|
From:
"tuong pham
Sent: Thursday, June 2, 2016 11:49 AM
Subject: [DDCL] Nhà văn Phan Lạc Phúc nhớ Phạm Đình Chương .
Sent: Thursday, June 2, 2016 11:49 AM
Subject: [DDCL] Nhà văn Phan Lạc Phúc nhớ Phạm Đình Chương .
Xin gửi đến quý vị
bài viết của nhà văn Phan Lạc Phúc một
bạn học của nhạc sĩ Phạm
Đình Chương được
viết ngay sau khi có tin buồn Nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua đời năm 1991 Bài viết đã lâu
dù đã đọc rồi mà đọc lại vẫn cảm thấy bồi hồi để nhớ về những những kỷ niệm của hơn nửa thế kỷ đã
đi qua !!!
Nhà văn
Phan Lạc Phúc cũng vừa mới qua đời ngày 28/4/2016 tại Sydney ( Autralia)
hưởng thọ 88 tuổi
|
Nhà văn Phan Lạc Phúc
Nhớ Phạm Đình Chương
Nhạc sĩ Hoài Bắc
Phạm Đình Chương ra đời tại Hà Nội vào năm 1929, trong một gia
đình nghệ sĩ, học Trường Bưởi Thanh Hóa sau Toàn Quốc Kháng Chiến chống Pháp
1945. Sáng tác nhạc trước tuổi 20, ông là tác giả những ca khúc dân tộc như Tiếng
Dân Chài, Ly Rượu Mừng, Hội Trùng Dương, hay những sầu khúc nhạc phổ thơ như Nửa
Hồn Thương Đau, Mắt Biếc, Mộng Dưới Hoa, Người Đi Qua Đời Tôi ...
Tới Hoa Kỳ được ít năm,
Phạm Đình Chương từ trần tại Quận Cam, California vào ngày 13 tháng 7 năm Tân
Mùi, nhằm ngày 22 tháng 8 năm 1991. Bài dưới đây của nhà bỉnh bút Phan Lạc
Phúc, hay Ký giả Lô Răng, một bạn học của nhạc sĩ từ Trường Bưởi, được viết ngay
sau khi có tin buồn.
Nhà văn
Phan Lạc Phúc cũng vừa mới qua đời ngày 28/4/2016 tại Sydney ( Autralia) hưởng
thọ 88 tuổi
Hoài Trung, Thái Thanh,
Hoài Bắc Phạm Đình Chương
Nhạc sĩ Hoài Bắc
Phạm Đình Chương ra đời tại Hà Nội vào năm 1929, trong một gia
đình nghệ sĩ, học Trường Bưởi Thanh Hóa sau Toàn Quốc Kháng Chiến chống Pháp
1945. Sáng tác nhạc trước tuổi 20, ông là tác giả những ca khúc dân tộc như Tiếng
Dân Chài, Ly Rượu Mừng, Hội Trùng Dương, hay những sầu khúc nhạc phổ thơ như Nửa
Hồn Thương Đau, Mắt Biếc, Mộng Dưới Hoa, Người Đi Qua Đời Tôi ...
Tới Hoa Kỳ được ít năm,
Phạm Đình Chương từ trần tại Quận Cam, California vào ngày 13 tháng 7 năm Tân
Mùi, nhằm ngày 22 tháng 8 năm 1991. Bài dưới đây của nhà bỉnh bút Phan Lạc
Phúc, hay Ký giả Lô Răng, một bạn học của nhạc sĩ từ Trường Bưởi, được viết
ngay sau khi có tin buồn.
Chuông điện thoại réo
lên trong đêm khuya. Một cú phone từ bên kia Thái Bình Dương, từ Mỹ báo tin:
"Phạm Đình Chương đã mất rồi, Hoài Bắc không còn
nữa". Tôi đặt phone xuống mà thấy đêm khuya thêm vắng lặng mênh mông. Ở
cái tuổi mình, trên 60, cái ranh giới tử sinh thật là mờ ảo, ở đấy rồi đi đấy,
còn đấy mà mất đấy. Thành ra ít lâu nay, tôi cứ phải làm một con tính trừ thê
thảm. Mấy năm trước mất Thanh Nam, rồi Vũ Khắc Khoan, bây giờ Phạm Đình Chương
- Hoài Bắc. Già thì càng cần có bạn, mà bạn già thì càng ngày càng thưa thớt.
Tôi đi cải tạo 10 năm, rồi sống nín thở trên 6 năm, vừa mới lặn ngòi ngoi nước
sang được đến đây thì bạn đã đi vào tịch mịch. Bạn ta Phạm Đình Chương đã đi
thật rồi, một người viết ca khúc tầm cỡ của Việt Nam đã mất, ngôi sao bản mệnh
của Ban Hợp Ca Thăng Long đã tắt.
Tôi
chơi với Phạm Đình Chương đã lâu, vào khoảng năm 1942 - 1943, hồi tụi tôi vừa
mới lớn lên. "Khi mới lớn tuổi
mười lăm, mười bảy. Làm học trò mắt sáng với môi tươi"(1). Tôi biết Chương
trong ngày hội học sinh Trường Bưởi, trong những buổi cắm trại ở chùa Trầm,
chùa Thày, Tây Phương Hoàng Xá (2).
Ngày ấy, chúng tôi say
mê hát "Quê nhà tôi chiều
khi nắng êm đềm" (3), "Này thanh niên ơi,
đứng lên đáp lời sông núi" (4) và Chương đã
là một tay đàn giọng hát khá nổi của học sinh Hà Nội. Nhưng mà Chương có
hai người anh nổi tiếng: anh Phạm Đình Sĩ, một cây "kịch" và anh Phạm
Đình Viêm, một cây "tenor". Chương còn có một người chị trứ danh, chị Thái
Hằng, hoa hậu "bất thành văn" của suốt một miền Bạch Mai - Phố Huế.
Còn người em út của Chương, Thái Thanh thì lúc ấy Thái Thanh còn nhỏ,
đang còn học tiểu học, còn là một nụ hoa. Phải đợi đến thập niên '50, bông hoa
Thái Thanh mới bắt đầu rực rỡ và tiếng hát Thái Thanh mới được lên ngôi.
Hà
Nội ngày ấy tuy được mệnh danh là Hà Thành hoa lệ hay là Hà Nội của ba mươi sáu
phố phường nhưng thực chất nó là tỉnh nhỏ - người ta biết nhau cả, trực tiếp
hay gián tiếp. Và tỉnh nhỏ nó còn có tục lệ riêng của nó. Thế hệ tiền bối ở Hà
Nội có tiêu chuẩn "phi cao đẳng bất thành phu phụ". Thời tụi tôi thì
cái standard về một đấng trượng phu nó nôm na và thực tiễn hơn: "Đẹp
trai, học giỏi, con nhà giàu". Phạm Đình Chương xét ra hội đủ
những điều kiện ấy: Học trò Trường Bưởi, người cao ráo sạch sẽ lại là cậu út
trong một gia đình nổi tiếng. Lại còn đàn ngọt, hát hay, còn là
ca trưởng của học sinh trong những dịp hội hè, cắm trại. Trong con mắt tôi, một
anh học trò nhà quê ra tỉnh học, từ thời áo dài mũ trắng thì Phạm Đình Chương
tư cách quá.
Thời ấy, Nhật đã vào
Đông Dương. Thế Chiến thứ hai đang hồi quyết liệt, bom Mỹ dội xuống đùng đùng.
Các thành phố phải "phòng thủ thụ động", các trường học phải
đi xa hoặc dời về miền quê. Đang học mà có còi báo động là nghỉ; học trò kéo
nhau ra các khu cây cối um tùm, hoặc bờ đầm, bờ sông tạm lánh. Đây là dịp tốt
cho một số công tử Hà Nội, trong đó có Chương, về thăm quê cho biết sự tình. Về
quê thì tiện cho tôi quá, tôi có nhiều trò: lội sông, câu cá, bắn chim. Hoặc là
sẵn xe đạp, tụi tôi rủ nhau đi cắm trại ở những thắng cảnh gần Hà Nội như chùa
Thày, chùa Tây Phương, động Hoàng Xá.
Những thắng cảnh này đều nằm trong vùng
quê tôi (phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) nên tôi thuộc nằm lòng. Đến chùa Tây
Phương thăm ông Phật nhịn ăn mà mặc, ông nhịn mặc mà ăn, ông Phật tai dài đến
gối. Đến động Hoàng Xá tôi biết nhũ đá nào kêu thanh, nhũ đán nào kêu đục, bắn
một phát súng cao su lên vòm đá là dơi bay tán loạn một vùng. Đến chùa Thày
(Sài Sơn) thăm chùa Cả dưới chân, chợ Trời trên đỉnh núi rồi thăm hang Cắc Cớ
nơi có dấu chân ông Từ Đạo Hạnh còn in. "Hội chùa Thày vui
thay Cắc Cớ, Trai không vợ nhớ hội chùa Thày - Gái không chồng nhớ ngày mà
đi". Chương
ơi, Chương còn nhớ ngày hội về quê mình không? Còn nhớ con đê Hạ Hiệp không?
Mới đó mà đã 50 năm rồi, đã nửa thế kỷ qua rồi. Chương có nhớ cũng không thể
nào về thăm được nữa. Bạn ta đã thành người thiên cổ mất rồi.
Phạm Đình Chương rất yêu
miền Quốc Oai - Sơn Tây vì không những nó là một miền thắng tích mà nơi đó còn
là quê ngoại của Chương. Bà thân của Chương ở Hạ Hiệp, cách làng tôi chừng hai
vạt cánh đồng. Chương tự nhận mình là người Sơn Tây và trong những năm
đó Chương về thăm quê ngoại rất thường. Anh công tử Hà Nội và anh học trò nhà
quê càng có dịp gần gũi nhau hơn Khi mùa Xuân đã cạn ngày, hội hè đã vãn, những
cây gạo miền Bương Cấn đã tưng bừng nở đỏ thì cũng là lúc chim tu hú lảnh lót
gọi hè về trong rặng vải bên sông. "Sông Đáy chậm nguồn qua
Phủ Quốc" (5),
con sông này ngoài mùa ngâu nước lũ, còn quanh năm nước chảy lặng lờ. Học trò
tụi tôi lại đạp xe qua sông về rặng vải, vừa tránh bom rơi đạn lạc ở thành phố,
vừa cắm trại vừa ôn thi.
Nhưng đến năm 1945,
thanh niên như Chương và tôi không còn đầu óc nào mà học hành thi cử nữa. Bao
nhiêu vấn đề trọng đại vừa ập đến trong đời: hàng vạn, hàng triệu người chết
đói. Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3. Chính phủ Việt Nam đầu tiên ra đời.
Thế chiến II kết liễu Đức - Ý - Nhật đầu hàng. Quân Tàu Tưởng kéo sang Chiến Khu
Việt Minh. Đổi đời. Cách Mạng Tháng 8 Quân đội Pháp trở về, thanh niên đua nhau
đi dạy bình dân học vụ, đi khất thực, đi biểu tình. Chúng tôi say mê hát "Lên Đường", lao đầu vào một
cuộc chơi mới không kém phần lãng mạn: đòi độc lập cho đất nước.
Chúng tôi là
Tự vệ Thành Hà Nội. Chúng tôi là Trung đoàn thủ đô. Như lớp lớp thanh niên cùng
lứa, Phạm Đình Chương và tôi khoác ba lô lên đường kháng chiến.
Tây tiến đoàn binh không
mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai
hùm
Mắt trừng gửi mộng qua
biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
(Quang Dũng)
Những năm đầu kháng
chiến (1948, 1949, 1950) có những thị trấn mọc lên vội vã. Khu 10 Việt Bắc có
thị trấn Cây Đa Nước Chảy; liên khu 3 có Đồng Quan, Cống Thần, Chợ Đại; vào khu
4 Thanh Hóa có chợ Rừng Thông. Đây là nơi dân tản cư tứ xứ kéo về sinh hoạt,
đổi trao, mua bán tạo thành những Hà Nội nhỏ. Mấy anh lính cậu ngày nào bây giờ
sốt rét, xanh rớt như tàu lá, mắt trợn trừng, tóc rụng nhưng đêm đêm vẫn cứ mơ
về Hà Nội. Và được dịp là phải về thăm các thị trấn mới này cho đỡ nhớ ...
Đầu mùa đông năm 1948,
tôi khoác ba lô, đổ bộ lên Chợ Đại tìm ít thuốc nivaquine chống sốt rét. Trời
mưa nhớp nháp, những căn nhà tranh lụp sụp kéo dài. Chợt ở đầu đường, hiện ra
một quán nước thanh bai, lịch sự mang một cái tên khá là kiểu cách"Quán
Thăng Long". Ở trên vách quán,
có treo song song mấy cây đàn nguyệt và một cây thập lục. Ở dưới, bên khay trà
tỏa khói có hai vị trưởng thượng đang ngồi đối ẩm. Hai vị này tôi biết: ông
thân của Phạm Đình Chương và cụ N. T. Đức, một danh cầm của toàn miền Bắc. Loạn
ly, binh lửa mà hai vị tri âm, tri kỷ vẫn nhàn nhã phong lưu. Chiến tranh ở chỗ
nào khác chứ ở đây Thăng Long Đông Đô, Hà Nội là vẫn cứ phải đường hoàng, cốt
cách. Cốt cách như chị Thái Hằng đang ngồi trước quầy hàng, đi tản cư mà vẫn
mang nguyên chiếc kiềng chạm bằng bạc của một thời khuê các, như Thái Thanh cô
em nhỏ mới bắt đầu thiếu nữ đang nghiêm chỉnh ngồi đan.
Người
vui nhất khi tôi được gặp là bà thân của Chương. Bà hỏi thăm "quê mình bây
giờ Tây nó đánh đến đâu rồi". Bà cho biết anh Phạm Đình Sĩ có lẽ kẹt, chưa
có tin tức gì. Anh Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) còn đang đi ban kịch Giải Phóng,
chuyên hát bài"con vỏi con voi" và "con mèo trèo cây
cau" nhạc
hài hước của Nguyễn Xuân Khoát. Còn Phạm Đình Chương thì công tác ở liên khu 3,
chuyên về sáng tác ca khúc. Bà khoe là Chương vừa mới được giải thưởng về bài
hát "gì mà có con cò bay lả bay la".
À ra thế bạn ta anh công
tử Hà Nội đang đưa ca dao vào nhạc mới. Chương, Chương, có phải cánh cò ấy là
cánh cò bay qua rặng vải triền sông Đáy? Còn cánh đồng nào rào rạt lúa thơm mềm
(6) có phải là cánh đồng Bương Cấn khi chúng ta "Lên núi
Sài Sơn ngóng lúa vàng" (7).
Tôi nhớ mãi lời bà thân
của Chương khi đưa cho tôi gói thuốc đựng chừng 10 viên nivaquine: "Giữ lấy mà dùng.
Dạng các cậu không được phát thuốc này đâu". Đúng như thế, dạng
"tạch, tạch, sè" (tiểu tư sản) như Chương và tôi thì dù sốt rét vàng
người, rụng tóc cũng chỉ được phát thuốc ký ninh pha loãng là cùng. Nivaquine
thuốc mới, công hiệu, đắt tiền chỉ đủ dùng cho "tổ chức" mà thôi. Thực
tế nó là như vậy nên ngoài một số anh em đã "áo bào thay
chiếu ..." (8)
còn đa số dân tạch tạch sè là kẻ trước người sau "dinh tê" về Hà Nội.
Những va chạm với thực tế làm cho giấc mơ tuổi trẻ lụi tàn, cuộc chơi lãng mạn
đầu đời đã trở thành một nỗi đam mê vô ích. Tôi về cuối năm 49 còn Chương và
gia đình hồi cư năm 51.
Gia đình Chương kỳ này có thêm một nhân vật lừng danh: Phạm Duy.
Năm 1949, chiến tranh lan đến vùng chợ Đại và quán Thăng Long phải dời vào khu
4, vùng trấn nhậm của viên tướng Mạnh Thường Quân Nguyễn Sơn. Ở đây Thái Hằng
đã trở thành bà Phạm Duy, Thái Thanh vừa lớn để bước chân vào làng ca nhạc. Cả
gia đình Chương phục vụ trong phòng văn nghệ của một đại đoàn. Quán Thăng Long
không còn nữa nhưng tiền thân của ban Hợp Ca Thăng Long đã được định hình. Tôi
cũng không còn nhớ rõ gia đình Phạm Đình Chương về trước hay sau cái chết của
viên tướng đầy huyền thoại Nguyễn Sơn. Chỉ biết là ban Thăng Long vào thành
nhưng không ở lại Hà Nội mà vô thẳng miền Nam lập nghiệp.
Năm
1952 tôi cũng vào Nam, học nghề lính tại trường Thủ Đức. Những ngày cuối tuần
ra Sài Gòn chơi, thấy đầu đường góc phố chỗ nào cũng có biểu ngữ, bích chương,
quảng cáo ban Hợp ca Thăng Long. Báo hàng tuần, hằng ngày đều đăng hình ảnh,
lịch trình diễn của Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc, Phạm Duy. Ban Hợp
Ca Thăng Long đang rực sáng, những thành viên của nó đang được mến yêu.
Người Sài Gòn vốn bộc trực "yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai
cứ bảo là ghét" mà đã yêu thì yêu
hết mình; chương trình của Ban Thăng Long trên đài phát thanh rất được lắng
nghe - trình diễn của Ban Thăng Long lại càng ăn khách. Ngưới ta mua
"giấy" báo xem thật đông, vỗ tay thật nhiều nhưng còn chưa
"đã". Buổi trình diễn xong rồi, người ái mộ còn ở lại để tìm cách đến
thật gần, nhìn thật kỹ hay nếu có thể bắt cái tay, đụng cái chân vào nghệ sĩ,
tài tử thần tượng của mình. Người miền Nam ái mộ ồn ào như thế, dễ thương như
thế.
Trước
sự tán thưởng nồng nhiệt ấy tôi có lúc đã tự hỏi: "Vì sao mà trong
một thời gian chưa đầy hai năm, Ban Hợp Ca Thăng Long lại lẫy lừng đến vậy?" Tôi vốn dốt về
nhạc lý, thẩm âm cũng tầm thường thôi nên không dám đưa ra ý kiến có tính cách
kỹ thuật nào. Bằng vào cái cảm quan dân dã của mình tôi nhận thấy thực chất của
Ban Hợp Ca Thăng Long nằm trong một chữ vui. Vui rộn ràng khi nghe tiếng hát
chen tiếng ngựa hí(Ngựa Phi Đường Xa), vui lâng lâng khi
nhìn cánh cò bay lả bay la trên đồng lúa chín vàng (Được Mùa), vui đầm ấm khi
nghe tiếng hò dô vang trên sóng nước (Tiếng Dân Chài), vui thấm thía
nghẹn ngào khi người mẹ già cầm ly rượu uống mừng người con cả vừa mới trở về (Ly
Rượu Mừng). Cái
vui của nhiều cung bậc, cái vui đã được cách điệu, nên nó dễ dàng thấm đượm
lòng người.
Đồng bào miền Nam xưa
nay thừa thãi điệu buồn nên trong cái vô thức tập thể nó thiếu một niềm vui
khỏe mạnh. Ban Hợp Ca Thăng Long phần nào đã đáp ứng được niềm khao khát đó. Ấy
là chưa kể đến một yếu tố đầy cảm tính rất phù hợp với miền Nam: tất cả thành
viên ban hợp ca đều là anh em trong một nhà. Một gia đình tài hoa quá. Một sự
kết hợp đẹp đẽ quá. Nhất là sau đó ít lâu, ban hợp ca Thăng Long lại có thêm
một thành viên mới: Khánh Ngọc, một bông hoa hương sắc của miền Nam, Hoài Bắc -
Khánh Ngọc một lứa đôi nghệ thuật. Ban Hợp Ca Thăng Long càng thêm sung sức.
Nhưng phải đợi đến đầu năm 1954, Ban Hợp Ca Thăng Long mới lên
đỉnh cao thành tựu của mình. Năm ấy ban Hợp ca cùng với "quái kiệt"
Trần Văn Trạch, thành lập ban Gió Nam ra công diễn ở Hà Nội. Lúc ấy tôi đang là
thương binh nằm nhà thương Võ Tánh. Nghe báo chí Hà Nội tán thưởng Nam Phong chi
huân hề - Ngọn gió Nam mát lành thay. Nghe dân chúng Hà Nội xôn xao hâm mộ quá,
tôi sốt ruột phải trốn nhà thương một buổi ra xem Gió Nam trình diễn.
Nhưng
mà ra chậm hết vé mất rồi. Nhà Hát Lớn Hà Nội không còn chỗ. Tôi lững thững
đứng ngoài nghe tiếng vỗ tay dồn dập từng hồi như sấm mà ruột nóng như lửa đốt.
May quá gặp Ngọc Chả Cá một cây công tử Càn Long Hà Nội tôi mới được vào (bây giờ bạn ở đâu hở
Ngọc?).
Người Hà Nội xưa nay
khụng khiệng ít khi nào nồng nhiệt thế đâu. Nhưng mà lần này, người Hà Nội bị ban
Hợp ca Thăng Long chinh phục hoàn toàn. Trước đó tân nhạc ở Hà Nội chỉ là một
bà con nghèo trước cải lương, tuồng kịch ... chỉ đảm nhiệm được vai trò phụ
diễn trước khi mở màn hoặc giữa hai lớp kịch mà thôi. Bây giờ Ban Hợp ca Thăng
Long với một chuỗi ngôi sao nhạc mới đã chiếm lĩnh sân khấu suốt hai tiếng đồng
hồ liên tục. Khán giả Hà Nội được thưởng thức một chương trình nhạc mới tân kỳ
sinh động tràn đầy dân tộc tính. Đây là một bước trưởng thành của tân nhạc và
trở nên khuôn mẫu cho những đại nhạc hội sau này.
Buổi trình diễn vừa kết thúc, toàn ban Gió Nam ra chào khán giả.
Đèn rực sáng. Những bó hoa trao cho những nghệ sĩ tài năng. Hoài Bắc Phạm Đình
Chương giơ cao bó hoa vẫy vẫy, nụ cười rộng mở. Chương không thể nào biết rằng
trong số khán giả vô danh ấy, có một người bạn cũ của Chương đang vỗ tay kịch
liệt.
Thập niên 50 là thời kỳ rực rỡ nhất của ban Hợp ca Thăng Long.
Thời gian này cũng là lúc Phạm Đình Chương sáng tác đều đặn nhất. Những bài ca
chủ lực của ban Hợp ca Thăng Long như Tiếng Dân Chài, Hội Trùng Dương,
Ly Rượu Mừng ... đều xuất hiện trong giai đoạn này.
Không biết tôi có chủ
quan không khi nghĩ rằng Phạm Đình Chương trong giai đoạn này vẫn mang dáng vẻ một
anh học trò mới lớn, tâm hồn trong sáng như gương, con người, thiên nhiên đều
là bè bạn. Ngựa phi đường xa thế nào cũng tới, leo núi mệt nhọc rồi cũng đến
nơi, đồng ruộng thì đầy lúa thơm mềm, con sông thì đầy trăng và đầy cá. Thế vẫn
còn chưa hết, Chương còn rót một ly rượu mừng, mừng khắp nhân gian. Hãy lắng
nghe đi, có một nụ cười đâu đó, khi nhẹ nhàng phảng phất, khi trào lên như
tiếng reo vui. Cũng có lúc Phạm Đình Chương nhắc đến điệu buồn; giọt lệ rưng
rưng chờ mong bóng con của người mẹ già hay nỗi khổ của đồng bào miền đất cày
lên sỏi đá:
Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi Mùa đông thiếu áo (9) ...
Nhưng liều lượng của điệu buồn trong nhạc Phạm Đình Chương thời kỳ
này rất ít so với niềm vui ào ạt, chỉ như một đối điểm (contrepoint), chỉ như
màu đen làm nổi lên sắc trắng mà thôi. Mà điệu buồn cũng được nhắc đến bằng tấm
lòng nhân ái, tâm hồn Chương là vậy, mở ra, hướng ngoại, trong sáng vui tươi.
Chương không phải là người hướng nội, đi tìm thú đau thương trong những kiểm
tra, tự vấn nơi mình. Đó là thực chất nhạc Phạm Đình Chương thời kỳ đầu cũng là
đặc điểm của Ban Hợp ca Thăng Long ...
Giai đoạn sáng tác thứ
hai của Phạm Đình Chương bắt đầu từ một kỷ niệm buồn: Ngày Khánh Ngọc rời
xa vào khoảng cuối thập niên '50. Sau đó Phạm Duy, Thái Hằng cũng tìm về hướng
khác. Ngôi biệt thự ấm cúng đường Bà Huyện Thanh Quan không người ở. Hoài Bắc,
Thái Thanh và gia đình dọn về một căn nhà nhỏ đường Võ Tánh (Frères Louis cũ).
Chính tại ngôi nhà này tôi thường đến bầu bạn với Phạm Đình Chương cùng với
Thanh Nam, Mai Thảo. Tụi tôi đến "hầu bài" bà thân của Chương để được
ăn những bữa cơm nhớ mãi: canh cua rau đay, cà pháo, đậu rán ...
Lúc này, hình như Chương
muốn ra khỏi vùng hào quang sáng chói của một ca sĩ thời danh để được sống bình
thường nếu không muốn nói là ẩn dật. Đang ăn diện kiểu cách, Chương ăn vận xuề
xòa, đi dép không quai lẹt xẹt, chiếc xe hơi dài thòng Studebaker đã được bán
đi. Nụ cười kiểu jeune premier đã tắt và đặc biệt Chương để một hàm râu mép
chàm ràm, rậm rịt. Lúc này, tụi tôi có một tên mới để gọi Chương: Râu Kẽm. Râu
Kẽm đang phóng túng hình hài, ít ăn ít nói hẳn đi, mà có nói cũng thường hừ một
tiếng giọng mũi. Một nhát chém hư vô đã làm thay đổi Phạm Đình Chương.
Ban
Hợp ca Thăng Long, với sự phân liệt như thế tưởng đã rã đám. Nhưng đầu những
năm '60, ban Thăng Long gượng dậy với Hoài Trung - Hoài Bắc - Thái Thanh. Ban
Thăng Long sống lại kỳ này, tuy vẫn được tán thưởng nhưng đó chỉ là cái bóng
của chính mình. Phạm Duy đã mang nguồn âm sắc lung linh và trầm lắng của dân
tộc đi xa, còn tiếng reo vui chan hòa và nhân ái của Phạm Đình Chương cũng
không còn xuất hiện. Trong thời kỳ này ban Hợp ca Thăng Long có trình làng một
tác phẩm rất được hoan nghênh: Bài Ô Mê Ly. Nhưng bài
hát vui tươi này không phải của Chương mà của một tài danh khác: Văn Phụng.
Thời kỳ hướng ngoại, tâm
hồn sáng tác rõ như gương, tha nhân và ngoại giới đều là bè bạn của Chương đã
khép lại rồi. Tiếng cười đã tắt. Thời kỳ này là của đau thương và tiếng khóc.
Nhưng khóc than rên rỉ không phải là nghề của chàng. Như đã nói, Chương không
phải là người hướng nội, gặm nhấm đau thương làm thứ giải sầu. Nỗi đau thì có
sẵn và Chương muốn giữ một mình nhưng lời oán hận thì không.
Cho nên những khúc
bi ca sau này như Nửa Hồn Thương Đau, Người Đi Qua Đời Tôi, Mưa
Sài Gòn Mưa Hà Nội, Chương đều mượn
lời của Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Hoàng Anh Tuấn ... Chương làm công việc
phổ thơ, qua lời của người để phần nào nói lên tâm sự của mình. Những ca khúc
này có vị trí riêng của nó, rất được yêu thích qua giọng hát Thái Thanh, nhưng
đối với Chương nó vẫn như một sự "Chẳng đặng đừng". Về bề ngoài, hai
giai đoạn sáng tác của Chương có vẻ đối nghịch nhau nhưng nhìn chung nó vẫn
thống nhất trong tâm hồn nhân ái của tác giả.
Nói cho ngay từ thập
niên '60 trở đi, việc ca hát đối với Chương cũng là một sự "chẳng đặng
đừng". Thì cũng phải có công ăn việc làm như người ta, ngay cả việc trông
coi phòng trà ca nhạc "Đêm Màu Hồng" Chương cũng làm
chơi chơi, cho có. Nhưng chính cái vẻ chơi chơi, phóng khoáng ấy nó lại hợp với
khung cảnh Đêm Màu Hồng. Đây là một phòng trà gợi nhớ. Nhớ về những bài hát xa
xưa, về một thuở mộng mơ đã tắt, về một khung cảnh Việt Nam đã xa, về một ban
Hợp ca Thăng Long đã tàn. Phạm Đình Chương đi từ bàn này sang bàn khác cụng ly
cùng người mộ điệu hoặc lên sân khấu giới thiệu một bài hát vừa được yêu cầu.
Cái giọng có mang hơi rượu cùng với nụ cười nhếch mép đã tạo nên không khí Đêm
Màu Hồng vì phần lớn khách đến đây đều là thân hữu.
Chúng tôi, những buổi
phùng trường tác hí là vào khoảng 9, 10 giờ đêm lại tà tà kéo đến Đêm Màu Hồng.
Bạn bè có
chỗ ngồi riêng, giá biểu riêng. Khẩu vị như thế nào thì chủ quán biết rồi. Vũ
Khắc Khoan thì phải Con Thuyền Không Bến, lúc nào cao hứng lại còn phi lên sân
khấu mà ngâm "Hồ Trường, Hồ
trường ta biết rót về đâu". Thanh Tâm Tuyền
thì phải Mộng Dưới Hoa. Thanh Nam thì Cô Láng Giềng. Hôm nào có mặt tôi, Thái
Thanh lại hỏi: Biệt Ly hay Buồn Tàn Thu đây ông? Có bữa Râu Kẽm cảm khái quá
liền ôm đàn guitare mà hát một mình (ít khi lắm). Hát tiếng Tây "Un jour si tu
m'abandonnes" (Ngày nào, nếu em
bỏ ta). Có khi vui anh vui em, Chương bỏ luôn phòng trà cùng Vũ Khắc Khoan, Mai
Thảo kéo lên "Quang Minh Đỉnh".
Trong những năm "Đêm
Màu Hồng" tôi
thường cố giữ một nền nếp. Cứ đêm 30 Tết gần Giao Thừa là tôi kiếm một bó hoa
thường là hoa hồng đến Đêm Màu Hồng tặng Thái Thanh. Cô em nhỏ ngày nào đi
kháng chiến bây giờ trở thành tiếng hát vượt thời gian. Có lần tôi nhận được
cặp bánh chưng của bà thân Chương và Thái Thanh gửi cho. Tôi cầm cặp bánh mà
tưởng như vừa nhận món quà Tết từ quê hương phủ Quốc gửi vào.
Những lúc ấy, năm mới
sắp sang, năm cũ sắp hết mà tôi vẫn thấy Hoài Bắc, Mai Thảo ngồi từ từ uống
rượu,uống cho say, uống cho quên uống không không mệt mỏi. Tôi chợt nhớ một câu
của Mai Thảo "Chúng tôi thân với
nhau trong một tình thân thiết rất buồn rầu".
Buổi cuối cùng tôi gặp
Phạm Đình Chương đâu vào khoảng tháng 5 năm 1975 khi "đứt phim" được
chừng hơn 1 tháng. Gặp nhau tại nhà Thanh Tâm Tuyền bên Gia Định có cả Mai Thảo
nữa. Mai Thảo mang thêm một chai rượu vang còn sót lại. Các bạn có ý tiễn đưa
tôi và Thanh Tâm Tuyền sắp sửa đi cải tạo. Bữa rượu im ắng thê lương.
Rồi Chương và tôi đạp xe
ra về trước. Đạp toát mồ hôi đến quãng Trần Quốc Toản thì mỗi đứa mỗi đường.
Chương ngừng lại và tôi cũng ngừng theo. Chương nắm lấy tay tôi vẻ bùi ngùi mà
nói: "đi nhé". Tụi tôi xưa nay ít có cái trò nắm tay, nắm chân như
vậy, nhìn nhau một cái là đủ rồi. Chừng như Chương thương cảm cho số phận tôi
trước việc đi cải tạo, một chuyến đi không biết bao giờ về. Nhưng bây giờ, 16
năm sau, tôi đã đi cải tạo về rồi, Chương lại làm một chuyến đi không bao giờ
trở lại. Đi nhé! Ngàn năm vĩnh biệt Phạm Đình Chương.
Phan Lạc Phúc
-
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết