Thứ
sáu 27 Tháng Chín 2013
Dương Vân Nga : Đời
luận anh hùng
Tượng Thái hậu Dương Vân
Nga.
DR
Trong lịch sử phong kiến
Việt Nam, các nhân vật nữ không được nhắc đến nhiều như các đàn ông. Đấy không
phải là vì phụ nữ nước ta kém tài, mà vì họ luôn bị ràng buộc trong cái lễ giáo
trọng nam khinh nữ của các vương triều phong kiến. Thế nhưng, đến với Lưỡng
triều Hoàng hậu Dương Vân Nga thì lại khác. Bà là hoàng hậu của hai Triều Đinh
và Lê. Bà là người từng có quyết định ảnh hưởng đến cả vận mệnh dân tộc. Và
cũng là người hứng chịu búa rìu của cái việc “đời luận anh hùng”.
Dương Vân Nga là một
nhân vật lớn trong lịch sử Việt Nam. Thế mà, ngay chính bà cũng không thoát
được cái vòng “trọng nam khinh nữ” của các sử gia phong kiến. Các bộ sử lớn như
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
nhà Nguyễn không hề dành phần riêng nói rõ về thân thế của bà như trường hợp
những nhân vật nam khác. Đến thời đương đại này, các sử gia mới ra sức tìm hiểu
nguồn gốc xuất thân của bà. Nhưng kết quả thu được chẳng có bao nhiêu bởi sử cũ
không chép lại thì thế hệ hiện tại lấy gì mà tra khảo.
Xuất thân của
Dương Vân Nga
Trong thực tế đó, xuất
thân của Dương Vân Nga vẫn còn là đều bàn cãi. Bà có lẽ là người của vùng đất
Hoa Lư, Ninh Bình. Sử cũ chỉ ghi bà họ Dương, còn tên thì hiện có hai thuyết:
Dương Vân Nga và Dương Ngọc Vân. Tuy nhiên, theo như tên ghi ở Đền thờ Vua Lê
Đại Hành ở Hoa Lư, thì bà tên là Dương Vân Nga.
Có người cho rằng, cái
tên Dương Vân Nga được phổ biến trong dân gian và nhờ vào các vở cải lương nói
về Dương Vân Nga. Thế nhưng, xét thấy ngôi đền nói trên được xây dựng cách đây
trên dưới 300 năm, còn cải lương thì chưa được 100 tuổi, bởi vậy cái tên Dương
Vân Nga ất phải có trước cải lương. Hơn nữa, người Việt Nam đã quá quen với cái
tên Dương Vân Nga, các sử gia khi đề cập đến bà cũng hay dùng tên Dương Vân
Nga. Bởi vậy, ở đây xin được dùng cái tên quen thuộc là Dương Vân Nga.
Quê quán của Dương Vân
Nga hiện cũng chưa rõ lắm. Có người nói ở Ninh Bình, có người lại bảo là Thanh
Hóa. Năm sinh của bà hiện vẫn là một ẩn số. Sử cũ chỉ chép rõ ràng năm mất của
bà là năm 1000. Nhiều sử gia ước đoán bà thọ khoảng từ 55-60 tuổi. Như vậy, năm
sinh của bà có thể là trong giai đoạn 940-945.
Nhường ngôi cho
người ngoại tộc
Các chi tiết liên quan
đến nguồn gốc xuất thân của Dương Vân Nga còn khá mù mờ, nhưng trái lại sự kiện
bà nhường ngôi nhà Đinh vào tay Lê Hoàn và là hoàng hậu của hai Triều Đinh-Lê
thì các bộ sử đều chép rõ với những lời khen chê khác nhau.
Về việc Dương Vân Nga
nhường ngôi cho Lê Hoàn, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông
Giám Cương Mục đều chép:
“Bấy giờ, Lạng Châu nghe
tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn
dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm đại tướng
quân. Khi (triều đình) đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân
khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: "
Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay
chúa thượng còn trẻ thơ (mới 6 tuổi-LP), chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn
giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn
lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn".Quân sĩ nghe
vậy đều hô "vạn tuế ". Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn
sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn
lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu (980), giáng phong vua
(Đinh Toàn-LP) làm Vệ Vương”.
Sách Việt Nam Sử Lược
của Trần Trọng Kim hồi đầu thế kỷ 20 cũng chép lại sự việc như trên. Trần Trọng
Kim cũng nhấn mạnh đến sự kiện sau đây:
“Vệ Vương mới có 6 tuổi
lên làm vua, quyền chính ở cả Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lại cùng với
Dương Thái Hậu tư thông. Các quan đại thần bấy giờ là bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc
thấy Lê Hoàn nhiếp chính lộng quyền quá, mới cử binh mã đến đánh, nhưng bị Lê
Hoàn giết cả”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
ghi lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau:
“Sử Thần Ngô Sĩ Liên
nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại
Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại
Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp
tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều
được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên
mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa
đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy”.
Khâm Định nhà Nguyễn thì
tỏ ra nghi ngờ về việc mọi người cùng nhau suy tôn Lê Hoàn lên ngôi, khi có
giọng mỉa mai rằng:
“Bờ cõi Bắc Nam tuy có
khác, nhưng vận hội vẫn như nhau: nhà Lê thì có chuyện khoác áo long cổn, nhà Lý
thì lời sấm truyền ghi trên thân cây, sao mà giống chuyện với bên Tống thế! Hay
là người làm sử thấy thế, gò ép gán gẩm vào với nhau để cho thần dị câu chuyện,
chứ trời kia có ý làm ra như thế đâu?”.
Lưỡng Triều Hoàng
hậu
Khi ở ngôi, vua Đinh
Tiên Hoàng lập đến 5 Hoàng hậu, Dương Vân Nga là một trong số 5 Hoàng hậu đó.
Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn theo điển của vua Đinh mà lập đến 5 người làm Hoàng
hậu. Tuy nhiên, điều nhạy cảm là Lê Hoàn lại phong cho Dương Vân Nga là Đại
Thắng Minh Hoàng Hậu, tức tên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo Nho Giáo mà nói,
thì rõ ràng là việc lấy vợ của vua trước là điều đáng phê phán. Bởi vậy mà Đại
Việt Sử Ký toàn thư chép lời bàn nặng nề như sau:
“Đạo vợ chồng là đầu của
nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng
lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với
vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem
cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước,
há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sao?”
Khâm Định nhà Nguyễn thì
chép lời bàn:
“Đại thắng minh là tên
hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình: Thật là
không còn kiêng nể chút gì cả! Sử sách ghi chép, để cười nghìn thu”.
Đến việc năm 1001, Lê
Hoàn mang quân đi đánh Cử Long: Vệ vương Đinh Toàn đi theo. Sử cũ chép : « Bấy
giờ quân giặc thấy nhà vua, chúng giương cung, chĩa tên, toan bắn, chiếc tên
rơi xuống; chúng lại giương cung, dây cung đứt. Chúng sợ, rút lui. Nhà vua đi thuyền
ven sông đuổi theo. Quân giặc ở hai bên bờ đánh khép lại. Quan quân bị hãm ở
sông. Vệ vương Toàn trúng phải mũi tên bay, mất tại trận. Nhà vua kêu trời ba
tiếng, rồi thân ra đốc chiến: quân giặc thua”.
Đinh Toàn là chúa cũ của
Lê Hoàn, nhưng khi nhường ngôi cho Lê Hoàn đã bị giáng xuống làm Vệ Vương. Về
sự việc Đinh Toàn mất nói trên, Khâm Định nhà Nguyễn chép lời phê như sau:
“ Lê Hoàn lợi dụng cơ
hội, đã cướp lấy nước người ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ
chết, thế nào mà Toàn chẳng đến tử vong? Còn việc cất tiếng kêu trời, gieo mình
xuống đất, chỉ là một ngón giả trá. Thật khó che đậy được công luận nghìn thu”.
Ta thấy các sử gia phong
kiến luôn có thái độ phản đối việc Dương Vân Nga nhường ngôi cho Lê Hoàn, nên
mới có những lời nặng nề như vậy.
Quyết định cứu
nguy cho toàn dân tộc
Việc Dương Vân Nga
nhường ngôi nhà Đinh cho Lê Hoàn lợi hại thế nào ? Để trả lời cho câu hỏi này,
ta cần xem xét bối cảnh lịch sử của sự kiện này.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi
vào năm 968, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai là
Đinh Liễn bị gian thần Đỗ Thích giết hại. Con trai nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là
Đinh Toàn được tôn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn được nắm quyền nhiếp chính,
chỉ huy quân đội của cả nước và tự xưng là Phó vương. Các đại thần nhà Đinh như
Đinh Điền và Nguyễn Bặc bất mãn với điều đó nên phát binh làm phản và bị Lê
Hoàn đánh dẹp. Bên ngoài thì nhà Tống phát binh đánh xuống, toan chiếm nước Đại
Cồ Việt.
Trong bối cảnh nền độc
lập quốc gia bị đe dọa như vậy, Dương Vân Nga với tư cách là Thái hậu nhiếp
chính đã quyết định tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế.
Lịch sử đã chứng minh,
đây là một quyết định sáng suốt, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Khi quân Tống
tràn sang xâm lấn, vua Đinh Toàn chỉ là cậu bé 6 tuổi, trong khi Dương Vân Nga
thì dù sao cũng là đàn bà nên không thể vùng vẫy trong xã hội phong kiến trọng
nam khinh nữ như xưa kia được. Các tướng có tài từng sát cánh Đinh Tiên Hoàng
là Đinh Điền, Nguyễn Bặc thì đã nổi loạn chống Lê Hoàn và đã bị giết. Lê Hoàn
lại nắm trong tay đến 10 đạo quân, và như sử sách đã chép là ông rất được lòng quân.
Ông lại là tướng có tài. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Hoàn đã thân chinh đánh
lui quân Tống phía Bắc, bình quân Chiêm ở miền Nam, cứu lấy giang sang Đại Cồ
Việt.
Có phải chỉ một mình
Dương Vân Nga muốn tôn Lê Hoàng lên làm vua còn bá quan và quân sĩ thì không
muốn ? Nếu quả thật chỉ một mình Dương Vân Nga muốn điều đó thì bà cũng không
thể tự tiện quyết định việc nhường ngôi nhà Đinh cho người ngoại tộc, bởi
chuyện nhường ngai vàng đâu phải là chuyện nhỏ, bởi còn đó bá quan văn võ nhà
Đinh, còn đó gia tộc họ Đinh. Như câu chuyện đã kể bên trên về sự nhường ngôi,
thì dù chỉ trích hành động này, nhưng hai Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê và
Khâm Định nhà Nguyễn cũng phải ghi nhận rằng : « Thái hậu thấy mọi người
vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi
Hoàng đế ».
Một điểm cần nhấn mạnh
nữa là, việc Lê Hoàn lên ngôi phải hợp lòng quân và lòng dân lúc ấy. Bằng chứng
là ông đã chỉ huy quân dân đánh thắng quân xâm lược phương Bắc. Nếu Lê Hoàn
không được sử ủng hộ của ba quân và của nhân dân, thì ông lấy đâu đủ sức mạnh
mà chiến đấu chống lại một kẻ thù lớn mạnh gấp nhiều lần. Lịch sử đã chứng minh
rằng, trong bất kì cuộc chiến chống ngoại xâm nào của Việt Nam, nếu không được
lòng dân và lòng quân, thì tự nhiên sẽ thất bại, như trường hợp của Nhà Hồ của
Hồ Quý Ly khi cướp ngôi nhà Lê dẫn đến chỗ trong nước « chính sự phiền hà » để
trong nước « lòng dân rối loạn », và để đất nước rơi vào tay của giặc Minh.
Sau khi lên ngôi, Lê
Hoàn đã tỏ ra là một minh quân. Nếu trong sự nghiệp chống ngoại xâm, ông nổi
tiếng với các chiến công « Phá Tống, Bình Chiêm », thì việc nội trị ông cũng là
người tài giỏi. Chính ông khởi đầu cho Lễ tịch điền, tức lễ mà vua đích thân
xuống cầm cày, một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo
để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Lê Hoàn cũng là vị vua mở đường cho
công cuộc đào kênh rạch khai thông đường thủy và lấy nước phục vụ nông nghiệp.
Về ngoại giao, Lê Hoàn
đã có chính sách ngoại giao mềm dẽo khôn khéo. Sử cũ đã ghi lại việc Lê Hoàn
nhận chiếu nhà Tống mà không quỳ lạy, sứ Tống cũng phải lơ đi. Đại Việt Sử ký
Toàn thư ghi nhà vua còn bố trí cho sư Pháp Thuận giả làm người chèo đò ra đón
sứ giả Lý Giác. Câu chuyện hai người đã mượn bài thư Vịnh ngỗng của Lạc Tân
Vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt
sông, đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục, đã trở thành giai thoại
thú vị trong lịch sử bang giao và văn học. Sau đó, về Lý Giác đã làm một bài thư
gửi tặng ngỏ ý “tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận
định:
« Vua đánh đâu được đấy,
chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân
Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh
hùng nhất đời vậy ».
Sử gia Lê Văn Hưu, dù
phê phán việc Lê Hoàn lên ngôi, cũng phải thừa nhận tài năng của Lê Hoàn :
« Đại Hành Giết Đinh
Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện , Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô
lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà
Hán, nhà Đường cũng không hơn được ».
Phan Huy Chú trong Lịch
Triều Hiến Chương Loại Chí đã nhận định :
“Sứ thần Trung Quốc phải
tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả
nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề
làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh. Tuyển lựa quân
ngũ... có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng”.
Ngay như Trần Trọng Kim là một sử gia rất sùng Nho, cũng thừa nhận những chiến công « phá Tống, bình Chiêm » của Lê Hoàn. Và cũng thừa nhận việc Lê Hoàn bình loạn đảng trong nước và ca ngợi : « Thanh thế vua Đại Hành lúc bấy giờ rất là lừng lẫy ».
Ngay như Trần Trọng Kim là một sử gia rất sùng Nho, cũng thừa nhận những chiến công « phá Tống, bình Chiêm » của Lê Hoàn. Và cũng thừa nhận việc Lê Hoàn bình loạn đảng trong nước và ca ngợi : « Thanh thế vua Đại Hành lúc bấy giờ rất là lừng lẫy ».
Lê Hoàn phong cho Dương
Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, việc này bị các sử gia phong kiến chê
trách, cho là bất kính với vua trước là Đinh Tiên Hoàng, vì tên hiệu của Đinh
Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Ta thấy, ở đây Lê Hoàn giữ lại tước hiệu
cũ cho Dương Vân Nga. Không chỉ việc đó, khi lên ngôi, Lê Hoàn đã lấy niên hiệu
là Thiên Phúc, mà Thiên Phúc lại chính là niên hiệu của Đinh Toàn, con trai của
Đinh Tiên Hoàng, người tiền nhiệm của Lê Hoàn. Tại sao ở đây ta không cho rằng,
Lê Hoàn có thái độ lưu luyến triều Đinh nên đã giữ lại những tên đó, và để
khẳng định là ông lên ngôi là vì tình thế ép buộc, là vì vận mệnh xã tắc ?
Những chiến công chống ngoại xâm, bình nội loạn, xây dựng kinh tế đã cho thấy
Lê Hoàn thật sự là một ông vua vì nước. Sử gia đương đại Nguyễn Khắc Thuần
trong Việt Sử Giai Thoại đã cho rằng :
« Đinh Tiên Hoàng mất,
vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ
quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước
lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương
Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi
sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời
nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực
kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền
tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay ».
Không dùng ánh
mắt riêng tư để nhìn chuyện muôn nhà
Đến đây ta có thể nói
rằng, thái hậu Dương Vân Nga đã sáng suốt và có quyết định đúng đắn khi trao
ngai vàng nhà Đinh lại cho Lê Hoàn. Đặt giả thuyết rằng những lời đồn đại về
việc bà là người tình thuở hàn vi của Lê Hoàn, hay là bà đã tư thông với Lê
Hoàn khi làm Thái hậu, là đúng, thì quyết định nhường ngai vàng của bà cũng vẫn
là một quyết định lịch sử trọng đại, có lợi cho toàn đại cục lúc bấy giờ. Nhờ
quyết định đó, mà nước Đại Cồ Việt đánh thắng ngoại xâm, dẹp được nội loạn, trở
nên phồn thịnh. Nếu Dương Vân Nga lúc đó đặt lợi ích gia tộc lên trên lợi ích
quốc gia, tức là khư khư giữ ngôi cho đứa con trai 6 tuổi của mình khi đất nước
đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, thì vận mệnh đất nước sẽ ra sao ?
Đương nhiên, theo giáo
điều Nho Giáo thì việc thay quyền đổi chủ như trên luôn bị phê phán. Bởi vậy mà
các sử gia Nho Giáo đã không tiếc lời chỉ trích việc Lê Hoàn lấy ngôi nhà Đinh.
Thế nhưng, cũng chính các sử gia này đã thừa nhận những chiến công « phá Tống,
bình Chiêm » và việc xây dựng đất nước phồn thịnh của Lê Hoàn.
Xưa nay, cái việc « đời
luận anh hùng » luôn lắm bề rối rắm, việc khen chê luôn rất khó phân biệt ai có
lý hơn ai. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đến mức mà việc đánh giá anh
hùng cũng phân làm hai loại : nam thì mới được gọi « anh hùng », còn nữ nhi thì
phải gọi là « anh thư ». Thế nhưng, xin được gọi Dương Vân Nga là một «anh hùng
», vì bà phải có đủ can đảm và sáng suốt để có được một quyết định đúng đắn
mang tầm vóc lịch sử như vậy. Bà đã có cái nhìn lấy đại cục làm trọng. Bà đã không
đem ánh mắt riêng tư để nhìn việc của muôn nhà.
Và cái chuyện « không
đem ánh mắt riêng tư để nhìn việc của muôn nhà » của Thái hậu Dương Vân Nga quả
là một bài học có giá trị ở mọi thời đại.
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết