QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Thursday, April 30, 2015

Mời bằng hữu miền Bắc Cali tham dự lễ giỗ 30 tháng tư 2015.

  


From: Loc Vu <
Date: 2015-04-30 1:15 GMT-07:00
~~~~~~~~~~~~~~

Mời bằng hữu miền Bắc Cali tham dự lễ giỗ 30 tháng tư 2015.
Thông báo các bạn ở xa,
Thưa các bạn. Chúng tôi có danh sách e mail thân hữu. Những bạn tên tuổi rõ ràng thì nhận ra ngay. Nhiều vị danh hiệu email phức tạp và lạ lùng nên không biết đường nào mà tìm. Lại thêm không biết địa chỉ nên đành phải cứ nhắn tin chung mời các bạn tham dự. Chẳng biết bằng hữu ở xa hay gần. Thôi thì cứ gửi tổng quát và cáo lỗi làm phiền bà con.
Bây giờ là nửa đêm 29 qua ngày 30 tháng tư năm 2015. Ngày mai lúc 11 giờ trưa ngày 30 tháng tư lần thứ 40. Biệt đoàn Lam Sơn có tổ chức Lễ Giỗ cho 7 vị anh hùng tuẫn tiết và tưởng niệm toàn thể quân dân chính đã hy sinh vì tự do. Đặc biệt có mời được gia đình của tất các 7 vị anh hùng từ các nơi xa xôi về dự.
Địa điểm tổ chức là Việt Museum, trong khu San Jose History Park trên đường Senter. Nhưng địa chỉ lối vào chính tại số 635 Phelan Ave. San Jose CA 95112.
Tôi thấy thời gian vừa qua tại CA số người tham dự ngày giỗ của các vị tổng thống Ngô Đình Diệm và tổng thống Nguyễn văn Thiệu rất đông đảo. Vì vậy xin các bằng hữu nên quan tâm đến quý vị đã tuẫn tiết vào ngày 30 tháng tư năm 1975, xin đến để thắp một nén nhang muộn màng cho các vị anh hùng của chúng ta. 
Giao Chỉ San Jose
*************************
30 tháng tư, lúc đó bác ở đâu ?
Đỗ Tiến Đức
Lời tòa soạn Việt Tribune: Nhà văn Đỗ Tiến Đức sinh 1939 tại Sơn Tây. Tốt nghiệp quốc gia hành chánh, giám đốc nha quốc gia điện ảnh VNCH. Giải thưởng văn học toàn quốc 1969 với tác phẩm Má Hồng. Đạo diễn các phim Ngọc lan (72) Yêu (73) Giỡn mặt tử thần (75). Hiện chủ biên Thời Luận miền Nam CA.
Bài này lẽ ra tôi viết ngay sau khi dự buổi ra mắt sách của nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc ngày 18 tháng 4, 2015. Nhưng, sau một đêm ngủ dậy, tôi thấy đầu óc chao đảo như ở trên thuyền. Con gái tôi nói “Bố bị bệnh 30 tháng Tư”. Nó chạy ra tiệm thuốc, mua cho tôi hộp thuốc say sóng.
Uống hai ngày mà đi vẫn phải vịn vì sợ té,  nhà tôi chở tới phòng mạch Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ. Ông đo mạch lên số 140. Ông nghe phổi nghe tim, khám mắt khám miệng, khám tai một lúc rồi kết luận bên tai trái của tôi bị virus quậy. Tôi đưa hộp thuốc say sóng cho ông coi. Ông nói “OK, ông uống thêm một hai ngày nữa là hết”.
Tôi nói : “Con tôi nó bảo tôi mắc bệnh 30 tháng Tư”. Bác sĩ Kỳ cười : “Chắc cũng không sai. Ông bị tù cải tạo rồi vượt biên, phải không ?”. Tôi gật đầu rồi kể chuyện tháng Tư 1975 cho ông nghe. Vài phút sau, ông xua tay : “Thôi, ông đừng nói nữa. Mạch của ông từ 140 vọt lên 190 rồi đây này”.

Tựa đề cuốn sách “30 tháng Tư, Lúc Đó Bác Ở Đâu” của Nhà văn kiêm nhà báo Giao Chỉ Vũ Văn Lộc ám ảnh tôi ngay từ lúc tôi mở phong bì  ra, nhìn thấy cuốn sách của tác giả gửi tặng.  Suốt 40 năm nay, hẳn là nhiều người đã hỏi nhau câu đó.  Và tôi cũng đã nghe có người hỏi tôi câu đó. Nhưng, lời nói thì bay đi, chữ nghĩa còn ở lại, và nay trở thành tựa của một cuốn sách hơn 200 trang…
Tôi đả bỏ dở công việc đang làm để đọc ngay tác phẩm “30 Tháng Tư, 1975 Lúc Đó Bác Ở Đâu” của Vũ Văn Lộc, một cây viết tự nhận ngay trong “Lời Nói Đầu” rằng ông chì là người “viết văn tài tử”. Ông cũng không sáng tác, không tưởng tượng, không hư cấu mà “nội dung tôi viết sự thực, toàn sự thực”. Ông cho biết : “Qua nước Mỹ, công việc cơ quan đòi hỏi phải viết tin tức và thông báo. Rồi viết bình luận và kể truyện. Gần 40 năm qua, lưu lại được phần nào. Tôi soạn lại và phát hành nhiều Giao Chỉ Văn Tuyển.. Đây là cuốn số hai tập trung các bài viết về quý niên trưởng và ngày 30 tháng 4, 1975”.
Tôi còn được biết thêm ông là một đại tá của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm nay ông đã ngoài tám mươi nhưng ông chưa chịu nhận làm người già. Theo ông cho biết thì khóa sĩ quan của ông nếu lúc ra trường là cấp tiểu đoàn thì nay chỉ còn khoảng một trung đội. Mà cái trung đội ấy nay vừa chống Cộng vừa chống gậy. Thế mà ông vẫn cứ phom phom, dám thuê xe tải cùng vợ con chở cả Bảo Tàng Viện từ San José  xuống Nam Cali triển lãm ngày cuối tuần rồi lại phom phom dọn gánh quay về Bắc Cali. Ông là đàn ông, tất nhiên, Đại tá mà, thế nhưng ông từng bị ung thư vú mới là chuyện hi hữu. Đại tá Đỗ Kiểm nói đùa rằng Vũ Văn Lộc sang Mỹ có tên là Loc Vu. Viết không dấu nên có thể đọc là Lóc Vú, như thế anh này bị ung thư vú là… tiền định rồi. Tôi thì nói, tụi Mỹ nó chữa cho anh chàng này khỏi bệnh chứ nếu bị di căn thì có khi mình lại nghe anh chàng này có… dạ con..
Nội dung sách “30 tháng Tư 1975 Lúc ấy Bác ở đâu ?” gồm 20 bài. Mở đầu là bài “Hồi ký Cam Ranh” rồi tới những bài viết về các vị tướng của Quân Lực Việt Nam cộng hòa, bắt đầu là “Đồng Văn Khuyên, vị nội tướng của Quân Lực Việt Nam cộng hòa”,  rồi “Đại tướng Dương Văn Minh, một vòng hoa cho niên trưởng”, “Cao Văn Viên, Đại tướng của tôi”, “Đại tướng Nguyễn Khánh, vị quốc trưởng cuối cùng”, “Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, anh tư mắt kiếng”, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, niên trường ra đi, chân lý khôn cùng”. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, chết để làm gì ?”… Theo mục lục, không thấy bài nào có tựa đề liên quan đến ngày 30 tháng 4 với câu hỏi  “Lúc đó Bác ở đâu”.
Vậy ai hỏi ai rằng “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 lúc ấy Bác ở đâu ?”. Có phải người nào đó hỏi ông Vũ Văn Lộc hay ông Lộc hỏi thượng cấp hay bạn bè của ông vào những dịp 30 tháng tư ? Chắc thế, vì trong bài “Hồi Ký Cam Ranh”, nhà văn Giao  Chỉ viết “Gần 40 năm sau, chỉ còn mình tôi ngồi nhớ khung trời Cam Ranh mà chẳng biết bây giờ các ông ở đâu. Vẫn còn nhớ mãi câu hỏi, phần bác, ngày 30 tháng tư bác ở đâu ?”. Vậy, hỏi để làm gì ?
Tôi mang cái thắc mắc ấy tới buổi ra mắt sách “30 tháng Tư 1975 Lúc Đó Bác Ở Đâu” của nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, tổ chức tại phòng sinh hoạt của báo Việt Báo ở Westminster chiều ngày 18 tháng 4, 2015. Trong thư mời tham dự , nhà văn Giao Chỉ viết, “Chương trình ra mắt sách sẽ không có văn nghệ giúp vui. Không có những diễn tiến phức tạp. Không có tiếp tân cao lương mỹ vị, chỉ có chén rượu nhạt, một chút bánh trái hương hoa và rất nhiều tình cảm.”
Rất đúng như tác giả viết, trong không khí ấm cúng của căn phòng vừa phải là hầu hết những người bạn của ông Vũ Văn Lộc. Có người từ Hoa Thịnh Đốn như bà Mary Chi Ray, nguyên là Phó Tổng Giám Đốc Sở Định Cư Tỵ Nạn Liên Bang, và rồi giữ chức Ủy viên trong Cơ Quan Liên Bang về Kinh Doanh tiểu thương (US Small Business Administration).
Giới nhà báo, văn nghệ sĩ có mặt không đông bằng giới quân đội. Có tướng Nguyễn Bảo Trị, có tướng Trần Quốc Lịch, đại tá không quân Nguyễn Xuân Vinh, đại tá Phạm Văn Chung, đại tá Đỗ Kiểm, đại tá Lê Khắc Lý, trung tá hải quân Trần Văn Sơn tức nhà bình luận Trần Bình Nam, trung tá dù Ngô Lê Tĩnh...
Ông Phạm Phú Nam, người dẫn chương trình cho biết ông đã làm việc ở IRCC hơn 20 năm, có cơ duyên gần với nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, người viết hơn 700 bài viết, có bài bị chỉ trích dữ dội, nhưng cũng có rất nhiều người email tới ủng hộ. Lý do là tính ông Lộc thẳng thắn, bộc trực.
Giao Chỉ, Nhã Ca và Kiều Chinh ngày ra mắt sách

Theo ông Nam thì hôm nay ra mắt Giao Chỉ Văn Tuyển 2015 cuốn số 1 và cuốn số 2. Cuốn số 1 tên là  Đi Không Ai Tìm Xác Rơi, tác giả Phạm Kha kể lại cuộc đi tìm xác anh rể rớt phi cơ sau gần 40 năm, tìm được xác anh vẫn ngồi trong cabin chúi sâu dưới mặt đất 15 mét, vẫn còn đồng hồ đeo tay, giấy tờ, di vật. Cuốn số 2 tên là “ 30 Tháng Tư Đen Lúc Đó Bác Ở Đâu” gồm những bài viết về “quý niên trưởng” của tác giả liên quan đến ngày quốc hận Tháng Tư cách đây 40 năm… Hai cuốn này là hai tác phẩm đầu tiên trong dự định sẽ ra mắt 10 liên tiếp tác phẩm trong năm nay của nhà văn Giao Chỉ.
Trong khi các bạn của ông Vũ Văn Lộc lần lượt được mời lên phát biểu, tôi lắng nghe xem có vị nào đề cập đến tựa sách “30 Tháng Tư, 1975 Lúc Đó Bác Ở Đâu”. Nhưng tôi không nghe ai nói. Không ai giải thích cho tôi biết. Tôi tự hỏi, thế chẳng hóa ra chỉ có mình mình lẩn quẩn về cái bìa sách đó sao.
Tôi bèn lật cuốn số 1 “Đi Không Ai Tìm Xác Rơi” lướt nhanh xem những trang sách. Thì ra phần chính của cuốn sách này là bút ký của Phạm Kha và nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc là người giới thiệu. Nhà văn Giao Chỉ mở đầu như sau: “Đi không ai tìm xác rơi” là tựa đề tập bút ký của Phạm Kha, cô em vợ đã bỏ hai năm đi tìm xác người anh rể thay chị.. Máy bay rớt năm 1966 tại Hố Bò, trong lãnh thổ tỉnh Hậu Nghĩa. Anh phi công khu trục của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nằm chờ 40 năm trong lòng đất quê hương. Một chuyện MIA rất Việt Nam. Trại qua bao nhiêu gian nan. Tìm đươc xác người phi công trẻ và mai táng lại ngay tại địa phương. Cả làng cộng sản Hố Bò đi đưa đám”.
Nếu như cuốn “Lúc Ấy Bác Ở Đâu” tác giả không giải thích từ đâu mà có cái tựa như thế, thì trong cuốn này, ông lại dẫn giải cặn kẽ rằng “Đi không ai tìm xác rơi trích từ bài ca “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Vũ Văn Lộc viết : “Bài ca này do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ngay từ thời không quân Việt Nam chưa thành lập đã có những lời hết sức oai hùng nhưng cũng rất ai oán “Đi không lo gì xác rơi”.
“Vào cuối thập niên 50, Không Quân Việt Nam Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam và mặc nhiên bài ca bất hủ của Văn Cao trở thành ca khúc chính thức cùng với Hải Quân Việt Nam Hành Khúc dành cho Hải Quân Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên đã có một sự thay đổi “Đi không lo gì xác rơi” được hát thành “Đi không ai tìm xác rơi…”.
Đọc xong truyện, tôi tự hỏi, truyện viết về cuộc đi tìm xác rơi mà lại lấy tựa là “Đi không ai tìm xác rơi” liệu có mâu thuẫn không ? Tôi được biết, mỗi khi một phi cơ lâm nạn ngoài chiến trường, đều có những cuộc tìm kiếm ráo riết của đồng đội chứ đâu có tình trạng không ai đi tìm xác rơi. Có thể ông Văn Cao viết bạn nhạc này là khi ông mơ về một ngày  cộng sản Việt Nam có không quân và trong bối cảnh “bộ đội cụ Hồ” ra trận chết là hết, xác mà tìm làm chi, mà tìm làm sao thấy trong lối đánh biển người thí mạng.
Vậy là ai cũng hiểu nội dung cuốn sách “Đi không ai tìm xác rơi” qua tựa đề. Thế còn tựa đề “30 tháng Tư 1975, lúc ấy Bác ở đâu ?”, tác giả muốn nói điều gì ?  Hay đó là câu mà nhà văn Giao Chỉ hỏi các thượng cấp và bạn bè ông, và chính vì muốn có câu trả lời mà ông đã mất công tìm gặp những tướng lãnh từ Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Kỳ, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Khuyên vân vân… Nhưng rồi khi lật cuốn sách “Đi không ai tìm xác rơi”  tới trang 141, tôi lại thấy một bài có tựa đề “Lúc đó Bác ở đâu”. Đây là đoạn mở đầu của bài này :
Thưa Bác,
Nhiều năm qua, bác nhắc đi nhắc lại về chuyện Ba Mươi Tháng Tư. Bác nói rằng mỗi người chúng ta đều có một ngày 30 tháng Tư cho riêng mình. Bác vẫn hỏi một câu: “Lúc ấy quý vị đang ở đâu ? Thưa Bác, ngày 30 tháng Tư năm 75 cháu đi nhận xác chồng ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Vậy thì phần Bác, Ba mươi tháng Tư Bác ở đâu ?”.
Thế là đã rõ, câu “Ngày 30 tháng Tư 1975 quý vị đang ở đâu ?” là của Nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc. Nhưng, lại tự hỏi, sao ông không in truyện “Lúc đó Bác ở đâu” trong tập 2 khi mà ông lấy tựa đề truyện này đặt tên cho tuyển tập 2? Thôi thì thắc mắc làm chi ba cái lẻ tẻ ấy. Cứ coi đó là “kiểu” Vũ Văn Lộc là xong chuyện.
Vậy mà khi anh Phạm Phú Nam mời tôi lên phát biểu, tôi lại vẫn lẩn quẩn với cái tựa sách “30 Tháng Tư 1975 Lúc ấy Bác ở đâu ?”. Tôi nói rằng vì bất ngờ được ông Vũ Văn Lộc chiếu cố gọi lên máy vi âm nên tôi đã không được soạn trước, do đó sẽ không văn vẻ, không lớp lang, chỉ nghĩ gì nói vậy dựa trên tình bạn giữa tôi và anh Lộc.
Tôi quen biết anh Lộc vào khoảng năm 1979-1980 khi tôi mới sang Mỹ định cư. Lúc ấy anh Lộc đã điều hành cơ quan thiện nguyện IRCC lo giúp đỡ người tỵ nạn trong bước đầu định cư. Một số bạn cùng học trường Quốc Gia Hành Chánh của tôi làm việc cho anh Lộc, giới thiệu anh Lộc với tôi. “Ở Việt Nam, ông ấy là Đại tá ngành Tiếp vận, giờ sang Mỹ ông ấy làm Bộ Xã Hội mà rất thành công”.
Trong buổi ra mắt sách ngày 18 tháng 4, 2015 bà Mary Chi Ray kể rằng hơn hai thập niên trước khi bà giữ chức Phó Tổng Giám Đốc Định Cư Tỵ Nạn,  bà đã yểm trợ Hội IRCC của anh Vũ Văn Lộc vì thấy anh làm việc không biết mệt, có nhiều sáng kiến và rất cảm thông với đồng hương tỵ nạn. Bà ca ngợi những việc làm của ông Vũ Văn Lộc là hy hữu vì ngoài công việc của cơ quan phục vụ  cộng đồng, ông Lộc đã dựng được Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân Việt Nam, cũng như giúp Thương Phế Binh VNCH và phát động công cuộc  tu bổ Nghĩa Trang Quan Đội Biên Hòa.
Hơn ba chục năm nay tôi được đọc những bài viết của anh Lộc, dưới bút hiệu   Giao Chỉ. Theo tôi thì có lẽ ở hải ngoại, Giao Chỉ là cây bút viết khỏe nhất, viết nhanh nhất, đều đặn nhất, tuần nào cũng có bài gửi “cho không biếu không” các báo Việt Nam khắp thế giới. Anh không tả cảnh trời trăng mây nước mà chỉ tả tình tiết của câu chuyện một cách bộc trực, ngắn gọn “kiểu” Vũ Văn Lộc.  Có thể tạm ví von cho dễ hiểu, đa số văn thi sĩ sáng tác giống như người đi xe đạp, nhẩn nha vừa đi tới mục tiêu vừa ngắm phong cảnh, còn Vũ Văn Lộc  khi bắt đầu  viết thì ngòi bút của anh như chiếc thiết vận xa M113 ào ào lao tới chiếm lĩnh mục tiêu sao cho nhanh cho gọn. Nhờ thế mà anh viết kịp thời gian tính những đề tài thời cuộc của cộng đồng người  Việt tỵ nạn. Tác phẩm của anh toàn là “chuyện chỉ có ở Việt Nam” vừa hào hùng vừa bi thảm. Đọc truyện của anh nhiều khi nhức đầu vì khi bỏ cuốn sách xuống, những nhân vật, những chi tiết, những hình ảnh trong sách vẫn cứ chập chờn day dứt khôn nguôi vì mình như người từ trong truyện bước ra. Vậy là song song làm việc Bộ Xã Hội, bạn tôi còn kiêm thêm làm việc cho Bộ Thông tin và cho Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa nữa đấy.
Trong những thư mời đồng bào tới dự buổi ra mắt sách, Nhà văn Giao Chỉ cho biết ông dự định in 10 cuốn trong năm nay, dưới cái tên “Giao Chỉ Văn Tuyển 2015” mà hôm nay ông trình làng hai cuốn. Nhưng, lại nhưng, 8 cuốn còn lại sẽ chỉ chào đời nếu 2 cuốn đầu thu đủ vốn. Hiện giờ ông ở trong mobil home sau khi bán căn nhà do hai vợ chồng làm chủ lấy 200,000 đô la để dựng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở San José. Nói như thế nghĩa là giờ đây ông không còn gì để bán lấy tiền in sách nữa.. Tội nghiệp, phải chi tuần này tôi trúng độc đắc kỳ xổ số Powel ball…
Đã thế mà khi phát biểu, tôi lại đề nghị ông Lộc hãy nghĩ tới việc chuyển ngữ hai cuốn “Lúc đó Bác ở đâu?” và “Đi không ai tìm xác rơi” sang tiếng Mỹ. Tôi không nghĩ tới khó khăn kiếm tiền in mà tôi chỉ nghĩ đến giá trị của hai cuốn sách. Nếu thời trước, các nhà phê bình văn học thường chi ra các loại tiểu thuyết như tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết lịch sử thỉ tác phẩm của Giao Chỉ chắc chắn thuộc nhóm tiểu thuyết lịch sử. Chỉ khác là hồi xưa đa số truyện lịch sử là chuyện cung đình, nhân vật là các ông hoàng bà chúa, nay với nhà văn Giao Chỉ, tiểu thuyết lịch sử là chuyện của dân gian góp lại.
Tôi đề nghị dịch các tuyển tập của nhà văn Giao Chỉ sang tiếng Anh, tiếp Pháp, tiếng Tây Ban Nha trước hết là tôi nghĩ tới giúp thế hệ con cháu không còn đọc rành tiếng Việt, hiểu thêm chính nghĩa của cha anh trong cuộc chiến Việt Nam, trong khi ở thư viện Mỹ đã có những sách viết về cuộc chiến đó do cộng sản Việt Nam xuất bản.
Thứ hai, tôi muốn những tác phẩm của Vũ Văn Lộc phải được thế giới  biết đến. Những truyện của Vũ Văn Lộc là trăm phần trăm chuyện thật của nước Việt Nam máu lửa triền miên, tử thần và bà tiên nhân ái ngồi chung chiếu,  cho dù những nhà văn thiên tài cũng không thể tưởng tượng nổi nhửng khổ đau bi phẫn của kiếp người. Tôi đã được đọc một số tác phẩm của những nhà văn gốc Việt đoạt giải thưởng ở các nước Âu Mỹ, có thể nói tác phẩm của Vũ Văn Lộc nếu không viết bằng chữ Việt thì cơ may lãnh giải thưởng văn chương của Pháp, Úc hay Mỹ, Canada cũng có thể ở trong tầm tay.
Nhiều nhân vật trong sách của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc mới đó mà nay không còn trên cõi đời này nữa. Những điều gì mà họ có thể giúp làm sáng tỏ lịch sử, cụ thể là tại sao có ngày 30 tháng Tư 1975 chúng ta chỉ còn tìm thấy thấp thoáng trong hai tác phầm của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc.
Nhưng soi sáng lịch sử là công việc của những nhà sử học. Câu hỏi “30 tháng Tư 1975, lúc ấy Bác ở đâu” mà nhà văn Vũ Văn Lộc đưa ra cũng chỉ là đi tìm dĩ vãng, ta nên giao vụ này cho các vị nghiên cứu sử. Nhà văn Giao  Chỉ viết “Vẫn còn nhớ mãi câu hỏi, phần bác, ngày 30 tháng tư bác ở đâu ?”. Vậy, hỏi để làm gì ? Có lẽ hỏi chỉ để thỏa mãn sự tò mò muốn biết vào cái ngày 30 tháng Tụ 1975 nghiệt ngã ấy các thượng cấp, các chiến hữu, bạn bè của ông đã  trốn chạy để thoát chết như thế nào chăng ? 
Còn chúng ta, nếu đã được nghe các Bác trả lời các Bác ở đâu trong ngày 30 tháng Tư 1975, hoặc chưa được nghe Bác nói gì thì cũng xin hỏi tiếp các Bác rằng: “30 tháng Tư năm nay Bác ở đâu ?”. Bác có tham gia các cuộc biểu tình ngày Quốc Hận không ? Bác có dự các cuộc hội thảo đấu tranh giải thể cộng sản tại quê nhà không ? Hay Bác đang ở trên du thuyền trên biển ? Hay Bác về Việt Nam làm ăn ? Hay Bác ngồi trong phòng mạch, trong các cơ sở thương mại buôn bán như mọi ngày???
Đỗ Tiến Đức

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Thông báo của Việt Museum
Chúng tôi vừa phát hành 2 cuốn sách của tác giả Giao Chỉ. Xin các bạn gửi địa chỉ về cho chúng tôi qua email để nhận sách.
Cuốn số Một có tựa đề: Đi, không ai tìm xác rơi. Chuyện về thân phận của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Ấn phí và bưu tín $10 us.
Cuốn thứ hai có tựa đề: Lúc đó bác ở đâu? Đây là câu hỏi về 30 tháng tư 75 bác làm gì, ở đâu. Ấn phí 12$ US. Có thể gửi tiền cho IRCC 317 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121.

Cũng có thể chỉ cần gửi địa chỉ, chúng tôi sẽ gửi sách rồi tiền ủng hộ sẽ nhận sau. Có thể giới thiệu các địa chỉ của bạn xa gần tại Hoa Kỳ. Hiện nay vì cước phí quá cao nên chưa phát hành tại Âu châu và Úc Châu. Nếu quý vị muốn có sách gửì cho bà con xa, chúng tôi sẽ gửi để các bạn chuyển đi. Chi phiếu đề cho IRCC dành để bảo toàn Việt Museum tại San Jose.

Từ nay cho đến hết năm 2015 bộ sách Giao Chỉ Văn Tuyển sẽ tiếp tục phát hành tổng công 10 cuốn. Xin các bạn độc giả đón nhận và phổ biến. Sách gửi bưu điên đôi khi sai lạc. Nếu chưa nhận được xin nhắc lại.
Nếu nhận được hai lần, xin tặng cho thân hữu. Tất cả đều nằm trong chương trình của Việt Museum.
Chân thành cảm tạ.
IRCC.

__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List