Ngày 23 tháng 08 năm
1963, Tướng Trần Văn Đôn mời ông CIA Lucien Conein đến Bộ Tổng Tham
Mưu để nhận thư trao tận tay cho tân Đại Sứ Lodge, nói là quân đội
không có nhúng tay trong việc đàn áp Phật Giáo vừa rồi. (Ông Lucien
Conein, CIA Operative, giữ vai trò chính yếu trong việc phối hợp
với các tướng đảo chánh).
Tướng Lê Văn Kim là phụ
tá của tướng Đôn và là anh em rể của tướng Đôn đòi triệt hạ ông Nhu
và yêu cầu chính phủ Mỹ lên tiếng ủng hộ thì quân đội sẽ đứng lên
lật đổ chính phủ Tổng Thống Diệm.
Bí thư của Tổng Thống
Diệm là ông Võ Văn Hải yêu cầu bảo toàn Tổng Thống Diệm nếu loại bỏ
ông Nhu. Tân Đại Sứ Lodge báo cáo về Hoa Thịnh Đốn tất cả sự kiện,
nhưng ông Lodge không ủng hộ việc loại bỏ ông Nhu. Ông Lodge khuyên
nếu Mỹ ủng hộ đảo chánh thì nên núp trong bóng tối.
Bức điện văn tố cáo
"ông Nhu đang bị dân chúng chán ghét" được gởi đến bàn
ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Roger Hilsman. Ông Hilsman lên án ông Nhu
và nói rằng nếu còn ông Nhu thì chẳng những đưa miền Nam Việt Nam
vào thảm họa, mà còn kéo theo Mỹ xuống bùn đen nữa. Ông Thứ Trưởng
Ngoại Giao Đặc Trách Chính Trị Vụ Averell Harriman cũng đồng ý là
Mỹ không nên ủng hộ chính phủ Diệm-Nhu nữa.
Ngày 24 tháng 08 năm
1963, Đại Sứ Lodge đánh điện văn cho Bộ Ngoại Giao. Phụ Tá Ngoại
Trưởng Hilsman phúc đáp, chỉ thị cho tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn tiếp
xúc với các tướng lãnh để thực hiện đảo chánh.
Trúng vào thứ bảy cuối
tuần, Tổng Thống Kennedy, Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk, Bộ Trưởng
Quốc Phòng Robert S. McNamara không có mặt tại Hoa Thịnh Đốn, nhưng
các phụ tá của họ như ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Harriman, và ông
Phụ Tá Tổng Thống Forrestal có mặt làm việc, với sự hỗ trợ của Phụ
Tá Ngoại Trưởng Hilsman. Các người này thảo một bức điện văn để trả
lời cấp tốc cho Đại Sứ Lodge. Bức điện văn "tối mật" ngày
24 tháng 8 năm 1963 này có nội dung như sau:
"Bộ
Ngoại Giao gởi Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn để thi hành ngay lập tức.
Tối Mật.
Không được phép phổ biến.
Chỉ đích
thân Đại Sứ Lodge mới được phép đọc mà thôi. Đối với CINPAC/POLAD
thì chỉ Đô Đốc Felt được phép đọc mà thôi.
Theo CAS
Sài Gòn 0265 báo cáo về quan điểm của Tướng Đôn; Saigon 320, Saigon
316, Saigon 329. (Các con số là những ký hiệu mật mã).
|
Bức điện thư Mỹ ra lệnh thanh toán Tổng Thống
Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu ngày 24 tháng 8 năm 1963.
|
Bây giờ
thì rõ là hoặc quân đội đề nghị lệnh thiết quân luật hoặc ông Nhu
đã lừa họ. Ông Nhu đã lợi dụng tình trạng đó để tấn công chùa chiền
bằng cảnh sát và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Tung trung thành với
ông ta, làm cho nhân dân Việt Nam và thế giới ngỡ lầm rằng quân đội
làm. Hơn nữa, cũng thật quá rõ là ông Nhu đã âm mưu sắp đặt ông ta
vào vị trí chỉ huy.
Chính phủ
Hoa Kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong
tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông
để thay vào đó bằng quân đội tinh nhuệ và các chính trị gia có tư
cách.
Nếu ông
(tức Đại Sứ Lodge) cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và
từ chối thì chúng ta phải đối đầu với một điều có thể xảy ra, là
ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể tồn tại được.
Ký tên:
Hilsman, Forrestal, Ball, W.Everell Hariman ".
Sau khi soạn bản điện
văn này, ông Forrestal gọi Tổng Thống Kennedy đang nghỉ cuối tuần
tại Hyannis Port , Massachusetts và đọc cho nghe. Tổng Thống
Kennedy hỏi lại: "Có thể chờ cho đến thứ Hai để có đủ người
họp được không?". Ông Harriman và Hilsman trả lời là
"phải cần gởi gấp ngay bây giờ". Nghe thế, Tổng Thống
Kennedy đồng ý và bảo "hãy gởi đi". Ông Hilsman cũng gọi
báo cho Ngoại Trưởng Rusk và cũng được đồng ý cho phép gởi đi. Ông
Hilsman gởi ngay điện văn này qua Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, và được
coi như Mỹ "bật đèn xanh" đảo chánh.
Bộ Trưởng Quốc Phòng
McNamara và Giám Đốc CIA McCone chưa được đọc bức điện văn trước
khi gởi đi nên rất bất mãn. Đại Sứ Lodge nhận được điện văn và gởi
ngay cho ông Xếp CIA William Colby, lúc đó đang làm Giám Đốc CIA Vùng
Viễn Đông (Chief of the CIA's Far East Division) trụ sở tại Langley
Virginia. Ông Xếp CIA Colby có quyền đọc tất cả điện văn tại trung
tâm chỉ huy CIA ở Virginia .
Ngày 25 tháng 08 năm
1963, Đại Sứ Lodge báo cáo Bộ Ngoại Giao là ông đã nhận được bức điện
văn, nhưng nói "căn bản quyết định vẫn là từ Hoa Thịnh
Đốn".
|
Tướng Mỹ Maxwell
Taylor và Tồng Thống Ngô Đình Diệm
|
Ngày 26 tháng 08 năm
1963, sáng thứ Hai, các cố vấn của Tổng Thống Kennedy chia làm hai
phe: Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Maxwell Taylor phàn nàn Bộ Ngoại
Giao quyết định làm bức điện văn ngày 24 tháng 08 mà không hội ý
các nhân vật cao cấp, tạo nên sự nghi ngờ về mức độ thành công của
việc đảo chánh. Bộ Trưởng Quốc Phòng và Giám Đốc CIA cùng quan
điểm. Giám Đốc CIA McCone cho rằng: "Tổng Thống Diệm là người
lãnh tụ xứng đáng nhất tại Việt Nam, và CIA cũng khó mà thực hiện
được tinh thần bức điện văn ngày 24 tháng 08 năm 1963". Tổng
Thống Kennedy khiển trách ông Phụ Tá Forrestel đã không chịu giữ
lại bức điện văn cho tới thứ Hai. Ông Forrestal xin từ chức nhưng
Tổng Thống Kennedy muốn giữ ông ta lại. Bộ Quốc Phòng bất đồng với
Bộ Ngoại Giao nên muốn có thêm một cơ hội nữa để thuyết phục Tổng
Thống Diệm loại bỏ ông Nhu.
8 giờ sáng, đài VOA lên
tiếng chỉ trích cảnh sát của ông Nhu tấn công chùa chiền, và minh
xác là quân đội không có nhúng tay. Đài VOA cũng tuyên bố Mỹ cắt
viện trợ chính phủ Tổng Thống Diệm. Đại Sứ Lodge gọi Ngoại Trưởng
Rusk phàn nàn về việc đài VOA đi thông báo việc cắt viện trợ, vì 11
giờ sáng này Đại Sứ Lodge sẽ gặp trình Ủy Nhiệm Thư cho Tổng Thống
Diệm. Ông Ngoại Trưởng Rush gởi điện văn qua xin lỗi ông Lodge, và
đài VOA đính chính không cắt viện trợ. Trong dịp này, Đại Sứ Lodge
yêu cầu Tổng Thống Diệm loại trừ ông Nhu ra khỏi chức cố vấn, nhưng
quá trễ vì lúc này ông Nhu đã trở thành tai, mắt và là bàn tay sắt
của Tổng Thống Diệm.
Cũng trong ngày này, ông
CIA Conein tiếp xúc với Tướng Trần Thiện Khiêm tại Bộ Tổng Tham
Mưu. Tướng Khiêm khuyên ông CIA Conein tiếp xúc với Tướng Dương Văn
Minh tức "Big" Minh. Tướng Minh đang là cố vấn quân sự
cho Tổng Thống Diệm, và càng tréo cẳng ngổng nữa là ông ta cũng lại
là Chủ Tịch Ủy Ban Đảo Chánh. Trong khi đó thì ông CIA AlSpera bay
lên vùng cao nguyên để gặp tướng Nguyễn Khánh. Tướng Khánh không
nêu danh tánh các tướng tham dự đảo chánh, nhưng khi nghe nhắc đến
tên tướng Khiêm thì tướng Khánh nói "chúng tôi thích
vậy".
|
Ông Robert McNamara,
Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng và Đại Tướng Maxwell Taylor, Chủ Tịch
Ủy-Ban Tham-Mưu liên quân Hoa Kỳ, đã đến Sài Gòn ngày 24 tháng 9
năm 1963 để hội kiến với ôngHenry Cabot Lodge, Đại sứ Hoa Kỳ bên
cạnh chính phủ Việt-Nam Cộng-Hoà. Chuyến công du của hai Ông
McNamara (trái) và Tướng Taylor (giữa) sang Việt Nam có mục đích
tìm hiểu tình hình tại chỗ liên quan đến những xáo trộn xảy
ra trong thời gian qua.
|
Thứ Ba ngày 27 tháng 08
năm 1963, Tổng Thống Kennedy họp các cố vấn cao cấp lại. Có cựu Đại
Sứ Nolting tham dự. Ông Nolting không tin tưởng cuộc đảo chánh
thành công vì ông cho rằng các tướng đảo chánh không can đảm như
anh em ông Diệm-Nhu, họ không thống nhất mà lại chia rẽ, họ không
có lãnh đạo thật sự và họ không có thực lực quân đội trong tay.
Tổng Thống Kennedy hỏi lại ông Nolting: "Tại sao Tổng Thống
Diệm không giữ lời hứa với chúng ta? Tại sao chính quyền Tổng Thống
Diệm dùng sức mạnh đàn áp Phật Giáo? Bà Nhu hiện đang nắm chức
quyền gì?". Ông Nolting cố bào chữa cho Tổng Thống Diệm và đề
nghị chính phủ Mỹ nên cho thêm một cơ hội nữa để đòi Tổng Thống
Diệm loại bỏ ông Nhu và truất quyền bà Nhu. Ông Nolting nói với
Tổng Thống Kennedy rằng: "Ông Diệm và ông Nhu cũng giống như
cặp song sinh Siamese dính nhau nên không thể tách ra được".
Ông Nolting cũng nhắc cho Tổng Thống Kennedy biết về việc 3 năm
trước đây, ông Đại Sứ Mỹ Durbrow cũng đòi Tổng Thống Diệm loại bỏ
ông Nhu nhưng thất bại nên đã trở về Mỹ. Tổng Thống Kennedy mỉm
cười và nói rằng: "Nếu ông nói đúng, thì chuyến đi của Đại Sứ
Lodge kỳ này sẽ là chuyến đi ngắn nhất trong lịch sử". Cuối
cùng Tổng Thống Kennedy vẫn giữ lập trường ủng hộ bức điện văn ngày
24 tháng 08.
Tại Sài Gòn tất cả
trường học đóng cửa, ra lệnh bắt đối lập, tin tức đảo chánh loan
truyền. Các tướng đảo chánh âm thầm di chuyển các đơn vị Dù
vào Sài Gòn. Có 2 đơn vị Dù khác có thể tiến vào thủ đô trong vòng
8 tiếng đồng hồ. Chính quyền Diệm-Nhu ra lệnh bố trí chống đảo
chánh.
Người tín cẩn nhất của
chính quyền Diệm-Nhu là Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Thủ Đô Sài
Gòn. Trong tay có 2,500 lính Dù, 1,500 lính Thủy Quân Lục Chiến,
700 Quân Cảnh... Ngoài ra Tướng Đính có liên hệ với Sư Đoàn 5 Bộ
Binh.
Chính quyền Diệm-Nhu có
Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy 1,700 lính Phòng Vệ Phủ Tổng Thống,
900 lính Lực Lượng Đặc Biệt và 700 Cảnh Sát Dã Chiến.
Ngày 08 tháng 08 năm
1963, ông CIA Conein gặp lại các tướng đảo chánh lần thứ nhì, gồm
các Tướng: Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Lê Văn
Kim và Đại Tá Nguyễn văn Thiệu. Các tướng muốn Mỹ chính thức ủng hộ
cuộc đảo chánh bằng sự lên tiếng của Đại Sứ Lodge.
Ông Trưởng Phòng CIA
John Richardson khuyến cáo rằng tình hình không thể thối lui. Sài
Gòn bây giờ đã biến thành một trại lính. Đây là trận đánh cuối cùng
của gia đình Tổng Thống Diệm. Ông tiên đoán rằng các tướng đảo
chánh sẽ thắng, tuy nhiên phải thuyết phục cho được Tướng Tôn Thất
Đính và Đại Tá Lê Quang Tung gia nhập đảo chính. Đảo chánh sẽ chết
nhiều sinh mạng. Ông Đại Sứ Lodge ủng hộ đảo chánh và nói rằng
"nếu trễ sẽ bị thất bại". Trái với ý kiến của ông Trưởng
Phòng CIA Richardson và Đại Sứ Lodge, Tướng Paul D. Harkins, Tư
Lệnh Quân Đội Mỹ tại Việt Nam nghi ngờ khả năng các tướng đảo
chánh. Ông khuyên Mỹ nên đứng ngoài cuộc đảo chánh.
Tại Hoa Thịnh Đốn, Hội
Đồng An Ninh Quốc Gia họp ủng hộ đảo chánh. Cựu Đại Sứ Nolting phản
đối nói rằng: "Nếu Mỹ bỏ rơi hai ông Diệm-Nhu tức là Mỹ đã
nuốt lời cam kết trong quá khứ". Thứ Trưởng Ngoại Giao
Harriman chống lại ý kiến ông Nolting, và chỉ trích ông Nolting đã
không phục vụ quyền lợi nước Mỹ trong thời gian ông làm đại sứ tại
Việt Nam .. Tổng Thống Kennedy phân vân, nhưng cuối cùng đồng ý ủng
hộ cuộc đảo chánh, tuy nhiên ông muốn trao quyền quyết định cho Đại
Sứ Lodge. Tổng Thống Kennedy nói với ông Lodge: "Tôi tin là
ông sẽ không ngại ngùng khi đưa ra quyết định đình hoãn hay thay
đổi kế hoạch đảo chánh nếu ông nghĩ là cần thiết".
|
Các tướng Kim, Đính,
Đôn, Vỹ và Xuân tại nhà nghỉ Đà Lạt năm 1964
|
Bây giờ, Ngoại Trưởng
Rusk tự tay gởi điện văn cho Đại Sứ Lodge, chỉ thị mọi cách phải
loại bỏ cho được ông bà Nhu ra khỏi chính quyền. Khoan cắt đứt viện
trợ mà hãy chờ cho đến khi nào các tướng sẵn sàng đảo chánh. Sợ
rằng nếu Tổng Thống Diệm biết được thì Tổng Thống Diệm sẽ kêu gọi
Bắc Việt ủng hộ để đánh đuổi Mỹ.
Ngày 29 tháng 08 năm
1963, Tổng Thống Kennedy gởi điện văn cho Đại Sứ Lodge: "Tôi
chấp thuận tất cả những điều đề cập trong cái điện văn mà những vị
khác gởi cho ông (tức bức điện văn "tối mật" ngày 24
tháng 8), và tôi ủng hộ các điều đó hết mình. Chúng tôi sẽ cố gắng
làm hết sức để có thể giúp ông hoàn thành sứ mạng này một cách mỹ
mãn. Cho đến khi các tướng lãnh ra tay, tôi xin được dành cái quyền
thay đổi kế hoạch hay đảo ngược chỉ thị vào giờ chót. Tôi hoàn toàn
nhận hết trách nhiệm về bất cứ sự thay đổi nào, và tôi cũng chịu
hoàn toàn trách nhiệm về kế hoạch này và hậu quả của nó".
Tại Sài Gòn, Chánh Phòng
CIA Richardson và ông CIA Conein nhận điện văn của tướng Cố Vấn
Quân Sự Tổng Thống Taylor từ Hoa Thịnh Đốn, đòi phải "suy nghĩ
lại" việc ủng hộ đảo chánh. Vì 10 giờ sáng phải gặp lại Tướng
Minh, do đó ông Chánh Phòng CIA Richardson ra lệnh cho ông CIA
Conein không được tuyên bố gì mà chỉ đến nghe và về trình lại ý
kiến của Tướng Minh thôi.
Tướng Minh đòi hỏi Mỹ
phải chứng tỏ việc ủng hộ các tướng lãnh đảo chánh, bằng cách tuyên
bố Mỹ cắt viện trợ kinh tế cho chính phủ Diệm. Đại Sứ Lodge điện về
Ngoại Trưởng Rusk nói là quá trễ để mà suy nghĩ lại, ông nói:
"Chúng ta đã bước sâu quá rồi nên không thối lui được, hãy dồn
mọi nỗ lực ủng hộ các tướng đảo chánh ngay". Đại Sứ Lodge xin
phép để Tướng Harkins tiếp xúc với các tướng đảo chánh và cũng yêu
cầu Mỹ cắt viện trợ kinh tế chính phủ Diệm để các tướng đảo chánh
tin tưởng có Mỹ ủng hộ. Cùng ngày, Tòa Bạch Ốc cho phép Tướng
Harkins tiếp xúc các tướng đảo chánh và cho phép Đại Sứ Lodge cắt
đứt viện trợ kinh tế chính phủ Diệm.
Tổng Thống Kennedy gởi
thư riêng cho Đại Sứ Lodge nói rằng Tổng Thống Kennedy ủng hộ các
kế hoạch đảo chánh của ông Lodge. Tuy nhiên Tổng Thống Kennedy
không đồng ý với ông Lodge về việc ông Lodge nói là "không thể
thối lui được". Tổng Thống Kennedy nhắc Đại Sứ Lodge về kinh
nghiệm đau thương tại Vịnh Con Heo ở Cu Ba. Tổng Thống Kennedy nói:
"Kinh nghiệm dạy tôi rằng sự thất bại mang lại cái tệ hại
nhiều hơn là việc đi thay đổi quyết định...Khi chúng ta làm, chúng
ta phải thắng, nhưng nếu cần phải thay đổi quyết định thì cũng phải
nên thay đổi, hơn là để thất bại".
Thứ Sáu, ngày 30 tháng
08 năm 1963, Tổng Thống Kennedy lo có cảnh tắm máu tại Sài Gòn. Ông
đưa ra kế hoạch dự trù di tản gần 5,000 cư dân Mỹ tại Việt Nam .
Một tàu chiến chở trực thăng, tàu tấn công, tàu destroyer nằm sẵn
tại ven biển Việt Nam . Tại Okinawa, có 3,000 Thủy Quân Lục Chiến
ứng trực 100%. Tại Bộ Ngoại Giao, Phụ tá Ngoại Trưởng Hilsman báo
cáo lên Ngoại Trưởng Rusk rằng có thể trận đánh đảo chánh kéo dài
quá lâu, và nếu vậy thì quân đội Hoa Kỳ phải nhảy vô vòng chiến để
ủng hộ phe đảo chánh cho thành công.
Ngày 31 tháng 08 năm
1963, Tướng Minh thông báo cho Tướng Harkins biết là kế hoạch đảo
chánh phải "trì hoãn".. Các tướng đảo chánh sợ sự thân
thiết giữa Chánh Phòng CIA Richardson với Tổng Thống Diệm sẽ làm
bại lộ kế hoạch đảo chánh. Tướng Harkins mời Tướng Minh đến cơ quan
MACV, và hứa là Mỹ ủng hộ các tướng đảo chánh.. Tướng Khiêm thông
báo cho Tướng Minh biết ý kiến của Mỹ.
Ngày hôm sau, Tướng
Khiêm lại gặp Tướng Harkins. Tướng Minh lo hoạch định kế hoạch đảo
chánh. Tướng Khiêm thì cho biết là các tướng không có đủ sức thắng
lực lượng trung thành Tổng Thống Diệm. Lực lượng lính Bộ Binh sẽ
không tham dự đảo chánh nếu không đánh tới cùng. Tướng Harkins và
ông Chánh Phòng CIA Richardson báo cáo thẳng về Hoa Thịnh Đốn nói
là kế hoạch đảo chánh bất thành. Đại Sứ Lodge than: "Không có
ai, không có tổ chức nào trong đám tướng lãnh này làm nên trò trống
gì cả". Tin tức các tướng bỏ cuộc đảo chánh khiến cho Tổng
Thống Kennedy và các cố vấn tại Tòa Bạch Ốc hoang mang.
Đầu tháng 9 năm 1963,
Tổng Thống Kennedy chỉ định Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara
qua Việt Nam . Tháp tùng có một số cố vấn cao cấp trong đó có Phụ
Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng William Bundy. Tại Việt Nam có 800 học sinh
bị bắt nhốt.
Ngày 02 tháng 09 năm
1963, Tổng Thống Kennedy trả lời câu phỏng vấn của Walter Cronkite
trên đài CBS rằng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ miền Nam Việt Nam, nhưng
ông nói tiếp: "Tôi không nghĩ là có thể thắng chiến tranh được
trừ khi họ được nhân dân ủng hộ. Và theo ý tôi, trong 2 tháng qua
chính phủ Diệm đã quá xa rời quần chúng".
Phụ Tá Ngoại Trưởng
Hilsman suy diễn lời chỉ trích trực tiếp và công khai này của Tổng
Thống Kennedy rằng sẽ có một cuộc đảo chánh, nhưng không biết bao
giờ xảy ra. Dù vậy, các tướng đảo chánh vẫn án binh bất động. Cùng
ngày, phe ông Nhu viết bài trên báo Times of Viet Nam lên án Mỹ ủng
hộ đảo chánh.
Ông Xếp CIA Colby nói:
"Ý họ muốn khuyên chúng ta nên đứng ngoài". Bà Nhu viết
bài chửi Mỹ. Bà xưng bà là người cứu tinh cho miền Nam Việt Nam, và
bà còn tố cáo Mỹ và Cộng Sản giật dây Phật Giáo biểu tình làm loạn.
Bà tố cáo Đại Sứ Lodge mưu sát bà. Để trả thù, em bà Nhu là ông
Trần Văn Khiêm lập một danh sách ám sát lại người Mỹ. Trong cuộc
phỏng vấn với ký giả Úc Denis Warner, ông Khiêm tiết lộ các người
Mỹ nằm trong danh sách bị ám sát đó có tên ông Chánh Phòng CIA Sài
Gòn Richardson, ông CIA Conein và Phát Ngôn Viên Tòa Đại Sứ John
Mecklin. Tình cảm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ căng thẳng và tồi tệ trầm
trọng.
Trong thời điểm này, Hoa
Thịnh Đốn bất mãn việc Pháp đứng làm trung gian giải quyết chiến
tranh Việt Nam . Đại Sứ Pháp đến miền Nam Việt Nam thảo luận bí mật
với Hồ Chí Minh và Tổng Thống Diệm qua trung gian của người Ba Lan
tên Mieczyslaw Maneli, thành viên Polish Member of the International
Control Commission, cơ quan này được thiết lập để quan sát Hiệp
Định Genève. Trong suốt nhiều tháng, Maneli qua lại Sài Gòn - Hà
Nội nhiều lần để tìm giải pháp thương thảo. Vào tháng 07 năm 1963,
Bắc Việt đồng ý căn bản là lập chính phủ Liên Hiệp cầm đầu bởi Tổng
Thống Diệm để miền Nam trở thành trung lập. Họ muốn Mỹ phải rút
quân..
10 giờ 30 sáng ngày 6
tháng 9 năm 1963, tại buổi họp trong Tòa Bạch Ốc, Bộ Trưởng Tư Pháp
Robert Kennedy, tức bào đệ của Tổng Tống John Kennedy nêu ra các
câu hỏi: "Liệu có thắng hai ông Diệm-Nhu? Liệu ông Nhu có bị
ông Diệm loại bỏ? Phải xử sự ra sao nếu không thể thắng ông Diệm
được?". Cuối cùng ông Robert Kennedy đề nghị phải cứng rắn với
Tổng Thống Diệm và cắt đứt viện trợ. Bộ Trưởng Quốc Phòng trả lời
là không có cái tin tức nào chính xác cả. Tướng Taylor đề nghị cử
Tướng Victor Krulak đi Việt Nam . Bộ Ngoại Giao cử ông Joseph A.
Mendenhall tháp tùng.
6 giờ sáng ngày 08 tháng
09 năm 1963, hai viên chức này đến Việt Nam . Tướng Krulak phỏng
vấn 80 cố vấn Mỹ luôn cả các viên chức cao cấp. Nhà Ngoại Giao Mendenhall
lại dành thì giờ đi Sài Gòn, Huế, Đà Nẳng để thăm viếng một số bạn
bè cũ.
Ngày 09 tháng 09 năm
1963, hai vị này trở về Hoa Thịnh Đốn phúc trình lại cho Tổng Thống
Kennedy. Tướng Krulak báo cáo là "tinh thần chiến đấu cao và
tốt. Việc xáo trộn chính trị không ảnh hưởng gì đến việc đánh giặc.
Dân chúng ghét ông Nhu thôi chứ không ghét Tổng Thống Diệm".
Trái lại, nhà ngoại giao Mendenhall thì báo cáo là "chính phủ
Diệm bị dân chúng chán ghét, chế độ sắp sụp đổ, và không thể chiến
thắng Cộng Sản được nếu còn Diệm-Nhu". Nghe xong hai báo cáo,
Tổng Thống Kennedy ngơ ngẫn vì hai báo cáo hoàn toàn trái ngược
nhau, khiến T.T. Kennedy phải hỏi: "Có phải là hai vị đã đến
cùng một quốc gia không vậy?" Tuy vậy, Tổng Thống Kennedy ra
lệnh cho các cố vấn nghiên cứu việc cắt viện trợ kinh tế Việt Nam .
Ngày 11 tháng 09 năm
1963, Tổng Thống Kennedy lại nói chưa thể cắt viện trợ chính phủ
Diệm. Không được đảo chánh. Tổng Thống Kennedy muốn thuyết phục
Tổng Thống Diệm loại bỏ ông Nhu khỏi chính quyền...
Ngày 17 tháng 09 năm
1963, Hội Đồng An Ninh chỉ thị Đại Sứ Lodge hòa hoãn với Tổng
Thống Diệm, nhưng bằng mọi cách thuyết phục Tổng Thống Diệm loại bỏ
ông Nhu. Đại sứ Lodge rất bất mãn vì lệnh này, ông muốn đảo chánh
Diệm và cắt đứt viện trợ. Đại Sứ Lodge liên lạc với Tướng Minh bàn
việc đảo chánh. Hội Đồng An Ninh muốn tìm một giải pháp khác. Bộ
Trưởng Quốc Phòng McNamara và Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Taylor qua
Việt Nam để nhìn tận mắt tình hình Phật Giáo, và nếu cần thì phải
áp lực Tổng Thống Diệm. Tháp tùng trong chuyến đi có ông Xếp CIA
Colby, đại diện Tòa Bạch Ốc Forrestal, đại diện Bộ Ngoại Giao
William Sullivan và Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng P. Bundy.
Trước khi trở lại Hoa
Thịnh Đốn, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Taylor và Tướng
Harkins ghé thăm Tổng Thống Diệm tại Dinh Gia Long. Tổng Thống Diệm
hút thuốc liên miên và chỉ tay vào bản đồ để khoe thành tích tiến
triển tốt đẹp. Ông McNamara nhắc Tổng Thống Diệm về các xáo trộn
chính trị và tình hình nguy ngập. Tổng Thống Diệm không đồng ý và bào
chữa rằng đó là do báo chí xuyên tạc làm người Mỹ hiểu lầm. Tổng
Thống Diệm phàn nàn các học sinh nông nổi, thiếu giáo dục và không
hiểu trách nhiệm nên gây rối trật tự, do đó không có giải pháp nào
hơn là tống giam họ. Tổng Thống Diệm thú nhận đã để xáo trộn là vì
ông "quá nhẹ tay và đối xử quá tốt với Phật Giáo".
Tổng Thống Diệm lên án
Mỹ ủng hộ đảo chánh. Vì trước khi đi, Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh
các nhân viên đừng có ý kiến gì về vấn đề này nên mọi người đều nín
thinh. Bộ Trưởng McNamara hỏi tại sao chính phủ không cải chính
những lời tuyên bố "ồn ào" của bà Nhu, và nhắc đến việc
bà Chiang Kai-shek lạm quyền nên đẩy nước Tàu vào tay Cộng Sản.
Tổng Thống Diệm biện minh rằng "bà Nhu là một dân biểu, nên bà
có quyền phát biểu theo ý của bà. Người Mỹ phải thông cảm cho bà vì
bà bị báo chí truyền thông tấn công và xuyên tạc bà với đầy ác
ý". Phái đoàn không lấy làm thỏa mãn về thái độ của Tổng Thống
Diệm.
Ngày 02 tháng 10 năm
1963, phái đoàn trở về Hoa Thịnh Đốn báo cáo tình hình với Tổng
Thống Kennedy: "Về lãnh vực quân sự tốt, nhưng sự tai tiếng
chính trị của hai ông Diệm-Nhu sẽ làm xấu đi". Thảo kế hoạch
cắt viện trợ chương trình Commodity Import Program, đó là chương
trình viện trợ kinh tế giúp Việt Nam 40% số lượng nhập cảng của
quốc gia, và sinh ra một số ngân quỹ lớn cho quân đội. Tổng Thống
Kennedy tuyên bố giờ phút này các cố vấn trong chính phủ ông không
còn có những ý kiến dị biệt nữa.
|
Từ trái: 1. Tướng
Dương Văn Minh. 2.Tướng Lê Văn Kim, 3. Mai Hữu Xuân. 4.
Tướng Trần Văn Đôn.
|
Tướng Trần Văn Đôn gặp
lại bạn cũ là ông CIA Conein tại Tân Sơn Nhất. Rồi lại hẹn gặp nhau
lại tại Nha Trang, hai trăm dặm cách Sài Gòn. Phó Đại Sứ Trueheart
ra lệnh ông CIA Conein không được tuyên bố gì cả, chỉ lấy tin tức
mà thôi.
Tại Nha Trang, Tướng Đôn
công bố đảo chánh. Điều đặc biệt và quan trọng trong buổi họp này
là có sự tham dự của Tướng Tôn Thất Đính. Tướng Tôn Thất Đính khoe
rằng ông là người cứu Tổng Thống Diệm thoát khỏi cuộc đảo chánh
tháng 8, từng cứu Tổng Thống Diệm thoát khỏi các vụ đụng đầu với
Phật Giáo, Cộng Sản v.v... Vì những công lao đó nên Tướng Đính xin
Tổng Thống Diệm trả ơn bằng cách bổ nhiệm ông làm Bộ Trưởng Nội Vụ,
nhưng bị Tổng Thống Diệm từ chối nên Tướng Đính sinh ra thù vặt và
bất mãn Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn biết được tình cảnh ấm ức này
nên đã tìm cách chiêu dụ Tướng Đính gia nhập đảo chánh. Tướng Đôn
đề nghị ông CIA Conein gặp riêng với Tướng Minh.
Ngày 05 tháng 10 năm
1963, ông CIA Conein gặp Tướng Minh tại Sài Gòn, nói chuyện bằng
tiếng Pháp. Tướng Minh đưa ra các điểm:
- Phải biết lập trường
của Mỹ có ủng hộ chính phủ mới tương lai không?
- Không đòi hỏi Mỹ ủng
hộ đảo chánh, nhưng Mỹ đừng cản đường.
- Muốn Mỹ tái viện trợ
kinh tế và quân sự cho chính phủ mới.
Tướng Minh đưa ra các kế
hoạch giết ông Nhu và giết ông Ngô Đình Cẩn, bao vây Sài Gòn bằng
lính, đánh thẳng vào phòng tuyến bảo vệ Phủ Tổng Thống. Ông CIA
Conein không có ý kiến. Tướng Minh hẹn sẽ gặp lại.
Hoa Thịnh Đốn biết tin
nên vừa háo hức mà vừa hồi hộp... Tổng Thống Kennedy nói với Đại Sứ
Lodge rằng chính phủ Mỹ không muốn giật dây cuộc đảo chánh này,
nhưng cũng không muốn bị hiểu lầm là cản trở đảo chánh hay từ chối
viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền mới. Điều quan tâm lớn
nhất của Hoa Thịnh Đốn là rủi cuộc đảo chánh thất bại thì Mỹ sẽ bị
cáo buộc là cấu kết với đám đảo chánh chủ mưu phản loạn. Tòa Bạch
Ốc ra lệnh Đại Sứ Lodge phải cẩn thận và làm sao để mà "có thể
chối được". Các báo cáo liên quan đến tình hình đảo chánh phải
báo cáo riêng, không được báo cáo chung với bản báo cáo thường nhật
của Tòa Đại Sứ. Phải báo cáo riêng và báo cáo về Hoa Thịnh Đốn phải
dùng qua ngã CIA, chứ đừng qua ngã lỏng lẻo Bộ Ngoại Giao. Hơn nữa,
chỉ có Đại Sứ Lodge mới được quyền chỉ thị CIA hành động và chỉ thị
bằng khẩu lệnh mà thôi. Đại Sứ Lodge nói với ông CIA Conein:
"Nếu có gì trục trặc, tôi sẽ chối tuốt luốt".
Biết Tướng Minh chống
Tổng Thống Diệm, Mỹ tuyên bố cắt viện trợ Tổng Thống Diệm, hứa ủng
hộ tân chính phủ. Muốn chứng tỏ Mỹ ủng hộ các tướng đảo chánh, Mỹ
triệu hồi ông Trưởng Phòng CIA Richardson về Mỹ vì cho rằng ông này
thân thiện với Tổng Thống Diệm.
|
Ngày 26 tháng 10 năm
1963, ngày Quốc Khánh kỷ niệm năm thứ tám, thành lập VNCH, TT Ngô
Đình Diệm duyệt binh cùng Tướng Dương Văn Minh, cố vấn Tổng Thống
Phủ, mấy ngày sau, Dương Văn Minh tạo phiến loạn 1-11-1963 sát
hại toàn gia đình TT Ngô Đình Diệm.
|
Ngày 05 tháng 10 năm
1963, Ông Giám Đốc CIA tại Mỹ McCone phản đối kế hoạch giết ông Nhu
và muốn đứng ngoài cuộc đảo chánh. Tuy nhiên vẫn muốn theo dõi kế
hoạch đảo chánh. Ông CIA Conein gặp Tướng Minh nói là Mỹ chống ám
sát, do đó Tướng Minh nói: "Nếu quý vị không thích thì chúng
tôi sẽ không đề cập đến nó nữa". Tướng Minh muốn biết quan
điểm của Mỹ nếu có cuộc đảo chánh "sắp tới đây". Ông CIA
Conein liên lạc với Đại Sứ Lodge và trả lời "bảo đảm ủng hộ
chính phủ tương lai". Từ lúc này, ông CIA Conein biết là nhân
vật mà ông cần liên lạc thường xuyên chính là Tướng trẻ Trần Văn
Đôn. Có những cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa CIA và các tướng đảo
chánh.
Ngày 17 tháng 10 năm
1963, Mỹ báo cho chính phủ Diệm biết là viện trợ Lực Lượng Đặc Biệt
của ông Nhu chỉ được tiếp tục nếu được chỉ huy bởi quân đội. Tướng
Đôn gặp Đại Sứ Lodge tại một buổi tiệc. Ông Lodge nói là không có
nhận được dấu hiệu đảo chánh nào cả.
Ngày 24 tháng 10 năm
1963, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo kéo quân vể Sài Gòn đảo chánh hụt vì
các tướng đảo chánh tại Sài Gòn thay đổi kế hoạch.
Ngày 25 tháng 10 năm
1963, ông CIA Conein hỏi Tướng Đôn bao giờ đảo chánh? Tướng Đôn trả
lời là không biết và hỏi lại ông CIA Conein có được phép của chính
phủ Mỹ để thảo luận về cuộc đảo chánh không? Conein trả lời là Đại
Sứ Lodge ra lệnh. Sau đó Tướng Đôn được Đại Sứ Lodge xác nhận tại
phi trường.
Ngày 27 tháng 10 năm
1963, Tổng Thống Diệm mời vợ chồng Đại Sứ Lodge lên Đà Lạt gặp mặt.
Sau nhiều lần thuyết phục nhưng Tổng Thống Diệm không nghe, Đại Sứ
Lodge nói với Tổng Thống Diệm: "Thưa Ngài, tất cả lời đề nghị
rõ ràng của tôi đều bị Ngài từ chối hết. Theo Ngài nghĩ thì liệu
Ngài có thể làm cái gì mà điều đó có thể đem lại cái nhìn thiện cảm
nơi người Hoa Kỳ?". Mỗi lần nhắc câu hỏi giống vậy thì Tổng
Thống Diệm lại đổi đề tài.
|
Hình chụp tại Đà Lạt
ngày 28 tháng 10 năm 1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đại Sứ
Lodge trước 4 ngày xảy ra đảo chánh.
|
Ngày 28 tháng 10 năm
1963, Tướng Đôn gặp ông CIA Conein tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tướng Đôn
không cho biết chắc chắn ngày đảo chánh, nhưng nói là rất gần.
Tướng Đôn nói sẽ thông báo cho Tòa Đại Sứ biết vài giờ trước khi
bắt đầu đảo chánh. Tuy nhiên Tướng Đôn muốn Đại Sứ Lodge đừng đình
chuyến bay Hoa Thịnh Đốn đã định vào ngày 31 tháng 10 năm 1963.
Tướng Đôn cho biết nhiệm vụ Tướng Minh lo quân đội, Tướng Kim lo
chính trị, và Tướng Đôn lo liên lạc với Mỹ. Hỏi về nhiệm vụ Tướng
Tôn Thất Đính, Tướng Đôn nói Tướng Đính vì từng trung thành với
Tổng Thống Diệm, nên do đó không dám giao trọng trách vì e ngại bị
phản.
Ngày 29 tháng 10 năm
1963, Đại Sứ Lodge thông báo cho Hoa Thịnh Đốn sắp có đảo chánh.
Nói rằng không thể trì hoãn được và không kịp thông báo cho Tổng
Thống Diệm.
Ngày 30 tháng 10 năm
1963, Mc George Bundy gởi điện văn nói là Tổng Thống Kennedy vẫn
còn ý muốn đảo chánh. Tổng Thống Kennedy chỉ thị Đại Sứ Lodge
"nên can thiệp nếu cảm thấy kế hoạch đảo chánh nguy hiểm,
chúng ta ủng hộ nếu thấy diễn tiến đảo chánh tốt, nhưng nếu thấy
tình hình không thuận tiện thì trì hoãn lại để khỏi làm ảnh hưởng
đến chỗ đứng của Mỹ tại Đông Nam Á".
Bản điện văn thứ nhì của
Tòa Bạch Ốc thì bày tỏ sự bất mãn và nói rằng "chúng ta không
thể chấp nhận cái luận điệu cho rằng chúng ta không có đủ tư cách
để trì hoãn hay ngăn cản cuộc đảo chánh".
Đại Sứ Lodge nghĩ là
chính phủ Mỹ muốn ngăn cản đảo chánh, do đó ông gởi một điện văn về
Hoa Thịnh Đốn: "Đừng có nghĩ là chúng ta có quyền trì hoãn hay
ngăn cản đảo chánh. Không thể thông báo cho Tổng Thống Diệm được vì
làm như vậy là chúng ta phản bội các tướng lãnh đảo chánh".
Trái lại, đối với ông
Xếp CIA Colby thì nhận định lại khác: "Bây giờ đảo chánh thì
nói là do người Việt Nam làm, nhưng theo tôi nghĩ thì trên thực tế
quyết định này đã được Tòa Bạch Ốc quyết định từ vài tuần trước,
lúc mà trong cuộc họp báo công khai tuyên bố là cần có một bộ mặt
mới trong chính phủ Việt Nam, ám chỉ muốn thay đổi hai anh em
Diệm-Nhu. Chúng ta cắt ngân khoản CIA viện trợ Lực Lượng Đặc Biệt
của ông Nhu, điều đó có nghĩa là khi chúng ta không đồng ý với họ
chỗ nào thì chúng ta cắt chỗ đó. Mỹ đã bật đèn xanh để các tướng
đảo chánh ra tay".
Tư Lệnh Mỹ tại Việt Nam
, Tướng Harkins không tin tưởng Đại Sứ Lodge và cũng không tin
tưởng các tướng lãnh đảo chánh. Ông nói: "Tướng Đôn nói dối,
ông ta nói với ông CIA Conein là có đảo chánh trước ngày 02 tháng
11, nhưng lại nói với tôi là không có đảo chánh".
|
Tổng
Thống Ngô Đình Diệm (1/03/1901 - 11/02/1963)
|
Tướng Harkins ra lệnh
Thủy Quân Lục Chiến lên bờ Việt Nam . Tướng Harkins gởi điện văn
cho Tướng Taylor ở Mỹ bày tỏ sự chống đối âm mưu đảo chánh Tổng
Thống Diệm. Ông nói: "Chúng ta ủng hộ T.T. Diệm trong suốt 8
năm khó khăn. Thật sai lầm nếu hạ ông xuống, đá ông lăn lóc và đi
truất phế ông ta". Chống lại ý kiến ủng hộ đảo chánh của Đại
Sứ Lodge, Tướng Harkins gởi điện văn cho ông Lodge: "Chúng ta
phải cần thu thập thêm tin tức. Mặc dù Tướng Đôn tuyên bố là đảo
chánh là do chính người Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên trong ngày
gần đây rồi Mỹ cũng phải nhào vô dù có muốn hay không. Chúng ta cần
phải tiếp tục ủng hộ Tổng Thống Diệm cho đến khi nào chịu đựng hết
nổi".
Ngày 31 tháng 10 năm
1963, Hoa Thịnh Đốn gởi cho Đại Sứ Lodge một điện văn được coi là
điện văn cuối cùng. Nội dung là chính phủ Mỹ ra lệnh: "Không
được đứng về phe nào. Nếu tình thế xảy ra không rõ ràng, thì Mỹ
phải đứng hòa hoàn giữa hai bên.. Nếu đảo chánh bị thất bại, tòa
đại sứ nên cho phép họ tỵ nạn tùy theo sự quyết định của Đại Sứ
Lodge. Nhưng cố gắng khuyến khích họ nên đi nơi khác tỵ nạn. Dù
vậy, nếu có cuộc đảo chánh xảy ra thì Mỹ vẫn mong là nó thành
công". Đại Sứ Lodge đình chuyến bay trong ngày này.
Ngày 01 thá ng 11 năm
1963, Tướng Trần Văn Đôn đến Bộ Tổng Tham Mưu lúc 7 giờ 30 sáng, 6
tiếng đồng hồ trước khi đảo chánh. Tướng Đôn chuẩn bị gặp Tướng
Harkins và Đô Đốc Tư Lệnh Thái Bình Dương Harry D. Felt lúc 9 giờ
15 sáng. Đô Đốc Felt muốn gặp Tướng Đôn tại Bộ Tổng Tham Mưu nhưng
Tướng Đôn lại muốn gặp nhau tại cơ quan MACV. Tướng Đôn nói chuyện
bình thường. Ông nói nếu đảo chánh thành công thì sẽ thắng Cộng
Sản. Trong khi nói chuyện, Đô Đốc Felt chỉ lên bản đồ hỏi rằng có 2
Tiểu Đoàn Dù chưa đồng ý gia nhập đảo chánh. Tướng Đôn bảo đảm là
các lực lượng này trên đường đến Tây Ninh, Tây Bắc của Sài Gòn, sẽ
kéo về thủ đô và chủ động cuộc đảo chánh.
9 giờ 45 sáng, Đô Đốc
Felt rời MACV để đến thăm Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn sợ Tổng Thống
Diệm rời Sài Gòn nên nhờ Đô Đố Felt cầm chân Tổng Thống Diệm. Đại
Sứ Lodge làm hẹn và muốn tham dự. Gặp mặt tại Dinh, Tổng Thống Diệm
nói: "Mỗi lần Đại Sứ Mỹ đi Hoa Thịnh Đốn là có tin đồn đảo
chánh. Tôi biết là đang có sửa soạn đảo chánh, nhưng tôi không biết
ai chủ mưu vì họ giữ bí mật kỹ quá". Khi Đại Sứ Lodge sắp đi
thì Tổng Thống Diệm kéo qua một bên và nói là ông sẳn sàng thực
hiện những điều chính phủ Mỹ muốn ông ta làm. Nhưng đã quá trễ, lúc
Đại Sứ Lodge và Đô Đốc Felt từ biệt thì lính đã bao vây thủ đô Sài
Gòn.
11 giờ 45 sáng, Đô Đốc
Feelt chào Tổng Thống Diệm trở lại CINCPAC, có Tướng Đôn và Tướng
Harkins đi cùng. Đô Đốc Felt họp báo tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Sau khi Đô Đốc Felt đi thì Tướng Đôn và Tướng Harkins ăn trưa với
nhau.
Đại Sứ Lodge ngồi lại
nói chuyện với Tổng Thống Diệm tại Dinh Gia Long. Tổng Thống Diệm
nói là Mỹ giật dây xúi Phật Giáo biểu tình và tung tin đảo chánh.
Đại Sứ Lodge trả lời: "Thưa Ngài, nếu một người Mỹ nào hứa hẹn
một điều gì sai trái thì tôi sẽ tống cổ họ ra khỏi nước ngay".
Bào chữa cho ông Cố Vấn Nhu, Tổng Thống Diệm khuyên ông Lodge nên
gọi nói chuyện với ông Xếp CIA Colby và cựu Đại Sứ Nolting để họ
giải thích cho ông Lodge biết lý do tại sao Tổng Thống Diệm cần đến
ông Nhu nhiều như vậy..
Trước khi Đại Sứ Lodge
đứng ra về, Tổng Thống Diệm nói: "Xin ông vui lòng nói với
Tổng Thống Kennedy rằng tôi là đồng minh tốt và thẳng thắn, tôi
muốn là chúng ta nên thẳng thắn cùng giải quyết những vấn đề bây
giờ hơn là nói về nó sau khi chúng ta đã mất tất cả".
|
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết