Hội
thảo "20 năm Văn học miền Nam"
Mặc
Lâm, biên tập viên RFA
2014-12-06
2014-12-06
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Bích chương quảng cáo
Hội thảo "20 năm Văn học miền Nam".
Courtesy NV
Trong hai ngày 6 và 7
tháng 12 năm 2014 một cuộc hội thảo mang tên "20 năm văn học miền Nam từ
1954 tới 1975" sẽ được tổ chức tại California quy tụ gần 20 cây viết người
Việt sống tại nhiều nước tập trung lại trình bày các vấn đề liên quan mật thiết
đến một thời kỳ hoàng kim của văn học Việt Nam từ năm 1954 tới năm 1975.
Mặc Lâm có cuộc trao đổi
ngắn với nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, là người nảy ra ý tưởng tổ chức
buổi hội thảo mang chủ đề này.
Nhà phê bình Nguyễn Hưng
Quốc là chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học tại Đại học Victoria, Úc; đồng chủ
bút trang báo mạng Tiền Vệ; tác giả của gần 20 tác phẩm phê bình và nghiên cứu
về ngôn ngữ, văn học, văn hoá và chính trị Việt Nam. Ba cuốn mới nhất xuất bản
trong năm 2014 này là: Văn học Việt Nam tại Úc, Viết vu vơ và Những ý nghĩ rời.
Cả ba đều do Người Việt xuất bản. Xin mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện sau
đây:
Nhiều thành tựu xuất sắc
Mặc Lâm: Thưa,
xin anh cho biết bắt đầu từ suy nghĩ nào đã thúc đẩy anh nảy sinh ý tưởng tổ
chức cuộc hội thảo quy mô này?
Nguyễn Hưng Quốc: Ý
nghĩ nảy sinh ra đầu tiên là vào tháng 7 năm ngoái tôi có dự cuộc hội thảo tổ
chức tại nhật báo Người Việt, California về phong trào Tự lực Văn đoàn và cuộc
hội thảo này tôi thấy rất thành công. Thành công ở chỗ quy tụ rất nhiều diễn
giả và có một số người tham dự rất đông đảo trong suốt hai ngày.
Ai cũng biết văn học
miền Nam là một nền văn học có nhiều thành tựu xuất sắc thế nhưng gần 40 năm
qua nó bị trù dập, bị nhà nước Việt Nam tìm mọi cách để tiêu hủy hay nhấn chìm
vào quên lãng.
-Nguyễn Hưng Quốc
-Nguyễn Hưng Quốc
Từ sự thành công như vậy
tôi lóe lên ý nghĩ tại sao không tổ chức một cuộc hội thảo về Văn học miền Nam?
Đó là điều rất cần. Ai cũng biết văn học miền Nam là một nền văn học có nhiều
thành tựu xuất sắc thế nhưng gần 40 năm qua nó bị trù dập, bị nhà nước Việt Nam
tìm mọi cách để tiêu hủy hay nhấn chìm vào quên lãng.
Tôi đem ý nghĩ này nói
với một số bạn bè và ai cũng đồng tình. Chúng tôi cho những điều đó không những
cần thiết mà còn khẩn thiết bởi vì hầu hết các tác giả tham gia vào nền văn học
miền Nam từ 1954 tới năm 1975 bây giờ đều khá lớn tuổi, có một số người khá yếu
rồi nếu chúng ta không tổ chức bây giờ mà đợi vài ba năm sau thì sợ rằng thế hệ
ấy không còn ai nữa cả.
Mặc Lâm: Vâng,
thưa anh năm nay đúng 40 năm kỷ niệm ngày lịch sử của Việt Nam cuộc hội thảo
này có nằm trong ý nghĩa nhìn lại những gì đã xảy ra có liên quan tới cái ngày
này hay không?
Nguyễn Hưng Quốc: Thật
ra chỉ là một sự tình cờ thôi anh ạ. Lúc đầu tôi nghĩ đến chuyện là mình phải
làm gì để những người còn sống trong thế hệ làm thơ viết văn trước năm 1975 có
thể phản biện được. Trong ý nghĩ của tôi tôi muốn dành 40 năm, tức là 40 năm
sau ngày miền Nam sụp đổ tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về "40 năm văn
học Việt Nam hải ngoại". Tôi không biết là có thể tổ chức được hay không
tuy nhiên tôi nghĩ vào thời diểm đó mà có thể tổ chức được một cuộc hội thảo để
đánh giá lại những thành tựu, những đặc điểm của nền văn học Việt Nam ở hải
ngoại từ năm 1975 đến nay thì cũng là điều rất thú vị.
Mặc Lâm: Nội dung cuộc hội thảo
"20 năm Văn học miền Nam" xem ra rất đa dạng và phong phú. Những chủ
đề mà hội thảo đưa ra có liên kết với nhau thành một chuỗi những yếu tố có thể
kết hợp được với nhau hay không thưa anh?
Nguyễn Hưng Quốc: Tôi
thấy cái cấu trúc của đề tài khá đa dạng anh ạ. Đầu tiên có một số người họ đặt
vấn đề đánh giá lại những đặc điểm và thành tựu chung của văn học miền Nam từ
năm 1954 tới 1975, sau đó thì một số người khác đi vào từng khía cạnh cụ thể và
từng nhóm văn học cụ thể cũng như từng tác giả cụ thể. Ví dụ vào buổi cuối cùng
sẽ có một số người nói về nhóm Sáng Tạo. Một số người nói về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Một số người khác nói về hình ảnh người phụ nữ, người mẹ trong văn học miền Nam
trước năm 1975.
Như vậy nói chung cấu
trúc đề tài khá đa dạng bao trùm từ những vấn đề lớn, tổng quát như là đánh giá
toàn bộ nền văn học miền Nam để rồi di vào một số chi tiết những đặc điểm đáng
chú ý nhất.
Chiến tranh với văn học miền Nam
Mặc Lâm: Tuy
miền Nam xuất hiện những cây viết cự phách nhưng hình như vẫn còn giới hạn bởi
chiến tranh, rồi ý thức hệ cũng như hiện tượng phản chiến… trong hội thảo hình
như thiếu cái nhìn về khía cạnh này? Anh có thể cho biết thêm…
Sách Văn học Miền Nam
tổng quan của Võ Phiến. Courtesy Người Việt Books.
Nguyễn Hưng Quốc: Thật
ra trong một cuộc hội thảo hai ngày với 16 diễn giả thì không hy vọng gì chúng
ta có thể đề cập đến tất cả mọi vấn đề. Thế nhưng về khía cạnh chiến tranh ảnh
hưởng đến văn học miền Nam thế nào thì tôi nhớ trong quyển Văn học Việt Nam
tổng quan nhà văn Võ Phiến có đề cập đến khá nhiều. Có thể coi công trình
nghiên cứu của Võ Phiến cũng như một số các nhà văn khác như Viên Linh, Du Tử
Lê đóng góp soi rọi một số vấn đề mà trong một cuộc hội thảo chúng ta không thể
nào đề cập tới được.
Mặc Lâm: Văn
học miền Nam trong 20 năm từ năm 1954 tới 1975 ấy vượt hẳn nền văn học miền Bắc
mặc dù trước đó miền Bắc có rất nhiều cây viết nổi bật hơn, anh chia sẻ hiện
tượng này như thế nào?
Nguyễn Hưng Quốc: Tôi
hoàn toàn đồng ý với anh. Ở miền Bắc sau năm 1954 thì một số rất lớn các nhà
văn nhà thơ đã nổi tiếng trước năm 1945 chẳng hạn về thơ thì có Xuân Diệu, Huy
Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh còn về văn xuôi thì có Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô
Hoài, Nguyễn Công Hoan... thế nhưng sau năm 1954 dưới áp lực chuyên chế của
chính quyền Hà Nội thì tất cả những người đó không phát huy được tài năng của
mình. Nhưng điều quan trọng nhất họ không những không phát huy tài năng của mình
mà thế hệ trẻ hơn cũng không thể phát huy tài năng để vượt qua họ. Vì thế văn
học miền Bắc cho đến năm 1975 thì những ngọn bút đầu đàn, những người xuất sắc
nhất đều là người đã thành danh trước năm 1975 trong khi đó ở miến Nam chúng ta
thấy ngược lại hẳn.
Sau năm 1954 thì miền
Nam có một số cây bút đã nổi tiếng, thậm chí nổi tiếng một cách lừng lẫy trước
năm 1945 như Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, Nguyễn Vỹ, Bàng Bá Lân
nhưng không người nào phát huy tài năng của họ một cách đầy đủ. Lý do chính là
vì có thế hệ trẻ hơn tiếp nối. Vào lúc ấy họ chỉ khoảng 20 tới 30 tuổi như Mai
Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Nguyên Sa tự nhiên xuất hiện và tài năng của
họ lồng lộng lấn át hẳn các thế hệ đi trước.
Có thể coi công trình
nghiên cứu của Võ Phiến cũng như một số các nhà văn khác như Viên Linh, Du Tử
Lê đóng góp soi rọi một số vấn đề mà trong một cuộc hội thảo chúng ta không thể
nào đề cập tới được.
-Nguyễn Hưng Quốc
-Nguyễn Hưng Quốc
Bởi vậy có thể nói trong
20 năm từ năm 1954 tới 1975 ở miền Nam có sự chuyển đổi giữa hai thế hệ. Thế hệ
trẻ nổi lên và tài năng lừng lẫy đến nỗi che át thế hệ đi trước trong khi ở
miền Bắc thì hoàn toàn không có một thế hệ trẻ như vậy. Nếu có thì may ra chỉ
một nhóm nhỏ trong Nhân văn Giai phẩm, tuy nhiên tài năng của họ chưa phát huy
đến độ rực rỡ thì đã bị trù dập trong suốt mấy chục năm trời.
Mặc Lâm: Cuộc
hội thảo rất công phu và có nhiều người tham gia tuy nhiên tại Việt Nam rất
nhiều người có quan tâm nhưng không thể tiếp cận được. Anh có nghĩ là ban tổ
chức sẽ cho xuất bản một cuốn kỷ yếu về nội dung cuộc hội thảo để phân phối
rộng rãi hơn hay không?
Nguyễn Hưng Quốc: Đó
là điều mà chúng tôi rất mong muốn. Sau cuộc hội thảo thì tùy theo tình hình
chất lượng thuyết trình như thế nào thì chúng tôi sẽ tính đến việc tập hợp
những bài thuyết trình đó lại để in thành một tập kỷ yếu phát hành một cách
rộng rãi để độc giả nào ở xa không thể tham dự được thì vẫn có thể đọc được nội
dung cuộc thảo luận.
Mặc Lâm: Xin
cám ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc.
Thưa quý vị chúng tôi sẽ
trực tiếp có mặt tường trình buổi hội thảo "20 Năm văn học miền Nam"
được tổ chức vào hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật 6 và 7 tháng 12 năm 2014 tại hai
địa điểm là nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo ở Westminster.
Trong hai buổi hội thảo
này sẽ có 16 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và nghiên cứu văn học tại Hoa Kỳ,
Úc, Canada, và Pháp sẽ trình bày, phân tích những đặc điểm cũng như các thành
tựu và ảnh hưởng của văn học miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975.
Ban tổ chức gồm nhật báo
Người Việt, nhật báo Việt Báo, cũng như hai trang mạng chuyên về văn học là
Tiền Vệ và Da Mầu.
Như quý vị vừa theo dõi
phần trình bày của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, cuộc hội thảo này là
dịp để những ai quan tâm tới một thời kỳ quan trọng của văn học Việt Nam có thể
chia sẻ, cũng như trình bày các nghiên cứu của họ đến với đông đảo người Việt
đang thao thức với một nền văn học đã và đang bị thời gian và sự vô tâm của con
người tiêu diệt.
Mời quý vị đón theo dõi
trong chương trình Văn hóa nghệ thuật kỳ tới cũng do Mặc Lâm thực hiện trực
tiếp từ California.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết