--
Kính
Chuyển
MG
VINH
DỰ CUỐI CỦA ÐỜI BINH NGHIỆP
Thương
Nhớ Lại Sáu Năm Phục Vụ Tỉnh/Tiểu KhuBình Thuận,
Trong
Nhiệm Vụ VN Hóa Chiến Tranh
Ngô
Tấn Nghĩa
Chiến tranh chấm dứt đã 38 năm qua nhưng đôi khi vẫn hình dung như thời gian còn đang tiếp diễn. Nhiều lúc không tưởng mình nay đã 91 tuổi đời và đi được 91 đoạn đường của một thế kỷ, trong đó có 30 năm trực diện chiến đấu với kẻ thù Cộng sản. Trải qua không biết bao nhiêu chiến trận cam go, khắp các vùng chiến thuật. Riêng tại Bình Thuận đã có những kỷ niệm không quên, sự sống còn phải chăng nhờ số mệnh. Ðứng trên đống rơm khi hành quân ở Thiện Giáo có gài mìn nhưng không nổ, mìn chỉ nổ khi chiếc xe bò leo lên sau đó khoảng 15 phút. Máy bay trực thăng đứt ống dầu ngày thứ sáu 13, nhưng trực thăng chỉ rớt xuống vũng sinh tại Sông Mao không hề hấn. Ba lần B40 trực diện vẫn bắn ra ngoài, từ La Gàn (Tuy Phong), tới giữa mật khu Lê Hồng Phong và tại Lô Cốt đồn Tùy Hòa.
Những hàng trên đây nêu lên để tri ân Thượng Ðế đã ban cho tôi những phép lạ mầu nhiệm , vượt mọi nguy nan để có được ngày hôm nay : “Ngày Mãn Nguyện Cuộc Ðời Binh Nghiệp”.
-Trước Ngày Ði Bình Thuận :
Sau khi đảo chánh Tổng Thống Diệm (1-11-1963), tôi về Sai Gòn phục vụ ngành Tinh Báo được 6 tháng, thi Ðại tướng Ðổ Cao Trí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn và Quân khu II, ông bắt tôi đi theo vì biết tôi có nhiều kinh nghiệm với vùng này vì từ năm 1955 đã từng có mặt tại dây để tiếp thu lãnh thổ khi Cộng sản tập kết ra Bắc. Tới cao nguyên lần này, cũng là giai đoạn Mỹ đang đổ nhiều đơn vị , nên tôi đã có dịp tham dự nhiều chiến trường hành quân, kể cả hướng dẫn oanh kích B52.
Vì vậy những chiến trường tên tuổi thời đó như Mật khu Ðổ Xá, Iadrang, Pleime, Dakto, Daksut.. qua tận biên giới Lào-Miên, tôi đều có mặt. Sau Tết Mậu Thân 1968 tại Pleiku, tôi được theo học khóa tình báo cao cấp tại Hoa Kỳ. Ðây là giai đoạn phong trào phản chiến đang bùng phát dữ dội trên khắp nước Mỹ. Vì vậy dân chúng và quốc hội đã bị đầu độc quá nặng nề, qua các cuộc biểu tình đòi Mỹ phải rút quân về nước, để tránh thương vong lên quá cao.
Trước ngày tôi mãn khóa học, Tổng thống Nixon đắc cử với số phiếu bầu gấp hai ứng cử đảng Dân chủ thuộc phe phản chiến. Ðiều này cho thấy đa số dân chúng Mỹ vẫn còn ủng hộ chiến tranh VN và tin tưởng Tổng thống Nixon sẽ giải quyết được cuộc chiến. Về nước, tôi vẫn tiếp tục phục vụ tại Vùng II và có sự mật thiết hơn với các cố vấn chuyên môn.
Tháng 6-1969, sau 6 tháng chính thức trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, qua các sử liệu được giải mật, cho thấy Nixon có quyết tâm “Trừng Phạt Bắc Việt” bằng một chiến thuật táo bạo (savage, punishing) chỉ trong vòng bốn ngày như hủy diệt các đô thị lớn, đặt thủy lôi tại các hải cảng, phá vở các đê điền, thủy lộ, kể cả việc đổ bộ lên đất Bắc và sử sụng Bom Nguyên Tử.. qua cuộc hành quân mang tên Duck Hook J (1). Nixon muốn nhắn mạnh cho Cộng sản Hà Nội biết là mình bất cứ lúc nào, cũng có thể biến Bắc Việt thành tro bụi, chứ không bao giờ để mang tiếng là kẻ bại trận. Tiếc thay lúc đó, lời nhắn nhủ của Nixon đối với Cộng sản VN, có gì đàn gãy tai trâu, vì bọn đầu sỏ tại Bắc Bộ Phủ, đã bị phản chiến Mỹ “Trói Tay” không cho đầu hàng (2).
Nixon cũng đã viết một “tối hậu thư” gửi Hồ Chí Minh, nhờ Jean Sainteny đang làm Cao Uỷ Pháp tại Bắc Việt, cũng là bạn thân của Hồ nhờ chuyển dùm. Thật ra Hồ đã bị phe Lê Duẩn tước đoạt quyền hành từ lâu, chỉ còn làm bù nhìn và đã chết ngày 2-9-1969 (3).
Cuối cùng với quyết định giải quyết chiến tranh bằng sức mạnh trước khi rút quân, tạo nền hòa bình trong danh dự, nên Tổng thống Nixon đã mời Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, tới hội nghị tại thủ phủ Honolulu thuộc Tiểu bang Hawaii, để cùng thiết kế cho giai đoạn VN hoá chiến tranh. Tiếc thay kế hoạch trên đã bị thất bại vì phong trào phản chiến và vụ Watergate, làm cho Tổng thống Nixon bi bó tay rồi từ chức, kéo theo sự tháo chạy nhục nhã của Mỹ và sự sụp đổ VNCH vào ngày 30-4-1975.
Trên đường về nước, Tổng thống Thiệu có ghé thăm và hội kiến với Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc là Tưởng Giới Thach, bày tỏ sự lật lọng của Mỹ khi thông báo sẽ rút khỏi VN. Tổng thống Thiệu nói “ chúng tôi đâu có làm gì được họ, vì khi các TT Eisenhower, J Kennedy, Johnson đưa quân vào VN đâu có cam kết gì với TT Diệm, nay thì Nixon rút quân, nên tôi đâu có thể làm gì hơn ?”.
Nhân cuộc hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-VNCH tại Honolulu, Tổng thống Nixon cũng tuyên bố về Chủ Thuyết của mình, được gọi là Guam hay Nixon. Ðó là một chủ thuyết mới, khác với chủ thuyết Truman trước kia “Nước Mỹ hoàn toàn trách nhiệm những gì cần thiết cho thế giới tự do, chống lại chủ nghĩa Cộng sản (American determination to bear any burden in the worldwide fight against communism). Chủ thuyết này cũng đã được các vị TT Eisenhower, J Kennedy va Johnson tiếp tục . Nay thi Nixon chỉ giúp phương tiện nhưng không giúp người (Means but not men ), ngoại trừ trường hợp xâm lăng quan trọng cần tới SEATO. TT Nixon đã tỏ lòng biết ơn TT Thiệu khi ông sử dung danh từ “TÁI PHỐI TRÍ” để gỡ thể diện cho Mỹ, khi toan tính rút quân , cũng đồng nghĩa là “Tháo Chạy” khỏi chiến trường.
Khi trở vế nước, để thích ứng với hoàn cảnh, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh thiết kế lại “Chiến thuật” từ Bộ Tổng Tham Mưu tới các Vùng Chiến Thuật . Tháng 10-1969, TT Thiệu tới thăm Quân Ðoàn II, thấy tôi vẫn tiếp tục công việc đã làm từ mấy năm về trước. Mục đích của TT Thiếu lần nay, khi thăm viếng cao nguyên, là để chọn các đơn vị trưởng cho chương trình “VN Hóa Chiến Tranh”.Lúc đó, từ Trung tướng Lữ Lan (Tư Lệnh QÐ), tới Tướng Cố Vấn trưởng, cũng đều đề nghị Tôi làm Tỉnh Trưởng Bình Thuận, nên đã được TT Thiệu chấp thuận ngay trong buổi họp. Ðồng thời cho phép tôi được nghĩ phép Tết, rồi mới tới Phan Thiết nhận nhiệm vụ mới. Tóm lại trong cuộc đời quân ngũ của tôi, ở đâu cũng vậy, dù là vùng hỏa tuyến cũng không màng, nay ra đi biết rằng được tới một tỉnh giàu lớn, đang có rất nhiều người ham muốn nhưng tôi đâu có mừng, vì biết rằng nhiệm vụ tới rất là cam go và nguy hiểm, mà những ai đã ham muốn, nay có thể đã “ Chạy” nhưng vẫn thản nhiên vì gần suốt cuộc đời như đã gắn liền với quân ngũ. Do đó chỉ còn biết Chấp Nhận, để sẵn sàng đón nhận ngay với bao nhiêu thử thách với bom đạn, B 40, mìn bẩy và lần đầu trực diện đối mặt đương đầu với đối lập và tiểu nhân hãm hại..
-Ngày Tới Bình Thuận :
Xuống tới Phan Thiết vào những ngày sau Tết , nhận xét tình hình với nhiều bi quan như : 95% đất đai bị địch chiếm, vùng còn lại của ta chỉ có ban ngày, tới ban đêm cũng bị đích khống chế luôn. Do đó VC đã tự hào “Ngày của đích, đêm của ta” . Tóm lại, không cần phải ra tới Phú Hài, mà khi di chuyển trong khuôn viên của Tòa Hành Chánh, vị tiền nhiệm trước cũng phải dùng xe Jeep với cận vệ hộ tống. Thời gian đó, mỗi buổi hoàng hôn trước khi mặt trời lặn , thì các đoàn xe Honda chở hai chở ba, từ các xã lân cận lũ lượt kéo về tỉnh ngủ. Họ không phải chỉ là nhân viên xã ấp mà thôi, còn có cả Trung đội trưởng, Ðại đội trưởng.. cũng về thị xã lánh nạn, trong khi đó thì các tiền đồn lẻ tẻ luôn bị tấn công.
Toàn tỉnh, các trục lộ giao thông lớn nhỏ đều tắt nghẽn, ngay ban ngày CS công khai ra đường chặn xe thu thuế tại cây số 15, đường đi Ma Lâm, Tùy Hòa, núi Tà Dôn. Mỗi động tĩnh đều ỷ vào lực lượng Mỹ và chính qui yểm trợ.
Trong thời gian đầu tôi hoàn toàn dấu nhẹm nhiệm việc lực lượng Ðịa Phương, từ nay phải đãm trách vai trò chiến đấu , thay thế các chiến đoàn Hoa Kỳ và Chính Qui của QLVNCH đang yểm trợ cho Tiểu khu Bình Thuận , vì sợ xao động tinh thần của các cấp, có thể xảy ra sự dào ngũ. Ðiều này cũng đúng, vì lực lượng đang tăng phái lúc đó rất hùng hậu, gồm một chiến đoàn không kỵ Mỹ, một chi đoàn thiết ky VN, hai tiểu đoàn chính qui của Trung đoàn 44/Sđ23BB, đội viễn thám của Bộ TTM thường đột kích vào các mật khu của VC, để phát hiện địch và gọi các phi tuần Mỹ Việt tới oanh kích, kể cả hải pháo ngoài biển. Chính tướng Frederic Weygand đại diện cho Quân Lực Mỹ tới Phan Thiết để hoạch định cho các đơn vị Mỹ triệt thoái, đã lấy làm tiếc vì phải để QLVNCH phải đơn độc chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng bi đát tại Bình Thuận.
Ðể thích hợp với hoàn cảnh mới, tôi cho mở một đại hội toàn quân tại Tiêu Khu, mời các đơn vị trưởng mọi cấp quân dân về tham dự và tuyên bố Kế Hoạch năm bước của tôi :
1-RA TUYỀN TUYẾN và ở lại với các đơn vị tuyền tuyến không bỏ đồn bót. Tôi phải xung phong làm gương đều tiên, mỗi đêm đi ngủ với một tiền đồn của trung và đại đội và lần lượt cứ thế mà đi cho hết 173 Ấp trong toàn tỉnh. Làm như vậy các đơn vị nhỏ lớn không biết tôi tới ngủ với họ lúc nào, nên phải luôn ứng chiến , quân số đầy đủ, dù có nuôi lính ma lính kiểng, cũng phải thanh toán cho xong để không bị phát hiện lộ tẩy. Tóm lại các đơn vị luôn sẵn sàng ứng chiến với quân số thật đầy đủ.
2-TÂM LÝ CHIẾN VỚI DÂN : Mỗi khi tới Ấp vào dịp đồng bào đang nghĩ ngơi, thi loa phóng thanh phát lên lời chào hỏi của Ðại Tá Tỉnh trưởng, như những lời tâm sự với đồng bào, giải hóa những luận điệu tuyên truyền “Chống Mỹ cứu nước của CS” . Ðem thí dụ Nhật Bản bị thua trận sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến II chấm dứt. Nhưng Mỹ đã không chiếm đóng để đô hộ Nhật, trái lại còn tận tình giúp cho nước này phục hồi kinh tế. Tất cả các món hàng lớn nhỏ mà VNCH đang sử dụng hằng ngày, đa số của Nhật sản xuất. Ðiều này chứng tỏ Mỹ không hề xâm lăng Nhật trái lại Nhật đã xâm chiếm thị trường Mỹ và trở thành cường quốc kinh tế thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Nhờ sự so sánh này, mà người dân nông thôn đã không còn bị sự tuyên truyền đầu độc của VC và càng lúc càng ngã về với Quốc Gia.
3-MỜI VC VỀ THÀNH CHƠI 15 NGÀY và có thể trở lại Mật Khu an toàn, sau thời gian ân hạn : Qua một số truyền đơn được máy bay thả các thông hành tạm 15 ngày vào tận các mật khu, mời cán binh VC về thành chơi. Trong thời gian này, đương sự tự quyết định về việc “hồi chánh” hay trở lại mật khu, sẽ được bảo vệ an toàn ra về. Kế hoạch này đã được một số cán bộ bộ đội hưởng ứng về với đồng bào. Nhờ họ hướng dẫn, Tiểu Khu Bình Thuận đã mở nhiều cuộc hành quân vào tận sào huyệt giặc, nhất là Khu Lê Hồng Phong, đánh tan căn cứ và giải thoát được nhiều đồng bào bị chúng cưỡng áp sống ở đây từ nhiều năm qua.
Cũng từ đó, VC không dám hoạt động gần các làng mạc, vì sợ đồng bọn của chúng sẽ bỏ trốn về thành “hồi chánh”. Nội bộ đã xáo trộn, vì ai cũng nghi người bên cạnh minh phản bội để bỏ trốn .
4-ẤP CHIẾN LƯỢC LƯU ÐỘNG VỚI HÀNG RÀO MÌN CLAYMORE : Ðó là một hàng rào chiến lược bằng mìn claymore, được nối bằng một giây điện dài khoảng 50m ở đầu là kẹp nổ, trục mìn hướng về địch và phát nổ khi đầu contact điều khiển bị chạm, gây thành một sự sát hại rất lớn về nhân mạng, trong vòng bán kính từ 50-100m. Kế hoạch này đã khiến cho VC gần như tê liệt, làm cho tinh thần của quân sĩ lên cao vì được an toàn. Tiểu khu còn treo giải thưởng cho các cấp, bất cứ ai dùng mìn Claymore sát hại được địch, sẽ nhận tiền thưởng 2000 đồng (15 USD thời đó) / 1xác, khiến cho binh sĩ càng thêm hăng say chiến đấu.
Từ đó an ninh toàn tỉnh hoàn toàn được kiểm soát , các trục lộ giao thông được tái lập trên khắp các nẻo đường Bình Thuận. Suốt dọc hai bên bờ quốc lộ 1, được ủi quang theo “Chương Trình Cạo Ðầu Bắt Chí” , , chẳng những cán bộ xã ấp có thể lái xe Honda ngược xuôi khắp tỉnh, mà ngay cả tôi và chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mỗi lần có dịp về thăm quê nhà tại Ninh Thuận, cũng thường dùng đường bộ, từ Phan Thiết băng ngang qua mật khu Lê Hồng Phong, Phan Rí, Tuy Phong.. mà không cần phải có hộ tống. Tóm lại hệ thống ấp chiến lược Mìn Lưu Ðộng tại Bình Thuận vô cùng hiệu quả, so với hệ thống ấp chiến lược thời Ðệ I Cộng Hòa, mà tôi đã thực hiện lúc làm quận trưởng Hóc Môn (Gia Ðịnh) . Việc dời nhà vào ấp chẳng những đã làm mất lòng dân nhưng cuối cùng CS vẫn đột nhập dễ dàng vào trong ấp với sự hổ trợ của thân quyến. Còn hệ thống mìn lưu động , kẻ ra ngưòi vào cũng không được và không dám, vỉ mìn đuợc cài vào lúc trời sắp tối đến sáng hôm sau , đồng bào muốn đi làm phải đợi mìn gỡ xong mới được.
5- HIỆP ÐỊNH BA LÊ GIỮ ÐẤT ANH DŨNG : Khi ký kết Hiệp định Ba Lê năm 1972, CS đã đưa ra điều kiện cắm cờ vào đêm của ngày ‘ N’ tới đâu thì đó là đất của chúng. Trung tướng Times là người liên lạc giữa Tòa Ðại sứ Mỹ, Phủ Tổng thống và Phái đoàn Hòa đàm Ba Lê, đã bay ra Phan Thiết, đem theo mật lệnh phòng thủ Bình Thuận, vì đây là nơi CS quyết định cắm cơ, chiếm đất .
Vì tình hình quá căng thẳng khắp các chiến tuyến cả nước, nên trung ương và quân đoàn không có khả năng tăng viện được. Do đó tôi chỉ còn biết sử dụng toàn lực Địa Phương Quân + Nghĩa Quân lúc đó chừng 13.000 người, để dàn mỏng phòng thủ tại 173 ấp, trong số này có 24 ấp ven thị xã, đã phải phòng thủ tới 2 trung đoàn. Về phía địch, chúng chỉ có 3 tiểu đoàn địa phương và một trung đoàn tăng cường từ quân khu 6 VC.. Như vậy tương quan lực lượng giữa ta và địch là 1/1, trong khi ta lại có ưu thế phòng thủ vững chắc và hệ thống min lưu động, nên chắc chúng phải sa lầy và bị tiêu diệt.
Trước ngày N , tôi đi vào các ấp ven thị xã, giải thích với đồng bào, là ngay khi VC tấn công ta, hành động đầu tiên, là chúng sẽ “bắt giữ đồng bào trong ấp” để làm con tin, ngăn cản ta oanh kích và tấn công chúng, như trong quá khứ và gần nhất là Tết Mậu Thân (1968) tai Phan Thiết, chúng lợi dụng chùa chiền, nhà thờ.. làm nơi trú ấn, pháo kích, tấn công ta và đồng bào trong tỉnh.. Cuối cùng, tôi đã thông báo tới đồng bào, là nếu sự kiện trên thật sự xảy ra, tôi sẽ oanh kích không nương tay, để bảo tồn lãnh thổ Bình Thuận không lọt vào CS, cũng như không bao giờ để đồng bào bị VC bắt đi trước làm bia đỡ đạn cho chúng.
Việc thông báo này rất hiệu nghiệm, vì chỉ hai ngày sau dân trong ấp đi làm ruộng trong vùng, nên đã phát hiện được VC đang tập trung quân chuẩn bị tấn công địch. Vì vậy đồng bào bỏ làm về ấp lũ lượt tản cư lánh nạn, tránh bom đạn. Và đêm đó, vào giờ G , địch đồng loạt tấn công 13 ấp. Tiếng súng và mìn nổ vang dậy khắp nơi, còn pháo binh ta thì liên tục bắn vào các mục tiêu chọn sẵn, nên vô cùng chính xác. Trận chiến kéo dài vỏn vẹn 48 giờ, VC chém vè bọ lại Ðại Nẩm 121 tử thi, một số khác được đồng bọn kéo theo. Tiểu khu phải đợi tới 3 ngày sau yên hẳn tiếng súng, mới chôn cất được các xác trên.
Sau khi nhận được báo cáo Bình Thuận đã chiến thắng vẻ vang, ba ngày sau tướng Timmes từ Sài Gòn ra thăm Phan Thiết. Tôi lên tận phi trường đón ông, vừa gặp mặt tôi, ông đã hô to bằng tiếng Việt ‘ Ðại ta Neah ! celebrity ! celebrity !. Ðây là một kỷ niệm thật đẹp và đáng nhớ trong đời, nên khi tới Mỹ và được nhập tịch, tôi đã không thay đổi tên họ mình, mà chỉ theo cách đánh vần là Neah Tan Ango. Buồn thay, tôi tới Mỹ chưa được bao lâu thì Tướng Timmes qua đời vì bệnh.
Những Ngày Chót Của Bình Thuận :
Từ cuối tháng 3-1975, tình hình đã bắt đầu lộn xộn , sau khi Ban Mê Thuột mất, Quân Ðoàn II di tản chiến thuật, bỏ ngỏ các tỉnh Cao nguyên.. làm sụp đổ luôn các thành phố Ðà Lạt, Nha Trang, Phan Rang. Ðoàn quân di tản ô hợp đi ngang qua Bình Thuận, tàn phá khắp nơi, cuối cùng đã bị giải giới tại Bình Tuy vì đường về Sài Gòn, đã bị nghẽn tại Rừng Lá. Ngày 7-4-1975, tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh QÐII , từ Nha Trang bay trực thăng vào gặp BCH.Tiểu Khu tiền phương Bình Thuận tại Lầu Ông Hoàng. Sau đó tướng Nguyễn Văn Hiếu được lệnh thay thế Tướng Phú làm tư lệnh QÐII mà lãnh thổ chỉ còn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Cũng từ đó, Bình Thuận bị VC tấn công pháo kích tơi bời , vì Lâm Ðồng, Tuyên Ðức bỏ ngỏ, còn Phan Rang thì thất thủ vào chiều ngày 16-4-1975. Mặc kệ địch với cả quân đoàn, xe tăng, đại pháo 130 ly.. các đơn vị vẫn chiến đấu để bảo vệ đồng bào an toàn di tản bình an ra khỏi Phan Thiết, xuôi về Nam tránh bom đạn và sự tàn sát dã man của CS. Ngày 20-4-1975, hơn 3500 quân còn lại trong số 13.000 quân của Bình Thuận, được Hạm Ðội của Tướng Hoàng Cơ Minh vớt tại bãi Kim Hải, chở tới Vũng Tàu-Bà Rịa và tái lập ngay Trung Ðoàn Bình Thuận, tiếp tục chiến đấu chống CS, bên cạnh các đơn vị QLVNCH tại đây, cho tới khi bị Dương Văn Minh ra lệnh buông súng, mới tan hàng.
Tại Vũng Tàu, ngày 28-4-1975, Tòa Ðại Sứ Mỹ thông báo cho tôi về Sài Gòn di tản nhưng tôi chỉ trả lại trực thăng và ở lại với anh em. Ðể chuẩn bị chiến đấu lâu dài, tôi giao đơn vị lại cho Thiếu Tá Tiến (TÐT/TÐ229/ÐP) chỉ huy, về Bộ TTM tìm phương tiện, di chuyển anh em Bình Thuận về điạ điểm mới. Nhưng từ sáng ngày 30-4-1975, trung ương từ trên xuống dưới, gần như đã đi hết, cho tới 10 giờ thì có lệnh đầu hàng. Lúc đó, tại Bến Bạch Ðằng vẫn còn nhiều Chiến Hạm chưa nhổ neo, tuy nhiên vì lời hứa với anh em còn đang kẹt tại Vũng Tàu, nên tôi quyết định ở lại . Rồi sau đó, nước mất nhà tan, tôi nhờ một binh sĩ cũ, người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, che chở giúp đỡ, nên mới có cơ hội lần mò xuống tận Hà Tiên và vượt thoát bằng thuyền chài tới Thái Lan và vào Mỹ , qua sự giúp đỡ của bạn bè trước năm 1975.
Giờ ngồi nhớ lại chuyện cũ, tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện cho Quân Dân Bình Thuận, vì chúng ta đã hoàn thành được nhiệm vụ một cách chu toàn. Tôi rât cảm kích và luôn mến tất cả Quân, Cán, Chính Bình Thuận, mà tôi được vinh dự chỉ huy từ năm 1969-1975. Tôi cũng không bao giờ quên cầu nguyện cho tất cả những chiến hữu đã nằm xuống tại quê nhà, trong lúc cố hoàn thành sứ mạng bảo vệ đồng bào, khỏi rơi vào tay CS dã man tàn bạo. Tôi rất hãnh diện tự hào, là người Tỉnh trưởng Bình Thuận duy nhât, đã sát cánh cùng anh em, xông pha tất cả các trận mạc, bất kể là La Gàn, Tuy Phong, Lê Hông Phong, Nam Sơn, Ma Lâm .. kể cả đạn pháo kích 130 ly của CS bắn vào BCH/Hành Quân một cách chính xác, do các tên tiền sát viên giả dạng người câu cá dưới gầm cầu Nguyễn Hoàng, hay tên VC nằm vùng, làm nghề chụp hình tại Phan Thiết. Chính tên này trong những ngày chót đã theo tôi sát gót, và khi VC chiếm được Bình Thuận, hắn đã lộ diện làm trưởng khu phố, đã ra lệnh tàn sát nhiều anh em ta, bị kẹt lại.
Cuối cùng tôi vẫn không quên tri ân các vị lãnh đạo Tôn Giáo và Hội Ðồng các sác tộc điạ phương, trong đó có nhiều chiến hữu đáng kính như Dụng Văn Ðối, Ðặng Chánh Anh, Lý Síu Cooáng và nhất là Thiếu Tá Thổ Thêm “Một quân nhân có nhiều HUY CHƯƠNG và CHIẾN CÔNG nhất QLVNCH” . Ðể được tiếp tục ở lại với đồng đội, Anh đã xin tôi giảm tuổi (từ 60 còn 50) và giớ đây tuy người đã khuất, nhưng câu chửi CS ba que xỏ lá, dối gạt đồng bào, làm tôi không bao giờ quên được “Cà Chớn chống Xâm Lăng”.
Nay đã 91 tuổi nhưng tôi không bao giờ quên được ước vọng cuối cùng “TRỞ VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG BìNH THUẬN”.Cứ chờ mãi nhưng tới bao giờ đất nước mới thật sự có “Ðộc Lập-Tự Do” như lòng dân mong đợi ?
Ngô Tấn Nghĩa
viết tại quê người tháng 6-2013.
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết