống Trần Văn Hương, tân Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng tiếp
tục chào hỏi các quý vị nghị sĩ, dân biểu, cũng như các quý vị ở trong Nội Các
cũ.
Phóng sự chấm dứt, mưa gió bên ngoài vẫn chưa
dứt.
Phóng sự của Đài Phát Thanh Sài Gòn
Phóng sự của Đài Phát Thanh Sài Gòn
Nguồn
: Viện Bảo Tàng San José, viết lại theo băng ghi âm.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết