Lê Trọng Hiệp
Đó là tính nhân bản và
tính pháp trị của thể chế Việt Nam Cộng Hoà (VNCH): VNCH thua là do nhân bản
hơn cộng sản, tôn trọng pháp luận hơn cộng sản. Để khách quan, chúng ta
sẽ nhìn vấn đề này qua lời của chính những kẻ hoạt động cho cộng sản: một phi
công nằm vùng, một gián điệp cộng sản và một lãnh tụ sinh viên đấu tranh.
Phi Công Nằm vùng
Ngày 26.4.2013 báo Sài
Gòn Tiếp Thị đăng bài “Có một giờ G khác vào năm 1974”của Trung Dũng và Minh
Nguyễn, phỏng vấn cựu phi công nằm vùng Nguyễn Thành Trung (NTT).
Bài này có một đoạn đáng
chú ý, nói về cách đối xử của chính quyền VNCH với vợ con của anh ta hành động
ném bom vào Dinh Độc Lập:
PV: “Thời khắc đó ông có
nghĩ đến sự an toàn của vợ và hai con còn quá nhỏ đang sống ở thành phố Biên
Hoà? Có khi nào ông cảm thấy khổ tâm hay hối hận về hành động của mình mang
lại nỗi vất vả cho vợ con?”
NTT: “Trước khi ném bom
dinh Độc Lập ngày 8.4.1975, lãnh đạo đề nghị đưa vợ con tôi ra vùng giải phóng
để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng lúc đó, tôi bị nghi kỵ nhiều, nguy cơ bị lộ
rất cao nên chuyện đó là không thể. An ninh quân đội theo sát gia đình tôi từng
giờ, nếu vợ con tôi vắng nhà không rõ lý do thì tôi sẽ bị bắt ngay tức khắc.
Cũng có thể trên đường ra vùng giải phóng, vợ con tôi cũng sẽ bị bắt, tình thế
đó sẽ nghiêm trọng hơn. Rất lo lắng cho tính mạng vợ con, nhưng việc mà tôi đã
tính trước 10 năm đến thời điểm này là không thể dừng. Mặt khác, thời gian sống
trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ
nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5
tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn.
Thực tế diễn ra đúng như
tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản
đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng
tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn),
chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự
an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ
mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hoà về số 4 Nguyễn Bỉnh
Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn điều tra vợ tôi về
những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo. Có thể đó là
những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ
thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không
quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản
chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay
cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ.
Vậy đó, ngày 2.5.1975,
tôi lái máy bay từ Phan Rang về sân bay Biên Hoà. Vợ con tôi cũng vừa được giải
thoát khỏi số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi gặp lại nhau trong ngôi nhà nhỏ
của mình.”
Điệp viên “siêu hạng”
Năm 2004 báo Thanh niên
đã đăng phóng sự dài kỳ mang tên "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp
vụ siêu hạng" của Hoàng Hải Vân. Phóng sự này nói về Đặng Trần
Đức, sau này thiếu tướng quân báo cọng sản, và trước năm 1975 là “Trung
tá Nguyễn Văn Tá”, làm việc trong Phủ đặc ủy tính báo VNCH.
Năm 1974 Đức b ị lộ nên
bỏ trốn ra mật khu, để vợ con lại Sài Gòn và họ đã được chính quyền VNCH
đồi xử như thế nào?
Phóng sự kỳ thứ 27 tả
lại giai đoạn này, trong đó bà vợ Ngô Thị Xuân cho biết bà bị bắt và bị tra tấn
“mặt mũi sưng vù” và đó là chuyện chúng ta hiểu được
Nhưng người con trai thứ
ba của kẻ nằm vùng, cũng bị bắt vì tiếp tay cho bố, thì cho biết:
"Trong thời gian
này tôi đang chuẩn bị thi tú tài. Những người trong Phủ Đặc ủy bảo với tôi:
Chúng tôi biết anh đang chuẩn bị thi tú tài, anh khai thì cứ khai, nhưng trong
thời gian rảnh, chúng tôi sẽ mang sách vở đến cho anh học thi. Và quả đúng như
thế, họ bảo tôi viết thư gửi về nhà và cho người đến gặp anh tôi, cậu tôi để
lấy sách vở mang vào cho tôi học thật. Hỏi cung liên tục hơn 2 tháng, một hôm
chúng đem những tấm hình tài liệu ra hỏi: Có phải anh chụp những tấm hình này
không ? Tôi đáp: Đúng là tôi chụp. Chỉ vào 2 dấu vân tay, chúng hỏi tiếp: Dấu
tay này là của ai ? Tôi đáp: Của bé Hạnh, em gái tôi. Sau đó chúng bảo sẽ chở
mẹ con tôi đi để thả về. Nhưng mẹ tôi nói với tôi rằng: Chúng sẽ không thả đâu con.
Và đúng như mẹ tôi nói. Chúng đưa chúng tôi lên xe chở đi, đến khi chúng mở
băng bịt mắt thì tôi thấy nguyên một dãy nhà tù, sau này tôi mới biết đó là
Trung tâm Thẩm vấn của Tổng nha Cảnh sát...".
"Trong thời gian mẹ
tôi và tôi ở trong nhà giam, ở nhà anh tôi một mình nuôi hai đứa em. Trước anh
tôi cũng học Trường Lasan Đức Minh, đỗ tú tài 2 xong, do học giỏi, anh được cấp
học bổng đi du học Colombia (Mỹ), Trường Đức Minh có 2 người được học bổng du
học đợt đó, nhưng bố tôi không cho đi, nên anh thi và đỗ vào Trường Phú Thọ.
(...)
Khi bố tôi bị lộ, mẹ tôi
và tôi bị bắt, Trường Phú Thọ chỗ anh tôi học không gây khó dễ gì cho anh tôi
cả. Anh tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa đi dạy kèm. Giám học Trường Lasan Đức
Minh là fère Bénile, thấy hoàn cảnh gia đình tôi như vậy cũng giúp đỡ bằng cách
giới thiệu cho anh tôi đi dạy thêm. Trong những học trò mà anh tôi dạy có cả
con của trung tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn 2. Còn tại cư xá nhà tôi ở, phía
dưới là nhà trung tá Ngọ, phi công. Bên cạnh là nhà ông Đán, trợ lý của linh
mục Hoàng Quỳnh. Cạnh ông Đán là nhà ông Thụ, thiếu tá Biệt khu thủ đô. Trên
lầu là 2 ông ở Bộ Nội vụ, cạnh đó là nhà ông Lộc, ông Phúc, ở Phủ Đặc ủy Trung
ương tình báo. Đối diện cầu thang nhà tôi là nhà đại tá Nguyễn Văn Y, trước là
Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia thời Ngô Đình Diệm, lúc đó đã về hưu... Xung
quanh toàn là những người như vậy cả, nhưng khi biết bố tôi là Việt cộng rồi mà
không ai có định kiến gì. Ngay cả những người ở Phủ Đặc ủy cũng kêu anh tôi đến
dạy cho con họ. Có lẽ do cách sống, cách ăn ở của bố tôi làm ai cũng có cảm
tình, nên khi biết ông là Việt cộng rồi mà không ai sợ liên lụy cả. Chính vì
vậy mà anh tôi mới có việc làm nuôi hai đứa em ăn học bình thường...".
Trong khi đó thì vợ
và hai con của Đức ở miền Bắc bị đối xử khác hẳn với lý
lịch của gia đình "làm tay sai cho địch".
Việc Đức làm tình báo
thì chỉ có giới lãnh đạo cấp cao nắm được và để bảo vệ bí mật, việc này lại giữ
kín. Vậy là vợ con Đức bị các chính quyền cấp dưới hành hạ theo đúng chính sách
và nghị quyết đảng!
Từ Hà Nội, gia đình bị
tống về một nông truờng ở Phú Thọ, “cực khổ trăm bề”, họ “bị chính quyền
địa phương hoặc đơn vị công tác phân biệt đối xử, con cái không được học hành”.
Tác giả viết:
Bà Đặng Thị Chính Giang
(con gái) kể: “Chuyện học hành của chị em tôi nhiêu khê lắm. Khi tôi học đến
lớp 4, tự nhiên nhà trường không cho học nữa. Hồi ấy vào đầu năm học, những
cháu gặp khó khăn hoặc gia đình bộ đội, gia đình cán bộ công nhân viên thì được
nhà trường cho sách giáo khoa hoặc tập vở, còn tôi thì không có gì. Lại có tin
bố tôi là phản động chạy theo địch nên họ không cho học tiếp. Mẹ tôi phải nhờ
một ông ở nông trường đứng ra can thiệp thì tôi mới được học tiếp, nhưng cũng
không được cấp sách vở. Tôi là học sinh giỏi văn đấy, nhưng trường cũng không
cho đi thi. Cho đến khi tôi học xong lớp 5, thì trên Cục (cơ quan tình báo quân
đội - PV) thông báo cho tôi vào học trường học sinh miền Nam dành cho nữ, khi
ấy ở Hải Phòng. Thế là mẹ tôi cho tôi về Hà Nội để chờ nhập học. Tôi chờ hết
tháng 8, không thấy gọi, sang đến sau mùng 2 tháng 9 cũng không thấy gọi. Ông
nội tôi mới lên Cục hỏi thì các anh ấy bảo: Nếu cho cháu vào học thì anh ấy
(ông Ba Quốc - PV) sẽ bị lộ. Các anh trong Cục chỉ nói với ông và mẹ tôi thôi,
còn với tôi thì họ nói ngắn gọn: Trường miền Nam đủ học sinh rồi, không nhận
nữa. Tôi phải về lại Phú Thọ....”.
Chuyện học của chị Giang
là như vậy, nhưng chị bảo chuyện học của em trai chị còn phức tạp hơn nhiều.
“Cũng long đong như tôi, cậu ấy học xong cấp 2 thì họ cũng không cho học nữa.
Mẹ tôi gọi tôi về bảo ra trường cấp 3 xin cho em, nếu không cho học chính quy
thì học dự bị cũng được. Nhưng họ dứt khoát không cho. Chính quy cũng không cho
mà dự bị cũng không cho. Thế là cậu ấy phải về nông trường đi làm mất một năm,
nói chính xác là đi chặt nứa về bán cho nông trường….”.
Người em trai chị Giang
còn cho biết, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt, anh đã đăng ký vào bộ đội
nhưng cũng vì lý lịch “không trong sạch” của anh mà người ta đã không cho anh
nhập ngũ.”
Lãnh tụ đấu tranh
Ngày 5-11-2012, một nhân
vật thuộc hàng thủ lĩnh trong giới sinh viên đấu tranh tại Sài Gòn trước năm
1975 là Hạ Đình Nguyên công bố trên mạng viet-studies bài “Nguyễn Phương Uyên:
Tôi có thể làm gì cho em”:
“Tôi đọc tin Em bị bắt,
cũng như trước đây, đọc tin em Huỳnh Thục Vy, Vĩnh Khang,…. và nhiều nữa, nhiều
thanh niên mà tôi không nhớ tên hết, cả những người bị bắt mà không có tên…tôi
hiểu những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta.
Tôi không khỏi ray rứt,
thấy sự bất an trong lòng, vì không thể làm gì được cho các em, như để
cùng chung hành trình, thậm chí chỉ để chia sẻ. Hình ảnh của các em là hình ảnh
của chính chúng tôi ngày xưa đang sống lại, cũng ở cái tuổi đầy nhiệt huyết như
các em bây giờ.
Cách đây hơn 40 năm,
những năm tháng mà thế hệ chúng tôi khó quên. Khó quên không phải vì hận thù,
vì tiếc nuối, vì bất mãn thời cuộc, hay vì bất cứ lý do nào khác, mà vì những
kỷ niệm đẹp của trái tim tuổi trẻ trong sáng, đã dám đứng lên vì một cảm xúc
lớn. Cái từ ngữ đồng bào thuở ấy rất thiêng liêng. Chúng tôi không biết gì về
mọi thứ mưu toan của người lớn, hay của thời cuộc. Chúng tôi hồn nhiên bay
trong tình tự dân tộc, bất chấp hiểm nguy để chống xâm lược.
Chúng tôi biết rằng cách
mà họ bắt các em hiện nay, cũng giống cách mà chúng tôi bị bắt ngày xưa. Họ bắt
bất cứ lúc nào và ở đâu. Ở nhà trọ, trong ký túc xá, tại cổng trường, trong
công viên, khi đang đi trên đường, đang lúc ngồi chơi với bạn bè. Những người
mặc thường phục, có súng ngắn bên trong, nhanh như cọp dữ, họ nhảy vào, khóa
tay chân, gùi lại và quăng vào xe. Con mồi của họ nằm im re trong rọ, và từ đây
không còn thấy ánh sáng mặt trời. Họ đưa con mồi vào hang tối, cái ngóc ngách
xó xỉnh nào đó, nhiều lắm, ngay trong cái thành phố sáng sủa nầy, nhưng không
ai biết hay nhìn thấy được. Thế rồi họ tra tấn và đánh đập bằng khá nhiều kỷ
thuật tân kỳ, song song với những đòn tâm lý, áp đảo tinh thần một cách hiểm
ác, và ép cung. Tác phẩm “Hồ sơ một Thế hệ” mà Thành Đoàn thanh niên ngày nay
ghi chép lại, chưa phản ánh đủ vì nhiều lý do.
Điều mà chúng tôi đòi
hỏi lúc đó là gì? Chúng tôi đòi hỏi, khi bắt phải có trát của tòa án, có Luật
sư chứng kiến, dù là tạm giam để điều tra. Phải minh bạch và cho công luận
biết. Phải đưa ra xét xử và có luật sư biện hộ, phải đúng quy trình tố tụng,
phải có chứng cứ…và chứng cứ phải được xem xét là không ngụy tạo.
Đối tượng mà chúng tôi
chống, lúc bấy giờ, là Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa, song lại có đôi điều mà
trái tim công bằng của tuổi trẻ ghi nhớ như là nét son của một xã hội công dân
– dù nó nó chưa tương xứng để gọi tên như thế– Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện,
Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh
luận tay đôi với Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong
số 42 SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cọng, vì có bằng chứng minh bạch.
Ông Viện trưởng Tiết đã
cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là bằng chứng của ép cung, lời cung đã
khai không còn giá trị. Thế là hầu hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa.
Trong đó có một số anh chị có vai trò trong tổ chức Thành đoàn CS.
Dù các anh chị ấy có lập
trường kiên định, một lòng trung thành với con đường lý tưởng đã chọn, song
không khỏi ghi nhớ về tính cách của một vị quan tòa, và nguyên tắc, dù chưa
phải là thực chất của một thể chế dân chủ, nhưng ở đó có một số điểm tựa
để cho người dân tin cậy, là hệ thống luật pháp về dân sự, dù thời điểm đó đang
là chiến tranh.
[…]
Điều mà chúng tôi đòi
hỏi ngày nay cho thế hệ trẻ các em, cũng là điều mà chúng tôi đòi hỏi cho thế
hệ mình của nửa thế trước! Đó là đoạn đường quá dài và chua xót cho một Việt
nam ở thế kỷ 21.”
Thay lời kết
Qua ba câu chuyện trên
chúng ta thấy gì?
Với Nguyễn Thành Trung,
chế độ VNCH là chế độ của những người có học, và họ đã đối xử với kẻ thù của
mình một cách có văn hoá. Sống trong Không lực VNCH, sản phẩm của chế độ VNCH,
anh ta đã có được “niềm tin” rằng, nếu anh ta bị lộ nguyên hình là cộng sản nằm
vùng, vợ con anh ta vẫn được đối cử tử tế.
Đặng Trần Đức và vợ con
không nêu nhận xét, nhưng qua câu chuyện của họ, ít ra người đọc cũng cảm nhận
cách ứng xử có văn hoá, có học thức của những giới chức VNCH lúc đó.
Còn Hạ Đình Nguyên thì
bỏ một phần tuổi trẻ của mình ra đấu tranh để “giải phóng quê hương”. Sau đó,
anh ta sống tiếp 37 năm trên “quê hương giải phóng” để rồi trăn trở với cái
thực tế bẽ bàng: chế độ mà anh ta hy sinh tuổi trẻ để xây dựng hoàn toàn không
có lấy một số điểm tựa để người dân tin cậy.
Trong hoàn cảnh chiến
tranh thì chế độ VNCH, nền dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hãy
còn non trẻ nhưng vẫn có những điểm để người dân tin cậy cậy qua một “hệ thống
luật pháp về dân sự”. Còn 38 năm hoà bình của nước CHCHCNVN chỉ đưa đất nước
tiến gần đế chế độ với luật rừng, luật của mafia.
Với VNCH thì đối thủ của
mình, những kẻ ham he lật đổ mình vẫn là con người. Nhưng với cộng sản thì hoàn
toàn khác. Như có thể thấy từ các bằng chứng lịch sử rành rành như các vụ Nhân
Văn – Giai Phẩm, chống xét lại, cải cách ruộng đất, chính sách cải tạo v.v.. :
chưa nói là kẻ chống lại họ, chỉ cần không bằng lòng đi chung một con đường
thôi, đều bị họ đối xử như là con thú!
Như vậy, bên cạnh các
yếu tố khách quan bên ngoài dẫn đến cái kết cuộc ngày 30.4.1975, một yếu tố
không kém phần quan trọng làm nên kết cục của cuộc chiến. Đó là cuộc chiến của
một chế độ tử tế với một chế độ lưu manh, giữa kẻ chính nhân quân tử với hạng
mafia cường đạo, của con người với luật của người và con thú với luật rừng.
VNCH thua, một phần,
là vì lý do này!
Lê Trọng Hiệp
Tôi cũng từng nghỉ như ông Lê-Trọng-Hiệp. VNCH thua CS BV một phần cũng vì VNCH quá tự do, nhân bản trong khi CS BV độc tài dả thú.
ReplyDeleteỞ trong Nam, một anh trốn quân dịch, gia đình không bị hề hấn gì, làm ăn tỉnh bơ vì "ai làm người ấy chịu".
Ngoài Bắc, một chú trốn "nghĩa vụ", gia đình sơ sơ, bị cúp sổ gạo và biết bao khó dể khác.