|
|||||||
|
|
|
|
|
|
||
Preview by Yahoo
|
|||||||
|
|||||||
NHỮNG CÁI NHÌN VỀ “ĐÈN CÙ”
Hạ Đình Nguyên
Tôi nghĩ về câu chuyện “Người mù sờ voi”.
Đây là câu chuyện xa xưa, đã có từ rất lâu đời
của nhiều dân tộc khác chứ không riêng của Việt Nam ta. Nó có cả trong sách
kinh của Phật giáo, tức là rất lâu. “Người mù sờ voi” không phải câu chuyện có
ý nghĩa tiêu cực, nhằm phê phán ai đó là thiển cận, là dốt nát. Nó có ý nghĩa
rất tích cực và trung tính, không nhằm khen chê, phê phán. Nó nêu lên một chân
lý khách quan, nói lên một cách nghiêm túc rằng, không ai có thể nhìn thấy được
đích thật một sự vật, mà chỉ thấy một mảng nhỏ của sự thật qua nhãn quan của
mình, giống như một người mù sờ vào một phần thân thể con voi.
Câu nói thời thượng ngày nay là: “một phần
sự thật không phải là sự thật”, là không ổn hoặc không đầy đủ, vì nó nhằm
phủ định một cách kín đáo cái “một phần”.
Một phần sự thật, không phải là toàn bộ sự
thật, nhưng nó vẫn là một phần sự thật. Một mẩu bánh mì không phải là một ổ
bánh mì, mà là một mẩu bánh mì, chứ không là mẩu chả lụa hay thứ gì khác.
Càng không ai có thể nhìn thấy đầy đủ hay toàn
bộ một sự kiện lịch sử, hoặc một giai đoạn lịch sử.
Vì thế, những cái “sờ” về một con voi đã góp
phần vẽ nên hình tượng toàn con voi. Sự thật lịch sử phải được soi rọi từ hàng
nghìn cái nhìn khác nhau để có thể tạo nên một cái nhìn toàn thể. Vả lại, một
kết luận dứt khoát về một lịch sử còn đòi hỏi độ lùi của thời gian, mà có khi
nó vẫn còn là một ẩn khuất trong quá khứ. Cái nhìn từng mảnh lại trở nên cần
thiết và quý báu. Người mù, là cách nói khẳng định rằng, nhận thức của bất cứ
một cá nhân nào, luôn có giới hạn, nhưng không phủ định sự hiện diện cần thiết
của nó.
Tác phẩm Đèn Cù là một góc
nhìn, một tư thế nhìn vào lịch sử, và mỗi người đọc Đèn Cù, vẫn
phải dùng con mắt có sẵn của mình. Mỗi con mắt ấy có một chỗ đứng riêng và một
tâm tư riêng, nên không nhất thiết phải có cái nhìn thống nhất nhau. Việc đòi
hỏi một tác phẩm – dù là một tác phẩm về sử học – phải gắn liền với đời sống
thực tế của tác giả, là một đòi hỏi quá đáng, không thể có được.
Tác phẩm Đèn Cù của tác giả
Trần Đĩnh đã gây gió trên diễn đàn, lừng lững lan vào các ngõ ngách tâm tư của
nhiều giới, tạo nên một cơn xoáy tuy nhẹ nhàng mà gay gắt, có thể đem lại nhiều
lý thú, hữu ích cho những ai muốn góp nhặt, tìm hiểu để rõ thêm về lịch sử. Đó
là một giai đoạn lịch sử trải dài từ khởi đầu cuộc chiến tranh giành độc lập,
cho đến hiện thực hôm nay; tuy đã tàn cuộc chiến mà cuộc chiến nội tâm dân tộc
chưa thể gọi là đã kết thúc.
Tác giả trình bày bằng cái nhìn mắt thấy, tai
nghe, qua hơi thở của đời mình, cùng với những va chạm cảm xúc và nghĩ ngợi
riêng tư.
Nó cung cấp những “họa tiết” ghi trên những
mảnh vỡ của lịch sử mà chuyên gia khảo cổ có thể xem xét, chắp nối lại để phục
chế nên một “di tích”.
Cách nhìn Đèn Cù đã bộc lộ ít
nhất theo ba hướng khác nhau, xuất phát từ nhận thức có sẵn, hoặc lập trường
“kiên định”, hoặc từ một “khoảng mờ” nào đó, tạm gọi là khách quan của người
đọc.
1. Phê phán Đèn Cù theo chiều
hướng “chủ nghĩa” chống Cộng triệt để;
2. Xem Đèn Cù là một tác phẩm
không đáng tin cậy về phương diện chính xác, có xu hướng xuyên tạc “Cách mạng”,
hoặc nặng nề hơn, tác giả là kẻ “phản bội”;
3. Đón nhận Đèn Cù như một sự
góp phần soi rọi lịch sử.
Lập trường chống Cộng sản có từ khi chủ nghĩa
Cộng sản xuất hiện ở Việt Nam cách đây gần một trăm năm. Sáu mươi năm trước,
Hiến pháp VNCH đã chính thức ghi: “Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, trong
khi Chủ nghĩa Cộng sản xem thế giới còn lại – không phải là Cộng sản – là kẻ thù
(ít nhất là trên lý thuyết). Năm 1975, phe Cộng sản toàn thắng và thống nhất
đất nước. Trong 20 năm sau từ thời điểm này, thế giới đã chuyển sang trang mới,
khép lại cuộc chiến tranh ý thức hệ của chủ nghĩa Cộng sản với chủ nghĩa Tư
bản, bởi phong trào Cộng sản quốc tế tự tan rã. Từ lý thuyết sang thực tế, chủ
nghĩa Cộng sản đã phá sản, không còn định dạng như ban đầu, mà biến dạng theo
cách của mỗi nước, nhưng có nét chung khó phủ định là kém phát triển,
tham nhũng và độc tài (Liên Xô và Đông Âu tan rã, Bắc Triều Tiên thành
độc tài Kim Yong Un, Trung Quốc thành chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, Việt Nam
đang trong quá trình biến dạng).
Thế giới – mà Mỹ với vai trò nổi trội – không
quan tâm về chủ nghĩa Cộng sản nữa. Thay vào đó là lợi ích kinh tế và “khẩu
hiệu” dân chủ, nhân quyền, chống chủ nghĩa cực đoan, bành trướng, phát xít…
dưới các hình thái khác nhau, nhằm ngăn ngừa mầm mống gây bất ổn thế giới.
Trong xu thế chung đó, Việt Nam còn đang tồn
đọng ba dạng tâm tư:
1. “Kiên định” Cộng sản,
2. “Kiên định” chống Cộng sản, và
3. “Phi Cộng sản”.
Gọi là tâm tư, vì nó gần gũi với “trạng thái”
hơn là niềm tin và lý luận có cơ sở bền vững. Nặng nề nhất là ở hai cách nhìn
(1) và (2), vừa đối kháng nhưng lại tương đồng về một số mặt. Họ thuộc về những
thế hệ đã từng dính líu đến chiến tranh, mà quá khứ đó đã gắn kết thành ý nghĩa
cuộc sống, không dễ buông bỏ. Cả hai đang
bị thời đại ngày càng phủ định vì sự cũ kỹ lạc hậu, theo nghĩa là không còn cần
thiết nữa, và tuyệt đại bộ phân dân chúng không nhiệt tình hưởng ứng, nhất là
thế hệ trẻ.
Xu hướng thứ ba này có chủ trương gác lại quá
khứ, tiết kiệm năng lượng, dành cho cuộc đấu tranh chuyển hóa từ độc tài lạc
hậu, sang dân chủ tiến bộ, để phát triển và bảo vệ độc lập quốc gia (vì thế,
giới trẻ không nhiều người đọc Đèn Cù?).
1. Phê phán Đèn Cù trên quan
điểm của “chủ nghĩa” chống cộng triệt để
Trên quan điểm của chủ nghĩa chống Cộng triệt
để, họ phê phán tác giả Đèn Cù có lập trường không triệt để.
Bài viết “Những hạn chế của Đèn Cù” của tác giả Phan Châu Thành, một cây bút
trên mạng, là một ví dụ; có lời dẫn của trang báo danlambao như
sau:
“Mục đích của Đèn Cù là bênh vực Cộng
sản... Trần Đĩnh tự hào mình là kẻ ‘xét lại’, bênh vực, minh oan, ngợi ca phe
thân Liên Xô... Nếu không có súng đạn của Nga thì làm sao VNCS thắng được VNCH
và vũ khí Mỹ?”.
Cách nhìn này không có gì thay đổi so với
trước đây: “Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, mà tác giả Đèn Cù có
một thời là thành viên tích cực của phía Cộng sản. Trần Đĩnh đã không “triệt
để” theo đúng ý như Phan Châu Thành mong muốn, và phải là kẻ chống Cộng xuyên
suốt, thuần khiết? Người chống Cộng sản có thể trở thành giống Cộng sản, ở tính
kiên định và chủ nghĩa lý lịch? Có lẽ Đèn Cù không là sách cần
thiết cho người đọc theo xu hướng này?
Vượt lên sự thua thắng, kể cả đúng và sai, tôi
ngưỡng mộ chân thành nhân cách của những con người đã hy sinh trong cuộc chiến
tranh ở hai bên, kể cả mười mấy vị tướng VNCH đã tự sát sau khi thua cuộc, mà
Huy Đức, tác giả “Bên thắng cuộc” gọi bằng từ “tuẫn tiết”. Họ đã có dũng
khí, dám sống trọn vẹn với lý tưởng của mình, nhưng không phải tất cả là như
thế. Cho dù ngày nay nhiều người có thể nhận thấy, thể chế Cộng hòa – tam quyền
phân lập – là một thể chế có thể thích hợp để tiến tới một xã hội dân chủ, thì
không có nghĩa là toàn bộ bộ máy VNCH đều gồm những người có lý tưởng chống
Cộng thật sự, mà không có, thậm chí là không ít, những thành phần vô tư bị rơi
vào cuộc chiến, hoặc chạy theo sự nghiệp áo cơm cho riêng mình. Trong số người
“giác ngộ cao” về lý tưởng chống Cộng, họ đã từng giết nhau qua những cuộc “đảo
chính” triền miên, nhưng vì lẽ gì? Có những người tự cho là “sáng suốt”, có may
mắn rơi vào một dòng chảy thuận lợi cho sự nhận biết tường tận về chủ nghĩa
Cộng sản, hoặc đã hiểu biết điều này ngay khi còn trong “bụng mẹ”, thì quả là
đáng tiếc cho số phận, và đáng hối hận về tài năng không đủ để hoàn thành được
trách nhiệm trước dân tộc với sự “thông minh vốn sẵn tính trời” của mình. Đại bộ phận là dân chúng, sống theo cách bình thường.
Họ nằm trong một luồng chảy và cuốn theo chiều gió. Miền Bắc rơi vào một vòng
xoáy, miền Nam cũng rơi vào một vòng xoáy khác.
Không ai có thể nhìn xuyên suốt và nhận biết
được toàn bộ tiến trình lịch sử, chỉ có biết nhiều và biết ít. Nhà chính trị
nổi bật ở miền Nam, được xem là kẻ mưu trí, người kiến trúc nên VNCH – là ông
Ngô Đình Nhu, với người anh là Tổng thống Ngô Đình Diệm được xem là người gương
mẫu về đạo đức, đã cùng chết thảm sau 8 năm cầm quyền, kế tiếp là triền miên
những cuộc lật đổ...
Trong một dòng chảy khác của lịch sử, một bộ
phận lớn nhân dân, gồm nhiều thế hệ, từ cuộc sống của một xã hội vốn lạc hậu,
bị đọa đày, đã vùng lên trong một cơn hưng phấn của thời cơ lịch sử, dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản (và bằng vũ khí Nga), đã lao vào cuộc chiến đấu gian
khổ và bất chấp tương quan lực lượng, chấp nhận mọi hy sinh vì một hoài bão,
làm cho những kẻ sáng suốt (cùng vũ khí Mỹ) đã thua cuộc bỏ chạy.
Bối cảnh chung là một thực tế khó phủ nhận.
Trong Kinh Thánh Kitô giáo có ghi: “Trong
các người có ai cảm thấy mình không có tội, thì hãy ném đá vào người ấy”.
Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng lại bị cuốn vào
dòng chảy mới của thời đại, cuộc thắng thua đã qua, đều đã trở thành quá khứ.
Thời cuộc đã mở ra một tình thế mới, vượt qua khung cảnh của thế kỷ 20.
Tôi nghĩ rằng những thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, phần đông đang bước tới và cần bước
tới, với cái nhìn mới mẻ của thời đại, đang đối đầu gay go với cuộc chạy đua
trong tình thế là người khởi hành rất muộn. Họ không quan tâm nhiều đến cuộc
tranh tụng về một gia tài quá nặng nề. Họ không muốn tham dự vào cuộc ném đá.
Tiếng nói cần thiết và quan trọng của ngày hôm
nay là tiếng nói đấu tranh, khuyến khích việc hướng về một tương lai của mục
tiêu giữ độc lập, đồng thời là kiến tạo dân chủ trong tình hình mới. Vì thế một
sự xét lại nào, từ đâu, và bất cứ một sự chuyển dịch nào có lợi cho mục tiêu
trên đều đáng được trân trọng. Bên thắng và bên thua thiết nghĩ chẳng còn lý do
để chìm đắm trong tự hào.
Sự chuyển dịch có thể đến từ nhân dân, từ
những người trong Đảng Cộng sản bước sang, từ những người vượt biên quay về, và
đặc biệt là từ thế hệ trẻ nhìn thấy được hướng đi đúng của thời đại. Sự chuyển
dịch của lịch sử sẽ tạo nên cái mới, hiếm hoi và hầu như không thể tái hiện cái
cũ. Sẽ không có Điều khoản “Đặt Cộng sản ra ngoài vòng Pháp luật” như Hiến pháp
VNCH, và cũng sẽ không còn “Điều 4” của Hiến pháp 2013, đặt dân tộc dưới quyền
cai trị có tính “định mệnh” của một đảng chính trị duy nhất. Cái duy nhất đang
đồng nghĩa với sự lạc hậu và độc tài mà nhân loại đã trải qua.
Không nên thêm nữa, dù một lần ảo tưởng.
Đảng Cộng sản đang là một chính đảng duy nhất,
sẽ cùng thể hiện bản lãnh của mình cạnh những chính đảng khác trong bối cảnh
một đất nước chuyển hóa và xây dựng. Đó là một sự chuyển dịch tiệm tiến chắc
chắn đang đến, một sự đối diện trên cơ sở đối lập dân chủ để tiến bộ.
Cách nhìn của ông Phan Châu Thành là một xu
hướng tiêu biểu, nhưng tôi không nghĩ đó là cách nhìn tiêu biểu của Việt kiều
hải ngoại. Nó thiếu thực tiễn, thiếu tính xây dựng, thiếu khích lệ mà nhiều
khiêu khích, tạo nên tác dụng ngược chiều, làm cho xung lực đối kháng càng gay
gắt.
Nhưng quan trọng hơn hết, là nó không có sức
thuyết phục với đông đảo nhân dân trong nước hiện nay, có thể đối với cả một số
lượng người Việt hải ngoại nữa.
Không cần thiết, lại hết sức
vô ích, nếu thay thế một bạo lực này bằng một bạo lực khác, cực đoan này bằng
cực đoan khác, khơi dậy hận thù trùng trùng điệp điệp của cả hai bên, bởi những
người có lập trường “độc quyền” chân lý.
Người Việt trong nước hôm nay, tuy sống trong
bức bách, có nhiều thất vọng trong niềm tin so sánh với khát vọng đáng phải có,
nhưng có đủ nhận thức về một tình thế khó khăn, và biết mình muốn gì. Một số
hình ảnh Việt kiều và phong cách mà họ mang về nước, còn ở dưới tầm được ngưỡng
mộ. Tôi đã đọc được từ một số bài viết có vẻ rất thật về cảnh phân hóa, tranh
giành vai trò của một số tổ chức hội đoàn Việt kiều hải ngoại, bởi cái tinh
thần “bon chen” cá nhân, mang màu sắc khá “truyền thống” một VNCH cũ ở thế kỷ
trước, không hơn gì cuộc bon chen trong nước. Cũng mong rằng cảm nhận đó không chính
xác.
Mặt khác rất đáng ghi nhận về những đóng góp
hữu ích của một số trí thức Việt kiều thể hiện qua những bài viết tâm huyết,
qua một số trang mạng rất kiên trì. Họ đã chuyển tải những thông tin và tư
tưởng tiến bộ với cái nhìn rộng của thời đại, thoát lên trên sự hận thù hằn học
từ những đau thương mất mát của mình; nhìn rõ sự lạc hậu của xã hội vì những
nguyên nhân của nó: Một chủ thuyết đã tỏ ra bất cập, một thể chế
kiềm hãm sự phát triển, sự nóng lòng đáng yêu về nỗi tụt hậu của đất nước và
trước nguy cơ bị đe dọa từ phương Bắc... Đó là những tiếng nói đồng vọng quý
báu đáng được đón nhận.
Nếu phê phán “Đèn Cù là bênh vực Cộng
sản... Trần Đĩnh tự hào mình là kẻ ‘xét lại’, bênh vực, minh oan, ngợi ca
phe thân Liên Xô”, thì ngược lại, Trần Đĩnh trong nước lại đang được
xem và bị nguyền rủa là “kẻ phản bội” từ một bộ phận trong Đảng CSVN. Căn cứ
trên tình thế đó, những tiếng nói có xu hướng “chống Cộng triệt để” đang ở đâu
và làm gì? Muốn đi đầu, hoặc chỉ đạo một phong trào chống Cộng theo cách mà thời
trước đã làm và đã thất bại? Hay chỉ nóng lòng muốn đóng vai một kẻ cao
đạo, với tầm nhìn viễn kiến của mình mà thôi?
Nghe đâu đây như tiếng gọi “Phản Thanh Phục
Minh” của một thời ở bên Tàu chăng?
2. Lập trường kiên định Cộng sản: Trần Đĩnh -
“kẻ phản bội”
Tôi thỉnh thoảng được dịp cùng chuyện trò
thoải mái với những người bạn vong niên, thuộc hệ những người Cộng sản có lập
trường kiên định.
Bối cảnh trong nước chưa từng có thói quen
thảo luận, tranh luận, hay gọi nhẹ nhàng hơn là trao đổi, với tinh thần thẳng
thắn và bình đẳng, ít nhất là 40 năm nay. Tiếng nói của cơ quan nhà nước là độc
quyền phủ bóng. Các hoạt động lý luận của ngành tuyên huấn có bộ máy đồ sộ và
uy quyền là con đường một chiều, na ná một dòng chảy từ khuôn đúc lý luận Trung
Nam Hải. Tư duy đó là một thức ăn chế biến sẵn dành cho tất cả, xuất xưởng từ
sự xào nấu của Hội đồng Lý luận Trung ương, bên cạnh luôn được hỗ trợ bởi một
đội ngũ cầm trong tay công cụ bạo lực. Ở quán xá có luật bất thành văn: được
nói mọi chuyện, không có vùng cấm, trừ nói chuyện chính trị-xã hội, ít nhất là
phổ biến trong giới viên chức. Đèn Cù cũng rọi lên một vệt mờ
mờ tỏ tỏ của phong cách này từ thuở A-Tê-Ka.
Nhưng tình hình đó ngày nay đã khác.
Đèn Cù cũng đã len vào được ở các ngõ ngách, quán xá một cách
thong dong hơn. Cộng hưởng với mạng, nó râm ran được đón nhận như sự tự
diễn biến hòa bình theo cách tự nhiên, tiệm tiến và tỉnh táo. Tình
thế, nó sinh ra như thế.
Vì sao phải có “kiên định” về lập trường chủ
nghĩa Cộng sản? Vì ở trong có nhiều cái “lỏng bỏng” không ổn định, đang chuyển
động theo hướng xa dần điểm xuất phát. Nó cần có sự “kiên quyết” gồng gân giữ
cho ổn định để không bung vỡ, như không để vỡ “cái bình bông” theo như lý luận
của ông Tổng Bí thư vậy. Cái ví von đó đang trở thành sự khôi hài vì nó bộc lộ
từ bên trong một sự mâu thuẫn nội tại. Ổn định được nêu lên như một mục tiêu
chân lý, bất kể nó như thế nào. Do đó mọi lực tác động ngược lại ý chí “ổn
định” đều bị xem là tiêu cực, là phản động. Đèn Cù là một tác
động, mà tác giả của nó cũng được gọi là “kẻ phản bội”. Lập trường này đúng ra
là một thứ “tri thức tình cảm” gắn bó với quá khứ, hơn là tri thức khách quan,
hoặc là bề nổi của một loại “tiềm thức” tư duy trong bóng râm quyền lợi. Tuy
nhiên, đó chỉ mới là cái nhìn của một phần trong Đảng Cộng sản. Cho đến nay,
phía cầm quyền Việt Nam chưa thể hiện một hành động đàn áp cụ thể nào với Đèn
Cù và tác giả, cũng giống với tác phẩm Bên Thắng Cuộc trước
đây. Sự lờ đi cũng là điều hay, với nhiều ý nghĩa có thể hiểu là một bước tiến
bộ.
Cuộc “so bút” nhóa lửa của hai bên “lập trường
kiên định” với “chống Cộng triệt để” đang diễn ra ở những tầng nấc khác nhau
trong phạm vi nào đó, cũng chỉ là cuộc biểu diễn ngày càng vắng khán giả. Cuộc đối đầu ý thức hệ Cộng sản và
chống Cộng sản chỉ là những tia nắng nhạt nhòa còn rớt lại từ thế kỷ trước.
Cho đến nay thì tác giả Đèn Cù vẫn
còn tung tăng đâu đó, chưa bị phái Phan Châu Thành “ám sát”, cũng chưa bị phái
kiên định “cầm tù”. Âu đó cũng là điều đáng chú ý, hy vọng là sự lắng xuống của
một thời đối đầu mà nay không còn hữu ích, để dành lại cho một sự “phản biện
lịch sử” đầy đủ hơn, đồng thời nhường chỗ cho năng lượng hòa hợp được phát
triển.
3. Đón nhận Đèn Cù như xem
xét một mảnh vỡ của lịch sử
Cuộc bàn cãi Quốc-Cộng đã diễn ra ngót trăm
năm, cãi nhau bằng súng đạn, bằng lực lượng quốc tế, và cũng kết thúc bằng súng
đạn. Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không ham muốn cái chết vĩ đại vì thấy chúng
không cần thiết, và vì thấy cái sống văn minh tiến bộ là vĩ đại hơn. Vì thế,
mục tiêu dân chủ, nhân bản và tiến bộ xã hội là hướng đi cụ thể và chính đáng.
Đó là cuộc đua tranh lành mạnh, không để tụt hậu với các giá trị và nhu cầu
thời đại. Đang có một xu thế rộng rãi trong nhân dân, chủ trương gác lại quá
khứ, tập trung cho hiện tại, xem là xu thế tốt nhất cho tương lai.
Nhưng lịch sử sẽ không dễ gác qua một cách dứt
khoát, vì còn nhiều vướng mắc những “mối tơ mành” trong quá khứ, nhất là đối
với những thế hệ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, đang hành động vì quyền lợi hay
là vì đau khổ, chứ không phải vì sự vươn lên của đất nước. Mặt khác, dân tộc
cũng không thể bỏ qua lịch sử mà không ngoái nhìn lại bằng cái nhìn khái quát
cho một đoạn đường đã trải qua, còn ảnh hưởng tới hiện tại và tương lai. Vì
thế, “ôn cố” là một tham khảo cần thiết, nhưng “tri tân” mới là một nhiệm vụ
trọng đại.
Đèn Cù không có tham vọng vạch ra cái gì tương tự như “con đường
Việt Nam”, cũng không cung cấp cho người đọc sự chính xác, hay tính toàn diện.
Nó là những họa tiết sống động trên những mảnh vỡ của lịch sử. Góp nhặt để giúp
cho nhận thức về một quá khứ được đầy đủ hơn, là chuyện của mỗi người đọc. “Ôn
cố” để góp phần nhỏ vào cái biết để phục vụ cho hiện tại, chứ không để củng
cố và bám giữ cái quá khứ đã đi qua, nhằm bào chữa, tránh né, hoặc
khai thác, lợi dụng nó theo hướng tiện ích nào đó.
Tương lai cũng có nghĩa là chờ đợi, mà lịch sử
đã diễn ra cũng có sự chờ đợi.
Sư hiện diện của những “Người Mù Sờ Voi”, như Đèn
Cù, đang là những đóng góp cần thiết và đáng giá. Tất nhiên nó đòi hỏi
nhiều “người mù” hơn nữa để góp phần làm sáng cho tương lai.
H.Đ.N.
Sài Gòn, 05/11/2014
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi Nam
Giao vào lúc 08:42
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia
sẻ lên TwitterChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: chống Cọng, Hạ Đình Nguyên, Trần Đĩnh, Đèn Cù
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết