QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Monday, October 16, 2017

NHẬT BẢN TRONG TÔI

 

NHẬT BẢN TRONG TÔI


                                                       DTDB

Gia đình tôi vào Mỹ thuộc diện “Ô-Đi-Ghe” (vượt biên bằng ghe). Sau khi bôn đào khỏi mẫu quốc để tị nạn Cộng sản, thì đến được Nam Dương quần đảo. Chúng tôi may mắn hơn những thuyền nhân khác bị bỏ thây ngoài biền cả vì bão tố, vì hải tặc, vì bịnh, vì đói khát, vì tàu chìm… Đó cũng nhờ Ơn Trên che chở và hồng phúc của ông bà cha mẹ hai bên. Cho nên chúng tôi mới vượt thoát khỏi những ngày hiểm nguy, lênh đênh trên biển cả, mưa giông bão nổi dật dờ thừa chết thiếu sống cũng nửa tháng trời! Rồi những tháng ngày lê thê lếch thếch từ đảo nầy qua đảo khác, gia đình tôi gồm có bốn người (hai vợ chồng và 2 đứa con) giống và có lẽ còn tệ hơn dân Cái Bang (những người xin ăn trong truyện Tàu của Kim Dung).
Chúng tôi là những thuyền nhân đang ở đảo Ga Lăng (Nam Dương) đi tàu qua Singapore. Nối tiếp tuyến đường bay từ nước tạm dừng chân Singapore để đến nước thứ ba Mỹ làm thân chùm gởi xứ người. Trong chuyến phi hành đó, máy bay chúng tôi đi, đã ghé qua Tokyo (Nhật Bản) để đổi chuyến bay từ Nhật qua Mỹ (California)). Sau đó qua tiểu bang khác, theo lịch trình chuyển tiếp đưa đến tiểu bang Illinois chúng tôi được định cư.

Lúc bấy giờ là cuối năm 1979. Phi trường Tokyo của Nhật Bản trong tôi, trong tâm trạng của một người tị nạn Cộng Sản Việt Nam. Bởi chúng tôi lìa quê hương, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rúng, nơi có mồ mả ông cha. Nơi đã bao đời xây dựng đắp bồi bằng xương, bằng máu của tiền nhân, của Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa cho một Miền Nam ấm no, hạnh phúc, và Tự Do...
Những nhà lớn, nhà nhỏ chung quanh phi trường Tokyo, làm tôi liên tưởng đến lúc còn bé thơ. Cứ mỗi lần ở nhà xài hết diêm quẹt cây, là luôn giữ lại cái hộp không cho, tôi thường dùng những cái hộp quẹt không đó để chất chồng lên nhau: Cái cao, cái thấp, chơi trò cất nhà với các bạn cùng xóm. Cho nên những ngôi nhà cao, nhà thấp nguy nga tráng lệ ở Tokyo tôi nhìn thấy hôm nay, thiệt là giống hệt như những cái hộp quẹt, trong trò chơi trẻ con của chúng tôi thuở ngày xưa.
Thời gian trồi mãi tôi, để rồi hôm nay đây, ba mươi mấy năm sau! Chiếc máy bay 747, cất cánh lúc 10 giờ 45 sáng (giờ California) đưa chúng tôi, và những hành khách từ phi trường San Francisco, đến phi trường Narita Tokyo của Nhật Bản.
Phải mất khoảng 11 giờ bay, tâm tư tôi giờ đây cảm thấy thơ thới, vui vẻ ngồi trên máy bay đầy đủ tiện nghi. Nầy nhé có TV trước mặt (màn ảnh gắn trên lưng ghế người ngồi phía trước) có báo chí để xem... Phu quân tôi đem theo sách, máy DVD nhỏ để xem phim bộ cho thời gian qua mau, và tôi không quên nhét vào giỏ nào, quít, kẹo, bánh ngọt… để nhai nhỏm nhẻm cho đỡ buồn cái miệng hay ăn vặt của mình..
Nhưng ngồi vài giờ ở một chỗ, thì tôi cũng tù túng nên cảm thấy uể uải lắm! Đồng hành với chúng tôi trong chuyến nầy, còn có vợ chồng người bạn từ thời còn Trung học. Cho nên chúng tôi cảm thấy vững lòng hơn khi đến một vùng xa xứ lạ để “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” như ông bà ta đã có câu nói đó từ ngàn xưa. Sau những ăm dài “cày” mệt nghỉ các con đã ra trường, hai bộ xương già dành dụm có đồng vô đồng ra, nên mới tháp tùng đi những chuyến thăm viếng xa...

Phi trường Narita Tokyo, 3giờ30 chiều (Nhật, đi trước California của Mỹ 16 giờ). Khi cửa máy bay mở rộng... Nhật Bản đón nhận những đứa con ra đi vì công việc, vì tương lai… nay họ trở về thăm, hay trở về góp sức, xây dựng cho cố quán giàu đẹp hơn. Và Nhật cũng chào đón, những người khách phương xa như chúng tôi đến viếng thăm, ngắm xem những phong cảnh, những di tích lịch sử, của nước Phù Tang nổi tiếng trên thế giới.
Sau phần thủ tục giấy tờ nhập cảnh, khám xét hành lý xong. Chúng tôi (4 người) đẩy 2 chiếc xe nào va-li, túi nải, và theo làn sóng người ra cửa chờ đợi... Nơi đó sẽ có người đón, và hướng dẫn đưa chúng tôi theo lịch trình thăm viếng, trong chuyến du lịch 8 ngày ở Nhật.
Mèn ơi, phi trường Tokyo của Nhật rộng lớn có thua gì phi trường San Francisco, hay phi trường Los Angeles, hoặc O’hare của Mỹ đâu. Nơi đón rước rào rào âm thanh nhạc êm dịu từ những chiếc loa, cùng lời hướng dẫn bằng Nhật, Anh, Pháp... cho hành khách vừa mới đến. Thêm tiếng nói khác nhau của nhiều sắc tộc... nhưng trên nét mặt gần như ai ai cũng rạng rỡ, vui tươi... Có người lớn tiếng chào hỏi, nói cười, reo mừng khi gặp lại thân nhân, bè bạn, người yêu... Cảnh ồn ào, líu lăng của họ cũng chẳng thua gì cái chợ mặc dù trên mọi gốc đều có viết chữ “xin giữ yên lặng” bằng Nhật, Pháp, Anh và nhiều ngoại ngữ khác.
Trong hàng rào cách ngăn lối dành cho hành khách đi ra, và người đến đón có nhiều người đứng chờ đợi sẵn. Tay họ cầm tấm bảng có dấu hiệu, hoặc có tên, để kẻ đi rước và người được rước dễ dàng nhận diện nhau...
Tôi thấy phù hiệu hãng du lịch trên ngực áo của đôi cặp vợ chồng nọ, thì nhận biết ngay là ngoài 4 đứa tôi ra, còn có 4 người nữa cùng đoàn du lịch với chúng tôi. Ngoài ra tôi còn thấy trong hàng rào chờ đợi, có rất nhiều hướng dẫn viên du khách, của những hãng du lịch khác.
Người đến chờ, kẻ đợi rước càng lúc càng thưa dần! Họ đi hết rồi, nhìn qua, ngoãnh lại chỉ còn có 4 con nai “già” ngơ ngác là chúng tôi thôi! Bọn tôi mong ngóng rồi chia nhau đi lẩn quẩn tìm người hướng dẫn... Nhưng hai mươi (20) phút, rồi bốn mươi (40) phút trôi qua… cũng chẳng thấy ai đâu? Thế là hai người “liền ông” trong bọn bắt đầu càm ràm.
Ông chồng tôi bình thường ít nói, bỗng mở miệng:
-  Em mua nhầm cái hãng du lịch gì mà vô duyên quá trời! Biết có 4 du khách ở chuyến bay nầy đến đây, mà giờ nầy cũng chẳng ai ra đón...
Nồi ơi, ngồi máy bay suốt mười mấy giờ đồng hồ, xương sống ê ẩm, chân cẳng tê cứng... giờ lại nghe ông chồng mình càm ràm nữa! Tôi thấy mắc ghét không thèm trả lời chớ trong bụng ứa gan lắm!
Lúc nào cũng vậy, tôi làm chuyện gì có kết quả tốt, vui vẻ thì thôi. Miễn có gì sai trái, hay con cái học dở thì tôi luôn bị ổng càm ràm... Thiệt là vô duyên hết chỗ nói! Bộ tui muốn làm sai, hay muốn mấy đứa nhỏ học dở sao chớ? Tôi cũng thắt thẻo, vừa bực mình, vừa âu lo muốn chết đây, chớ bộ sung sướng lắm sao mà cằn nhằn cử nhử? Cố nhịn làm thinh, nhưng tôi cũng ứa gan lắm, vì vốn vỉ đó là cái tật của phu quân mình!
Nhớ khi xưa nửa đêm gà gáy, Việt Cộng pháo kích ầm ầm vào thành phố. Tôi lo ẵm con xuống hầm núp thì ổng lại cằn nhằn nào là: Con nhỏ ở hồi chiều để em khóc, quần áo giặt không sạch, không xúc bình sữa… Hoặc là vợ ông không coi chừng cho con ăn no, hồi sáng đi chợ quên mua sữa cho con sắp hết… Tôi đang vừa lo sợ pháo giặc, trong lòng giận vô cùng kể nhưng cũng cố nhịn, ôm con vào lòng quơ cái mền để sẵn, trùm hai mẹ con cho ấm áp sướng hơn, không thèm trả lời hai cãi cọ với ổng chi cho mệt!
Để rồi sáng hôm sau Việt Cộng pháo kích vào thành phố! Ai chết thì chôn, ai bị thương thì vào bệnh viện, nhà cửa ai hư hại thì chống chỏi, hoặc có tiền thì tự bỏ ra mà sửa chửa lại… Việt Cộng pháo kích xong thì chuồn mất! Chúng không cần biết gì đến cái đau khổ, chết chốc... đã gây ra cho dân lành... Và khi sóng lặng gió yên, tôi nhắc chuyện hồi hôm ổng càm ràm tôi và người làm… Ông mỉm cười, không nói lời nào, lỏn lẻn bỏ đi chỗ khác! Bao nhiêu năm chung sống, tôi còn lạ gì cái tánh của chồng mình. Và đến nay, mấy mươi năm sau chàng của tôi cũng không thay đổi! Hể mỗi lần có chuyện gì lo, giận, tức… thì ông chồng tôi hay càm ràm vợ, với con…
Ấy vậy, mà đó lại là cái hay cho gia đình tôi! Bây giờ các con chúng tôi đã thành nhân. Đứa có chồng ở riêng, đứa đi làm xa lâu lâu mới về thăm nhà. Mỗi lần gia đình đoàn tụ, được xum họp trong lúc ăn uống, thì chúng nó thường hay nhắc những chuyện xưa...
Đứa con gái lớn nhắc chuyện năm cháu còn ở Tiểu học. Lúc đó cháu bảo với ba cháu:
-  Ba ơi, chỗ rửa chén bị nghẹt nước rồi...
Phu quân tôi chẳng nói rằng, đi tìm cây thụt đem ra thụt cho nước chảy thông... Thụt một hồi nước vẫn còn đọng, ông nổi nóng nói lớn:
-  Tại mẹ bây khạc cục đàm nhổ vào trong đó... nên mới bị nghẹt!
Đứng gần nghe được, tôi tức muốn nghẹn cổ, nhăn mặt... không dằn được chỏ mỏ “đớp” lại liền:
-  Nồi đất nồi đồng ơi! Đừng có đổ thừa nghen! Tại nhà mướn nầy cũ mấy chục năm rồi, có biết bao nhiêu người ở trước mình. Ồng nước bị nghẹt, tại dùng lâu đời nên nó không chảy thông thương! Tôi nhổ cục đàm, chớ có phải là cục đá đâu mà bị nghẹt? Thiệt tình... nói vậy mà nghe được!
Mấy đứa nhỏ phá lên cười ngã nghiêng ngã ngữa. Ức lòng lắm, nhưng tôi cũng cười ngất ngất. Ông chồng tôi cố làm thinh, nhưng nhịn không được, cũng bật cười thành tiếng lớn...

Dòng hồi tưởng tôi bị cắt ngang, bởi có người hỏi bằng tiếng Anh với giọng lờ lợ. Tôi quay lại thì ra người đàn bà ăn mặc chỉnh tề, đeo huy hiệu trên ve áo. Chắc đó là huy hiệu, chức sắc, và phận sự của bà ta ở phi trường Narita Tokyo, bà hỏi:
-  Các người từ đâu tới, và đang làm gì ở đây?
Chồng của chị bạn tôi trả lời:
-  Chúng tôi từ Mỹ tới, chờ người hướng dẫn du lịch đến đón.
Vừa nói đến đó, thì người hướng dẫn cũng vừa chạy vào. Cô sổ một tràng tiếng Nhật với bà ta, rồi quay qua xin lỗi chúng tôi (bằng tiếng Anh) Bởi bị kẹt xe, cô phải đến bên cánh khác của phi trưòng đón 4 người khác. Họ đang ngồi ngoài xe...
Xe rước chúng tôi ra khỏi phi trường, thì phố xá đã lên đèn. Bầu trời âm u, tiết trời lành lạnh. Cái lạnh dễ chịu của mùa xuân trên đất Phú Tang. Chúng tôi được đưa đến một khách sạn lớn, sang trọng nằm dưới chân đồi xoai xoãi. Người hướng dẫn làm thủ tục để chúng tôi nhận phòng ngủ đêm nay (lúc đó đã hơn 7 giờ tối). Cô dặn chúng tôi để hành lý trên phòng, rửa mặt rồi xuống dùng bữa ăn tối kẻo trể...
Hai lỗ tai còn lùng bùng và điếc căm, mặt tôi lừ đừ, dã dượi vì gió, vì máy bay lên cao, xuống thấp, xuyên vào những đám mây dầy đã lắc lư của con tàu bay! Tôi dụi mắt mấy lần tưởng nhìn lầm khi bước vào phòng ăn của khách sạn, vì cả phòng đa số là người Việt. Tôi nhận ra cô Loan Anh và phu quân, mà mấy mươi năm trước dạy ở trường Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ).
Thật không gì vui cho bằng, những người đồng hành đã quen biết trong chuyến du lịch nầy, còn những người khác toàn là đồng hương của mình nữa... Họ đến từ Nam California, Bắc California, Seattle (Washington), Sacramento (Thủ phủ của California) New York. Chúng tôi họp lại thành một đoàn có 34 người (chỉ 1 ngườì Mỹ, 6 người Tàu) không nói và nghe được tiếng Việt rành rọt, nhưng phối ngẩu của họ là Việt Nam.
Theo thời khóa biểu kèm theo giấy máy bay, có từ khi hãng du lịch gởi đến tận nhà, khoảng hai tuần trước khi lên đường. Hôm nay, đoàn chúng tôi sẽ đi thăm viếng những phong cảnh, những di tích lịch sử xa xưa, uy nghiêm, cổ kính và hiện đại.
Những thắng cảnh thăm qua vừa đẹp lại vừa mới lạ... đã tạo cho nước Nhật nổi tiếng, về nhiều mặt đứng nhứt nhì trên thế giới.
Chúng tôi đi thăm khu thương mại sầm uất ở Tokyo. Hàng hóa trong các tiệm đều sản xuất ở Nhật. Nhân công và chủ tiệm đều là người bổn xứ. Hàng hóa Nhật cái gì cũng đẹp, cũng xinh xinh, cũng gọn gẻ trang nhã dễ nhìn hơn những hàng hóa, vật dụng của ngoại quốc như: Tàu, Pháp, Mỹ, Mễ, Ấn Độ… Nhưng nói về phần phẩm chất bền, chắc… thì Nhật chưa chắc đã hơn các nước khác nhứt là Mỹ.
Tôi nhận thấy ở Nhật Bổn cái gì giá cũng cao, cũng mắc. Từ đồ dùng cho đến thức ăn, nước uống và phương tiện di chuyển bằng Taxi chẳng hạng, gía cả cao ngất trời xanh…
Thí dụ như:
* Cái sống chén bằng nhựa (như cái rổ hình chữ nhựt, bên dưới có miếng nhụa để giữ nước rỏ xuống khi chén được rửa sạch úp lên). Tại khu chợ Nhật tính ra tiền Mỹ phải là 22 dola. Trong khi tại Mỹ, tôi chỉ mua giá bình thường là 4 dola 99 cents, cộng thêm thuế vào chưa tới 6 dola. Gặp lúc hạ giá, còn rẻ hơn 1, hoặc 2 dola là việc hết sức bình thường. 
* Ở đây, một trái chuối già chín vàng không lớn lắm cũng phải 3 dola. * Củ khoai lang nướng bằng cườm tay (người ốm) cũng 4 dola.
Thấy giá trái dưa hấu, bà bạn tôi mở to mắt, thảng thốt kêu lên:
-  Chu mẻ mẹt giời ơi! Ở Mỹ bán 5 dola tui không thèm mua, còn dọa kêu lính bắt là đàng khác! Úi ông bà ông vải ơi! Bà con lại đây xem đi, trái dưa hấu thường như vậy mà 74 dola?
* Trái dưa tây, có nơi gọi là dưa hoàng kim (cantelope) 21 dola/1 trái. Bà khác cũng đi chung đoàn, liếc xéo hấy nguýt trái dưa như oán thù từ muôn kiếp trước, rồi trề môi dài cả thước, lẩm bẩm:
-  Bộ điên sao mà mua trái dưa như vậy mà 21 đola? Đồ cái thứ mắc ma nầy bên Mỹ 1dola, hoặc 99 cents/1trái. Tươi rói, ngọt như đường, bự tồ bà dền tôi còn chê mắc, không thèm mua nữa đó. Bởi có khi trúng mùa họ bán 1 dola (1$/2 trái) có khi 1$/3 trái nữa đó...
Tôi cười:
-  Biết mắc, nhưng người ta cũng phải mua để ăn chớ. Có như vậy, họ bán mới được. Về Mỹ mà thuật lại, chắc những người bên đó sẽ bảo chúng mình nói láo hả chị? Nhưng thật sự mắc quá đi thôi, tôi nghĩ có lẽ lương hướng của nhân viên ở xứ nầy cao lắm mới sống nổi?
Ấy vậy mà đến bữa ăn chiều ở nhà hàng, các món tráng miệng, trái cây tươi rất phong phú. Ngoài bánh ngọt, các loại sương sa hột lựu ra còn có: dưa tây, dưa hấu, chuối già chín, cả trái vải đông lạnh nữa…
Bà bạn cười tủm tỉm, kề tai tôi nói nhỏ:
-  Tụi mình phải ăn nhiều, ăn hết mấy trái cây nầy. Ăn cho bỏ ghét, ăn để trả thù…
Tôi gật gật đầu đồng tình rồi cười hí hí.
* Một chai nước lọc nhỏ bán trong máy, trung bình ở Mỹ 1 dola. Ở đất Phù Tang phải 4, đến 5 dola đó quý vị ạ!
* Đến Nhật mà quý vị đi taxi sẽ bị phá sản ngay! Tại sao mà bi quan qua vậy nè? Không phải bi quan đâu, vì đi Taxi khoảng đường dài chừng 25 cây số thôi. Thần hoàng thổ địa ơi, tối thiểu bạn phải trả 300 dola!
Các thứ khác cũng thế đó, như là: quần, áo, tơ, vải vóc, giầy vớ, xách tay, đồ chơi bằng nhựa của trẻ con… Giá cái nào cũng cao ngất tận chín tầng mây! Trong đoàn du lịch của chúng tôi, bà nầy kêu mắc, bà kia chê ỉ chê ôi... Nhưng rồi cũng có người mua... Và miệng họ cười tươi như hoa xuân mới nở và sang tinh sương, bảo:
-  Nó tuy mắc thiệt! Nhưng quý ở chỗ là vật kỷ niệm!
Có bà đứng sau lưng tôi, nhỏ giọng:
-  Xì, quý cái con khỉ đột! Quý thì bà mua đi, cho chồng bà xách về nặng né thở. Thiệt là điên mà “Đắc đồng ế chợ” về bên Mỹ y chang, cùnghiệu mua phải rẻ hơn nhiều... Bộ “cày” ra tiền không mệt sao,thiệt tình,  biết mắc mà còn mua…
Tôi cũng gật đầu cười và nói nhỏ chỉ đủ cho bả nghe:
-  Bả nói đúng thật mà! Là vật kỷ niệm, xa xôi quá sau nầy chắc khó có dịp trở lại đây mà mua...
Có những chuyện, nói ra thì tôi cảm thấy hổ ngươi, nhưng nếu cười, thì nước mắt tôi sẽ chảy ròng ròng đấy quý bạn ơi! Số là tôi vốn thích ăn vặt hơn ăn bữa cơm chánh. Dân ruộng như tôi ưa ăn mấy thứ như: hột bí rang, chuối chiên, hột điều, kẹo, khoai lang nấu, chuối nướng, trái cây tươi... Bởi Nam Kỳ Lục Tỉnh nổi tiếng trái cây tươi ngon và nhiều nhứt trong 3 miền đất nước của chúng ta. Thấy hột dẻ nướng (chestnut) hột nào hột nấy lớn bằng ngón chân cái. Họ đã luộc chín rồi, mới đem nướng và tách vỏ sẵn, chỉ còn cái ruột, màu ngà ngà nằm phơi phới trong thùng kiếng, và mùi ấm phảng phất gợi thèm trong cơn gió hắt hiu lành lạnh của buổi chiều vàng thoi thóp nắng!
Thật là hấp dẫn vô cùng quý vị ạ! Tôi bèn dừng lại, dở hầu bao trả tiền là 550 yen/100gram, lúc bấy giờ bao nhiêu tiền Nhật đó, tương đương với 5 dola 50 cents Mỹ. Cầm bao hạt dẻ lên sao nghe nó nhẹ hều hà, tôi liếc qua liếc lại không thấy ai nhìn mình, vội mở bao hột dẻ ra đếm!
-  Trời đất quỉ thần, thiên la địa võng ơi!
Chỉ thốt ra được bấy nhiêu đó thôi! Tôi trợn mắt trắng dã, mặt chừ bự, nhìn ông xã tôi lầm bầm:
-  Đồ mắc toi, phải biết trước như vậy thì không thèm mua! Thật không có cái xứ nào bán mắc thấu xương như xứ Phù Tang nầy cả.
Phu quân tôi cười hì hì, “dớt ngọt” chọc quê vợ:
-  Em phải ăn nhín nhín, ăn từ từ nghe không! Chớ 1 dola 20 cents/1 hột đó! Nhưng em phải vui mừng mới đúng, vì cái biệt danh “Bà Tư Kẹo” của em từ thời son trẻ... sẽ đươc xóa bỏ sau khi mua hột dẻ nầy rồi... Nên không mắc đâu, mà xứng đáng lắm em ơi!
Tôi liếc xéo ổng, rồi nhoẻn miệng cười như mếu!

Nhật Bản đất hẹp, người đông nên nhà cửa nhỏ, san sát nhau. Mỗi chung cư cái nào cũng có mấy chục tầng. Cầu bắc trên cao, cầu bắc dưới thấp, cầu bắc ngang sông... cho xe chạy xuôi, chạy ngược chiều với nhau. Cầu nầy bắt chồng trên cầu kia. Cầu chằng chịt thay đường cho xe chạy ngang qua eo biển... cầu bắt từ đảo nầy qua đảo kia… Các thành phố lớn, các chợ bán hàng ở tầng 1 tầng 2, tầng 3. Thường ở tầng lầu thứ 4 là các quán ăn, nhà hàng… Vì các thành phố lớn, nhỏ của Nhật được xây cất trên những hòn đảo!
Khi còn thiếu thời sống chung với cha mẹ, anh chị em, tôi là đứa nổi tiếng kén ăn nhứt nhà. Và bây giờ tuy có nhiều tiến bộ, thay đổi…. nhưng thú thiệt, món ăn của Nhật không hợp khẩu vị với tôi chút nào!
Món su-si bổ dưỡng mà người Nhật ưa thích. Và mỗi lần đi nhà hàng có món cá, tôm… sống ăn kèm với sa-bì… Các con và phu quân tôi ăn ngon lành, ăn say sưa, ăn còn chắc lưỡi hít hà khen lấy khen để… ăn nhiều như ma đói. Nhìn họ ăn cá tôm, ốc, sò không nấu chín, tôi cảm thấy ớn xương sống và cái miệng lạt nhách!
Mọi thứ bán ở các chợ như là: Tôm, cá, thịt, rau, cải, đậu, bầu, bí, trái cây… của Nhật tuy mắc, nhưng vệ sinh tối đa. Họ đã rửa sạch, lựa bỏ những thứ hư, thứ úng… Còn lại đem bán là những thứ sạch sẽ, tươi ngon, đựng trong bao ni-lon hàn kín, chúng ta mua về để nấu, hay ăn sống ngay, không cần phải rửa lại (nếu không muốn).
Người Nhật nói chung rất lịch sự, từ ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, nói năng nhỏ nhẹ, êm dịu, ngọt ngào… Cho dù là những người buôn bán cũng vậy. Tôi chưa thấy họ bán hàng thách giá, khách ghé vào tiệm xem hàng, dù biết khách không mua, họ cũng tiếp đón niềm nở vui vẻ, tươi cười, lịch sự... Chớ không tỏ vẻ khó chịu, đốt phong long, hoặc chửi đổng khách không mua, khi vừa quay lưng bước qua gian hàng khác...
Chợt nhớ đến Việt Nam mà nghe não lòng! Trước 30 tháng 4 năm 1975 sự giáo dục quá tồi tệ của chế độ Cộng sản mấy mươi năm từ miền Bắc... Sau 30 tháng 4 năm 1975 tràn qua dòng song Bến Hải vào Trung, Nam... Cả nước Việt bây giờ còn gì để nhớ... để thương... để về thăm?

Bỗng có tiếng chê bai cố tình cho mọi người nghe của một ông xồn xồn trong đoàn, khiến ai cũng quay sang, và nhìn theo tay ông chỉ.
-  Quý vị xem coi, nước Nhật nổi tiếng văn minh, giàu... thế nầy mà còn có những kẻ ngồi trên xe tay, cho người ta nai lưng ra kéo? Thiệt trông kỳ cục quá chừng đi thôi...
Rồi một bà phụ họa:
-  Ờ hén kỳ quá! Ai để cho người khác kéo mình ngồi, ở giữa chỗ đông người, toàn là thành phần du khách đến từ khắp nước tân tiến trên thế giới, trên thành phố thuộc Tokyo cao sa, sang trọng như thế nầy... Thật là khó coi quá đi thôi!
Đúng như vậy, nơi đây là trung tâm của thành phố, phồn thịnh, phô trương cái giàu, sang, và đep. Hầu hết những người qua lại trên đường, là những du khách. Tôi cố tìm kiếm, nhưng không thấy xe hơi hay xe gắn máy chạy trong khu nầy. Phải, nơi đây ngoài người đi bộ thì chỉ có xe kéo!
Tôi dõi mắt nhìn theo những phu xe kéo của người Nhật. Có kẻ đang đứng vịn hai càng xe với tư thế chờ khách. Có người đang kéo xe, và có người dừng lại cho khách xuống, khách lên xe kéo… Nhưng tôi ngạc nhiên và lấy làm lạ khi nhận thấy những phu xe nầy, y phục của họ khác thường hơn những người dân bản xứ, đang qua lại trên đường.
Phu xe kéo, đa số là những người trong lứa tuổi thanh niên, những người đàn ông trẻ. Họ có thân hình cao lớn, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, mặt mày rạng rỡ luôn nói cười tự nhiên vui vẻ. Trong ánh mắt họ, tôi không tìm thấy có vẻ gì ái ngại, hay mệt nhọc với công việc kéo xe... Với đôi tay gân guốc, rắn chắc, họ gò lưng kéo người ngồi trên xe... Họ chạy bon bon với hai chân vững, gọn gàng, lanh lợi... Họ thành thạo, rành rọt luồn lách tránh né, người qua lại trên đường phố vào trọng điểm trưa chan hòa ánh nắng và bộ hành qua lại thật đông, rất đông...
Tiết trời hôm nay dù nắng, nhưng rất dễ chịu vì Nhật Bản đã vào chánh mùa xuân. Trên thế giới rất nhiều nước một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, riêng nước Nhật có thêm mùa mưa (hai tháng). Tôi ngẫm nghĩ, những phu xe kéo nầy, kéo xe bằng chân tay mà nếu đem ra so sánh, xe kéo nầy sẽ chạy nhanh hơn những chiếc xe xích lô đạp, hay chiếc xe lôi đạp, trên quê hương mình thuở trước...
Sự trang phục của phu xe kéo Nhật trông lạ mắt và hay hay. Họ mặc toàn màu đen viền một vài nơi trắng. Có người ở trần phơi những bắp thịt vai, tay, chân... rắn chắc chứng tỏ những phu xe kéo nầy thường xuyên tập luyện thể thao, thể dục hay tập tạ… Họ mặc quần ngắn, ống hơi bó, dây thắt lưng bằng vải, bảng lớn che thắt eo nơi bụng. Có người thì khoác chiếc áo tay rộng dài, tay lở, cổ bà lai bản lớn cột choàng qua bên hông. Đầu họ đội nón rơm màu xám đen đương rất khéo. Nếu ai không đội nón, thì tóc họ được cột bằng dây màu, và chân mang dép rơm. Nói tóm lại, những người Nhật kéo xe ở đây, ăn mặc, trang sức theo lối cổ truyền từ thời xa xưa.
Chiều về, xuống lấy nước uống, gặp một nhân viên làm việc ở văn phòng khách sạn, tôi dọ hỏi.
Cô ta cho biết (tôi không chắc có đúng không?).
“...Những phu kéo xe đó, khó khăn lắm mới được tuyển chọn vào làm nhân viên kéo xe. Họ hãnh diện được kéo xe để giữ truyền thống từ thuở xưa là muốn nhắc nhở dân trong nước, và ngầm cho người ngoại quốc đến thăm biết rằng: Đất nước Nhật Bổn, được như ngày nay là nhờ công khó, tận tụy, chịu cực, chịu khổ của người đời trước, mà người đời sau phải học hỏi, mở mang kiến thức… Để nước Nhật hôm nay có những chiếc xe chở hành khách đường xa, hiện đại, dài, rộng, đẹp, đầy đủ tiện nghi, chạy rất nhanh, hơn 300 cây số/1 giờ mà họ gọi là “Bullet Train...”
Đúng như vậy, đoàn du lịch của chúng tôi lên xe ở trạm nầy. Đến 15 phút sau, xuống ở trạm kia. Ông Tài xế đưa đón đoàn du lịch của chúng tôi từ trạm lên, xe thường phải chạy xe cà-rịt cà-tang, mất gần 2 giờ mới đến trạm cúng tôi xuống để đón.
Ngoài ra tình thần Quốc Gia của người Nhật rất cao. Cả nước Nhật không nhận tiền của nước khác trong việc buôn bán. Thí dụ như Dola của Mỹ, baht của Thái Lan, Euro của Âu Châu… Dù cho việc buôn bán đó có lợi cao, hoặc có người mua rất nhiều hàng hóa thu hoạch nhiều lợi ích… Nhưng nếu người mua không có tiền Nhật, thì chịu thôi, họ sẽ không bán...

Trong khi chờ xe đến đón ở trạm vừa mới xuống, người hướng dẫn cho biết, chúng tôi có thể vào thăm khu chợ nơi trạm chúng tôi vừa mới xuống xe.
Đây là những dãy phố lầu rộng, lớn, cao, dài hằng cây số có nhiều tầng tầng. Mỗi tầng có ngăn riêng biệt từng căn cho mỗi chủ bán buôn hàng hóa của mình. Tôi đi vào khu hàng quán ăn, những món ăn trong mỗi quán, đều được bày ra rõ ràng, tùy theo từng món. Thí dụ như:
Mì xào gồm có những gì, và đúng màu sắc của nó. Cọng mì vàng, cải màu xanh cắt khúc, dưa leo xắt sọc dưa, giá trắng, thịt hường, tôm đỏ… được bày trên dĩa. Hủ tíu được bày trong tô, cơm bày trong dĩa, trong chén, nước uống bày trong ly… Và tất cả những món ăn bày ra đó là bằng ni long (bằng nhựa) để trong tủ kiếng trước các quán ăn, cho khách hàng thấy và biết. Khách hàng muốn ăn món gì, cứ chỉ vào món đó là có ngay, rất tiện lợi cho những người ngoại quốc không biết và nói được tiếng Nhật...
Tôi được biêt người đàn ông Nhật có lệ, cứ mỗi độ chiều sau giờ tan sở, và nhất là những chiều cuối tuần. Họ la cà ở các quán ăn lớn sang trọng, đắc tiền cho người làm lương cao dù họ không có tài chánh dồi dào chi dụng cho gia đình(?) Quán nhỏ vừa túi tiền cho người bình dân… Và quán nào cũng dập dìu khách hàng. Những người khách ăn mặc đồ lớn (suit) màu đen, chỉnh tề, từ đàn ông cũng như phụ nữ. Và họ luôn xách cặp-táp đen kè kè bên hông. Như nhân viên làm việc ở văn phòng... Thấy gần như tất cả mọi người dân bản xứ đều có lối ăn mặc như vậy, tôi bèn hỏi nhỏ người hướng dẫn ngồi kế bên, trong lúc chúng tôi rổi rảnh.
Cô ta mỉm cười vui vẻ, nói chung để mọi người cùng nghe:
-  Người dân ở Nhật, giàu hay nghèo, có công ăn việc làm hay không, làm công nhân hay kỷ sư, bác sĩ... khi bước ra khỏi nhà họ luôn ăn mặc tươm tất như vậy. Ở đây không phải ai cũng có xe riêng để đi, phương tiện di chuyển tốt nhứt, và thuận lợi là xe đò (xe bus) đưa khách trong thành phố, và các vùng lân cận. Vào những giờ đi làm việc, tan sở xe bus chen chúc những người, nên chỗ ngồi thiếu... vì vậy một số người phải đứng. Hành khách đứng luôn có một chỗ nắm nào dây năám hay cái năm để giữ thăng bằng khi xe di chuyển, khi xe ngừng lại, hoặc xe thắng gấp... Những tay nắm có từ trên mui xe thòng xuống, hay những cây ngang, hoặc những cây dựng đứng trong xe...
Cô hướng dẫn khi nói đến đây dừng lại, phóng mắt nhìn trời cao có mây màu xám đục gợn hồng, xanh, tím... của nắng hoàng hôn mà mặt trời còn treo lơ lửng nhưng bị khuất sau những dãy nhà cao...
Rồi mỉm cười e thẹn trông rất dễ thương, cô bảo:
-  Nếu dùng một tay để nắm, còn tay kia ở không mà sờ bậy thì phiền lắm! Cho nên họ luôn luôn cái túi xách nhỏ hay cái cặp táp ở tay kia như quý vị đã thấy... Và tại sao đa số những  người đàn ông Nhật sau giờ tan sở, ít khi về nhà ngay? Vì họ lo ngại chòm xóm sẽ nghĩ và chê bai là họ bị vợ kềm kẹp, hoặc, làm ít lương ba đồng ba cộc, nên không đủ xài, hoặc là những người bủng xỉnh keo kiết không ăn uống hay nhậu nhẹt trưóc khi về nhà... Tại sao? Vì họ muốn cho những người ở lân cận, chòm xóm sẽ có ý nghĩ là những người nầy làm việc ở cấp cao có nhiều lương, nên sau giờ làm việc thì hay ở lại để họp hành, tiệc tùng xã giao... mới trở về nhà trễ… như vậy! Thường ngày, nếu người đàn ông trong gia đình đi làm việc về đúng giờ, thì các ông chồng sẽ mắc cỡ... và các bà vợ cũng sẽ mất phần hãnh diện về chồng mình với xóm diềng.
Nghe cô hướng dẫn giải thích. Tôi thở ra, mỉm cười lắc đầu! Cô ta mở to mắt ngạc nhiên nhìn tôi, hỏi:
-  Bà nghĩ thế nào, và tại sao bà cười?
Không trả lời cô vội, mắt tôi mơ màng nhìn lên không trung. Nền trời Nhật hôm nay xanh xám, xa xa đùn một vài cụm mây trắng. Nắng lụa của buổi hoàng hôn vẫn còn le lói sáng trải trên vạn vật. Gió phất phơ lành lạnh, cái lạnh dễ chịu trên đất Phù Tang, làm cho tâm hồn người phơi phới, tươi vui, khi bắt gặp những chùm hoa anh đào nở sai cành, toàn một màu hồng nhạt, màu trắng gợn hồng, hoặc màu phơn phớt tím…
Cô Florence Tham (người Nhật gốc Tàulà hướng dẫn viên của hãng Travel Grant Holidays. Phụ trách đưa đoàn chúng tôi thăm viếng suốt những ngày ở Nhật. Cô có giọng nói nhẹ, ngọt và líu lo như tiếng hót của chim sơn ca. Cô nhìn tôi như hối thúc và thân thiện chờ đợi câu trả lời:
-  Bà nghĩ thế nào, thưa bà Dư?
Không thay đổi sắc diện, tôi cười nhẹ nhìn sâu vào mắt cô:
-  Mấy mươi năm trước, khi còn học ở Trung học, nghe người bổn xứ đã nhận xét chung và nói rằng: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật”. Lúc đó tôi nghĩ rằng những người ở nước chúng tôi nói chơi trong lúc suông miệng thôi. Hôm nay nghe cô kể, tôi nghĩ những người đàn ông nước tôi khen phụ nữ Nhật thật chớ không có sai chút nào cả... Cô hỏi tôi nghĩ gì về người chồng, sau giờ tan sở la cà ở các quán rượu đến khuya mới về... thì vợ mới hãnh diện với chòm xóm?
Tôi ngừng nói, thở nhẹ rồi tự nhiên, bảo:
-  Tôi xin trả lời với cô rằng: Tôi không hãnh diện chút nào hết cô ơi, vì tôi không phải là một phụ nữ Nhật! Còn cô thì sao, Florence?
Florence cười nhẹ, nhìn tôi:
-  Tuy tôi không phải người Nhật hoàn toàn, nhưng tôi ở đây từ thuở nhỏ nên về văn hóa, phong tục, tập quán ở xứ nầy ảnh hưởng tôi rất nhiều. Nhưng chúng tôi là lớp người trẻ, nên bây giờ có cuộc sống cởi mở hơn. Chúng tôi không còn bị ràng buộc khắc khe bởi những thói quen, hay tập quán quá lỗi thời xa xưa nữa...
Nhật có những người không nhà (homeless). Họ ngủ dưới gầm cầu, ngủ trước mái hiên những nơi từ thiện, nhưng Nhật không có người xin ăn! Những người không nhà đó, họ sống đùm bọc lẫn nhau. Sáng sớm đi lượm lon, vỏ chai, báo cũ, đi lượm cá, rau, cải… họ làm tất cả những việc gì có thể làm được để kiếm sống, mà không phạm pháp. Họ xấu hổ ngữa tay xin tiền người khác, mặc dù Chánh phủ không giúp gì cho họ (theo lời hướng dẫn đoàn du lịch), họ giữ gìn tắm rửa sạch sẽ như người bình thường. Chúng ta không thể nào phân biệt những người vô gia cư nầy với người bình thường khác... Những hộc tủ có khóa ở các chợ lớn cho mướn là nơi họ gởi áo quần và những tư vật quý giá... Người hướng dẫn du lịch còn cho chúng tôi biết: “Những người vô gia cư nầy, trước kia có kẻ là chủ các hãng xưởng bị phá sản. Có kẻ là những nhân viên cao cấp, có trình độ học vấn cao… Họ mất việc… vì tự ái nên bỏ nhà đi luôn… Có người không chịu nổi hiện thực tự vận chết! Mà đa số họ đi theo những kẻ không nhà…”
Thật sự những ngày ở Nhật, tôi không thấy người xin ăn ở đầu đường, góc phố, hoặc tụ tập lại những nơi có môi trường thích hợp để kiếm sống... Như ở các sân chùa chiền lớn, bến xe tàu, chợ... các nơi công cộng có nhiều kẻ thập phương thăm viếng giàu lòng từ thiện...

Từ lâu tôi nghe những người đã đi thăm nước Nhật về nói lại là Phú Sĩ sơn khó thấy rõ, vì tuyết phủ quanh năm, khí hậu lạnh lẽo, ẩm ướt nên lúc nào cũng có sương mù. Cho nên vì thời tiết, ít khi du khách được đến gần chân núi… Chỉ thấy dạng núi xa xa, ảo ảo, mờ mờ mà thôi.
Nhưng bầu trời hôm nay rạng rỡ. Mới tám giờ sáng mà mặt trời đã lên cao, trải ánh sáng tươi vui rực rỡ, và phản chiếu lóng lánh những giọt sương đọng trên hoa lá, khóm cỏ, chòm cây. Cảm nhận được ngoại cảnh, đoàn người lên đường thăm núi Phú Sĩ và những phong cảnh khác... nên mặt mày ai nấy tươi rói, lòng nôn nao vui vẻ như mở hội, cùng nói cười rộn ràng khi lên xe cho chuyến đi du ngoạn trong ngày...
Xe chạy qua những khu rừng thưa cây xanh mát mắt. Qua những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái, những liếp rồi rau cải xanh mượt chạy dài xa nhìn ngút mắt... Thỉnh thoảng có những trại nhỏ một mái che, hay hai mái che rải rác bên đường... Trong trại, trên những ngăn kệ vuông rộng nông dân bày bán trái cây, rau, cải, bầu, bí, dưa... Họ để trong từng bọc ni-long cột lại, hay hàn kín lại, và cạnh đó có bảng để giá tiền là bao nhiêu... Khách dừng xe ghé lại mua, tự động lấy hàng rồi để tiền vào rổ, hay để vào cái thùng mà chủ đã để sát bên đó...
Rới xa đất Viết tôi chưa một lần trở lại dù để viếng thăm ! Nhưng may mắn được đi thăm viếng một số nước ở Âu Châu, và Á... Nhưng những nơi tôi đã đi qua gần như chưa gặp nước nào bán hàng dọc theo đường vắng vẻ, mà không người đứng bán, và thu tiền như ở nước Nhật! “Thử hỏi trên thế giới, có được nước nào như nước Nhật!”
Xe chạy bon bon, chúng tôi đã thấy dạng những ngọn núi chất chồng. Có cái cao, cái thấp, cái xoãi dài như người đang nằm nghỉ ngơi. Người hướng dẫn chỉ cho mọi người nhìn về hướng núi Phú Sĩ...
Chị bạn ngồi kế bên khều tôi, bảo nhỏ:
-  Phú Sĩ sơn đẹp quá hả chị? Thật là đặc biệt.
Tôi cười, nhìn chị lí lắc chọc quê:
-  Đặc biệt chỗ nào đâu? Chị nói cho tôi nghe coi, sao tôi không thấy gì hết trọi trơn vậy nè...?
Chị ta nguýt tôi cười, trả lời:
-  Xì, chị không biết thì ai biết? Nhưng chị nhìn xem xe chạy vòng qua, vòng lại khi thì thấy núi Phú Sĩ ở cạnh nầy, khi ở cạnh kia. Nhưng nó vẫn đều đặng, tròn trịa vun chùn lên như nhũ hoa của thiếu nữ “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” căng đầy sức sống…
Nghe chị thí dụ dí dõm, tôi bật cười ha hả! Cả hai không nói lời nào, nhưng như ngầm hiểu, rồi cùng gục đầu cười rũ rượi, cười chảy cả nước mắt... Bởi những người ngồi gần có thể nghĩ: “Hai con mụ nầy chắc là có lòng dạ tà gian chi đây? Cho nên sắp đến núi linh thiêng thì cả hai bị quở, nên đã tửng tửng rồi...!”
Bỗng tôi ngưng cười, và reo lên với chị:
-  À, tôi cũng tìm ra chỗ đặc biệt của nó. Chị xem, tất cả các ngọn núi gần Phú Sĩ sơn đều có màu xám đen, hoặc xám mốc, và hãy nhìn kỹ coi tôi nói có đúng không?
Chị gật gật đầu và chăm chú, nhìn theo tay tôi chỉ:
-  Chị thấy đó, núi Phú Sĩ có màu xám ở từ chưn, lên gần đến lưng chừng núi thì gần như không còn là màu xám nữa. Núi Phú Sĩ ngã màu xanh dương đậm, tươi mát. Chị hãy nhìn rõ xem... sao, thấy tôi nói có đúng không? Phần trên thì vun chùn có màu trắng đục như vôi đó là tuyết trắng đóng quanh năm. Tuyết phủ muôn đời và được ánh thiều quang phản chiếu, tạo cho Phú Sỉ sơn chói lọi, ngời màu sáng xanh như bích ngọc thật tuyệt, thật tuyệt quá! Trên thế gian có lẽ chúng mình khó thấy được cái núi thứ hai đẹp như vậy chị hả...
Dọc theo đường xe chạy qua, tôi nhận thấy nước Nhật đất ít, dân lại đông quá đông. Chỉ cần hai bên núi có chỗ đất thấp, hơi bằng cho dù không rộng lớn, cũng có nhà. Cho nên đường xe chạy thường trên các cầu nầy nối tiếp cầu kia nhứt là ở các thành phố lớn. Chớ không phải xe chạy trên đường lộ đá, hoặc  xa lộ như những nước khác.
Chúng tôi đi thăm những núi lửa còn âm ỉ hoạt động. Chỗ nước nóng đọng lại luộc chín được hột gà. Nhưng khoáng chất sẽ làm vỏ hột gà trở màu đen thùi lùi... Du khách không chính tay luộc hột gà, mà mua của những người dân luộc sẵn bán ở đây. Nếu một nước khác thì không tin được, nhưng Nhật thì chúng ta có thể tin, hột gà do nước nóng của núi lửa làm chín.
Xe chở du khách qua những cánh rừng thưa, qua núi non hùng vĩ, qua những bờ biển nổi tiếng của Nhật. Đoàn chúng tôi đi thưởng lãm những di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh đã làm Nhật hãnh diện về mọi mặt giàu, đẹp, của nhân tạo, của thiên nhiên hùng vĩ...
Trên nước Nhật ngoài những bông hoa do người trồng, được chăm sóc cẩn thận để có hoa nở bốn mùa. Nhật còn có những loại loa rừng, cỏ dại rất đẹp dù ở nơi hoang dã. Và trong câu chuyện nào đó, có người nhắc, hoặc hỏi về nước Nhật có gì đặc biệt? Thì mọi người đều biết, nước Nhật có Phú Sĩ sơn. Chánh phủ Nhật khôn khéo đem trồng tặng cho rải rác các nước trên thế giới cả vườn hoa anh đào như ở Washington Hoa Kỳ. Tạo thành ấn tượng đẹp để khi nghĩ đến Nhật ngoài Phú Sĩ sơn ra, mọi người đều biết ở Nhật Bản còn có hoa anh đào. Gần như những nơi công cộng, nhà cửa của tư nhân, rải rác trên các phố xá, dinh thực, công tư sở... khuông viên chùa, khu trường học... khắp các nẻo đường trên nước Nhật, nơi nào cũng có trồng cây hoa anh đào.
Hoa anh đào có nhiều loại: Loại có cánh hoa lớn, nhỏ, cánh dầy, cánh mỏng, loại hoa nở bao chung quanh cành, nở từng chùm trút xuống… Cùng nhiều màu sắc: hồng nhạt, trắng, tím tái (như màu lá cẩm), hồng phấn, trắng hồng… Hoa anh đào nở sớm hay muộn là tùy theo thiên nhiên về thời tiết nóng lạnh của mỗi vùng.
Những cây anh đào mọc lẫn lộn trong cỏ cây trên những cánh rừng thưa, những rặng núi chập chùng ngọn nầy nối tiếp ngọn kia. Núi đồi có cái cao, cái thẩp của núi có màu xám da chuột, có cái màu xám tro nhạt, có cái màu xám đậm… Tất cả nằm mơ màng dưới ánh nắng hồng tươi lơi lả theo ngọn gió đùa trải dài lên những cành hoa anh đào màu sắc rực rỡ, nở rộ chen trong đám cỏ, cây rừng đẹp hơn những bức tranh thêu hoa, bỏ màu tài tình nổi tiếng của phụ nữ ở Tô Châu (nước Tàu).
Trước cảnh thiên nhiên như vậy, dù cho người khó tánh đến đâu, cũng không khỏi thầm khen và ca ngợi hoa anh đào. Thì nói chi đến những cây hoa anh đào được trồng kế mái hiên, trong sân, dọc theo hàng rào thâm nghiêm của chùa, có những cành hoa phơi phới, màu trắng phau phau lung linh trong gió trong nắng lụa. Ngoài ra trong khuôn viên khu đại học, trước các thánh đường, giáo đường, trong đền đài cung điện của vua chúa toàn là hoa, là hoa, là hoa anh đào...
Vào mùa xuân, đi đến đâu chúng ta cũng thấy hoa anh đào. Màu sắc hoa thật kiêu sa dưới trời quang đãng trong buổi sáng mai, còn mờ màn sương sớm. Hay trong buổi trưa ngập ánh thiều quang, hoặc trong buổi hoàng hôn mặt trời ngã bóng, chiếu những tia nắng màu sắc rực rỡ, rồi tắt ngấm nhường cho vầng trăng ngạo nghễ vươn cao. Hoa anh đào tắm trong ánh trăng sáng dịu dàng, tăng thêm phần đẹp xinh, và thanh thoát...
Người Nhật còn trồng hoa anh đào bên những bờ hồ. Họ trồng dọc theo hai bờ những của con kinh đào dài hun hút. Dưới dòng kinh nước trong, xanh biếc chảy lững lờ. Những chiếc du thuyền đưa khách thường lãm, được che mát bằng những nhánh, những cành, những cội hoa anh đào từ hai bên bờ đang khoe sắc thắm gie ra che bóng mát. Những chiếc du thuyền trang nhã đó do người chèo, bơi hay thả trôi theo dòng nước nhàn nhã. Trên du thuyền còn văng vẳng tiếng đàn, tiếng sáo trầm bổng, du dương. Và còn có bóng những kiều nữ mặc kimono có dáng điệu nhẹ nhàng, xinh đẹp, giọng nói thỏ thẻ như gió thoảng, như chim hót … Tạo cho hoa anh đào đã đẹp còn có phong thái cao sang.
Ngoại ô có những khu vườn, trồng toàn cây anh đào rộng lớn hàng mấy mẫu. Vào mùa những ngày hoa nở rộ, dân bổn xứ đến đây từng đoàn đông người. Từng hộ gia đình để giải trí sau những ngày làm việc vật vả lao tâm, tổn sức. Họ ngồi dưới gốc hoa anh đào uống rượu sa-kê, ngắm hoa, hàng huyên, ngâm thơ, ca hát… Những người đàn ông Phù Tang thường mặc áo quần theo lối cổ truyền, phụ nữ thường mặc Kimono.
Những cảnh sắc trên, đã tạo du khách có ấn tượng đẹp về hoa anh đào, trong mỗi lần có ai nhắc đến.

Dưới nắng xuân ấm, gió xuân mơn mang làm cho tâm hồn viễn khách thêm bồi hồi xúc động, tôi chụp mấy tấm ảnh dưới cội hoa anh đào ở Osaka Castle để làm kỷ niệm. Phu quân tôi không kềm được nỗi trào lòng trước cảnh đep và hùng vĩ của núi non. Cùng những cây anh đào cành đầy những chùm hoa mới nở, dưới bầu trời trong. Có lác đác những cánh hoa rơi lao chao, rồi bay bay trong nắng gió xuân hồng... Xúc cảnh sanh tình, ông khe khẽ ngâm mấy câu thơ của Thôi Hộ: “Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong”.
Nhưng nầy bạn ạ, trong lòng tôi dù cây anh đào của Nhật có hoa đẹp trong hoàn cảnh nên thơ, hữu tình... nhưng nếu gặp một đám mưa rào đi qua, thì cành hoa tan tác rơi đầy mặt đất chỉ còn lại cây cành trơ trụi đìu hiu... Và hữu dụng của cây anh đào làm sao sánh bằng bằng cây ô môi hoa ô môi có màu tim tím đẹp, trái ô môi đế thời gian dài chín ăn ngọt. Trong y học cơm của trái ô môi đem ngâm rượu uống trị hết nhức mỏi, sưng khớp, thoa lên chổ ngứa trên da hết nhanh chống. Vả lại màu sắc hoa anh đào không đẹp bằng hoa ô môi của quê hương Miền Nam nước Việt tôi. Nhứt là ở trên bờ những sông rạch, ao bàu, những con kinh vùng Đồng Tháp Mười, miệt Sa Đéc, hướng về Cao lãnh, Mỹ Tho...
Trên dòng sông Cửu Long dài hung hút ở Mỹ Thuận có đò đưa rước xe, đưa rước hành khách sang sông, vào mùa nở rộ, hoa ô môi theo cơn gió rơi rụng trôi tím cả dòng sông... khiến tôi không khỏi trào lòng lẩm bẩm đọc mấy câu thơ:

.....................................
Rời xa chốn cũ đã bao năm
Náo nức tình quê trở lại thăm
Ngắm lá me bay đường thình sử
Ngày xanh ơi! Đẹp tợ trăng rằm

Hai bên Lộ Bốn, vườn mênh mông
Bông ô mội trôi tím dòng sông
Lâng lâng trong gió hương đồng nội
Ngọt nước phù sa mát ruộng đồng
.............................................................”

Nhưng trước những cảnh sắc hiển hiện thi vị, tao nhã... thêm phần khéo léo của bàn tay nhân tạo. Thì hoa anh đào của xứ Nhật Bổn làm sao không đi vào lòng người, cũng không làm sao không có những huyền thoại đẹp, làm nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, khiến mỗi năm có bao nhiêu triệu, triệu người không kể đường xa đến Nhật thưởng lãm hoa anh đào, chiêm ngưỡng những di tích lịc sữ và tài năn tân tiến vượt thời gian và không gian của người Nhật Bổn....
Du khách của đoàn chúng tôi còn được tắm “hot spring soaks”. Chúng ta cứ gọi nôm na là tắm hơi. Vào tối sau khi ăn, trước lúc đi ngủ ở những khách sạn đặc biệt thường có phòng riêng để tắm hơi. Hoặc sáng sớm trước khi đoàn ăn sáng để khởi hành đi du ngoạn. Nhưng trong suốt 8 ngày, đoàn du lịch của chúng tôi chỉ được tắm hơi 2 lần khỏi trả tiền. Với người Nhật bơi lội, tập thể dục, thể thao... tâm hồn thư thả, để cường thân kiện thể ở tuổi trẻ và rất cần thiết cho người ở tuổi hoàng hôn...

Nắng mai trải lên hoa lá, cỏ cây lung linh những giọt sương đêm còn đọng. Trên tầng lầu thứ 15 nhìn xuống, tôi bồi hồi xúc động trước vùng Kobe qua trận động đất năm xưa! Mà truyền thông, báo chí một thời đã khóc, đã nói đến cái đau chung của nhân loại! Trận thiên tai lớn đó đã tàn phá gần hết thành phố Kobe. Và khoảng 6,000 người bị chôn vùi trong trận động đất khủng khiếp ghê gớm nầy!
Hôm nay, tôi đến thăm Kobe là một thành phố trẻ. Một thành phố mới được xây cất, được dựng lên hiện đại nguy nga, và tráng lệ hơn xưa. Kobe sản xuất rượu Sake, bò Kobe (Kobe beef) được nuôi bằng bã rượu Sake. Thịt bò Kobe mềm mại nổi tiếng đó đây là ngoài ăn bã rượu Sake ra, một phần chúng đã bị tra tấn (đánh đập cho mềm mình) thường xuyên. Con bò bị dần, mà người miền Bắc nước ta còn gọi là tẩm quất. Nên thịt bò Kobe có màu đỏ sặm, mềm, béo, không nhão.
Du khách đoàn chúng tôi đến ngày cuối du lịch ở Nhật, vào buổi ăn chiều, ngoài những món bình thường được ăn tự do, mỗi người chúng tôi được đãi 2 miếng thịt Kobe beef. Mỗi miếng bề ngang bằng 2 ngón tay (của người ốm kẹp lại), dầy chừng 1 phân, dài chừng 1 tấc. Ai muốn thêm phải đặt 4 giờ trước khi ăn. Mỗi 200 gram là 90 dola (tính theo tiền Mỹ hiện tại thuở đó) Như vậy 1/kg thịt bò Kobe phải 450 dola Mỹ. Mèn ơi, tính ra tôi phải làm nửa tháng có giờ phụ trội mới lảnh được số tiền mua một kí (1 kí lô) thịt bò Kobe.
Vừa nghe cô hướng dẫn dứt lời về giá cả của thịt bò Kobe, bà ngồi cạnh tôi mở to mắt, trề môi, bẻ miệng, vo vảnh:
-  Xì, ăn vàng sao mà mắc thấu trời vậy? Bộ họ tưởng bọn mình “sộp” lắm, nên muốn cắt cổ mổ bụng người ta? Thiệt là cái xứ đập đổ quá mà!
Tôi cười tiếp theo lời bà ta:
-  Chớ họ có ngờ đâu mình là “trùm sò” hả?
Bà ta không hài lòng câu nói của tôi:
-  Không phải “trùm sò” đâu! Tại vì tui thấy không đáng đó mà!
 Trên bàn ăn, vặn lò cho lửa thấp xuống, tôi lấy 2 miếng thịt bò Kobe để lên vĩ nướng một cách trịnh trọng và cẩn thận. Vì nếu lỡ tay làm rớt, hay nướng khét thì toi mất ít nhứt cũng 50 dola chớ bộ! Nướng vừa ăn được là tôi gắp để vào dĩa cho phu quân tôi. Ông đã thủ sẵn lon bia, chờ tôi nướng xong là nhâm nhi ngay.
Tôi gắp thịt bò để vào dĩa, cười cười bảo với chồng:
-  Hai miếng thịt bò mắc lắm đó, phải thưởng thức từ từ, coi nó ngon ra sao mà mắc dữ thần ôn vậy nè!
Phu quân tôi chẳng nói rằng, cắt miếng nhỏ thịt bò để vào miệng nhai nhỏ nhẻ như cô dâu mới cưới ăn cơm bữa đầu với họ nhà chồng! Mắt chàng lim dim, hớp ngụm bia, rồi lại tiếp tục… Tôi nóng ruột muốn nghe xem chàng nhận xét thế nào về bò Kobe? Nhưng hai thẻo thịt bò của tôi nướng cũng vừa chín tới.
Tôi ngồi xuống chẩm rải cắt miếng nhỏ, để vào miệng thử xem ra sao? Vì từ xưa đến nay, vốn vĩ tôi không hảo thịt bò. Định bụng thử một chút thôi, sẽ tặng hết phần còn lại cho phu quân mình.
Nhưng xin lỗi nghen! Tôi đã ăn hết rồi! Vì thịt bò Kobe ngon vô cùng kể! Ngon thật đó, tôi phải bắt chước truyện phim Tàu, và nói không chút ngượng miệng: “Ôi, thịt bò Kobe ngon quá chừng chừng đi thôi! đúng là mỹ vị, là cực phẩm thời nay của nhân gian...”.
Kobe còn là nơi của người phát minh ra máy “Karaoke”. Nghe thiên hạ đồn rằng, vào năm 1971, do nhạc công Daisuke Inoue (Tinh Thượng Đại Hữu) chuyên đệm trống ở ngoại ô Kobe (Thần Hộ, gần Osaka, phía Nam Nhật Bản) đã nghĩ ra...
Mấy ngày ở Nhật tôi được ăn những món ngon, vật lạ. Tôi được ngồi ăn trên sàn gỗ, có bàn trước mặt, và hai chân được thọt dưới gầm bàn như người bổn xứ. Mà từ lâu tôi cứ tưởng họ ngồi xếp bằng trên sàn nhà! Tôi cười thầm và nghĩ, thiệt là mình là «con nhỏ nhà quê» chính hiệu mà!
Mặc dù khẩu vị của tôi không thích hợp những món ăn nấu và gia vị theo kiểu cách nêm nếm của người Nhật cho lắm. Nhưng phần ăn của mỗi người Nhật, nếu chúng ta ăn và uống hết thì no, và có đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nhưng riêng tôi không ngại ngùng tâm tình với quý vị rằng. Tôi được cha mẹ sanh ra vốn dĩ đã có “mình hạc, xương cối đạp” rồi. Nên những ngày du lịch ở đây, sau khi ăn không bao lâu, thì tôi cảm thấy cái bụng của mình lỏng lẻo quá chừng chừng đi thôi! Dù ở Nhật cũng có pizza, hamburger (Mc Donald), có bánh mì thịt nguội… Nhưng mấy món nầy ở đây có mùi, vị rất là khác biệt rất khó nuốt trôi cho tôi... nếu có đi thăm Nhật lần nữa, nhứt định tôi sẽ thủ theo mấy gói mì là thượng sách !

Chúng tôi đi thăm viếng bảo tàng viện, đền đài, cung điện của những vị vua, những ngôi chùa cổ kính được xây cất có hàng mấy trăm năm trước. Thăm di tích lịch sử, thăm Phú Sĩ Sơn, ngắm anh đào vào mùa hoa nở rộ. Đi xem những phụ nữ Phù Tang mặc áo Kimono và một ít thay đổi theo dòng thời gian của lịch sử. Chúng tôi thăm nơi làm rượu Sake. Đi thăm nơi sản xuất và xuất cảng ngọc trai (hột bẹt). Những viên ngọc trai sáng ngời ánh hồng, ánh bạc, xanh đen, xanh xám, xám trắng, trắng xanh, trắng tím… Mà người Nhật lấy từ những con trai (đồng loại sò, hến) thiên nhiên ngoài biển cả, và những con trai được nuôi. Ngọc trai cũng đắc giá lắm! Chỉ có 1 viên ngọc trai mà 15 ngàn dola, 17 ngàn dola là chuyện hết sức bình thường. Còn một sâu chuỗi ngọc trai từ 10 ngàn dola trở lên được bày nằm la liệt trong tủ kính... Vì đó là nữ trang mà!
Những ngày thăm viếng Nhật, chúng tôi được ngủ trong những khách sạn tốt (4, 5 sao), đầy đủ tiện nghi và hiện đại. Bàn cầu được gắn máy điều hòa ngồi cho ấm, hay mát tùy ý mình điều chỉnh. Có vòi nước tự động dưới bàn cầu. Để chúng ta muốn rửa bằng nước thay giấy…
Nhưng những nơi công cộng của Nhật chỗ tiểu tiện phía phụ nữ luôn ngồi chồm hổm. Ít khi có bàn cầu ngồi cao như ở khách sạn. Thường thì các phòng vệ sinh nơi công cộng không để giấy vệ sinh (giấy mắc quá chăng?). Mình phải biết, và luôn thủ sẵn giấy trong túi áo. Chiều nào về khách sạn, tôi cũng giặt bằng tay 2 ống quần ở phía dưới (gần lai). Bởi quần mặc dù về thay ra sẽ để chung và riêng trong bao với những áo quần đã mặc rồi, nhưng tôi vẫn ngại nó dơ hơn.
Khi ra phi trường về Mỹ. Nơi chờ đợi của những hãng hàng không ngoại quốc ra vào nước Nhật (không phải những đường bay nội địa). Cầu vệ sinh bên nữ phái, ngoài những bàn ngồi cao, còn có chỗ ngồi chồm hổm! Lấy làm lạ, tôi hỏi một bà Nhật lớn tuổi làm vệ sinh ở đây? Thì ra, người phụ nữ Nhật mặc Kimono, ngồi chồm hổm tiện cho họ hơn loại cầu có bàn ngồi cao.
Tôi đến Tokyo lần nầy với tánh cách du lịch, với tâm trạng của một du khách! Theo nhận xét của riêng tôi, nếu đi du lịch ở Nhật mà tự túc (tự mướn xe, tự mướn khách sạn, tự lái đi ngoạn cảnh) như đi những nước khác thì thật là không nên. Vì ở Nhật, mọi thứ giá cả quá đắc đỏ!
Chuyến du lịch Nhật Bản 8 ngày, với tôi thật thoải mái, thật hài hòa từ ăn ở cho đến thăm viếng những danh lam thắng cảnh. Thật xứng đáng với phí tổn, mà chúng tôi phải trả trong những ngày du lịch ở Nhật.
Theo tôi biết, rất nhiều hãng có đại diện lo mọi thủ tục cho người đi du lịch ở Nhật Bản. Những hãng du lịch lớn có văn phòng đại diện đặt khắp nơi. Muốn đi du lịch, chúng ta phải hỏi thăm nhiều hãng. Chọn những hãng du lịch tốt, giá cả phải chẳng và nhứt là được vừa ý, thoải mái trong suốt những ngày viếng thăm.
          Trở về nhà không lâu thì Nhật Bản vừa bị thiên tai kinh hoàng! Sau trận động đất cấp 9.0 và bão nổi sóng thần dâng cao hơn 4 mét, vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, tại 3 vùng Sendai, Iwate, và Ibaraki. Gần như một phần ba (1/3) nước Nhật bị tàn phá. Có khoảng ba chục (30.000) ngàn người thương vong và mất tích! Thế giới bàng hoàng xúc động! Nỗi đau thương còn đang xâu xé âm ĩ trong lòng người. Thì vào thứ năm, ngày 7 tháng 4 năm 2011, lại thêm trận động đất 7.4 ở vùng Miyagi, gần thành phố Tokyo! Dĩ nhiên là nhân mạng và tài sản của Nhật một lần nữa mất mát trầm trọng!
“Thiên tai xảy ra riêng trên một nước! Nhưng đây là nỗi đau thương chung của nhận loại” Ai cũng biết nước Nhật là quần đảo, nên diện tích đất đai nhỏ hẹp hơn so với những nước láng diềng. Dân Nhật đông, sống chật hẹp chen chúc trong những chung cư cao nghều nghệu mấy chục tầng. Đường sá ở Nhật xây cất chất chồng lên nhau, chằng chịt như màng nhện… mới cung ứng đủ cho nhu cầu đi lại, và giao thông.
Nhưng dân Nhật có tinh thần trách nhiệm rất chặt chẽ! Người Nhật siêng năng, chăm chỉ, chịu khó, chịu cực, học hỏi, cầu tiến… Để nước Nhật ngày nay hơn hẳn nhiều nước trên thế giới, hầu hết trong mọi ngành nghề như: Kỹ nghệ, Kinh tế, Khoa học, Y tế, Kỹ thuật… Dân tộc Nhật hãnh diện có một nền giáo dục vững chắc, và về đạo đức làm người!
          Những người Cộng Sản nói chung, những người Cộng sản cầm quyền đương thời ở Việt Nam. Họ tự cho đảng Cộng sản là “Đĩnh cao trí tuệ loài người” Vậy không biết họ nghĩ gì, khi đảng viên của họ lương lẹo, chôm chĩa, gian lận khi qua làm việc ở Nhật? Họ còn bán lãnh thổ, lãnh hải cho Tàu... Đưa người qua trồng cần-sa ở Canada, Anh, Mỹ… và thanh niên nam nữ làm nô lệ lao động xứ người ở mọi hình thức...
          Tôi là “dân ngu khu đen” thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Việt cộng và Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, thì gia đình tôi đùm túm chạy thục mạng để bôn đào… Đã mấy mươi năm làm thân chùm gởi xứ người! Tôi thật sự đau buồn lẫn xấu hổ! Khi nghe thấy những tệ nạn gây ra do Việt Nam Công sản ở trong nước, và ra các nước khác trên thế giới…
Ba tôi là ông giáo già, lúc còn sanh thời, thường bảo với con cháu rằng: “…Phàm làm kiếp con người thử nghĩ coi có được mấy ai sống đến trăm tuổi? Mỗi ngày ăn được bao nhiêu? Mỗi lần mặc được mấy cái quần, cái áo? Khi chết mang theo được gì? Cho nên chúng ta phải sống sao không phiền mình, hại người. Ra đường thẳng lưng ngưỡng mặt mà đi, nhìn nhật nguyệt trên đầu không hổ thẹn, là đủ lắm rồi”

Tệ xá Diễm Diễm Khanh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

ĐT: (530) 822 5622


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List