QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Saturday, September 20, 2014

ĐI TRỌN ĐƯỜNG TRẦN


 
                                                        NguyễnXuân, Hoàng ra đi. TrươngGia, Vy ở lại
                                                                  ĐI TRỌN ĐƯỜNG TRẦN 
                                                                                                                       Giao Chỉ - San Jose
                                                
Chuyện hai tờ báo.
San Jose có hai tờ báo đáng được lưu ý. Tờ Thời Báo ra hàng ngày của ông Vũ bình Nghi coi như lâu năm hơn một phần ba thế kỷ. Thời vàng son của Thời Báo phát hành 50 trang mạnh mẽ hàng ngày. Cuối tuần có lúc gần 100 trang. Bà Nghi quản trị văn phòng suốt bao năm, chợt một ngày từ giã cõi trần ai, ra đi nhẹ nhàng như sương khói. Ông Nghi đưa bà về chôn cất tại cố hương Bùi Chu đã mấy năm qua mà nhớ thương sao mãi chưa nguôi.
Bây giờ Thời Báo già yếu còm cõi như chủ nhân. Tuy vậy, gặp bác Nghi vẫn nhẹ nhàng bình tĩnh. Bác nói rằng , sân cỏ nhà tôi theo lệnh chính phủ tiết kiệm nước nên chẳng còn xanh tươi, nhưng bà nhà tôi mất đi, quả thực tôi như mất nửa người. Chẳng thiết gì đến thị trường quảng cáo để Thời Báo phải héo hon. Tương lai của báo nhà cũng khó khăn như tương lai thế giới mà thôi ...

                    DC006E59-5D81-4C09-8500-AC0810B54B37       San Jose Mercury News
                         Hoang Xuan Nguyen, prominent Vietnamese editor. dies at 74    By Tracey Kaplan   tkaplan@mercurynews.com  Updated:   about 13 hoago             
              SAN JOSE -- Hoang Xuan Nguyen, editor of Vietnamese-language weekly Viet Tribune and former managing editor of the Viet Mercury,
              died Saturday of cancer.
              He was 74. "It is a big loss," said De Tran, former editor and publisher of Viet Mercury, a weekly Vietnamese-language edition published
              by the Mercury News. "Hoang was one of the pre-eminent journalists on the scene and a graceful, romantic writer ...           

Bây giờ đến lượt cô Trương Gia Vy. Tờ tuần báo Việt Tribune do anh chị Nguyễn Xuân Hoàng phát hành được coi là có giá trị trong thị trường báo chí Việt Ngữ miền Bắc California. Đã thọ được 8 năm rồi. Nhưng mấy năm qua anh chị cũng bị đau ốm nên việc quản trị tờ báo thực vất vả. Cô Vy đau lên đau xuống, những tưởng sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Ai ngờ từ một năm qua, người vợ đã cố gắng đứng vững để nuôi báo lao đao, nuôi chồng đau ốm thường trực. Cô ngược xuôi giữ cho tờ báo tồn tại. Báo thì giữ được, người thì không. Dù là vợ chồng, chẳng ai giữ được đời cho nhau.
Cho đến hôm nay. Anh Hoàng ra đi, quả thực cũng không phải chuyện bất ngờ. Ai cũng biết bệnh của anh cầm cự được như vậy là đã quá lâu rồi. Bà Nghi ra đi. Ông Nghi choáng váng, Thời Báo vất vả. Nếu Thời Báo mà không còn ???
Nguyễn Xuân Hoàng ra đi. Quản ngại cho sức khỏe của cô Vy. Rồi tờ Việt Tribune cầm cự được bao lâu? Nếu cả hai báo không còn nữa thực là điều đáng tiếc. Hai tờ báo có lập trường chống Cộng giá trị thực sự tại miền Bắc California.
Chống kẻ nội thù.
Dù tháo vát, đủ can đảm đương đầu với nhu cầu bên ngoài và kẻ nội thù bệnh tật của chính mình nằm phục bên trong, nhưng khi anh Hoàng ra đi, cô Vy cũng cảm thấy chết nửa người. Cô Vy cũng mắc bệnh trầm kha oan nghiệt từ hai năm qua. Anh Hoàng lại bắt đầu hơn một năm. Toàn là bệnh tử sinh mà khoa học thái tây với các bệnh viện danh tiếng nhất thế giới cũng đành bó tay. Người vợ cầm cự xuất sắc để nuôi chồng. Người chồng cũng cầm cự dũng cảm suốt một năm dài. Tuy vậy trong nhà cũng vẫn còn có những nụ cười.
Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện bên nhau khi anh chị mới ở nhà thương về. Vợ chồng tôi và anh chị Hoàng cùng ngồi trên giường bệnh. Trừ lúc trong cơn đau, còn lúc thường Hoàng khỏe mạnh, tỉnh táo. Cô Vy kể đầu đuôi buổi họp cuối cùng tại nhà thương. Mặc dù không cần thông dịch nhưng nhà thương vẫn đưa thông dịch viên Việt ngữ hiện diện. Chẳng có gì phải dấu diếm người bệnh và thân quyển. Bác sĩ nói rằng bệnh ung thư của Hoàng không điều trị được nữa. Chỉ còn nằm chờ và uống thuốc cho khỏi đau. Nhà thương sợ cô Vy vì quá thương yêu nên không nói thực với anh Hoàng. Anh chị cùng muốn biết là sẽ chờ đợi bao lâu. Bác sĩ trả lời là hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Khi bác sĩ nói, cô Vy nghe chữ years có âm"s"rõ ràng mà bà thông dịch chỉ nói là hàng tuần và hàng tháng. Chữ years có s rất quan trọng. Ấy thế mà lại không nói rằng có thể sống hàng năm.
                                   
Nhưng chuyện bệnh tật nhà thương mãi cũng chán, tôi thay đổi không khí nói rằng vừa mới thấy tấm hình giáo sư Nguyễn Xuân Hoàng chụp với các em nữ sinh trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa. "Anh" giáo sư triết lại là nhà văn đứng chung với các cô học trò lớp 12. Quả thực là một bức hình đẹp và tình không thể chịu được. Ông thầy trẻ tuổi, đẹp trai muốn nằm trong vòng tay học trò là được ngay thôi. Bây giờ thiên hạ nhìn mà còn thấy ghen tức. Nói gì là ngày xưa. Lại nói đến chuyện mới tốt nghiệp cậu sinh viên sư phạm xin đi dạy cả trường Gia Long và Trưng Vương đều từ chối. Bà hiệu trưởng nào cũng chê ông thầy trẻ đẹp. Nữ sinh mê ông thầy triết, lại là nhà văn. Chàng nói triết lý em chẳng hiểu, lại càng mê. Cho đến khi anh Hoàng nói chuyện văn chương Việt trên trời, gặp cô Vy, nữ sinh trường đầm bèn kéo chàng xuống đất. Anh chị có 4 người con.
Câu chuyện văn chương
                                  
Giữa văn chương và dạy học Hoàng thấy thế nào? Nguyễn Xuân Hoàng cho biết Văn là ý nghĩa chính của cuộc đời. Đi dậy chỉ là phụ. Cô Vy nói thêm. Nhưng cái phụ nuôi cái chính. Dạy học mới có tiền nuôi vợ con và nuôi văn chương. Mà lại là thầy dậy có giá. Nhiều trường trả tiền gấp đôi. Tôi nói, nếu như vậy cậu Hoàng sống trọn vẹn quá rồi. Hoàng nói, em có phàn nàn gì đâu. Ra đi không sợ, chỉ sợ đau và sợ cô Vy khóc.. Vy lấy tay gạt nước mắt nói rằng. Con có khóc đâu...
                                   
                                                                                        Hoàng và Vy ngày xưa
Nhà tôi nói rằng: Vy ơi! thôi cô lo cho thân cô đi. Sửa ngay cái chuông trước cửa. Làm cho anh Hoàng cái chuông đầu giường. Có gì thì còn gọi. Vy nói: Nhà thương bảo là nếu có chuyện sẽ gọi chỗ khác, không gọi 911 nữa. Nhà tôi nói ngay: Gọi 911 là lo cho cô chứ không phải 911 cho cậu Hoàng. Tôi nói rằng dù sao cũng phải chờ thêm thời gian. Hoàng nói, còn chờ gì nữa anh. Chờ đến 20 tháng 7-2014, kỷ niệm 60 năm giã từ Hà Nội. Rồi đến 30 tháng tư năm 2015. Kỷ niệm 40 năm tạm biệt Sài Gòn.
Nhớ Hà Nội thì sẽ có ngày gặp Mai Thảo. Nhớ Sài Gòn thì tìm gặp Nguyên Sa. Khi ta ra đi, có anh sợ ít có anh sợ nhiều. Nhưng tất cả kẻ đi người ở, ai cũng có nỗi buồn như nhau. Nguyễn Xuân Hoàng may mắn lấy vợ trẻ. Trong tiếng khóc có cả tiếng cười. Tôi lại nói. Hoàng là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ và nhà văn. Khi ra đi mang theo nhà nào. Hoàng cười buồn. Em luôn luôn nghĩ mình là người viết văn.
Giọt nắng cuối chiều chưa vội tắt, mà lời từ biệt đã lên môi.
Câu thơ chẳng biết của ai mà ghi lại cũng chẳng biết có đúng không. Nhưng thực sự rất gần với hoàn cảnh của ông thầy dạy triết, Nguyễn Xuân Hoàng.  Anh Nguyễn Xuân Hoàng cũng là nhà văn tên tuổi trên văn đàn và báo giới. Tổng thư ký báo Văn, báo Người Việt, Viet Mercury và Viet tribune hiện nay phát hành tại San Jose. Mấy tháng nay anh bị đau rất nặng, phải ra vào nhà thương nhiều lần. Thân hữu chúng ta ai cũng biết và hết sức ngậm ngùi. Mới đây bác sĩ Ngô Thế Vinh có viết về tiểu sử và bệnh tình của anh Hoàng. Tôi xin kể thêm về chút tình cảm riêng tư như sau. Anh được cô Vy, vợ Hoàng đưa về nhà như là giọt nắng cuối chiều. Nắng chiều chưa tắt, nhưng trước sau cũng đến lúc phải hoàng hôn...
Từ nhà thương cô Vy điện thoại qua nước mắt. Xin báo cho Măng biết là Stanford quyết định cho nhà con về nằm nhà để chờ. Bác sĩ và nhà thương ở đây chịu thua rồi. Con đang ký giấy nhận chàng về. Con về trước đến nhận giường điều trị nhà thương cho đưa tới. Xe nhà thương sẽ chở Hoàng về chiều nay. Nói Măng không còn gì phải lo nữa. Không cần cấp cứu. Xe nhà thương chuyến về không phải mở đèn và thổi còi. Con sẽ không còn phải gọi 911 nữa. Sau cùng thì chàng cũng trở về với em trong những ngày sau cùng. Những ngày cuối cùng mệt mỏi và sầu thảm. Khách khứa khá nhiều. Bạn văn chương, học trò, đồng nghiệp và xóm làng thân hữu. Có bạn phương xa, có bạn qua điện thoại viễn liên, bạn bè trên thế giới ảo. Cho đến khi cô Vy phải đưa anh Hoàng vào dưỡng đường của bác sĩ Ngãi. Ở đây, mấy năm trước Phạm Hậu và Hoàng Anh Tuấn cũng đã từng sống những ngày sau cùng. Bây giờ đến lượt Nguyễn Xuân Hoàng nằm chờ giây phút cuối. Mắt nhắm kỹ, hơi thở nhẹ nhàng. Tưởng như đã hôn mê. Nhà tôi nói cô Vy ra ngoài ăn cháo. Vy nói con phải ở thường trực bên cạnh Hoàng. Có cô điều dưỡng vốn là học trò cũ vào túc trực. Chợt Hoàng cất tiếng thật to. Vy đi ăn với bố má đi. Chúng tôi vội vàng đi ăn cháo ở nhà hàng Bò Bẩy Món của anh chị Phụng bên cạnh. Đem về cho Hoàng tô cháo cuối cùng. Sáng hôm sau cô Vy báo tin anh Hoàng ra đi.
Đi trọn đường trần.                                                                                   
Bây giờ người viết văn Nguyễn Xuân Hoàng đã yên giấc chúng tôi đọc lại tiểu sử, đọc cáo phó, đọc bài của bạn văn viết về thầy Nguyễn Xuân Hoàng mới lại hiểu thêm rất nhiều về con người tuy quen nhưng cũng chẳng biết tường tận. Quả thực anh đã sống cuộc đời may mắn trọn vẹn và đầy đủ. Trong cuộc chiến Việt Nam, cũng chỉ đi quân dịch vài tuần gọi là có khoác chiến y rồi biệt phái về dạy học. Chàng cũng đi tù cộng sản vì tội vượt biên để gọi là trải qua tất cả mọi trầm luân của đất nước. Trong khi tù vượt biên lại được cô cán bộ thẩm vấn nhận là học trò và khen ngợi thầy Hoàng hấp dẫn. Tuổi của người ra đi cũng là con số bí ẩn. Giấy tờ là bậc cao niên 77 tuổi nhưng có lúc trẻ trung như nhà văn sinh năm 1940. Lập gia đình với cô gái trẻ họ TrươngGia có được 4 người con tại Mỹ nhưng anh chàng họ NguyenXuan này đã có 3 người con thời trước đang ở bên Tây. Trong các tác phẩm nổi tiếng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có cuốn tựa là Người đi trên Mây. Quả thực anh Hoàng vẫn đi trên Mây cho đến những ngày cuối cùng. Hỏi rằng báo VietTribune tiền in hàng tháng phải trả cho Mercury bao nhiêu, Hoàng không biết. Tiền thuê tòa soạn bao nhiêu, Hoàng lắc đầu. Không biết và cũng không cần biết. Cuộc sống tuy gọi là giao thiệp rộng như cũng khép kín. Làm báo mà không nhậu nhẹt, lang thang với anh em. Hoàng giữ tấm lòng tự trọng và pha đôi chút kén chọn bạn trong cộng đồng. Nhưng lại là tác giá tùy bút tôi cho là hấp dẫn nhất: Tự truyện của một người vô tích sự.
 Bây giờ con người vô tích sự đó đã ra đi, để lại sự thương tiếc của nhiều người ở lại. Trong số đó, cô Trương gia Vy cũng mất đi một người chồng vô tích sự mà sao nàng cảm thấy mất cả nửa người. Chàng đi, một nửa hồn em mất. Một nửa hồn em thấy.. làm sao. Thấy dại khờ.  
Chuyện riêng tư
Có người hỏi là hai gia đình chúng tôi họ hàng ra sao mà cô Vy cứ gọi bà Lộc là Măng. Có phải là mẹ nuôi không? Đâu có họ hàng bà con gì đâu. Cô Vy là dân Sài Gòn, con ông Trương gia Kỳ Sanh. Nhà tôi khuê danh Quan Thị Châu, cháu ông Quan Công bên Tầu(?) sinh quán Rạch Giá. Chẳng có bà con xa gần gì cả. Hay cô Vy là con cháu ông Trương Phi. Vài chục năm xưa, hai người gặp nhau, tình cờ mặc áo giống nhau. Tưởng như hai chị em. Người nọ khen người kia mặc áo đẹp. Chưa biết thưa gửi ra sao. Bà cụ mang họ Quan Công hỏi cô Vy bao nhiêu tuổi mà đóng vai vợ Nguyễn Xuân Hoàng. Cô Vy khai là con thua chàng hơn một giáp. Nhà tôi nói, vậy cháu ngang tuổi con gái lớn của bác. Vy bèn gọi mẹ ơi, rồi tuyên xưng chính thức danh nghĩa mẹ con. Vy gọi chúng tôi là Pa và Măng.
Cha mẹ Trương gia Vy không còn nữa, cô gọi chúng tôi như là một tình cảm thay thế cho tiếng gọi lòng sâu thẳm của đứa con gái cô đơn. Phận chúng tôi cũng cố gắng không làm điều gì cho con gái.. phải hổ thẹn. Nhưng chuyện này chỉ giới hạn với cô Vy mà thôi. 
Đối với anh Nguyễn Xuân Hoàng, cá nhân tôi hơn anh 8 tuổi, mãi mãi chỉ là thân hữu. Quê hương thân phụ Hoàng ở Nam Định, quê tôi cũng Nam Định. Nếu có họp hội đồng hương thì sẽ ngồi cùng bàn. Hoàng là giáo sư viết văn, dậy triết. Tôi suốt đời đi linh. Dù là cầm bút, nhưng văn tôi dưới đất, văn của Hoàng trên trời, Người đi trên Mây. Người lính đi bộ. Cõi trần gian đã không gặp nhau. Cõi văn chương cũng không gặp nhau. Không có nhiều dịp cùng nhau tâm sự. Không cùng ngồi uống cà phê để làm thơ. Không ở bên nhau uống rượu mà làm báo. Chúng tôi chỉ biết nhau tại San Jose. Tôi viết báo, Hoàng xem qua rồi cho đăng. Duyên nợ thấm thoát cả chục năm dài. Vẫn còn đủ cho tình cảm tràn đầy. Bởi vì tuyệ đối không chơi bút chiến.                                    
Hỏi cô Vy kỷ niệm nào đẹp nhất trong cuộc sống với anh Hoàng. Vy nói, thật lạ lùng là còn nhớ những ngày xách giỏ đi thăm tù vượt biên. Các cô gái Sài Gòn sinh viên ngoài 20 tuổi. Ai cũng trẻ đẹp như hoa hậu. Da trắng, vóc giáng cao, thanh tú, tóc mây buông xõa trên áo nâu. Cô vợ tù bước vào cổng trại thăm nuôi. Lính cộng sản Bắc Kỳ đổ xô ra xem, mồm há hốc. Quản giáo cũng còn muốn làm tù. Đóng vai vợ tù thăm chồng cũng có lúc thấy được niềm vui. Gái miền Nam vừa đẹp vừa chung thủy. Bây giờ Vy muốn thăm nuôi anh Hoàng, còn tìm biết nơi đâu...
Hỏi Hoàng về thi ca, chàng nói thích thơ Tô Thùy Yên và nhớ được vài đoạn trong bài thơ Ta về:
Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cảm ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi...
Ta về như hạc vàng thương nhớ,
Một thủa trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.
Hỏi về chuyện ngàn thu vĩnh biệt, Hoàng nói: "thương cho cô Vy".
Giao Chỉ, San Jose.
                                                                                 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

__._,_.___

Posted by: Nhat Lung

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List