QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, April 24, 2013

Khép Cửa Trăm Năm


 

" Khép Cửa Trăm Năm " đến nay tròn trèm gần 130 năm, ấy vậy mà nội dung
    bài tâm luận vẫn mãi mãi vung đầy giá trị ...

Nhóm LTLN / Paris hân hạnh kính chuyển đến quý vị bài tâm luận nhân ngày 30.04 : 
"Khép Cửa Trăm Năm" của Tiên-sinh Hoàng Nguyên Nhuận .

In
Email

ban_do_VN
Khép Cửa Trăm Năm
Hoàng Nguyên Nhuận

1884-1984, khép cửa trăm năm

Tặng bác Mậu


Có mấy câu hỏi đến bây giờ tôi vẩn chưa trả lời được: hỏi Trịnh-Nguyễn phân tranh có ai phải di cư ra Bắc, có ai phải di tản vào Nam không? Sông Gianh có như vĩ tuyến thứ 17 từ năm 1954 đến 1975 không? Bờ biển ngày 26 có giống như các “bãi” của những người đi “chui” sau 1975 đến nay không? Con dân của vua Lê chúa Trịnh có được vào Nam thăm bà con, con dân của chúa Nguyễn có được về Bắc thăm ông bà cha mẹ không?

Những người từ Bắc trốn vào Nam, hoặc từ Nam trốn ra Bắc có phải “tốn sáu cây” không? Hồi phân chia Trịnh - Nguyễn, có ai phải chạy ra nước ngoài, ví dụ Lào, Thái Lan, Cao Miên, Trung Hoa không? Và sau hết, khi Quang Trung dẹp vua Lê chúa Trịnh, bao nhiêu người đã chạy ra nước ngoài, rồi bao nhiêu người đã theo quân Thanh trở về đánh lại Nguyễn Tây Sơn?

 

Có gì khác nhau giữa những đại cuộc này và đại cuộc 1954, 1975?

Một trăm lẻ một năm trước đây, Pháp đã chia Việt Nam làm ba “nước”. Cochinchina nước thuộc địa, Tonkin nước bảo hộ và Annam nước còn tự chủ trên danh nghĩa và vẫn còn là chư hầu của Trung Hoa. Cái họa một cổ hai tròng ấy, một năm sau đó, Pháp đã dứt cho Annam bằng Hiệp Ước Patenôtre 1884. Cái ấn bạc nhà Thanh trao cho Gia Long khi phong vương đã bị khâm sứ Rheinard chính thức thủ tiêu trước sự chứng kiến của quan lại nhà Nguyễn. Pháp đã toàn thắng, triều đình nhà Nguyễn Phúc thực tế cáo chung chứ không phải đợi đến khi Bảo Đại thoái vị sau sáu mươi mốt năm sau đó.

1984 là đúng trăm năm từ ngày đại cuộc đó xảy ra. Và rồi chuyện gì đã đến với dân tộc Việt Nam suốt trăm năm đó?

Người Việt ở trong nước cũng như đang nương thân xứ người thường thích các lễ kỷ niệm. Thế mà hai năm nay, có những đại cuộc đáng kỷ niệm thì hình như mọi người đều quên. Năm ngoái, kỷ niệm trăm năm hòa ước Quý Mùi 1883, và hai mươi năm cách mạng 1/11/1963. Người ta đã quên hòa ước Quý Mùi năm ngoái, và hình như cũng đã quên hòa ước Giáp Thân 1884 năm nay. Cuộc đô hộ bảy mươi năm của Pháp (1884-1954) và những hệ lụy hiển nhiên của cuộc đô hộ này suốt trong hai mươi năm sau đó (1954-1975) chẳng có gì đáng phải suy nghĩ, phải rút kinh nghiệm để làm bài học cho hiện tại và tương lai?

Nhìn từ căn cơ, lịch sử chỉ là những đại cuộc tái diễn mà sự khác biệt về thời gian, không gian, màu sắc chính trị, xét cho cùng chỉ là những biến đổi tuỳ duyên, tùy y báo và cộng nghiệp của hoàn cảnh, chánh báo và biệt nghiệp của những kẻ hữu trách chủ động. Vô minh đời đời vẫn chỉ là một, lịch sử chỉ là sự toàn thắng vô minh, và thường khi, chỉ là sự toàn thắng của vô minh.

Năm 1965, chính quyền của Tổng Thống Johnson đã theo chân của Đại Úy John Percival, hạm trưởng chiếc USS. Constitution một trăm hai mươi năm trước đó đổ thủy quân lục chiến xuống Chu Lai. Chúng tôi được mời tham dự lễ choàng vòng hoa đón tiếp nhưng không đi. Tướng Nguyễn văn Chuân, Tư Lệnh Khu XI Chiến Thuật hơi buồn chuyện đó nhưng không nói gì. Chính quyền Mỹ cũng phiền chuyện đó, nhưng đã cố căn vặn. Thành thật nghĩ sao nói vậy, tôi đã trả lời họ rằng trên đại thể của chiến lược domino, bận tâm chính của Hoa Kỳ là Trung Hoa, chứ không phải là Việt Nam. Sài Gòn chỉ là cái cầu cho Hoa Kỳ “đi” Bắc Kinh qua ngã Hà Nội. Nếu Hoa Kỳ muốn đánh Trung Hoa như ở Cao Ly mười lăm năm trước đó, tôi sẵn sàng theo Thủy Quân Lục Chiến như một tên lính đánh thuê. Nếu Hoa Kỳ đổ quân mà không làm chuyện đó tôi sẽ chống. Tại sao?

Năm 1945, người Pháp trở lại Bắc Việt, đơn phương chống Việt Minh theo quan niệm của họ nên chín năm sau đó nửa nước lọt vào tay cộng sản. Bây giờ Hoa Kỳ cũng tái diễn hành động của Pháp, bao lâu thì nửa còn lại sẽ mất? Đổ quân mà không giải quyết vấn đề tận gốc thì trước sau cũng phải thương thuyết để rút. Pháp đã thương thuyết để rút với cái giá nửa nước Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ thương thuyết để rút với cái giá của những gì còn lại?

Sợ mà vẫn không thoát. Người Mỹ không chiến thắng và người Việt phải di tản. Thời gian cũng khoảng 9 năm: 1963-1972. Phải, cũng xấp xỉ chín năm tròn. Bởi lý, tuy Hiệp Định Paris ký kết năm 1973, và 1975 thì miền Nam mới sụp đổ, nhưng thực tế mọi chuyện đã được quyết định, ít ra cũng là trong ngày 21/10/1972, khi Kissinger gặp Thiệu-Nhã ép buộc cả hai phải chấp nhận những điều khoản của hiệp định Paris, và ngày hôm sau Nixon dọa cúp viện trợ và sẽ không ủng hộ Thiệu nữa. Chính phủ Hoa Kỳ đã làm hết cách để Hiệp Định Paris được ký kết, bởi Hoa Kỳ không thua trận Điện Biên Phủ ở Việt Nam như Pháp  chín năm trước, nhưng Nixon thì lại đang bị vây khổn trong một trận Điện Biên Phủ ngay tại nước Mỹ: “trận” Watergate.

Năm 1954, khoảng một triệu người phải di tản. Năm 1975 con số cũng tương tự. Hết chạy nạn Sơn Tinh đến chạy nạn Thủy Tinh, hết ách Thủy Tinh lại đến ách Sơn Tinh. Có những người chạy vì đã cộng tác với Pháp với Mỹ, tôi thì trong ba chế độ đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa đều bị nằm nhà mát, tôi cũng phải chạy luôn. Bởi tôi không thích đế quốc, trắng hay đỏ thì cũng là đế quốc, bởi tôi chỉ muốn làm người Việt Nam, bởi tôi lo sợ sự đau khổ lo buồn của những người thân yêu sẽ lớn hơn gấp bội những đau khổ của riêng tôi...

Ngày xưa cha ông chúng ta đánh nhau với Tàu, với Pháp, với Nhật chỉ vì độc lập tự chủ, chỉ vì nước Nam phải là của người Việt Nam. Ý niệm yêu nước đó còn mãi ít ra cũng cho đến thời Văn Thân, Cần Vương. Cái lợi của đường lối yêu nước này là khả dĩ kết hợp mọi dị biệt cá nhân để lo chống ngoại xâm trước đã, nhưng lại hại ở chỗ chỉ biết quay về quá khứ, hoặc bám lấy hiện tại. Phan bội Châu bảo hoàng, Phan chu Trinh quân chủ lập hiến, Phạm Quỳnh và Nguyễn văn Vĩnh đề huề hợp tác, Trần trọng Kim dựa vào Nhật, những người kế nghiệp Nguyễn thái Học trông vào Tưởng giới Thạch, Lư Hán... Ngày xưa Văn Thân, Cần Vương trông cậy vào ngọn giáo, súng hỏa mai và lòng dân bất khuất, ngày nay người ta chỉ trông cậy vào ngòi bút và tầng lớp có đầu óc ở thành thị và nghĩ rằng độc lập tự chủ có thể thâu hồi dần dần bằng thương thuyết và bằng sự giác ngộ của thực dân.

Gandhi lấy máy kéo sợi cá nhân làm súng, kinh cầu nguyện bất bạo động làm đạn để võ trang dân Ấn, và Gandhi thành công. Bởi thực dân Anh ở Ấn Độ không giống như thực dân Pháp ở Việt Nam, bởi truyền thống và chủ lực đấu tranh của dân Việt không giống dân Ấn. Rắn phải có đầu, phong trào phải có lãnh đạo. Lãnh đạo các phong trào yêu nước Việt Nam là kẻ sĩ. Pháp đã lần lượt phá hoại và làm ung thối giới sĩ phu Việt Nam bằng nhiều biện pháp như dẹp các khoa thi khiến cho kẻ sĩ chỉ còn là hàn nho thầy đồ, biến quốc ngữ thành văn tự chính thức, nhưng không phát triển giáo dục căn bản khiến cho đa số dân chúng trở thành thất học mù chữ, bạc đãi những kẻ sĩ khuất thân cộng tác: lương một viên chức cao cấp người Việt không bằng lương một tùy phái người Pháp, kềm kẹp và đàn áp khốc liệt những phong trào yêu nước không cộng sản, khiến cho phe này suy tàn và mở đường cho sự thắng lợi của cộng sản trong sự tranh giành quyền lành đạo kháng chiến về sau. Hậu quả là đến khi cần thỏa hiệp với phe không cộng sản thì không còn có người nữa. Thủ Tướng Nguyễn văn Xuân, vị Thủ Tướng “quốc gia” đầu tiên sau Hiệp Định Hạ Long 1948, là một dân Tây, đi lính Tây, sống ở Pháp, không nói thạo tiếng Việt; Trần văn Hữu đại điền chủ dân Tây; Nguyễn văn Tâm, hùm xám Cai Lậy khát máu, cầm đầu một chính phủ mà lãnh sự Mỹ ở Hà Nội hồi năm 1952 đã báo cáo là một bọn “cơ hội chủ nghĩa, bất lực, cực kỳ phản động, sát nhân, đánh thuê chém mướn chính trị và sau hết, một đám đớn hèn...” Và đến lúc cấp bách, người Pháp đã phải chọn kẻ thù làm đồng minh đó là Ngô đình Diệm, người đã đào huyệt chôn nền đô hộ của Pháp tại miền Nam.

Sĩ đã vậy, nông-công-thương cũng chẳng hơn gì. Ruộng đất bị tước đoạt. Các đồn điền hầm mỏ nhà máy của Pháp được mở ra để sản xuất một lớp nông công ngày càng đông, càng khốn cùng. Chính sách độc quyền kinh tế, biến nền thương mại bản xứ thành giới bán hàng rong, bán lẻ. Xã hội Việt Nam không chỉ như rắn không đầu bần hàn nghèo khổ vì chính sách bóc lột của thực dân mà còn trở thành sa đọa nữa. Nghề điếm thuốc phiện rượu chè cờ bạc được khuyến khích phát triển mà vềt tích khổng lồ cuối cùng là Kim Chung - Đại Thế Giới ở Sài Gòn.

Bằng chính sách đô hộ thực dân đó, người Pháp đã dần dần thay đổi ý nghĩa của mấy chữ kháng chiến, cách mạng theo ý nghĩa truyền thống. Cách mạng là “dứt mệnh trời”, chấm dứt một quân quyền, một triều đại không còn thuận lòng dân. Kháng chiến là chống kẻ ngoại xâm phục hồi tự chủ. Cách mạng là làm cho vua phải ra vua, kháng chiến là thu hồi cái “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Ý nghĩa truyền thống của cách mạng, kháng chiến do đó đã hàm ẩn ý nghĩa cái cũ là cái chính đáng cái tốt. Nhưng trong hoàn cảnh đô hộ của Pháp, cái cũ không còn chính đáng nữa, không còn tốt nữa. Kháng chiến không còn là để khôi phục vương quyền cho nhà Nguyễn, cách mạng không còn chỉ là chấm dứt chế độ thực dân. Kháng chiến, cách mạng giờ đây bao hàm ý nghĩa dứt đi đuổi đi rồi xây dựng lại một xã hội đã bị thực dân làm cho suy tàn, kết hợp lại một dân tộc đã bị thực dân cắt lìa từng đoạn, xắn ra từng phần. Chính những ý nghĩa mới này đã mở đường cho những xâm nhập và tranh chấp ý thức hệ trong hàng ngũ kẻ sĩ Việt Nam, và đồng thời mở đường cho những thao túng của quyền lực quốc tế mà đế quốc muốn tránh vì đã thấy rõ cái hại trực tiếp đối đầu nhau qua hai cuộc đại chiến 1914-1918, 1939-1945 và chiến tranh Cao Ly 1950.

Với người Việt Nam, các phe nhóm chống nhau vì dị biệt ý thức hệ cũng chẳng khác gì Mỵ Châu ngồi sau cha mà rắc lông ngỗng cho kẻ thù tìm hại cha. Kháng chiến cách mạng giải phóng cũng vì ý thức hệ mà biến tướng, đấu tranh yêu nước biến thành chiến tranh ủy nhiệm. Người Việt Nam đánh nhau không còn như hồi Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn nhưng là những tên lính tiền phương của thế giới tự do, của khối xã hội chủ nghĩa. Hỏa lực khác nhau và mãi lực cũng khác nhau. Những đồng rouble, đồng quan trên tay một người Việt này có khác gì một đồng franc, đồng dollar trên tay người Việt khác? Khẩu M.16 khác gì khẩu AK.47, chiếc T.54 khác gì chiếc M.48, MIG khác gì F.5E? Và đã hẳn, những người sản xuất ra các thứ đó chẳng bao giờ chịu cho không cả, dù đôi khi cho không cũng đã lợi cho họ rồi. Và người Việt đã phải trả bằng giá nào? 3.500.000 người chết và bị tàn tật. 6.300.000 tấn bom thả xuống trên toàn cõi Việt Nam, tính đổ đồng cứ 1 cây số vuông nhận được 31.000 tấn bom, và mỗi người nhận được 122 kí. Riêng miền Nam có 826.000 trẻ mồ côi và 103.000 góa phụ và 24.000.000 hố bom, 2.600.000 mẫu tây bị khai quang, nghĩa là một thời gian dài không còn cày cấy trồng trọt được. Và cũng riêng tại miền Nam, cứ 3 người thì có 1 người, ít ra cũng một lần, bỏ nhà bỏ cửa mà tránh bom tránh đạn. Đó là chưa kể số đạn, mìn, hỏa tiễn do Nga, Trung Hoa và các nước khác trong Khối Xã Hội Chủ Nghĩa đưa cho mà xài.

 

Người Việt Nam chịu đựng chiến tranh, người Việt Nam chấp nhận chiến tranh? Nếu cứ tính đổ đồng đời người là sáu mươi năm thì mỗi người Việt sống còn đến hômnay đã chấp nhận và chịu đựng chiến tranh hơn nửa đời mình vậy. Để làm gì?

Giới lãnh đạo thuộc khối này, chủ nghĩa nọ có thể sai lầm, cá nhân mỗi người có thể sai lầm, nhưng cả dân tộc có thể sai lầm, và sai lầm lâu dài như vậy sao? Người Việt chẳng lẽ đã sai lầm khi chống Tàu, chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ và chống cộng sản sao? Hồn thiêng sông núi, anh linh giống nòi phảng phất trong mỗi người chẳng lẽ đã sai lầm sao?

Trong nhãn quan vô thường, đời là bể khổ, cội nguồn của khổ là vô minh, là dục. Đã hẳn. Nhưng đời Việt Nam, nổi khổ Việt Nam, hẳn phải có sắc tướng riêng, và do đó hẳn phải có phương tiện riêng để làm vơi bớt nổi khổ đó, để hóa giải nổi khổ đó, hầu tạo được một khung cảnh bình thường cho mỗi người có thể tự lo lấy phần riêng mà đi trọn đường trần. Phương tiện riêng, phương tiện đặc thù Việt Nam ấy là gì?

Lịch sử Việt Nam từ ngày lập quốc đến nay, từ trăm năm nay là mỗi chuỗi dài những cố gắng vẫy vùng để trả lời câu hỏi đó. Dân tộc Việt Nam tồn tại với câu hỏi đó, để trả lời câu hỏi đó. Các chế độ, các hiện tướng thế trị, các nhà lãnh đạo xét cho cùng cũng chỉ như những bảng chỉ dẫn lưu thông, như đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư đường. Bởi nghĩ như vậy, nên khi người cộng sản Việt Nam nói “Chủ nghĩa Mác Lê Nin vô địch muôn năm” hoặc “vô sản chuyên chính” tôi đã buồn tự hỏi có lý do nào bảng hiệu chỉ dẫn lưu thông lại biến thành người cảnh sát, và người cảnh sát lại kiêm luôn hành động chuyển dịch của khách qua đường? Và chẳng lẽ “giải phóng dân tộc” rồi biến cả dân tộc thành nô lệ cho một chế độ độc đảng?

Dân Việt Nam đã làm những điều xưa nay chưa làm được: đánh thắng Mông Cổ để giữ được Trung Hoa không xâm phạm bờ cõi, đuổi được người Pháp khỏi cả hai miền Bắc Nam, đương cự lại Hoa Kỳ. Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam lại sẽ làm được những điều chưa ai làm được và ai cũng ngán sợ: thành tựu cái thế giới “1984”?

Chuyện trăm năm vẫn còn nhiều điều phải học vậy.

Mùa xuân Ất Sửu 1985
Hoàng Nguyên Nhuận

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List