QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Thursday, January 17, 2019

Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa 1974


Bài học từ Hải chiến Hoàng Sa 1974

21/06/2014 by The Observer


Tác giả: Ngô Minh Trí & Koh S.L. Collin | Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung


Đã bốn mươi năm trôi qua, nhưng đến hôm nay những bài học từ trận hải chiến Hoàng Sa vẫn còn nguyên giá trị cho quá trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam

Vào ngày 16/01/1974, Lực lượng Hải quân của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phát hiện nhóm lính thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có mặt trên nhóm đảo Lưỡi Liềm (Crescent Group) ở phía tây quần đảo Hoàng Sa (lúc bấy giờ thuộc sở hữu của chính quyền Nam Việt Nam). Lúc này Nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) ở phía đông Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, còn Nam Việt Nam nắm giữ Nhóm đảo Lưỡi Liềm.

Dù vào thời điểm đó Mỹ đã cắt giảm hỗ trợ quân sự dành cho chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, dẫn đến việc Nam Việt Nam cũng cho rút dần các lực lượng đồn trú trên quần đảo, nhưng đây thực sự là một diễn biến bất ngờ do Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành bất kỳ hành động đơn phương nào để phá vỡ nguyên trạng.

Hai ngày tiếp theo, lực lượng hải quân hai bên đã có các vụ va chạm ở cự ly gần, và sau đó đấu pháo nổ ra khi quân Nam Việt Nam cố gắng giành lại Đảo Quang Hòa (Duncan Island). Cuộc đụng độ tiếp tục leo thang, trong đó Trung Quốc nắm thế áp đảo với lực lượng tăng viện được cử đến khu vực giao tranh, bao gồm cả yểm trợ không quân triển khai từ đảo Hải Nam gần đó và các tàu tuần tra tên lửa lớp Hải Nam. Trước tình hình bất lợi là Mỹ đã cắt giảm hỗ trợ hải quân và Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đang rút dần sự hiện diện trên Biển Đông theo hiệp định hòa bình năm 1973, Hải quân VNCH đã bị đánh bại thảm hại. Bắc Kinh sau đó đã nhanh chóng tận dụng chiến thắng này để cho đổ bộ lực lượng quy mô lớn và hoàn tất việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.

Hải chiến Hoàng Sa từ đó đã đi vào lịch sử với ý nghĩa là trận đụng độ hải quân đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát các đảo trên Biển Đông. Trận giao tranh trên biển tái diễn giữa hai nước tại khu vực gần quần đảo Trường Sa vào năm 1988 là lần thứ hai và đến nay cũng là lần cuối cùng. Kể từ đó, căng thẳng đã lắng dịu. Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc trao đổi cấp đảng lãnh đạo và giữa quân đội hai nước (bao gồm cả sự kiện đoàn đại biểu Hạm đội Nam Hải của Hải quân PLA đến thăm một căn cứ hải quân của Việt Nam theo lời mời). Bắc Kinh và Hà Nội gần đây cũng đã bắt đầu thực hiện những cuộc tham vấn song phương về vấn đề hợp tác phát triển nguồn tài nguyên biển tại Biển Đông.

Tuy nhiên, từ trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích và có giá trị lâu dài cho Hà Nội cũng như công cuộc hiện đại hóa lực lượng hải quân mà Việt Nam đang thực hiện, đặc biệt là trước những diễn biến địa chính trị hiện nay.

Bài học lịch sử thứ nhất: Ngoại giao là giải pháp đầu tiên… nhưng không phải là duy nhất

Không có bất cứ hiệp định khu vực và quốc tế nào có thể tạo thành lá chắn tuyệt đối trước các hành động đơn phương, dù là sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp tại Đông Nam Á là một bước ngoặt lớn nhưng lại không hoàn toàn hiệu quả. Trên thực tế, các hành vi đơn phương đe dọa sử dụng hay thực sự sử dụng vũ lực với mục đích lật đổ nguyên trạng hiện nay trên Biển Đông vẫn tiếp tục diễn ra như một xu thế áp đảo. Đoạn video hiện trường do đài CCTV Trung Quốc công bố vào tháng 1/2014 vừa qua đã quay lại một cuộc đụng độ giữa các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2007 ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Gần đây hơn, Biển Đông liên tục chứng kiến các vụ căng thẳng, bao gồm hành động quấy nhiễu tàu thăm dò địa chấn phía Việt Nam của Trung Quốc, vụ đối đầu Trung Quốc – Philippines tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vào tháng 4/2012, và tiếp đó là hành vi khoa trương lực lượng của các tàu tuần tra và khu trục hải quân Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) mà Philippines đang nắm quyền kiểm soát. Những tình tiết này chứa nhiều điểm tương đồng đến kỳ lạ với kịch bản đụng độ hải quân trước kia từng dẫn đến trận hải chiến dữ dội năm 1974

Trong khi các bên tranh chấp ở Biển Đông đã ngồi lại tham dự vào những cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), Bắc Kinh từ tuyên bố đơn phương trước đó về áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (air defense identification zone – ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 12/2013 đã lên tiếng khẳng định mình có đủ những quyền không thể tranh cãi cho việc thiết lập các vùng ADIZ lên những khu vực khác nếu muốn.

Một Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông một khi được thiết lập chắc chắn sẽ củng cố lợi thế cho Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp ở đây, bởi nó hỗ trợ cho các lệnh cấm đánh bắt mà nước này đơn phương áp đặt hàng năm, tăng cường quyền thi hành luật biển mở rộng trước đó cho chính quyền đảo Hải Nam cũng như luật ngư nghiệp được thông qua mới đây, theo đó yêu cầu tàu bè đánh bắt cá của nước khác phải có sự cho phép của Bắc Kinh mới được hoạt động trên phần lớn Biển Đông. Những diễn biến trên nếu tiếp tục phát triển sẽ chỉ đẩy cao nguy cơ bùng nổ xung đột nóng trên Biển Đông, dù là vô tình hay có suy tính trước.

Bài học lịch sử số 2: Không phải lúc nào các cường quốc ngoài khu vực cũng ở kề bên, và không phải lúc nào họ cũng giúp đỡ

Hiện nay các cường quốc ngoài khu vực ngày càng có nhiều lợi ích ràng buộc tại Biển Đông. Ngoài chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe thời gian qua cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao của mình ở Đông Nam Á, một trong những mục đích của chính sách này là nâng cao lập trường lãnh hải của Tokyo trên biển Hoa Đông. Việt Nam chính là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược này. Nhân dịp Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 4 tổ chức tại Washington vào cuối tháng 10/2013, hai bên đã đi đến ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Cũng trong tháng này, có nguồn tin cho hay Tokyo đã rất nhiệt tình với việc cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam trong một phần của kế hoạch đẩy nhanh quá trình xây dựng tiềm lực an ninh hàng hải của quốc gia Đông Nam Á này. Đáng chú ý không kém, Hà Nội cũng đang có mối liên kết thân tình với New Delhi, trước đó họ đã chào đón nhiều chuyến viếng thăm cảng thường xuyên của Hải quân Ấn Độ trong một thập kỷ qua.

Tuy vậy, không có cường quốc ngoài khu vực nào thể hiện rõ thái độ đứng về một bên cụ thể trong các tranh chấp Biển Đông, mà chủ yếu chỉ hướng tập trung vào duy nhất tự do hàng hải. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả trong trường hợp các tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch bị bóng đen xung đột vũ trang trên Biển Đông đe dọa, và Washington hay Tokyo có nguyên nhân chính đáng để can dự vào đây, thì khả năng họ hay bất kỳ thế lực ngoài khu vực nào sẽ giang tay hỗ trợ cho các bên tranh chấp vẫn không thể đoán định. Ví dụ như nếu Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command) có thể phát hiện những ám hiệu về hoạt động quân sự bất thường phía Trung Quốc trên Biển Đông, siêu cường này có thể không phản ứng kịp thời. Trong quá trình triển khai một phần chiến lược tái cân bằng, Hạm đội Hải quân Số 7 của Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động tuần tra biển trong khu vực này: theo công bố, tàu chiến đấu ven biển mới mang tên U.S.S Freedom đang thực hiện những nhiệm vụ vượt mức công tác huấn luyện thông thường trong khu vực, trong khi có thông tin cho biết tuần tra biển trên không cũng đã được Hải quân Hoa Kỳ đẩy mạnh kể từ tháng 7/2012.

Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra giao tranh năm 1974, Sài Gòn từng tìm kiếm hỗ trợ từ Hạm đội Số 7 của Mỹ, nhưng lực lượng này đã tuân theo mệnh lệnh không can dự vào tranh chấp, và kết quả là Hải quân Nam Việt Nam hoàn toàn đơn độc khi chiến đấu tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày nay Washington cũng có lý do để áp dụng quan điểm tương tự, ngay cả nếu một cuộc giao tranh hải quân khác thực sự tái bùng nổ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là khi ở các tình huống đối đầu cục bộ, tranh chấp không hẳn sẽ gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải của các bên khác.

Hơn nữa, Hạm đội Nam Hải của Hải quân PLA hiện tại và trong tương lai không còn là một lực lượng yếu kém, chỉ bám sát ven biển và vận hành những trang thiết bị tấn công và tuần tra cỡ nhỏ thời Liên Xô cũ như trước nữa. Sau một thời gian tích lũy đầu tư nâng cấp về năng lực triển khai lực lượng, bao gồm cả khả năng tiến công đổ bộ, Hải quân PLA ngày nay đã sở hữu nền tảng vững chắc hơn so với thời kỳ năm 1974, đồng thời đủ sức triển khai lực lượng trên quy mô lớn trong một khoảng thời gian dài liên tục, ở những khu vực xa bờ hơn để phục vụ cho mục tiêu khẳng định chủ quyền, và sức mạnh chiến đấu tổng quát của lực lượng này cũng hứa hẹn sẽ hùng mạnh hơn rất nhiều một khi được “cởi trói” ra Biển Đông.

Bài học lịch sử số 3: Cần phải sở hữu ít nhất một lực lượng kiểm soát biển nhất định

Chắc chắn Việt Nam sẽ không thể đuổi kịp năng lực hải quân của PLA trên Biển Đông về quy mô và số lượng. Như các phát biểu chính sách Hà Nội, một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc không chỉ là một ý định bất khả thi từ trứng nước, mà còn được đánh giá là chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn đối với công cuộc Đổi mới mà Việt Nam đang tiến hành. Quá trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam thời hậu Chiến Tranh Lạnh đã được xác định là nhằm lấp đầy những thiếu sót năng lực sau hàng thập kỷ bị bỏ bê.

Trong những năm gần đây, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể khi sở hữu dàn máy móc mới thay thế cho những phương tiện lạc hậu từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, những trang thiết bị mới, chủ yếu là do Nga cung cấp như tàu khu trục nhẹ Gepard-3.9, tàu ngầm lớp Kilo, máy bay đa chức năng Su-30MK2V Flanker được trang bị để tấn công trên biển và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Yakhont/Bastion, các tàu hộ thống lớp SIGMA của Hà Lan cũng như những tàu tấn công và tuần duyên sản xuất trong nước,… tất cả để cho thấy một quá trình hiện đại hóa lực lượng chủ yếu nhằm vào mục tiêu ngăn chặn mọi thế lực thù địch tiếp cận với vùng tranh chấp. Dù vậy, những thiết bị này không chứng tỏ năng lực đảm bảo khả năng tiếp cận của chính Việt Nam.

Tuy nhiên, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 đã nhấn mạnh cho Việt Nam ngày nay một bài học: ngăn chặn kẻ thù chỉ bằng cách phong tỏa các thực thể đảo đá trên Biển Đông là chưa đủ, mà quan trọng hơn còn phải đảm bảo khả năng tiếp cận của chính mình tới những đơn vị đồn trú có vị trí dễ bị tấn công và nhạy cảm trên Biển Đông. Chỉ có cuộc chuyển đổi từ năng lực ngăn chặn sang kiểm soát trên biển mới hy vọng có thể đạt được điều này. Trong bối cảnh khu vực dọc biên giới trên bộ với các nước láng giềng vẫn được duy trì trong hòa bình, Việt Nam nên tận dụng cơ hội để tập trung vào năng lực chiến đấu trên biển bằng không lực.

Với một Việt Nam luôn đi theo hướng duy trì nguyên trạng (cũng giống như chính sách mà chính quyền Sài Gòn năm 1974 theo đuổi) và trong bối cảnh hải chiến trên Biển Đông có nguy cơ tái diễn, lực lượng quần đảo Việt Nam càng có thêm lý do để giành lại các thực thể trên biển đã bị chiếm cứ, hoặc ít nhất là củng cố những căn cứ mà họ đang đồn trú trước mối đe dọa bị tấn công vũ trang. Theo kịch bản này, tình thế khó khăn của quốc phòng Việt Nam có lẽ cũng không khác so với của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Trong chiến lược quốc phòng mới công bố gần đây, Tokyo đã vạch rõ tính cấp thiết của chính sách phòng ngự cơ động hợp nhất và mạnh bạo, để chủ động dự trù cho tương lai Lực lượng Tự vệ nước này cần tái chiếm các đảo thuộc biển Hoa Đông trong thời gian xảy ra chiến sự căng thẳng. Tất nhiên Việt Nam không thể hy vọng tập trung được trang thiết bị ngang với sức mạnh của Nhật Bản do còn nhiều hạn chế về kinh tế. Để xây dựng được quân lực kiểm soát biển tốt, ít nhất là ở mức hữu hạn, Hà Nội nên tập trung vào việc cải thiện khả năng báo hiệu sớm (early warning) và hải vận đổ bộ (amphibious sealift) trên phạm vi rộng.

Nhiệm vụ cảnh báo sớm của Việt Nam hiện tại đang được trao cho một mạng lưới giám sát điện tử cố định lắp đặt dọc bờ biển Việt Nam và trên những thực thể ở Biển Đông thuộc sở hữu của nước này, và chỉ những năm gần đây máy bay tuần dương mới được tăng cường bổ sung cho lực lượng hải quân và cảnh sát biển Việt Nam. Những máy bay này có nhiệm vụ chủ yếu là do thám trên bề mặt biển, nhưng lại chịu hạn chế về thời gian hoạt động cũng như thiếu khả năng chiến đấu chống tàu ngầm phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh thách thức trong lòng biển của PLA càng tăng cao. Một lực lượng không quân tuần dương với khả năng hoạt động kéo dài và được lắp đặt cảm biến tầm xa chính là phương tiện thích hợp cho thời điểm hiện tại, và có lẽ sẽ bám trụ tốt hơn những thiết bị lắp đặt cố định.

Thủy quân lục chiến của Việt Nam – lực lượng chuyên trách tiến công đổ bộ, sau nhiều lần cải tổ trong những thập niên qua đã trở nên gọn nhẹ nhưng cũng tinh nhuệ hơn, sở hữu trang thiết bị tiên tiến hơn. Mặc dù vậy, lực lượng này vẫn còn yếu về mặt chuyển quân, trong khi các tàu đổ bộ thời Liên Xô và tàu cổ của Mỹ đã quá cũ và gần như không thể hoạt động. Các công ty đóng tàu hải quân non kém của Hà Nội đến nay đã cho xuất xưởng một vài phương tiện vận chuyển tấn công mới, có vẻ như để lấp đầy lỗ hổng này. Tuy nhiên, Thủy quân lục chiến của Việt Nam cần phải bổ sung thêm một số lượng tàu lớn hơn thế nếu muốn triển khai các lực lượng vững mạnh hơn, hoạt động với tốc độ cao hơn để có thể củng cố những căn cứ đóng quân trên Biển Đông hoặc tái chiếm chúng từ đối thủ.

Những suy nghĩ cuối cùng

Hải chiến Hoàng Sa đã qua đi bốn mươi năm. Tuy vậy, dù Biển Đông đến nay tương đối tĩnh lặng, đây vẫn là bài học nhắc nhở Hà Nội tiếp tục thận trọng qua việc duy trì nhịp độ đẩy nhanh hiện đại hóa hải quân. Trong khi ngoại giao vẫn đang là phương sách được ưa chuộng và các cường quốc ngoài khu vực ngày càng phụ thuộc mạnh mẽ vào khu vực, sức mạnh quân sự tương xứng theo chính sách phòng vệ tự lực vẫn còn rất cần thiết, nhất là khi khu vực tiếp tục còn ẩn chứa nhiều bất ổn. Để duy trì nguyên trạng trên Biển Đông, so với quân lực VNCH, lực lượng Không quân và Hải quân của Việt Nam hiện tại và trong tương lai đang và sẽ phải đối mặt với một thách thức còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Nguồn: The Diplomat
__._,_.___

Posted by: Gia Cat 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List