Nước Đức, 25 năm Tự Do và
Thống Nhất
Tường An, thông tín viên RFA
2014-10-08
2014-10-08
Kỷ niệm nước Đức thống nhất.
Ảnh chụp
hôm 03/10/2014. Photo by LĐC
Tuần vừa qua, thành phố Hannover đã tổ chức trọng thể lễ kỷ
niệm 25 năm bức tường Bá Linh sụp đổ cũng như kỷ niệm 24 năm nước Đức thống nhất.
Đêm 12 rạng sáng 13 tháng 8 năm 1961, những viên đá đầu
tiên đã được đặt xuống thành phố Bá linh, từ đó, bức tường ô nhục dựng lên bất
chấp sự phản đối của trên 300.000 người dân Tây Đức. Máu đã đổ trên bức tường
này khi gần 5000 người đã tìm cách vượt qua biên giới, trên 200 người đã ngã xuống
để trả giá cho tự do.
Bức tường Bá Linh sụp đổ
Nhưng rồi, 28 năm sau đó, như một phép lạ, đêm 9 tháng 11 rạng
sáng 10/11 năm 1989 những viên gạch ô nhục ấy đã được đập vỡ trong niềm hân
hoan vô bờ của hai vùng đất nước dẫn theo một loạt tan rã của chủ nghĩa cộng sản
ở Đông âu.
Bức tường dài 155 km , biểu tượng của sự chia lìa
nay chỉ còn là một vành đai xanh cho người đi xe đạp để gợi nhớ lại một
giai đoạn bi thương của lịch sử đã sang trang.
“Cái đêm hôm đó đêm gì ?” Có lẽ đó sẽ là một ấn tượng không
bao giờ quên với những người dân Đức. Một cảm giác bàng hoàng ? Buồn ? Vui, Ngỡ
ngàng ? Ngôn ngữ nào diễn tả được tâm trạng của trên 60 triệu người dân Đức lúc
đó ? Là một thuyền nhân, tị nạn tại Đức từ năm 1981, Chị Mỹ Lâm sống cùng gia
đình tại Tây Berlin , cách bức tường không đầy 500 mét hồi tưởng lại quang cảnh
Berlin lúc đó:
"Đêm hôm đó cảnh sát Đông Đức đã tự động bỏ súng xuống
để cho người ta tự động đi qua cửa biên giới. Riêng ở Berlin, từ 21 giờ đến 2
giờ sáng đã có khoảng 20.000 người đã vượt bức tường Berlin để đi qua vùng Tây
Bá Linh. Nhà tôi thì lúc đó cách bức tường khoảng nửa cây số thì sáng ngày mùng
10/11 tự nhiên thấy hai bên con đường chính, người đi bộ sắp hàng hàng lớp lớp,
họ đi đông không thể tưởng tượng được, họ là những người vượt biên giới, họ đi
suốt đêm tới sáng vẫn còn hàng ngàn người đi bộ ngoài đường.
Những người Đông Đức tràn vào các siêu thị. Một tình trạng
rất là hỗn loạn xảy ra ngày hôm đó nhưng mà hỗn loạn trong sự vui mừng, người
Tây Bá Linh đón tiếp người Đông Bá Linh trong sự vui mừng. Không khí ngày hôm
đó như là một ngày lễ hội lớn. Đông Bá Linh đi tới đâu cũng được tiếp đón và được
đối xử rất là tử tế. Hai đứa con gái tôi được cô giáo dẫn ra bức tường mua hoa
tặng cho những người bước qua khỏi ranh giới.”
Anh Lâm Đăng Châu, du học tại Đức từ năm 1968, lúc đó làm
việc tại thành phố Hannover, cách Berlin gần 300 cây số, anh nói lên sự xúc động
của mình khi nghe tin bức tường Bá Linh sụp đổ:
“Trong ngày lịch sử của nước Đức, chúng tôi vui mừng và ứa
nước mắt khi thấy cảnh người dân Tây và Đông Đức ôm nhau gặp gỡ nhau sau 28 năm
chia cắt. Người Việt lao động ở Đông Đức và Đông Âu sau đó cũng tìm cách sang
Tây Bá Linh, sang Tây Đức để xin tị nạn”
Nhưng niềm vui mừng đó hình như không hẳn là cảm xúc của tất
cả những người Việt có mặt trên nước Đức lúc đó. Anh Nguyễn văn Mài, hợp tác
lao động tại Đông Đức từ năm 1988 chia sẻ một cảm giác gần như là thờ ơ bên cạnh
một biến động lớn của nước Đức:
“Nói thật ra thì tôi không có gì là sửng sốt hay bàng
hoàng, bởi vì nói thật nước Đức không phải là nước của mình, chỉ biết đây là việc
của người Đức thôi. Tôi chỉ có một cái so sánh nhỏ trong đầu tôi, đó là người
ta cũng đấu tranh để thống nhất nước Đức, nhưng người ta đã thống nhất một cách
rất khôn ngoan, không có thương tổn nhiều như Việt Nam mình.”
Gần một năm sau khi bức tường Bá Linh bị san bằng, nước Đức
chính thức thống nhất ngày 3 tháng 10 năm 1990 và ngày này cũng được coi là
ngày Quốc Khánh. Những năm đầu tiên, trên 40 triệu dân Tây Đức một sớm một chiều
đã phải cưu mang thêm gần 18 triệu dân Đông Đức. Những thay đổi bất ngờ đã làm
xáo trộn cuộc sống kỷ cương của cộng hoà xã hội chủ nghĩa Đức, nhiều nhà máy
đóng cửa, nhiều người mất việc làm đã là lý do cho làn sóng kỳ thị dấy lên
trong những ngày đầu nước Đức hợp nhất mà đỉnh điểm là cuộc đốt chung cư của
người tị nạn tại Rostock-Lichtenhagen làm rung chuyển chính trường Đức. Anh Mài
kể lại:
“Tôi thấy rằng cuộc sống kinh tế tại Đông Đức rất tốt, một
trời một vực với Việt Nam mình, người dân Đông Đức cũng tốt lắm, ngày ấy anh em
bên này có câu ”giầu thì đi Đức, trí thức đi Nga, mà la cà thì đi Tiệp“, thế
nhưng chỉ khi mà bức tường Bá Linh đổ, khi mà chế độ bắt đầu thay đổi thì trong
một số người Đức thấy xuất hiện tư tưởng bài xích người ngoại quốc cụ thể như
là người Việt Nam, người Cuba, người Mozambique đang làm việc tại Đức.
Họ cho rằng người mình đến đây lao động đã chiếm mất việc
làm của người ta, cho nên dấy lên một làn sóng bài xích và đã xẩy ra những sự
việc rung động cả nước Đức, thí dụ như ở Rostock hay ở Mattersburg, họ đã đốt
khu nhà ở của người Việt mình, họ hành hung người Việt nhà mình. Nhưng nó chỉ xảy
ra một thời gian ngắn thôi, sau đó thì chính quyền Đức người ta đã kịp thời chấn
chỉnh và hiện tượng như vậy không còn xảy ra nữa.”
Thống nhất và xây dựng đất nước
Gánh nặng bên kia bức tường Bá Linh trao lại cho nước Đức
thống nhất không phải nhỏ, người dân Tây Đức đã đóng góp rất nhiều để có một nước
Đức cường thịnh và phát triển như hôm nay, chị Mỹ Lâm cho biết:
Khẩu hiệu Thống Nhất trong
Đa Dạng. Photo by LĐC
“Phải nhìn thấy rằng là sự giúp đỡ của người dân Tây Đức
đối với người dân Đông Đức rất lớn. Chúng tôi đi làm phải đóng 7% lương của
mình vào một quỹ gọi là “quỹ xây dựng lại Đông Đức.”
Sau một thời gian ổn định lại lòng người cũng như vật chất.
Nước Đức đã lấy lại cân bằng và phát triển. Sự sáng suốt của những người nắm
giữ những vai trò quan trọng trong bộ máy hành chánh của nước Đức có phải chăng
là nhờ họ đã có một quá khứ đau thương dưới chế độ Cộng sản ? Anh Lâm Đăng Châu
nói:
“Một điểm rất đặc biệt là hai người nắm giữ quyền lực
cao nhất của nước Đức là Tổng thống Đức và bà Thủ tướng Merkel đều xuất thân từ
Đông Đức họ có tầm nhìn xa. Chính vì những hoạt động đảng phái mà họ có tầm
nhìn xa như vậy, đã đóng góp phần nào về sự phát triển của nước Đức. Đã không
có những chuyện như tù đầy, trại cải tạo hay đàn áp. Nếu mà so với sự thống nhất
của Việt Nam thì họ đã khôn khéo nhìn ra vấn đề, để phát triển nước Đức thành một
trong những cường quốc, ít nhất là cường quốc về kinh tế hiện này trên thế giới.”
Với 16 bang, nước Đức đã chia mỗi tiểu bang mỗi năm phụ
trách tổ chức lễ thống nhất hay còn gọi là lễ Quốc khánh của nước Đức. Năm nay,
thành phố Hannover, thủ phủ của bang Niedersachsen nhận trách nhiệm tổ chức lễ
hội liên bang kỷ niệm 24 năm nước Đức thống nhất. Hàng trăm ngàn người từ khắp
nơi đổ về thành phố nằm bên dòng sông Leine của Tây Bắc Đức. Trung tâm Việt Nam
tại Hannover cũng có gian hàng triển lãm, anh Lâm Đăng Châu, chủ tịch trung tâm
Việt Nam kể lại không khí tưng bừng trong ngày lễ hội:
“Năm nay, thủ phủ của bang Niedersachsen, tức là thành
phố Hanover nhận tổ chức lễ hội liên bang 25 năm bức tường Bá linh đổ và chính
thức 24 năm nước Đức thống nhất. Khẩu hiệu họ đưa ra là 25 năm cuộc cách mạng
ôn hoà và bức tường Bá Linh đổ hay 25 năm Tự do và nước Đức thống nhất trong đa
dạng (Vereint in Vielfalt). Trong sinh hoạt cách đây hai ngày, chúng tôi có
tham dự, thời tiết rất đẹp, chúng tôi thấy có hàng trăm ngàn người từ những
thành phố lớn ở Đức đã tới Hannover để tham dự.
Và chúng tôi thấy những quan chức trọng yếu trong chính
quyền Liên bang như Tổng thống Đức Gauck, Thủ tướng Đức Merkel, ông Chủ tịch Quốc
Hội Lammert, Thống đốc bang Niedersachsen, ôngWeil và Thị trưởng thành phố
Hannover, ông Schostock cũng như đại diện 16 tiểu bang của Đức đều hiện diện
trong ngày Quốc khánh của Đức hôm thứ sáu 3/10 vừa qua. Trung tâm Việt Nam
chúng tôi cũng được lời mời của bang Niedersachsen, Trung tâm Việt Nam Hannover
có một gian hàng thông tin và triển lãm về người Việt ở Đức góp phần vào sự đa
dạng, nói lên tiếng nói của người di dân tại Đức. Trong cuộc triển lãm đó,
chúng tôi trình bày 3 chủ đề:
- Chủ
đề thứ nhất: là những người Việt Nam tị nạn, chúng tôi có những hình ảnh về
thuyền nhân đến Tây Đức từ cuối thập niên 70.
- Chủ
đề thứ hai: Chúng tôi nói về người Việt Nam hợp tác lao động bên Đông Đức từ đầu
thập niên 80 cho đến khi bức tường đổ.
- Chủ
đề thứ ba: Kết hợp và giao lưu người Việt Nam miền Bắc bên Đông Đức và thuyền
nhân tị nạn, đa số ở miền Nam có dịp gặp gỡ để trao đổi với nhau.“
Nước Đức thống nhất không đổ máu, không một tiếng súng. Nước
Đức trở thành một quốc gia kinh tế đầu tàu của Âu châu. Nhìn về Việt Nam, chị Mỹ
Lâm so sánh hai sự thống nhất:
“Một sự khác biệt rất rõ ràng: sự thống nhất của nước Đức
là do sự đầu hàng của chế độ Cộng sản, họ từ chối chế độ Cộng sản, đó là sự thất
bại của chế độ Cộng sản. Còn ở Việt Nam thì sự thống nhất ở Việt Nam là sự thống
nhất trong bạo lực. Nên sự thống nhất ở Việt Nam đưa nước Việt Nam mình xuống dốc,
còn sự thống nhất của nước Đức tạo ra một nền kinh tế tự do và con người được
phát triển theo bảo đảm của Nhân quyền.”
Nước Đức thống nhất trong hoà bình, cường thịnh. Sau 25
năm, các thành phố ở Đông đức được xây dựng lại tân tiến hơn cả Tây Đức. Việt
Nam sau gần 40 năm thống nhất vẫn còn những chênh lệch giầu nghèo quá lớn.
Anh Lâm Đăng Châu nhận xét:
“Nước Đức thống nhất trong hoà bình, không đổ máu, không
tiếng súng. Nước Đức tôn trọng nhân quyền, kinh tế vững mạnh, có uy tín và được
thế giới ngưỡng mộ. Nhìn về Việt Nam thì nước Việt Nam thống nhất có quá nhiều
thương đau, mất mát trong một cuộc nội chiến tàn bạo. Muốn có dân chủ trong nước
thì bị bắt bớ, tù đày, độc lập dân tộc thì bị đe doạ.”
Tương lai của một đất nước nằm trong tay người dân và do
chính người dân quyết định, vấn đề là họ có đủ can đảm đứng lên để cầm lấy vận
mệnh của đất nước như những sinh viên Hồng kông đang đứng lên đòi quyền làm chủ
của mình ? Anh Lâm Đăng Châu kết luận:
“Chính người dân Đông Đức đã tự định đoạt lấy số phận của
mình, họ kiên trì tranh đấu cho tự do dân chủ, bất chấp tù đầy. Theo tôi nhận
thấy, vấn đề chuyển hoá của Việt Nam mình phải do chính người dân tự quyết định
lấy vận mạng của mình.”
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết