QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Sunday, April 15, 2018

Hệ thống “Siêu kiểm duyệt” và bản dịch “The Spy Who Loved Us.”

 
Hệ thống “Siêu kiểm duyệt” và bản dịch “The Spy Who Loved Us.”

Nguyễn Mạnh Trinh

 
Có rất nhiều tác phẩm viết về cuộc đời điệp báo của Phạm Xuân Ẩn. Như “Phạm Xuân Ẩn: Tên Người Như Cuộc Ðời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Như loạt bài tiểu sử và cuộc đời Phạm Xuân Ẩn đăng 53 kỳ trên báo Thanh Niên. Như “Người Im Lặng” của Chu Lai, cây bút của Tổng Cục II tình báo – Việt ngữ. Như “Un Vietnamien Bien Tranquille” của Claude Pomonti, phóng viên báo Le Monde – Pháp ngữ. Như “The Perfect Spy” của Larry Berman. Như “The Spy Who Loved Us” của Thomas Bass. Anh ngữ.
Chủ trương của chế độ Cộng sản là muốn qua cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn để đánh bóng một con người yêu nước và nhân đó biểu dương tính lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản. Sự thực đã được cắt xén, với những sự kiện giả để phục vụ cho chủ trương ấy. Sách Việt ngữ và các tác giả bị xiềng xích trong suy nghĩ và hướng dẫn trong phong cách viết nên chỉ là những văn nô thi hành công việc chữ nghĩa của mình nên không có điều gì đặc biệt. Nếu so sánh một cách tệ hại thì cuộc đời ấy chẳng khác gì tiểu sử của anh hùng Lê Văn Tám, không có thực ở trên cuộc sống này nhưng lại được “vẽ vời” y như thực.
Còn với các tác giả ngoại quốc, thì dư âm của phong trào phản chiến khiến con người Phạm Xuân Ẩn được nhìn ngắm với nhiều nét khá lý tưởng. Larry Berman thì nhìn Ẩn như một người phân đôi giữa lòng trung thành và cá tính của một người làm tình báo tứ trùng: Phòng Nhì Pháp, CIA Mỹ, CIO Việt Nam Cộng Hòa và gián điệp của Cộng Sản Bắc Việt. Larry Berman hình như chỉ cố tình viết một cuốn tiểu sử đi gần với chủ trương của Cộng sản Bắc Việt nên ít phô bầy được những điểm gút mắc cũng như nhạy cảm với chế độ đang cầm quyền. Do đó, sách Anh ngữ được phổ biến và một năm sau khi phát hành được dịch sang Việt ngữ.
Nhưng đến Thomas Bass và “The Spy Who Loved Us” thì khác hơn. Mặc dù ông là một nhà khoa bảng phản chiến, cha là một dân cử liên bang đã chủ trương chống chiến tranh Việt Nam, nhưng qua những lần được trò chuyện và tiếp xúc đã nêu ra nhiều điểm đi ngược lại chủ trương đánh bóng Phạm Ngọc Ẩn qua sự tìm kiếm sự thật từ những câu hỏi nhiều nhạy cảm cũng như những ý nghĩ khá tiêu cực về chế độ Việt Nam hiện hữu. Do đó, sau nhiều năm, bản dịch tác phẩm này bằng Việt ngữ “Ðiệp viên Z21, Kẻ Thù Tuyệt Vời của nước Mỹ” dịch giả Ðỗ Tuấn Kiệt mới được xuất bản. Và sự hoàn tất bản dịch này là một chuỗi nỗ lực của tác giả Thomas Bass để tranh đấu với hệ thống siêu kiểm duyệt trong nước. Không bao giờ ở Việt Nam hiện nay các bản dịch chuyên chở được đúng đắn tinh thần của nguyên tác. Sẽ có “biên tập” nghĩa là cắt xén, sửa ý, thêm lời. Bản dịch có khi là một khoảng dài khác biệt so với nguyên bản. Nhiều tác giả danh tiếng muốn có bản dịch Việt ngữ cho tác phẩm của mình đã phải chịu nhượng bộ để “biên tập” lại theo đúng chủ trương chỉ đạo văn học của chế độ như Milan Kundura, một nhà văn phản kháng chống lại chế độ độc tài toàn trị theo lời kể của Thomas Bass.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, chủ trương blog “Pro& Contra”, đã viết: “Cuốn Sách về một điệp viên không hoàn hảo” với ý nghĩ: “Khi nghe Thomas Bass, một tác giả và giáo sư văn chương ở New York, kể rằng cuốn sách của ông về Phạm Xuân Ẩn đang được dịch để xuất bản tại Việt Nam, thú thật tôi đã không chú ý lắm. Lại một cuốn nữa ư? Trong khoảng mười năm gần đây, sách báo, tài liệu, phim ảnh về nhà tình báo tài ba của Việt Nam, một “điệp viên hoàn hảo” như nhan đề một cuốn sách cũng của một giáo sư Mỹ, liên tục ra đời và chỉ khác nhau ở chỗ ngày càng rầm rộ hơn, hoành tráng hơn và thậm chí cũng giật gân hơn, có lẽ để làm ông còn hoàn hảo hơn. Song ở đất nước lạm phát cả kẻ thù lẫn anh hùng này, cách chắc chắn nhất để triệt hạ sức hấp dẫn của một nhân vật là bắc loa phóng thanh ca ngợi người đó từ sáng đến tối. Nếu cứ tiếp tục như thế, một lúc nào đó tác phẩm duy nhất còn thiếu về Phạm Xuân Ẩn sẽ là cuốn Giết một anh hùng như thế nào.”
Phạm Thị Hoài là người chịu nhiều rắc rối với hệ thống siêu kiểm duyệt trong nước nên đã viết một cách thật rõ ràng như một chứng nhân về những hiện tượng mà càng ngày càng xảy ra tái diễn một cách “tự nhiên” như một đặc tính cố hữu mà mọi người sống ở trong nước phải hiểu rõ.
“Khi được nghe kể là cuốn sách của Thomas Bass gặp rắc rối với kiểm duyệt, tôi thầm nghĩ một học giả phương Tây định in sách ở Việt Nam, dù chỉ viết, chẳng hạn, về trang phục trên đầu người Việt, khăn lá, mũ, nón cũng phải chuẩn bị tinh thần chơi mèo vờn chuột với kiểm duyệt. Chuyện đó ông phải hiểu. Mà trái khoáy nhất là trí thức phương Tây càng thiên tả, thậm chí thân Cộng hay Cộng sản nòi, càng bị xét nét. Chắc ông cũng biết chuyện những trí thức Pháp và Ðức từng đi theo Việt Minh đều lần lượt nếm mùi nghi kỵ của Việt Minh, đến tờ tạp chí văn hóa của Ðảng Cộng Sản Pháp Les Lettres Francaise một thời còn bị ngờ là “thế lực phản động” có lẽ lỗi của nó là hay hơn mức các cán bộ văn hóa Việt Nam cho phép. Tôi rất hay tự hỏi, điều gì sẽ còn lại dai dẳng nhất, sau khi tất cả những giáo điều cộng sản, những u mê, ấu trĩ và cuồng tín, những thói quen, nếp hằn và thông lệ khủng khiếp của chế độ ấy qua đi. Có lẽ là sự nghi kỵ, ngờ vực đó. Chúng ta chỉ còn cách kiên nhẫn. Tôi rộng rãi cho nó một lịch trình ít nhất là một nửa thế kỷ”
Không biết những tên trí thức “đón gió phất cờ” ở hải ngoại như Ðặng Tiến, như Nguyễn Ngọc Giao… mỗi khi ca tụng hệ thống kiểm duyệt trong nước như đã khen việc “biên tập” cuốn sách của Nguyễn Ðức Tùng, có thấysự hèn hạ của mình khi đọc những lời viết của Phạm Thị Hoài không? Hay là đợi thêm nửa thế kỷ nữa mới biết hối hận và xin lỗi.
Phạm Thị Hoài viết: “Thomas Bass nhìn thấy cái kéo kiểm duyệt là ông đã rên rỉ. Tiếng la của ông khiến tôi tò mò và bắt đầu đọc. The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game quả nhiên là một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn. Với thiện cảm dành cho cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt và sự ngưỡng mộ không che dấu cho nhà tình báo vĩ đại (đây chỉ là ý kiến riêng của P T Hoài). Thomas Bass quan tâm đến con người Phạm Xuân Ẩn đằng sau anh hùng Phạm Xuân Ẩn, đến những bí ẩn của một nhân cách đa diện đằng sau những bí mật của một cuộc đời hai mặt, đến những xung đột nghiêm trọng đằng sau trò chơi hai mang, đến những hoàn cảnh và số phận người Việt đằng sau các bản tin thời sự, đến những câu hỏi ám ảnh thời hậu chiến ngay đằng sau những sự kiện còn nóng hổi của Chiến Tranh Việt Nam, đến điều chưa và không thể nói ra đằng sau những phát ngôn chính thức. Ðến sự thật khó khăn đằng sau những lớp hỏa mù dầy dặc. Ông vẽ chân dung của một điệp viên không hoàn hảo trong một thời đại đầy lỗi lầm. Ðôi khi tôi có cảm giác, tác giả không mong gì hơn là Phạm Xuân Ẩn chỉ là một nhân vật tiểu thuyết và Chiến tranh Việt Nam chỉ là một hư cấu. Nhưng cả hai đều thuộc chắc nịch vào hiện thực, một hiện thực kéo dài mà đến lượt mình, tác giả của cuốn sách cũng bị cuốn vào…”
Sau khi bản dịch được in ở Việt Nam, Thomas Bass đã có một thái độ bất bình vì hệ thống kiểm duyệt ở trong nước. Bản dịch đã không phản ánh được nguyên tác và một đôi khi đã phản nghĩa lại những điều mà bản Anh ngữ muốn diễn tả. Thomas Bass viết: “Ðó là những ngày đen tối ở Việt Nam khi tòa án sẵn sàng kết những án tù nhiều năm cho nhà văn, nhà báo, blogger và bất cứ ai dám chỉ trích giới lãnh đạo. Ðã qua lâu rồi sự thăng hoa ngắn ngủi của văn chương Việt Nam sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, đó là thời kỳ dược biết đến với cái tên đổi mới. Sau hai mươi năm, bằng bút đỏ và nhà tù, các nhà kiểm duyệt đã dọn sạch một thế hệ cầm bút Việt Nam đẩy tất cả thành, hoặc câm lặng hoặc lưu vong.
Bản thân tôi cũng phải trải qua năm năm vật lộn với các nhà kiểm duyệt của Việt Nam. Họ cần mẫn cắt bỏ, viết lại rồi ngăn chặn không cho xuất bản một bản dịch tiếng Việt một cuốn sách của tôi. Ðó là cuốn The Spy Who Loved Us (2009).
Dựa theo một bài viết trên tạp chí New York Times năm 2005 tôi viết cuốn đó để kể về Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo miền Nam Việt Nam, người có một sự nghiệp tình báo hết sức hiệu quả và lâu dài cho những người Cộng sản Bắc Việt, suốt từ thập niên 1940 cho tới lúc ông qua đời năm 2006- sự nghiệp đó đã làm ông Ẩn trở thành một trong những điệp viên lớn nhất trong thế kỷ XX. Ðược đào tạo nghề phóng viên tại Hoa Kỳ, ông Ẩn bắt đầu hoạt động điệp báo dưới cái vỏ nhà báo. Ông làm phóng viên cho tạp chí Times suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam và có một giai đoạn ngắn đảm nhiệm chức vụ trưởng văn phòng của Times tại Sài Gòn. Với nhiệm vụ lập bản đồ chiến trường, nắm vững các di chuyển của quân đội và đánh giá phân tích các thông tin chính trị, quân sự, nhà báo Ẩn đã tiết lộ các thông tin vô giá cho phía Quân đội Bắc Việt…”
Nhận diện con người và cuộc đời Phạm Xuân Ẩn đã có nhiều cuốn sách mà theo Thomas Bass thì có tới 6 cuốn mà trong đó ông đề cập tới cuốn The Perfect Spy của Larry Berman cuất bản năm 2007. Cuốn sách phác họa một con người yêu nước, một chuyên gia phân tích chiến lược giàu kinh nghiệm do đó đã quan sát cuộc chiến Việt Nam với con mắt bao trùm rất rộng và từ những khía cạnh tỉ mỉ nhưng xác thực. Những nhận xét của Larry Berman về cuộc đời tình báo đã chấm dứt từ khi Phạm Xuân Ẩn về hưu. Sau cuộc chiến, những người Cộng sản đánh bóng ông Ẩn, phong cấp Tướng và danh hiệu Anh Hùng quân đội và đương nhiên trở thành một đề tài cho giới viết tiểu sử khai thác.
Theo Thomas Bass, phác họa con người và cuộc đời Phạm Xuân Ẩn trong The Spy Who Loved Us có phức tạp hơn và cũng gây ra nhiều phiền toái cho ông. Ông viết:
“Tôi đã kết luận rằng ông nhà báo có khiếu nói tuyệt đỉnh này đã tạo ra một vỏ bọc thứ hai cho hoạt động tình báo của ông ấy. Tự cho mình là một người bạn của phương tây, một người trung thực chưa bao giờ nói dối một câu (dù cả cuộc đời của ông Ẩn phải sống bằng thủ đoạn) mà ông ta lại làm việc cho cơ quan tình báo quân sự không những chỉ trong thời gian chiến tranh mà còn kéo dài thêm 30 năm sau chiến tranh. Nhưng giới lãnh đạo đầy quyền lực ở Bắc Việt Hà Nội không tin tưởng về cá nhân ông Ẩn, một người miền Nam có bộ óc trứ tuyệt, đã từng có những lời chỉ trích tham nhũng và chê bai sự bất lực vô tài của chính quyền Cộng sản Việt Nam. Con đường thăng tiến trong quân đội Cộng sản của Ẩn bị chậm chạp đầy tị hiềm và phải sống nhiều năm trong sự theo dõi và giám sát của công an. Có thể lúc ban đầu, chính quyền Việt Nam cũng muốn có nhiều người Mỹ viết về “người điệp viên hoàn hảo” của họ. Mà cuốn sách của tôi là cuốn thứ hai nhưng gây ra sự thất vọng cho ý tưởng đánh bóng ông Ẩn lúc đầu tiên. Nhưng đọc sách của tôi, họ thấy có quá nhiều điều bất lợi nên đâm hoảng và chỉ thị cho các nhà kiểm duyệt phải cắt thêm nữa, chặt thêm nữa, và viết lại cho đúng yêu cầu của họ trước khi xuất bản bản dịch…”
Có nhiều nhà xuất bản muốn in bản dịch sách của tôi như nhà xuất bản Công An Nhân Dân của Bộ Công An và nhà xuất bản của Bộ Văn Hóa, hay sở Thể Thao và Du Lịch, nhưng tôi(Thomas Bass) từ chối. Sau cùng, năm 2009, Thomas Bass ký hợp đồng in bản dịch The Spy Who Loved Us vói nhà xuất bản Nhã Nam một nhà xuất bản dám in nhiều cuốn sách nhậy cảm và đôi khi một số sách của Nhã Nam bị thu hồi hay tiêu hủy.
Người dịch giả đầu tiên là ông Nguyễn Việt Long của công ty Nhã Nam phụ trách công việc biên tập. Thomas Bass trong bài “Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam” viết:
“Và ông Long bắt đầu bằng việc hỏi tôi có biết không những cái dấu chính xác trong tên của người ông của Phạm Xuân Ẩn không. Những dấu đó trong tiếng Anh không có nhưng quan trọng trong tiếng Việt. Tôi cảm kích về sự chú ý tới từng chi tiết như thế của ông Long. Nhưng đáng tiếc phần còn lại của e-mail lại có giọng văn dạy bảo nặng hơn.. “Ông đã phạm một số sai lầm”, ông Long viết như thế trước khi đưa ra chỉnh sửa cho một loạt vấn đề. Nhưng rất nhiều những lỗi đó lại không thực sự là lỗi mà chỉ thuộc vấn đề diễn giải, nhận xét hoặc là các vấn đề còn đang tranh cãi về tư liệu lịch sử, Những cái đó đại loại cũng tương tự như một cuộc “bình luận bóng chày chuyên sâu” với những chi tiết nhỏ nhặt rối mù nhưng rất tốt để làm các học giả phải quay cuồng quanh các chi tiết mà quên đi vấn đề chính.”
Sau đó ông Long lại gửi e-mail xác tín “sẽ chắc chắn có kiểm duyệt, cuốn sách nhạy cảm Nhưng xin đừng lo. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với tác giả và sẽ cố hết sức để bảo vệ nhiều nhất có thể cho sự toàn vẹn của cuốn sách”, ông Long lúc đó đang cố tâm để cuốn sách được ra đời vào dịp 30 tháng Tư, ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, thời điểm thuận lợi cho cuốn sách. Nhưng sau khi đại diện của tôi nhắc ông Long phải tuân thủ hợp đồng để cho tôi xem bản dịch trước khi ấn hành thì ông Long lỡ hẹn, và rồi cứ lỡ hẹn nhiều lần việc trao bản dịch cho tôi xem, mãi đến sáu tháng sau tôi mới nhận được một bản dịch nháp. Ðiều đầu tiên tôi thấy lạ là có nhiều chú thích ở những chỗ mà bản gốc không có. Tôi đã tập họp được một số bạn bè để giúp tôi sửa lại bản dịch, đó là những người làm nghiên cứu, dịch thuật và cả một cựu nhân viên CIA, một cựu nhân viên ngoại giao có vợ người Việt. Sau khi xem họ đã cho tôi những tin tức không được khả quan lắm. Nhiều chú thích được bắt đầu bằng câu “tác giả đã lầm” và tiếp đó là những diễn giải, chỉnh sửa các “sai lầm” của tôi.
Ðúng là tôi đã hiểu lầm chức năng của các biên tập viên Việt Nam. Thậm chí trước khi phải gặp những nhà kiểm duyệt đích thực – những tay kiểm soát việc cấp giấy phép xuất bản ở Việt Nam – cuốn sách của tôi đã phải để cho người trong nhà xoa nắn trước rồi.. Ông Long là người ra tay đầu tiên, ông cắt xén càng nhiều hiệu suất thì càng được giới chức nhà nước hoan nghênh. Dĩ nhiên khi cần, chính giới chức nhà nước sẽ tự ra tay cắt bỏ thêm”.
Thomas Bass yêu cầu ông Long bỏ đi những “chú thích” ấy đi. Nhưng ông ta bị kẹt giữa hai tình thế, một sức ép của những giới chức kiểm duyệt đầy yêu sách và một sự cương quyết của tác giả. Thomas Bass và ông Long đã tranh luận về những vấn đề khá tinh tế của lịch sử và địa lý Việt Nam. Mà vấn đề đầu tiên là đối tượng chú thích về Rừng Sát- khu rừng của những sát thủ. Trong nguyên bản là Rừng Sát, khu rừng của những sát thủ là vùng hoạt động của các nhóm đạo tặc như Bình Xuyên của Bảy Viễn và sau này là sào huyệt của du kích Cộng sản. Với vị trí ở gần Sài Gòn, và là một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam nên Thomas Bass đã thu thập khá nhiều tư liệu về lịch sử và quân sự để xác định vị trí của nó. Nhưng, những người biên tập đã phê trong bản dịch là tác giả The Spy Who Loved Us đã “lầm “và họ diễn giải là phải dùng chữ “Rừng Sác” mới dúng. Thomas Bass đã cho rằng như vậy đã biến “Khu rừng của những sát thủ (swamp of the assassins)” thành “Khu rừng của những bụi cây ở ven biển (Forest of seacoast shrubs)”. Forest là rừng nhưng swamp là rừng đầm lầy đúng nghĩa hơn.. Biên tập thì trả lời chính quyền mới đã đặt tên địa lý là Rừng Sác thì phải xử dụng danh từ này mới đúng. Thực ra, cách phát âm của người miền Nam thường hay lận lộn giữa “Sát” và “sác”. Nhưng, qua ý định của người biên tập thì không muốn đánh đồng giữa quân Bình Xuyên và các du kích Cộng sản qua địa danh Rừng Sát. Ðó là một điểm nhạy cảm khiến kiểm duyệt càng xét nét gắt gao hơn.
Thomas Bass còn kể lại cuộc tranh luận về nhan đề sách. Theo ông dịch The Spy Who Loved Us thành “Ðiệp Viên Yêu Nước Mỹ” hay “Kẻ Thù Tuyệt Vời Nhất của Mỹ” nhưng bị bác bỏ. Biên tập thì diễn giải “Kẻ thù tuyệt vời nhất của Mỹ” tốt đấy nhưng hơi nhạy cảm. Tại sao lại là kẻ thù tuyệt với nhất? Phải chăng muốn ám chỉ Phạm Xuân Ẩn không trung thành hoàn toàn với sự nghiệp cách mạng sao? Và rồi cả nhan đề “Ðiệp viên yêu nước Mỹ” cũng bị kiểm duyệt gạch bỏ.
Qua bản dịch nháp, Thomas Bass nhờ những thân hữu thông thạo Việt ngữ đọc và thẩm tra các đoạn, các câu chữ bị xóa bỏ cắt xén so với bản gốc. Và kết quả là một danh sách rất dài những chi tiết này. Thomas Bass gửi danh sách cho ông biên tập viên này và được hồi âm: “Tôi đảm bảo với ông là người dịch không bỏ sót một câu một đoạn nào cả. Ông ấy chỉ lưu ý những câu nhạy cảm thôi”.
Sau một thời gian chờ đợi qua hết những thời điểm nhạy cảm như Ðại Hội Ðảng hoặc các diễn biến chính trị, cuốn sách vẫn chưa ngã ngũ xong vấn đề Kiểm duyệt. Theo ông Long kể với tác giả Thomas Bass, thì về mặt chinh thức thì chỉ các nhà xuất bản thuộc nhà nước mới được làm sách in. Vì vậy một công ty sở hữu tư nhân như Nhã Nam buộc phải tham gia vào họat động gọi là liên kết xuất bản để làm sách dưới sự bảo trợ của một nhà xuất bản nhà nước. Về mặt luật pháp Việt Nam không có kiểm duyệt nhưng các giám đốc, các tổng biện tập các nhà xuất bản đôi khi được yêu cầu phải loại những chỗ nhạy cảm hoặc thậm chí họ rụt rè đến mức không dám xuất bản như cuốn sách này. Hành động ấy chúng tôi gọi là tự kiểm duyệt và đây chính là nút thắt rắc rối của ngành xuất bản tại Việt Nam.
Người biên tập thứ hai cuốn sách là cô Nguyễn Thị Thu Yến. Sau mấy tháng làm việc đã có một bản dịch thứ hai. Những đoạn phê phán Trung Quốc bị chặt bỏ, Những vấn đề nhạy cảm như trại cải tạo, hối lộ, tham nhũng, sai lầm của Ðảng Cộng sản và nhiều chi tiết cá nhân về Phạm Xuân Ẩn bị “gọt sạch sẽ”. Thế mà, bản dịch này cũng bị loại bỏ để có một bản dịch khác “sạch sẽ” hơn để thành bản được cho phép xuất bản.
Thế nhưng chưa xong. Ðó là thể lệ của giai đoạn “tiền xuất bản” mà thôi và chưa là chung kết. Kiểm duyệt không ngưng ở đó. Lại có một bản dịch khác với 333 chỗ bị cắt, Có những đoạn, những câu thậm chí cả nguyên một trang bị biến mất. Từ nhan đề sách đến lời tri ân cuối sách của tác giả. Nhiều sự kiện và nhân vật bị xổ toạt gạt bỏ. Những tên như Võ Nguyên Giáp, Bùi Tín bị bôi xóa mất tích. Những đoạn tả Phạm Xuân Ẩn và các công việc liên quan với Ðảng, quân đội, công an, Trung Quốc cũng không thấy hiện diện. Có những câu Phạm Xuân Ẩn bông đùa, trào phúng cũng bị cấm chỉ. Tóm lại, là nguyên bản của một câu chuyện khác một nhân vật khác nhiều khi là mặt phản diện của Phạm Xuân Ẩn. Thomas Bass đã dẫn một câu nói của một cựu giáo sư văn chương và là cố vấn về Việt ngữ: “Ông không thể viết sự thật ở Việt Nam được đâu. Ðất nước tôi đã mất cho sự dối trá rồi. Chủ điểm trong sách của ông là về một con người nhưng giờ đây đã bị loại hết tất cả các chi tiết đã làm cho nó trở thành một câu chuyện đặc biẹt và hấp dẫn. Ngay cả ngôn từ trong bài dịch này cũng không đẹp, Nhiều từ vay mượn của Trung Hoa.. Những từ ngữ khác thì lại là những chữ mà người Pháp gọi là “langue de bois- lưỡi gỗ”, thứ sáo ngữ của chính trị loài vẹt. Họ đã dùng những từ ngữ như thế là vì người Cộng sản cho rằng họ là người bề trên. Họ muốn kiểm soát tất cả kể cả các suy nghĩ của ông”.
Có quá nhiều thứ trong sách làm cho các nhà kiểm duyệt không thích nên họ phải cắt và cắt cắt cắt liên tục. Tôi nhức đầu khi xem và so sánh các bãn dịch này. Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” nước Mỹ hay yêu cái thời gian ông ta học ở California. Ông ta chỉ được phép “hiểu” nước Mỹ thôi. Câu nói dí dỏm mà tinh tế của ông Ẩn rằng ông ấy chưa bao giờ muốn trở thành điệp viên và xem nghề đó là “công việc của lũ chó săn” cũng bị cắt. Câu ông Ẩn nói ông đã sinh vào thời điểm lịch sử bi thảm của Việt Nam với một khí quyển toàn mùi tráo trở cũng bị cắt. Tuần lễ Vàng do Hồ Chí Minh tổ chức năm 1946 để có đủ của hối lộ cho quân đội Trung Hoa rút khỏi Bắc Việt, cũng bị xóa luôn.”
Thomas Bass còn kể nhiều về thời kỳ phải đấu chiến với kiểm duyệt trong nước để cuốn sách ra đời. Có lúc ông đã nghĩ rằng những biên tập viên của hệ thống xuất bản đã “giết” cuốn sách của ông. Ở Việt Nam không có kiểm duyệt nhưng thay vào đó là siêu kiểm duyệt của những tâm ý hãnh tiến, độc tài và tầm nhìn không xa. Kiểm duyệt chặt chẽ như thế thì làm sao có thể mong có được những sáng tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Tất cả lịch sử bị xoay ngược bẻ quanh để phục vụ cho những ý tưởng ngạo mạn nhưng ngu dốt của một chế độ độc đoán nhưng bất lực
Nguyễn Mạnh Trinh

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List