QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, May 3, 2017

Nhận Định Và Đánh Giá Về Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu


 

Nhận Định Và Đánh Giá Về Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Lâm Vĩnh Thế

Image result for Nguyễn Văn Thiệu
Sau ngày 30-4-1975, và trong một thời gian khá dài, có lẽ đến 10-15 năm, phần đông người Việt ở hải ngoại đều có một nhận định chung không tốt về cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như sau: một nhà lãnh đạo hèn nhát, đào ngũ, bỏ rơi đồng đội và đồng bào, và là người lãnh đạo chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự sụp đổ quá nhanh của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nhận định này, mặc dù phổ biến, và dựa vào một số sự việc đã xảy ra trong các tháng 3-4/1975, chỉ là do cảm tính, không dựa vào bất cứ tài liệu khả tín nào cả. 

Gần như ai cũng biết và nhớ câu nói nổi tiếng của ông “Ðừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm,” nhưng hình như đó cũng là sự đánh giá duy nhứt của nhân dân Miền Nam về sự nghiệp chính trị của ông. Nhưng dần dà sau đó, với sự ra đời của một số sách và bài báo ngày càng nhiều, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, của một số tác giả nghiêm túc, và dựa trên những tài liệu mật của Chính phủ Hoa Kỳ đã được giải mật, nhận định của người Việt hải ngoại về ông đã có phần thay đổi. Bài viết này cố gắng đưa ra một đánh giá trung thực, khách quan về vị nguyên thủ quốc gia này của VNCH. Tiêu chuẩn mà người viết sử dụng trong việc đánh giá lại nhân vật lịch sử này gồm 3 yếu tố: 1) 

Quá trình đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn; 2) Cách ứng xử, quyết định và hành động; và 3) Khả năng chính trị và cầm quyền. Việc đánh giá này tập trung trong 3 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời chính trị của nhân vật này: 1) Trước cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, 2) Từ sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 cho đến ngày 30-10-1967; và 3) Từ ngày 1-11-1967 cho đến khi ông từ chức Tổng Thống VNCH vào ngày 21-4-1975.

Trước Đảo Chánh 1-11-1963

Theo Cáo Phó mà gia đinh ông in ra khi ông mất vào ngày 29-9-2001, tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5-4-1923, tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận. 

Ông học tiểu học tại quê nhà, sau đó ra Huế học trung học tại Trường Pellerin. Sau khi xong trung học, ông vào học Trường Hàng Hải, có tốt nghiệp nhưng không hành nghề. Sau đó ông theo học trường Sĩ Quan Đập Đá tại Huế, tốt nghiệp Thiếu Úy năm 1949, phục vụ tại Miền Tây Nam Phần một thời gian rồi đuợc gởi sang Pháp tu nghiệp tại Coequidan. Trở về nước, ông phục vụ tại Phân Khu Hưng Yên (Bắc Việt), cùng thời gian với một số sĩ quan Việt Nam, trong đó có 2 người về sau trở thành tướng lãnh của Quân Lực VNCH (QLVNCH): Đại Tướng Cao Văn Viên và Thiếu Tướng Đỗ Mậu.

Trong cuốn hồi ký của ông, Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Thiếu Tướng Đỗ Mậu đã ghi lại những nhận xét về Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu của vị tướng người Pháp, Tư Lệnh Chiến Trường Bắc Việt, Trung Tướng Francois de Linarès, như sau: "Thông minh sắc bén, siêng năng, thứ tự và tỉ mỉ. Sĩ quan hảo hạng có một ý thức tuyệt hảo về tổ chức và bảo mật. (Intelligence aigue, travailleur, méthodique et minutieux. Très bon officier. Possède un sens remarquable de l'Organisation et du Secret).” 1 Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, ông gia nhập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Tháng 3-1955, với cấp bậc Trung Tá, ông được bổ nhiệm làm Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. 

Tháng 7-1957, ông được gửi đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Fort Leawenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Sau khóa học này, năm 1958, ông về nước và được tái bổ nhiệm Chỉ Huy Trưởng trường võ bị này. Tháng 2-1959, ông rời trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt để đi học khóa Tình Báo Tác Chiến tại Okinawa, Nhật Bản. 

Trở về nước, ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Hành Quân tại Bộ Tổng Tham Mưu, và ngày 26-10-1959 ông thăng cấp Đại Tá. Sau đó ông được gửi đi Hoa Kỳ lần thứ hai để theo học khóa Phòng Không tại Fort Bills, Texas. Đầu tháng 10 năm 1961, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1. Ngày 20-12-1962, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh đóng tại Biên Hòa.2 

Khi các tướng lãnh tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông tham gia và mang quân Sư Đoàn 5 từ Biên Hòa về tấn công Dinh Gia Long và thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Sau khi cuộc đảo chánh thành công, ông được thăng cấp Thiếu Tướng. (Lúc đó, QLVNCH chưa có cấp bậc Chuẩn Tướng; cấp bậc Chuẩn Tướng do Tướng Nguyễn Khánh thiết lập vào tháng 4-1964, và ngày 8-4-1964, Đại Tá Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân, là vị Đại Tá đầu tiên được thăng cấp Chuẩn Tướng).

Trong giai đoạn này, những gì chúng ta biết được về ông Thiệu rất ít vì ông chưa có vai trò quan trọng, nổi bật trong chính trường VNCH. Qua lời phê của Tướng De Linarès, chúng ta được biết ông là một sĩ quan giỏi, thông minh, tỉ mỉ, làm việc có phương pháp, và có ý thức cao về bảo mật. Điều này có nghĩa là ông làm việc cẩn thận, có tính toán, và luôn luôn có cảnh giác, đề phòng người khác. Những cá tính này sẽ bộc lộ rõ rệt hơn khi ông thực sự nắm quyền. Trong giai đoạn này, ít nhứt, ông đã có 2 quyết định rất quan trọng cho sự nghiệp của ông, cả hai đều đuợc ông cân nhắc, tính toán rất cẩn thận trước khi quyết định. 

Quyết định thứ nhứt là bỏ đạo Phật của gia đinh để theo Công giáo của vợ ông. Ta không biết rõ ông thực hiện quyết định này vào năm nào, nhưng có lẽ phải sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đã vững vàng, và như thế ít nhứt là 4-5 năm sau khi ông kết hôn với bà Mai Anh. Như thế, rõ ràng là việc ông bỏ đạo của gia đinh mình để theo đạo của vợ hoàn toàn không phải là một đòi hỏi do cuộc hôn nhân mà là một quyết định có tính toán. Và, quả thật, quyết định này đã giúp ông thăng tiến nhanh trong binh nghiệp, trở thành Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt và Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ trong thời gian 5-6 năm. Quyết định thứ nhì là tham gia vào cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963.

 Quyết định này cũng đã được suy tính kỹ lưỡng sau khi ông được Đại Tá Đỗ Mậu kết nạp và biết rõ có sự tham gia của các tướng lãnh quan trọng, đặc biệt là tướng Trần Thiện Khiêm, lúc đó là Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, là những người có đầy đủ quyền điều động các đơn vị trọng yếu chung quanh thủ đô. Và quyết định này đã giúp ông trở thành một tướng lãnh. Như vậy, ông chỉ mất có 14 năm để lên đến cấp tướng vào năm 1963 lúc ông 40 tuổi, tính từ ngày ông tốt nghiệp Thiếu Úy tại Khoá Sĩ Quan Đập Đá ở Huế năm 1949.  

Từ Sau Đảo Chánh 1-11-1963 Đến 30-10-1967

Giai đoạn này có thể phân làm 2 giai đoạn nhỏ: 1) từ sau đảo chánh 1-11-1963 cho đến khi Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) ra đời; và, 2) từ khi UBLĐQG ra đời đến ngày 30-10-1967. Toàn bộ thời gian này có thể xem như là thời gian tập sự cầm quyền của ông Thiệu, giúp ông nắm vững các vấn đề chính trị của đất nuớc, hiểu rõ sách luợc của Đồng Minh Hoa Kỳ và hoàn thiện phương pháp làm việc của riêng cá nhân ông.

Giai Đoạn Trước Khi UBLĐQG Ra Đời

Sau khi tham gia vào vụ đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, được thăng cấp Thiếu Tướng, và trở thành một Ủy Viên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNCM), ông Thiệu không được bổ nhiệm vào những chức vụ cao cấp và quan trọng hơn và phải trở về cương vị Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Có lẽ vì thế ông bất mãn với chế độ mới. Vì là một thành viên của HĐQNCM, chắc chắn ông biết được sự bất mãn và chia rẽ trong nội bộ của Hội Đồng.3 

Tuy nhiên, với bản tánh dè dặt và tính toán kỹ lưỡng, ông không manh động mà chờ thời cơ đến. Thời gian chờ đợi không lâu. Chỉ 3 tháng sau, cùng với những tướng lãnh bất mãn khác, như Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Đỗ Mậu, Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, ông tham gia vào cuộc "Chỉnh Lý" của Trung Tướng Nguyễn Khánh ngày 30-1-1964. Quyết định này giúp ông thăng tiến thêm cả về chính trị lẫn binh nghiệp: 1) Ông trở thành Tổng Thư Ký của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (từ tháng 2 đến tháng 9-1964) và, 2) Ông được Tướng Khánh bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 4 (từ tháng 9-1964), và ngày 1-1-1965 ông vinh thăng Trung Tướng do chính Tướng Khánh gắn sao tại Bộ Tư Lệnh Vùng 4 ở Cần Thơ. 

Với tư cách Tổng Thư Ký của HĐQNCM, chắc chắn ông đã được tiếp cận với những vấn đề chính trị cấp quốc gia mà Hội Đồng phải giải quyết. Ông cũng được cơ hội thông báo và thi hành những quyết định của Hội Đồng đối với các sĩ quan cao cấp 4 và ngay cả các tướng lãnh; điều này giúp ông mở rộng phạm vi quen biết và ảnh hưởng, giúp gia tăng thế lực của ông trong quân đội và chính trường. Việc ông được Tướng Khánh bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 4 giúp ông có cơ hội chỉ huy cả một Quân Đoàn (là đơn vị lớn nhứt của QLVNCH) gồm 3 Sư Đoàn 7, 9 và 21, chịu trách nhiệm về an ninh cho 1/4 lãnh thổ của quốc gia. Với tư cách Tư Lệnh Quân Đoàn, dĩ nhiên, ông là cấp trên trực tiếp của 3 vị sĩ quan cao cấp Tư Lệnh của các Sư Đoàn nói trên. Cả 3 vị Tư Lệnh này về sau đều thăng lên đến cấp bậc trung tướng và đều trở thành Tư Lệnh Quân Đoàn, đó là Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Trung Tướng Vĩnh Lộc và Trung Tướng Đặng Văn Quang.5 Riêng Trung Tướng Đặng Văn Quang sau này sẽ là Phụ Tá đắc lực về Quân Sự và An Ninh cho ông khi ông trở thành Tổng Thống VNCH.

Thời gian từ tháng 2 đến tháng 9-1964, Tướng Thiệu, với tư cách Tổng Thư Ký của HĐQNCM, đã luôn luôn làm việc gần gũi với Tướng Khánh. Thời gian này Tướng Khánh cũng là Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp điều hành guồng máy quốc gia.Thời gian này cũng là thời gian xáo trộn nhứt trong lịch sử của VNCH, với những vụ xuống đường, biểu tình, và đảo chánh. Phật Giáo tạo áp lực rất mạnh và sinh viên học sinh cũng gây nhiều khó khăn cho Chính phủ. Tướng Khánh không chịu nỗi những áp lực đó và nhượng bộ liên tục, khiến cho phe quân nhân cũng bất mãn. 

Cuộc đảo chánh ngày 13-9-1964 của hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát cho thấy rõ sự bất mãn này của phe quân nhân đối với Tướng Khánh. Cuộc đảo chánh này thất bại vì không được các tướng trẻ (Young Turks) ủng hộ. Tướng Thiệu đã có dịp quan sát trực tiếp cách làm việc của Tướng Khánh.  Ông rút ra được hai bài học về chính trị: 1) Càng nhượng bộ thì phe Phật Giáo càng lấn tới; điều này có nghĩa là nhượng bộ nhiều quá không phải là một điều hay trong chính trị, và, 2) Muốn giữ được chính quyền thì phải có hậu thuẩn của quân đội, nhứt là các tướng trẻ.

Nhóm tướng trẻ này, thường được báo chí Mỹ gọi chung dưới tên "Young Turks," là các sĩ quan cao cấp, chỉ huy các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH trong giai đoạn này, mà phần lớn là do Tướng Khánh phong tướng với ý đồ tạo ra một tầng lớp tướng lãnh trẻ để làm hậu thuẫn cho những mưu toan chính trị của ông Đầu tháng 10-1964, một tài liệu của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency - CIA) đã liệt kê rõ tên họ của nhóm tướng trẻ này, với cấp bậc và đơn vị mà họ chỉ huy như sau: 6

1. Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân
2. Đại Tá Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù
3. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
4. Đại Tá Nguyễn Bảo Trị, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh
5. Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng, Tư Lệnh Vùng I
6. Chuẩn Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh
7. Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Sằng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh
8. Chuẩn Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh
9. Chuẩn Tướng Đặng Văn Quang, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh

Nhóm tướng trẻ này ngày càng đông, có tổ chức và trở nên một đoàn thể chính trị rất mạnh có khả năng khuynh loát chính quyền. Đối với riêng Tướng Khánh, chỉ một thời gian ngắn sau khi được thăng lên cấp tướng, các tướng trẻ đã nhận ra yếu kém của ông ta trong cách đối phó với các cuộc khủng hoảng chính trị, nhứt là trong vụ Hiến Chương Vũng Tàu trong tháng 8-1964, mà ông vừa ban hành đã vội hủy bỏ ngay dưới áp lực của sinh viên, làm mất mặt Quân Đội rất nhiều. Tiếp theo đó, cuộc đảo chánh ngày 13-9-1964 của hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát, mà chính các tướng trẻ đã đứng ra chống đối và dẹp yên được, càng cho họ thấy rõ sự bất lực của Tướng Khánh. 

Từ đó trở đi, không những Tướng Khánh không thể lợi dụng được họ nữa mà, trái lại, còn bị họ làm áp lực nặng nề buộc phải thỏa mãn những đòi hỏi của họ. Họ chiếm đa số trong Hội Đồng Quân Lực (HĐQL) do Tướng Khánh thành lập. Tuy vẫn được họ giữ lại trong các chức vụ Tổng Tư Lệnh và Chủ Tịch HĐQL, Tướng Khánh thật sự đã không còn nắm được quyền hành nữa. Việc các tướng trẻ sẽ loại bỏ ông chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Nhân danh HĐQL, họ đã có một loạt những hoạt động khuynh loát chính phủ như sau: 
1) giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) khi Hội Đồng này từ chối không chịu thực hiện đòi hỏi cho các tướng già về hưu của họ; 
2) giải nhiệm và mang đi quản thúc Thủ Tướng Trần Văn Hương khi Thủ Tướng Hương không giải quyết được tình hình rối loạn do phe Phật Giáo và sinh viên tạo ra; 
3) đề cử Bác sĩ Phan Huy Quát lập chính phủ mới; và, 4) khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 19-2-1965 của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo đòi loại bỏ Tướng Khánh, họ chống lại cuộc đảo chánh nhưng nắm lấy cơ hội này để loại bỏ Tướng Khánh, và đề cử Trung Tướng Trần Văn Minh làm Tổng Tư Lệnh. 

Ngày 22-2-1965 Tướng Khánh vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam.7

Tuy nhiên, có một điều mà các tướng trẻ không bao giờ ngờ đến là tất cả những hành động này của họ đã vô tình tạo ra những điều kiện thật tốt cho việc thăng tiến của Tướng Thiệu. Đối với Quân Đội nói chung và đối với nhóm các tướng trẻ nói riêng, có hai điều mà họ luôn luôn tôn trọng và tuân thủ: đó là hệ thống quân giai và thâm niên cấp bậc. 

Vào đầu năm 1965, tình hình các tướng lãnh trong QLVNCH là như sau: Thống Tướng Lê Văn Tỵ đã mất từ ngày 21-10-1964; trong 3 vị Đại Tướng là Trần Thiện Khiêm (thăng cấp Đại Tướng ngày 11-8-1964), Dương Văn Minh (thăng cấp Đại Tướng ngày 24-11-1964) và Nguyễn Khánh (thăng cấp Đại Tướng ngày 27-11-1964) thì 2 Tướng Khiêm và Minh đã bị Tướng Khánh dùng cách cử làm Đại sứ và đưa ra khỏi nuớc, còn lại Tướng Khánh thì tuy vẫn còn giữ các chức vụ Tổng Tư Lệnh và Chủ Tịch HĐQL nhưng trên thực tế không còn nắm quyền nữa. Như vậy, trên thực tế, có địa vị quan trọng nhứt trong Quân Đội lúc bấy giờ là các vị Trung Tướng. Lúc bấy giờ có tất cả 10 vị Trung Tướng. Đó là các vị sau đây:

- Phạm Xuân Chiểu, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
- Tôn Thất Đính, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
- Trần Văn Đôn, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-2-1957
- Lê Văn Kim, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
- Nguyễn Ngọc Lễ, thăng cấp Trung Tướng ngày 9-12-1956
- Trần Văn Minh (Minh nhỏ), thăng cấp Trung Tướng ngày 10-12-1956
- Lê Văn Nghiêm, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
- Trần Ngọc Tám, thăng cấp Trung Tướng tháng 4-1964
- Nguyễn Văn Thiệu, thăng cấp Trung Tướng ngày 1-1-1965
- Mai Hữu Xuân, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963

Trung Tướng Thiệu, tuy thâm niên cấp bậc là kém nhứt trong số 10 vị Trung Tướng, nhưng trên thực tế lại là ngôi sao đang lên trong khi các vị kia, đặc biệt là 4 tướng Đà Lạt Đôn-Xuân-Kim-Đính, đều là những vì sao đang sắp tắt. Kể từ sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Tướng Thiệu đã liên tiếp được đề cử giữ những chức vụ quan trọng về cả 2 mặt quân sự và chính trị:

- 2-11-1963: Vinh thăng Thiếu Tướng
- 2-11-1963: Ủy Viên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
- 30-1-1964: Tham gia cuộc "Chỉnh lý” của Tướng Khánh
- 31-1-1964: Tổng Thư Ký Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
- 2-2-1964:  Tham Mưu Trưởng Liên Quân Bộ Tổng Tham Mưu
- 8-2-1964:  Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong Nội các Nguyễn Khánh
- 15-9-1964: Tư Lệnh Vùng 4
- 1-1-1965:  Vinh thăng Trung Tướng
- 18-1-1965: Đệ Nhị Phó Thủ Tướng trong Nội các Trần Văn Hương cải tổ.

Chính vì vậy mà ngay trong phiên họp ngày 24-1-1965 của HĐQL do Tướng Khánh triệu tập và chủ tọa, khi các tướng thảo luận về việc nên giải quyết thế nào đối với Chính phủ Trần Văn Hương cũng như việc có nên đề cử ra một vị Thủ Tướng quân sự hay không, và khi bỏ phiếu để chọn ra một vị tướng làm Thủ Tướng thì Tướng Thiệu đã nhận đuợc số phiếu cao nhứt.8 Ông từ chối không nhận việc đề cử này, viện lý do ông là người Công Giáo nên chắc chắn sẽ bị phe Phật Giáo chống đối và như vậy sẽ không thể làm tròn đuợc nhiệm vụ giao phó. Phản ứng này của ông càng làm tăng thêm uy tín của ông trong giới tướng lãnh. 

Ngày 27-1-1965, HĐQL giải nhiệm và đem đi quản thúc Thủ Tướng Hương và đề cử Bác sĩ Phan Huy Quát thành lập nội các mới. Ngôi sao số mạng của Tướng Thiệu càng sáng rực hơn khi ông được Bác sĩ Quát mời tham gia Chính phủ với chức vụ Đệ Nhứt Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Truởng Quân Lực. 

Sau khi Tướng Khánh bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, ngày 3-3-1965, Tướng Thiệu được các tướng lãnh đề cử làm Tổng Thư Ký của Ủy Ban Thường Vụ của HĐQL. Tháng 5-1965 xảy ra cuộc khủng hoảng nội các của Chính phủ Quát do bất hòa giữa Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Quát. Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp (HĐQGLP) không giải quyết được. 

Cả Quốc Trưởng và Thủ Tướng không ai chịu nhượng bộ. Sau cùng Thủ Tướng quyết định từ chức và giải tán Chính phủ. Quốc Trưởng cũng từ chức. Ngày 11-6-1965, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, Thủ Tướng Phan Huy Quát và Chủ Tịch HĐQGLP Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu ra tuyên cáo chung giao quyền lại cho Quân Đội.9 Ba ngày sau, QLVNCH công bố Quyết định số 3, ngày 14-6-1965, gồm 5 Điều, thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG).10 Điều 2 của Quyết Định này ghi rõ thành phần của UBLĐQG gồm có 10 người như sau:

- 1 Chủ Tịch
- 1 Tổng Thư Ký
- 1 Ủy Viên phụ trách điều khiển Hành pháp
- Tổng Truởng Quốc Phòng
- Tổng Tham Mưu Trưởng
- 4 vị Tư Lệnh 4 Vùng Chiến Thuật
- Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô

Điều 4 của Quyết Định này ghi rõ như sau: Hoàn toàn tín nhiệm và chỉ định:
A. Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu; B. Tổng Thư Ký: Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu; C. Ủy Viên Phụ Trách Điều Khiển Hành Pháp: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Lần này ông Thiệu không từ chối nữa.

Giai Đoạn Từ Khi UBLĐQG Ra Đời Đến Ngày 30-10-1967

Trong thời gian hơn 2 năm này, ông Thiệu, với tư cách Chủ Tịch UBLĐQG, đóng vai trò Quốc Trưởng của VNCH. Điều 3 của Quyết Định số 3 của QLVNCH ghi rõ "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, thay mặt toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, điều khiển Quốc gia." Điều 5 đề ra các nhiệm vụ chính yếu của UBLĐQG như sau: "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có nhiệm vụ thiết lập thể chế và các cơ cấu Quốc Gia cùng thành lập một Nội Các Chiến Tranh."

Ngay từ đầu, ông Thiệu phải đã biết là Ủy Viên Phụ Trách Điều Khiển Hành Pháp sẽ đóng vai trò Thủ Tướng điều khiển cái gọi là Nội Các Chiến Tranh mà UBLĐQG sẽ phải thành lập theo Điều 5 nói trên. Tại sao ông chấp nhận làm Chủ Tịch UBLĐQG (Quốc Truởng) và để cho ông Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTƯ) (Thủ Tuớng) ? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần duyệt lại tình hình các tướng lãnh tại thời điểm đó. Vào thời điểm giữa tháng 6-1965, 5 vị Trung Tướng là Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Nguyễn Ngọc Lễ, Lê Văn Nghiêm và Mai Hữu Xuân đều đã được cho giải ngũ (Sắc Lệnh số 119/QT/SL ngày 24-5-1965 do Quốc Truởng Phan Khắc Sửu ký). Như vậy chỉ còn lại 5 vị Trung Tướng là Phạm Xuân Chiểu, Tôn Thất Đính, Trần Văn Minh, Trần Ngọc Tám và Nguyễn Văn Thiệu. Trong các vị này, Tướng Đính là thất thế nhứt, ông không bị cho giải ngũ cùng với các Tướng Đôn-Kim-Lễ-Nghiêm-Xuân chỉ vì ông chưa đủ 25 năm quân vụ. 

Ông phải chấp nhận giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Quân Lực kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn thuộc loại ngồi chơi xơi nuớc. Tướng Trần Ngọc Tám, tuy không thuộc đối tuợng cần loại bỏ như các tướng Đà Lạt, nhưng cũng không được tin cậy, và ông phải nhận chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Điều Hành Quốc Tế Quân Viện. Tướng Trần Văn Minh thì đã đảm nhận chức vụ Tổng Tư Lệnh thay thế Tướng Khánh; ngày 14-5 đổi danh hiệu trở lại là Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng ông cũng sẽ không giữ chức vụ này được bao lâu; hai tháng sau, ngày 15-7-1965, ông sẽ phải bàn giao chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng lại cho Tướng Nguyễn Hữu Có để rời Việt Nam đi làm Đại sứ VNCH tại Tunisie ở Bắc Phi.11 

Như vậy thật sự chỉ còn 2 vị Trung Tướng còn có uy tín và thế đứng trong QLVNCH là Phạm Xuân Chiểu (thâm niên cao hơn) và Nguyễn Văn Thiệu (kém thâm niên hơn). Về phía các tướng trẻ thì nổi bật nhứt và có quyền lực nhứt là 2 vị Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân.  Theo hồi ký của Đại Tá Phạm Văn Liễu, lúc đó đang giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, khi các tướng lãnh họp để chọn người đảm nhiệm các chức vụ Chủ Tịch UBLĐQG và Chủ Tịch UBHPTƯ thì hai vị tướng được mọi người đề cử là 2 tướng Phạm Xuân Chiểu và Nguyễn Chánh Thi. Ông Chiểu từ chối không nhận và đề cử Tướng Thiệu; Tướng Thi cũng từ chối và đề cử Tướng Kỳ. 

Cả 2 ông Thiệu và Kỳ đều vui vẻ chấp nhận.12 Điều này cũng được chính Tướng Thi xác nhận trong cuốn hồi ký của ông. Chỉ khác là ông Thi cho biết là sau khi ông từ chối không nhận sự đề cử của các tướng lãnh thì chính ông Thiệu đề cử Tướng Kỳ. Ông viết như sau trong cuốn hồi ký: "Sau đó Nguyễn Cao Kỳ được Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu cộng tác, đứng ra lập chính phủ, và đằng sau đã có bọn phù thủy Mỹ che chở. Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi tôi nói vừa chấm dứt thì được nghỉ mấy phút giải lao, tự nhiên Nguyễn Văn Thiệu đi ngang, ghé tai tôi nói nhỏ: "Để cho thằng Kỳ làm đi !." Nói xong, nhìn tôi cười liếc."13 Chúng ta không thể biết chắc chắn là những chi tiết trình bày trong cuốn hồi ký của Tuớng Thi có hoàn toàn đúng sự thật hay không nhưng nó phù hợp với tình hình chính trị lúc bấy giờ và cũng phù hợp với cá tính của Tướng Thiệu. Tình hình chính trị tại thời điểm này là trong vòng chưa đến 2 năm (từ tháng 11-1963 đến tháng 6-1965), kể từ khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đã có liên tiếp 4 Chính phủ (Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương và Phan Huy Quát), trong đó có đến 3 Chính phủ tồn tại không hơn 4 tháng, và rất nhiều vụ đảo chánh hoặc âm mưu đảo chánh, cũng như không biết bao nhiêu vụ biểu tình, xuống đường, bạo động của các phe phái tôn giáo và thanh niên sinh viên học sinh. 

Ông Thiệu, với cá tính luôn luôn tính toán, không tin là một Chính phủ mới, dù là Nội Các Chiến Tranh đi nữa, có thể tồn tại lâu hơn 4-5 tháng. Và một khi đã nhận làm mà thất bại thì chắc chắn sẽ bị cháy tên và sẽ không có cơ hội lần thứ hai. Chính vì thế, ngay từ cuộc họp ngày 24-1-1965, khi được các tướng lãnh bỏ phiếu đề cử ông làm Thủ Tướng, ông đã từ chối ngay. Do đó, lần nầy cũng vậy thôi, ông thà nhận trách nhiệm làm Quốc Trưởng (Chủ Tịch UBLĐQG) chứ không dại gì chịu nhận làm Thủ Tướng (Chủ Tịch UBHPTƯ). Đây là một tính toán sai lầm của Tướng Thiệu và suýt chút nữa nó đã làm tiêu ma luôn sự nghiệp đang lên của ông, như chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau.

Trong suốt thời gian tập sự cầm quyền này, như đã trình bày bên trên, chúng ta đã thấy rõ cách hành xử và ứng phó của Tướng Thiệu trước tình hình chính trị vô cùng khó khăn phức tạp của VNCH. Còn về vấn đề đối với đồng minh Hoa Kỳ thì sao? Chúng ta đã biết cá tính suy nghĩ thận trọng trước mọi vấn đề của Tướng Thiệu. Như vậy chúng ta có thể tin chắc chắn rằng ông không thể không nhìn thấy chính sách dùng người của Hoa Kỳ. Khi còn có giá trị lợi dụng cần thiết cho đường lối và sách lược của họ thì họ đề cao và ủng hộ hết mình. Khi không còn ích lợi cho việc thi hành đường lối, chính sách của họ thì họ thẳng tay loại bỏ không thương tiếc. 

Từ 1963 đến 1965, trong vòng 2 năm ngắn ngủi, Hoa Kỳ đã dùng mọi cách để loại bỏ 3 nhà lãnh đạo VNCH: Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh. Trong cả 3 lần Hoa Kỳ thi hành chính sách thay người này, Tướng Thiệu đều có tham dự một cách tích cực cả. Lần thứ nhứt, trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, ông là người chỉ huy Sư Đoản 5 Bộ Binh tấn công vào Dinh Gia Long và Thành Cộng Hòa. Lần thứ hai, trong vụ Chỉnh Lý ngày 30-1-1964 vô hiệu hóa Quốc Trưởng Dương Văn Minh và bắt giam các Tướng Đôn-Xuân-Kim-Đính, ông cũng ngả theo phe của Tướng Khánh. Lần thứ ba, sau cuộc đảo chánh của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo ngày 19-2-1965, ông cùng các tướng trẻ trong HĐQL loại Tướng Khánh ra khỏi chức vụ Tổng Tư Lệnh và buộc Tướng Khánh phải rời khỏi Việt Nam vĩnh viễn. 

Qua các việc trên, Tướng Thiệu chắc chắn phải hiểu là tuyệt đối không thể làm mất lòng người Mỹ nếu muốn tiếp tục nắm quyền tại VNCH, vì người Mỹ có thể dùng nhiều cách, kể cả đảo chánh, để loại bỏ cấp lãnh đạo của VNCH mà họ không thích hoặc không sử dụng được. Đặc biệt là trường hợp đối với Tướng Khánh. Khi Tướng Khánh thực hiện vụ Chỉnh Lý ngày 30-1-1964, Hoa Kỳ ủng hộ ngay từ đầu và sau đó đã đánh bóng đề cao Tướng Khánh rất nhiều. Nhưng chẳng bao lâu họ nhận ra Tướng Khánh không phải là "người hùng" mà họ nghĩ và mong muốn. Ông đã để cho tình hình chính trị của VNCH ngày càng rối loạn.

 Khi xảy ra vụ HĐQL giải tán THĐQG, Đại sứ Taylor rất tức giận, và trong cuộc gặp gỡ tại văn phòng của Tướng Khánh, sau khi Tướng Khánh xác nhận chính ông chịu trách nhiệm về việc giải tán THĐQG, Đại sứ Taylor đã buông lời đe dọa Tướng Khánh nguyên văn như sau: "In that case get ready to leave the position of Comdr-in-Chief and to leave the country." 14 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Trong trường hợp này, ông hãy chuẩn bị rời chức vụ Tổng Tư Lệnh và ra khỏi nước.”). Hai tháng sau, như đã trình bày bên trên, Tướng Khánh bị loại khỏi chức vụ Tổng Tư Lệnh và bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, đúng như lời đe dọa trước đó của Đại sứ Taylor. Vì thế, trong suốt thời gian mà ông giữ cương vị Quốc Trưởng, Chủ Tịch UBLĐQG, (cũng như cả sau này, khi ông đã trở thành Tổng Thống của Đệ Nhị Cộng Hòa) ông rất cảnh giác đối với người Mỹ và lúc nào cũng lo sợ bị đảo chánh. 

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại Tá Phạm Văn Liễu, lúc đó giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, đã mô tả nỗi lo sợ này của Tướng Thiệu như sau: "Mỗi lần ở Sài Gòn có tin đồn đảo chính là Tướng Thiệu lại bay ngay xuống Cần Thơ tá túc. Nhiều khi mới 6, 7 giờ sáng đã thấy Tướng Thiệu bơ phờ xuất hiện ở phi trường Bình Thủy." 15

Trở lại việc Tướng Thiệu đảm nhận vai trò Chủ Tịch UBLĐQG, tức Quốc Trưởng VNCH. Như trên có nói, đây là một tính toán sai lầm của Tướng Thiệu. Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, hay Nội các Chiến tranh, đã tồn tại hơn 2 năm, và ngày một vững mạnh, vượt qua được tất cả những cuộc khủng hoảng chính trị rất nghiêm trọng.16 Và, dĩ nhiên, uy tín cá nhân của Tướng Kỳ trong Quân Đội cũng như quyền hành của Tướng Kỳ, với tư cách Chủ Tịch UBHPTƯ, tức Thủ Tướng, càng ngày càng tăng và được cũng cố rất vững vàng. 

Vai trò và uy thế của Tướng Thiệu đã bị giảm thiểu nặng nề. Đại tá Phạm Văn Liễu đã có những ghi nhận như sau trong cuốn hồi ký của ông: "Tướng Thiệu sử dụng Dinh Gia Long làm Phủ Chủ Tịch UBLĐQG. ... Bên mé trái của tòa nhà, ngoài dăm sĩ quan đã làm việc với Tướng Thiệu ở Sư Đoàn 5 ra, không có mấy người lui tới. ... Theo dư luận hồi đó, bao nhiêu quyền hành, công việc do Tướng Kỳ thu tóm hết, Tướng Thiệu chỉ là một thứ bù nhìn giữ dưa. Tướng Thiệu cũng hiểu vậy, cố gắng chịu đựng, ngậm bồ hòn làm ngọt, ngầm chiêu binh mãi mã chờ thời."17 

Sau khi Hiến Pháp mới đuợc ban hành vào ngày 1-4-1967, Nội các Chiến tranh tích cực chuẩn bị bầu cử Tổng Thống và Thượng Nghị Viện sẽ diễn ra vào tháng 9-1967, thì vị thế của Tướng Kỳ đã hoàn toàn chế ngự chính trường VNCH. Ông được sự ủng hộ của các tướng Tư Lệnh Vùng, và, như thế cũng có thể nói là có luôn cả sự ủng hộ của các vị Tỉnh Trưởng vì các vị này đều là người thân tín của các Tướng Tư Lệnh Vùng.  

Trong Quốc Hội Lập Hiến (QHLH) ông cũng được sự ủng hộ của một số dân biểu quan trọng nhờ vậy QHLH, khi thảo luận về Hiến Pháp, đã đồng ý thông qua điều khoản ấn định tuổi tối thiểu để ứng cử Tổng Thống là 35 thay vì 40 (lúc đó Tướng Kỳ được 37 tuổi, và Tướng Thiệu 43 tuổi).18 Trong một cuộc họp báo tại Đà Lạt, ngày 12-5-1967, Tướng Kỳ tuyên bố sẽ ra ứng cử Tổng Thống. Một tuần lễ sau, ngày 19-5-1967, Tướng Thiệu cũng cho biết sẽ ứng cử Tổng Thống. Việc này làm cho các tướng lãnh lo ngại số phiếu quân nhân có thể bị chia xẻ giữa hai liên danh riêng rẻ của 2 Tướng Thiệu Kỳ và một liên danh dân sự có thể đắc cử. 

Các tướng thuộc phe Tướng Kỳ đã cử Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng đến gặp Tướng Thiệu để thuyết phục Tướng Thiệu rút lui nhưng Tướng Thiệu không đồng ý, nhất định từ chối.19 Điều này bộc lộ bản tính "làm chính trị phải lì" của Tướng Thiệu. Hiểu theo nghia tích cực, "lì" tức là có quyết tâm cao, đã tính làm một chuyện gì thì sẽ cố gắng làm cho đến cùng, nghĩa là có kiên nhẫn. 

Tướng Thiệu rõ ràng là người có đức tính này. Ông lại cũng tỏ ra là một người có tinh thần làm việc nghiêm chỉnh, ngược hẳn lại so với Tướng Kỳ. Đại Tá Phạm Văn Liễu cũng đã có những nhận xét khách quan đối với 2 vị Tướng này như sau: "Tôi được giao trách nhiệm tổ chức lễ ra mắt cho chính phủ quân đội vào ngày 19-6... Trước ngày 19-6, anh Như Phong nhờ tôi đem hai bài diễn văn do anh soạn thảo tới cho hai vị chủ tịch. Khi ghé nhà ông Kỳ trong trại Phi Long, ông Kỳ đang bận đánh mạt chược với mấy sĩ quan Không Quân. Thấy tôi, Tướng Kỳ ra phòng khách nghe tôi trình bày về chương trình buổi lễ. Khi tôi đưa bản thảo bài diễn văn cho ông Kỳ, ông ta hờ hững đón nhận, nói qua tiếng cười : "Cứ để lại cho tôi, tối tôi sẽ coi. Bây giờ còn đang dở ván mà chược." Hiểu tính ông, tôi xin rút lui để cho ông đỡ mất hứng... Thái độ Tướng Thiệu chững chạc hơn ông Kỳ nhiều. Khi tôi đưa ra bản thảo bài diễn văn, ông Thiệu kêu người pha trà mời tôi, rồi thận trọng duyệt lại bản thảo. Ông Thiệu đọc đi đọc lại nhiều lần, cân nhắc từng câu, từng chữ, có khi đến cả dấu chấm, phẩy trong bài. Sự tương phản giữa hai ông Thiệu và Kỳ quá rõ ràng. Mặc dù ông Thiệu lúc ấy chỉ có hư vị nên thái độ khiêm tốn hơn, thận trọng hơn; nhưng nói về bản chất một cấp lãnh đạo và chỉ huy, ông Thiệu có vẻ được chuẩn bị sẵn và được một ban cố vấn có khả năng tiếp sức." 20

Về tính cẩn trọng này của ông Thiệu, chúng ta sẽ có dịp biết thêm khi xét đến giai đoạn ông đã là Tổng Thống qua các nhận xét của những nhân vật thân cận với ông như Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng và Cố vấn Nguyễn Văn Ngân.

Trong thời gian nắm giữ chức vụ Chủ Tịch UBLĐQG, tức Quốc Truởng, Tướng Thiệu đã chứng tỏ khả năng chính trị của ông qua môt số sự việc mà quan trọng nhứt là vụ Biến Động Miền Trung năm 1966. “13-3-66, Hội-đồng Tướng-lãnh, gồm cả các chỉ huy địa phương nhóm họp tại Bộ Tổng-tham-mưu và biểu quyết với 32 phiếu thuận và 4 phiếu trắng cho tướng Nguyễn Chánh Thi nghỉ việc. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân được cử lên thay làm Tư-lịnh Vùng I kiêm Đại-biểu Chính-phủ.”21 

Đây là một cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhứt trong thời gian cầm quyền của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tức Nội Các Chiến Tranh. Cuộc khủng hoảng chính trị này rất phức tạp và ảnh hưởng trên ¼ lãnh thổ của VNCH, lại ngay sát vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc nên gây ra rất nhiều bối rối, khó khăn cho Nội các Nguyễn Cao Kỳ và cả UBLĐQG. Sau khi Tướng Thi bị cách chức Tư Lệnh Vùng I vào ngày 13-3-1966, chỉ trong một thời gian rất ngắn mà đã có 4 bốn lần thay đổi tướng Tư Lệng Vùng I như sau:

- Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân: từ ngày 13-3-1966 đến ngày 8-4-1966
- Trung Tướng Tôn Thất Đính: từ ngày 9-4-1966 đến ngày 15-5-1966
- Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao: từ ngày 16-5-1966 đến ngày 30-5-1966
- Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm: từ ngày 31-5-1966

Điều này cho thấy UBLĐQG, mà Chủ tịch là Tướng Thiệu, đã rất lúng túng và phạm sai lầm nhiều lần trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị này. Nó cho chúng ta thấy rất rõ tính cách “tập sự cầm quyền” của Tướng Thiệu trong giai đoạn này Đồng thời nó cũng cho thấy rõ là Tướng Thiệu đã học tập có kết quả tốt khi ông biết kết hợp cả 2 mặt quân sự và chính trị (vừa cương vừa nhu) trong giai đoạn cuối khi kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị này. Chúng ta hãy xem lại diễn tiến của việc giải quyết cuộc khủng hoảng để thấy rõ sự trưởng thành về chính trị của UBLĐQG mà Tướng Thiệu là người cầm đầu: 22

  • Vào khoảng cuối tháng 3-1966, chính quyền trung ương ở Sài Gòn gần như không còn kiểm soát được Vùng I nữa. Ngày 4-4-1965, Tướng Kỳ cùng với hai tướng Nguyễn Hữu Có, Cao Văn Viên và Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan mang 2 Tiểu đoàn TQLC có chiến xa yểm trợ ra Đà Nẵng và gặp sự chống đối quyết liệt của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh. Trước sự chống đối quyết liệt có thể đưa đến một cuộc đụng độ đẫm máu giữa các đơn vị của QLVNCH, Tướng Kỳ và Tướng Viên quyết định trở về Sài Gòn nhưng vẫn để các đơn vị TQLC ở lại; Tướng Có ở lại để điều đình với phe chống đối.

  • Các ngày sau đó, sau khi họp với phe Phật Giáo (do Thượng Tọa Thích Tâm Châu lãnh đạo), UBLĐQG đồng ý sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (QHLH) trong vòng 6 tháng. Nhưng sau đó Thương Tọa Tâm Châu lại có văn thư đòi hỏi nhiều chuyện khác trong đó có đòi hỏi chính quyền trung ương phải rút hết quân về Sài Gòn. Tướng Kỳ rất tức giận và đơn phương ra lệnh đưa thêm quân ra Đà Nẵng, lần này gồm cả TQLC và Nhảy Dù. Được tin này, Tướng Thiệu yêu cầu Tướng Viên gửi công điện hỏa tốc, ra lệnh rút các lực lượng tổng trừ bị đó về Sài Gòn ngay.

  • Ngày 12-4-1966, UBLĐQG triệu tập Đại Hội Chính Trị Toàn Quốc tại Sài Gòn. Ngày 14-4, khi Đại Hội bế mạc, Tướng Thiệu đích thân đến chủ tọa và đọc Sắc Luật 14/66 thông báo chính phủ sẽ tổ chức bầu cử QHLH trong vòng từ 3 tới 5 tháng.
  • Ngày 22-4-1966, để thi hành Sắc Luật 14/66 nói trên, UBHPTƯ triệu tập một Ủy Ban gồm 48 người với nhiệm vụ soạn thảo luật bầu cử QHLH.

  • Mặc dù chính quyền trung ương đã nhượng bộ và đã tiến hành các bước cần thiết trong việc bầu cử QHLH, phe Phật Giáo ở Miền Trung dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Trí Quang vẫn tiếp tục chống đối và biểu tình bạo động. Lần này thì Tướng Thiệu cương quyết dùng võ lực. Ngày 15-5-1966 chính ông ra lệnh đem quân ra Đà Nẵng để tái lập trật tự. 

  • Ông thật sự đã áp dụng bài học mà ông đã học được trong lúc làm Tổng Thư Ký cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (từ tháng 2 đến tháng 9-1964) thời Tướng Nguyễn Khánh làm Chủ Tịch: “Càng nhượng bộ thì phe Phật Giáo càng lấn tới; điều này có nghĩa là nhượng bộ nhiều quá không phải là một điều hay trong chính trị.” Cuối tháng 6-1966, quân của chính quyền trung ương từ Sài Gòn gửi ra hoàn toàn làm chủ tình hình tại Đà Nẵng và Huế; cuộc khủng hoảng chính trị tại Vùng I chấm đứt.

Cũng trong thời gian giải quyết cuộc khủng hoảng này, ngày 6-6-1966, Hội Đồng Tướng Lãnh nhóm họp tại Bộ Tổng Tham Mưu quyết định mở rộng UBLĐQG và mời 10 nhân vật dân sự thuộc các tôn giáo và chính đảng tham gia, gồm các vị sau đây: “Trần Văn Đỗ, Phạm Hữu Chương, Phan Khoang (Viẹt Nam Quôc Dân Đảng), Nguyễn Văn Huyền (Công Giáo), Vũ Ngọc Trân (Công Giáo), Trần Văn Ân (Cao Đài), Văn Thành Cao (Cao Đài), Nguyễn Lưu Viên, Quan Hữu Kim (Hòa Hảo), Huỳnh Văn Nhiệm (Hòa Hảo).” 23

Khi xảy ra vụ khủng hoảng nội các vào tháng 10-1966 (6 vị Bộ Trưởng gốc Miền Nam từ chức để phản đối Tướng Nguyễn Ngọc Loan lạm quyền), một lần nữa gây khó khăn không ít cho Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, chính UBLĐQG mở rộng này cũng đã có đóng góp trong việc hòa giải, khiến 4 trong 6 Bộ Trưởng đồng ý rút đơn từ chức và tiếp tục ở lại phục vụ cho Nội Các Chiến Tranh.

Sau khi Hiến Pháp mới được ban hành vào ngày 1-4-1967, đối với Tướng Thiệu, cuộc bầu cử chức vụ Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, sẽ tổ chức vào ngày 3-9-1967, là một cơ hội không thể bỏ qua, và lần này, ông quyết tâm phải dành cho được chức vụ này, không để phạm sai lầm một lần nữa như hồi tháng 6-1965 khi QLVNCH thành lập UBLĐQG và UBHPTƯ.  Hơn ai hết, Tướng Thiệu biết rất rõ rằng tại thời điểm này, sau hai năm trực tiếp nắm quyền trên cả nước với tư cách là Chủ Tịch UBHPTƯ (tức Thủ Tướng), thế lực của Tướng Kỳ đã hoàn toàn chế ngự chính trường VNCH. 

Nhưng ông cũng biết rất rõ rằng tất cả các tướng lãnh nói riêng và cả quân đội nói chung đều không muốn thấy một liên danh dân sự (với những chính trị gia được dân chúng Miền Nam ủng hộ mạnh mẻ như các ông Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu) thắng trong cuộc tranh cử này. Chuyện này có thể xảy ra nếu số phiếu của các cử tri phe quân nhân có thể bị chia ra trong trường hợp có hai liên danh quân nhân. Do đó, sau khi Tướng Kỳ tuyên bố ra tranh cử Tổng Thống trong một cuộc họp báo tại Đà Lạt vào ngày 12-5-1967, thì một tuần lễ sau, ngày 19-5-1967, Phủ Chủ Tịch UBLĐQG cũng ra thông báo là Tướng Thiệu sẽ ứng cử chức vụ Tổng Thống. 

Các tướng lãnh, nhứt là các tướng lãnh thuộc phe Tướng Kỳ, rất không yên tâm về chuyện này. Họ cử Tướng Nguyễn Đức Thắng đến gặp Tướng Thiệu để thuyết phục Tướng Thiệu rút lui nhưng Tướng Thiệu nhứt quyết không chịu. Trước tình thế này, Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, phải triệu tập cuộc họp của Đại Hội Đồng Quân Lực tại Bộ Tổng Tham Mưu vào 2 ngày 28 và 29-6-1967 để áp lực 2 tướng Thiệu Kỳ phải đứng chung với nhau trong một liên danh, và vì vấn đề hệ thống quân giai, Tướng Thiệu là một Trung Tướng (3 sao) phải đứng trên (Tổng Thống), và Tướng Kỳ là một Thiếu Tướng (2 sao) phải đứng dưới (Phó Tổng Thống) trong liên danh chung này. 

Để thỏa mãn tự ái của Tướng Kỳ và giúp cho Tướng Kỳ dễ dàng chấp nhận đứng chung và làm phó trong liên danh chung này, Tướng Thiệu đã chấp nhận ký tên vào một Mật Ước giữa các tướng lãnh cao cấp, đồng ý là, nếu đắc cử, ông chỉ là Tổng Thống trên danh nghĩa mà thôi, tất cả quyền hành vẫn thuộc về Tướng Kỳ.24 Như vậy, nhờ quyết tâm cao và tính toán đúng, Tướng Thiệu đã thắng lớn trong ván bài chính trị này, một ván bài đã thua thấy rõ ngay từ đầu. Quyết tâm và tính toán này sẽ được ông áp dụng nhiều lần nữa sau này khi ông đã trở thành Tổng Thống VNCH.

(Còn tiếp)

 
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List