QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Saturday, April 27, 2013

Câu chuyện vượt biển của một thuyền nhân là thương phế binh VNCH



 

Câu chuyện vượt biển

của một thuyền nhân là thương phế binh VNCH


Nghịch cảnh mà các thuyền nhân Việt Nam gánh chịu đã đánh thức lương tâm nhân loại mở lòng từ bi bác ái đón nhận người Việt vào định cư tại các miền đất Tự Do, An Bình và Thịnh Vượng.

Băng Huyền

Sau tháng 4 năm 1975 đã có cuộc đào thoát của hàng triệu người Việt bỏ quê hương ra đi bằng đường biển, đường bộ. Hàng trăm ngàn người đã tử nạn trên biển Đông, trong rừng sâu Campuchia, Thái Lan trên chặng đường vượt biên của mình. Họ đã mất tất cả, ngoại trừ niềm hy vọng đến được bến bờ tự do. Họ đã phải đánh đổi với bao nỗi kinh hoàng bằng máu, nước mắt, và cả thân xác. Mỗi thuyền nhân nằm lại trên đường đi tìm tự do đã trở thành những thông điệp, những chứng tích cụ thể đầy đau thương của dân tộc Việt Nam kể từ biến cố tháng 4 cách nay 38 năm. Nghịch cảnh mà các thuyền nhân Việt Nam gánh chịu đã đánh thức lương tâm nhân loại mở lòng từ bi bác ái đón nhận người Việt vào định cư tại các miền đất Tự Do, An Bình và Thịnh Vượng.


Thương phế binh VNCH Nguyễn Văn Đức


Trong ký ức của thuyền nhân Nguyễn Văn Đức, một thương phế binh VNCH đã bị mất hết 2 chân trong một lần hành quân vì đạp phải mìn của quân thù, vẫn còn ghi đậm chuyến vượt biển ra đi. Hằng năm cứ đến tháng Tư, ông không khỏi bùi ngùi nhớ lại chuyến đi thập tử nhất sinh khi ông đưa vợ đang mang thai đứa con thứ hai, đứa con trai 2 tuổi và chính mình, cùng vợ chồng với 2 đứa con nhỏ của một người bán kem, lênh đênh trên chiếc xuồng chèo mong manh từ Cà Mau vượt đại đương đi tìm tự do. Ông không thể nào quên được những giây phút hiểm nguy, lênh đênh trên biển mười mấy ngày, và may mắn sống sót sau cuộc hải hành tử sinh sau khi gặp hải tặc 2 lần, bị bão to, sóng dữ… Cuối cùng trôi dạt đến Thái Lan, ở trại tị nạn Phanat Nikhom, Chonbury vào đầu năm 1980 khoảng 1 năm, trước khi đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1981.
Rồi cũng trong tháng Tư hằng năm, những ký ức cũ như âm bản của một cuốn phim đã mất, lại trở về với ông, gợi lại cả một quãng đời. Ngày ấy, lúc tuổi xuân phơi phới, ông đã chính thức trở thành một tân binh của Sư đoàn 7 đóng quân ở Bình Đức, Mỹ Tho, vào tháng 12 năm 1971. Ký ức về những giờ phút khắc nghiệt luôn đối diện với tử sinh khi đi hành quân. Trong chiến tranh, chết chóc là điều không tránh khỏi, người chết đã là một lẽ, nhưng bi kịch mà ông cũng như bao đồng đội kém may mắn như ông đã gánh phải là mang phế tật suốt đời, bị bỏ lại bên lề cuộc đời sau khi chiến tranh chấm dứt, chất chồng những tháng năm tủi nhục của một người lính bại trận trước sự thù hằn của kẻ chiến thắng. Đó là những dấu ấn mà ông muốn quên, muốn bỏ lại sau lưng, nhưng cứ đến tháng 4, nó cứ gợi lại nỗi đau mà ông ngỡ chúng đã được vùi chôn tận đáy lòng.

Cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi
Sinh ra và trưởng thành tại Cần Thơ, chàng nông dân Nguyễn Văn Đức lúc bấy giờ ngoài công việc đồng áng, giăng câu, còn có tài chơi đàn guitare phím lõm, sinh hoạt đờn ca tài tử ở thôn xóm quanh vùng. Cũng như bao thanh niên và bè bạn, là thanh niên sinh ra trong thời chiến, 18 tuổi với sức dài, vai rộng, ông đã sớm tham gia vào quân lực VNCH, để làm tròn nghĩa vụ với non sông.
Trong một cuộc hành quân vào tháng 12 năm 1973, ông giẫm phải mìn, nát hết hai chân. Khi tỉnh lại trong bệnh viện Ba Dã Chiến, ông biết mình không còn đôi chân nữa, khi đó ông chỉ muốn tìm đến cái chết. Do điều kiện y tế thiếu thốn trong thời chiến, bác sĩ đã cưa ngang chân ông, mà không nối lại những gân máu, khiến nỗi đau của vết thương cũ vẫn còn nguyên đó suốt bao năm qua, ông phải gánh chịu những cơn đau dai dẳng mỗi khi trái gió trở trời. Từ hồi qua Mỹ đến nay, ông thường xuyên nhập viện vì những cơn co giật do vết thương cũ tái phát, ông phải luôn dùng thuốc giảm đau liều cao trong suốt cuộc đời mình.
Ông Đức kể ông đã ở trong bệnh viện Ba Dã Chiến trong suốt thời gian bị cưa chân cho đến khi mất nước. Nếu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa còn, ông sẽ được chăm sóc và vào làng phế binh để sống đến cuối đời, nhưng tháng 4 năm 1975, ông và những đồng đội của mình đã bị xua ra khỏi bệnh viện đang nằm điều trị.
Ông Đức nói: “Ban đầu tôi đi xuống nhà người quen ở Cầu Đúc, Cái Sình, huyện Gò Quao, Chơn Thiện, tôi đi đánh lưới để kiếm sống qua ngày. Vì không còn đôi chân, hồi đầu cũng khó khăn khi đi đánh lưới, nhưng nhờ đã có kinh nghiệm trước đó, dần dần tôi cũng làm quen lại và thích nghi được khiếm khuyết của mình.”
Đến năm 1977 ông đã quen với người phụ nữ chịu thương chịu khó tại vùng quê này và ly chị làm vợ. Đến năm 1978, sau khi vợ sanh đứa con trai đầu lòng, ông không thể chịu mãi sự hà khắc, chèn ép của công an xã tại đây. Khi gặp ông, chúng luôn chỉ vào mặt ông, chửi ông là tàn dư Mỹ Ngụy, là ác ôn… Không thể nhịn nhục mãi, để tránh phiền hà cho vợ con mình, ông quyết định đưa gia đình xuống Cà Mau sinh sống. Vợ chồng và đứa con cùng sống trên chiếc ghe tam bản, ở sâu trong rừng tại Lô Rán. Ngày ngày ông tiếp tục đánh lưới, đem cá phơi khô, vài bữa đem ra chợ bán để mua gạo, mắm muối… đắp đổi qua ngày. Nhưng ông thấy nếu mình cứ sống vậy, khi con lớn lên sẽ không có tương lai, nên đã quyết định vượt biên để vợ con đỡ khổ hơn. Ban đầu ông có ý định sẽ mua máy rồi gắn vô ghe mà đi, nên ông đã sửa sang lại chiếc ghe của mình. Trong một lần ra chợ bán cá, ông gặp một anh chàng cùng vợ con đi chiếc xuồng chèo cặp vào thuyền ông hỏi mua cá, vì cá còn dư chỉ để vợ chồng ông ăn, nên ông không bán, mà cho. Khi biết được anh ta là dân Mỹ Tho, nhớ cái tình của người dân vùng quê mà ông từng đóng quân tại đây, nên đã kêu vợ làm cơm đãi vợ chồng anh ta, rồi tặng thêm gạo cho họ. Trong lúc tà dư tửu hậu, anh ta cho biết anh đang trên đường đưa vợ con đi gặp ông cậu để vượt biên. Ông Đức khuyên nếu chuyến đi bị bể thì hãy quay gặp ông, để ông tặng mấy trăm thước lưới, giúp anh ta ngụy trang là dân ở xa về đây đánh lưới, chứ không sẽ bị tụi công an xã, công an biên phòng biết là dân vượt biên, bắt bỏ tù. Sáng sớm hôm sau, anh ta quay lại gặp vợ chồng ông Đức, cho biết ông cậu đã cướp ghe người ta đi trước rồi, giờ anh đang bơ vơ. Ông Đức tặng lưới cho anh ta, rồi dặn dò cách để tránh công an ra sao. Trong lúc thân tình, ông buột miệng cho biết vợ chồng ông chuẩn bị vượt biển. Anh ta năn nỉ cho đi theo, anh ta hứa nếu qua đến Mỹ, sẽ ở đợ trả ơn, rồi khoe có chị gái đang sống ở Texas. Thương tình, ông Đức đồng ý cho đi cùng, vì khi đó tình hình đang rối ren, anh ta là dân mới đến, không biết đánh lưới, ở đó thế nào cũng sẽ bị bắt. Thấy tình hình lúc đó công an bắt ráp người đi vượt biên khá căng thẳng, nên ông không kịp để đi lấy máy cho ghe. Vì biết kéo buồm, nên ông quyết định sẽ đi bằng buồm và đi sớm hơn dự định.

Chuyến đi định mệnh đi tìm sự sống và tự do
Ông Đức nhớ lại: “Hồi đầu tôi định tất cả mọi người sẽ đi bằng ghe của tôi, vì tôi đã đóng khoang bên dưới chắc chắn rồi, còn xuồng của anh chàng kia là chiếc thuyền mong manh. Nhưng mới đi ra khỏi cửa sông, thì gặp phải dàn đáy, sóng biển đập mạnh, hai ghe sẽ đụng vào nhau vỡ ra, chìm hết cả hai. Khi đó trong ghe của tôi còn mấy trăm thước lưới, đồ đạc nhiều, không kịp giục đi, tôi chỉ kịp cho vợ con và mình cùng một ít đồ nhảy qua ghe của anh chàng kia để chèo đi. Vì xuồng chèo của anh ta quá nhỏ, sóng to, nếu chở nặng sẽ chìm ghe, mọi người cứ phải giục bớt đồ đi.”
Ông Đức đã chống cây sào, căng buồm lên là cái võng hồi đi lính để làm buồm. Đi được một ngày yên lành thì đến sáng hôm sau gặp ngay một trận bão khá mạnh, gió to sóng cả và biển trở nên dữ dằn. Không thể giữ vững hướng cho con xuồng bé bỏng nên nó bị thổi dạt về phương Bắc. Tình trạng của mọi người trên xuồng hoàn toàn vô vọng, chiếc xuồng trôi dạt không biết đi đâu, hoàn toàn mất phương hướng, mọi người cứ nằm lênh đênh 3 ngày trên biển, tất cả từ lớn đến nhỏ thoi thóp không còn biết gì. Sóng biển đưa xuồng vô, rồi lại đưa ra, cứ thế dập dềnh.
Đi đến ngày thứ ba, gió chướng đưa xuồng lại về hướng vịnh Thái Lan, khi đó, ông Đức kéo buồm lên đi tiếp, chiều đó gặp 1 tàu công an biên phòng, ông Đức nhớ lại:
“Có năm anh chàng công an trên tàu đó, hỏi chúng tôi đi đâu, tôi khai đi Năm Căn đánh cá, gió bão đưa xuồng ra đây mấy ngày, giờ không đưa xuồng vô được. Họ nói nếu muốn họ kéo vô, thì phải ở tù 6 tháng. Anh chàng công an nhìn hiền lành hình như Trời khiến cho nói, bảo với chúng tôi, “mấy người đi đi, biết đâu đi thì sống, còn không thì phải vào tù ngồi”, anh ta còn chỉ cho tôi cứ theo hướng mũi tàu mà đi thì sẽ đến Thái Lan. Anh ta còn đùa rằng khi tới bển nhớ gửi thơ về cho biết nha, rồi cho chúng tôi mấy ca nước. Thế là tôi tiếp tục kéo buồm cho tàu đi tiếp, và cứ canh theo mũi tàu, canh gió chướng, gió nồm mà đi.”
Đêm đó cơn bão lại tới, ông Đức tiếp tục điều khiển cho chiếc xuồng đi trên sóng bạc đầu, lái bằng tay lái đằng sau của xuồng. Chiếc xuồng bé bỏng nhô lên cao rồi bị thả xuống liên hồi, rất may là nó còn vững chắc nên không tan ra thành mảnh vụn. Đi mấy ngày sau, mới hết bão. Mọi người bèn chặt cây dầm ra, đốt lửa lên rang gạo để ăn cầm hơi., tất cả đều khát nước. Khi đó tinh thần mọi người hoàn toàn suy nhược chỉ còn trông mong bàn tay cứu nạn của Đức Phật hay Thượng Đế. Chỉ mong được một tàu buôn ngoại quốc thương tình cứu vớt, còn nếu không may thì đành bỏ mạng trên biển.
Ông Đức cất giọng đều đều kể: “Khi đang tuyệt vọng, chúng tôi gặp một tàu của hải tặc Thái Lan, họ xét xuồng, không tìm thấy gì, nên ra hiệu cho đi, họ có cho chúng tôi một ít cơm và nước. Đi thêm mấy ngày, chúng tôi lại gặp 1 tàu Thái Lan khác, họ bắt vợ tôi và vợ anh chàng kia lên tàu, vợ tôi khi đó đang có bầu, nên không bị làm nhục, còn vợ anh kia thì tôi không biết ra sao. Chúng buộc chiếc xuồng của chúng tôi vào sợi dây, rồi kéo ra xa. Sáng hôm sau, chúng thả hai người phụ nữ ra, rồi chỉ hướng cho đi. Tối hôm đó xuồng chúng tôi đang đi, tôi nhìn thấy xa xa có ánh đèn là 2 chiếc tàu dầu rất to đang chạy song song về hướng xuồng chèo chở chúng tôi, trời thì tối đen, tôi nghĩ thôi tới số chết hết rồi. May sao còn một cây diêm quẹt tôi lận trong lưng quần, còn 1 chút dầu hôi, tôi bỏ vô bao bố đựng gạo, quẹt lên, may là nó cháy, tôi buộc nó vào cây cột tay lái quơ quơ lên. Chiếc tàu từ xa nhìn thấy, đã quay ngang tàu, để né xuồng chèo của chúng tôi, gần nửa tiếng sau dư âm của màn sóng do tài dầu để lại khiến chiếc xuồng vẫn còn dập dềnh quay như chong chóng.”
Chiếc xuồng lại đi được thêm hai ngày, thì gặp chiếc thuyền của hải tặc từng bắt 2 người phụ nữ lên tàu đã kéo chiếc xuồng của ông Đức một đoạn, rồi chỉ đường cho ông đưa mọi người vào ngay bờ biển Thái Lan.

Bến bờ tự do
Ông Đức nói: “Sau nhiều ngày trên chiếc xuồng vốn được đóng để đi sông, mà chúng tôi sống sót như thế thì quả là quá may mắn, bởi có rất nhiều câu chuyện bi thảm của những thuyền nhân kém may mắn khi phó thác số phận mình trên những chiếc thuyền mong manh để vượt trùng dương, hầu như thường xuyên luôn gặp nạn. Vì nếu có khoảng một triệu người may mắn đến được những nơi muốn đến, thì cũng chừng ấy số người đã vĩnh viễn ở lại dưới lòng đại dương.”
Qua suốt câu chuyện tâm tình của mình, ông không hề than van, chẳng hề tiếc nuối về những nghịch cảnh mà mình gặp phải trong cuộc đời. Việc “phụ bạc” của anh chàng cùng đi trên chiếc xuồng mong manh, khi lên đến trại tị nạn Thái Lan, anh ta đã trở mặt, phủ nhận công của ông và tự nhận hết về mình. Hay chuyện vợ chồng ông sau vài năm định cư ở Mỹ đã không còn tiếp tục “ăn đời ở kiếp” với nhau. Chuyện khó khăn về những trở ngại trong ngôn ngữ nơi xứ người, cùng những cơn đau do thương tật hành hạ… Ông xem mọi sự đến với cuộc đời mình như là sự đưa đẩy của số phận.
Việc kể lại câu chuyện vượt biển, ông nói không phải để ông gợi lại những hận thù với những kẻ khiến ông phải đưa gia đình chạy khỏi Việt Nam, mà chỉ muốn lưu lại một câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện vượt biển khác của thuyền nhân Việt Nam. Để con cháu của ông và những bạn trẻ gốc Việt sinh ra tại Hoa Kỳ hiểu hơn những đau thương của thuyền nhân Việt Nam. Để các bạn trẻ biết trân quý những gì mà các bạn đang được hưởng tại vùng đất tự do này.
Ông Đức bùi ngùi nói: “Để các em hiểu rõ hơn về nguồn cội, và mong rằng các em sẽ không bao giờ chối bỏ cội nguồn, mà hãy tiếp bước những việc làm mà ông, cha còn dang dở, góp phần giúp quê hương Việt Nam sớm có tự do dân chủ, giúp đồng bào trong nước có được “Tự do”, là những điều mà ông bà, cha mẹ của các em đã đánh đổi khi đi trên con đường chết, để tìm đường sống cho các em. Mong sao đất nước mình sớm không còn cộng sản, để tôi có thể trở về thăm lại quê hương, nơi mà tôi đã ra đi từ đó đến nay chưa một lần quay lại.” (B.H)


Băng Huyền

 

 

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List