ĐỌC LẠI HỒ SƠ BÁN NƯỚC: HỘI NGHỊ
THÀNH ĐÔ 1990:
Bài 1 VỀ HỘI NGHỊ CẤP CAO VIỆT - TRUNG TẠI THÀNH ĐÔ - TRUNG
QUỐC
Phỏng vấn Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
về Thảm Họa Bắc Thuộc
Cùng
với việc ta thúc ép Phnom Penh đi vào “ giải pháp Đỏ ”, việc ta thoả thuận với
Trung Quốc công thức SNC tại Thành Đô là không phù hợp với nguyên tắc nhất quán
của Đảng ta là không can thiệp và không quyết định các vấn đề nội bộ của
Campuchia, làm tăng mối nghi ngờ vốn có của Campuchia đối với ta, đi ngược lại
chủ trương tăng cường và củng cố mối quan hệ với ta với Campuchia và Lào.”
Hồi ký "Hồi Ức và Suy Nghĩ" của Trần Quang Cơ
nhà báo Trần Quang Thành giới thiệu
LỜI GIỚI THIỆU: Từ đầu năm
2004, giới cán bộ ngoại giao rồi giới trí thức ở Việt Nam đã chuyền tay
nhau tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng
Ngoại giao. Tập hồi ký 82 trang (khổ A4, viết xong lần thứ nhất năm 2001, hoàn
thành tháng 5-2003) chưa được xuất bản công khai. Với nội dung phong phú,
chính xác và trung thực, tác giả cung cấp những thông tin quý hiếm về những vấn
đề Việt Nam đương đại.
Tác giả làm việc ở Bộ ngoại
giao từ năm 1954. Năm 1968 ông tham gia Hội nghị Paris (1968-1973), cuộc đàm
phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ (1975-1978) và các cuộc thương lượng
giải quyết vấn đề Campuchia (thập niên 80-90 thé ký 20). Năm 1991, được đề nghị
làm Bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch, ông viện lý do “sức
khoẻ” để từ chối. Cuối năm 1993, ông xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Những tư liệu dưới đây
trích trong cuốn hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ là những
thông tin rất quan trọng nói lên sự thật về quan hệ đối ngoại của Việt
Nam trong một giai đoạn khó khăn, đồng thời về những bất đồng trong nội bộ lãnh
đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong lịch sử ngoại giao
Việt Nam kể từ sau sự kiện ngày 30-04-1975 đến hôm nay, sự kiện hội nghị bí mật
Thành Đô tháng 9-1990 giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt – Trung để
bình thường hóa quan hệ là một thất bại nhục nhã của Việt Nam chuyển con đường
phát triển của nước dẫn đến tình hình một lần nữa Trung Quốc lại trở thành mối
uy hiếp trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh
thổ và con đường phát triển của Việt Nam.
Hàng trước từ trái sang: Hoàng Bích Sơn, trưởng ban đối ngoại
T.Ư.(1), Phạm Văn Đồng, cố vấn BCHTƯ (3), Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư
(4), Giang Trạch Dân (5), Lý Bằng (6), Đỗ Mười (7), Hồng Hà (9)
Cuộc gặp Thành Đô giữa lãnh đạo Trung-Việt (3-9-1990).
Nội dung các tư liệu
này nêu bật trách nhiệm nặng nề của hai ông Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh
vào đầu thập niên 1990 (lúc đó là Tổng bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng) trong
quan hệ với Bắc Kinh về việc giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa
quan hệ Việt Trung
Vể cuộc gặp cấp cao Việt
– Trung ở Thành Đô diễn ra hai ngày 3 và 4/9/1990, trong hồi ký Hồi ức và Suy
nghĩ, ông Trần Quang Cơ viết :
“Cuộc gặp cấp cao Việt –
Trung tại Thành Đô : Ngày 29.8.90, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp Tổng Bí
Thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của Tổng Bí Thư
Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng
Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô , thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên Trung
Quốc ngày 3.9.90 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường
hoá quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô (Cố
vấn Phạm Văn Đồng). Trung Quốc còn lấy cớ ở Bắc Kinh đang bận chuẩn bị tổ chức
ASIAD (Á Vận hội) nên không gặp cấp cao Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh được vì khó
giữ được bí mật, mà gặp ở Thành Đô."
Theo ông Trần Quang Cơ
:
"Đây quả là một sự
chuyển biến đột ngột của phía Trung Quốc. Trước đây Trung Quốc nói không chỉ
sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia mới gặp cấp cao ta và mới bàn vấn đề
bình thường hoá quan hệ. Năm ngày trước – ngày 24.8.90 – Trung Quốc còn bác bỏ
việc gặp cấp cao, nay lại mời ta gặp cấp cao trong một thời hạn rất gấp và đồng
ý cấp cao sẽ nói chuyện về cả hai vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá
quan hệ".
Thái độ “ thiện chí ”
gấp gáp như vậy của Bắc Kinh không phải tự nhiên mà có. Nó có những nguyên nhân
sâu xa và nhân tố bức bách :
a. Tất cả những hoạt
động đối ngoại và đối nội của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua khẳng định chiến
lược nhất quán của họ là kiên quyết thực hiện “ 4 hiện đại ”, biến Trung Quốc
thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới, đồng thời xác định vị trí nước lớn
của mình trước hết ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến
lược đó, Trung Quốc kiên trì tranh thủ Mỹ, Nhật, phương Tây, đồng thời bình
thường hoá quan hệ với Liên Xô.
Nhưng sau hơn 10 năm cải
cách và mở cửa, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc rất khó
khăn. Sau sự kiện Thiên An Môn, mục tiêu chiến lược đó đang bị đe doạ nghiêm
trọng. Về đối ngoại, bị Mỹ, Nhật và phương Tây thi hành cấm vận. Trong khi đó,
quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Xô tiến triển rất nhanh. Xô-Mỹ hợp tác chặt chẽ
giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực không kể đến vai trò của Trung Quốc.
Ngay trong vấn đề Campuchia, vai trò Trung Quốc cũng bị lấn át (Xô-Mỹ tiếp xúc
trao đổi chặt chẽ về vấn đề Campuchia, cuộc gặp Sihanouk – Hun Xen ở Tokyo là
do sự dàn xếp của Mỹ, Nhật và Thái, ngoài ý muốn của Trung Quốc). Phương Tây
tiếp tục đòi Trung Quốc thực hiện dân chủ và giải quyết vấn đề Campuchia trên
cơ sở kiềm chế Khmer Đỏ.
b. Chuyến đi Đông Nam Á
của Lý Bằng (6-13.8.90) nằm trong yêu cầu chiến lược của Trung Quốc tranh thủ
hoàn cảnh quốc tế hoà bình để thực hiện “ 4 hiện đại ”, diễn ra trong bối cảnh
liên minh Trung Quốc xây dựng ở Đông Nam Á trong 10 năm qua để chống Việt Nam
đang tan vỡ sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và sau khi Mỹ đã điều
chỉnh chính sách. Cuộc đi thăm của Lý đã bộc lộ những điểm đồng và bất đồng
giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các nước ASEAN vẫn rất lo ngại lý do bành
trướng của Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải cam kết nội bộ các nước trong khu
vực, ủng hộ các đảng cộng sản và vấn đề Hoa kiều, tuyên bố sẵn sàng thương
lượng và hợp tác về vấn đề Trường Sa. Tiếp tục đối đầu với Việt Nam không còn
phù hợp với chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc lúc này nữa.
c. Sau khi Việt Nam đã
hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, các nước phương Tây, Mỹ, Nhật, ASEAN đi
vào cải thiện quan hệ với ta theo hướng không có lợi cho tính toán của Trung
Quốc ở Đông Nam Á. Trước tình hình đó, Trung Quốc không muốn chậm chân.
d. Về thời điểm : trong
cuộc họp ngày 27 và 28.8.90 tại Nữu Ước, P5 đã thoả thuận văn kiện khung về
giải pháp toàn bộ cho vấn đề Campuchia (gồm các vấn đề : các lực lượng vũ trang
Campuchia, tổng tuyển cử dưới sự bảo trợ của LHQ, nhân quyền và bảo đảm quốc tế
đối với thể chế tương lai của Campuchia). Văn kiện về nhân quyền không đề cập
trực tiếp đến vấn đề diệt chủng, chỉ nói Campuchia sẽ “ không trở lại chính
sách và hành động trong quá khứ ”.
Còn Trung Quốc buộc phải
nhân nhượng không còn đòi lập chính phủ liên hiệp 4 bên ngang nhau, phải chấp
nhận vai trò lớn của LHQ. P5 thoả thuận lịch giải quyết vấn đề Campuchia :
trong tuần từ 3.9 đến 9.9 họp các bên Campuchia ở Jakarta để lập SNC trước phiên
họp Đại hội đồng LHQ, tiếp đó họp mở rộng với các nước trong khu vực (có Trung
Quốc), đến khoảng tháng 10-11.90 họp uỷ ban Phối hợp Hội nghị Paris về
Campuchia để soạn thảo Hiệp định trên cơ sở văn kiện khung do P5 vạch ra, các
ngoại trưởng ký Hiệp định ; 15 nước trong Hội đồng Bảo An thông qua.
Trung Quốc đặt cuộc gặp
cấp cao Trung-Việt trong cái khung thời gian này. Tuy nhiên Bắc Kinh giấu không
cho ta biết gì về những thoả thuận giữa họ và các nước lớn trong Hội đồng bảo
an, mặt khác cũng giữ kín cuộc hẹn gặp ta ở Thành Đô vì không muốn làm cho
phương Tây và ASEAN lo ngại khả năng đoàn kết hợp tác giữa Trung Quốc và Việt
Nam.
Ngày 30.8.90, Bộ Chính
trị họp bàn về việc gặp lãnh đạo Trung Quốc. Anh Linh nêu ý kiến là sẽ bàn hợp
tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, và hợp tác giữa
Phnom Penh và Khmer Đỏ để giải quyết vấn đề Campuchia, mặc dù trước đó Bộ Ngoại
Giao đã trình bày đề án nêu rõ là rất ít khả năng thực hiện phương án này vì
phương hướng chiến lược của Trung Quốc vẫn là tranh thủ phương Tây phục vụ “ 4
hiện đại ”.
Anh Lê Đức Anh bổ sung ý
anh Linh : “ Phải nói về hoà hợp dân tộc thực sự ở Campuchia. Nếu không có Pol
Pot thì vẫn tiếp tục chiến tranh ”. Anh Võ Chí Công không đồng ý, nói : “ Trung
Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc muốn tranh
thủ phương Tây ”.
Anh Thạch cảnh giác : “
Vẫn có 3 khả năng về quan hệ giữa ta và Trung Quốc, không phải chỉ là khả năng
tốt cả. Dự kiến Trung Quốc sẽ nêu công thức “ SNC 6+2+2+2 ” để nhấn rõ là có 4
bên Campuchia (trong đó Khmer đỏ là 1 bên), xoá vấn đề diệt chủng...” Sự thực
sau này cho thấy Trung Quốc còn đòi cao hơn thế !
Ngày 2.9.90, ba đồng chí
lãnh đạo cao cấp của ta đến Thành Đô đúng hẹn. Tháp tùng có Hồng Hà - Chánh Văn
phòng Trung ương, Hoàng Bích Sơn - Trưởng ban Đối ngoại, và Đinh Nho Liêm – Thứ
trưởng Bộ Ngoại Giao. Đáng chú ý là trong đoàn không có bộ trưởng ngoại giao
Nguyễn Cơ Thạch.
Sau 2 ngày nói chuyện
(3-4.9.90), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là“ Biên bản tóm tắt ”
gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7
điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai
nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết
vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong 7 điểm về
Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang
còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia ; rút hết
quân Việt Nam ở Campuchia có dẫn chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng
yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm nào theo yêu cầu của ta cả. Trong bản
thoả thuận, vấn đề nổi cộm nhất là điểm 5 về việc thành lập SNC.
Lãnh đạo ta đã thoả
thuận dễ dàng, không do dự (!), công thức “ 6+2+2+2+1 ” (phía Phnom Penh 6
người ; phía “ 3 phái ” 7 người ; 2 của Khmer đỏ, 2 của phái Son San, 2 của
phái Sihanouk và bản thân Sihanouk) mà Từ Đôn Tín vừa đưa ra ở Hà Nội và bị tôi
bác. Công thức này bất lợi cho Phnom Penh, với công thức “6+6” hay “6+2+2+2”,
tức là hai bên có số người ngang nhau mà Sihanouk và Hun Xen đã thoả thuận ở
Tokyo.
Về sáng kiến “ giải pháp
Đỏ ” cho vấn đề Campuchia mà lãnh đạo ta đưa ra, tưởng như phía Trung Quốc sẽ
nhiệt liệt hoan ngênh, song Lý Bằng đã bác đi: “Các đồng chí nói cần thực hiện
2 đảng cộng sản hợp tác với nhau để phát huy hơn nữa. Tôi đồng ý một phần và
không đồng ý một phần. Bốn bên Campuchia, xét về lực lượng quân sự và chính
quyền, mạnh nhất là hai đảng cộng sản, có vai trò nhiều hơn. Nhưng phần tôi
không đồng ý là ở Campuchia không chỉ có hai đảng cộng sản mà còn có các thế
lực khác là lực lượng của Sihanouk và lực lượng của Son San. Lực lượng của họ
không lớn lắm nhưng họ được quốc tế ủng hộ. Bài xích họ thì cô lập SNC, không
thể đoàn kết Campuchia. Cần phải để cho hai bên kia phát huy tác dụng ở
Campuchia ”.
Và Giang Trạch Dân cùng
nói thêm : “ Các nước phương Tây rất chú ý tới quan hệ của chúng ta. Các đồng
chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia
biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt nam XHCN, Trung Quốc
XHCN đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây ? Vì vậy chúng
tôi giữ kín chuyến đi này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản
bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta ”.
Thành Đô là thành công
hay là thất bại của ta ?
Ngay say khi ở Thành Đô
về, ngày 5.9.90 anh Linh và anh Mười, có thêm anh Thạch và Lê Đức Anh, đã bay
sang Phnom Penh thông báo lại với Bộ Chính trị Campuchia nội dung cuộc gặp gỡ
cấp cao Việt-Trung.
Để thêm sức thuyết phục
Phnom Penh nhận Thoả thuận Thành Đô, anh Linh nói với lãnh đạo Campuchia :
“Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia.
Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến
mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc”.
Lập luận này được Lê Đức
Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang
xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ
thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung
Quốc.”
Nhưng câu trả lời của
Heng Somrin, thay mặt cho lãnh đạo Campuchia, vẫn là : “ Phải giữ nguyên tắc
không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Những vấn đề nội bộ liên
quan đến chủ quyền CPC phải do các bên CPC giải quyết ”.
Về “ giải pháp Đỏ ”,
Phnom Penh nhận định : “ Trung Quốc không muốn hai phái cộng sản ở Campuchia
hợp tác với nhau gây phức tạp cho quan hệ của họ với Sihanouk và với phương
Tây. Vì vậy chúng tôi thấy rằng khó có thể thực hiện “ giải pháp Đỏ ” vì “ giải
pháp Đỏ ” trái với lợi ích của Trung Quốc ”.
Mặc dù ban lãnh đạo
Campuchia đã xác định rõ thái độ như vậy, song Lê Đức Anh vẫn cứ cố thuyết phục
Bạn : “ Ta nói “giải pháp Đỏ” nhưng đó là “ giải pháp Hồng ”, vừa xanh vừa đỏ.
Trước mắt không làm được nhưng phải kiên trì. Ta làm bằng nhiều con đường, làm
bằng thực tế. Các đồng chí cần tìm nhiều con đường tiếp xúc với Khmer Đỏ. Vấn
đề tranh thủ Khmer Đỏ là vấn đề sách lược mang tính chiến lược… Nên kiên trì
tìm cách liên minh với Trung Quốc, kéo Khmer Đỏ trở về… Ta đừng nói với Trung
Quốc là làm “ giải pháp Đỏ ”, nhưng ta thực hiện “ giải pháp Đỏ ” ; có đỏ có
xanh…nhưng thực tế là hợp tác hai lực lượng cộng sản ”.
Nguyễn văn Linh bồi thêm
: “ Xin các đồng chí chú ý lợi dụng mâu thuẫn, đừng bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc
muốn đi với Mỹ, nhưng Mỹ ép Trung Quốc nên Trung Quốc cũng muốn có quan hệ tốt
với Lào, Việt Nam và Campuchia. Nếu ta có sách lược tốt thì ta có giải pháp
Đỏ."
Theo báo cáo của đại sứ
Ngô Điền, thái độ của bạn Campuchia đối với ta từ sau Thành Đô có đổi khác. Về
công khai, bạn cố tránh tỏ ra bị lệ thuộc vào Việt Nam. Trên cơ sở tính toán về
lợi ích của mình, bạn tự quyết định lấy đối sách, không trao đổi trước với ta,
hoặc quyết định trái với sự gợi ý của ta trên nhiều việc.Nhìn lại, trong cuộc
gặp Thành Đô, ta đã mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm :
* Trung Quốc nói cuộc
gặp Thành Đô sẽ đàm phán cả vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ,
nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Campuchia, còn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai
nước Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ là có giải quyết vấn đề Campuchia
mới nói đến chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước ;
* Trung Quốc nói mập mờ
là Đặng Tiểu Bình có thể gặp cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “ mồi ”
để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao.
* Trung Quốc nói giữ bí
mật việc gặp cấp cao hai nước, nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước
đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông báo nội dung chi tiết bản
thoả thuận Thành Đô theo hướng bất lợi cho ta.
Ngày 7.9.90 Bộ chính trị
đã họp thảo luận về kết quả cuộc gặp cấp cao Việt-Trung và cuộc gặp cấp cao
Việt- Campuchia sau đó, và quyết định ngay hôm sau Đỗ Mười gặp đại sứ Trung
Quốc thông báo lại lập trường của Campuchia ; đồng thời thông báo với Liên Xô,
Lào như đã thông báo với Campuchia.
Nếu có ai hỏi về công
thức “ 6+2+2+2+1 ”, nói không biết. Nhưng Báo Bangkok Post ngày 19.9.90 trong
bài của Chuchart Kangwaan đã công khai hoá bản Thoả thuận Thành Đô, viết rõ
Việt Nam đã đồng ý với Trung Quốc về thành phần SNC của Campuchia sẽ gồm 6 người
của Nhà nước Campuchia, 2 của Khmer đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái
Sihanouk, thành viên thứ 13 là Hoàng thân Sihanouk giữ chức Chủ tịch Hội đồng.
Tạp chí Kinh tế Viễn
Đông (FEER) số 4/10 (10.10.90) đăng bài Củ cà-rốt và cái gậy viết về cuộc gặp
gỡ cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô giữa Tổng Bí Thư Đảng và Thủ tướng hai nước,
cho biết hai bên đã thoả thuân công thức “ 6+6+1 ” về việc lập SNC.
Phía Việt Nam có nhượng
bộ nhiều hơn. Việc Ngoại trưởng hai nước không dự họp cấp cao là đáng chú ý.
Bên trong, Trung Quốc nói họ coi ông Thạch là người có quan điểm cứng rắn về
vấn đề Campuchia cũng như đối với Trung Quốc.
Ngày 12.10.90, nhà báo
Nayan Chanda nói với anh Thạch : “ Trung Quốc đang tuyên truyền rộng rãi là
lãnh đạo Việt Nam đánh lừa mọi người, họ ký kết với lãnh đạo Trung Quốc về
thành phần SNC nhưng đã không thực hiện thoả thuận cấp cao Việt-Trung. Việt Nam
lại còn xúi dục chính quyền Phnom Penh chống việc bầu Sihanouk làm chủ tịch SNC
và đưa ra hết điều kiện này đến điều kiện khác.”
Ngày 5.10.90, anh Nguyễn
Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ Baker.
Baker cho biết là sau
khi cuộc họp các bên Campuchia ở Bangkok vừa qua thất bại, Trung Quốc rất bất
bình với lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc cho rằng lãnh đạo cấp cao của Việt Nam
đã hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Trung Quốc về con số 13 thành viên của SNC
nhưng lại nói với Phnom Penh là công thức đó là ý kiến riêng của Trung Quốc, đã
không làm gì để thúc đẩy Phnom Penh thực hiện thoả thuận giữa cấp cao hai nước.
Không thể tin được ngay cả lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cũng như Bộ Ngoại
giao Việt Nam.
Baker còn nói rằng Trung
Quốc đã bác bỏ đề nghị của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam là Việt Nam và
Trung Quốc đoàn kết bảo vệ CNXH chống âm mưu của đế quốc Mỹ xoá bỏ CNXH cũng
như đề nghị của Việt Nam về giải pháp dựa trên liên minh giữa Phnom Penh và Pol
Pot.
Còn Lý Bằng trong khi
trả lời phỏng vấn của Paisai Sricharatchang, phóng viên tờ Bangkok Post tại Bắc
Kinh, ngày 24.10.90, đã xác nhận có một cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo Trung
Quốc và Việt Nam hồi đầu tháng 9 và cho biết kết quả cuộc gặp đã được phản ảnh
qua cuộc họp giữa các bên Campuchia ngày 10.9.90 tại Jakarta. Trong khi nói
không biết chắc phía Việt Nam đã cố gắng thuyết phục Phnom Penh đến đâu, Lý
nhận định là Hà Nội chắc chưa làm đủ mức. Điều đó có thể thấy được qua việc
Phnom Penh đã có “ một thái độ thiếu hợp tác ”.
Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa
ta.
Ta đã tự tạo ra ảo tưởng
là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững
chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm hoạ “
diễn biễn hoà bình ” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn
đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “ giải pháp Đỏ ”.
Sau Thành Đô, trong Bộ
Chính trị đã có nhiều ý kiến bàn cãi về chuyến đi này. Song mãi đến trước Đại
hội VII, khi Bộ Chính trị họp (15-17.5.91) thảo luận bản dự thảo Báo cáo về
tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và
phương hướng tới, cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Trung Quốc ở Thành Đô mới lại
được đề cập tới khi bản dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại Giao có câu “ có một số
việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia ”.
Cuộc họp này đầy đủ Tổng
Bí Thư Nguyễn văn Linh, các cố vấn Phạm văn Đồng, Võ Chí Công, các uỷ viên BCT
Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Anh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm,
Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh Bình.
Anh Tô nói :
“ Có thời giờ và có cơ
hội đem ra kiểm điểm những việc vừa qua để nhận định sâu sắc thì tốt thôi. Sau
chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận về thái độ của mình. Nói là tự kiểm điểm thì
tự kiểm điểm. Tôi ân hận là ở hai chỗ.
Lúc ở Thành Đô, khi bàn
đến vấn đề Campuchia, người nói là anh Linh. Anh Linh nói đến phương án hoà
giải dân tộc Campuchia. Sau đó Lý Bằng trình bày phương án “ 6+2+2+2+1 ” mà Từ
Đôn Tín khi đàm phán với anh Cơ ở Hà Nội đã ép ta nhận song ta bác. Anh Linh đã
đồng ý (nói không có vấn đề). Lúc đó có lẽ do thấy thái độ của tôi, Giang mời
tôi nói. Tôi nói : tôi không nghĩ phương án 13 này là hay, ý tôi nói là không
công bằng... Tôi ân hận là lẽ ra sau đó đoàn ta nên hội ý lại sau bữa tiệc buổi
tối.
Nhưng tôi không nghĩ ra,
chỉ phân vân. Sáng sớm hôm sau, mấy anh bên Ban Đối Ngoại và anh Hồng Hà nói
nhỏ với tôi là cốt sao tranh thủ được nguyên tắc “ consensus ” (nhất trí), còn
con số không quan trọng. Tôi nghe hơi yên tâm nhưng vẫn nghĩ có hội ý vẫn hơn.
Sau đó, Trung Quốc đưa ký bản thoả thuận có nói đến con số 13… Tôi phân vân
muốn được biết nội dung trước khi ta hạ bút ký. Nếu như đoàn ta trao đổi với
nhau sau phiên họp đầu, sau khi Lý Bằng đưa ra công thức 6+2+2+2+1 thì ta có
thể có cách bàn thêm với họ.
Hai là trước khi ký văn
bản do chuyên viên hai bên thoả thuận, các đồng chí lãnh đạo cần xem lại và bàn
bạc xem có thể thêm bớt gì trước khi ký. Nghĩ lại, khi họ mời Tổng Bí Thư, Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng ta sang gặp Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc vụ viện, lại mời
thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang
trọng, cơ hội lớn, nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường
trước hậu quả về phản ứng của Bạn Campuchia, rất gay gắt. Tôi hiểu là Bạn khá bất
bình, thậm chí là uất nhau. Cho ta là làm sau lưng, có hại cho người ta.”
Anh Linh : “ Anh Tô nhớ
lại xem. Không phải tôi đồng ý, tôi chỉ nói ta nghiên cứu xem xét và cuối cùng
đặt vấn đề thông báo lại Campuchia… Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng. Tôi không
thấy ân hận về việc mình chấp nhận phương án 13… Vấn đề Campuchia dính đến
Trung Quốc và Mỹ. Phải tính đến chiến lược và sách lược. Phải tiếp tục làm việc
với Campuchia về chiến lược, phải có nhiều biện pháp làm cho bạn thấy âm mưu
của đế quốc Mỹ chống phá chủ nghĩa xã hội ở châu Á, cả ở Cuba. Nó đã phá Trung
Quốc qua vụ Thiên An Môn rồi, nay chuyển sang phá ta… Trung Quốc muốn thông qua
Khmer Đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một
nước xã hội chủ nghĩa.”
Anh Thạch : “ Về chuyện
Thành Đô, Trung Quốc đã đưa cả băng ghi âm cuộc nói chuyện với lãnh đạo ta ở
Thành Đô cho Phnom Penh. Hun Xen nói là trong biên bản viết là “ hai bên đồng ý
thông báo cho Campuchia phương án 6+2+2+2+1” nhưng băng ghi âm lại ghi rõ anh
Linh nói là “ không có vấn đề gì ”.
Tôi xin trình bày để các
anh hiểu nguyên do con số 13 là từ đâu. Tại Tokyo tháng 6.90, Sihanouk và Hun
Xen đã thoả thuận thành phần SNC gồm hai bên ngang nhau = 6+6. Từ Đôn Tín sang
Hà Nội, ép ta nhận công thức 6+2+2+2+1 không được. Đến cuộc gặp Thành Đô, Trung
Quốc lại đưa ra. Khi ta sang Phnom Penh để thuyết phục bạn nhận con số 13 với
nguyên tắc làm việc consensus trong SNC, anh Hun Xen nói riêng với tôi : chúng
tôi thắng mà phải nhận số người ít hơn bên kia (bên ta 6, bên kia 7) thì mang
tiếng Campuchia bị Việt nam và Trung Quốc ép. Như vậy, dù là consensus cũng
không thể thuyết phục nhân dân Campuchia được. Chỉ có thể nhận 12 hoặc 14 thành
viên trong Hội đồng Dân tộc Tối cao. Phải nói là Phnom Penh thắc mắc nhiều với
ta. Liên Xô, Anh, Pháp, Nhật, Mỹ đều cho ta biết là Trung Quốc đã thông báo cho
họ đầy đủ về Thoả thuận Thành Đô và nói với họ là lãnh đạo Việt Nam không đáng
tin cậy. Trung Quốc đã sử dụng Thành Đô để phá quan hệ của ta với các nước và
chia rẽ nội bộ ta…”
Hôm sau, Bộ Chính trị
họp tiếp,
anh Mười nói : “ Ta tán
thành Sihanouk làm chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tối cao, Hun Xen làm phó chủ tịch,
lấy nhất trí trong Hội đồng Dân tộc Tối cao làm nguyên tắc. Đây không phải là
một nhân nhượng… Nếu có anh Thạch đi Thanh Đô thì tốt hơn…”
Anh Tô : “ Vấn đề chủ
yếu không phải là thái độ của ta ở Thành Đô như anh Mười nói, mà là kết quả và
tác động đến bạn Campuchia đánh giá ta như thế nào ? Ở Thành Đô, điều ta làm có
thể chứng minh được nhưng Cam-puchia cho là ta giải quyết trên lưng họ. Vì vậy
mà tôi ân hận. Tôi ân hận là về sau này sẽ để lại hậu quả.”
Anh Mười : “ Với tinh
thần một người cộng sản, tôi cho là ta không sai. Ban Campuchia nghĩ gì về ta
là quyền của họ. Với tinh thần một người cộng sản, ta không bao giờ vi phạm chủ
quyền của bạn.”
Anh Thạch : “ Họp Bộ
Chính trị để kiểm điểm, tôi xin được nói thẳng. Có phải khi đi Thành Đô về, anh
Đỗ Mười có nói với tôi là hai ông anh nhận hơi sớm. Anh Linh nhận công thức 13
và anh Tô nhận consensus (nguyên tắc nhất trí) ” .
Anh Võ Văn Kiệt : “
Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có
gặp anh Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô
đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó
lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”
Vốn là người điềm đạm,
song anh Tô có lúc đã phải phát biểu : “ Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự
nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói
cái đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh
đạo nên làm như vậy.”
Thoả thuận Việt Nam -
Trung Quốc ở Thành Đô đúng như anh Tô lo ngại đã để lại một ấn tượng không dễ
quên đối với Phnom Penh. Trong phiên họp Quốc hội Campuchia ngày 28.2.91, Hun
Xen phát biểu :
“ Như các đại biểu đã
biết, vấn đề SNC này rất phức tạp. Chúng ta phải đấu tranh khắc phục và làm
thất bại âm mưu của kẻ thù nhưng bọn ủng hộ chúng không đâu. Mặc dù Hội đồng đã
được thành lập trên cơ sở 2 bên bình đẳng nhưng người ta vẫn muốn biến thành 4
bên theo công thức 6+2+2+2+1, và vấn đề chủ tịch làm cho Hội đồng không hoạt
động được ”.
Tôi còn nhớ khi tiếp tôi
ở Phnom Penh, ngày 28.9.90, Hun Xen đã có những ý khá mạnh về thoả thuận Thành
Đô : “ Khi gặp Sok An ở Bangkok hôm 17.9, Trung Quốc doạ và đòi SOC phải công
nhận công thức mà Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận. Nhưng Phnom Penh độc
lập. Sok An đã nói rất đúng khi trả lời Trung Quốc là ý này là của Việt Nam
không phải của Phnom Penh.”
Cuộc hội đàm Thành Đô
tháng 9.90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó
là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan
hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả
thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại thoả thuận Thành Đô đã làm
chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó làm việc bình thường hoá quan hệ
với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.
Việc ta đề nghị hợp tác
với Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc Mỹ, thực hiện “ giải pháp
Đỏ ” ở Campuchia là không phù hợp với Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị mà còn gây
khó khăn với ta trong việc đa dạng hoá quan hệ với các đối tượng khác như Mỹ,
phương Tây, ASEAN, và tác động không thuận lợi đến quan hệ giữa ta và đồng
minh, nhất là quan hệ với Liên Xô và Campuchia.
Trung Quốc một mặt bác
bỏ những đề nghị đó của ta, nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi
xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta, gây sức ép với ta và
Campuchia.
Cùng với việc ta thúc ép
Phnom Penh đi vào “ giải pháp Đỏ ”, việc ta thoả thuận với Trung Quốc công thức
SNC tại Thành Đô là không phù hợp với nguyên tắc nhất quán của Đảng ta là không
can thiệp và không quyết định các vấn đề nội bộ của Campuchia, làm tăng mối
nghi ngờ vốn có của Campuchia đối với ta, đi ngược lại chủ trương tăng cường và
củng cố mối quan hệ với ta với Campuchia và Lào.”
Trần Quang Cơ
Hồi ký “Hồi ức và Suy
nghĩ” (Trích)
ĐỌC LẠI HỒ SƠ BÁN NƯỚC: HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ 1990:
Bài 2: VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGUYỄN VĂN LINH - LÊ ĐỨC
ANH TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
Trong cái gọi là công cuộc đổi mới, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản
Việt Nam tâng bốc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng ; còn Lê Đức
Anh thì được thuộc hạ xủng ái như môt thái thượng hoàng thời cộng sản độc quyền
cai trị đất nước. Nhưng trong hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ”,Nguyễn Văn Linh và Lê
Đức Anh đã bộc lộ một bộ mặt khác: Hèn nhát, bạc nhược đầu hàng quan thầy Trung
Quốc.
Hồi ký "Hồi Ức và Suy Nghĩ" của Trần Quang Cơ
nhà báo Trần Quang Thành giới thiệu
Chương 10 mang tựa đề
“Thuốc đắng nhưng không dã được tật” nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Quang Cơ viết :
"Sáng 30.5.90, Bộ
Chính Trị họp bàn về đàm phán với Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thông
báo với Bộ Chính trị về cuộc họp với 2 Tổng bí thư Đảng Lào và Đảng Campuchia
ngày 20-21/5, nói là dự định sẽ gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín khi Từ đến
Hà Nội. Cố vấn Phạm Văn Đồng và một số trong Bộ Chính trị tỏ ý phải thận trọng
trong xử sự với Trung Quốc.
Anh Tô nói: Mấy nghìn
năm Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, không nên cả tin. Ta cần thăm dò thúc đẩy
nhưng phải cảnh giác, đừng để hớ. Đỗ Mười cũng khuyên anh Linh không nên gặp
đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín trước cuộc đàm phán. Nhưng Lê Đức Anh lại tỏ ra
đồng tình với dự định của anh Linh, cho rằng phải thăm dò và phân tích chiến
lược của Trung Quốc, xử lý mối quan hệ của 3 nước lớn và 5 nước thường trực Hội
đồng bảo an, tranh thủ thế giới thứ ba, ủng hộ các nước XHCN.
Đa số trong Bộ Chính trị
đều cho rằng không nên nói đến “giải pháp Đỏ” với Trung Quốc nữa. Cuối cùng
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kết luận lại là anh sẽ chỉ gặp đại sứ Trung Quốc,
còn không gặp Từ Đôn Tín; về phía lãnh đạo ta, chỉ có anh Thạch tiếp Từ. Nguyễn
Văn Linh còn nói khi gặp Trương Đức Duy anh sẽ chỉ nói về hợp tác hai nước và
đề nghị gặp cấp cao, không nói đến “giải pháp Đỏ”. Nhưng trên thực tế trong
cuộc gặp đại sứ Trung Quốc vài hôm sau, Nguyễn Văn Linh đã lại nêu vấn đề đó.
Ngày 5.6.90, vài ngày
trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ
Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương Đảng
nói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp, như để
chấp nhận lời phê bình của Đặng (nói qua Kayson), Nguyễn Văn Linh nói “Trong
quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi
Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa”.
Anh sốt sắng ngỏ ý muốn
sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để “bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội” vì “đế
quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội... chúng âm mưu diễn biến hoà bình,
mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì Xã hội chủ nghĩa , nhưng
lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn
vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội... Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp
cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng
là tôi đi ngay... Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì
chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Về vấn đề Campuchia, anh
Linh đã gợi ý dùng “giải pháp Đỏ” để giải quyết: “Không có lý gì những người
cộng sản lại không thể bàn với những người cộng sản được”, “họ gặp Sihanouk còn
được huống chi là gặp lại nhau”.
Sáng 6.6.90, Bộ trưởng
Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp
riêng chỉ giữa hai người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt
nên không cần có người làm phiên dịch.
Nội dung cuộc gặp này
mãi đến ngày 19/6 trong cuộc họp Bộ Chính trị để đánh giá cuộc đàm phán 11-13/6
giữa tôi và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ
thể thêm ba ý mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc hôm trước (gặp cấp cao
hai nước; hai nước đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; hai nhóm cộng sản Khmer
nên nói chuyện với nhau).
Nhưng trước đó, từ ngày
6/6, phía Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã
cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy.
Còn đại sứ Trung Quốc
cho anh Ngô Tất Tố, Vụ trưởng vụ Trung Quốc biết là trong cuộc gặp ông ta ngày
6/6, anh Lê Đức Anh đã nói khá cụ thể về “giải pháp Đỏ”: “Sihanouk sẽ chỉ đóng
vai trò tượng trưng, danh dự, còn lực lượng chủ chốt của hai bên Campuchia là
lực lượng Heng Somrin và lực lượng Polpot, Trung Quốc và Việt Nam mỗi bên sẽ
bàn với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để hai bên gặp nhau giải quyết vấn
đề. Địa điểm gặp nhau có thể ở Việt Nam, có thể ở Trung Quốc, nhưng ở Trung
Quốc là tốt hơn cả. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại
giao vẫn như thường... Ngày xưa Polpot là bạn chiến đấu của tôi...”
Trưa ngày 9/6/90, Đại sứ
Trương Đức Duy nói với Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao ta rằng, trong cuộc gặp Tổng
bí thư Nguyễn Văn Linh, phía Trung Quốc rút ra được 3 ý kiến:
Đồng chí Nguyễn Văn Linh
nói về quan hệ hai nước rất đậm đà. Nói 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái sai
như lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa. Muốn gặp cấp cao Trung Quốc
để trao đổi những vấn đề lớn trong quan hệ hai nước.
Về tình hình quốc tế:
tình hình Liên xô, Đông Âu có nhiều thay đổi. Liên Xô trước đây là thành trì
của chủ nghĩa xã hội, nay thành trì này cũng lung lay rồi. Trung Quốc cần
giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Việt Nam
kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin. Những mgười cộng sản chân chính phải đoàn kết để
bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đế quốc luôn tấn công vào chủ nghĩa xã hội.
Chúng tuyên bố đến cuối thế kỷ này sẽ làm cho chủ nghĩa xã hôi biến mất.
Về Campuchia: tại sao
những người cộng sản không hợp tác với nhau ? Polpot và Hunxen phải hợp tác với
nhau.
Chiều 10/6/90, Bí thư
thứ nhất sứ quán Trung Quốc Hồ Càn Văn nói với anh Vũ Thuần, Vụ phó vụ Trung
Quốc Bộ Ngoại giao: “Từ Đôn Tín tuy là trợ lý ngoại trưởng nhưng là người có
thực quyền trong việc giải quyết các vấn đề châu Á. Trên khía cạnh nào đó có thể
nói còn có thực quyền hơn cả cấp thứ trưởng. Việc Từ sang Việt Nam lần này là
có sự quyết định của cấp cao nhất của Trung Quốc, chứ không phải Bộ Ngoại
giao.”
Theo Hồ Càn Văn, ngày 23/5/90
Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh đã mời Tuỳ viên
quân sự Trung Quốc Triệu Nhuệ đến để thông báo là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Chính
những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã
làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của
Bộ Ngoại Giao không còn như trước.
Ngày 8/6/90, khi được biết
là lần này tôi sẽ là người đứng ra thay anh Đinh Nho Liêm đàm phán với Từ Đôn
Tín. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh còn điện thoại dặn tôi tránh chủ động nói
đến “giải pháp Đỏ”:
Việc hai bên Đỏ tiếp xúc
với nhau là chuyện lâu dài, cần cho ổn định lâu dài. Trung Quốc sẽ tác động với
phía Campuchia thân Trung Quốc, ta sẽ tác động với phía Campuchia thân ta để
hai bên kiềm chế việc thù địch nhau. Việc này phải có thời gian, không thể
nhanh được, không thể đòi họ trả lời ngay. Đừng thúc họ, cứ để họ chủ động, khi
nào trả lời được thì họ trả lời... Phải rất bí mật. Lộ ra rất nguy hiểm. Chỉ
nói khi gặp riêng chứ không nói khi đàm phán. Việc anh Nguyễn Văn Linh đặt vấn
đề với đại sứ Trương Đức Duy nói sẵn sàng đi Trung Quốc gặp cấp cao nhất, cũng
không nên hỏi lại nếu họ chưa nói tới.”
Những lời dặn dò này đối
với tôi thực ra là không cần thiết, không phải vì tôi sẵn ý thức bảo mật cao,
mà bởi vì ngay từ đầu tôi đã khó chịu với cái ý nghĩ gọi là “giải pháp Đỏ”, với
ý nghĩ bắt tay với bọn diệt chủng – dù chỉ là gián tiếp - để làm vừa lòng Trung
Quốc.
Nhưng sự việc trở nên
phức tạp khi trưa ngày 11/6/90 sau đàm phán phiên đầu với Từ Đôn Tín tôi về Bộ
Ngoại Giao hội báo lại với anh Thạch. Anh Thạch lúc này đang họp Hội nghị ngoại
giao đánh giá tình hình Đông Âu - Liên Xô.
Nghe tôi phản ánh tình
hình đàm phán xong, anh liền gạn hỏi tôi có nói với Từ về “giải pháp Đỏ” không.
Tôi nói: “Đồng chí Lê Đức Anh đã dặn phải thận trọng tránh nói đến vấn đề đó
khi đàm phán.” Anh Thạch vặn lại: “Vậy đồng chí nghe theo ý kiến Bộ trưởng Quốc
phòng hay ý kiến Bộ trưởng Ngoại giao ?”. Tôi đáp: “Là cán Bộ Ngoại giao, tôi
sẵn sàng chấp hành ý kiến anh, với sự hiểu biết rằng anh nói với tư cách là Ủỷ
viên Bộ Chính trị”.
Lúc ấy tôi thật bất ngờ
trước phản ứng của anh Thạch, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được vết rạn nứt
trong Bộ Chính trị đã khá sâu.
Phía Trung Quốc tất
nhiên không để lọt hiện tượng này vì chính họ đang muốn tác động vào nội bộ ta.
Chính thái độ quá đặc biệt, quá nhún mình và cũng quá sơ hở của lãnh đạo ta
ngày 5 và 6/6/90 đã gây khó khăn không nhỏ cho ngoại giao ta trong đợt đàm phán
này.
Ngay từ hôm đầu đến Hà
Nội và trong suốt mấy ngày đàm phán, Từ Đôn Tín luôn giở giọng cao ngạo, dùng
uy lực của chính lãnh đạo ta để gây sức ép với cán bộ ngoại giao ta. Ngay trong
lời đáp từ tại buổi tiệc của tôi chiêu đãi đoàn Trung Quốc tối 9/6/90, Từ đã
nói:
“Sau khi nghe đại sứ
Trương Đức Duy báo cáo lại, tôi càng tăng thêm lòng tin tưởng, tôi tin rằng
đồng chí thứ trưởng Trần Quang Cơ và các đồng chí ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nhất
định sẽ tuân theo ý nguyện và tinh thần của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, cụ
thể hoá vào cuộc trao đổi với chúng tôi để chúng ta nhanh chóng giải quyết xong
vấn đề”.
Vào phiên đàm phán đầu
tiên, sáng 11/690, Từ đã tìm cách ghim lại những điểm có lợi cho Trung Quốc hoặc
ít nhất cũng hợp với ý đồ của họ bằng cách nêu ra “5 nhận thức chung rất bổ
ích” mà hai bên đã đạt được trong cuộc gặp ở Bắc Kinh đầu tháng 5/90:
“Hai bên đều cho rằng
vấn đề Campuchia cần đạt được một giải pháp toàn diện, công bằng và hợp lý.
Phía Việt Nam bày tỏ đã
rút hết quân khỏi Campuchia, chấp nhận sự kiểm chứng của LHQ và cam kết sẽ
không quay lại Campuchia.
Hai bên đều cho rằng,
trong thời kỳ quá độ ở Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân, chấm dứt viện
trợ bên ngoài và thực hiện ngừng bắn, cần thành lập Hội đồng toàn quốc tối cao.
Về nguyên tắc, hai bên chúng ta đều tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao phải
là cơ cấu quyền lực có thực quyền. Còn việc tổ chức Hội đồng đó thế nào, ý kiến
của hai bên cơ bản nhất trí với nhau. Ứng cử viên của Hội đồng đó cụ thể là ai
thì phải do các bên Campuchia lựa chọn. Trung Quốc, Việt Nam tôn trọng sự lựa
chọn đó. Chúng ta tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao không loại trừ bất cứ
bên nào, cũng không để bên nào nắm độc quyền. Về Hoàng thân Sihanouk, hai bên
đều chủ trương Hoàng thân Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng toàn quốc tối cao.
Vấn đề quân sự trong
thời kỳ quá độ, hai bên đều cho rằng để tránh xảy ra nội chiến và giữ hoà bình
ở Campuchia, cần có sự sắp xếp thoả đáng quân đội 4 bên Campuchia. Dĩ nhiên sắp
xếp như thế nào, hai bên chúng ta cần bàn thêm.
Còn một điểm nữa, các
đồng chí Việt Nam bày tỏ từ nay về sau sẽ không nhắc đến vấn đề diệt chủng, kể
cả trong các văn kiện quốc tế cũng không nêu nữa”.
Vì vậy Từ đề nghị tập
trung bàn hai điểm tồn tại của lần gặp trước là vấn đề phạm vi quyền lực của
SNC và vấn đề lực lượng vũ trang của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ.
Trong 3 ngày đàm phán,
mỗi khi phía Trung Quốc thấy ta không chấp nhận yêu sách vô lý của họ về hai
vấn đề thuộc nội bộ Campuchia này, nhất là khi ta kiên trì công thức “hai bên
Campuchia” – tức là hai chính phủ PhnomPenh và chính phủ Campuchia Dân chủ, hoặc
có thể nói “các bên Campuchia”, nhưng dứt khoát bác công thức “4 bên Campuchia”
của họ mang hàm ý chấp nhận vai trò hợp pháp của bọn Khmer đỏ và nhắc đến thoả
thuận Tokyo, thì Từ lại lên giọng chê trách tôi làm trái ngược ý kiến của lãnh
đạo Việt Nam.
Y đưa ra lập luận là
lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra ý “hợp tác giữa 2 phái cộng sản Khmer” tức là1 nhận
từ “4 bên Campuchia” (có nghĩa là đưa Khmer đỏ lên ngang với Chính phủ
PhnomPenh).
Từ nói: “Phát biểu của
các đồng chí không nên trái ngược với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. ý kiến
của Bộ Ngoại giao nên nhất trí với ý của lãnh đạo cấp cao, không nên có hai
tiếng nói trái ngược”.
Tôi phải đưa Từ trở về
vị trí của y: “Đồng chí có thể yên tâm, không cần lo hộ chúng tôi là Bộ Ngoại
giao có tiếng nói khác Trung ương. Đảng chúng tôi nhất trí từ trên xuống dưới.
Bộ Ngoại giao là một bộ phận chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính Trị chúng
tôi”.
Về vấn đề Hội đồng Dân
tộc Tối cao Campuchia, Trung Quốc kiên trì 3 điểm:
a. SNC phải là cơ quan
chính quyền tối cao hợp pháp duy nhất, đại diện cho độc lập, chủ quyền, thống
nhất của Campuchia. Về mặt đối ngoại, đại diện cho Campuchia trên quốc tế, giữ
ghế của Campuchia ở LHQ; về mặt đối nội, thực hiện quyền lập pháp và quản lý
hành chính, trực tiếp nắm các ngành quan trọng ảnh hưởng đến tổng tuyển cử tự
do, công bằng gồm quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tuyên truyền, tài chính (với
hiểu ngầm là xoá 5 bộ này của chính quyền PhnomPenh).
b. Không loại bên nào
(tức là không loại Khmer Đỏ), không bên nào độc quyền.
c. Thành phần, số lượng
do 4 bên Campuchia bàn bạc và quyết định. Sihanouk làm chủ tịch SNC (thực chất
là bác bỏ Thông cáo chung Tokyo đã thoả thuận là Hội đồng gồm 12 người, chia
đều cho 2 bên, mỗi bên 6 người).
Tôi khẳng định SNC có
trách nhiệm và quyền lực trong việc thực hiện các hiệp định được ký kết về
Campuchia, về hoà giải dân tộc và về tổng tuyển cử; hai chính quyền hiện tồn
tại không được làm việc gì cản trở trách nhiệm và quyền lực trên đây của SNC.
Còn việc các bên Campuchia chấp nhận ý kiến của Trung Quốc đến đâu là quyền của
các bên Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc không thể thay các bên Campuchia sắp
đặt việc nội bộ của Campuchia.
Về vấn đề lực lượng vũ
trang, Trung Quốc đòi ghi vào biên bản thoả thuận: quân đội của 4 bên Campuchia
phải tập kết vào những địa điểm của Ủỷ ban giám sát của LHQ chỉ định. Còn việc
giảm quân hay giải pháp thì để cho SNC hoặc chính phủ sau bầu cử quyết định.
Tôi nói: “Việt Nam tôn trọng
thoả thuận giữa các bên Campuchia ở Tokyo là lực lượng vũ trang ở đâu đóng đó.
Nguyên tắc về lực lượng vũ trang các bên Campuchia là chấm dứt nội chiến càng
sớm càng tốt, duy trì ngừng bắn, không can thiệp vào đời sống chính trị, không
can thiệp vào tổng tuyển cử để bảo đảm cho tổng tuyển cử được thực sự tự do và
công bằng. Còn các biện pháp để thực hiện các nguyên tắc trên sẽ do các bên
Campuchia thoả thuận với nhau”.
Sau khi tỏ phản ứng về
lập trường của ta, Từ nói:
“Tôi muốn nói thật
rằng nếu lần này chúng ta đi một bước không hay thì sẽ có hậu quả sau này.
Không những hai chúng ta thất vọng mà kết quả còn trái ngược với nguyện vọng
của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo khác nói với
chúng tôi. Chúng ta đang ở ngã ba đường, lựa chọn thế nào ? Thời gian không cho
phép. Trung tuần tháng 7, 5 nước Hội đồng bảo an họp lại. Trung Quốc không thể
không tỏ thái độ. Nếu Trung Quốc và Việt Nam không đạt được kết quả giải quyết
vấn đề Campuchia thì lòng mong muốn của chúng ta sẽ chịu hậu quả lớn.”
Như để thuyết phục ta chấp
nhận lập trường của họ, Từ đưa ra dự kiến của Trung Quốc giải quyết vấn đề
Campuchia theo 5 bước:
Trung – Việt đạt được
thoả thuận về giải pháp vấn đề Campuchia và ghi nhận lại bằng một biên bản nội
bộ;
Họp ngoại trưởng 5 nước
Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia, Lào và ra tuyên bố chung;
Họp hội nghị có tính
chất khu vực giữa 5 nước trên và 4 bên Campuchia;
Họp 5 nước Hội đồng Bảo
an và 4 bên Campuchia.
Họp hội nghị quốc tế
Paris về Campuchia.
Từ nói chỉ trao đổi nội
bộ với ta dự kiến này ở đây, không nói với 4 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng
bảo an, cũng không nói với Liên Xô để tránh sự quấy nhiễu của bên ngoài. Tôi
tránh bình luận cụ thể, chỉ nói đây là một gợi ý thú vị, rất đáng suy nghĩ, song
cần làm sao cho bước khởi động của chúng ta ở đây có kết quả thì toàn bộ kế
hoạch mới có khả năng triển khai được.
Chiều ngày 12/6/90, theo
yêu cầu của phía Trung Quốc, đã có cuộc họp hẹp giữa hai trưởng đoàn. Qua đó Từ
nhờ tôi chuyển tới lãnh đạo Việt Nam trả lời của lãnh đạo Trung Quốc về những ý
kiến mà Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc ngày 5 và
6/6/90:
“Lãnh đạo Trung Quốc rất
coi trọng quan hệ Trung – Việt, Lãnh đạo Trung Quốc cũng rất coi trọng những ý kiến
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trương Đức
Duy. Phía Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung–Việt sớm muộn cũng sẽ bình thường
hoá. Hai bên đều cần cùng nhau cố gắng để thực hiện. Vấn đề Campuchia, cuộc
chiến tranh Campuchia đã kéo dài hơn 10 năm. Đây là vấn đề toàn thế giới quan
tâm, các nước trong khu vực, nhất là ASEAN, cũng rất quan tâm. Đối với hai nước
Trung Quốc và Việt Nam, nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết hiện nay là trên cơ sở
những nhận thức chung đã đạt được, tiếp tục trao đổi ý kiến về hai vấn đề tồn
tại (vấn đề quyền lực của Hội Đồng tối cao và việc xử lý quân đội của các bên
Campuchia), làm sao cho có tiến triển hai vấn đề này. Nếu được như vậy, chúng
ta sẽ góp phần vào việc thực sự giải quyết vấn đề Campuchia. Bước đi này là hết
sức quan trọng. Chỉ có đi xong bước này, chúng ta mới có thể suy nghĩ đến những
bước sau. Cũng có nghĩa là chỉ có đi xong bước này lãnh đạo Trung Quốc mới suy
nghĩ về việc gặp cấp cao và việc thúc đẩy hai phái cộng sản Khmer hoà giải với
nhau”.
Nghe Từ đọc xong, tôi
hỏi lại: “Như vậy có phải là chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề quyền lực của
SNC và vấn đề lực lượng vũ trang Campuchia thì Trung Quốc mới nghĩ đến việc gặp
cấp cao?”
Từ khẳng định đúng là
như vậy và nói thêm: “Giải quyết hai vấn đề đó có nghĩa là Trung Quốc và Việt
Nam đã nhất trí cơ bản về việc giải quyết vấn đề Campuchia, sẽ làm thành biên
bản chung ghi các điều đã nhất trí làm cơ sở để thúc đẩy giải quyết vấn đề
Campuchia, tác động đối với bạn bè mỗi bên và mở đầu quá trình bình thường hoá
quan hệ hai nước”.
Từ nói: “Nhất quyết phải
giải quyết xong hai điểm tồn tại đó để có được giải pháp toàn bộ, không nên
vượt qua vấn đề Campuchia. Giải quyết xong vấn đề Campuchia thì các bước tiếp
theo về gặp gỡ cấp cao và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sẽ dễ giải
quyết”.
Ngay sau đó, tôi sang
gặp Thủ tướng Đỗ Mười báo cáo tình hình cuộc đàm phán để chuẩn bị cho việc anh
ấy tiếp Từ Đôn Tín chiều hôm sau như đã dự định. Tôi nói:
“Chỉ với việc anh Linh
và anh Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi Từ Đôn Tín tới Hà Nội đã làm cho
phía Trung Quốc lên giọng trong đàm phán, nay nếu anh Linh hoặc anh Mười lại
tiếp hắn nữa thì rất không nên”.
Nghe tôi trình bày xong,
Đỗ Mười bảo sở dĩ anh nghĩ đến chuyện gặp Từ là vì sáng 10/6/90, Lê Đức Anh đến
yêu cầu Đỗ Mười gặp Từ, nay như vậy thì không cần gặp nữa. Đỗ Mười bảo tôi cùng
đi ngay sang báo cáo sự tình với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vì anh Linh cũng
dự định tiếp Từ.
Sau khi nghe tôi trình
bày, có một phút lặng đi, tôi nghĩ bụng Tổng bí thư chắc bị bất ngờ về những câu
trả lời quá ư lạnh nhạt của lãnh đạo Trung Quốc đối với những điều tâm huyết mà
anh và Lê Đức Anh đã thổ lộ với đại sứ Trương Đức Duy. Rồi anh Linh cho ý kiến
là trong tình hình này anh Mười hoặc một cấp cao khác của ta không cần tiếp Từ
Đôn Tín nữa.
Ba ngày đàm phán với Từ
nói chung là căng, nhưng giông tố chỉ nổ ra khi Từ Đôn Tín đến chào Bộ trưởng
Nguyễn Cơ Thạch chiều 13/6/90 trước khi đoàn Trung Quốc rời Hà Nội.
Ngay từ đầu không khí
trò chuyện đã không lấy gì làm mặn mà lắm. Nhưng đến khi Từ nói:
“Các đồng chí nói chúng
ta nên khuyên hai phái cộng sản Campuchia hoà giải với nhau, (Hói đó là mong
muốn chân thành của Việt Nam Nhưng trên thực tế, các đồng chí cố sức tiêu diệt
Khmer Đỏ. Nếu lãnh đạo Việt Nam muốn có sự hoà giải giữa hai nhóm cộng sản
Khmer thì lẽ dĩ nhiên phải chấp nhận “4 bên”.] Chúng tôi không thể hiểu được
trong hai giọng nói đó, cái nào là thật, cái nào là giả. Nghe tiếng nói này thì
tiếng nói kia là giả dối, nghe tiếng nói kia thì tiếng nói này là giả dối. Mong
rằng sau này các đồng chí không nên làm như vậy”,
anh Thạch đã phản ứng
mạnh: “Chúng tôi không đòi các đồng chí nói chỉ có hai bên Campuchia; các đồng
chí cũng không thể đòi chúng tôi nói 4 bên. Chúng tôi nói các bên, không loại
bỏ bên nào là đủ rồi. Nếu nói khác đi là chống lại Hội nghị Tokyo. Tôi nói
thật, dùng thủ đoạn xuyên tạc thì rất khó đàm phán... Tôi rất trọng đồng chí
nhưng rất không hài lòng với những điều đồng chí nói vì đồng chí có những xuyên
tạc. Như thế rất khó đàm phán”.
Cuộc nói chuyện kết thúc
bằng câu “Chào Ngài ! ” của Từ Đôn Tín. Và anh Thạch cũng đáp lại bằng từ đó
thay vào từ “đồng chí”.
Tôi không có mặt trong
buổi anh Thạch tiếp Từ Đôn Tín, nhưng khi nghe kể lại chuyện đó tôi không hề
ngạc nhiên.
Tôi nhớ như in cái giọng
ngạo mạn kiểu “sứ giả thiên triều” của Từ trong buổi gặp ngày 13/6/90: “Lần này
tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia,
đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí, chúng tôi đã chuẩn bị ý
kiến về quan hệ hai nước Trung Quốc - Việt Nam”.
Khi nói “nguyện vọng của
các đồng chí” là Từ muốn nói đến những điều mà anh Linh và Lê Đức Anh đã nói
với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngày 5 và 6/6/90. Đây là cuộc đàm phán
giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện “xem xét
nguyện vọng” của lãnh đạo Việt Nam được. Thêm vào đó, tâm trạng Bộ trưởng
Nguyễn Cơ Thạch trong những ngày này lại đang nặng chĩu những suy tư khác.
Sau khi xảy ra va chạm
giữa Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và trưởng đoàn Trung Quốc Từ Đôn Tín, sức ép vào
nội bộ ta càng mạnh hơn: suốt nửa cuối 1990 đến 1991, Trung Quốc phớt lờ Bộ
Ngoại giao, chỉ làm việc với Ban Đối ngoại; Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham từ chối
gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại kỳ họp Đại hội Đồng LHQ ở Nữu-ước tháng
9.90.
Trước đó, ý đồ Trung
Quốc phân hoá nội bộ ta đã bộc lộ rõ: muốn ta phải thay đổi Bộ trưởng Ngoại
giao. Không chỉ thế, Trung Quốc còn lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo ta để phá
hoại uy tín đối ngoại của ta bằng cách dùng thủ đoạn cố ý lộ tin ra với các
nước.
Liều thuốc của thày Tàu
bốc cho ta thật là đắng, thế nhưng đâu có dã được tật !
Trần Quang Cơ
Hồi ký “Hồi ức và Suy
nghĩ” (Trích)
ĐỌC LẠI HỒ SƠ BÁN NƯỚC: HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ 1990:
Bài 3: QUỶ KẾ BÀNH TRƯỚNG, BÁ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT
NAM VÀ SỰ LỆ THUỘC, QUỲ PHỤC CỦA LÊ ĐỨC ANH
Lời giới thiệu: Đại hội lần thứ bảy Đảng Cộng sản Việt Nam
(17-27/6/1991) kết thúc, Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư, Lê Đức Anh chiếm vị
trí thứ hai trong Đảng nắm giữ 3 khối quan trọng nhất: Quốc phòng, An ninh,
Ngoại giao và lên chức Chủ tịch nước, Đào Duy Tùng là Ủy viên Bộ Chính trị,
thường trực Ban bí thư.
Hồi
ký "Hồi Ức và Suy Nghĩ" của Trần Quang Cơ
nhà
báo Trần Quang Thành giới thiệu
Bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh,
Đào Duy Tùng thâu tóm quyền lực cao nhất trong Đảng, nhưng thực chất người
có ảnh hưởng lớn nhất là Lê Đức Anh. Từ sau Đại hội VII, bộ măt bành
trướng, bá quyền của tập đòan thống trị Bắc Kinh đối với Việt Nam ngày càng quỷ
quyệt, can thiệp sâu và trắng trợn vào nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Sự quỳ phục
của Lê Đức Anh ngày càng bộc lộ rõ rệt trong việc bình thường hóa quan hệ với
Trung Quốc.
Dưới tiêu đề “Đai hội VII
và cái giá phải trả cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc:” trong
chương 18 hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ”, nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Quang Cơ viết:
“Từ 17 đến 27.6.91 Đảng
Cộng sản Việt Nam họp Đại hội lần thứ VII đưa lại nhiều thay đổi quan trọng về
nhân sự: Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư; Lê Đức Anh nay nghiễm
nhiên giữ vị trí thứ 2 trong Đảng, Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị kiêm Bí thư
Trung ương phụ trách cả 3 khối quốc phòng – an ninh – ngoại giao và lên chức
Chủ tịch nước. Võ Văn Kiệt được giới thiệu với Nhà nước cử làm Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng; Đào Duy Tùng thường trực Ban bí thư. Bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh,
Đào Duy Tùng nắm bộ phận thường trực của Bộ Chính trị và của Ban Bí thư. Đại
tướng Võ Nguyên Giáp bị gạt ra khỏi chức Ủỷ viên Trung ương. Còn Nguyễn Cơ
Thạch bị bật ra khỏi Bộ Chính trị và chuẩn bị thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại
Giao... (thực ra những thay đổi về nhân sự trong Bộ Chính trị đã được quyết
định từ tháng 5 và Trung Quốc đã biết). Dư luận quốc tế xôn xao cho rằng Nguyễn
Cơ Thạch là “vật tế thần” trong việc Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung
Quốc. Tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là một cách nói đơn giản vì vấn đề không chỉ là
bình thường hoá quan hệ mà là phụ thuộc hoá quan hệ.
Trước hết vấn đề đặt ra
là ai sẽ thay anh Thạch giữ chức bộ trưởng ngoại giao ?
Từ đầu tháng 7, tôi đã
nhiều lần được triệu tập lên gặp Tổng bí thư Đỗ Mười và Trưởng ban Tổ chức
trung ương Lê Phước Thọ (người thay Nguyễn Đức Tâm), để được thông báo và đả
thông về dự định đưa tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Lần gặp sáng ngày
10/7/91, thấy tôi vẫn từ chối, Đỗ Mười đã hiểu lầm tưởng tôi không nhận vì chưa
được vào Bộ Chính trị như Bùi Thiện Ngộ - người thay Mai Chí Thọ làm Bộ trưởng
Bộ Nội vụ - nên hứa sẽ giải quyết chuyện đó sau khi nhận chức Bộ trưởng Ngoại
giao.
Tôi nói chỉ vì lý do
“sức khoẻ” mà xin không nhận:
“45 năm nay tôi liên tục
công tác, cố gắng làm tốt các công việc được giao, không từ nan. Song lần này
không thể nhận. Tôi chỉ có nguyện vọng và làm nốt công việc Thứ trưởng Ngoại
giao. Đề nghị các anh quyết định theo phương án chúng tôi đề nghị ngày hôm qua:
cử anh Vũ Oanh hay anh Vũ Khoan. Nhân đây tôi xin phản ảnh tư tưởng chung của
anh em cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao là có sự đối xử chưa công bằng với Ngoại
giao”.
Vì sao tôi được người ta
chọn để thay Nguyễn Cơ Thạch tuy biết rõ tôi có cùng quan điểm về chính trị đối
ngoại với anh Thạch ? Tôi nghĩ có 2 lý do: một là, che đậy ý nghĩa chính trị
của việc thay thế Nguyễn Cơ Thạch; hai là, cơ chế mới về đối ngoại sau Đại hội
VII có khả năng vô hiệu hoá hoàn toàn mới chủ trương và hành động sai khác với
quan điểm của mấy vị trong Ban Thường trực Bộ Chính trị mới.
Sau khi tôi được miễn,
đã có một cuộc vận động khá sôi nổi quanh vấn đề này. Những tên tuổi như Vũ
Oanh, Hồng Hà, Hoàng Bích Sơn, Vũ Khoan, Nguyên Dy Niên… được nói tới. Cuối
cùng Nguyễn Mạnh Cầm, lúc đó đang là Đại sứ ta tại Liên Xô được chọn, mặc dù
khi ấy anh còn rất lưỡng lự.
Sau Đại hội VII, mọi vấn
đề quan trọng về đối ngoại của Nhà nước đều do Hồng Hà, Bí thư Trung ương, phụ
trách đối ngoại, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê Đức Anh và tất nhiên được sự
tán thưởng của Tổng bí hư Đỗ Mười, quyết định. Những phần công việc xưa nay vốn
do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm nay đều do Hồng Hà và Ban Đối ngoại chủ trì.
Một thí dụ điển hình về
vì ý đồ cá nhân họ sẵn sàng bỏ qua danh dự và quốc thể:
Ngày 5/8/91, tại cuộc
họp Hội đồng Bộ trưởng, Hồng Hà tuyên bố:
‘Từ nay trong quan hệ
với Trung Quốc các ngành cứ tập trung ở chỗ anh Trương Đức Duy (Đại sứ Trung
Quốc), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh’.
Lê Đức Anh cho biết khi
ở Trung Quốc, Phó ban Đối ngoại Trung Quốc Chu Lương có đề nghị: vì lý do kỹ
thuật, quan hệ giữa hai Đảng xin làm qua Trương Đức Duy. Hôm sau, Hồng Hà với
tư cách Trưởng ban Đối ngoại tiếp Đại sứ Campuchia Ouch Borith, đã thông báo:
“Theo sự phân công của
Bộ Chính trị Việt Nam, từ nay đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà sẽ phụ
trách việc thảo luận giải pháp Campuchia và các vấn đề liên quan. Nếu lãnh đạo
Campuchia muốn bàn các vấn đề trên thì đề nghị quan hệ và thảo luận trực tiếp
với 2 đồng chí đó.
Tổng bí thư Đỗ Mười gặp
Đại sứ Trương Duy Đức (9/7/1991)
Ngày 9/7/91, vừa được
bầu làm Tổng bí thư, Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tỏ ý muốn cử
Đặc phái viên đi Bắc Kinh để thông báo về Đại hội VII và trao đổi về quan hệ
giữa hai nước.
Trước đó ít ngày–ngày
11/6/91 – Bộ Ngoại giao ta cũng đã gặp đại sứ Trung Quốc đề nghị mở lại đàm
phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước.
Ngày 17/7, Trung Quốc
trả lời đồng ý gặp cấp Thứ trưởng ở Bắc Kinh từ 5/8 đến 10/8.
Hai ngày sau, Trung Quốc
trả lời đồng ý việc ta cử Đặc phái viên gặp lãnh đạo Trung Quốc, nhưng lại sắp
xếp cuộc gặp Đặc phái viên Đảng trước cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao…
Việc làm trên cho thấy
một mặt Trung Quốc muốn gặp ta ở cả hai cấp, mặt khác muốn dùng những thoả
thuận với cấp Đặc phái viên để ép ta trong cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Để đề cao công việc này, phía Trung Quốc đã đề nghị thay chữ “Đặc phái viên”
thành “đoàn Đại diện đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam” tuy Đoàn chỉ có 2 thành viên là Lê Đức Anh và Hồng Hà.
Hồng Hà lúc đó là Bí thư
Trung ương, phụ trách đối ngoại. Phụ tá đoàn là Trịnh Ngọc Thái, phó ban Đối
ngoại của Đảng. Tôi nhớ khi đó Bộ Ngoại giao có đề nghị có một Thứ trưởng Ngoại
giao là uỷ viên Trung ương đi với đoàn để nắm tình hình vận dụng vào cuộc đàm
phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao ngay sau đó, nhưng đề nghị không được chấp nhận.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Nghiêm Hoành cũng không được tham dự các
hoạt động của đoàn, trong khi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Trương Đức Duy
lại có mặt trong mọi hoạt động chính thức của đoàn tại Trung Quốc.
Ngày 28/7/91, đoàn đã
đến Bắc Kinh và trong mấy ngày sau đó đã gặp Kiều Thạch, Lý Bằng, Giang Trạch
Dân thông báo khá chi tiết về Đại hội VII. Thông báo cả những ý kiến khác nhau
quá trình thảo luận, tranh luận và việc biểu quyết những vấn đề quan trọng trong
Đại hội, và cơ cấu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương mới..., Giang Trạch Dân
và Lý Bằng tỏ ra quan tâm đến việc Việt Nam sẽ có Ngoại trưởng mới (thay Nguyễn
Cơ Thạch) trong kỳ họp Quốc hội tháng 8/91, Giang tỏ ý hài lòng: “Từ đáy lòng
mình, tôi hết sức hoan nghênh kết quả Đại hội VII của các đồng chí Việt Nam”.
Đặc biệt mặc dù chuyến
đi có mục đích gặp lãnh đạo Trung Quốc thông báo về Đại hội VII và bàn quan hệ
hai nước, nhưng Lê Đức Anh và Hồng Hà đã chủ động xin gặp Từ Đôn Tín tới 2 lần,
chiều 297 và tối 317 để tạ lỗi (?).
Mở đầu cuộc gặp chiều
29/7, Lê Đức Anh đã nói:
“Năm ngoái khi
đồng chí Từ Đôn Tín sang Việt Nam đã xảy ra một số trục trặc không hay lắm do
phía chúng tôi gây ra (!) Đồng chí Nguyễn Văn Linh và chúng tôi khi biết việc
này, chúng tôi không vui lắm. Hôm nay gặp đồng chí, tôi nói tình cảm của đồng
chí Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và của tôi... Tình hình trục trặc trong quan hệ là
một việc đau lòng, nhất là giữa những người cộng sản. Khúc nhạc cũ đã qua rồi,
mong các đồng chí yên tâm”.
Còn Từ thì cũng mượn dịp
này để than phiền về đại sứ Đặng Nghiêm Hoành:
“Một năm nay đồng chí ấy
không gặp tôi, trừ khi gặp ở các cuộc chiêu đãi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp
đồng chí Hoành kể từ tháng 6 năm ngoái” (sự thực là phía Trung Quốc đã có thành
kiến với anh Hoành từ trong cuộc đàm phán tháng 6/90 ở Hà Nội).
Từ không quên nhắc đến
điều kiện không thể thiếu có thể bình thường hoá quan hệ với Việt Nam: “Tôi rất
hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà là từ nay không nói diệt
chủng nữa. Khi về Hà Nội nếu gặp Campuchia đề nghị các đồng chí cũng nói ý
này... Nếu các đồng chí lãnh đạo Việt Nam sang Trung Quốc mà cái đuôi Campuchia
vẫn còn thì chúng tôi khó nói với nhân dân. Mong vấn đề Campuchia được giải
quyết thì khi bình thường hoá quan hệ chúng tôi có thể ăn nói với nhân dân
Trung Quốc và nhân dân thế giới”.
Để dọn đường cho cuộc
gặp cấp Thứ trưởng ở Bắc Kinh tháng 8/91, tối 31/7 Hồng Hà đảm bảo với Từ Đôn
Tín: “Đồng chí Lê Đức Anh và tôi sẽ làm việc trực tiếp với Thứ trưởng Nguyễn Dy
Niên (người được chỉ định đi đàm phán với Trung Quốc chỉ vì chưa có “tiền sử”
với Trung Quốc) trước khi đồng chí ấy đi Trung Quốc. Chúng tôi phải báo cáo với
Bộ Chính trị để có ý kiến chỉ đạo không những về nội dung mà cả về tinh thần và
thái độ làm việc. Tinh thần của chúng tôi là phấn đấu làm cho cuộc gặp thành
công”.
Sau khi đã cam kết từ
nay không nói đến vấn đề diệt chủng nữa, Hồng Hà hỏi Từ: “Tôi muốn hỏi đồng chí
ngoài vấn đề diệt chủng, còn hai vấn đề gai góc là vấn đề quân đội các bên
Campuchia và vai trò LHQ thì phương hướng giải quyết nên thế nào, để chúng tôi
có thể góp phần làm cho cuộc gặp thứ trưởng Việt – Trung ở Bắc Kinh sắp tới đạt
kết quả tốt”.
Xin ý kiến đối phương và
hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một
không hai trong lịch sử đối ngoại !
Sau khi ở Trung Quốc về,
ngày 4/8/91, Lê Đức Anh và Hồng Hà gặp tôi và Nguyễn Dy Niên tại Văn phòng
Trung ương Đảng để chuẩn bị cho Niên đi đàm phán với Trung Quốc.
Sau khi anh Niên đọc bản
đề án của Bộ Ngoại giao, tôi nói:
“Anh Hoành (đại sứ ta ở
Trung Quốc) vừa điện về phía Trung Quốc thông báo có 3 buổi làm việc nhưng họ
nói có thể làm một buổi là xong. Chắc chắn Từ Đôn Tín sẽ đưa văn bản buộc chúng
ta phải thoả thuận. Nếu ta nhận, họ sẽ xì ra cho các nước P5, ASEAN và bạn
Campuchia. Ta sẽ ở vào thế phản bội đồng minh, phản bội bạn bè. Nếu ta đòi sửa
văn bản của Trung Quốc thì sẽ không ra được văn bản, đàm phán sẽ thất bại.
Chúng tôi đã xem lại biên bản thấy Trung Quốc gắn rất chặt vấn đề Campuchia với
việc bình thường hoá quan hệ, vẫn coi Campuchia là điều kiện. Trung Quốc rất
khôn, khi gặp cấp cao chỉ tập trung vào vấn đề quan hệ hai nước, còn cái xương
để lại. Gặm cái xương này, chúng ta phải giải quyết vấn đề có tính nguyên tắc.
Ta quyết tâm bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc nhưng không được phá quan
hệ với Campuchia và không được để thế giới thấy anh Việt Nam là người tráo
trở”.
Biết tôi quá gai góc,
không chịu chấp nhận ý đồ thoả hiệp vô nguyên tắc với Trung Quốc, Lê Đức Anh và
Hồng Hà chỉ nói chung chung về chuyến đi Bắc Kinh vừa qua.
Hồng Hà nói: “Tinh thần
tôi nắm được là ý Trương Đức Duy và Từ Đôn Tín đều lo cuộc gặp Thứ trưởng thất
bại. Từ có hỏi: Không biết đồng chí Thứ trưởng nào gặp tôi có nắm được tinh
thần này không ?”
Tôi liền bảo: “Như vậy
càng rõ là họ có yêu cầu cao nên họ sợ ta không thể chấp nhận được”.
Hồng Hà nói: “Tôi hiểu
họ muốn bình thường hoá quan hệ là chính nên họ lo”.
Tôi đáp: “Về mặt này thì
phải nói là Việt Nam lo hơn vì Việt Nam mót bình thường hoá quan hệ với Trung
Quốc hơn.”
Vào cuối buổi họp, Hồng
Hà nói: “Chuyến đi của anh Niên là thuận lợi, sau chuyến đi của anh Lê Đức Anh.
Anh Niên cũng là nhân vật mới, không có “tiền sử”. Khi nhắc đến tháng 6/90 họ
rất cay cú”.
Lê Đức Anh thêm vào:
“Sau tháng 6/90 lại có phát biểu với báo chí của hai bên nên càng tích tụ thêm,
gắng thêm”. (ý nói đến lần sau đàm phán tháng 6/90, giữa tôi và Từ Đôn Tín có
sự phê phán nhau trên báo chí). Và đến chiều, khi họp Thường trực Bộ Chính trị
bàn về việc đàm phán với Trung Quốc họ chỉ triệu tập anh Niên, không triệu tập
tôi.
Được biết trong cuộc họp
này Tổng bí thư Đỗ Mười đã khẳng định là không nên vì vấn đề Campuchia mà cản
trở việc bình thường hoá quan hệ của ta với Trung Quốc.
Về vấn đề Campuchia, họ
chỉ thị cho anh Niên thoả thuận với phía Trung Quốc:
1. Không nói về vấn đề
diệt chủng. Lê Đức Anh nói phải dứt khoát thôi vấn đề diệt chủng. Và Tổng bí
thư Đỗ Mười nhấn thêm: “Nếu nói vấn đề diệt chủng tức là đồng minh với Mỹ chống
Trung Quốc” (!)
2. Nâng cao vai trò SNC
Campuchia, hạ thấp vai trò LHQ.
3. Giảm quan các bên
Campuchia 50%
Để đảm bảo cuộc đàm phán
không đi chệch khỏi quỹ đạo đã dàn xếp trước với Trung Quốc, Hồng Hà còn để Trịnh
Ngọc Thái, phó ban Đối ngoại, ở lại Bắc Kinh để tham gia đoàn đàm phán, thực
chất để giám sát Nguyễn Dy Niên có theo đúng những điều họ đã thoả thuận trước
với Trung Quốc không.
Ngày 10/8/91, sau khi
cái gọi là cuộc đàm phán này đạt kết quả đúng ý Trung Quốc (hoan nghênh
Sihanouk giữ chức chủ tịch SNC, ủng hộ văn kiện khung của LHQ về giải pháp
Campuchia), vào đúng ngày Quốc hội Việt Nam thông qua việc bổ nhiệm Nguyễn Mạnh
Cầm thay Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Trung Quốc
Tiền Kỳ Tham nhận tiếp Nguyễn Dy Niên và ngỏ lời mời tân Ngoại trưởng Nguyễn
Mạnh Cầm thăm Trung Quốc ngày 16/9/91 để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Trung –
Việt ở Bắc Kinh.
Ta đã dự kiến sau cuộc
đàm phán ở Bắc Kinh sẽ sang PhnomPenh thông báo cho bạn Campuchia nhưng tối
18/8/91 Hồng Hà lại gọi điện chỉ thị: “Theo ý kiến đồng chí Lê Đức Anh, anh
Niên không phải đi Campuchia thông báo với bạn nữa và cũng không thông báo cho
bất cứ ai về cuộc đàm phán ở Bắc Kinh vừa qua” (mặc dù phía Trung Quốc đã thông
báo cho các nước ASEAN và các nước phương Tây rồi). Và còn nói thêm: “Từ nay
trở đi, trên giấy trắng mực đen đừng ghi ý đồ của Trung Quốc nữa (?) vì vấn đề
này Bộ Chính trị đã nắm rồi.”
Nói chung, từ sau Đại hội
VII, tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như cỗ máy đã
được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định.
Ngày 5-10/11/91, sau khi
Hiệp định về Campuchia được ký kết ở Pari, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ
Văn Kiệt thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để hoàn thành việc bình
thường hoá mối quan hệ bị trục trặc lớn từ tháng 2/79.
Nhưng trong khi lãnh đạo ta
ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc “bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đề quốc” thì họ đã
xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất
đầu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau).
Trung Quốc nói thế song
luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất
là không ngừng tác động vào nội bộ ta.”
Trần Quang Cơ
Hồi ký “Hổi ức và Suy
nghĩ” (Trích)
Đời Mồ Côi
Em sinh ra đã không hề
biết mẹ
Hàng ngày Em theo chị để
ăn xin
Ngày đầu đường đêm ghế
đá công viên
Sống lay lắt nhờ đồng
tiền thiên hạ.
Nhiều khi đói sữa thay
bằng nước lã
Hai chị em vật vã dạ cồn
cào
Dế ve Sầu nướng lót dạ
đêm thâu
Mong trời sáng xin cơm
thừa hàng quán.
Cha chết sớm mẹ bị người
ta bán
Sang bên Tàu vào động
bán dâm
Nhà cửa ruộng nương
Đảng qui hoạch chẳng bồi
thường
Nghe người nói cán bộ
phường chia chác
Mình sống được nhờ tấm
lòng cô bác
Nín đi nào chị sẽ hát ầu
ơ
Mất mẹ cha đời đói rét
bơ vơ
Đừng khóc nữa em thơ xin
hãy hiểu.
Chuyện xui xẻo đẩy đưa
đời cô lựu
Chị bị tông xe nằm ngất
bên đường
Khi mọi người đưa chị
đến nhà thương
Chị đã chết từ trên
đường nhập viện.
Kẻ tông chị là đảng viên
say xỉn
Sợ liên quan chúng đã
biến vào đêm
Hết họ hàng giờ chỉ còn
mình em
Nên ánh mắt mới buồn lên
đến thế.
Anh xin lỗi mấy tháng
rổi mới kể
Chỉ mong sao ánh mắt bé
vơi buồn
Trẻ ăn mày không được
đảng yêu thương
Nhưng còn có những trại
cô nhi viện
Uyển Thi
danlambaovn.blogspot.com
MUA ĐÀN BÀ VN : Không ưng
được đổi lại
http://m.9gag.com/gag/6699050
Đây là thời đại siêu xa lộ tin tức, đâu phải chúng muốn làm gì thì làm.
Linh Nguyên
Ngốc ơi
là ngốc . Một lũ cán ngố đứng xếp hàng một để ... ngửi . Đúng là
một đám hề !
Còn mụ
"y tế" thì ... nếm . Chán ơi là chán ! Kết
quả là đã 40 năm , VN vẫn còn thù lù hàng đống thực phẩm độc hại và bẩn cuả
bọn Chệt cộng tống sang . Hiện nay VNcs đang đứng đầu bảng thế
giới về ung thư , thì mụ "y tế " có "nếm" cho lắm , cũng
bằng thừa .
Xem kết quả , biết việc làm .
HY.
Cán Ngố Gộc đi thanh tra
kiểm soát...
Bó tay Bó tay ! Hết ý, hết ý
kiến.
Cùng
nếm, ngửi, gõ với các Bộ trưởng Ngố: Kim Tiến - Khôi Nguyên - La Thăng:
Mụ
Kim Tiến, Bộ trưởng Y té (giếng) Ngố đi kiểm tra thực phẩm ở chợ như vầy nè !!!!
Chị Kim Tiến, bộ chưởng Y tế đi kiểm tra thực phẩm ở
chợ
Anh Phạm Khôi Nguyên, bộ chưởng bộ Tài Nguyên và
Môi trường và bầu đoàn đi kiểm tra chất lượng môi
trường"
Chỉ bọn quan chức Việt
Nam mới có hành động kỳ quặc và ngu xuẩn thế này!
Ối trời ơi là ông Tiến sĩ ! Ông
nghè Phạm Khôi Nguyên ơi
Anh Đinh La Thăng, bộ
chưởng bộ Rao Thông đi kiểm tra độ lún của mặt đường
CHÂN DUNG 'CÁC ĐẦY TỚ NHÂN
DÂN'
Ngạo mạn, dâm ô chính là Lê Duẩn
Già mà lắm con là lão Đỗ Mười
Mưu mô quỷ quyệt là Lê Đức Anh
Nhẫn nhục sống lâu là Võ Nguyên Giáp
Chưa nói đã cười là Nguyễn Minh Triết
*
Giả danh Mác xít là Lê Khả Phiêu
Tham nhũng đớn hèn là cậu y tá (Nguyễn Tấn Dũng)
Ác thú lộng hành là Nguyễn Văn Hưởng
Gian manh, trí trá là Nguyễn Sinh Hùng
Cái gì cũng nhặt là Tô Huy Rứa
*
Không bộ nào chứa là Nguyễn Thiện Nhân
Vì gái quên thân là Nông Đức Mạnh
Thức thời, né tránh là Nguyễn Hải Chuyền
Miệng lưỡi dịu mềm là Vương Đình Huệ
Thiểu năng trí tuệ là Đinh La Thăng
*
Định hướng tối tăm là Nguyễn Phú Trọng
Ghét trung yêu nịnh là Lê Hồng Anh
Phát biểu lăng nhăng là Phạm Vũ Luận
Quen đánh giặc miệng là Trương Tấn Sang
Hán tặc chính danh là Hoàng Trung Hải
*
Thầy gét bạn khinh là Hồ Đức Việt
Dối gian lật lọng là Vũ Văn Ninh
Đổi trắng thay đen là Trương Vĩnh Trọng
Triệt suy phù thịnh là Trần Đình Hoan
Đã dốt lại tham là Lê Thanh Hải
*
Ăn vụng nói dại là Đinh Thế Huynh
Cạn nghĩa cạn tình chính
là Tô Lâm
Juda phản chúa là Nguyễn Đức Tri
Tình duyên lận đận là chị Kim Ngân
Vừa béo vừa dâm là Tòng Thị Phóng
*
Dối gian lật lọng là Vũ Văn Ninh
Lên chức nhờ cha là Nguyễn Thanh Nghị
Mặt người dạ thú là Phạm Quý Ngọ
Tính tình ba phải là Phạm Gia Khiêm
Chưa từng thanh liêm là Nguyễn Thế Thảo
*
Ăn tiền tàn bạo là Nguyễn Đức Nhanh
Chạy trốn an toàn là Dương Chí Dũng
Nghìn tỉ tham nhũng là Vinashin
‘Bà con’ Thủ Tướng là Phạm Thanh Bình
Ngậm thị ăn tiền là Vũ Huy Hoàng
*
Xôi thịt mê gái là Trịnh Đình Dũng
Lừa thầy phản bạn là Trương Hòa Bình
Cướp, Giết la làng là Thống đốc Bình
Ăn no kín tiếng là Cao Đức Phát
Móc ngoặc đi đêm là Ngô Xuân Dụ
Coi Tây Tạng trong tay Tầu để chuẩn bị cho VN rồi mai cũng
trong tay Tầu
Lửa trong Vùng đất của Tuyết: Các vụ tự
thiêu ở Tây Tạng
Preview by Yahoo
|
|||||
Bà con hãy tìm
đường chạy ra nước ngoài cho sớm như hồi 1975 kẻo bọn Tàu cộng đến
cai trị thì chạy không kịp nữa!
Một vị ni sư bị đối xử
tàn nhẫn:
Coi Tây Tạng trong tay Tầu để chuẩn bị cho VN rồi mai cũng trong
tay Tầu ...
https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=kpc3wmwKit0
Chiến tranh biên giới Việt Trung
năm 1979
http://www.youtube.com/watch?v=eEBkpsCwsDY
Battlefield
Vietnam - Part 01: Dien Bien Phu The Legacy
http://www.youtube.com/watch?v=eQdFGr7NQ4o&list=PLCABD020D6B200061
SBTN SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI
ÁC CỘNG SẢN (P1)
https://www.youtube.com/watch?v=NTZGFJyF2pQ
SBTN
SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN (P2)
https://www.youtube.com/watch?v=LSpiyHxlK5I
SBTN
SPECIAL: Phim Tài Liệu TỘI ÁC CỘNG SẢN (P3)
https://www.youtube.com/watch?v=P2Zbrz4iJbc
http://baomai.blogspot.com/2014/07/van-hoc-va-chinh-tri.html
http://baomai.blogspot.com/2014/07/israel-mot-at-nuoc-than-ky.html
http://baomai.blogspot.com/2014/07/ung-song-bang-su-doi-tra.html
http://baomai.blogspot.com/2014/07/hcm-chinh-la-thieu-ta-ho-quang-thuoc.html
Ha ha ha !
http://lh3.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
Hố hố hố !
http://lh6.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
Không biết làm thịt em
nào trước đây?
http://lh4.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
http://lh4.googleusercontent.c...
Xem Ẩn
xem thêm
HTTP://DANLAMBAOVN.BLOGSPOT.COM/2014/05/HANG-VAN-CONG-NHAN-BINH-DUONG-INH-
Sốc - Lính Trung
cộng hành hạ tra tấn tù binh VN vô cùng tàn bạo dã man
https://www.youtube.com/watch?v=GwhBJ6Y-Aks
Nhà báo Bùi Tín phản bác luận
điệu xuyên tạc của báo QĐND ngày 26-08-2012.
https://www.youtube.com/watch?v=I2jL0S8GnoQ
SỐNG
VỚI BỌN "ĐỈNH CAO TỘI ÁC" VIỆT CỘNG, "CHÚA TRÙM THAM NHŨNG"
TỤI
MÌNH CŨNG KHỐN NẠN VỚI CHÚNG NÓ, NÓI CHI CON NGƯỜI -
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết