QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Thursday, November 2, 2017

Ai Đã Ra Lệnh Giết Chết Anh Em Ông Diệm Và Nhu?


----- Forwarded Message -----
From: 'Patrick Willay' 
To
Sent: Sunday, August 20, 2017, 3:40:28 AM PDT
Subject: LM NGUYEN VAN TUNG: Ai Đã Ra Lệnh Giết Chết Anh Em Ông Diệm Và Nhu?


 
Như vậy, kết luận của kẻ soạn bài này: Chính Henry Cabot Lodge (con), đại sứ Mỹ tại Việt Nam và một gián điệp CIA, Lucien Conein, là hai nhân vật đáng bị nghi ngờ nhất trong cuộc ám sát vị Tổng Thống, đã được người dân miền Nam bầu lên theo thể chế dân chủ, là Ngô Đình Diệm và người em của ông là Cố Vấn Ngô Đình Nhu.





 
Ai Đã Ra Lệnh Giết Chết Anh Em Ông Diệm Và Nhu?


LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng


Ngô Đình Diệm (Phải) và Ngô Đình Nhu - Ảnh: TL
Đã gần 55 năm nhưng câu hỏi trên vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Tất cả các tướng lãnh, các đại tá đã tham gia cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền dân cử Ngô Đình Diệm; các quan chức Mỹ từ cấp nhỏ đến cả tổng thống Kennedy của họ, không ai đủ can đảm nhận lãnh trách nhiệm đã ra lệnh giết chết hai anh em nhà Ngô. Xin mời quí độc giả cùng phân tích chuỗi sự kiện đã xảy ra trước, đang khi và sau cuộc đảo chánh, để tự tìm cho mình một kết luận rằng ai là kẻ đáng nghi ngờ nhất trong cuộc đổ máu này.


Đầu tháng 11 năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh do một số tướng lãnh, những người tự xưng là bất đồng chính kiến với ông trong việc giải quyết “vấn đề Phật giáo” (mà nhiều người nghi ngờ là đã có bàn tay của Mỹ ở đàng sau) và việc điều khiển guồng máy chiến tranh chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản từ miền Bắc. Chính phủ Kennedy đã biết trước về cuộc đảo chính (1), nhưng mật điện số 243 từ bộ Ngoại Giao Mỹ gửi cho đại sứ Mỹ ở Saigon, Henry Cabot Lodge, Jr. (con), đã nói rõ rằng chính sách của Mỹ là không ngăn chặn cuộc đảo chánh đó (2). Lucien Conein, một gián điệp của CIA, liên lạc viên giữa sứ quán Mỹ và phe phản loạn, đã nói với các tướng lãnh rằng chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào cuộc đảo chánh. Nhưng Conein lại cung cấp một số tiền cho nhóm lãnh đạo cuộc đảo chánh (3).

Những người trực tiếp tham gia vào cuộc nổi loạn đáng ghi nhận là các tướng: Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí. Các đại tá: Đỗ Mậu, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Thiệu. Các trung tá: Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Ngọc Thảo và thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa cùng đại úy Nguyễn Văn Nhung là hai kẻ được coi là đã giết chết anh em ông Diệm và Nhu.

NHỮNG DIỄN BIẾN

Trong một cuộc tiếp kiến với ông Diệm, Đại sứ Frederick Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về Chính trị, Quân sự và Kinh tế, Tổng thống Diệm trả lời rằng "chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ." (4)

Có nguồn cho rằng từ năm 1961, Hoa Kỳ muốn thành lập căn cứ Không quân và Hải quân tại vịnh Cam Ranh, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm không chấp thuận. (5)

Tác giả Chính Đạo cho rằng từ tháng 8 năm 1962, Joseph A. Mendenhall, Cố vấn chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã đề nghị loại bỏ Tổng thống Diệm, vợ chồng ông Ngô Đình Nhu và những người trong gia đình ông Diệm, bằng một số nhân vật khác, vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không chịu thay chủ trương chính sách như người Mỹ muốn. (6)

Có tin rằng Chính phủ Ngô Đình Diệm đã bí mật liên lạc để tìm cách thỏa hiệp với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt). Cụ thể là tháng 2 năm 1963, ông Ngô Đình Nhu mượn cớ đi săn cọp, đã bí mật gặp tại Bình Tuy một cán bộ cộng sản cao cấp là Phạm Hùng và có thể cả tướng Trần Độ. Chính phủ Hoa Kỳ khá bận tâm với nguồn tin này. (7)

Tổng thống Kennedy lo ngại tình hình Việt Nam ảnh hưởng xấu đến cuộc tái tranh cử của ông vào năm 1964. Do đó Kennedy muốn tìm một giải pháp mới, nhằm thay đổi tình hình tại Việt Nam theo chiều hướng có lợi cuộc tái tranh cử của mình. Trong cuộc họp báo ngày 22 tháng 5 về Việt Nam, Tổng thống Kennedy đã có những lời lẽ chỉ trích Chính phủ của ông Diệm, và một câu nói của ông như một lời giận dỗi: Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào chính phủ Việt Nam yêu cầu. Trả lời báo chí, ông ngụ ý là "Việt Nam muốn chiến thắng Cộng sản, cần phải có những thay đổi chính trị sâu rộng, từ căn bản." (8)

Ngày 27 tháng 6 năm 1963, Tổng thống Kennedy công bố quyết định thay đổi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đây là một dấu hiệu thay đổi Chính sách của người Mỹ. (9). Ngày 22 tháng 8 năm 1963, tân Đại sứ Henry Cabot Lodge, (con), đến Sài Gòn.

Ngày 24 tháng 8 năm 1963, Lodge, người vừa sang Sài Gòn làm đại sứ, đã nhận được chỉ thị từ Washington yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm cách chức Cố Vấn Ngô Đình Nhu và cảnh báo Tổng Thống Diệm rằng, nếu ông ấy từ chối, Hoa Kỳ sẽ phải "đối diện với khả năng chính bản thân ông Diệm không thể được bảo toàn." (10).

Cũng trong ngày 24/8, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, xử lý thường vụ Ngoại Trưởng, cùng Harriman (Thứ Trưởng Ngoại giao), Hilsman (Phụ Tá Ngoại trưởng), Forrestal (Phụ Tá Tổng Thống) đồng soạn và ký tên mật điện 243 gởi cho tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn (sau khi được Tổng thống Kennedy và Ngoại trưởng Rusk đồng ý). Nội dung đoạn cuối điện văn được dịch như sau:

“Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông để thay vào đó bằng những quân nhân và chính trị gia có khả năng nhất.

“Nếu ông (tức Đại Sứ Lodge) cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta phải đối diện với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể được bảo toàn.”(11)

Ngày 25 tháng 8, trong chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Tổng thống Kennedy họp báo tuyên bố rằng: “Nếu muốn công cuộc ngăn chặn Cộng Sản tại Việt Nam hữu hiệu thì cần phải thay đổi chính sách, thay đổi hệ thống nhân sự lãnh đạo tại Sài Gòn. Cũng khoảng thời gian này, ông Ngô Đình Nhu họp báo tại Los Angeles tuyên bố rằng Mỹ đang dự định tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông tố cáo rằng "hiện thời ở Việt Nam bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng không thể thành công được trừ khi được Mỹ xúi giục và hậu thuẫn."(12)

Chiều ngày 29-10-1963 tại Tòa Bạch Cung (Nhà Trắng), Tổng Thống Kennedy triệu tập một cuộc họp đặc biệt gồm 15 vị cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia. Số phận của anh em ông Ngô Đình Diệm được định đoạt tại cuộc họp này. Biên bản tài liệu được ghi âm cho thấy ý kiến đối với cuộc đảo chính sẽ tiến hành của các đại biểu dự cuộc họp là không đồng nhất. Nhưng thật lạ lùng là trong cuộc họp không ai yêu cầu bỏ phiếu biểu quyết và cũng chẳng ai thảo luận một cách có hệ thống về hậu quả do cuộc đảo chính có thể mang lại. Ngay cả Tổng thống Kennedy cũng không chủ động nghe ý kiến của người phản đối, chỉ buông xuôi bằng câu “Thôi cứ để Lodge và các cộng sự của ông ta tùy cơ ứng biến, tới khi đó mọi việc sẽ rõ.”(13)

CHUẨN BỊ

Ông Bùi Diễm, sau năm 1963 là đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ, đã viết trong hồi ký của mình rằng: “Tướng Lê Văn Kim đã yêu cầu hỗ trợ nhằm thực hiện điều mà chính phủ Hoa Kỳ muốn làm với chính quyền của ông Ngô Đình Diệm, tức loại bỏ chính quyền của ông Diệm.” (14). Diễm đã liên lạc với cả đại sứ và các nhà báo thạo tin của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, như David Halberstam (New York Times), Neil Sheehan (United Press International) và Malcolm Browne (Associated Press). (15)

Henry Cabot Lodge, (con), đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa sau khi biết về âm mưu đảo chính, được lên kế hoạch bởi các tướng lĩnh của Quân Lực Việt Nam Cộng hòa do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, đã báo cáo cho Tổng thống Mỹ xin ý kiến. Biên bản cuộc họp ngày 29 tháng 10 năm 1963 giữa Tổng thống Mỹ và các cố vấn cho thấy Tổng thống Mỹ sau khi họp với 15 cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia không đưa ra được ý kiến thống nhất về vấn đề này mà để cho đại sứ Lodge tùy cơ ứng biến (16). Tại Washington, Ngoại trưởng Dean Rusk truyền đạt quyết định đến đại sứ Lodge ở Sài Gòn. Lodge lại báo tin cho nhân viên CIA Lucien Conein (17).

Lucien Conein đặc vụ của CIA trở thành đầu mối liên lạc giữa đại sứ quán Hoa Kỳ với các tướng lĩnh đảo chính, thoạt tiên, do Trần Văn Đôn đứng đầu (18). Ngày 3 tháng 10 năm 1963, Conein gặp tướng Minh là người nói cho ông ta biết ý định đảo chính và yêu cầu người Mỹ hỗ trợ nếu nó thành công (19). Hơn nữa, “Trong cuộc nói chuyện, Minh đã hé lộ rằng âm mưu đảo chánh sẽ kể cả việc ám sát hai ông Diệm và Nhu.” Trong phim tài liệu Việt Nam: Cuộc chiến 10.000 ngày của đạo diễn Michael Maclear, nhân viên CIA Lucien Conein kể lại rằng khi được thông báo về ý định đảo chính ông ta nói: "Lệnh mà tôi nhận là thế này: ‘Tôi phải cho tướng Minh biết rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không cản trở cuộc đảo chính của họ, và tôi đã truyền đạt điều này’." (20).

Sau đó Conein bí mật gặp tướng Trần Văn Đôn để nói với ông này rằng Hoa Kỳ phản đối bất cứ hành động ám sát nào. Tướng Đôn trả lời "Được rồi, nếu anh không thích điều đó chúng ta sẽ không nói về nó nữa." (21)

Để chuẩn bị cho cuộc đảo chính các tướng lĩnh đã đưa một số đơn vị quân đội trung thành với chính phủ Ngô Đình Diệm đi hành quân ở những vùng xa Sài Gòn để các đơn vị này không thể ứng cứu khi đảo chính xảy ra. Ngày 29 tháng 10, để vô hiệu hóa Lực lượng Đặc biệt (lực lượng thiện chiến và trung thành với chế độ), tướng Tôn Thất Đính với tư cách Tư lệnh Quân đoàn III (và cũng là Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định) ra lệnh cho các đơn vị thuộc lực lượng này di chuyển ra khỏi Sài Gòn, truy quét cộng sản ở vùng Hố Bò, Củ Chi.

Sáng ngày 31 tháng 10 năm 1963, tướng Tôn Thất Đính hạ lệnh cắm trại toàn thể Quân Đoàn III và Vùng III Chiến Thuật và cử đại tá Nguyễn Hữu Có đem một đơn vị tới Bắc Mỹ Thuận tịch thu hết tất cả các phà để cản đường về thủ đô của bất cứ đơn vị nào của Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật. Chiều 31 tháng 10 năm 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 đã dẫn 2 Trung đoàn cùng 1 Tiểu đoàn Pháo binh và 1 Chi đoàn Thiết giáp mượn cớ đi hành quân ở Phước Tuy nhưng lại dừng chân ở ngã ba xa lộ Biên Hòa và QL.15 (đường đi Vũng Tàu.) Như vậy các tướng lãnh đã chặn tất cả các nẻo chính của thủ đô.

VÔ HIỆU HÓA CÁC SĨ QUAN TRUNG THÀNH VỚI TT DIỆM

Đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải Quân, là một trong số rất ít sĩ quan chỉ huy thật sự trung thành với ông Ngô Đình Diệm. Sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963, được lệnh của các tướng lĩnh chỉ huy đảo chính loại bỏ đại tá Hồ Tấn Quyền, thiếu tá Trương Ngọc Lực, Chỉ huy trưởng Vùng III Sông Ngòi (dư luận đánh giá ông này là một người hiếu sát) và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ huy trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ huy trưởng Đoàn Giang Vận, đã lừa Hồ Tấn Quyền ra Thủ Đức và hạ sát ông tại rừng cao su. Phe đảo chính đã e rằng nếu ông còn sống, ông sẽ chỉ huy Hải Quân ứng cứu ông Ngô Đình Diệm, như vậy có thể khiến cuộc đảo chính thất bại.

Cũng trong sáng ngày 1 tháng 11, trung tướng Trần Văn Đôn triệu tập các cấp chỉ huy của một số các đơn vị quân đội đồn trú tại Sài Gòn và các vùng phụ cận mà ông nghi ngờ trung thành với tổng thống Ngô Đình Diệm về cầm chân ở Bộ Tổng Tham Mưu (TTM). (Khi Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống đến họp ở Bộ Tổng tham mưu thì ông bị còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp khác như Trung tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng Binh chủng Thiết giáp và Đại tá Trần Văn Trung, Tùy viên Quân sự ở Pháp mới về nước. (22)

Lúc 1giờ30 trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, điệp viên CIA Lucien Conein vào bộ TTM, mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu bạc Việt Nam (23) (Khoảng 30,000 đô-la theo thời giá lúc bấy giờ) để hỗ trợ cho việc thực hiện đảo chính với lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để bảo vệ Ngô Đình Diệm. (24) Theo “Việt Nam nhân chứng” của cựu tướng Trần Văn Đôn thì số tiền này được chia cho Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Khánh, Trần Ngọc Tám và Lê Nguyên Khang.

Ngay sau đó, tướng Dương Văn Minh đề nghị tất cả tướng lãnh tham dự vào cuộc đảo chính. Hầu hết các tướng lĩnh đều hưởng ứng, trừ 5 người đứng dậy phản đối. Đại tá Cao Văn Viên từ chối tham gia, nhưng khi thấy không có nhiều người hưởng ứng mình thì ông nói là sẽ không chống lại đảo chính, rồi lại ngồi xuống (25). Bốn người khác phản đối gồm có Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi - Tư lệnh Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống; Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh trưởng Gia Định; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, ở Không quân.

Các ông bị bắt ngay sau đó và bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy viên của tướng Dương Văn Minh, đưa sang tạm giam trong phòng "cô lập các sĩ quan chống đối". Đêm đó, Nguyễn Văn Nhung đem Đại tá Tung và em trai là Thiếu tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt ra Nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế ở sau doanh trại của Bộ TTM. Nhung cùng một quân cảnh khác đã dùng lưỡi lê đâm tới tấp anh em Tung - Triệu cho đến chết. Khi cả hai anh em Tung - Triệu đã chết hẳn, Nhung ra lệnh vùi xác cả hai vào một đống cỏ rác (26).

Tại Vùng IV Chiến thuật, tướng Huỳnh Văn Cao lúc đầu nhất định không theo đảo chính. Ông đã cố gắng để liên lạc với Đại tá Bùi Dzinh tư lệnh Sư đoàn 9 đóng ở Sa Đéc và đại tá Bùi Đình Đạm Tư lệnh Sư đoàn 7 đóng ở Mỹ Tho đem quân về, nhưng Sư đoàn 7 đã bị đại tá Nguyễn Hữu Có đem công điện của trung tướng Đôn về đoạt quyền tư lệnh của đại tá Đạm. Kế tiếp ông Có đã đem quân Sư đoàn 7 ra chặn ở ngã ba Trung Lương và cho rút hết các chiếc phà Mỹ Thuận để ngăn chặn Sư đoàn 9 vượt sông Tiền Giang (27). Sau đảo chính, Huỳnh Văn Cao chỉ được giao các chức vụ không quan trọng, rồi phải giải ngũ vào năm 1966.

ĐẢO CHÍNH

Cuộc đảo chánh diễn ra khá xuôi thuận và tương đối ít đổ máu trong ngày 1/11. Khoảng 8 giờ tối ngày hôm đó (1/11). Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu cùng 2 sĩ quan tùy viên (Đại úy Đỗ Thọ và Đại úy Bằng) trốn về nhà Mã Tuyên, Tổng Bang Trưởng của người Hoa và cũng là thủ lĩnh Thanh Niên Cộng Hòa, ở Chợ Lớn. (Sau cuộc đảo chính, Mã Tuyên bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, gia sản bị tịch biên). Sáng sớm ngày 2 tháng 11, từ nhà Mã Tuyên hai ông sang dự lễ và cầu nguyện tại nhà thờ Cha Tam (nhà thờ thánh Phaxicô Xaviê). Tại đây Tổng thống Diệm ra lệnh cho đại úy tùy viên Đỗ Thọ lấy điện thoại ở Nhà Xứ (nhà của linh mục chính xứ) gọi về TTM thông báo là hiện Tổng Thống đang ở nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn (28).

Khi ông Diệm bằng lòng đầu hàng, các tướng làm đảo chánh đã nhóm họp và muốn đưa hai ông Diệm và Nhu đi nước khác. Họ hứa rằng hai anh em nhà Ngô sẽ được an toàn ra nước ngoài và về hưu “trong danh dự”. Không phải tất cả các sĩ quan cao cấp đã tham dự phiên họp. Tướng Nguyễn Ngọc Lễ đã lớn tiếng đòi giết hai ông Diệm và Nhu. Không có cuộc bỏ phiếu chính thức nào về việc này và chỉ có vài người đồng ý với ông Lễ (29). Điệp viên CIA Conein bá cáo rằng các tướng đã không bao giờ nói đến việc ám sát hai ông, vì việc chuyển quyền là ưu tiên thành đạt lớn nhất mà họ nhắm tới để được quốc tế công nhận (30).

Hai tướng Minh và Đôn đã xin Conein dàn xếp để có một chiếc máy bay Mỹ đưa hai anh em nhà Ngô ra khỏi nước. Hai hôm trước đó, đại sứ Lodge đã báo động Washington rằng rất có thể các tướng lẵnh sẽ yêu cầu như vậy và đề nghị họ sẽ bay đi từ Saigon. Yêu cầu này đã khiến chính phủ Kennedy bối rối, vì cung cấp một chiếc máy bay như vậy sẽ chứng tỏ Washington đã đứng sau cuộc đảo chính. Khi Conein gọi cho “cơ sở” CIA ở Saigon, ông ta đã phải đợi đến 10 phút. Chính phủ Mỹ đã không cho phép bất cứ máy bay nào của mình đáp xuống một quốc gia khác nếu nước đó không cho phép anh em ông Diệm tạm trú. Chính phủ Mỹ cũng không muốn anh em họ lập chính phủ lưu vong và ông Roger Hilsman (thứ trưởng Ngoại Giao) trước đó đã từng viết: “Không thể để cho anh em nhà Ngô tạm trú ở Đông Nam Á, quá gần Vietnam, trong bất cứ trường hợp nào, vì e rằng sẽ có các âm mưu đưa họ lên nắm quyền trở lại. Nếu các tướng muốn họ lưu vong, họ phải đi ra khỏi Đông Nam Á.” Ông ta cũng tiên đoán điều mà ông ấy gọi là "Götterdämmerung in the palace." (“Götterdämmerung trong dinh.” Götterdämmerung là tên của một bi nhạc kịch của Đức, do Richard Wagner biên soạn. Nghĩa đen là “Cảnh tranh tối tranh sáng của các thần.” Nhạc kịch nói về cảnh chiến tranh, tàn phá giữa các thần với nhau và với nhân loại) (31).

Trước khi quyết định đầu hàng, ông Diệm đã gọi cho đại sứ Lodge và nói chuyện với ông này lần cuối. Ông Lodge đã không báo cáo cuộc điện đàm này cho Washington. Nhưng cũng có tin cho rằng hai ông này còn nói chuyện với nhau vào hôm trước, lúc cuộc đảo chánh mới bắt đầu. Tuy nhiên, sau khi ông Lodge qua đời, 1985, phụ tá của ông là đại tá Mike Dunn đã cho biết họ đã điện đàm lần cuối vào khoảng 7 giờ sáng ngày 2/11, chỉ vài phút trước khi ông Diệm quyết định đầu hàng. Khi ông Diệm gọi, Dunn kể, ông Lodge đã “để ông ấy chờ điện thoại” rồi bước đi chỗ khác. Khi trở lại, Lodge đã đề nghị cho ông Diệm ra nước ngoài tạm trú, nhưng sẽ không có phương tiện chuyên chở đến Philippines cho đến hôm sau (32). Điều này đã trái ngược với điều ông Lodge đã đề nghị với ông Diệm về nước tạm dung, ngày hôm trước, khi ông ấy yêu cầu ông Diệm đừng chống lại cuộc đảo chánh (33). Ông Dunn đã đề nghị để chính ông ấy đến chỗ hai anh em ông Diệm đang trốn, hộ tống họ, như vậy các tướng sẽ không giết họ được. Nhưng ông Lodge từ chối, nói rằng: “Chúng ta không thể can thiệp sâu như vậy.” (34). Ông Dunn viết tiếp: “Tôi thực sự kinh ngạc vì chúng tôi không làm gì hơn cho họ.” (35). Vì không giúp hai anh em nhà Ngô an toàn rời khỏi VN nên sau khi họ bị giết, ông Lodge đã nói: “Chúng ta sẽ làm gì với họ nếu họ sống? Bất cứ “tên phản động” nào trên thế giới cũng có thể sử dụng họ.” (36)

Ông Dunn đã xác nhận là khi để ông Diệm chờ trong cuộc điện đàm, Lodge đã đi qua phòng khác gọi cho gián điệp Conein để báo cho người này chỗ trốn của hai ông Diệm và Nhu. Như đã nói, họ đã ra khỏi dinh Gia Long từ tối hôm trước để tránh bị các tướng nổi loạn bắt. Khi được hỏi về những điều ông Dunn đã nói, gián điệp Conein đã chối bỏ những điều đó (37). Conein còn nói rằng, một trong các nhân viên của Lodge đã nói với ông ta rằng chiếc máy bay, nếu có đó, sẽ phải bay trực tiếp đến một nước thật xa để anh em ông Diệm không thể rời máy bay lúc nó ghé ở một nước nào gần VN, để tổ chức phản công cuộc đảo chánh (38). Conein còn được kể rằng chiếc máy bay gần nhất có thể làm chuyện đó đang ở đảo Guam và phải cần ít nhất 24 tiếng để chuẩn bị cho công tác này.

Tướng Minh đã rất đỗi kinh ngạc và nói với Conein rằng các tướng không thể giữ ông Diệm lâu như vậy. Được biết là Conein đã không nghi ngờ sự trì hoãn cố ý của đại sứ quán Mỹ. Ngược lại, vào khoảng đầu thập niên 1970s, một ủy ban điều tra của thượng viện Mỹ đã nêu một câu hỏi khiêu khích: “Người ta tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra cho chiếc máy bay quân đội được gửi đến chờ đưa ông Lodge đi, được định vào ngày hôm trước?” (39)

TRỐN VÀO CHỢ LỚN

Howard Jones kể rằng tướng Minh đã đến dinh Gia Long trên một chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi với phụ tá và cận vệ, đại úy Nhung, để bắt hai anh em ông Diệm. Ông ta cũng sai một thiết vận xa M-113 và 4 chiếc xe Jeep của quân đội đến đó để đưa các ông Diệm và Nhu về bộ TTM làm nghi thức bàn giao quyền lực, có truyền hình trực tiếp, với sự chứng kiến của báo chí quốc tế. Khi đó các ông Diệm và Nhu sẽ “xin” các tướng cho đi lưu vong và tạm trú ở một nước ngoài. Điều này sẽ được chấp thuận (40). Nhưng khi ông Minh đến đó thì, như đã biết, hai anh em ông Diệm đã không còn trong dinh.

Nữ sử gia Ellen Hammer đã không chấp nhận câu chuyện về việc đã có các đường hầm từ dinh Gia Long đào ra ngoài. Bà ấy nói rằng hai anh em ông Diệm chỉ đơn giản đi ra khỏi dinh, lúc đó chưa bị bao vây (41). Bà ấy kể thêm rằng họ đi qua một sân tennis, rời khu vực của dinh Gia Long bằng một cổng nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn và vào một chiếc xe. Những người còn trung thành với hai ông đã dùng các đường hẻm để tránh những trạm kiểm soát của quân đảo chánh, rồi đổi qua một chiếc ô tô Citroen (do Pháp sản xuất) màu đen (42).

Sau khi rời khỏi dinh Gia Long, có bá cáo rằng ông Nhu đã đề nghị với ông Diệm là mỗi người nên đi riêng một ngả để họ có nhiều cơ hội sống sót hơn. Một nên đi về miền Tây, xuống vùng IV Chiến Thuật với tướng Cao, trong khi người khác lên cao nguyên, Vùng II Chiến Thuật của tướng Khánh. Ông Nhu đã nghĩ rằng các tướng phản loạn sẽ không dám giết một người, trong khi người khác còn sống, trường hợp người này lật được thế cờ. Theo lời kể, ông Diệm đã không đồng ý và nói rằng: “Không thể để em đi một mình được, họ rất ghét em, họ sẽ giết em. Ở với anh, anh sẽ bảo vệ em.” Một lời chứng khác ghi lại rằng ông Diệm đã nói: “Trong những năm qua, anh em mình luôn luôn có nhau. Anh em mình đã không hề rời nhau những năm qua mà? Làm sao mình có thể bỏ nhau trong giờ phút nghiêm trọng này được?” (toàn là những lời đầy yêu thương của một người anh!). Ông Nhu đã đồng ý đi chung với ông Diệm cho đến cùng (43).

Những cận vệ trung kiên đã an toàn đưa hai ông đến nhà ông Mã Tuyên trong Chợ Lớn. Hai ông đã xin tị nạn ở đại sứ quán Đài Loan nhưng bị từ chối nên đã ở lại nhà ông Mã Tuyên và kêu gọi những người còn trung thành về Saigon cứu họ. Đồng thời, họ cũng tìm cách điều đình với phe đảo chính (44). Mật vụ của ông Nhu đã âm thầm mắc dường dây điện thoại trong nhà ông Mã Tuyên, có cùng số với đài ở dinh Gia Long, nên phe đảo chính vẫn nghĩ rằng hai ông còn ở trong dinh. Quân nhân ở cả hai phia đều không biết rằng vào lúc 9 giờ tối hôm 1/11, họ đã đánh nhau vì một tòa nhà trống và đưa đến những cái chết vô ích (45).

Sau khi (đến dinh Gia Long mà không bắt được hai ông) tướng Minh ra lệnh khám xét những nơi gia đình nhà Ngô hay lui tới mà không thành công. Nhưng một tù binh bị bắt trong dinh Gia Long đã khai, và đến tai đại tá Thảo, rằng hai ông đã vào Chợ Lớn. Tướng Khiêm đã ra lệnh cho Thảo tìm hai ông và đừng để ai giết họ (46). (Hiển nhiên là đại tá Thảo đã đến nhà thờ Cha Tam muộn hơn nhóm của tướng Xuân). Khoảng 10 giờ sáng, 2/11, một thiết vận xa M.113 và hai xe Jeep đã vào sân nhà thờ Cha Tam (47).

CUỘC ÁM SÁT HÈN HẠ

Đoàn xe do tướng Mai Hữu Xuân cầm đầu cùng với hai đại tá Quan và Lắm. Quan là phụ tá cho tướng Minh và Lắm là tư lệnh lực lượng Bảo An. Lắm chỉ tham gia đảo chính sau khi biết chắc rằng họ sẽ thắng. Đoàn xe còn có hai sĩ quan nữa: Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung. Nhung là cận vệ của tướng Minh (48). Ông Nhu đã tỏ dấu không hài lòng về việc họ bắt ông Diệm ngồi trong chiếc M.113: “Các anh dùng xe loại này để chở Tổng Thống à?” (49). Lắm đã an ủi ông rằng họ phải làm vậy để bảo về hai ông tránh những kẻ quá khích. Họ trói tay hai ông quặt ra sau (50).

Sau khi bắt hai ông, Nhung và Nghĩa cũng ngồi trong chiếc M.113 đó để trở về Bộ TTM. (Trước khi đoàn xe rời bộ TTM để đi bắt hai anh em ông Diệm, có ghi nhận là tướng Minh đã ra dấu cho Nhung với hai ngón tay, nhiều người đã đoán rằng đó là lệnh phải giết cả hai anh em ông Diệm). Vì có đoàn xe lửa đang đi qua đường Hồng Thập Tự, nên đoàn xe phải ngừng lại. Nơi đó bây giờ là ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thượng Hiền. Tất cả các lời kể đều nói rằng hai ông Diệm và Nhu đã bị sát hại ở đây. Theo kết quả cuộc điều tra của tướng Đôn, sau này, thì người đầu tiên bắn hai ông ở cự ly thật gần, bằng súng bán tự động, là thiếu tá Nghĩa; sau đó đại úy Nhung quạt thêm một loạt đạn vào hai ông, trước khi đâm liên tiếp vào các thân xác đã bất động của họ (51)

Theo hồi ký "Việt Nam một trời tâm sự" của tướng Nguyễn Chánh Thi, khi chiếc thiết vận xa rời Nhà thờ Cha Tam chạy chừng 500 m thì gặp tướng Mai Hữu Xuân đưa lên một ngón tay trỏ, nhóm Nguyễn Văn Nhung trên M.113 đoán rằng ông ta ra lệnh giết một trong hai anh em tổng thống Diệm, nhưng chưa biết phải giết người nào thì lại thấy tướng Xuân đưa lên hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) của bàn tay trái, hai ngón này khép lại với nhau, chỉ vào hai ngón tay của bàn tay phải giơ lên. Họ nghĩ rằng ông ra lệnh giết cả hai anh Ngô Đình Diệm. Và khi đoàn xe chở hai xác của các ông Diệm và Nhu đến Bộ TTM thì thiếu tướng Mai Hữu Xuân đưa tay chào tướng Dương Văn Minh và nói bằng tiếng Pháp: "Mission accomplie!" (Sứ mệnh đã hoàn thành) (52).

Thi hài của hai ông được đưa vào bệnh xá của Bộ TTM Quân lực Việt Nam Cộng hòa để khám nghiệm. Theo chứng nhận của bác sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, giám đốc bệnh xá và cũng là người đã tiến hành vụ khám nghiệm, thì hai ông Diệm, Nhu bị bắn từ sau gáy ra phía trước. Xác tổng thống Ngô Đình Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bắn. Xác Ngô Đình Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu.

Thi hài anh em tổng thống Diệm được âm thầm an táng trong vòng thành Bộ TTM. (Về sau thì di dời ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi) với sự hiện diện của người cháu gái và làm thủ tục khai tử tại quận Tân Bình. Về nghề nghiệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được ghi là Tuần Vũ (Tỉnh Trưởng) và ông Nhu là Quản thủ Thư viện (53).

NỖ LỰC CHẠY TỘI

Khi hai thi hài được đưa về đến Bộ TTM, các tướng đều bị sốc. Mặc dù họ khinh rẻ và không ưa ông Nhu, nhưng họ vẫn kính trọng ông Diệm, nhiều người đã mất bình tĩnh. Tướng Đính nói: “Tôi đã không thể ngủ đêm hôm đó.” Trong khi tướng Đôn kể rằng các tướng “thực sự đau buồn” và thêm rằng họ thực sự chỉ muốn đưa hai ông đi sống lưu vong. Đôn kết án ông Nhu đã thuyết phục tổng thống Diệm từ chối việc đi lưu vong. Trong khi đại sứ Lodge, sau này, kết luận: “Một lần nữa, ông Nhu đã cho thấy chính ông ta là ‘thiên tài ác độc’ trong cuộc đời của ông Diệm.” Tướng Đôn đã ra lệnh cho mọi người phải nói là hai ông đã chết vì tai nạn. Rồi ông ấy vào văn phòng của tướng Minh:

Đôn: “Tại sao họ phải chết?”
Minh: “Họ chết thì đã sao?”

Cùng lúc đó, tướng Xuân bước vào văn phòng của tướng Minh, cửa đang mở, không biết rằng tướng Đôn có mặt trong đó. Xuân đứng nghiêm chào và nói: “Sứ mệnh đã hoàn tất!” (54). Không lâu sau đó, CIA bá cáo với tòa bạch ốc rằng hai ông Diệm và Nhu đã chết, nói bừa là họ đã tự tử. Đài phát thanh Saigon lại loan tin là họ chết vì thuốc độc và rằng hai ông đã tự tử lúc còn ở trên thiết vận xa M.113. Có rất nhiều tin đồn trái ngược. Tướng Mỹ Paul Harkins bá cáo là việc tự sát đã xảy ra là vì súng hay giằng co lựu đạn của một sĩ quan canh gác. Tướng Minh thì cố giải thích ngược lại là: “Vì vô tình, có một khẩu súng để trong xe, nên họ đã dùng khẩu súng này để tự tử” (55)

Khi tổng thống Kennedy nghe tin về cái chết của hai ông Diệm và Nhu trong một cuộc họp ở Tòa Bạch Cung, ông đã tỏ ra run rẩy và phải tạm bỏ phòng họp. Sau này, ông viết vào nhật ký, than thở rằng cuộc ám sát “thật ghê tởm” và tự trách mình là đã chấp thuận mật điện 243, cho phép đại sứ Lodge tìm các dịp để đảo chính, sau khi nghe Lodge bá cáo về việc ông Nhu tấn công các chùa chiền (56). Conein rồi cũng phải cho mọi người biết sự thật về cái chết của hai anh em nhà Ngô. Sau này, các hình ảnh còn cho thấy rõ hai xác chết trên sàn của chiếc M.113. Những hình ảnh chân thật đó đã nói rõ sự dối trá, quanh quéo cả các tướng đảo chánh khi họ nói rằng hai ông đã tự tử (57).

Một khi nguyên nhân chính thức về cái chết của hai anh em nhà nhà Ngô được loan tải ra quần chúng, chính phủ Mỹ đã lo ngại dân chúng của họ sẽ đặt vấn đề về tương quan giữa chính phrủ của họ với hội đồng quân nhân Việt Nam mới được thành lập (59). Lúc đầu, đại sứ Lodge đã loan theo những tin của các tướng rằng hai ông Diệm và Nhu đã tự sát bằng súng (60). Không tỏ vẻ lo lắng gì, ông ta đã chúc mừng tướng Đôn “hành động như bậc thày” trong đảo chánh và hứa thiết lập bang giao. Thực ra, vào lúc 4 giờ chiều ngày 2/11, khi được thông báo rằng hai anh em tổng thống Diệm đã bị giết, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, đã vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp: "C’est formidable! C’est formidable!" (Thật là tuyệt diệu! Tuyệt diệu!) (61)

Sự quả quyết của tướng Đôn rằng việc ám sát anh em tổng thống Diệm là ngoài dự tính, đã đủ đối với ông Lodge, người đã nói với bộ ngoại giao Mỹ: “Tôi chắc rằng họ (các tướng) đã không ra lệnh việc ám sát.” Các tướng Minh và Đôn tái xác định điều họ đã tuyên bố về việc ám sát trong cuộc họp với hai ông Lodge và Conein vào ngày hôm sau. Nhiều viên chức trong chính quyền của ông Kennedy đã kinh hoàng về việc giết người này, đồng thời cho đây là yếu tố chính khiến miền Nam, sau đó, bị khủng hoảng lãnh đạo. Việc ám sát đã tạo sự rạn nứt trong hàng ngũ hội đồng quân nhân và đã làm thay đổi tư tưởng của người Mỹ và thế giới (62).

Việc giết hai ông Diệm và Nhu đã ảnh hưởng sâu đậm đến niềm tin trong dân chúng rằng chính phủ mới sẽ khá hơn, đã gây chia rẽ trong hang ngũ các tướng. Sự lên án việc giết người này đã khiến các quan chức không còn tin nhau và tranh giành quyền lực trong chính phủ mới. Theo tác giả Jones: “Khi các quyết định về việc điều hành chính phủ sau đảo chánh được xếp ưu tiên, sự phẫn nộ về việc ám sát cộng với các tranh giành quyền lực đã làm tân chính phủ tan rã trước khi nó hoàn toàn được gầy dựng.” (63)

ĐỔ TỘI CHO NHAU

Trách nhiệm về việc ám sát hai ông Diệm và Nhu, một cách tổng quát, đã đặt trên đầu tướng Minh. Gián điệp Conein đã khẳng định: “Tôi được nghe từ rất nhiều người có thẩm quyền đã nói rằng Big Minh (Minh Cồ, vì ông ấy khá to con và để phân biệt với một tướng Minh khác, nhỏ con hơn) đã ra lệnh ám sát.” (64). Giám đốc cục CIA ở miền viễn đông, William Colby, cũng nói như vậy (65). Tướng Đôn cũng nói một cách dứt khoát: “Tôi có thể nói chắc chắn rằng chính tướng Minh đã ra lệnh và chỉ ông ta mà thôi.” (66)

Ông Lodge còn nghĩ rằng tướng Xuân cũng phải chịu một phần trách nhiệm, khẳng định rằng: “Diệm và Nhu bị sám sát, nếu không phải do quyết định của riêng Xuân, thì ít nhất ông ta cũng là người ra lệnh (tại chỗ)” (67). Năm 1971, tướng Minh lại đổ tội cho đại tá Thiệu vì ông này đã chần chừ và hoãn việc đưa quân của sư đoàn 5 về chiếm dinh Gia Long (68). Thiệu đã hét lên, chối bỏ trách nhiệm đó và ra một tuyên ngôn mà chính Minh cũng không cãi được: “Dương văn Minh phải chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của Ngô Đình Diệm.” (69). Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Richard Nixon sau này (sau 1968), một ủy ban điều tra về việc Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam, đã tin rằng chính Kenndy đã bí mật ra lệnh giết hai anh em ông Diệm, nhưng họ cũng không tìm được bằng chứng nào cả (70).

Gián điệp Conein còn khẳng định, vì Minh đã bị “hố” trong việc bắt hụt hai anh em ông Diệm ở dinh Gia Long nên ông này đã ra lệnh xử tử hai ông ấy. Conein lý luận rằng, Minh đã xấu hổ khi định đến dinh Gia Long, trong quân phục đại lễ để nhận quyền lãnh đạo, nhưng chỉ thấy một tòa nhà trống. (Lý do này thường quá!) Một gián điệp CIA khác thì nói: “Họ phải giết ông ta (Diệm). Nếu không những người còn trung thành với ông ấy sẽ từ từ lấy lại tinh thần và củng cố lực lượng thì sẽ có nội chiến.” Mấy tháng sau đảo chính, có bá cáo rằng tướng Minh đã nói trong riêng tư: “Chúng tôi không còn cách nào khác. Họ phải bị giết. Không thể để ông Diệm sống bởi vì ông rất được kính trọng bởi những nông dân đơn sơ, dễ tin ở thôn quê, nhất là những giáo dân Công Giáo và dân tị nạn. Chúng tôi phải giết Nhu vì ông ta rất đáng sợ - và vì ông ta đã thành lập những tổ chức trở thành cánh tay phải cho quyền bính của riêng ông ta.” (71)

Trần Văn Hương, một chính trị gia dân sự, đã bị cầm tù vào năm 1960 vì đã tham gia và ký vào bản “Tuyên ngôn Caravelle” (các chính trị gia đối lập đã họp ở khách sạn Caravelle, Saigon), đả kích ông Diệm. Ông Hương nói: “Các tướng đứng đầu quyết định giết ông Diệm và em ông ta đã sợ muốn chết. Họ rất biết rằng họ không có khả năng, thiếu đức hạnh, không hậu thuẫn chính trị gì cả, nên họ không thể ngăn cản một cuộc trở lại ngoạn mục của tổng thống và ông Nhu, nếu để họ sống.” (72)

NHƯNG CHÍNH XÁC LÀ AI ĐÃ RA LỆNH GIẾT?

Tất cả các tướng, tá người Việt và tất cả những viên chức Mỹ, kể cả tổng thống Kennedy, không ai dám nhận rằng chính mình đã ra lệnh giết chết hai anh em nhà Ngô!

Vậy chúng ta cần cố gắng hết sức để phân tích và chỉ ra (những) kẻ đáng nghi ngờ nhất. Qua toàn bộ bài, được tổng hợp từ bao nhiêu trích dẫn lịch sử này, một điều rõ ràng nhất là tất cả các tướng người Việt đều muốn loại trừ anh em nhà Ngô, nhưng chẳng ai đủ can đảm trực tiếp ra lệnh giết họ. Có thể họ không tha ông Nhu nhưng với ông Diệm, trong thâm tâm họ vẫn còn sự tôn trọng sâu đậm.

Đã có một bài viết do một người lấy bút hiệu là Mạc Vân, có tựa đề: “Những tâm sự lịch sử của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.”

Nguồn: (https://hon-viet.co.uk/ MacVan_ NhungTamSuLichSuCuaDucCoHongY% 20NguyenV..)

Tác giả Mạc Vân tự nhận là một sĩ quan cao cấp trong binh chủng Không Quân của quân lực VNCH, đã đồn trú tại Nha Trang và trở thành bạn thân của đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cháu ruột của ông Diệm, từ năm 1967. Vì ông này không nêu rõ danh tính nên giá trị lịch sử của bài viết đó chỉ có giới hạn.

Một vài điểm quan trọng trong sự thố lộ của ĐHY Thuận có thể tóm tắt như sau:

1.“Ông Cụ (ông Diệm) một mực từ chối không chịu cho quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam.”

2.“Hai tuần sau đó (sau ngày đảo chính) nhân dịp tướng Dương văn Minh ra Huế cùng đem theo đứa con trai độ 10 tuổi và có ghé lại thăm. Ngài kể: Dương văn Minh vừa nói vừa đặt tay lên đầu đứa con: “Thưa Cha con thề trên đầu con cuả con là con không giết Tổng Thống.” (Ông Minh có hai con trai, Dương Minh Đức và Dương Minh Tâm, hiện đang ở Pháp. Một trong hai người này có thể xác nhận sự thật của câu chuyện.)

(3) Vài tháng sau tướng Tôn Thất Đính ra Huế làm tư lệnh Quân Đoàn Một đã có ghé lại thăm Ngài. Ngài mời tướng Đính uống rượu. Tướng Đính uống rượu vừa khóc và nói: “Thưa Cha; con mà giết Tổng Thống thì cũng như con giết cha con. Cho con một sư đoàn là con dẹp sạch bọn chúng nó.”

Tác giả Mạc Vân kết luận: “Buổi nói chuyện với ngài cứ ám ảnh làm tôi bận tâm suy nghỉ. Tại sao Ngài đã đem câu chuyện bí hiểm lịch sữ này mà kể cho tôi nghe. Ngoài tôi ra không biết Ngài có kể thêm cho những kẻ khác nghe không? Bây giờ Ngài đã qua đời câu chuyện lịch sữ này sẻ là một bí ẩn không ai biết nếu tôi không kể ra. Vì bổn phận thiêng liêng tôi muốn phổ biến nó cho những nhà viết sữ sau này có một vài ánh sáng mới trong vụ đảo chánh 63.” (Nguyên văn, kể cả lỗi chính tả).

Một lần nữa, kẻ soạn bài này tin chắc rằng không ai trong hội đồng quân nhân đã ra lệnh giết hai ông Diệm và Nhu. Vì vậy, đề nghị chúng ta tập trung vào các “tay chơi” người Mỹ! Bắt đầu từ tổng thống Kennedy, chúng ta đã đọc đoạn bên trên: “Khi tổng thống Kennedy nghe tin về cái chết của hai ông Diệm và Nhu trong một cuộc họp ở Tòa Bạch Cung, ông đã tỏ ra run rẩy và phải tạm bỏ phòng họp. Sau này, ông viết vào nhật ký, than thở rằng cuộc ám sát “thật ghê tởm” và tự trách mình là đã chấp thuận mật điện 243, cho phép đại sứ Lodge tìm các dịp để đảo chính, kể cả những chữ này: “Chúng ta phải đối diện với một khả thể (khả năng) không thể giữ được (sinh mạng) của Diệm.” Liệu ông ấy còn có thể là người đã ra lệnh giết anh em nhà Ngô? Tôi không nghĩ như vậy.

Người thứ hai là Henry Cabot Lodge (con), đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, “Vì không giúp hai anh em nhà Ngô an toàn rời khỏi VN nên sau khi họ bị giết, ông Lodge đã nói: “Chúng ta sẽ làm gì với họ nếu họ sống? Bất cứ “tên phản động” nào trên thế giới cũng có thể sử dụng họ” (36)

Lodge đã chúc mừng tướng Đôn “hành động như bậc thày.” Hơn nữa, “Khi được thông báo anh em Tổng thống Diệm đã bị giết, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, đã phấn khởi reo lên bằng tiếng Pháp: "C’est formidable! C’est formidable!" (It’s amazing! It’s amazing! - Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!) (61).

Vài năm trước, Lodge đã ra tranh cử cùng liên danh với ông Richard Nixon, trong tư cách phó tổng thống, chống lại liên danh của các ông John F. Kennedy và Johnson. Họ đã bị đánh bại trong đường tơ kẽ tóc. Dù sao, tổng thống Kennedy vẫn mời ông ta hợp tác vào chức vụ đại sứ Mỹ ở Việt Nam, từ 1963 đến 1964. Lodge đã nhanh chóng xác định rằng ông Ngô Đình Diệm, tổng thống của nước Việt Nam Công Hòa, đã ngu dốt và tham nhũng và rằng Nam Việt Nam đang đi đến thảm họa trừ khi ông Diệm phải cải tổ chính phủ hay bị thay thế. (Lodge, Henry Cabot (1979). Interview with Henry Cabot Lodge (Video interview (part 1 of 5)). Open Vault, WGBH Media Library and Archives.)

Là một đảng viên của đảng Cộng Hòa, Lodge đã làm việc cho tổng thống của đảng Dân Chủ, một cựu đối thủ trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 1960, nay ông ta đã được trao toàn quyền sinh sát trong cuộc biến động ở Việt Nam. Nếu Lodge giết ông Diệm, ông ta sẽ làm mất uy tín của chính phủ và cả tổng thống Kennedy. Nhờ vậy, biết đâu, đảng của ông ta sẽ có cơ hội tốt hơn để chiếm lại Tòa Bạch Cung trong lần tranh cử tổng thống vào năm tới (3/11/1964).

Người thứ ba là điệp viên CIA, Lucien Conein, “Lúc 1giờ30 trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, điệp viên CIA Lucien Conein vào bộ Tổng Tham mưu, mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu bạc Việt Nam – khoảng 30 ngàn đô-la - (23) để hỗ trợ cho việc thực hiện đảo chính với lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để bảo vệ Ngô Đình Diệm.” (24).

Máy truyền tin của một điệp viên, nhất định phải tối tân và ông ta có thể điện đàm với bất cứ máy truyền tin quân đội nào của các tướng lãnh. “Khi hay tin ông Diệm và ông Nhu ra khỏi dinh Gia Long, Lucien Conein đã hỏi: "Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt cho kỳ được vì rất quan trọng?" Lucien Conein đã nói với các tướng đảo chính bằng tiếng Pháp: "On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs? (Người ta không thể làm trứng rán mà không đập bể những quả trứng)" (58). Những lời này biểu hiện chủ ý, đúng hơn là ý đồ của sếp anh ta, của Henry Cabot Lodge, là phải diệt trừ hai anh em ông Diệm để tránh hậu hoạn.

Đại sứ Lodge đã được chính phủ Kennedy trao toàn quyền sinh sát, ông ta đã thực sự có quyền lực vô hạn trong cuộc đảo chánh. Nếu có ý dịnh giết người đó, nhất là sau khi ông Diệm đã cho Lodge biết nơi các ông đang đợi các tướng gửi người đến đưa về bộ TTM, ông ta có thể dễ dàng bảo Conein gọi cho tướng Mai Hữu Xuân, khi ông này đang trên đường đến bắt anh em ông Diệm. Và có thể conein đã nói dối tướng Xuân là chính tướng Minh ra lệnh cho ông ấy phải giết hai ông Diệm và Nhu. (Cũng nên nhớ, vì khoảng cách từ bộ TTM đến Chợ Lớn khá xa, chưa chắc máy truyền tin của tướng Minh lúc đó, đã có thể điện đàm với tướng Xuân được. Nhưng máy của Conein thì liên lạc được với tất cả). Điều này đã giải thích tại sao sau khi tướng Xuân về đến bộ TTM thì vào ngay văn phòng của tướng Minh để “chào và bá cáo ‘sứ mệnh đã hoàn tất’.” (54)

++
Về phần tướng Mai Hữu Xuân, sự nhục nhã của ông ấy chắc chắn nhiều hơn gấp bội so với các tướng khác, bởi vì chính ông là người thừa hành, đã ra lệnh giết hai anh em ông Diệm, tại chỗ. Ông đã nghĩ rằng lệnh giết đã đến từ tướng “Minh cồ”, nhưng than ôi! Mối nhục và bí mật này, ông đã giữ kín trong lòng và mang xuống tuyền đài.

Như vậy, kết luận của kẻ soạn bài này: Chính Henry Cabot Lodge (con), đại sứ Mỹ tại Việt Nam và một gián điệp CIA, Lucien Conein, là hai nhân vật đáng bị nghi ngờ nhất trong cuộc ám sát vị Tổng Thống, đã được người dân miền Nam bầu lên theo thể chế dân chủ, là Ngô Đình Diệm và người em của ông là Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng


(Hình: Xác chết của ông Diệm trong xe M.115, tướng Minh và cố Hồng Y Thuận)

--------------------

(1) The Overthrow of Ngo Dinh Diem, May–November, 1963". The Pentagon Papers. 2(Gravel ed.) Beacon Press. 1971. pp. 201–276. Archived from the original on 24 April 2008. Retrieved 13 April 2008.
(2) Prados, John. 5 November 2003. "JFK and the Diem Coup". National Security Archive Electronic Briefing Book 101. Archived from the original on 8 April 2008. Retrieved 13 April 2008.
(3) Joseph A Mendenhall for the United States Department of State - 25 October 1963 -. "Check-List of Possible US Actions in Case of Coup". JFK and the Diem Coup. National Security Archive Electronic Briefing Book 101. Archived from the original on 8 April 2008. Retrieved 13 April 2008.
(4) Richard Reeves. 1993. President Kennedy. Profile of Power. New York: Simon & Schuster.
(5) Nguyễn Trân. 1992. Công và tội, những sự thật lịch sử. California: Nhà xuất bản Xuân Thu. Trg 478.
(6) Chính Đạo. 1997. Tôn giáo & chính trị, Phật giáo, 1963-1967. Houston: Nhà xuất bản Văn Hóa. Trg 256-257.
(7) (Hoành Linh Đỗ Mậu. 1993. Hồi ký chính trị "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi". California: Nhà xuất bản Văn Nghệ; Trần Văn Đôn. 1989. Việt Nam nhân chứng. California: Nhà xuất bản Xuân Thu. Trg 183-184; Vĩnh Phúc. 1998. Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm. Westminter, CA, USA: Nhà xuất bản. Văn Nghệ. Trg 337.
(8) Cao Văn Luận (tái bản 1983). Hồi ký Bên giòng lịch sử, 1940-1965. Nhà xuất bản Sacramento.
(9) Chính Đạo. Ibid. Trg 257.
(10) Henry Kissinger, Ending the Vietnam War. Simon & Schuster. 2003. Page 35.
(11) Kissinger. Ibid. Page 35.
(12) Cao Văn Luận. Ibid.
(13) Memorandum of Conference with the President, ngày 29 tháng 10 năm 1963, 4:20 PM, Source: JFKL: JFKP: National Security File, Meetings & Memoranda series, box 317, folder: Meetings on Vietnam, 10/29/63.
(14) B Diem & D. Chanoff. In the Jaw of History. Indiana University Press. 1999. Page 100.
(15) B Diem and D. Chanoff. Ibid. p 101.
(16) Memorandum. 10/29/63. Ibid,
(17) Michael Maclear. Vietnam: The Ten Thousand Day War. CBC TV. 1980.
(18) Bùi Diem. p 102.
(19) Peter Kross. The Assasination of Ngo Dinh Diem. The HistoryNet.com. 2004.
(20) Michael Maclear. Ibid.
(21) Peter Kross. Ibid.
(22) Nguyễn Hữu Duệ. Chương: Tướng Nguyễn Văn Quan và Biến Cố. 2003
(23) Trần Văn Đôn. P 211.
(24) Ngo Dinh Diem Biography. Spartacus.schoolnet.co.uk.
(25) Hoàng Linh Đỗ Mậu. Ibid.
(26) http://antg.cand.com.vn/Tu- lieu-antg/Giai-ma-cai-chet- cua-Le-Quang-Tung-va-Ho-Tan- Quyen-trong-vu-dao-chinh-Ngo- Dinh-Diem-ky-2-433214/.
(27) Nguyễn Hữu Duệ. 2003. Hồi ký "Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm". San Diego, California.
(28) Lê Tử Hùng (1970). Nhật ký Đỗ Thọ. Nnb. Hòa Bình. p 267.
(29) Hammer, Ellen J. (1987). A Death in November: America in Vietnam, 1963. New York: E. P. Page 297. Dutton.
(30) Jones, Howard (2003). Death of a Generation: How the assassinations of Diem and JFK prolonged the Vietnam War. New York: Oxford University Press. PP 416-417.
(31) Hammer. pp. 294-295.
(32) Winters, Francis X. (1997). The Year of the Hare: America in Vietnam, January 25, 1963 – February 15, 1964. Athens, Georgia: University of Georgia Press.
(33) Moyar, Mark (2006). Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965. New York: Cambridge University Press.
(34) Winter. p.104
(35) Moyar. p 271.
(36) Moyar. p 272
(37) Winter. p 104.
(38) Moyar. p 272.
(39) Jones. pp 416-417.
(40) Jones. pp 416-417.
(41) Hammer. p 292.
(42) Karnow, Stanley. 1997. Vietnam: A History. New York: Penguin Books. p 323.
(43) Hammer. p 293.
(44) Jacobs, Seth. 2006. Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America's War in Vietnam, 1950–1963. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. p 418.
(45) Karnow. p 323.
(46) Hammer. p 292.
(47) Jones. p 429.
(48) Hammer. pp 297-298.
(49) Jones. p 429.
(50) Jones. p 429.
(51) Karnow. p 32.
(52) Tôn thất Đính, 1998. 20 năm binh nghiệp. Nhà xuất bản. Tuần báo Chánh đạo. pp 454-455.
(53) Cao Thế Dung và Lương Khải Minh. Chương Định mệnh đã an bài.)
(54) Jones. p 429.
(55) Jones. p 425.
(56) Jones. p 425 and Moyar. p 276.
(57) Jones. pp 430-431.
(58) Trần Văn Đôn. p 228.
(59) Jones. p 436.
(60) Winter. p 107.
(61) Trần văn Đôn. pp 277-278.
(62) Jones p 436.
(63) Jones. Ibid.
(64) Jones. p 435.
(65) Carl Colby (director) (September 2011). The Man Nobody Knew: In Search of My Father, CIA Spymaster William Colby - Motion picture -. New York City: Act 4 Entertainment. Retrieved 25 August 2016.
(66) Jones. p 436.
(67) Jones. Ibid.
(68) Hammer. p 299.
(69) Jones. p 435.
(70) Hammer. p 296.
(71) Jones. Ibid.
(72) Jones. pp 435-436
__._,_.___

Posted by: Mike Duong

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List