---------- Forwarded
message ---------
De : Phuong Lien Huynh <
Date: sam. 11 janv. 2020 à 15:22
Date: sam. 11 janv. 2020 à 15:22
Tùy bút: Ông Đại Tá Ở Cao Bằng, Chú tôi
Kim Chi
*****
Ba tôi một mình lạc vào trong Nam làm
việc từ năm 1948. Tất cả dòng họ bà con, đại tộc bên nội lúc ấy đều sống ở miền
Bắc. Đến 1954, khi Hiệp Định Genève ký chia đôi đất nước, ba tôi mua vé tàu tất
tả chạy ngược ra Bắc để níu kéo gia đình nhưng không kịp nữa vì dòng họ nội đều
ở Cao Bằng, quá xa Hà Nội, không có đủ phương tiện để đi và về kịp… Ba đành phải
đau khổ lên tàu quay về lại Sài Gòn…
Thế là bắt đầu từ đấy, ba tôi quay quắt
nhớ cha mẹ, nhớ đàn em tám đứa hãy còn nheo nhóc, nhớ núi, đồi, làng xóm…
Khi vào Nam làm việc cho Pháp, cũng có
vài bác cùng quê ở Cao Bằng, cùng học và ra trường với ba tôi chung Khoá Một Quốc
Gia Hành Chánh, khoá đầu tiên của Pháp đào tạo, và cũng vào Nam làm việc như ba
tôi. Ba và các bác chơi rất thân thiết với nhau. Khi gặp nhau, ba và các bác
hay phì phèo điếu xì gà, nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày, là ngôn ngữ của sắc
dân Tày ở Cao Bằng. Khi ấy, tôi loáng thoáng, mơ hồ đoán ba tôi có những nỗi niềm
mà chỉ có các bác mới chia sẻ được với ba… Đến khi biến cố 1975 ập đến, chúng
tôi mới biết chúng tôi còn có một… ông anh cùng cha khác mẹ sống bao nhiêu lâu
nay ở Cao Bằng, thiếu hoàn toàn hơi ấm với những săn sóc, thương yêu của người
cha mà chúng tôi ở Sài Gòn đã được hưởng trọn vẹn…
Ba và cả má của tôi lúc ấy đang là công
chức trong Tòa Hành Chánh ở Bình Dương. Tháng 6/75, như bao công chức khác, ba
tôi được lệnh phải đi học tập MỘT tháng để biết “đường lối của nhà nước
mới”. Chúng tôi, cũng như tất cả người miền Nam lúc ấy, đã ngây thơ soạn cho ba
chỉ vỏn vẹn một ba lô gồm ít quần áo, vật dụng cá nhân, một cái chiếu với cái gối
bằng gỗ bọc da màu đỏ đã đi theo ba tôi cả cuộc đời của ông
(Má của tôi sau đó cũng bị đi học tập,
nhưng chỉ học tại Bình Dương sáng đi chiều về trong ba tháng!).
Trước ngày ba đi học tập một ngày, trưa
ấy chỉ có tôi và má tôi ở nhà để lo thức ăn cho ba ngày mai sáng lên đường. Bỗng
có tiếng chuông reo. Ôi! Tiếng chuông như đã bị quên lãng sau cái ngày tang
thương 30/04/75, chẳng ai dám thăm viếng ai cả, nhất là những gia đình Mỹ Nguỵ
như gia đình của tôi, họ đều ngó lơ đi khi chạm mặt chúng tôi ngoài đường…
Tôi nhìn ra cổng, thấy anh bạn học cùng
trường với chị Hai của tôi, có mái tóc quăn tít, đi với một người cán bộ Việt Cộng.
Cả hai cùng mang dép râu, cùng kẹp nách đầy sổ sách giấy tờ…
Tôi và má tôi đoán rằng họ muốn bổ túc
giấy tờ trước khi ba đi học tập, nên tôi đã ra mở cổng…
Nhưng không phải như chúng tôi đoán!
Cái người bạn học của chị tôi là… điềm chỉ viên cho tên cán bộ, đến nhà chúng
tôi để… kiểm kê và tịch biên nhà!
Họ ghi xuống tất cả những gì đang có
trong nhà của chúng tôi. Từ chiếc ghế đẩu, đến cái… chuồng gà…; từ cái nồi cơm
điện, bộ ấm trà, đến các… toilet bowls! Cuối cùng, trước khi ra về, họ đã bắt
má tôi ký vào. Trong tờ kiểm kê dài cả chục trang giấy này, họ bảo rằng vì ba
và má của tôi đã làm việc cho Mỹ Ngụy tức là thuộc thành phần phản động, vì chị
Hai của tôi làm việc cho…C.I.A, một thành phần “cực kỳ nguy hiểm”! (Chị tôi
đang du học môn… Kinh Doanh và Kế Toán tại Nhật mà cái tên bạn học của chị tôi
đã cố tình chụp mũ gia đình tôi!), vì các cậu, các dì, và chánh yếu là vì ông
anh rễ của má tôi là một Tổng Trưởng của guồng máy Tổng Thống Thiệu đến ngày
29/04/1975 nên chúng tôi có… quá nhiều tội với nhân dân, phải… trả nợ lại cho
nhân dân! Và, cái câu quan trọng, khủng khiếp nhất trong văn bản này là: “Phải
ra khỏi nhà trong vòng một tháng mà không được đem theo những thứ đã liệt kê!”
Có nghĩa là phải để lại hết tất cả của cải vật chất đã oằn lưng dành dụm cả đời
để cho bọn họ chia chát, rồi ra đi với hai bàn tay trắng!
Ba tôi đi “trình diện học tập” ngày hôm
sau với cõi lòng tan nát. Không biết rồi gia đình sẽ dọn đi đâu? Không biết rồi
vợ con mình sẽ làm sao mà sống? Nhìn ba tôi rưng rưng lệ, bước chân thiểu não
mà tôi thật đau lòng. Phải chi họ đến kiểm kê trễ hơn một ngày, chỉ một ngày
thôi, thì có lẽ ba tôi đi … “học” mà không đau khổ và lo lắng như vậy.
Các cậu, các dì, các bà con của má tôi
cũng đi học tập khắp các trại cải tạo hẻo lánh, đều bị kiểm kê, đều bị lấy nhà,
khổ không thua gì chúng tôi… Gia đình năm người của chị Hai Ng., (con của dì Ba
tôi) vì lên tàu ra sông Sài Gòn ngày 30/4/75, đã bị đạn bắn theo. Chiếc tàu Hải
Quân chở các sĩ quan viên chức cao cấp cùng gia đình đi chuyến di tản cuối cùng
đã nổ và cháy tan tành, nhấn chìm những đứa con Việt Nam da vàng, những tương
lai và tuổi trẻ xuống dòng nước oan khiêng, tanh tưởi mùi máu của gia đình chị
Hai Ng. Các cháu của tôi, từ hai đến tám tuổi, chưa kịp lớn để hiểu chiến tranh
là gì, miệng hãy còn ngậm nắm vú, tay hãy còn ôm con búp bê có đau không khi những
mảnh đạn xé nát thân thể của các em? Đã thế, họ còn hăm hở đến tịch thu nhà và
tiệm bán đồ dùng điện tử của chị Hai Ng. Một tên cán bộ có gò má hóp cao, mắt
thâm quầng, tím đen như bị ai đấm, cầm cái máy cạo râu lên ngắm nghía, rồi áp
vào tai nghe ngóng… Hắn ngờ nghệch hỏi chúng tôi:
– “Này, có phải đây là cái… đài không?”
Tôi cảm thấy thương hại cho sự khù khờ,
quê mùa của hắn quá. Thời ấy, cái máy cạo râu hơi to và thô thiển, nhưng không
thể nào nhầm với cái “đài” được... Chúng tôi chỉ xin nhặt lại các quyển
albums hình của gia đình chị Hai Ng. mà thôi. Đứng lật và xem sơ hình các cháu
cùng anh chị Hai tươi cười rất hạnh phúc trong các albums, chúng tôi nghẹn
ngào, không cầm được nước mắt. Nâng những quyển albums hình lên như chúng tôi
đang nâng thân thể lạnh lẻo của các cháu bé bỏng thơ ngây lên. Một đám tang của
gia đình năm người, không có lấy một quan tài, không kèn trống, không nhang
khói, không bóng người đưa tiển….
Sáng hôm sau, tôi chở ba tôi đi xuống một
trường trung học công lập để tập trung và điểm danh. Có đông người lắm… Tôi cố
gắng tìm xem các bác làm việc trong Toà Hành Chánh tỉnh của ba má tôi ai còn ai
mất. Tôi mừng thầm cho… sự vắng mặt của các người ấy. Họ thật là may mắn hơn
chúng tôi… Sau vài giờ chờ đợi và điểm danh, họ chất những khuôn mặt ủ dột, buồn
bả lẫn lo âu của những người chiến bại lên xe cam nhông, chở các quân nhân,
công chức đi mà không cho biết là đi đâu cả! Thật tâm tôi lúc ấy chỉ muốn chạy
cái xe Honda theo đoàn cam nhông kia, để biết họ sẽ đem ba tôi đi đâu…
Ba tôi đi được hơn mười ngày, má tôi chạy
đôn chạy đáo lên xuống Sài Gòn, Cai Lậy, Biên Hòa, Bình Dương... để năn nỉ bà
con xa gần cho ở nhờ. Cho đến hôm ấy, vẫn chưa biết chúng tôi sẽ dọn đi đâu ở!
Và má tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo để bán nữ trang (để có tiền đi chợ!) mà
má tôi nhanh tay dấu kịp… Thời ấy, vàng vòng bán không ai muốn mua cả… Nếu mua
thì họ mua với giá rẻ mạt…
Hôm ấy, tôi và má tôi đang ở nhà tém dẹp
đồ đạc. Ngoài cổng lại có tiếng chuông! Từ trong cửa sổ nhà nhìn ra, tôi thấy
có một chiếc xe jeep đậu ngay trước cổng. Có hai người bộ đội đang đứng chờ mở
cửa. Một người trẻ, một người trung niên, dáng dấp to lớn. Trên cổ áo của cả
hai người loáng thoáng những sao vàng và huân chương đầy tràn trên ngực, lại
còn dắt súng lục bên hông nữa! Tôi nấp vào trong nhà, người tôi run lên… Tim
tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực…
Tôi đoán họ đến lấy nhà sớm hơn ngày
ghi trên giấy tờ! Tôi khẽ bảo má tôi hãy trốn vào trong! Mặc cho họ bấm chuông
liên tục, tôi và má tôi cuống quít trong nhà như những con gà đang tìm ổ, chạy
vội lên lầu, rồi lại quýnh quáng chạy ngược xuống lầu… Má tôi rưng-rức khóc,
không biết phải giấu cái gì vào người, phải làm sao với hai ông tướng tá bộ đội
ngoài kia… Còn tôi thì sững sờ và chết điếng cả người khi nghĩ rằng phải giao
nhà cho họ ngay bây giờ… Tôi rùng mình hình dung ngay cảnh tượng gia đình anh
chị em tôi sẽ chui rúc dưới một gầm cầu nào đó để sống tối nay… Phản xạ, tôi vơ
vội một bộ đồ rồi mặc chồng vào, để nếu ra khỏi nhà thì tôi cũng có thêm một bộ
quần áo…
Có lẽ vì thấy thấp thoáng bóng chúng
tôi ở trong, người bộ đội dáng dấp to lớn mới nói thật to vọng vào trong nhà bằng
giọng Bắc Cao Bằng như của ba tôi:
– Chị ơi! Em là em họ của anh Ch. đây!
Em ở Cao Bằng vào Nam tìm anh đây. Chị ơi, em là người nhà ngoài Bắc vào đây,
chị mở cửa đi nào… Em là người nhà đây chị ạ…
Tôi và má tôi nhìn nhau… Nghe thật là…
lạ lùng quá, lạ… tai quá! Chúng tôi chưa bao giờ biết đến bất cứ một người thân
nào ở bên nội. Chưa nghe! Chưa thấy! Chưa biết bao giờ… Ôi! Ngạc nhiên quá, lạ
quá….
Tôi đi từ từ lại cửa sổ để lén nhìn kỹ
họ lần nữa. Trên cổ áo của họ có rất nhiều sao vàng lấp lánh, nhưng cả hai có vẻ
rất thân thiện. Má tôi hỏi từ trong nhà ra vài câu rồi mới bảo tôi mở cửa cổng.
Người trẻ tuổi tên Thuỵ, có chức vụ
quân đội là trung uý (hai sao). Còn người to lớn, đấy là em rể họ của ba tôi.
Chú tên là Phan Ninh.
*****
Chú Phan Ninh cao lớn, phải trên 1 mét
75, da dẻ trắng và hồng hào như người Đà Lạt. Trên ngực áo của chú đeo dày đặc
huân chương. Cổ áo của chú gắn hai gạch với ba ngôi sao. Lần đầu tiên sau ngày
30 tháng 4, tôi mới được thấy một người bộ đội đeo nhiều… sao như thế! Và cũng
là lần đầu tiên, tôi được thấy một người bộ đội cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai,
phương phi, dáng dấp như Tây Phương chứ không… quê mùa, đen đủi, răng hô mã tấu
như những bộ đội mang dép râu lúc ấy!
Thật là vô cùng thú vị khi nghe câu
chuyện của chú kể nhờ đâu mà chú tìm được chúng tôi…
Sau khi tốt nghiệp đại học, chú đăng ký
đi bộ đội để… giải phóng miền Nam! Chú rời Cao Bằng cả hơn sáu tháng nay để vào
“Giải Phóng miền Nam”. Khi rời Cao Bằng, cả dòng họ đại tộc đã đặt hết tất cả
hy vọng vào chú. Bằng đủ mọi cách, chú phải tìm cho ra người cháu, người anh Cả,
người bác, người chồng và người cha đã mất tông tích mấy chục năm qua!
Chú kể, chú nằm dưới hầm hố ngay trong…
tỉnh Bình Dương đã ba tháng trời trước ngày 30/4! Sau đó, chú lên chức đại tá.
Nhưng vì chưa tìm được tông tích của ba tôi nên chú không thể về Cao Bằng.
Mà làm cách nào để tìm ba tôi đây? Biết
mặt mũi ba tôi thế nào! Biết ba tôi ở đâu mà tìm! Biết bắt đầu tìm từ đâu!
Chú cùng Thuỵ, người cận vệ của chú,
hay đi ăn phở Pasteur ở Sài Gòn. Một hôm, trong quán phở đông đúc, đa số là dân
Sài Gòn, nên chú và Thuỵ chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày…
Chú băn khuăn tâm tình với Thuỵ:
– Công tác giải phóng miển Nàm đã xong
rồi. Nhưng còn công tác tìm anh Ch. thì chưa xong, nên ta không thể về quê bây
giờ được. Cả cái miền Nam rộng lớn thế này, biết đi đâu mà tìm anh Ch. bây giờ?!
Ngay cả nếu anh Ch. ở Sài Gòn này, cũng không biết làm cách nào mà tìm anh
đây?! Chưa thể về Bắc được, khi chưa tìm được anh Ch…
Ngồi ở cái bàn sát bên chú Linh là bác
Cược. Bác Cược là bạn thân nhất của ba tôi cũng là người Cao Bằng. Bác cùng học
Quốc Gia Hành Chánh, cùng rời Cao Bằng và cùng vào Nam chung với ba tôi. Nhưng
bác lại làm việc cho Tòa Lãnh Sự Pháp trực thuộc chính phủ Pháp nên bác không bị
đi học tập. Tất cả bạn của ba đều cùng số phận như ba tôi, ngoại trừ có một
mình bác Cược!
Bác Cược lắng nghe hai người bộ đội bàn
kế bên nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày. Và bác quyết định bắt chuyện ngay với
hai người bộ đội cũng bằng tiếng Tày:
– Hai anh có phải đi tìm anh Ch. người
quê Hà Quãng, Cao Bằng đấy không? Anh ấy có tám người em tất cả, có bố làm
Chánh Tổng ở… mẹ tên là …, có cậu em Út tên là … Các em gái tên là ...
Chú Ninh cùng Thuỵ và cả bác Cược reo ầm
lên, vô cùng mừng rỡ. Thế là nhờ vào cái tiệm phở, nhờ vào câu chuyện bằng tiếng
Tày, nhờ bác Cược không đi học tập, và nhất định là phải có bàn tay của trời đất
ơn trên sắp xếp cho gia đình tôi gặp được một đại ân nhân, chú Phan Ninh, người
đã cứu và cưu mang chúng tôi rất nhiều…
Sau khi kể sơ chuyện gia đình ngoài Bắc,
và hỏi thăm tình hình gia đình chúng tôi trong Nam. Chú Phan Ninh ngỏ ý muốn đi
tìm thăm ba tôi ngay lập tức, để chú có thể giúp ba được gì chăng? Chú đã chở
má tôi cùng Trị, (em trai Út của tôi), đi tìm ba tôi ngay trưa hôm đó. Chú đi hỏi
hết tất cả các cơ quan công an đến các cơ quan hành chánh để biết ba tôi đang ở
trại học tập nào. Họ đã dời ba tôi ra, vào nhiều trại. Và bấy giờ thì ba đang ở
trại tù Long Khánh. Vì quá bất ngờ, nên má tôi chỉ kịp ngừng xe dọc đường mua
cho ba tôi ít chôm chôm và hộp sữa Ông Thọ mà thôi!
Khi đến trại Long Khánh khoảng hai giờ
trưa, chú Phan Ninh đã vào văn phòng của thủ trưởng trại cải tạo nói chuyện. Chỉ
mươi phút sau, loa phóng thanh gọi tên ba tôi ra ngoài cổng, bảo rằng có người
cần gặp. Tất cả các trại cải tạo thời điểm ấy, chưa có ai được gặp người nhà
bên ngoài, mà thân nhân bên ngoài cũng chưa có ai được vào thăm nuôi người nhà
đang học tập cả… Cho nên, khi ba tôi được tên cán bộ dẫn ra, ba đã đứng khựng lại,
sững sờ, gần như muốn ngất xỉu khi thấy má tôi và Trị bị hai tên… tướng tá bộ đội
kè sát!
Ba tôi lúc ấy có thể nghĩ bọn họ đã bắt
luôn cả má và em trai Út tôi vào học tập chung! Từ xa, ba thiểu não bước về hướng
cổng trại tù, những bước chân như lê, như lết… Đôi mắt trũng sâu, đôi lông mày
đen thật rậm ngày xưa của ba đổi thành màu bạc trắng, quần áo mặc rộng thùng
thình như mặc đồ khính… Chỉ mới mười mấy ngày trong tù thôi mà ba tôi tiều tụy
thấy rõ…
Chú Phan Ninh đoán được nỗi lo sợ của
ba tôi. Chú dùng tiếng Tày nói trấn an ba tôi ngay:
– Em là em họ của anh đây. Em từ Cao Bằng
vào tìm anh. Anh yên tâm, chị và gia đình không sao cả. Anh đừng sợ, có em vào
Nam lo cho anh và các cháu…
Họ cho thăm ba tôi độ nửa tiếng. Chú
Ninh cố gắng xen vào ít câu tiếng Tày để dạy ba cách khai lý lịch như thế nào,
nên khai cái gì và không nên khai cái gì… Ba tôi bảo chú rằng ba phải khai lý lịch…
mỗi ngày! Phải kể hết tất cả tên tuổi những người bà con xa gần, họ làm gì, ở
đâu… Nếu khai không rõ điều gì là họ bắt lên tra khảo mãi tới đêm khuya! Và cho
đến hôm ấy, ba vẫn còn đang viết lý lịch vì họ… chưa vừa lòng!
Thế là chú điện báo tin ngay cho ngoài
Bắc biết đã tìm được ba tôi rồi. Cả họ hàng ngoài Bắc vô cùng mừng rỡ, mọi người
truyền tin cho nhau, cả dòng họ lẫn xóm làng vui hơn cả ngày Tết.
Và việc cần kíp phải làm là làm sao giữ
lại được căn nhà đang gần ngày phải dọn ra! Chú rất thông minh. Chú nói má tôi
viết một tờ giấy bán nhà cho… chú! Cái ngày má tôi “bán” cái nhà là cái ngày
trước cái ngày của hai tên cán bộ đến kiểm kê!
Sau đó, chú cùng Thuỵ, người cận vệ của
chú, cầm tờ giấy “mua bán nhà “đi thẳng lên Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương.
Ông đại tá Phan Ninh để tờ giấy mua bán nhà trên bàn của tên cán bộ tỉnh ủy rồi
gằn giọng:
– “Đây là nhà của tôi, tôi đã mua trước
rồi. Ai muốn lấy nhà này cứ đến tìm tôi nói chuyện. Có ai thắc mắc gì không?!”
Không ai “thắc mắc” cả! Và chúng tôi ở
yên ổn trong căn nhà luôn cho đến ngày đi ra khỏi Việt Nam. Chú cũng chở các dì
của tôi đi các trại học tập để thăm nuôi chồng. Người thì bị học tập ở miền
Trung, người thì miền Tây, … Phải đi ghe xuồng, băng rừng, phải ngủ tạm trên xe
hơi ban đêm mới đến được những nơi khỉ ho gà gáy ấy. Nếu không có chú xông xáo
vào từng ty Công An để hỏi cho ra tông tích của các dượng, các cậu, thì có lẽ
các cậu các dượng đã bỏ xác trong trại rồi. Ban ngày, những kẻ chiến bại này phải
khai phá rừng. Ban đêm thì làm kiểm điểm và nghe họ o ép hài tội Mỹ Ngụy! Họ nhục
mạ những kẻ chiến bại trong trạng thái bần cùng khánh kiệt. Họ cũng không cần
phải đánh đập gì cả, chỉ… bỏ đói thôi! Đói lắm, không có gì để ăn hết, phải ăn
cả… giun dế ngoài đồng, phải ăn sống khoai mót khoai sùng… Rừng thiêng nước độc,
rất nhiều người bị bệnh sốt rét rừng, kiết lỵ và chết vùi xác vì không có đến một
viên thuốc, hay là chết vì đói, chết gục ngay trên luống khoai chính mình đã trồng.
Thời ấy, tranh tối tranh sáng, nhiều xã
trưởng, ấp trưởng, chỉ là bọn vô lại mới lên… Chú dắt chúng tôi đi “chơi” khắp
mọi nơi để họ không còn ức hiếp chúng tôi nữa. Mỗi lần từ Sài Gòn lên Bình
Dương thăm chúng tôi, chú cứ đi rễu rễu ngoài đường, gặp ai chú cũng “vui vẻ” bắt
chuyện không sót một người. Chú không quên tự giới thiệu là chú RUỘT của chúng
tôi!
Gia đình tôi có một miếng đất trống khoảng
nữa mẫu ở Gò Đậu, cách nhà chúng tôi chừng hai cây số. Chúng tôi phải xuống đó
trồng khoai lang và đậu phộng để bán, sinh sống tạm thời như bao gia đình quân
nhân công chức phải làm thời ấy, và cũng để hàng xóm nhìn vào thấy chúng tôi đã
giống… nông dân lắm rồi! Anh em chúng tôi đã cật lực cuốc cỏ lột cả da tay, bật
cả máu để hiểu thật sâu sắc… “lao động là vinh quang”! Chúng tôi trồng đậu phộng,
khoai lang từ sáng sớm, đến chiều tối mịt mới về nhà. Ngôi nhà có vườn hoa đẹp
nổi tiếng của khu phố ngày xưa đã mất hẳn dấu tích, chỉ còn lại chăng là cuốc,
xẽng nằm la liệt chung với mớ khoai- đậu ngỗn ngang trên sân xi-măng, nhìn thảm
thương không thua gì chủ nhân của nó…
Cái tên chăn trâu ở cạnh đấy biết gia
đình tôi là người của chế độ cũ bị đi học tập, nên mỗi ngày sau khi chúng tôi về,
nó nhổ ăn cắp từ từ những cái cọc hàng rào bằng sắt để… bán lấy tiền. Hắn nhổ đều
đặn, nhổ mỗi ngày hầu như công khai mà má tôi chẳng biết kêu gào với ai đây?!
Chẳng những thế, rào kẽm gai cũng mất từ từ…
Chú Phan Ninh đến nói chuyện bâng quơ với
hắn:
– Này! Anh để ý hộ cháu và chị tôi nhá.
Thấy đứa nào nhổ cọc với ăn trộm hàng rào thì báo cho tôi biết, tôi bắn bỏ mẹ cả
nhà nó… nát óc, chết tươi ngay….
Từ đấy, tuyệt nhiên không bị mất cọc với
hàng rào nữa…
Chú Phan Ninh là chỗ dựa của chúng tôi
thời ấy. Chú vạch rõ đường đi cho chúng tôi. Chú chở tôi đi xin học, lăn xả đi
tìm việc làm. Tôi nhớ, khi công ty Shell cần tuyển người, chú từ Sài Gòn chạy
xe jeep về Bình Dương, và chở tôi vội vàng đi ngược về Saigon nộp lý lịch để
xin việc. Hởi ôi, người đông như kiến, không có cách chi mà chen vào chỉ để nộp
cái đơn thôi. Chú Ninh bèn vẹt mọi người ra, đẩy tôi đến ngay trước cái bàn nhận
đơn. Rồi chú đứng cung tay ra, không cho ai xô đẩy, chen lấn tôi cả. Đợi mãi cả
tiếng đồng hồ, họ gọi tên tôi lên để... trả đơn lại! Tôi cũng đã đoán trước rồi!
Tôi nào có tha thiết gì lúc ấy. Ai giở cái lý lịch của tôi ra cũng sẽ…choáng
váng! Họ ghi chú thật thậm tệ bên trong, một loạt hàng chữ ngoệch ngoạc chụp mũ
và cố dìm chết chúng tôi… Nào là “thành phần xấu”, “gia đình có người làm cho
CIA..”, “gia đình là tay sai của Thiệu và đế quốc Mỹ”, “gia đình thuộc thành phần
phản động”… Ai sẽ mướn tôi? Ai sẽ chứa tôi? Ai cho tôi ghi danh học Đai học,
Cao Đẳng, hay bất cứ ngành nghề gì khi thấy cái lý lịch như thế này?
Chú Ninh giận lắm khi bị trả cái đơn lại.
Chú to giọng lên hỏi:
“Sao lại không nhận cháu của tôi? BÁC
và ĐẢNG ta đã có chủ trương rõ ràng là ai làm thì người ấy chịu cơ mà? Cháu tôi
chỉ là một đứa học trò trung học thôi. Nó nào có tội tình gì? Các người sai bét
nhè cả rồi…”
Khi đi ra cửa, chú vẫn cứ văng tục, chửi
thề.
Tôi còn nhớ chú đã mắng xối xả vào tên ấp
trưởng của gia đình tôi khi họ bắt má tôi phải đi học tập, rồi họp ngày, họp
đêm mãi… Chú bảo họ:
“Gia đình chị của tôi đã có anh tôi đi
học tập rồi. Chị và các cháu cũng đã… học tập… tốt rồi. Gớm! Cả nhà 7, 8 miệng
ăn mà suốt ngày cứ bảo người ta hội với họp, học với tập. Bộ nói họp là … xách
cái… quần đi họp được ngay à? Thế các anh nuôi các cháu tôi đi nhé để chị tôi mới
rảnh rỗi mà đi họp!”
Chú cũng dẫn tôi đến “thăm” một tên thư
ký của xã nơi gia đình cư ngụ. Tên này đã “mời” tôi làm một tờ kiểm điểm vì tôi
mặc một cái quần… Tây! Thời 75, quần Tây được cắt rất rộng rãi, ống xì gà. Hắn
đã hăm dọa tôi mà còn mặc các loại quần áo Mỹ Ngụy như thế này nữa thì hắn sẽ…
cắt ngay. Chú chỉ nói với hắn ta có một câu thôi:
– “Cháu của tôi nó dại khờ lắm nên mới
bị người ta… ăn hiếp thôi. Chú xem cháu có gì cần dạy bảo cứ… mách thẳng tôi
nhá”.
Chú cũng dạy cho chúng tôi biết thế nào
là chế độ… Cộng Sản. Tôi nhớ mãi câu nói để đời của chú:
– “Cộng Sản là cái chế độ giống cái mặt
bàn này đây. Ở trên đánh vẹc-ni bóng loáng, nhưng ở dưới nhám xịt, sờ vào sướt
da đau đấy cháu ạ! …”.
Chú cũng u uất kể cho chúng tôi nghe,
trước khi vào Nam để thực hiện công tác “giải phóng miền Nam” chú đã bị gạt rằng
trong miền Nam rất đói khổ, bọn Mỹ Nguỵ hành hạ và ức hiếp dân đen thật ghê gớm…
nên chú càng hăm hở làm nhiệm vụ “giải phóng miền Nam” với tất cả nhiệt huyết
con tim… Đến khi chú vào tới miền Nam rồi, ngày thì chú trốn dưới hầm, đêm chú
trốn ra, đi chơi bên ngoài lẫn lộn với dân chúng. Chú đã choáng váng, ngỡ ngàng
khi biết chú và tất cả dân miền Bắc bị gạt…. Chú đã bàng hoàng cả tháng trời vì
thấy ra chủ nghĩa Cộng Sản là một trò lừa bịp, nhưng chú không còn đường thối
lui nữa… Chú cay đắng nói với chúng tôi, chú và thân nhân ngoài Bắc đã để dành
khá nhiều tiền để vào Nam cho ba tôi (!) vì họ bảo dân miền Nam làm việc nhiều
mà… lương rất ít, rất nghèo và rất đói khổ, không mua sắm được gì cả.
Anh Ba của tôi lúc ấy vừa học Luật vừa
học Đại Học Khoa Học để lấy chứng chỉ SPCN chuẩn bị thi Y Khoa. Chú Phan Ninh
đã giả lả, mon men, la cà với ban lãnh đạo trường. Cuối cùng, chú đã khuyên anh
Ba rằng:
“Cháu không vào được các ngành ấy đâu.
Ngay cả cháu có học giỏi cách mấy cũng vậy. Họ sẽ đánh rớt cháu đấy… Cháu nên đổi
qua... Nông Nghiệp thì hoạ may họ còn cho cháu đậu! Mà cháu phải đổi ngay trong
năm nay, chứ sang năm sau sẽ không được đâu…. Cả dòng họ mình ngoài Bắc chỉ vì
có một mình ba cháu vào Nam, mà các chú, thím, các em... đều có lý lịch xấu ba
đời không được học hành hay có chức tước gì cả đấy cháu ạ!”.
Anh Ba của tôi thật buồn, mộng làm bác
sĩ bay theo mây khói! Nhưng cũng nhờ chú hướng dẫn, nên anh đã đậu môn mục súc
trong đại học Nông Nghiệp ở Thủ Đức để tốt nghiệp làm bác sĩ thú y. Anh đã học
ngày học đêm vì rất sợ bị đi… nghĩa vụ quân sự như số đông các bạn bè của anh…
Sau nầy khi ba tôi bị dời về học tập ở
Bình Phước, ba tôi “được” phân công gánh… phân xanh để tưới rau! Ông không chịu
làm, bị làm kiểm điểm, bị chửi bới, phạt kỷ luật! Chú Phan Ninh vào trại dàn xếp
cho ba tôi. Cuối cùng ba tôi được làm anh… nuôi! Tức là người... nấu cơm... Từ
bé, tôi chưa bao giờ thấy ba tôi vào bếp cả.
Kế sát nhà tôi là nhà ông bà trưởng ty
Điền Địa. Rồi đến nhà ông bà Bác Sĩ R. Ông bà trưởng ty lúc ấy phải trên dưới bảy
mươi tuổi rồi. Bỗng dưng nhà ông bà để đèn suốt ngày đêm cả tuần lễ, rồi sau đó
Hội Phụ Nữ đến... đóng đô! Lúc ấy chúng tôi mới biết ông bà… đã… đi vượt biên!
Và rồi lại đến nhà ông bà Bác Sĩ R!
Chú Phan Ninh đi dò la tin tức, trầm tư
suy nghĩ, rồi bảo chúng tôi:
– “Hai ông bà hàng xóm… già thế kia mà
còn đóng tàu đi vượt biên được. Ông bà đã qua tới Mỹ rồi. Có khi các cháu phải
đi vượt biên thôi chị ạ… Các cháu không thể nào chịu nổi chế độ Cộng Sản đâu…
Chị cố gắng gói ghém lại và tìm cách cho các cháu đi càng sớm càng tốt chị ạ.
Hay! Thật hay! Em mà còn trẻ và không vướng bận gia đình, chắc em cũng phải đi
vượt biên thôi chị ạ. Nhất định là phải lo cho các cháu đi vượt biên nhé chị.
Hay lắm! Thật là hay đấy chị!”.
Chúng tôi đã nhận ra những lời chú nói
đều đúng như thế. Trị, em trai Út của tôi thi vào Đại Học Nông Nghiệp. Em học
giỏi, bài thi làm trôi chảy. Nhưng lại không có tên trên danh sách thí sinh đậu
dán trên văn phòng Ty Giáo dục tỉnh BD. Đi hỏi các thầy chấm bài, thì các thầy
đều nói bài của em phải đậu điểm cao. Chắc có sự nhầm lẫn?! Má tôi đạp xe lên
Ty Giáo Dục tỉnh để hỏi. Khi về má tôi khóc nức nở… Họ đã mắng như tát nước vào
mặt của má tôi rằng:
– “Bà đi về đi! Các con của bà đến ba đời
cũng không học đại học được đâu. Bà đừng mơ tưởng….”
Chú Ninh giận dữ, đùng đùng lái xe jeep
đi đến Ty Giáo Dục tỉnh, chú đứng chống nạnh và chửi họ không ngớt miệng:
– “Các anh làm công tác giáo dục mà các
anh chị sao có thể nào lại ăn nói lỗ mãng thua cả thằng chăn trâu chăn bò thế
kia?! Các anh các chị dốt nát nên sợ người khác khôn hơn mình à?! Nên đánh gạt
hết những người tài giỏi, chỉ để lại toàn một lũ… dzòi bám đít các anh chị, thối
tha, ngu xuẩn… Rồi tương lai nước ta sẽ có những lãnh đạo… thối…địt! Mẹ kiếp!
Con “người ta” chỉ muốn học có cày cấy thôi mà cũng gạt bỏ, không cho học… Chả
trách có những thằng bác sĩ không biết… cầm tiêm, thằng kỹ sư thì không biết
làm toán… chia! Và các anh chị làm ngành giáo dục mà chẳng biết trọng nhân tài.
Hãy dẹp… mẹ cái biển Ty Giáo Dục xuống đi…”.
Chú về Bắc rồi chú lại vào Nam thêm vài
ba lần. Mổi lần vào trong Nam là chú dẫn theo các chú, các cô hay các cháu ở
Cao Bằng vào Nam thăm ba tôi trong trại học tập. Chú ở lại trong Nam cho đến
khi cả họ ngoại tôi đi thăm nuôi thân nhân đều đặn, chú giúp các dì lấy lại đất
đai, nhà cửa đã bị mất. Chú đi săn tin từ trong… công an ra, và biết ba tôi hay
các cậu sắp bị chuyển trại, là chú về báo cho chúng tôi hay ngay tức khắc. Rồi
chú chở từng thùng xăng, từng bao gạo sấy mà trại lính Mỹ đã bỏ lại, để chúng
tôi bán lấy tiền thăm nuôi ba tôi và sinh sống. Ngày chú phải trở về Bắc luôn,
tôi rất buồn vì mất đi một người chú xốc vác, nương tựa. Chú dặn chúng tôi không
được nói cho ai biết là chú về Bắc luôn vì sợ họ sẽ ăn hiếp gia đình chúng tôi
nữa. Và chú nhắc nhở chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để phải đi... vượt biên!
Quà mang về Bắc, chú chỉ xin chiếc máy ảnh Nikon cũ của ba tôi để kỷ niệm và cũng
để về quê chụp hình, có thể kiếm thêm chút ít cho những ngày hưu trí.
Tôi đã nghe lời chú, tôi trầy vi tróc vảy
đi vượt biên bốn, năm lần. Tôi bị công an rượt đuổi ở Phan Thiết, trốn chạy
trong ruộng mía cả ngày y hệt như đóng phim trinh thám! Xã hội đảo điên, tôi
cũng bị lường gạt sạch túi vài lần. Tôi đi vượt biên bị bắt và bị cả tù cùm
chân… Sống dưới chế độ Cộng Sản, tôi như con thú phải sống trong rừng sâu,
không thể ra ngoài ánh sáng. Nhưng cuối cùng, trời đất ơn trên đã phù hộ cho
tôi đến được xứ sở tự do.
Tôi ước ao được một lần về thăm quê nội,
thăm hằng trăm người bà con của tôi vì có ba tôi vào Nam mà họ đã không ngóc đầu
lên được cả mấy đời con cháu. Thăm lại ông anh một cha khác mẹ thật đáng thương
của chúng tôi. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của ba và anh trong trại cải
tạo, anh đã khóc rưng rức khi thấy dáng Ba từ xa, rồi oà lên khóc tồ tồ, khóc
như chưa bao giờ được khóc. Hầu như đây là lần đầu tiên trong cuộc đời của anh
Cả được gọi tiếng BA, được biết cái bàn tay, cái gương mặt, cái tướng đi của
mình giống Ba như thế nào khi tuổi của anh đã ba mươi ngoài. Còn ba tôi, tóc bạc
muối tiêu, tay run lẩy bẩy, vai nấc lên, mắt ràn rụa, ướt nhòe nhoẹt…
Bây giờ, tôi thật thấm câu chú Phan
Ninh đã nói với tôi khi tôi chưa tròn mười tám tuổi:
– “Người dân ở miền Bắc tội nghiệp
không thua gì dân ở miền Nam bây giờ. Họ cũng cùng số phận như người miền Nam,
cùng bị chế độ độc tài Cộng Sản cai trị… Chỉ khác có một điều là người miền Bắc
đã bị bọn Cộng Sản cai trị trước người miền Nam thôi!”.
Chú Phan Ninh đã thấy quá rõ đời sống
trước và sau ngày 30/4 /75 của người dân miền Nam và của gia đình tôi như thế
nào, ngược hẳn với những gì mà chú bị tuyên truyền và nhồi sọ! Chú đã nhìn thấy
sự đau khổ của chúng tôi khi... đổi đời như thế nào! Chú sững sờ lặng ngắt người,
đau đớn không thua gì gia đình chúng tôi khi nghe tin em trai út Trị của tôi đã
mất tích trong lòng đại dương lạnh lẽo…
Chú về lại Cao Bằng, người ta thẳng tay
cho chú về…hưu! Chanh đã vắt kiệt, họ vất ngay cái vỏ, mà là cái vỏ đầy… gai
góc. Trước khi về hưu, họ đã bắt chú tường trình những gì chú đã làm cho chúng
tôi, chú đã đi đâu, đã thấy những gì từ cái gia đình Mỹ Nguỵ kia… Họ trông đợi
một tố giác của chú, mà chú đã không đáp ứng như ý họ… Chú Phan Ninh nổi điên
lên, càng chửi bới nhiều hơn. Chú uống rượu giải sầu, cũng là để mượn rượu mà
chửi “thiên hạ”. Khi say, dân làng, hàng xóm được nghe người đại tá say này kể
rất nhiều chuyện “phản động” mà họ đã bị dấu bưng bít!
*****
Chú ơi! Hôm nay cháu ngồi nhỏ nước mắt
gỏ lộc cộc trên phím của computer, bồi hồi ôn lại chuyện chú cháu mình đúng
tháng ngày này của 41 năm về trước. Cháu đang mang một kiếp lưu vong với những
vinh nhục, vui buồn trên xứ lạ quê người. Ôm cái computer, cháu mỗi ngày thờ thẫn
bàng hoàng vì những tin tức đen tối bên trời Nam…
Cái án tử nặng ngàn cân sắp cứa vào cổ
dân mình năm 2020 rồi chú ạ! Quê hương và dân tộc Việt Nam đang lâm vào cảnh khốn
đốn, tồi tệ nhất trong lịch sử. Nếu chú còn ở dương gian này, chú sẽ chỉ bảo
cháu làm gì để cứu lấy Bản Giốc, cứu những tôm cá nuôi cả triệu đồng bào Việt
Nam, cứu quê hương chúng ta đây? Hay chú cũng chỉ làm người lưu vong tủi nhục
như cháu, cái mầm lưu vong đã nhú lên ngay từ 41 năm về trước, để cây lưu vong
mọc ngay trên dãi đất hình chữ S cong quẹo đau thương này, không biết khi nào mới
ngẫng mặt đứng thẳng với thế giới và lịch sử mai sau…
Cháu không còn trẻ để vẫy vùng được như
20, 30 năm trước nữa. Ai cũng phải bước tới cái ngày nhắm mắt lìa đời… Nhưng
chú ơi, cháu đau lòng lắm nếu ra đi mà không giúp ích gì được cho quê hương và
dân tộc mình…
Có phải cũng cái đau này đã canh cánh,
đeo đẳng chú về tận bên kia thế giới không, thưa chú Phan Ninh kính yêu…
Kim Chi
Người viết tên thật là Nông Thị Ngọc Diệp. Khi còn ở Sài
Gòn, từng là diễn viên ca vũ kịch. Vượt biển năm 1985, là thuyền nhân tại
Galang, Nam Dương. Định cư tại Gia Nã Đại năm 1986, sống ở thành phố Toronto. Từ
2005, di dân qua Úc, hiện sống ở thành phố Melbourne. Công việc: Nội trợ và
sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 2-2016 và
có tên trong danh sách chung kết giải thưởng năm nay.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết