---------- Forwarded message ----------
From: Van-Nghe
From: Van-Nghe
Xin Chút Yên Lành Trong Giấc Ngủ...
Nguyễn Trần Diệu Hương
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80’ khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết “Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi,” kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Bài mới của Diệu Hương được viết để tiễn đưa ca nhạc sĩ Việt Dzũng, người cô chưa từng gặp.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80’ khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết “Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi,” kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Bài mới của Diệu Hương được viết để tiễn đưa ca nhạc sĩ Việt Dzũng, người cô chưa từng gặp.
Việt Dzũng bên quốc kỳ Việt Nam.
* * *
Đầu thập niên 80s, lần đầu tiên chúng tôi nghe đến tên ca nhạc sĩ Việt Dzũng là lúc chúng tôi ôm cái radio cũ mèm (chắc cũng trạc tuổi chúng tôi) với volume "vừa đủ nghe để khỏi làm phiền lòng hàng xóm" để nghe bài "Một chút quà cho quê hương" được phát từ chương trình của đài BBC với giọt ngắn giọt dài.
Lúc đó chúng tôi còn là học trò ở Việt Nam, không biết gì về Việt Dzũng, nhưng chúng tôi (kể cả các nam sinh trong lớp) đều chảy nước mắt khi nghe:
“Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Xin chút yên lành trong giấc ngủ da vàng.”
Với riêng tôi, nhiều đêm liền trong giấc ngủ không một chút yên lành vì trong lớp, một người bạn mới từ ngoài Bắc vô Nam sau tháng 4/ 1975, là "Bí thư Đoàn Thanh niên CS" của khối lớp 11, luôn để mắt đến những học sinh có cha đi "học tập cải tạo" khi kín đáo, lúc lộ liễu. Đâu đó trong cơn mơ chúng tôi vẫn nghe văng vẳng:
“Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng”
Thời đó, chưa có internet, hoàn toàn không biết gì về ca nhạc sĩ Việt Dzũng. và còn dại khờ nhưng chúng tôi cũng nhận ra tấm lòng và tâm hồn của anh đối với quê nhà.
Chỉ vài năm sau, khi lưu lạc ở trại tỵ nạn Pulau Bidong ở Malaysia, chúng tôi lại được nghe "Một chút quà cho quê hương" và "Tình ca cho Nguyễn Thị Saigon" từ loa phóng thanh của trại hàng tuần. Những lúc như vậy, sinh hoạt của trại như lắng đọng lại. Người ta lắng nghe để nhận ra thân phận chim thiên di phải bỏ quê huơng của mình. Ở một góc biển đảo, giọng hát ngọt ngào của Việt Dzũng làm mềm lòng mọi người. Lần này chúng tôi tha hồ khóc, không còn phải che giấu như ngày còn ở quê nhà, nhất là khi nghe giọng trầm buồn của Việt Dzũng diễn tả:
“Con thuyền mong manh, vẫy tay từ biệt
Gạt lệ ra đi, xin làm thân lữ thứ”
Còn nhớ anh Trịnh, cựu học sinh Chu Văn An, một thầy dạy Toán thiện nguyện cùng chúng tôi ở trường Trung học Pulau Bidong, bằng đúng tuổi Việt Dzũng, đã nói với chúng tôi rất nghiêm trang:
- Sau này nếu anh có con, dù là con trai hay con gái anh sẽ đặt tên cho nó là Hy Vọng và sẽ nói với nó là bác Việt Dzũng đặt tên cho nó.
Tưởng là anh Trịnh chỉ xúc động khi trải lòng cùng Việt Dzũng -một người " cùng lứa bên trời lận đận" với anh - qua các bài hát về người tỵ nạn, nhưng hơn hai mươi năm sau, chúng tôi có dịp gặp con của anh, cô bé Huỳnh Thị Hy Vọng, năm nay sắp tốt nghiệp Đại học biết hát và hiểu mỗi một bài hát Việt Nam "Tình ca cho Nguyễn Thị Saigon" rất rõ ràng mặc dù nói tiếng Việt với âm hưởng chưa chuẩn xác.
Phần chúng tôi, những ngày đầu sống đời lưu vong, vừa đi học, vừa đi làm, không có thời gian để nhớ nhà, để... buồn, nhưng cứ mỗi lần nghe "Một chút quà cho quê hương" nhất là câu:
“Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình”
là mắt chúng tôi nhạt nhòa, đường xá xe cộ bỗng dưng mờ ảo qua màn nước mắt. Chúng tôi phải đổi qua lane trong cùng bên phải để giữ an toàn cho mình và khỏi làm phiền đến các tài xế khác.
Từ khi có Google, chúng tôi biết nhiều về ca nhạc sĩ Việt Dzũng và bầy con tinh thần rất đông đảo của anh (hơn 450 nhạc phẩm), nhưng chúng tôi vẫn thích nhất "Một chút quà cho quê hương", và "Tình ca cho Nguyễn Thị Saigon".
Âm nhạc Việt Nam có rất nhiều nhạc sĩ, có cả trăm nhạc phẩm đi vào lòng người nghe thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thời đại. Lịch sử thuyền nhân Việt Nam với "bầy chim bỏ xứ" có nhiều chuyện lấy được nước mắt của những người cứng rắn nhất nhưng chắc là không có một nhạc sĩ nào- ở tuổi trên dưới hai mươi- viết được:
“Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Xin chút yên lành trong giấc ngủ da vàng.”
Hay
“Ru em giòng lệ quê hương
Chảy xuôi trăm ngả trùng dương chia lìa”.
Với riêng chúng tôi, Việt Dzũng là người có toàn bộ "điều kiện cần và đủ" cho ước mơ mà anh theo đuổi: tài năng và tấm lòng với quê nhà. Do vậy, bây giờ hay mãi mãi về sau nhắc đến dòng nhạc lưu vong người ta sẽ không bao giờ quên anh.
Ước mong Huỳnh Thị Hy Vọng, cùng với Trần Thị Thương Nhớ, Nguyễn Thị Sài Gòn, Lê Văn Lưu Vong…biết con đường phải đi để đưa Việt Nam trở lại với vị trí "minh châu trời Đông".
Vĩnh biệt anh Nguyễn Ngọc Hùng Dũng. Bây giờ thì anh đã có thể về thăm quê nhà, về đi lại trên con đường Nguyễn Du đầy lá me bay ở bên hông trường Taberd của anh ngày xưa. Mà hình như me chín rụng trên đường Nguyễn Du không còn ngọt ngào như ngày xưa khi anh còn là một cậu học trò trung học phải không thưa anh?
Năm mươi lăm năm trên cuộc đời của anh không dài lắm nhưng anh đã để lại nhiều ảnh hưởng và đã gián tiếp đặt tên cho rất nhiều em thuộc thế hệ Việt Nam lưu vong thứ hai.
Anh đã làm được điều triết gia, nhà thơ người Mỹ Ralph Waldo Emerson khuyên, (điều mà mọi người đều mơ ước nhưng rất ít người làm được):
“When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, your're the one who is smiling and everyone else is crying.” (Khi bạn ra đời, bạn khóc mà mọi người đều cười. Hãy sống làm sao đến cuối đời, khi bạn ra đi, bạn cười mà mọi người đều khóc)
Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có cơ hội gặp ca nhạc sĩ Việt Dzũng, chúng tôi xin tiễn anh về cõi vĩnh hằng với "xin chút yên lành trong giấc ngủ ngàn đời".
Đầu Đông 2013
Nguyễn Trần Diệu Hương
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết