QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Sunday, March 12, 2017

Cuộc Đời Binh Nghiệp của ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH

Cuộc Đời Binh Nghiệp của ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH

 

 

Cuộc Đời Binh Nghiệp của ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN Tổng Tham Mưu Trưởng Quân L...

Đặng Kim Thu Ban Biên Tập: Bài viết trình bày các dữ kiện liên quan đến Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Th...

 


Đặng Kim Thu


Ban Biên Tập: Bài viết trình bày các dữ kiện liên quan đến Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Tuy ông là một tướng lãnh thuần tuý, nhưng chắc chắn việc làm của ông có ảnh hưởng đến việc hình thành nền Đê Nhị Cộng Hoà, và sau này. Xin dành quyền nhận xét nhân vật lịch sử này cho quý vị độc giả.
Ông Cao Văn Viên sinh ngày 11-12-1921 tai Vientiane (Vạn Tượng), thủ đô Vương Quốc Lào. Cha mẹ của ông là ông Cao Văn Tý và bà Nguyễn Thị Võ, thương gia người Việt đã sinh sống lâu đời tại đây.
Lúc nhỏ, ông Viên theo học chương trình Pháp ở bậc tiểu học và trung học tại Vientiane, đậu bằng diplome (Trung Học Đệ Nhất Cấp) năm 1938, và vào học tại trường Cao Đẳng Thể Dục Thể Thao. Ra trường ông được bổ nhiệm làm huấn luyện viên thể dục ở một trường trung học tại tỉnh Paksé. Trong thời gian này, ông đậu bằng Tú Tài I.
Đầu năm 1949, khi gia đình ông hồi cư về Saigon, ông đã theo học khoá I trường Võ Bị Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Cùng theo học với ông có các ông Nguyễn Chánh Thi (Trung Tướng), Nguyễn Hữu Hạnh (Chuẩn Tướng), Trần Văn Xội (Đại Tá, Cục Quân Vận), Vũ Quang Tài (Đại Tá Nhảy Dù, Cục Trưởng Cục Xã Hội).
Tốt nghiệp thủ khoa với cấp bậc thiếu úy, ông được thuyên chuyển về Trung Đoàn 11 Bộ Binh Thuộc Điạ (11è Regiment Infanterie Coloniale - gọi tất là 11è RIC), bản doanh đóng ở Cần Thơ. Tại đây, ông gặp và kết thân với Thiếu Úy Trần Thiện Khiêm lúc hai người còn độc thân và ăn cơm chung. Thời gian sau, ông Viên kế hôn với bà Cecile Trần Thị Tạo năm 1925 tại xã Nhơn Mỹ, quận Kế Sách, Sóc Trăng. Trong khi đó, ông Khiêm kết hôn với bà Đinh Thuý Yến, quê ở Rạch Giá.
Năm 1951, ông được thăng trung uý, rồi được cử đi học khoá Chỉ Huy Chiến Thuật tại Trung Tâm Huấn Luyện Chiến Thuật tại Hà Nội. Trung Uý Nguyễn Văn Thiệu đã cùng học chung với ông. Mãn khóa, ông được cử giữ chức vụ Trưởng Phòng 2 Khu Chiến Hưng Yên. Trong khi đó, Trung Uý Thiệu thì được thuyên chuyển về trường Võ Bị Đà Lạt làm sĩ quan cán bộ cho khoá 5.
Năm 1952, ông được thăng đại uý, giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 10 Việt Nam, thay thế Đại Uý Huỳnh Bá Xuân (bị Việt Minh bắt khi đang đi hành quân). Cùng đơn vị với ông Viên có Thiếu Uý Nguyễn Viết Thanh, đại đội trưởng. (Sau này là cố trung tướng.) Cùng lúc, Đại Uý Trần Thiện Khiêm cũng làm tiểu đoàn trưởng một tiểu doàn khác, trong khi Đại Uý Nguyễn Văn Thiệu là Trưởng Phòng 3 Khu Chiến Thuật Hưng Yên.
Đầu năm 1954, ông thay thế Đại Uý Nguyễn Văn Thiệu làm Trưởng Phòng 3 Khu Chiến Thuật Hưng Yên. Đại Úy Thiệu được cử giữ chức Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Bộ Binh số 11.Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
Đầu năm 1955, ông được thăng thiếu tá và giữ chức Trưởng Phòng 4 Bộ Tổng Tham Mưu. Cuối năm, ông bàn giao chức vụ cho Thiếu Tá Đồng Văn Khuyên, đi làm Tuỳ Viên Quân Sự ở toà đại sứ VN tại Hoa Kỳ.
Năm 1957, sau khi mãn nhiệm kỳ tùy viên, thay vì phải trở về VN, ông được chỉ định ở lại học khoá Chỉ Huy Tham Mưu tại Fort Leavenworth, Kansas. Cùng học với ông có Thiếu Tá Nguyễn Văn Thiệu.
Ngày 1-2-1958, ông được thăng trung tá tạm thời và làm Trưởng Tham Mưu Biệt Bộ Phủ Tổng Thống, thay thế Đại tá Nguyễn Văn Là làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Tháng 7-1958, ông đậu bằng Tú Tài Pháp.
Ông Viên đã kể lại rằng ông đã rất may mắn được chọn làm Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống. Khi vừa mãn khoá Chỉ Huy Tham Mưu tại Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ, ông về VN vào tháng 1-1958 và chờ Bộ TTM bổ nhiệm về đơn vị mới. Đúng lúc đó, Tổng Thống Diệm bảo Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng, chọn một sĩ quan cấp tá có diện mạo sáng sủa, có học thức để trình diện ông. Đồng thời, Tổng Thống cũng bảo Tướng Trần Văn Đôn cũng chọn một người với cùng điều kiện. Đại Tướng Tỵ chọn ông Viên, trong khi Trung Tướng Đôn chọn Trung Tá Trần Ngọc Huyến. Khi ông Viên và ông Huyến vào trình diện Tổng Thống Phủ, ông Viên đã được chọn giữ chức Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống.
Ngày 26-10-59, ông được thăng trung tá thực thụ.
Trong một dịp đặc biệt, ông Viên đã kể lại về cuộc đảo chính 11-11-60 cuả Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, như sau:
“Đêm 11-11-60, khi nghe tiếng súng nổ ở hướng dinh Độc Lập, tôi (ông Viên) đích thân lái chiếc Peugeot 202 mang số ẩn tế đến Phủ Tổng Thống. Khi đi vòng tới phiá sau vườn Tao Đàn, một người lính Nhảy Dù xuất hiện, hùng hổ la to bảo tôi dừng xe. Tôi chưa kịp quay kiếng xuống hỏi chuyện gì thì anh ta nổ súng khiến kiếng trưóc vỡ tan. May mắn tôi không bị thương. Khi bước xuống xe, tôi được lệnh đến ngồi dưới gốc cây với vài quân nhân cũng bị bắt ngồi như tôi. Sáng hôm sau thì khi những người lính Dù bỏ đi. Tôi vào dinh Độc Lập thì được lệnh bàn giao chức vụ Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ cho Trung Tá Lê Như Hùng, nguyên tỉnh trưởng Kiến Hoà.
Sau đó, tôi đã được cử đi giữ chúc vụ mới là Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù, thay thế Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đào thoát sang Kampuchia. Ngay khi nhậm chức, tôi được thăng đại tá tạm thời. Rồi ngày Quốc Khánh 26-10-61, tôi được thăng đại tá thực thụ.
Ngày 1-11-1963, tôi bị bắt giữ ở Bộ Tổng Tham Mưu, cùng với một số sĩ quan được coi là trung thành với Tống Thống Diệm. Sáng ngày 2-11-63, khi ông Diệm và ông Như đã chết, tôi được cho về nhà nhưng bị quản thúc tại gia. Đến ngày 6-11-63, tôi được lệnh lên ngồi ở Phòng 2 BTTM chờ lệnh.
Ngày 8-11-63, tôi được Trung Tướng Trần Thiện Khiêm cho hồi phục chức vụ lữ đoàn trường lữ đoàn Nhảy Dù.”
Ông Viên kể thêm:
“Ngay khi trở về lữ đoàn Nhảy Dù, ông Khiêm đã gọi điện thoại cho tôi, nói:
- Tôi giúp anh về lại lữ đoàn Nhảy Dù nhưng chưa thông qua ông Minh. Sau này khi cần, anh phải giúp lại tôi.
- Chắc chắn rồi. Tôi trả lời.”
Sáng ngày 30-1-64, ông Khiêm gọi điện thoại cho ông Viên, với một câu ngắn gọn: “Tối nay nghe.” Hiểu ý ông Khiêm, buổi tối ông Viên đã đem lực lượng Nhảy Dù tham dự cuộc chỉnh lý do ông Khiêm điều động
Ngày 1-3-64, ông bị thương trong cuộc hành quân ở Hồng Ngự, Cao Lãnh, lúc đang chỉ huy Tiểu Đoàn 1 và 8 Nhảy Dù xung trận.
Ngày 3-3-64, ông được thăng cấp Thiếu Tướng đặc cách tại mặt trận do Thủ Tướng Nguyễn Khánh gắn tại Tổng Y Viện Cộng Hoà. (Lúc này chưa ban hành sắc lệnh công nhận cấp chuẩn tướng.) Vì không dự trù trước, Tướng Khánh, bất chợt đến thăm Tổng Y Viện Cộng Hoà, đã hội ý với Tướng Khiêm về việc thăng cấp cho Đại tá Viên. Vì không có sẵn lon thiếu tướng, nên Tướng Khánh đã dùng tạm lon của Thiếu Tướng Lâm Văn Phát, Tư Lệnh Quân Đoàn III, cùng đi chung để gắn cho ông Viên.
Tháng 8-1964, ông đỗ cử nhân Văn Khoa.
Ngày 15-9-64, ông giao lại Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù cho Đại Tá Dư Quốc Đống (Lữ Đoàn Phó) rồi nhận chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu đi giữ chức Tu Lệnh Vùng IV Chiến Thuật.
Ngày 12-10-64, ông bàn giao chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân cho Trung Tướng Trần Văn Minh (Minh “nhỏ”) để giữ chức Tư Lệnh Vùng III Chiến Thuật, thay thế Trung Tướng Trần Ngọc Tám đi làm Tổng Giám Đốc Bảo An Dân Vệ.
Trong thời gian Thiếu Tướng Viên làm Tư Lệnh, Vùng III đã xảy ra 3 trận đánh lớn và đẫm máu: trận Bình Giã vào cuối tháng 12-1964, trận Đồng Soài tháng 6-1965, và đồn điền cao su Michelin ở Dầu Tiếng vào tháng 6-65, khơi mào cho cuộc chiến đang trở nên ác liệt. Ngày 11-10-65, ông bàn giao chức Tư Lệnh Vùng III cho Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị, đề làm Tổng Tham Mưu Trưởng thay thế Trung Tướng Nguyễn Hữu Có. (Tướng Có chỉ còn giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng.)
Ông được thăng trung tướng nhiệm chức ngày 1-11-65 và trở thành thực thụ ngày 19-6-66.
Lúc này Hải Quân khiếm khuyết chức vụ Tư Lệnh nên Trung Tướng Viên tạm thời kiêm luôn Tư Lệnh Hải Quân từ 14-9-66 đến 31-10-66, rổi giao lại cho Hải quân Đại Tá Trần Văn Chơn.
Ngày 28-1-67, ông kiêm nhiệm Bộ Trưởng Quốc Phòng thay thế Trung Tướng Có bị cho lưu vong và giải nhiệm.
Ngày 4-2-67, ông được thăng cấp đại tướng nhiệm chức.
Đầu năm 1967, khi bản dự thảo Hiến Pháp sắp hoàn tất, có những dấu hiệu chia rẽ giữa hai ông Thiệu và Kỳ. Sự mâu thuẫn càng ngày càng trở nên gay gắt. Khi bản Hiến Pháp được chính thức công bố, cả hai ông đều tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Đại Tướng Viên nhận thấy nếu không hàn gắn và kết hợp đuợc hai ông lại, quân đội sẽ bị chia rẽ. Không chừng cả hai ông đều bị thất cử.
Đại Tướng Viên thấy mình cấp bậc lớn nhất, và tuổi tác cũng lớn hơn các vị tướng khác nên đúng ra dàn xếp để kết hợp hai người lại với nhau. Một người trẻ hơn, chức vụ cấp bậc tuy nhỏ hơn nhưng trong tay có nhiều quyền lực, nhiều vi cánh hơn. Người kia dù không có nhiều uy quyền, nhiều tay chân, nhưng thâm trầm, khôn ngoan, và có thủ đoạn chính trị. Chính vì thế nên không ai chiụ nhường ai.
Các tướng lãnh đã họp liên miên tại Bộ TTM nhưng các cuộc họp không đi đến một kết quả. Không khí buổi họp đôi lúc căng thẳng và ngột ngạt. Đại Tướng Viên đã phải bay đến các tư lệnh các vùng để tìm giải pháp nhưng cũng không xong. Cuối cùng, hội đồng tướng lãnh đã dùng kỷ cương quân đội và hệ thống quân giai ép ông Kỳ chiụ đứng vai phó tổng thống. Đổi lại, ông Thiệu nhường quyền đề cử thủ tướng, và chọn lựa các tổng, bộ trưởng cho ông Kỳ.
Sau khi hai ông đồng ý các điều kiện được nêu ra, Trung Tướng Thắng được giao nhiệm vụ viết lời cam kết và đưa ông Thiệu ký tên.
Cuối cùng, Đại Tướng Viên dã giàn xếp êm thấm một vụ tranh dành quyền lực tưởng chừng như không thể dàn xếp được.
Chuyện của ông Thiệu và Kỳ vừa được giải quyết thì Đại Tướng Dương Văn Minh, đang ở Thái Lan, cũng tuyên bố sẽ về VN ứng cử làm tổng thống. Làm sao đây? Nếu ông Minh về ứng cử thì biết đâu ông Minh sẽ đắc cử?
Để bảo đảm cho liên danh của ông Thiệu và ông Kỳ đắc cử, tướng Viên với tư cách là Bộ Trưởng Quốc Phòng đã ra thông cáo gởi cho Tướng Minh, như sau: “Vì lý do an ninh, chúng tôi không thể bảo đảm an toàn cho Đại Tướng về nước vận động tranh cử.” Thế là ông Minh rút lui.
Khi liên danh của ông Thiệu và ông Kỳ đắc cử, cả hai ông đếu muốn ông Viên vẫn giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng. Nhưng ông Viên nhứt định không nhận chức bộ trưởng quốc phòng nên giao cho Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, lúc đó đang là Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
Ngày 1-11-67, ông Viên được thăng đại tướng thực thụ.
Rồi máu lửa Mậu Thân 1968 lan tràn khắp đất nước VNCH. Đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết, khoảng 2 giờ sáng, tiếng súng nổ vang khắp nơi. Người viết chưa kịp định thần là chuyện gì thì điện thoại reo. Người viết nhấc điện thoại, nói:
- Tư dinh Đại Tướng, Sỉ Quan Tùy Viên nghe. Xin lỗi, giới chức nào gọi?
- Tôi là sĩ quan trực Trung Tâm Hành Quân TTM báo cáo: “VC đang tấn công khắp 4 vùng chiến thuật. Chúng đang tấn công vào cổng số 4 Tổng Hành Dinh TTM. Đầu dây bên kia trả lời.
Người viết chưa kịp báo cáo thì Đại Tướng Viên bấm intercom:
- Chuyện gì vậy?
Sau khi nghe tôi báo cáo, ông ra lệnh chuẩn bị xe vào Bộ TTM. Tôi liền gọi hỏi Tổng Hành Dinh (THD) xem Cổng số 1 (cổng chánh) có an toàn hay không, để nắm vững tình hình, rồi chuẩn bị xe và lính hộ tống.
Chúng tôi đến TTM vào khoảng 3 giờ sáng. Chỉ Huy Trưởng THD, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Danh Dự Liên Quân đều không có mặt. Cổng số 4 bị địch chiếm. Trường Sinh Ngữ Quân Đội và Trung Tâm Ấn Loát Phòng Tổng Quản Trị gần đó bị cháy. Nhận thấy không đủ binh sỉ để ngăn chận địch, Đại Tướng ra lệnh trại Hoàng Hoa Thám tăng cường một đại đội Dù (không hoàn chỉnh) làm lực lượng án ngữ không cho VC tiến thêm để chờ viện binh.
Tờ mờ sáng, Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 kiêm Tư Lệnh TQLC, điều động Tiểu Đoàn 2 TQLC tới phản công, giải toả Cổng số 4. Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, đang thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, và Tiểu Đoàn 41 BĐQ, đang tái huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ Củ Chi, Đức Hoà, cũng được điều động về Saigon cùng một lúc.
Khi mọi người đang bận công việc, Phó Tổng Thống Kỳ tới gặp Tướng Viên và Tướng Khang nói chuyện. Khoảng 45 phút, ông Kỳ bỏ đi với vẻ mặt bực bội. (Chi tiết sẽ viết sau.) Sau đó, Đại Tướng Viên ra lệnh cho tôi gọi ChuẩnTướng Nguyễn Viết Thanh, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB ở Mỹ Tho. Tôi chỉ nghe Đại Tướng nói:
- “Ráng tìm mọi cách đưa Tổng Thống về Saigon, càng nhanh càng tốt và bảo vệ an ninh tối đa cho Tổng Thống. Nếu có thể, anh cho đưa Tổng Thống về trước. Toán cận vệ có thể về sau.”
Tiếp theo, Đại Tướng Viên bảo Trung Tá Nguyễn Hữu Bầu, Chánh Văn Phòng, gọi phủ Tổng Thống. Đầu dây bên kia là một trung tá. Tôi chỉ nghe Đại Tướng nói:
-”Trung Tá cố gắng phòng thủ dinh cho chặt chẽ. Tôi sẽ gửi lực lượng tới giải toả ngay. Tổng Thống ở Mỹ Tho cũng sắp về tới.”
Thiếu Tướng Khang điều động ngay một đơn vị TQLC tới giải toả áp lực của địch, hiện đang chiếm một cao ốc bên hông phải dinh Độc Lập, ngay góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, có thể bắn thẳng vào dinh Độc Lập.
Tướng Viên và Tướng Khang đã ăn ngủ ngay trong Bộ TTM suốt thời gian dầu sôi lửa bỏng. Ban ngày, ông đi thị sát các mặt trận chung quanh Saigon, Chợ Lớn. Ban đêm, ông về giải quyết các công điện, công văn có tính cách khẩn tới khuya.
Một hôm, Đại Tướng Viên, cùng Đại tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng BĐQ, tới mặt trận ở hãng ruợu Bình Tây, do TĐ41 BĐQ đang đánh nhau với VC. Khi đứng ngay chỗ Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn, hai ông đã bị một loạt AK bắn. Loạt đạn này đã gây tử thương cho 1 binh sĩ và gây thương tích cho 3 quân nhân khác. Thấy vậy, tôi đã đem theo áo giáp cho Đại Tướng. Hôm sau, Đại Tướng Viên cùng Đại Tá Hai thị sát một TĐ BĐQ đang đánh nhau với VC tại mũi tàu Phú Lâm. Khi đứng ngay Ban Chỉ Huy TĐ, tôi đã đưa cho ông áo giáp. Ông đã gạt ngang và nói với tôi:
- “Chú nhìn xung quanh đây xem có ai mặc áo giáp đâu. Chú đưa tôi mặc coi sao được.”
Một buổi sáng, Đại Tướng Viên vừa lên xe Jeep để đi thị sát mặt trận thì gặp ChuẩnTướng Nguyễn Ngọc Loan, cầm theo một tấm hình chụp tử thi của VC. Ông ta nói:
- Hình này là xác của Tướng VC Trần Độ. Bộ phận giảo nghiệm tử thi của Tổng Nha CS cũng xác nhận đây là xác của y. Đề nghị Đại Tướng tuyên bố cho báo chí v/v Tướng Trần Độ bị tử trận.
Đại Tướng Viên nói:Vợ chồng ĐT Viên
- Tôi chưa được Phòng 2 và Phòng 7 của TTM báo cáo về vụ này, vì thế tôi chưa đủ chứng cớ cụ thể. Nếu chỉ căn cứ vào tấm hình như vậy rồi tuyên bố một cách vô trách nhiệm, rồi Trần Độ lên tiếng thì còn gì mặt mũi cuả tôi. Nếu anh có đủ chứng cớ, anh, với tư cách Tổng Giám Đốc CSQG, cũng có thể tuyên bố được.
Nói xong, Đại Tướng Viên đi thị sát mặt trận ở cầu Tham Lương, đang có một TĐ Dù trấn đóng và đang giao chiến với VC. Ngày nào cũng vậy, ông thị sát mặt trận và thăm các lực lượng chủ yếu giải tỏa thủ đô là Nhảy Dù, TQLC, và BĐQ. Hễ nơi nào giải tỏa xong thì giao cho Cảnh Sát tiếp nhận để ổn định dân chúng đang sống quanh vùng.
Một ngày vào giữa tháng 2-1968, do có nhiều công điện thượng khẩn, ông ở lại văn phòng mà không đi thị sát mặt trận. Ông đang làm việc thì đường dây điện thoại nóng (hotline) chợt reo. Tiếng của TT Thiệu từ dầu dây bên kia vang lên:
- Đại Tướng có chỉ thị cho Tướng Loan mượn Thiết Giáp không? Sao có 6 chiếc M113 với Cảnh Sát Dã Chiến ngồi trên đó? Tôi đã ra lệnh cho Liên Đoàn An Ninh chận lại rồi. Đại Tướng xem ai cho muợn?
Hoá ra là Đại Tá Trần Văn Trọng, Cục Trưởng Cục Quân Cụ, đang có trong tay mấy chiếc M113 do Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp gửi qua Lục Quân Công Xưởng để bảo trì. Thấy mấy xe này, Tướng Loan hỏi mượn. Vì tình cảm bạn bè cùng khoá 1 Thủ Đức, ông đã nể nang giao xe cho ông Loan. Hành động của ông đã vô tình vi phạm “Huấn Thị Điều Hành Căn Bản” của Bộ Quốc Phòng. Vì thế, ông bị cách chức.
Khi Mậu Thân Đợt 2 xảy ra, sau vụ “tai nạn” của BĐQ tại trường Phước Đức ngày 2-6-68, không biết TT Thiệu hiểu lầm hay nghi ngờ điều gì nên quyết định gọi Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Đại Sứ VN tại Đại Hàn, về để thay Tướng Viên. Nhưng khi Tướng Trí về tới Saigon, TT Thiệu lại cử Tướng Trí thay thế Tướng Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn III.
Mặc dù không thay đổi Tướng Viên, nhưng TT Thiệu, không để cho ông đầy đủ quyền hạn theo đúng chức năng như trước, bằng cách từ từ lấy bớt quyền hành của ông. Từ đó, ông Viên buồn không còn tích cực nữa và cuối cùng làm đơn xin nghỉ.
Xin trích một đoạn ghi âm buổi nói chuyện giữa ông Viên và luật sư Lâm Lễ Trinh tháng 12-2004.
“Luật Sư Trinh hỏi:
- Trong “Hồi Ký Việt Nam Nhân Chứng” (trang 428-429), Tướng Trần Văn Đôn viết: “Có lần ông Thiệu than phiền ông Viên không làm việc nhiều, cứ ở mãi trong TTM làm việc mà không chịu đi ra ngoài thăm các đơn vị. Ông Thiệu nhờ tôi nói lại với Tướng Viên về vấn đề này. Ông Viên đã trả lời rằng ông đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp thuận. Ngoài ra, ông Thiệu còn lấy hết quyền, nên ông Viên cứ ở lại văn phòng làm việc mà thôi.” Mong anh (Đại Tướng Viên) xác nhận và giải thích.
Tướng Viên trả lời:
- Năm 1970, ông Thiệu ban hành một sắc lệnh thay đổi cơ cấu quân sự, tương quan giữa Bộ TTM với Quân Đoàn và Quân Khu. Với sắc lệnh mới, chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân vốn có một số quyền hành với Quân Đoàn, nay được đổi thành Tham Mưu Trưởng Bộ TTM và không có quyền hành với Quân Đoàn.
Khi lực lượng Biên Phòng giải tán để sát nhập với BĐQ, tôi đã đề nghị chọn vài liên đoàn BĐQ nòng cốt để thành lập một hoặc 2 sư đoàn BĐQ Tổng Trừ Bị, như Nhảy Dù và TQLC. Chỉ làm như vậy, Bộ TTM mới có lực lượng tiếp ứng quân đoàn khi cần thiết. Ông Thiệu đã trả lời là không cần thiết. Ông đã thay đổi ý kiến này khi gần mất nước. Thật là quá trễ!
Trước khi Hoà Đàm Paris tiến tới giai đoạn kết thúc, tình hình quân sự rất căng thẳng. TT Thiệu, với tư cách Tổng Tư Lệnh Quân Đội, đã tập trung hết quyền hành trong tay bằng cách cho đặt một hệ thống truyền tin tại dinh Độc Lập. Ông Thiệu đã liên lạc thẳng với các quân khu, điều động trực tiếp các đơn vị, bổ nhiệm trực tiếp tư lệnh vùng, tư lệnh sư đoàn, trực tiếp ra lệnh hành quân, mà không cần tham khảo với ai. Bộ TTM lần hồi bị đẩy vào vai trò tuân hành và thị chứng. Bộ Quốc Phòng chỉ còn là “hộp thơ” giữa Tổng Thống và Bộ TTM. Trong 3 năm sau cùng của chế độ miền Nam, quyền chỉ huy quân đội dã hoàn toàn bị thu gọn vào dinh Độc Lập.
Vì không có điều kiện làm việc như trước kia, tôi đã mấy lần đệ đơn xin từ chức. Ông Thiệu đã yêu cầu tôi nán lại đợi ông chọn người thay thế, nhưng rồi ông bỏ lơ luôn không quyết định. Mãi tới khi Tổng Thống Trần Văn Hương bàn giao cho ông Dương Văn Minh, tôi cương quyết xin giải ngũ vì tôi đã không phục ông Minh từ lâu. Tôi là nạn nhân suýt chết dưới tay ông Minh mà!
Ông Hương hiểu rỏ hoàn cảnh của tôi nên chấp thuận. Người đi nhận giấy giải ngũ cho tôi là Đại Tá Nguyễn Kỳ Nguyện, Chánh Văn Phòng của tôi. Ngày 27-4-75, tôi rời VN trong tình trạng hợp lệ. Khi định cư tại Mỹ, tôi có dịp nói chuyện điện thoại với Tướng Đôn ở bên Pháp. Ông Đôn cho tôi biết rằng khi Tướng Minh nhận bàn giao từ ông Hương, ông Minh đã bảo ông Đôn giữ tôi lại đừng cho đi. Ông Đôn đã trả lời:
-”Lui” đi từ hôm qua rồi.”
Có lẽ ông Minh muốn giao tôi cho VC chăng? Ông Minh ghét tôi từ khi ông ta làm Cố Vấn Quân Sự cho TT Diệm Lúc bấy giờ tôi làm Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ. Hồ sơ quân bạ của ông Minh, do ông Ngô Đình Nhu cất giữ, có ghi nhận xét về ông Minh bằng tiếng Pháp:
“Minh a la force d’un élephant mais cervelle d’un oiseau-mouche, un homme vénal et surtout n’entend rien à la politique.” (Minh có sức lực như một con voi, nhưng bộ óc của con chim sâu, con người dễ mua chuộc và nhứt là không biết gì về chính trị.)
Ông Minh đã hỏi tôi về lời phê của ông Nhu, nhưng tôi không dám tiết lộ. Vì thế, ông Minh để tâm ghét tôi từ đó.
Một câu hỏi khác của Luật Sư Lâm Lễ Trinh:Từ traài: Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tưống Viên, Tướng cố vấn Mỹ, Tướng Trưởng.
- Anh có nghĩ rằng rút bỏ miền Trung quá sớm, quá hấp tấp, và thiếu chuẩn bị không? Trung Tướng Trưởng từng xác nhận với tôi rằng vào đầu năm 1975, quân lực của ta ở Vùng I không yếu đến nỗi phải rút lui một cách hỗn loạn như vậy.
Đại Tướng Viên đáp:
- Dĩ nhiên là không có chuẩn bị. Với một đại đơn vị, việc rút quân cần chuẩn bị thật kỹ và phải có đủ thời gian. Tình hình thời cuộc biến chuyển khá nhanh và phức tạp nằm ngoài dự tính của Tướng Trưởng. Do đó, ông ta không thể xoay xở gì được.
Sau khi Ban Mê Thuôt mất, dân chúng Vùng I nghe tin đồn chính phủ sẽ cắt đất nhường cho địch nên hoảng sợ, tự động kéo vào Nam mà không ai ngăn cản nổi. Vì thế, ngày 12-3-75, Tướng Trưởng ra Huế, họp với các viên chức Hội Đồng Tỉnh, tuyên bố giữ Huế để dân chúng an tâm.
Ngày 13-3-73, Tướng Trưởng được lệnh vào Saigon họp. Trong phiên họp tại phòng hành quân ở dinh Độc Lập, có sự hiện diện của Thủ Tướng Khiêm, Trung Tướng Quang, và tôi (ông Viên) TT Thiệu lấy cây viết gạch trên bản đồ VN, xóa vùng Cao Nguyên và Vùng I, rồi vạch một đường từ Ban Mê Thuột đến Nha Trang, rồi nói rằng chúng ta sẽ còn giữ phần đất dưới đường này. Từ đèo Cả trở ra Quảng Trị là phần đất dành cho Mặt Trận GPMN. Ông Thiệu nói với ông Trưởng:
- “Đây là chỉ thị của tôi. Phải thi hành, nhưng giữ bí mật. Không được nói lại cho ai!” (có lẽ tin này rò rỉ ra ngoài.)
Xong buổi họp, Tướng Trưởng theo tôi về văn phòng, có ý trình bày thêm về lệnh của ông Thiệu. Ông Trưởng nói:
-”Tôi không thể thi hành lệnh vừa rồi của Tổng Thống, vì tôi đã hứa với đồng bào ở Huế là tôi sẽ giữ Huế. Xin Đại Tướng chỉ thị một tướng khác để làm việc đó.”
Tôi trả lời việc này nằm ngoài quyền hạn của tôi. Tôi đề nghị Tướng Trưởng xin TT Thiệu được dự phiên họp ngày hôm sau, 14 tháng 3, tại Cam Ranh. Tướng Trưởng liền gọi điện thoại cho Đại Tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống, để xin gặp TT Thiệu ở Cam Ranh.
Tướng Trưởng trở lại Đà Nẵng nhưng không nhận được lời trả lời của Đại tá Cầm cho biết TT Thiệu có đồng ý gặp ông hay không?
Ngày 15-3-75, Tướng Trưởng lại bay vào Saigon xin gặp TT Thiệu, xìn từ chức hoặc cho giữ Huế vì còn đủ khả năng và phương tiện.
Ông Thiệu nói: “Thôi thì giữ Huế.”
Tướng Trưởng về Đà Nẵng họp Bộ Tham Mưu Quân Đoàn thông báo quyết định của TT. Nhưng chiều hôm đó, TT Thiệu lại điện thoại cho Tướng Trưởng:
- “Tôi đã suy nghĩ lại. Cụ Hương là người không rành về quân sự mà cũng nói nếu chúng ta quyết giữ Huế thì phải hy sinh cỡ 30 ngàn quân. Thôi hãy bỏ Huế đi!”
Tướng Trưởng chưa ra lệnh rút quân, nhưng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương phụ trách phiá Bắc đèo Hải Vân, đã di tản rồi.
o O o
Có người nói rằng, khi đương thời, ông đã không cáng đáng hết trách nhiệm, đến văn phòng cho có lệ, còn thừa thì giờ đi học lấy bằng cử nhân. Điều này không hoàn toàn đúng, vì ông đã có bằng cử nhân từ năm 1964, trước khi làm tham mưu trưởng. Những năm sau cùng ông trở nên ít nhiều thụ động. Phải chăng chính vì thái độ không hoàn toàn ngả theo ông Thiệu khiến ông bị hiểu lầm? Phải chăng chính vì thế nên ông Thiệu giới hạn quyền hành của ông khiến ông không thể làm việc theo đúng chức năng?
Ông Viên cũng không thích dấy binh tạo phản. Trong tất cả các lần binh biến của các Tướng Lâm Văn Phát, Dương Văn Đức, Phạm Ngọc Thảo, ông Viên đều không dính dáng.
Khi bà Viên mất, ông sống một mình trong chung cư dành cho người già ở 4435 N. Pershing Dr., Arlington, Virginia. Trong một lần người viết sang thăm, ông nói:
-”Ông Kỳ nhiều lần thuyết phục tôi đảo chánh ông Thiệu.”
Lần đầu tiên vào sáng mùng 2 Tết, ngày đầu tiên của biến cố Mậu Thân 1968, Tướng Viên và Tướng Khang đang lo điều binh đối phó với VC trong TTM thì Tướng Kỳ thình lình tới đề nghị hai ông truất phế TT Thiệu lần đầu tiên, với lý do ông Thiệu nhẹ lo việc nước, nặng tình nhà, lo về quê vợ ăn Tết, bỏ bê đất nước đảo điên. Ông Kỳ cho biết ông ta đã viết lời hiệu triệu và nhật lệnh đã có sẵn trong túi. Nếu hai ông đồng ý, ông sẽ lên đài phát thanh tuyên bố truất phế TT Thiệu. (Lúc này, ông Thiệu còn đang ở Mỷ Tho.) Ông Kỳ cũng cho biết Tướng Loan đã đồng ý.
Đại Tướng Viên đã trả lời:
- “Tình hình như thế này, lo chống đỡ giặc ngoài muốn hụt hơi. Anh còn muốn gây thù bên trong nữa. Vậy anh giao đất nước này cho VC luôn đi!”
Tướng Khang cũng nói:
- “Anh có điên không? Lúc nào cũng muốn mình phải là số 1 mới chiụ. Đừng có hành động mù quáng.”
Đúng không hơn 5 phút, Tướng Kỳ tiu nghỉu đi ra.
Lần thứ hai, khi TT Thiệu không cho ông Kỳ quyền đề cử thủ tướng như lời cam kết trước đó. Ông Kỳ nói với ông Viên rằng ông Thiệu đã bội ước:Tướng Viên, bên phải và tác giả bài viết.
- “Đại Tướng phải làm sao đem lại sự công bằng chứ. Chính Đại Tướng chủ tọa buổi họp và đã chứng kiến ông Thiệu ký tờ cam kết đó mà. Đại Tướng phải tính sao chứ. Đâu thể để ông Thiệu nuốt lời hưá như vậy được.”
Ông Viên hiểu ông Kỳ muốn nói gì nên trả lời:
- “Bây giờ tôi không còn nhiều quyền như thời Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Hội Đồng Tướng Lãnh cũng đã giải tán vì không hợp hiến. Ông Thiệu bây giờ là Tổng Tư Lệnh tối cao. Tất cả tướng lãnh, kể cả tôi đều vào hàng, sau lưng Tổng Tư Lệnh. Tôi chẳng làm gì khác được.”
Lần cuối cùng vào đầu tháng 4-1975. Sau khi QĐ II thất bại trong vụ triệt thoái khỏi cao nguyên và Tướng Phú vào nằm ở bệnh viện Cộng Hoà, ông Kỳ đến gặp ông Viên, thúc dục (nguyên văn):
- “Anh và tôi (ông Kỳ) phải lật “thằng Thiệu”.
Ông Viên đã trả lời:
- “Ngày trước anh còn cầm cờ trong tay, khi anh phất có nhiều người theo. Bây giờ anh không có cờ, anh phất bằng tay không. Liệu có ai theo anh? Anh làm gì thì làm, tôi không tham gia.”
Nghe tôi khẳng định như vậy, trưóc khi về ông Kỳ giả lả đề nghị ông Viên:
- “Anh nói với ông Thiệu giao cho tôi hai sư đoàn bộ binh, một lữ đoàn kỵ binh, ba tiểu đoàn Pháo Binh, để tôi lấy lại Pleiku.”
Ông Viên đáp:
-”Còn quân đâu mà giao cho anh. Vả lại nếu còn quân thì thiếu gì tướng bộ binh có khả năng chỉ huy.”
Khoảng 15 phút sau, TT Thiệu trực tiếp điện thoại cho ông Viên và hỏi:
-”Ông Kỳ mới ghé thăm Đại Tướng.”
- “Có, đúng vậy. Ông Kỳ đề nghị xin trực tiếp cầm quân để lấy lại Pleiku.”
Ông Thiệu đã im lặng không hỏi thêm.
Ông Viên kết luận:
- “Nhu vậy chứng tỏ là trong Bộ TTM đã có sẵn “tai mắt” của ông Thiệu. Thử nghĩ xem, tôi đảo chánh để làm gì? Không lẽ để đưa ông Kỳ lên làm tồng thống?”
Làn sau cùng, người viết sang dự sinh nhật của Đại Tướng Viên vào tháng 12 năm 2007, vì được biết nếu không tham dự thì “không còn kịp”. Buổi hội ngộ này do anh Lý Thanh Tâm, cựu trung tá Phụ Tá Chánh Văn Phòng, tổ chức. Hôm đó có sự hiện diện của: Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và phu nhân, Đại tá Nguyễn Hữu Bầu và phu nhân, và một số thân hữu...
Hình như linh cảm biết mình không còn sống được bao lâu nên lời phát biểu của ông Viên đã giống như những lời trăn trối sau cùng. Mọi người tham dự đều tỏ ra xúc động. Người viết còn nhớ lời nói của ông:
- “Dù sao thì tôi cũng là một trong những người chiụ trách nhiệm để mất nước.Vì thế, khi tôi chết, xin đừng phủ cờ. Tôi thấy không xứng đáng được phủ trên quan tài của tôi lá cờ biểu tượng của hồn thiêng đất nước VNCH. Tôi không phải chết cho Tổ Quốc.
- Tôi cũng có phần trách nhiệm đã để cho một quân đội, hùng mạnh nhứt Đông Nam Á, phải tan hàng một cách tức tưởi, dù tôi không phải Tổng Tư Lệnh Quân Đội. Vì vậy, tôi không xứng đáng được an táng theo nghi thức quân cách của QLVNCH dành cho các tướng lãnh.
- Cám ơn chú Lý Thanh Tâm đã giúp đỡ tôi trong lúc ốm đau, già yếu. Khi hữu sự, tôi muốn chú chỉ báo cho con gái tôi, rồi thiêu xác tôi ngay. Khi chú đã đem tro cốt của tôi rải ra ngoài biển xong thì mới báo cho mọi người.
Ngày 22 tháng 1 năm 2008, ông qua đời. Anh Tâm có nhắc lại ý nguyện của Đại Tướng cho anh Trân, em của bà Viên, rõ. Tuy nhiên anh Trân đã lý luận rằng:
- Chuyện một cựu đại tướng của QLVNCH chết lặng lẽ, không trống kèn, không người đưa tiễn là chuyện không hợp lý. Tụi VC ở trong toà đại sứ gần đây thấy vậy sẽ có cơ hội miả mai, bôi bác làm xấu mặt QLVNCH. Tôi xin phép cãi lịnh anh của tôi.
Thế là đám tang được tổ chức theo đúng nghi lễ của QLVNCH (trái ý ông Viên) để tiễn đưa linh hồn ông về cõi Niết Bàn, và để tiễn biệt một vị cựu Nguyên Soái của QLVNCH./.

“Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hy sinh hơn 2 triệu người dân Việt Nam để thành lập chế độ Cộng Sản. Nhưng cuối cùng họ lại dùng chủ nghĩa tư bản để kiếm sống. Vậy 2 triệu người Việt Nam đã chết để làm gì?”
Dennis Prager
Posted by at
__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?Nha_K=E1=BB=B9_Thu=E1=BA=ADt

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List