TRUNG-TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG
ĐẠI-BIỂU CHÍNH-PHỦ TẠI VÙNG I
TƯ-LỆNH Quân-Ðoàn I &
Quân-Khu I Ngô Quang Trưởng được hầu hết mọi người khâm-phục. Ông đã dành nhiều
tâm-trí, công-sức, và thì-giờ vào các cuộc hành-quân hơn là vào công việc
văn-phòng. Ông thường-xuyên mặc chiến-phục, đội mũ sắt, mang áo giáp, bay đến
tận từng đồn+chốt khắp Quân-Khu, để quan-sát, nghiên-cứu tình-hình tại chỗ, và kiểm-tra
tác-phong kỷ-luật của các cấp quân-nhân. Bản-thân ông ít thích truy-hoan, nên
cấm sĩ-quan thuộc quyền đến khiêu-vũ ở các nhà hàng ca+vũ+nhạc, khiến các
Tỉnh-Trưởng và Thị-Trưởng tại Quân-Khu I cấm luôn cả các phòng trà ca-nhạc
tổ-chức khiêu-vũ cho bất-cứ giới khách hàng nào.
Ðó là tóm-tắt những nét
chính về Tướng Trưởng được nhiều người nhận thấy hoặc đồn miệng với nhau.
Riêng đối với tôi, ông
còn là Ðại-Biểu Chính-Phủ, tức Thủ-Hiến, của Vùng I, nhất là sau khi Tòa
Ðại-Biểu Chính-Phủ đã bị giải-tán, chức-vụ Phụ-Tá Hành-Chánh cho Tư-Lệnh Quân-Khu
cũng bị bãi-bỏ luôn. Tư-Lệnh Quân-Ðoàn/Quân-Khu cử-nhiệm các Tiểu-Khu-Trưởng và
Ðặc-Khu-Trưởng kiêm-nhiệm Tỉnh-Trưởng và Thị-Trưởng. Tư-Lệnh Quân-Ðoàn/Quân-Khu
trực-tiếp điều-khiển Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng sở-tại, đồng-thời cũng là
Chủ-Tịch Hội-Ðồng Bình-Ðịnh & Phát-Triển cầm đầu công-tác chuyên-môn của
đa-số các Bộ quan-trọng thuộc Chính-Quyền Trung-Ương thực-hiện trong lãnh-thổ
Quân-Khu mình. Tóm lại, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng là Trưởng Chính-Quyền tại Miền
Trung.
Tôi trích sao riêng gửi
cho ông biết điều-khoản trong Sắc-Lệnh của Thủ-Tướng quy-định việc tôi,
Giám-Đốc Ngành Đặc-Biệt cấp Vùng, trực-tiếp báo-cáo tình-hình lên Tư-Lệnh Quân-Khu,
liên-quan đến an-ninh và chính-trị nội-bộ, thuộc thẩm-quyền của Ðại-Biểu
Chính-Phủ, là chức-vụ mà ông kiêm-nhiệm hiển-nhiên.
Sau đó, tôi chính-thức
tường-trình lên ông những vấn-đề nội-chính của Quốc-Gia.
Vấn-Ðề Quân-Nhân Vô-Kỷ-Luật
Khi người lính ở trong
quân-sở hoặc quân-cứ thì quân-phong quân-kỷ có thể được xem là việc riêng trong
gia-đình Quân-Lực; nhưng một khi người lính đã đi ra ngoài thì mọi ngôn-ngữ cử-chỉ
dù nhỏ-nhặt cũng ít nhiều ảnh-hưởng đến mối quan-hệ giữa Quân và Dân.
So với tổng-số quân-nhân
tại-ngũ thì tỷ-lệ cá-nhân vô-kỷ-luật chỉ là một con số nhỏ; nhưng những việc
làm sai-quấy của số ít này đã gây bất-bình và ác-cảm không ít trong dân-nhân
đối với binh-giới nói chung, tạo thành một vấn-đề trong lãnh-vực chính-trị nội-bộ
của chế-độ Việt-Nam Cộng-Hòa.
Khi nào có một người nào
vi-phạm luật-pháp hoặc luật-lệ hiện-hành mà mặc quân-phục rõ-ràng hoặc tự-xưng
là quân-nhân, thì Cảnh-Sát chỉ cần báo cho Quân-Cảnh đến chấp-lý mà thôi. Thế
là Cảnh-Sát, ở đây, là Cảnh-Sát Sắc-Phục, không theo-dõi, thống-kê, phân-loại,
so-sánh tăng/giảm, tìm hiểu nguyên-nhân, v.v...; vả lại, dù có muốn cũng không
làm được, vì không biết rõ tính-danh, số quân-tịch, cấp-bậc, đơn-vị, nội-dung
sự phạm-pháp, cách giải-quyết, và kết-quả thế nào.
Nhưng đó lại là một
vấn-đề nội-chính. Nó thuộc phạm-vi nghiên-cứu của Ngành Ðặc-Biệt (Cảnh-Sát
Ðặc-Biệt); nó xảy ra trong vùng sinh-hoạt của người dân, là vùng mà tôi đã đề-nghị
và Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu sở-quan đã đồng-ý giao cho Ngành Ðặc-Cảnh chịu
trách-nhiệm về an-ninh chung; và nó cũng là một mục-tiêu hoạt-động hàng ngày
của chính Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng.
Phải bảo-toàn hình-ảnh
tốt đẹp của người chiến-sĩ đang hy-sinh xương máu trên chiến-trường; phải
duy-trì mối tình khắng-khít cá+nước quân−dân; phải xóa sạch mọi tỳ-vết, không
để cho kẻ thù khai-thác vơ đũa cả nắm chê-bai hàng-ngũ Quốc-Gia chúng ta.
Lần đầu tiên là vào cuối
năm 1973, tôi nêu đề-tài này lên trong một buổi họp đặc-biệt của nhóm người tạm
gọi là Ủy-Ban Phối-Hợp Tình-Báo Quân-Khu I, mà Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng
giao cho Đại-Tá Hoàng Mạnh Ðáng, Tham Mưu Trưởng, đại-diện, chủ-tọa các buổi
họp hằng tuần. Tôi lấy Quốc-Lộ số I là con đường bộ huyết-mạch nối liền từ
Thủ-Đô Sài-Gòn ra các tỉnh Miền Trung và miệt ngoài, đoạn từ Sa-Huỳnh cực-Nam
của Tỉnh Quảng-Ngãi ra đến Ðèo Hải-Vân cực-Bắc của Tỉnh Quảng-Nam, trong đó có
Thị-Xã Ðà-Nẵng, để làm bối-cảnh điển-hình.
Trên con đường này, không những chỉ
có sự đi lại của mọi tầng-lớp và thành-phần dân-nhân, các loại ngoại-kiều, mà
còn có sự hiện-diện thường-xuyên và tập-trung hoạt-động của mọi cơ-quan và
đơn-vị thi-hành luật-pháp và duy-trì an-ninh trật-tự chung. Vào thời-điểm đó,
trung-bình hai tháng là có một vụ quân-nhân dùng súng bắn bừa vào xe đò chở đầy
hành-khách đang chạy trên Quốc-Lộ số I, gây thương-tích cho một vài thường-dân.
Trong phòng làm việc của
Đại-Tá Ðáng có một bộ-phận giống như chi-nhánh của hệ-thống nội-đàm mà tôi đoán
là máy chính nằm trong phòng làm việc của Trung-Tướng Trưởng. Có lẽ ông đã mở
máy mà nghe Ủy-Ban chúng tôi thảo-luận những gì.
Lần họp kế sau, Đại-Tá
Ðáng khéo-léo nhắc chúng tôi đừng đề-cập nhiều những vấn-đề nội-bộ, ý nói vì có
Người Bạn Ðồng-Minh (viên-chức CIA cố-vấn của Ðặc-Cảnh) và thông dịch-viên cùng
nghe.
Tôi còn nhớ ngày xưa,
khi tôi còn làm giám-đốc chương-trình phát-thanh “Tiếng Nói Quân Ðội” tại Ðệ-Nhị
Quân-Khu, tôi phải đệ-trình bản thảo bài xã-luận của tôi viết hằng ngày lên cho
Thiếu-Tướng (sau này là Trung-Tướng) Lê Văn Nghiêm, Tư-Lệnh Quân-Khu, duyệt trước,
để được đọc trên Ðài vào chiều cùng ngày và được đăng trên báo “Tin Tức” phổ-biến khắp Quân-Khu vào
sáng hôm sau. Có một lần, bài xã-luận của tôi nhắc-nhở tài-xế quân-xa tuân giữ
luật-lệ lưu-thông khi lái xe trên đường thành-phố.
Tôi quan-niệm rằng: khi
một người lính, dù là hạng chót (binh nhì), đứng gác ở một cổng đồn, anh ta có
quyền chận đường một ông Bộ-Trưởng; khi một nhân-viên Quan-Thuế (dù là hạ-đẳng)
soát hàng ở một phi-trường, anh ta có quyền lục xách một viên đại-tướng; vậy
thì, khi một đại-diện Cảnh-Sát (dù là sơ-cấp) kiểm-soát xe cộ, tại sao anh ta
lại không có quyền chỉ-dẫn đúng luật đi đường cho các tài-xế quân-xa?
Tướng Nghiêm phê vào bên
lề bản thảo của tôi hai chữ “con cú”. Phòng Năm chúng tôi đoán ý ông cho rằng
bài xã-luận ấy có phần cay-cú hoặc xoi-mói như “cú vọ” (?), nên đã xếp bỏ.
Phần đông cấp trên không
muốn nghe người khác nói đến khuyết-điểm của cấp dưới thuộc phần trách-nhiệm
của mình.
Tuy nhiên, việc của tôi
thì tôi vẫn phải làm. Ngoài Tư-Lệnh Quân-Khu ra, tôi còn báo-cáo lên Trưởng
Ngành Ðặc-Biệt Trung-Ương, là Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây. Nơi đây chuyển
lên Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia kiêm Ðặc-Ủy-Trưởng Trung-Ương Tình-Báo, là
Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình,
để ông trình tiếp lên Tổng-Thống. Như thế thì Trung-Ương vẫn biết đến vấn-đề đó
như thường.
Sau đó, tôi không
trình-bày sự-việc nói trên trong các buổi họp như thế nữa. Tôi làm công-văn
báo-cáo hằng tháng lên Tư-Lệnh Quân-Khu.
So-sánh thì thấy, vào
cuối năm 1973, trung-bình hai tháng mới có một vụ, gây thương-tích cho một vài
thường-dân; nhưng đến mấy tháng đầu năm 1975, liền trước ngày thất-thủ Quân-Khu
địa-đầu này, tổng-số thống-kê mỗi tháng đã lên đến cả chục vụ, gây cả tử-thương
cho nhiều hành-khách, trong đó có một số là quân-nhân, và có lần cho cả một
tu-sĩ của Ðạo Kitô.
Vấn-Đề Kiểm-Soát các Cựu-Can & Cựu-Cán
Việt-Cộng
Phong-trào phản-đối
Chiến-Tranh Việt-Nam ở Hoa-Kỳ và một số nước khác đã mở đường cho Hiệp-Ðịnh
Paris 1973. Hậu-quả trầm-trọng và cụ-thể nhất là Mỹ giảm bớt dần dần để rồi
chấm dứt hẳn viện-trợ cho Việt-Nam Cộng-Hòa.
Sau vụ Việt-Cộng
tổng-tấn-công Tết Mậu-Thân năm 1968, hoạt-động của Quân-Lực cũng như của
Ðặc-Cảnh gia-tăng tối-đa; do đó, số cán-bộ, bộ-đội, và cơ-sở địch bị bắt cũng
gia-tăng rất nhiều. Chính-Quyền phải xây-cất thêm trại tạm giam ở mỗi Tỉnh, một
số trại giam thuộc Trung-Ương, và một trại tập-trung tại mỗi Vùng Chiến-Thuật,
để gom lại các phần-tử nguy-hiểm được đưa từ các Tỉnh về.
Thực-sự, trách-nhiệm của
Ngành Ðặc-Cảnh chỉ giới-hạn trong việc bắt hung-thủ và nghi-can, điều-tra, lập
hồ-sơ truy-tố trước Ủy-Ban An-Ninh, hoặc chuyển nội-vụ qua Tòa Án Quân-Sự Mặt
Trận; còn thì chỉ đích-thân tạm giữ một số ít đối-tượng đặc-biệt trong một
thời-gian ngắn cần-thiết cho việc hỏi cung hoặc xây-dựng thành mật-viên, tại Trung-Tâm
Thẩm-Vấn là nơi hội đủ các điều-kiện tiêu-chuẩn tối-thiểu được sự cố-vấn và
yểm-trợ trực-tiếp của các chuyên-gia Hoa-Kỳ.
Ngoài ra, chế-độ
giam-giữ và đối-xử trước khi thành-án thì thuộc phần đảm-trách của các Trại Tạm
Giam ở phía Sắc-Phục của Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực, Trung-Tâm Cải-Huấn thuộc Bộ
Nội-Vụ, hoặc Trại Giam Tù-Binh Cộng-Sản Việt-Nam thuộc Bộ Quốc-Phòng; và sau
khi thành-án thì do Tổng-Nha Cải-Huấn hoặc Bộ Tổng-Tham-Mưu quản-lý và
kiểm-soát cho đến ngày các đương-nhân được trả tự-do.
Tuy thế, Ngành Ðặc-Cảnh
vẫn là cái đích chính của mọi sự chỉ-trích liên-quan đến tù và trại giam. Do
đó, Ngành Ðặc-Cảnh bị đặt trong một tình-trạng tiến/thoái lưỡng-nan.
Một mặt thì hứng chịu
phần lớn dư-luận công-kích là chế-độ có quá nhiều tù và trại giam: trại giam
thì thiếu tiện-nghi, mà tù thì bị ngược-đãi, thậm-chí tiếng lóng “bị nhốt
chuồng cọp”, là một hình-thức kỷ-luật áp-dụng ở đâu ngoài Ngành Ðặc-Cảnh, cũng
bị dịch sai và hiểu lầm một cách có ác-ý là tù bị nhốt chung chuồng với cọp.
Một mặt thì phải rút
ngắn thời-gian điều-tra, lập hồ-sơ; riêng tại Trung-Tâm Thẩm-Vấn thì phải đi
trước các trại giam khác về việc: tăng thêm thức ăn; trổ thêm cửa sổ; tăng thêm
hệ-thống ánh-sáng và vệ-sinh, y-tế; giảm bớt số người giam chung trong mỗi phòng―nghĩa
là tăng thêm phòng giam, nhưng đồng-thời lại phải giảm bớt tổng-số phòng giam!
Tình-hình chung được đặt
dưới sự kiểm-soát thường-xuyên và bất-thần của vô-số tổ-chức và nhân-vật: trong
Chính-Quyền thì ngoài các Thanh-Tra nội-bộ từ cấp Trung-Ương xuống đến cấp Vùng
còn có Biện-Lý, các phái đoàn Viện Giám-Sát, Dân-Biểu, các cơ-quan Y-Tế,
Xã-Hội, v.v...; ngoài Chính-Quyền thì có các tu-sĩ thuộc mọi giáo-hội, các
hội-đoàn từ-thiện, các nhà báo, v.v..., chưa kể áp-lực từ các nhóm tranh-đấu,
như “Phong-Trào Ðòi Cải-Thiện
Chế-Ðộ Lao-Tù”, v.v...
Căng nhất là vào cuối
năm 1972, giai-đoạn chuẩn-bị gấp rút cho Hiệp-Ðịnh Paris 1973, Chính-Quyền Trung-Ương
trù-liệu giảm bớt trại giam bằng cách đóng cửa, hoặc bỏ bớt một số phòng, và
giảm-thiểu tù bằng nhiều cách: chỉ giữ lại một số can-phạm quan-trọng và
nguy-hiểm nhất, còn thì trả tự-do cho những cá-nhân được sự bảo-lãnh của
thân-nhân là công-chức hoặc sĩ-quan cao-cấp của Việt-Nam Cộng-Hòa; cho những
phần-tử có khai-báo thật-thà được hưởng quy-chế hồi-chính-viên; chuyển những
cán+cơ hoạt động có vũ-trang qua diện tù-binh để trao-trả cho đối-phương; phóng-thích,
nhưng chỉ-định cư-trú, một số đông những cựu-can, cựu-cán có tiền-án tiền-tích
hoạt-động cho Việt-Cộng, tuy không hội đủ yếu-tố để bị kết tội giam lâu nhưng
bị xét thấy có hại cho an-ninh chung, và những cán-binh tuy xin ra hồi-chánh
nhưng tránh né khai-báo và có chỉ-dấu là trá-hàng, v.v...
Ngoại-trừ các tù-nhân
đang còn thụ-án và các tù-binh đang chờ được trao trả cho bên kia, tất cả các thành-phần
trên đều là đối-tượng cho Ngành Ðặc-Cảnh giám-thị, theo-dõi, và nếu cần thì
đương-đầu.
Nhưng Ngành Ðặc-Cảnh lại
không được hỏi ý-kiến về nơi chỉ-định cư-trú cho các đối-tượng này.
Thời-gian đó, nhiệm-sở
của tôi là Vùng II. Một hôm, trong một buổi họp của Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu II, tại
Nha-Trang, Phó Tư-Lệnh là Đại-Tá Nguyễn Đứt, chủ-tọa, đã ra lệnh cho Bộ Tham-Mưu
thuộc quyền hội-ý với các Tỉnh-Trưởng để chọn một Tỉnh trong Quân-Khu làm
địa-hạt chỉ-định cư-trú chung cho tất cả các cựu-can, cựu-cán và hồi-chính-viên
đặc-biệt nói trên tập-trung về từ các Tỉnh và Thị-Xã khác khắp Quân-Khu.
Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu II
không mời Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng II cùng dự buổi họp này.
Bản-thân tôi vốn có
những quan-hệ công-vụ chặt-chẽ với các sĩ-quan cao-cấp đứng đầu các cơ-quan Quân-Báo
và Quân-An ở cấp Quân-Ðoàn và Quân-Khu, nên tuy không được mời đến nhưng tôi
vẫn lợi-dụng điều đó để đến dự các buổi họp nội-bộ của họ mỗi sáng sớm tại Bộ
Tư-Lệnh Quân-Ðoàn/Quân-Khu.
Qua chỉ-thị của Bộ
Tư-Lệnh Quân-Khu II, tôi thấy rõ là Trung-Ương muốn thay-thế các trại giam
hữu-hình, mà diện-tích chỉ xấp-xỉ một ô phố, bằng những trại giam vô-hình, mà
sức chứa là lãnh-thổ của cả một Tỉnh, vô-vàn rộng lớn hơn. Biện-pháp ấy
chắc-chắn sẽ bị đả-phá dữ-dội hơn, nhất là bởi giới truyền-thông nước ngoài,
tai-hại vô cùng cho chế-độ Miền Nam.
Không thể im-lặng
đồng-tình, tôi đã đứng lên phát-biểu ý-kiến:
– Tôi tin là sẽ không có
một Tỉnh-Trưởng nào, nếu thật-sự là Tỉnh-Trưởng, mà lại thuận nhận cho Tỉnh
mình trở thành một địa-phương quản-thúc tù.
Ðại-tá Đứt bất-bình,
nhìn thẳng mặt tôi:
– Anh tưởng là tôi không
trừng-phạt được các Tỉnh-Trưởng nào không tuân lệnh của Quân-Khu sao?
Cũng như phần đông các
nhà lãnh-đạo ở cấp quốc-gia, ông quan-niệm mỗi Tỉnh-Trưởng chỉ là một
Tiểu-Khu-Trưởng, nên lấy con mắt quân-sự mà nhìn chính-sự, và áp-đặt mệnh-lệnh
hành-pháp bằng kỷ-luật nhà-binh.
Sau khi nghe ý-kiến của
tôi qua thông-dịch-viên, các viên-chức cao-cấp trong Bộ Tư-Lệnh Cố-Vấn Quân-Sự và
Viện-Trợ Kinh-Tế của Hoa-Kỳ (MAC-CORDS) đã đưa ngón tay-cái chĩa lên trời về
phía tôi mà gật gật đầu. Thấy thế, tôi không nói gì thêm.
Sau đó, không có Tỉnh
nào được chọn làm lãnh-thổ quản-thúc tù chính-trị cho toàn Vùng II.
*
Biện-pháp áp-dụng từ đó
cho đến sau ngày đã có Hiệp-Ðịnh Paris là cho trở về quê cũ, người nào làng
nấy, cư-trú cố-định và hạn-chế đi lại, các cựu-can cựu-cán và hồi-chính-viên
đặc-biệt mà tin-tức tình-báo cũng như nhận-xét của các giới-chức Cải-Huấn thuộc
Bộ Nội-Vụ và Phục-Hoạt thuộc Bộ Chiêu-Hồi đã xếp vào loại “mìn ngụy-trang”,
“khổ-nhục-kế”, chưa cho phép tự-do hoàn-toàn.
Tùy theo sự xếp loại,
các phần-tử ấy phải đến trình-diện mỗi tháng, mỗi hai tuần, hoặc mỗi tuần, tại
Phòng Ðặc-Cảnh Quận sở-tại; tại đây, nhân-viên chuyên-trách có lập một cuốn sổ,
để các đương-nhân khi đến thì ghi tên, tuổi, địa-chỉ, ngày giờ đến trình-diện,
và ký tên vào, làm bằng-chứng đã được kiểm-soát để lưu hồ-sơ.
Tại Vùng I, tin-tức
nội-tuyến cho biết có một số phần-tử thuộc diện nói trên đã tái-hoạt-động cho
Việt-Cộng. Tôi liền đích-thân đến thử một số Xã thuộc Tỉnh Quảng-Nam để tìm
hiểu tại chỗ xem sao.
Về việc trình-diện: có
một số người liên-hệ đã ăn nên làm ra, hoặc đã trở thành đảng-viên quan-trọng
của Việt-Nam Quốc-Dân Ðảng, không còn đến trình-diện tại Phòng Ðặc-Cảnh Quận
hoặc Cuộc Cảnh-Sát Xã nữa, mà chính nhân-viên hữu-trách phải mang sổ đi tìm,
bất-cứ ở đâu, lúc nào, có khi gặp rồi mà còn phải chờ chực, để được đối-tượng ký-chỉ
vào sổ trình-diện, cho có hình-thức là đã kiểm-soát họ rồi.
Về việc chỉ-định cư-trú
và hạn-chế đi lại: dân-chúng được tự-do đi lại và cư-trú; trừ một ít trường-hợp
đặc-biệt, Cảnh-Sát không soát-xét tờ khai gia-đình; Cảnh-Sát cũng ít phối-hợp
công-tác với Xã-Trưởng. Do đó, có một số phần-tử nguy-hiểm đã rời khỏi
địa-phương; họ được các Chủ-Tịch Ủy-Ban Hành-Chánh Xã nguyên-quán cấp giấy phép
cho chính-thức ra đi, nhất là vào các thị-xã, đặc-biệt là vào Ðà-Nẵng, là những
nơi họ bị cấm đến, để thoát khỏi sự kiểm-soát của cơ-quan an-ninh và dễ
tái-hoạt-động sau khi đã đổi vùng. Lúc đầu thì ít, về sau thì càng ngày càng
nhiều.
Cả một vấn-đề hệ-trọng
như thế, mà mấy năm trời không ai hay biết gì.
Vấn-Đề Dân Quê Bỏ Làng Ði Theo
Việt-Cộng
Vào khoảng cuối năm
1973, trung-bình vài tháng mới có một vài thanh-nam miền quê vắng nhà lâu ngày;
điều-tra thì được biết họ đã lén-lút vào rừng theo cộng-quân.
Tôi cũng cho lập bảng
thống-kê hàng tháng về sự-kiện này thì thấy con số mỗi ngày một gia-tăng.
Cũng như đối với các
vấn-đề khác, tôi ra lệnh cho cấp dưới ghi-nhận, báo-cáo, lập bảng thống-kê, rồi
so-sánh mức-độ và cường-độ tăng/giảm thế nào, không phải chỉ để biết suông mà
thôi.
Tôi đã chỉ-thị cho các
Sở Ðặc-Cảnh Tỉnh/Thị trình lên Tỉnh-Trưởng sở-tại với đề-nghị có biện-pháp ngăn+trừng.
Tôi cũng đã trình lên Tư-Lệnh Quân-Khu, đồng-thời trình lên Trưởng Ngành
Ðặc-Cảnh Trung-Ương, để các nơi này trình tiếp lên cho Tổng-Thống được biết về
vấn-đề này.
Về phần Cảnh-Lực thì tại
mỗi Xã cũng như mỗi Phường đều có một Cuộc Cảnh-Sát, nhưng chỉ là Cảnh-Sát
Sắc-Phục, kiểm-soát vệ-sinh, điều-khiển lưu-thông, kiểm-tra dân-số, chấp-lý các
vụ vi-phạm luật-lệ hình-sự và thể-lệ hành-chánh hiện-hành. Ðúng ra thì họ cũng có
bổn-phận ngăn-chận không để người dân từ vùng Quốc-Gia di-chuyển qua vùng cộng-sản,
vì là vi-phạm quy-định hành-chánh; nhưng phần lớn họ chỉ giới-hạn nhiệm-vụ
trong việc thỉnh-thoảng xét hỏi giấy tờ những người khả-nghi, còn những gì hằng
ngày có liên-quan đến cộng-sản, tức là chính-trị, thì họ phó mặc cho Ngành
Ðặc-Cảnh đảm-đương.
Vậy mà Trung-Ương không
thiết-lập cơ-cấu Ðặc-Cảnh xuống thấu cấp Xã, mặc dù Việt-Cộng từ xưa đã biết
xây-dựng cơ-sở từ cấp Tổ Tam-Tam leo lần lên cấp Khóm Thôn, trong từng Xã một,
rồi tiến lên cấp cao hơn.
Ðể đối-phó với Việt-Cộng
ở cấp Xã, Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia chỉ-định Trưởng Cuộc Cảnh-Sát Xã
kiêm-nhiệm đại-diện Ngành Ðặc-Cảnh tại địa-phương mình; nhưng hầu hết các
viên-chức này không am-thạo, mà cũng không ham-thích, công-tác chính-trị và
phản-gián, vả lại không có nhân-viên đặc-trách tại Cuộc để giữ phần-hành
chuyên-môn, nên tuy có đại-diện mà cũng gần như không.
Dù theo lý-thuyết thì
mỗi Cuộc đều có một vài nhân-viên phụ-trách Chương-Trình “Phụng Hoàng”, xem như
để đương-đầu với Việt-Cộng, nhưng trên thực-tế thì đa-số các nhân-viên này chỉ
là những thư-ký văn-phòng, lấy tài-liệu từ Ủy-Ban Phụng-Hoàng Quận, hầu hết do
Ngành Ðặc-Cảnh cung-cấp, để lập hồ-sơ, thống-kê, biểu-đồ, về tình-hình hạ-tầng
cơ-sở địch, chỉ để thuyết-trình mỗi khi có phái-đoàn đến thanh-tra hoặc mang đi
họp, chứ hiếm khi tự mình thu-thập tin-tức hoặc tự mình tìm bắt tên Việt-Cộng
nào.
Về phần chính-quyền Xã
thì tuy có một Ủy-Ban Hành-Chánh nhưng nhiều nơi mọi việc đều do một mình
Xã-Trưởng nắm trong tay.
Thật ra, các vấn-đề
quan-trọng đều do chính-quyền Quận chủ-trì. Xã-Trưởng chỉ dự họp, dự lễ, ký các
loại hộ-sự chứng-thư; cũng có nơi thì lập danh-sách nhận tiền trợ-cấp di-tản,
bồi-thường thiệt-hại chiến-tranh, v.v...
Hầu hết Xã-Trưởng đều
không quan-tâm đến việc dân làng bỏ trốn theo đối-phương; nhưng, dù có bận lòng
thì cũng không làm gì được, vì không có lực-lượng, không chỉ-huy được Cảnh-Sát
hay Nghĩa-Quân. Ða-số Xã-Trưởng chỉ có mặt trong Xã vào ban ngày, còn ban đêm
thì về ngủ ở quận-lỵ hoặc tỉnh-lỵ cho được an-toàn.
Trong tình-trạng
chiến-tranh, nòng-cốt của chính-quyền Xã là một trung-đội Nghĩa-Quân, do một
hạ-sĩ-quan thuộc Chi-Khu biệt-phái đến chỉ-huy. Lực-lượng quân-sự này canh gác
một số yếu-điểm vào ban đêm.
Từ năm 1973, Quân-Lực thành-lập
thêm một tổ-chức lãnh-thổ cấp Xã, gọi là Phân-Chi-Khu, do một sĩ-quan đứng đầu,
chỉ-huy đơn-vị Nghĩa-Quân nói trên.
Phân-Chi-Khu hầu như là
một văn-phòng tham-mưu hơn là một bộ chỉ-huy hành-quân. Và không phải
Phân-Chi-Khu-Trưởng nào cũng ở lại tại Xã vào ban đêm.
Phân-Chi-Khu-Trưởng, có
lính dưới quyền, trở thành một thế-lực mâu-thuẫn với Xã-Trưởng.
Trong một đại-hội
Phân-Chi-Khu thuộc Quân-Khu I tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Nghĩa-Quân Hòa-Cầm, ở
ngoại-ô Ðà-Nẵng, do Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu chủ-tọa, nhiều
Phân-Chi-Khu-Trưởng đã chỉ-trích các Xã-Trưởng là già-yếu, học-lực thấp, thiếu
năng-động, v.v... trong lúc không có mặt các Xã-Trưởng.
Tổng-Thống Thiệu đã gợi
ý cho các Phân-Chi-Khu-Trưởng kiêm-nhiệm Xã-Trưởng thay thế các người này.
Báo-chí đã tường-thuật
cái nhíu mày của Đại-Sứ Hoa-Kỳ, và đặt câu hỏi: tổng-thống nghĩ gì khi đòi xóa
bỏ tư-cách dân-cử của Xã-Trưởng, là nhân-vật được dân bầu vào Hội-Ðồng Xã và
Hội-Ðồng này cử ra, trong lúc Hội-Ðồng Xã là một đơn-vị dân-cử cơ-bản trên
đường dân-chủ-hóa để còn tiến tới bầu-cử Quận-Trưởng, Tỉnh-Trưởng, Thị-Trưởng,
là các cấp còn lại trong hệ-thống Chính-Quyền Quốc-Gia?
Dân làng bỏ theo
Việt-Cộng là một căn bệnh truyền-nhiễm. Chính-Quyền đã không ngừa bệnh mà cũng
không chữa bệnh đúng cách. Chế-độ không chịu nhìn thấy những nguyên-nhân đánh
mất niềm tin của người dân, và cũng không chịu chọn những phương-sách thích-ứng
để khôi-phục lại niềm tin ấy, vì đã đặt quân-sự lên trên chính-trị và dân-sự, cả
sau khi tình-hình đất nước đã mở vận-hội cho thế đối đầu quân-sự được bổ-sung
thêm bằng thế đấu-tranh chính-trị trực-diện với kẻ thù. Vấn-đề này đã vượt lên
trên khả-năng và trách-nhiệm của một Tư-Lệnh Quân-Khu, tức Chính-Quyền Vùng, đặc-biệt
là Tướng Trưởng, viên tướng biên-thùy không có tham-vọng chính-trị nên giới-hạn
cái nhìn tình-hình trong con mắt nhà-binh.
Riêng tại Vùng I, vào
những tháng cuối-cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa, trung-bình mỗi tháng đã có hằng
chục vụ dân làng bỏ vùng Quốc-Gia vào rừng núi sống với Việt-Cộng: không còn
lẻ-tẻ từng người lâu lâu lén-lút một lần, mà là cả gia-đình, nhiều gia-đình
đồng loạt, công-khai chuyển-nhượng nhà đất và thanh-toán tài-sản, ồn-ào
chuẩn-bị, và ngang-nhiên kéo đi, cả giữa ban ngày, trước mắt các cơ-cấu
chính-quyền và đơn-vị quân-lực tại hương-thôn.
*
Trong các buổi họp tại
Quân-Khu, các cấp lãnh-đạo không đề-cập gì đến các vấn-đề then-chốt mà tôi đã
nêu ra như trên.
Dù phía Việt-Nam
Cộng-Hòa có cố giữ kín trong nội-bộ, nhưng chắc gì phía Hoa-Kỳ đã không nắm
được những điểm khuyết/nhược đó trong sách-lược và thực-lực của Ðồng-Minh
mình...
__._,_.___
I do consider all of the concepts you have introduced on your post.
ReplyDeleteThey're really convincing and can certainly work. Nonetheless, the posts are
very quick for newbies. May you please lengthen them a little from next time?
Thanks for the post.
My web-site; xem phim viet nam moi chieu rap phu de truc tuyen