Kỷ niệm 30 tháng 4:
Một chuyến đi thăm nuôi chồng
Hoàng Yến |
||||
|
||||
Tiếng chuyển động rì rì của máy chiếc xe đò loại nhỏ đang
chạy trên tuyến đường từ Qui nhơn đi Pleiku Kontum. Hành khách trên xe bắt
đầu chập chờn vào giấc ngủ. Dù có mệt mỏi cho một chuyến đi xa, tôi không thể
nào ngủ được, mắt nhìn ra khung cảnh ngoài cửa sổ xe, nhà cửa lui dần khỏi cảnh
ồn ào bụi bậm trong thành phố.
Nhìn xa xa, những ngọn núi nối tiếp ẩn hiện
nhấp nhô, được bao phủ lớp sương mù như mây như khói. Xe bắt đầu tăng ga để
leo dốc, con đường dốc ngoằn nghèo thật cao, một bên là vách núi đá một bên
là vực sâu, chiếc xe như chênh vênh đang bò bên bờ vực, phía dưới vực rừng
cây mờ mờ thật sâu. Tôi không dám nhìn xuống phía dưới, đưa tay áp lấy ngực
miệng lâm râm cầu nguyện, cứ tưởng tượng không biết lúc nào chiếc xe sẽ lao
xuống vực. Xe leo gần tới đỉnh đèo, ngay khúc quẹo hình chữ V độ dốc thẳng và
cao. Đột nhiên xe khựng mạnh và dừng hẳn.
Những người trên xe bừng tỉnh nhốn
nháo vì đầu máy xe đang bốc khói mù mịt, sợ xe cháy ông tài xế nhảy vọt ra
khỏi cửa sổ xe. Chiếc xe không người lái lùi lại từ từ, mọi người trong xe
hoảng hốt tìm cách nhảy ra ngoài. Tôi ngồi hàng ghế bên trong, kẹt cứng giữa
đám người đang chen nhau thoát ra khỏi xe. Chiếc xe lùi lại thật nhanh. Thất
thần mắt nhìn thấy bờ vực cận kề tôi hét to “Lậy Chúa tôi”. Trong lúc chú lơ xe
cầm cái cục gỗ chận bánh xe lại, với đà đổ dốc bánh xe trườn trên cục gỗ nẩy
mạnh lên và càng lùi nhanh hơn, chú lơ xe không kịp chạy theo.
Tiếng la khóc,
tiếng kêu cầu cứu Chúa và Phật, Tôi nhắm mắt phó linh hồn trong tay Chúa,
biết chắc sẽ chết nơi đây. Giây phút cuối cùng, hình ảnh thân yêu của mẹ và
chồng con tôi lóe nhanh trong đầu. Một tiếng “ rầm” thật lớn cùng sức dội
mạnh như muốn vỡ lồng ngực, mọi người đổ ngã chụm vào nhau, mọi sự chìm trong
im lặng, nửa tỉnh nửa mê, không biết mình còn sống hay đã chết. Một phép lạ,
chiếc xe đang lùi thật nhanh thì đuôi xe quay ngang đâm vào vách núi và khựng
lại, bánh xe kẹt vào khe rãnh thoát nước. Nhờ ơn Trên, mọi người sống sót nhưng
vẫn còn thất kinh hồn vía biểu lộ trên khuôn mặt.
Chúng tôi được chuyển qua một chiếc xe khác. Qua cơn hiểm nghèo, ai cũng nguyền rủa ông tài xế không có lương tâm, không có trách nhiệm, nắm giữ hơn 50 sinh mạng, chỉ biết cho mình, còn những người khác coi như cỏ rác. Tôi không nguyền rủa ông ta mà tôi đau cho cả xã hội này, đã đào tạo con người ông giống như CS. Nếu họ có trái tim, người dân đâu chịu khổ, chồng tôi đâu bị đày ải tù tội như thế này. Nhớ tới chồng, tới giây phút vừa thoát hiểm nguy, tôi bật khóc, nếu chiếc xe rớt xuống đèo, tôi không bao giờ còn thấy chồng, đau thương hơn nữa, tôi chết ngay địa danh gần nơi giam giữ chồng tôi, mà anh đang ngóng chờ mong mỏi được gặp tôi. Xe qua khỏi mấy cái đèo nguy hiểm như đèo An Khê, đèo Măng Giang. Bớt lo sợ, tôi đưa mắt quan sát những hành khách còn trong xe. Bốn người tôi mới quen ở bến xe Qui nhơn tối hôm qua, cùng đồng cảnh đi thăm nuôi như tôi, họ ngồi rải rác những hàng ghế phía khác, mắt tôi chăm chú nhìn một ông lão ngồi ngoài đầu hàng ghế bên kia, cách chỗ tôi ngồi là lối đi giữa của hai hàng ghế. Ông trạc tuổi bố chồng tôi, dáng người nhỏ còm cõi trông rất hom hem.
Ông không
ngủ, trên khuôn mặt khắc khổ, thỉnh thoảng môi ông nhếch lên mỉm cười, ánh
mắt lộ vẻ hân hoan như sắp nhận được món quà quí, hoặc sắp gặp lại gia đình sau
một chuyến đi, đôi lúc lại thấy ông tư lự đăm chiêu như đang suy nghĩ một vấn
đề gì, hai bàn tay ông ôm chặt cái giỏ vào lòng như sợ nó vuột mất. Bất giác
tôi cười thầm nhìn xuống tay mình thì cũng như ông lão thôi, tôi có hai cái
giỏ lúc nào cũng bên cạnh không dám rời xa nó, hở một tý là bị lấy cắp.
Bất chợt ông lão nghiêng mặt qua phía tôi, bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn ông. Tôi nhoẻn miệng cười chào hỏi làm quen: - Dạ chào bác! Bác là người ở trên miền này hả bác? Ông lão quay hẳn qua phía tôi cười. Răng ông đã rụng gần hết, miệng móm mém. Nhìn ông tôi có cảm tình ngay với đôi mắt và nụ cười hiền hòa phúc hậu của ông. Ông trả lời: - Không! Tôi không phải người trên miền này cô à. Ông thân thiện. - “Tôi ở xa lắm! Cô có biết Saigon không? Nhà tôi còn ở xa hơn nữa, mãi tận Rạch Giá cô à”. Thấy ông lão vui vẻ, tôi tò mò hỏi tiếp: - Vậy bác đi thăm con cháu ở trên này à? Trong ánh mắt ông lão thoáng buồn, nhưng môi ông lại mỉm cười tạo trên khuôn mặt ông nét vừa buồn vừa vui, nửa khóc nửa cười. Tôi không thể nào đoán được ông lão đang nghĩ gì. Thấy ông im lặng, tôi than thở dùm ông lão: - Trời ơi! Bác lớn tuổi rồi, sao không để con cháu về dưới thăm bác, đường đi xa xôi, lại nguy hiểm bác ngồi xe như thế này mệt lắm. Miệng ông đang cười, câu nói của tôi như chạm vào nỗi niềm riêng tư của ông, mắt ông nhuốm màu sương khói ngấn lệ. Tôi cảm thấy áy náy cho câu hỏi thăm tự nhiên nhưng vô ý của mình, định ngỏ lời xin lỗi và an ủi ông, thì ông cất lên lời tâm sự cùng tiếng thở dài: - Cô ơi! Tôi già cả rồi, đi lại rất khó khăn, đâu muốn đi xa như thế này đâu, vì thương con tôi phải đi thôi. Nghe tới đây tự nhiên trong lòng tôi thật bất mãn người con của ông, thầm trách trong bụng: “ Bố già rồi không về thăm bố, lại để bố lặn lội đường xa đi thăm mình, loại con gì vô tâm bất hiếu vậy”. Tôi đang tức dùm cho ông lão. Ông đưa mắt ngó tôi, chép miệng thở than: - Tội nghiệp thằng con tôi lắm cô ơi! Nó bị nhốt mấy năm nay rồi, nó là lính VNCH cô à. Nói tới đây giọng ông nhỏ lại, đưa mắt lấm lét nhìn xung quanh như sợ người khác nghe. Có thể ông cảm được tôi đồng cảnh đồng thuyền nên ông dễ dàng tâm sự, nhìn tôi ông rỉ rả: - Nó chưa vợ cô à, nên tôi cứ phải lê thân già đi từng trại tù thăm nó. Tôi thật xúc động. Ông lão cùng cảnh ngộ với tôi, như một luồng giao cảm, tôi nghiêng người chồm hẳn gần ông lão hỏi nhỏ - Bác! Vậy chuyến đi này có phải bác đi thăm nuôi ở trại tù Gia trung không ạ? Mặc dù lần đầu tiên tôi đi đến vùng này, không biết con trai ông có cùng chung trại tù với chồng tôi không? Vừa nghe đến tên trại tù Gia-trung từ miệng tôi, ông lão mở to mắt mừng rỡ: - Đúng! Tôi đi thăm con tôi ở đó. Ông bỏ lửng câu nói, mắt nhìn tôi ngập ngừng, e dè nói khẽ: “Cô là người ở đây hay sao mà biết trại tù đó”? Tôi mỉm cười với tay xoa nhẹ vào tay ông: “Thưa bác! Cháu không phải người trên này mà là cháu đi thăm nuôi nhà cháu ở trại tù đó”. Mắt ông lão sáng lên. Thế là một già một trẻ cùng cảnh ngộ như nhau trở nên thân thiết. Nhích người chụm đầu vào nhau rủ rỉ chuyện thăm nuôi, chuyện gia đình, thời cuộc đất nước, chuyện khổ cực nghèo đói của mọi người sau ngày mất nước. Ông tâm sự, người con của ông hiện giờ bị giam ở K3. Tôi đoán chắc không xa nơi giam giữ chồng tôi,vì chồng tôi ở K1. Đã mấy năm trời ông lăn lội đi từng trại tù thăm nuôi con trai ông. Trước ngày miền Nam mất vào tay CS, người con ông có vị hôn thê sắp làm đám cưới. Thời điểm đó đất nước trong cơn hỗn loạn, nơi con ông đóng quân đánh nhau dữ dội nên không thể về làm đám cưới. Ngày 29/4/1975 người vợ chưa cưới theo gia đình xuống tàu trốn chạy CS. Vài tuần sau con ông bị đưa đi tù cải tạo. Bà cụ thì quá gìa yếu bệnh tật liên miên, muốn đi thăm để nhìn thấy mặt con trai mà cũng không sao đi được. Ông chỉ lo bà cụ chờ không được tới khi con ông về. Giọng ông run run thở dài lo sợ: “Hoặc là con ông không bao giờ có ngày về” . Lời ông đều đều bên tai như muốn tôi chia sẻ nỗi buồn niềm đau với ông. Ông cứ kể , tôi vẫn nghe để cho những gì đang chất chứa trong ông hòa vào với khổ đau tủi cực của tôi. Cùng một cảnh đời, lòng tôi nhói lên theo từng lời kể của ông. Ông lại chép miệng nỉ non: - Còn hai người con gái lớn đã có gia đình. Thời buổi cuộc sống khó khăn, tất bật kiếm miếng ăn chưa đủ nuôi mấy cháu ngoại của ông, làm sao có thể giúp đỡ ông hoặc đi thăm con trai ông. Ông bà chỉ còn tí mảnh vườn sau nhà, trồng mấy liếp rau nuôi bầy gà lấy trứng, sống lây lất rau cháo qua ngày.
Nước mắt ông
rưng rưng ứa tràn khóe mắt, giọng ông đứt quãng nghẹn lại. Ông nhận được giấy
thăm nuôi của con ông mấy tuần rồi nhưng ông không thể đi thăm con ông sớm
được, vì không có tiền, ông biết con ông rất mong ông. Vừa kể ông vừa lấy tay
áo chấm nước mắt làm tôi cũng mủi lòng. Hoàn cảnh gia đình ông và gia đình
tôi đều giống nhau. Sống trong một xã hội mới không tự do, bơi lội trong khổ
đau khốn nghèo và người thân bị đày ải trong lao tù chẳng biết ngày về.
Ông chỉ vào cái giỏ đang ôm trong tay, bờ vai vẫn còn rung nhẹ theo cảm xúc: - Cô biết không! Tôi phải chờ thêm vài tuần lễ để bầy gà lớn thêm lên mới bán được, rồi mua đồ thăm con, còn tiền xe đi đường tôi được người hàng xóm tốt bụng cho mượn. Lồng ngực của ông hít thật sâu, thả mạnh trong tiếng thở dài như xả những ưu phiền khổ đau, giọng ông não nuột: “Không biết về nhà xoay đâu ra tiền mua lại bầy gà”. Giấu nỗi buồn lo, ông quay mặt qua hướng cửa sổ, nhìn nghiêng khuôn mặt ông, tôi thấy khóe mắt ông ươn ướt. Tôi cảm được những lo lắng, buồn phiền nhớ thương trong đôi mắt ấy. Chợt ông quay sang cười với tôi, miệng ông móm mém kéo theo những đường nhăn nhúm hai bên má như thể những nhăn nhúm của cuộc đời hằn nặng trên khuôn mặt ông. Ông lại rỉ rả : - Tội nghiệp con tôi! Chắc là đang mong và mừng lắm khi thấy tôi đi thăm . Ông ngó xuống cái giỏ nhỏ để trên đùi, tay vẫn nắm chặt hai quai giỏ. Ông gật gù cái đầu: - Vợ chồng tôi chỉ lo liệu ít đồ ăn trong cái giỏ này thôi, dọc đường phải đổi mấy lượt xe, tôi lo lắm chẳng dám ngủ nghê, sợ bị giật giỏ con tôi chẳng có gì ăn. Ông chép miệng: -“Khổ quá nỗi, thời buổi làm ăn khó khăn mà trộm cắp mọc lên như rươi, chỗ nào cũng có”. Ông nói giọng Bắc như tôi, cách nói chuyện thật thà miền quê. Tôi cảm thấy thật gần gũi với ông và tội nghiệp cho ông, đường sá xa xôi, thân già lặn lội đi thăm con. Tôi lại nghĩ tới tôi có khác gì ông đâu. Xe chạy xuống khỏi mấy cái đèo. Ông cụ thấm mệt mắt lim dim, có lẽ ông đang nghĩ đến người con trai mà ông sắp được gặp, và niềm vui con ông nhận được những món quà nhỏ nhoi mà ông dành dụm chắt chiu như một gia tài của ông. Nhìn ông lòng tôi thương chồng, như ông đầy vơi nghĩ đến người con của mình. Quang cảnh hai bên đường đồi núi chập chùng, con đường đến trại tù xa vời vợi. Nghĩ tới chồng, tới sự thoát chết vừa qua, cùng nỗi khổ hiên tại của tôi, nước mắt tôi ứa ra… Nếu không có ngày đen tối quái ác 30 tháng 4 năm 1975, mọi người dân đâu phải khốn khổ đói rách, chồng tôi đâu bị đi tù cải tạo khổ nhục xa xôi như thế này mà không biết ngày về. nếu đừng có xã hội như thế này, nếu tôi có tiền, nếu tụi du kích CS đừng tịch thu hàng mua bán của tôi. Nếu tôi đừng dùng phương tiện bằng xe lửa đi thăm chồng và còn nhiều cái nếu trong đầu làm lòng tôi quặn đau, khổ thương quay quắt. Hơn 4 năm rồi,chồng tôi đã chịu bao tủi nhục khổ cực qua hai trại tù, bây giờ Cộng sản lại đưa chồng tôi đi trại khác. Gần một năm bặt tin tức của anh, tôi chẳng dò hỏi được gì về anh và chẳng biết tìm kiếm anh ở đâu. Phần sống trong một xã hội khốn khổ chẳng chút tự do, chỗ nào cũng chận bắt tịch thu giam giữ. Trong khó khăn lầm than, tôi bôn ba vật lộn tìm miếng ăn cho gia đình và cho chính mình thật gian nan vất vả, còn tâm trí lúc nào cũng nghĩ và lo sợ cho số phận chồng trong lao tù CS chẳng biết giam giữ nơi đâu. Tâm hồn tôi bất an phập phồng không thôi, đôi khi tưởng rằng mình đang rơi xuống đáy vực thẳm của cuộc đời. Nhờ tình yêu anh tôi cố bám víu ngoi lên, mong nhìn thấy tia hy vọng về anh dù chỉ là mong manh. Ngày nhận được thư chồng, không chỉ mình tôi mà cả gia đình và hàng xóm, ai cũng vui mừng, cả xóm huyên náo ồn ào vì biết chồng tôi vẫn còn sống, mọi người đến nhà hỏi thăm, họ cũng như tôi nôn nao mong được gặp anh. Tất cả đều khó khăn nghèo khổ, họ không có gì làm quà để gửi cho chồng tôi, nhưng sự ân cần quan tâm lo lắng của họ đối với chồng tôi cả là niềm an ủi xúc động cho gia đình tôi. Địa chỉ trại tù giam chồng tôi thật xa lạ và quá xa xôi. Đọc thư chồng nước mắt tôi ngắn dài đầy vơi. Tội nghiệp chồng tôi, trong thơ vỏn vẹn vài câu kín đáo hỏi thăm gia đình và cho biết đã được phép thăm nuôi. Thơ anh viết ngắn, tôi đọc và cảm được biết bao tình cảm của anh gói ghém trong đó dành cho tôi.
Anh không dám xin những thứ mà anh cần, mặc dù anh rất cần. Tôi biết anh rất
thương tôi. Bố mẹ anh đã già, mọi việc mình tôi cáng đáng lo liệu với hoàn
cảnh và xã hội hiện tại. Còn tôi dù cuộc sống khó khăn vất vả, tôi cũng cố
xoay sở lo cho chồng, chút an ủi giúp anh thêm nghị lực, và cho tôi chút niềm
vui hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng.
Số tiền tôi cực khổ dành dụm chắt chiu để đi thăm nuôi chồng, số tiền đó cũng bao lần đã muốn lấy mạng sống của tôi. Trong một chuyến hàng tuần trước, tôi đã trở thành trắng tay, cũng may mạng sống tôi vẫn còn. Những lần bị bắt bị tịch thu, chị em bạn chúng tôi thường than thở với nhau: “ Ký ca ký cóp cho cọp nó tha”, rồi lại lăn lộn bôn ba bất chấp nguy hiểm làm lại từ đầu, được tý vốn lại bị tịch thu, cứ xoay vòng trong cuộc sống XHCN. Vậy mà chỗ nào cũng thấy cái bảng tô đỏ hàng chữ “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trại tù giam chồng tôi mãi tận Pleiku - Kontum có tên là trại Gia Trung, một địa danh tôi chưa bao giờ biết đến. Trước ngày đi thăm chồng, tôi dò hỏi được biết mỗi ngày bến xe Saigon - Miền Trung có hai chuyến chạy suốt về Pleiku. Giá chính thức được bán ra từ 15 tới 20 vé, còn lại bán với giá chợ đen rất mắc, mà phảỉ đứng xếp hàng từ đêm tới sáng may ra mới mua được vé. Tôi ở miền quê ngu ngơ làm sao mua được. Thật khó khăn và tốn kém. Tôi đành chọn giải pháp đi bằng tàu lửa, giá rẻ mà dễ đi . Ga xe lửa tôi đi gần chợ Long Khánh cách nhà tôi khoảng gần 30 cây số. Nhớ tới giây phút giành giật chen nhau để lên toa xe lửa, bất giác tôi cảm thấy sau gáy và bả vai vẫn còn đau, đưa tay lên rờ phía sau đầu cục sưng u vẫn còn, vì tôi bị những bó củi họ quăng ném vào người. Trời ơi! Tôi không thể nào tưởng tượng được cảnh chen lấn hỗn loạn tại ga xe lửa lúc bấy giờ. Không giống như ga xe lửa trong phim ảnh, kẻ đi người về, kẻ tiễn đưa người đi đón sao êm đềm cảm động nên thơ đến thế. Ga xe lửa này cũng người lên kẻ xuống nhưng trong cảnh xô đẩy chen lấn giành giật cùng tiếng chửi thề xen lẫn tiếng la hét inh ỏi hỗn loạn. Bao nhiêu hàng hóa vừa bao vừa túi, bao than, giỏ đựng gà vịt, bất cứ vật gì cũng đều quăng ném vào toa theo lối cửa sổ, có người quăng cả đứa con nít như quăng một món đồ, kẻ tung lên người ném xuống.
Tôi chen lấn trong đám người xô đẩy, kéo lê hai giỏ đồ tới gần cửa lên xuống,
tay cố bám vào thành cửa, hy vọng đu được người vào bên trong,nhưng thân
người tôi như tàu lá chuối vật vờ đong đưa giữa đám người hỗn độn. Tay tôi bị
giật thốc ra khỏi thành cửa làm tôi ngã chúi theo đà xô đẩy, tôi ngồi xuống
ôm lấy hai giỏ đồ vừa khóc vừa năn nỉ mọi người:
- Bà con ơi! Tôi có mua vé mà, hãy để tôi lên toa đi. Mặc cho tôi khóc năn nỉ, họ chẳng để ý, cứ vô tình bước đạp trên hai giỏ đồ và cánh tay tôi làm đà bước lên toa xe, còn quay lại mắng tôi: - Bộ tưởng một mình cô có vé thôi sao, tụi tui cũng có vé vậy. Người họ khỏe bám trèo lên bằng lối cửa sổ, tôi thân đàn bà chân yếu tay mềm nên không thể bám và leo lên như họ, còn hai giỏ đồ thăm nuôi tôi làm cách nào đưa lên bằng lối đó. Tiếng còi xe lửa hú lên từng chập như báo hiệu sắp khởi hành, tôi càng quýnh quáng, mọi người càng vội vã chen lấn hơn trước. Sợ lỡ chuyến tàu sẽ trễ ngày thăm chồng, tiếng còi xe lửa hú lên càng làm tôi hốt hoảng. Ôm hai giỏ đồ, mắt đỏ hoe ngó lên toa xe, tôi hết hy vọng vì bánh xe lửa bắt đầu chuyển động trên đường sắt cùng những người còn đang chạy theo bám lấy. Trong những người xô đẩy vô lương tâm đó, cũng còn một người có chút lương tri. Người đó là một thanh niên, ngồi trên nóc xe nhìn cảnh hỗn loạn phía dưới, thấy tôi ngồi khóc, mặc cho xe lửa đang chuyển bánh, nhảy xuống đất cầm vội hai giỏ đồ của tôi quăng vào lối cửa sổ, không cần biết có trúng ai bên trong hay không và nâng người tôi lên đẩy vào cửa sổ. Tôi chưa kịp cám ơn, người thanh niên đã xa tấm mắt của tôi, ngoái cổ nhìn với theo bên hông tàu, người thanh niên đang tìm cách nhảy lên toa xe và rồi những tàng cây bên đường làm khuất mất hình ảnh người thanh niên đó. Tôi vui mừng không bị lỡ chuyến tàu, thở phào nhẹ nhõm, nhưng nghĩ tới người thanh niên trong lòng tôi lại áy náy, thấp thỏm không biết người thanh niên tốt bụng đó đã lên được tàu chưa hay là đã lỡ chuyến? Tìm một chỗ dưới sàn tàu ngồi xuống, người tôi mỏi mệt đau nhừ, nhất là trên đầu phía sau ót và bả vai, tôi bị những bó củi ném trúng làm đau buốt. Thấy mặt tôi nhăn nhó, tay xoa xoa phía sau đầu, một bác ngồi gần bên lấy hộp dầu cù là đưa cho tôi xoa bóp. Yên trí ngày mai gặp chồng làm tôi nôn nao, những mỏi mệt đau nhừ tan biến nhanh, nhường cho tâm tư sắp đặt những gì muốn nói với anh. Đừng như những lần trước, gặp được anh mừng quá chẳng nói được gì, hết giờ thăm lúc đó mới ngẩn người nuối tiếc. Ừ nhỉ! Nếu ngày mai tên cán bộ có đứng xa xa nơi vợ chồng tôi như ở trại tù Hốc môn, những người đi thăm nuôi như tôi cùng tâm trạng, họ cũng biểu lộ tình cảm như tôi. Tôi sẽ ngả đầu vào vai anh, thủ thỉ với anh bao nỗi nhớ niềm thương, bao buồn phiền tủi cực, bao vất vả đắng cay và biết bao điều muốn nói với anh. Nhưng tôi biết anh không cần nghe tôi nói, chỉ cần nhìn thấy tôi là anh hiểu và nghe nặng cả bao nghĩa ân tình yêu thương, giúp anh thêm nghị lực vượt qua tất cả. Tôi vẫn biết rằng ý chí của anh rất mạnh. Theo lịch trình 6 giờ chiều xe lửa sẽ tới ga Nha trang, và chuyến xe lửa từ Nha trang đi Qui nhơn khởi hành lúc 6 giờ 45 phút. Tôi thở phào yên trí đủ thời gian mua vé đi Qui nhơn và tôi cũng không lo ngại nếu có cảnh chen lấn như ở ga Long khánh. Quá mỏi mệt, tôi tìm cách tựa lưng vào thùng đồ của ai để bên cạnh nhắm mắt thiu thiu vì chuyến đi còn dài, chân tôi gác lên kẹp lấy một giỏ đồ còn một giỏ tôi lấy khăn tay cột quai giỏ vào cánh tay của mình, lỡ ngủ mệt sợ có người lấy cắp. Nhắm mắt để đó chứ không ngủ được, phấn ồn ào, phần háo hức sắp được gặp chồng làm tôi nôn nao. Không biết khi vợ chồng tôi gặp nhau, sự mừng rỡ sẽ như thế nào? Con người tôi rất tình cảm và xấu tính, buồn cũng khóc vui cũng khóc. Cả hai nhập lại không biết lúc đó tôi như thế nào? Còn hình dáng chồng tôi có khác lạ không?
Gần một năm trời rồi, tôi chưa được
nhìn thấy anh. Trong đầu tưởng tượng về anh, về nơi giam giữ anh. Họ đưa anh
đi xa xôi thế này chắc là thăm nuôi đễ dãi và được ở lại đêm với chồng như là
trại tù Phước-long mà chị Thái cùng xóm đi thăm chồng đã kể lại cho tôi nghe.
Nếu lần thăm này mà giống như trạị tù Phước-long, không biết tôi có trải được
tình cảm yêu thương với chồng tôi không, mặc dù tôi rất yêu anh, rất nhớ anh.
Tôi không muốn bị CS xỉ nhục bằng cách đê tiện này, càng nghĩ trái tim tôi
càng bị bóp nghẽn. Tôi hy vọng rằng chồng tôi cùng quan điểm với tôi, thông
cảm cho tôi nếu đúng như điều tôi đang nghĩ.
Tôi giật mình bởi tiếng nổ lớn do xe lửa bị đứt ống hơi, thỉnh thoảng cứ phải nghe như vậy vì mấy người đi buôn họ dựt đứt để xe lửa ngừng lại, lần đầu tiên tôi đi xe lửa nên không biết cảnh này, cũng vì vậy tôi thật lo sợ muốn khóc tại ga Nha trang. Xe lửa ngừng tại ga Nha trang là lúc tôi không biết phải làm sao xoay sở vì quá trễ, chuyến xe lửa đi Qui nhơn đã khởi hành trước đó 1 giờ. Trời đã tối, mọi người trong sân ga lần lượt đi mỗi người mỗi ngả, càng lúc càng thưa thớt người. Tôi định ở lại sân ga chờ chuyến xe lửa khác. Khung cảnh sân ga trở nên vắng vẻ im lìm. Tôi bơ vơ lạc lõng nơi xa lạ, lo sợ nhìn tứ phía, nước mắt rưng rưng, thật sự hoảng hốt không biết đi ngã nào, lạ người lạ cảnh. May quá từ xa một người đạp xích lô đang đến. Tôi hỏi thăm được biết ngày mai mới có chuyến xe lửa đi Qui nhơn.
Nhìn tôi còn trẻ và giọng nói người khác miền,
chú xích lô khuyên tôi không nên ở lại sân ga ban đêm vắng vẻ không người, sợ
điều không tốt xảy đến cho tôi. Nghe chú nói người tôi run lên vì sợ, tôi cố trấn
tĩnh nhưng sao giọng tôi run như muốn khóc. Chú gợi ý chở tôi tới nhà trọ
nghỉ đêm chờ sáng ngày mai đi Qui nhơn. Nghe tới nhà trọ tôi càng sợ thêm vì
nghĩ không biết chú ấy có tà ý gì, nơi lạ lẫm với giòng đời đầy lừa lọc gian
trá liệu tôi có tin chú ấy không? Ánh đèn vàng vọt, sân ga không đủ sáng cho
khung cảnh vắng vẻ như thế này. Tôi nhìn chung quanh rồi lại nhìn chú xích lô
lưỡng lự. Không còn cách lựa chọn, đánh bạo tôi đành nhờ chú ấy chở đến bến
xe đò Qui nhơn, nơi đó có lẽ an toàn cho tôi hơn. Ngồi trên xe xích lô tôi
vẫn lo sợ, miệng lâm râm cầu nguyện cho tôi được bình an.
Tôi ngồi ngay trước quày bán vé đi Qui nhơn, hy vọng sáng sớm hôm sau tôi là người đầu tiên mua vé. Khung cảnh nơi đây sáng sủa hơn, có người qua lại bán quà rong, những gian hàng nhỏ đèn điện còn sáng. Tôi an tâm khoan khoái đặt lưng nằm xuống đất, đầu gối lên hai giỏ đồ để ngủ. Trời đã về khuya sao mặt nền đất vẫn còn nóng bỏng, hâm hâm dưới lưng tôi, mùi khen khét xông cả vào mũi thấm tận trong bụng tôi, quá mệt tôi cố chịu để dỗ cho đôi mắt nhắm lại. Chưa kịp nhắm mắt thì một tiếng thét thất thanh vang trong đêm. Tôi nhổm dậy, một người đàn bà đang chạy theo một người thanh niên còn rất trẻ ngang qua chỗ tôi, tay bà với với phía trước, tiếng thất thần kêu cầu cứu của bà “bắt lấy nó …, ăn cướp, ăn cướp bà con ơi”.
Nhưng tiếng kêu cầu cứu ấy rơi trong
đêm, giữa bao con mắt nhìn theo hờ hững. Người thanh niên tung cái giỏ cho
một người khác hứng lấy chạy vào ngõ tối, rồi nhẩn nha đi như người đi dạo,
làm như không có chuyện gì xẩy ra. Người đàn bà ngồi bệt xuống đất òa khóc
tức tưởi cách tuyệt vọng. “Trời ơi! Nó lấy hết của tôi rồi, cả giấy tờ nữa,
làm sao tôi về nhà được đây hở trời? Sao thất nhơn thất đức quá nè, Trời
ơi!”. Tiếng than não lòng của bà như xé lòng Trời mà không làm động lòng
người.
Nhìn bà tôi lại nghĩ đến tôi, tay rờ nhanh vào bụng, cái ví nhỏ bọc nhựa vẫn còn nằm trong lưng quần. Tôi chỉ có ít tiền đi đường và tờ giấy đi thăm nuôi trong đó, nếu bị mất, không biết sự đau khổ của tôi như thế nào, vì sẽ không được thăm chồng, lại lo lắng hai giỏ đồ thăm nuôi, thời buổi này bất cứ cái gì cũng sợ. Tôi khệ nệ vừa rê vừa xách tới gần hàng bán cháo ở góc xa, mua một chén cháo để làm quen và như là một nơi an toàn cho mình, mặc dù tôi chẳng thấy đói Gần về sáng ngoài đường bắt đầu nhộn nhịp, xe chạy qua chạy lại trong bến, xích lô máy xích lô đạp chạy tới chạy lui, hàng quán mở cửa. Bóng người qua lại tiếng cười tiếng nói ồn ào. Nhìn về phía quầy bán vé đã có vài người đứng xếp hàng ở đó. Tôi chào cảm ơn bà bán cháo cho tôi một đêm an toàn bên cạnh bà, rồi đến quày bán vé đi Qui nhơn, vậy mà tôi cũng chẳng mua được vé chuyến đầu tiên vì ở đó người ta đã đặt từng gói đồ, từng khúc củi, cả cái sô nước theo hàng dài để giữ chỗ. Cuối cùng tôi cũng đi tới Qui nhơn. Tiếng chú lơ xe la to: Tới Gia Trung rồi bà con ơi, ai xuống Gia Trung chuẩn bị đồ đạc đi bà con ơi. Tôi giật mình trở về hiện tại. Xe từ từ vào sát lề đường. Tiếng của chú lơ xe đơn độc hai chữ Gia Trung mà không thêm tiếng trại cải tạo. Tôi tưởng tên gọi Gia Trung là tên của một thành phố, ngơ ngẩn ngó ra ngoài, chẳng thấy nhà cửa hoặc trại tù, chỉ thấy rừng cây cao vút, chung quanh hoang vắng. Tôi nhìn quanh quẩn tự hỏi trại cải tạo ở đâu. Trên xe mọi người lục đục kẻ kéo người xách, lách người xuống xe. Ông cụ ngồi gần bên ôm giỏ đồ đứng lên, thấy tôi còn ngơ ngác, gục gặc đầu nói: -Tới nơi rồi cô ơi! Họ xuống xe cả rồi, mình cũng xuống đi thôi kẻo không kịp, từ đây vô tới trại còn xa lắm. Tôi lật đật xuống xe theo mấy người đó. Số người đi thăm nuôi khoảng 12 người. Tôi thật bỡ ngỡ, khung cảnh chung quanh vắng vẻ quạnh hiu không bóng người, ngoài tốp người mới xuống khỏi xe, đang đi trên con đường đất vào sâu hút bên trong. Vừa đi tôi vừa ngó hai bên đường, những cây cao cây thấp, chỗ dầy chỗ thưa làm ánh sáng chỗ âm u chỗ sáng rực. Tôi lẹt đẹt đàng sau xa nhóm người đi phía trước. Họ đã đi thăm nuôi nhiều lần, nên họ có người nhà đi theo để phụ giúp xách đồ, còn tôi vướng hai giỏ loay hoay tay xách đầu đội, lúc mỏi cổ đau tay tôi lại hất cái giỏ trên đầu xuống bả vai để vác. Vai tôi vẫn còn đau vì hai ngày trước bị củi ném trúng ở ga xe lửa Long-khánh, vừa đi vừa nghiêng cổ vẹo người, dáng người tôinghiêng nghiêng như bóng nắng dưới đường, mồ hôi đổ theo thấm chung từng giọt nước mắt. Xa xa phía trước, ông già lúp xúp đi như chạy để theo kịp họ, ông vừa đi vừa ngoái cổ ra phía sau, tay vời vời ra hiệu cho tôi đi nhanh lên. Những người phía trước bỏ tôi khoảng cách thật xa và khuất hẳn vào khúc đường cong. Qua khỏi khúc đường quẹo, một trạm kiểm soát với tên công an mặc áo vàng ngồi bên trong. Tôi giật mình theo phản xạ tự nhiên - “chết rồi lại gặp công an”, giữ bình tĩnh tôi thầm nghĩ - “mình đi thăm nuôi chứ buôn bán gì mà sợ tịch thu”. Tấm bảng nhỏ ghi hàng chữ “ Trình giấy tờ tại đây”. Tôi bước đến, tên công an nhìn còn rất trẻ tươi cười chào thân mật: - Chị đi thăm người nhà phải không? Sự thật là tôi không có thiện cảm với những người mặc bộ đồ công an, tôi đã khổ nhiều với họ rồi, họ không cùng giới tuyến với tôi và họ là người đang giam giữ chồng tôi. Tôi không cười, đưa trình tờ giấy thăm nuôi để ra khỏi chỗ này thật nhanh, vì tôi dị ứng không muốn nhìn họ. Khi nhìn vào thẻ Chứng minh nhân dân của tôi, tên công an mặt hớn hở reo lên: - Ồ! Quê chị ở Đông Phú - Tiền Hải - Thái Bình, vậy là cùng quê với em. Còn thân mật như là người nhà của tôi: “Gia đình thầy mẹ em còn đang ở ngoài ấy, mà chị cùng họ Đinh với em, chả nhẽ chị em mình có họ hàng với nhau.” Tôi lườm thầm trong bụng: “Họ hàng gì với chú mà chú nhận, tôi bên Quốc Gia, chú là CS, không thể họ hàng được”. Không muốn mất đi vẻ lịch sự của người miền Nam, tôi hơi mỉm cười nói mát: - Tôi người miền Nam còn chú miền Bắc sao mà có họ hàng được. Tên công an ngẩn người như suy nghĩ câu nói của tôi. Cử chỉ vồn vã, nét mặt vui tươi thân thiện của hắn khi biết tôi cùng quê cùng họ, làm như trong tôi có vết thương đang bị muối xát vào. Cùng mẹ VN một dòng máu, một màu da, nhưng không cùng lý tưởng. Biết đâu người công an này có họ hàng với tôi và cũng có thể những người coi tù là bà con với chồng tôi. Với nghiệt cảnh hiện tại, làm sao tránh khỏi anh em cốt nhục tương tàn. Tôi được chỉ đường tới K1 là nơi giam giữ chồng tôi, đường vẫn còn dài, tôi đến ngồi dưới bóng mát gốc cây bên vệ đường. Phía xa cùng con đường, một người đàn bà đầu đội tay xách như tôi còn dẫn theo một bé gái, vừa đi bé gái vừa khóc, người đàn bà rất trẻ, đứa bé gái khoảng tuổi con tôi. Hình như bé gái không chịu đi bộ nên người mẹ cúi xuống vừa đỡ con vừa kéo lết giỏ đồ trông khó nhọc lê thê.
Có lúc người mẹ bỏ giỏ đồ bên vệ đường, gập lưng xuống
để cõng con, một tay đưa ra phía sau đỡ lấy con trên lưng mình còn một tay
xách giỏ đồ, dáng xiêu xiêu bước đi nặng nề mỏi mệt giữa trưa nắng như lửa
đốt. Đi được vài bước, người mẹ lại xốc đứa con trên lưng để khỏi bị tuột
xuống, lưng người mẹ còng hẳn xuống, tay vuốt mồ hôi trên mặt và quay lại
vuốt nhè nhẹ vào má đứa bé như thể dỗ đành vỗ về. Người mẹ cõng đứa con tới
gốc cây tôi đang ngồi, thả con xuống và nhờ tôi trông chừng rồi trở lại chỗ
cũ xách giỏ đồ còn lại. Cứ như vậy suốt con đường, thay phiên cõng con và
xách đồ từng chặng, thật vất vả khổ sở. Nếu không cùng hoàn cảnh, không thể
nào cảm được cái cảnh đi thăm chồng. Trên thân người đàn bà đó đã chịu bao nỗi
khổ trong cuộc sống, giờ đây đang cố gắng gồng giữ niềm yêu thương của mình..
Đứa bé gái trông thật xinh, mặt bé đỏ au dưới ánh nắng mặt trời, tóc ướt mồ hôi dính chặt trên vầng trán, mắt bé tròn như hai hòn bi, thơ ngây nhìn tôi an tâm không khóc. Đến khi nhìn thấy một người công an gánh hai thùng nước đang đến gần, những giọt nước sóng sánh toát ra ngoài theo nhịp bước, mắt tôi và bé gái đều sáng lên, tôi còn chịu đựng được nhưng bé gái gào khóc lên gọi mẹ vì thấy nước. Người mẹ ngước về phía con lo lắng, chân bước thật nhanh đến con mình, thấy mẹ, đứa bé vừa khóc vừa chỉ về hướng người công an: - Mẹ! Con muốn uống nước, con khát nước quá mẹ ơi. Người mẹ liếc nhìn tên công an như thể thấy một hung thần, cúi xuống dỗ con. - Đừng khóc nữa con, gần tới chỗ bố rồi, tha hồ uống nước con ạ. Nhưng vì quá khát nước, đứa bé càng khóc to hơn. - Không! Mẹ ơi con muốn uống nước bây giờ, không có nước con sẽ chết. Người mẹ không còn biết làm sao dỗ con, đành bứt mấy lá cây rừng, cuốn tròn lại thành cái phễu, đánh bạo đến gần người công an để xin nước cho con mình. - Xin cán bộ cho con tôi tý nước. Mặt người công an lạnh lùng cau mày gắt lên: - Chị là vợ của những tên ngụy quân ngụy quyền, là loại phản động phản quốc, được nhà nước khoan hồng cho đi thăm nuôi, mà còn đòi thế nọ thế kia, ở đây không có nước cho các chị. Người mẹ nhìn về phía con đang gào khóc đòi nước, cố nén tủi nhục, nhẫn nại năn nỉ: - Không! Tôi không xin nước cho tôi. Người mẹ chỉ tay về đứa con đang khóc, hầu mong khơi dậy một chút tình người. “Cán bộ nhìn thấy đứa bé đang khóc đàng kia kìa, từ sáng đến giờ nó chưa được uống nước. Cán bộ làm ơn cho tí nước đi cán bộ”. Người mẹ giở cái phễu lá rừng năn nỉ: - Tôi chỉ xin một chút nước đựng trong này thôi, không nhiều đâu cán bộ. Tên công an đứng bật lên, gánh nước bước đi, trút đổ bao hận thù xuống người mẹ. - Toàn là thứ phản động, theo đế quốc Mỹ, sống sung sướng quen rồi, nóng một tý mà cũng không chịu được. Chị tưởng tôi là đầy tớ gánh nước cho chị hả, đồ thứ phản quốc.. Người mẹ chạy lại ôm chặt con mình, ép nỗi uất đau òa theo tiếng khóc của con. Tiếng khóc hai mẹ con vang trong rừng vắng không làm vơi thù hận của những kẻ không trái tim không tình người.. Ôi quê hương tôi không còn chiến tranh, không còn nghe tiếng súng mà vẫn còn đè nặng bởi thù hận và khổ đau. Hình ảnh vừa rồi thật trái ngược với hình ảnh năm nào của những người lính Sư đoàn 18 VNCH trong một buổi chiều dừng quân nơi thôn làng tôi ở. Họ chỉ có một vài giờ nghỉ chân mà còn tìm cách giúp đỡ những người dân trong thôn làng, người gánh nước người chẻ củi, cứ thấy công việc nào người dân đang làm là họ xúm lại phụ giúp. Hình ảnh thân thương đầy tình người, gần gũi với đồng bào đã ở mãi trong tim tôi. Con đường đi vòng trên sườn đồi, nhìn xa xa phía dưới, những dãy nhà lợp tôn lẫn lợp lá hiện ra thấp thoáng. Trong lòng tôi vừa mừng vừa hồi hộp biết là nơi đó có chồng tôi, tự dưng đầu tôi quay mòng mòng, chân tôi muốn quỵ xuống. Mãi tận rừng núi hoang vu, hàng hàng lớp lớp nhà tù, đang giam giữ chồng tôi và những người sống vì chính nghĩa, chịu bao nhục hình của bầy thú dữ, nước mắt tôi lại chảy, chỉ biết gọi thầm tên anh. Mong rằng anh cảm nhận được tiếng gọi của tôi và biết rằng tôi đang đến gần anh. Căn nhà thăm nuôi của K1 nằm bên phải con đường phía dưới chân đồi, nhìn rất rõ vì cây rừng đã được phá hoang, thỉnh thoảng còn lại ít cây to rải rác. Thấy con đường vòng hơi xa, nóng lòng gặp chồng, tôi tìm cách đi lối khác. Tôi thả hai giỏ đồ đã được cột chặt lăn xuống theo sườn đồi, còn tôi thì cột hai ống quần vào cổ chân rồi ngồi tụt xuống, vì độ dốc rất cao. Cũng may tôi mặc cái quần vải thun dầy nên không bị rách, chỉ bị trầy chút da chân và tay vì vướng vào cành chà. Tôi tới nhà thăm nuôi đã gần chiều, có mấy người cùng chuyến xe tới trước cũng đang ở đó. Nhà thăm nuôi hẹp và dài, được chia ra nhiều ngăn, mái lợp lá, vách đắp bằng đất trộn rơm. Ngăn đầu có một lối ra vào không cánh cửa, ở giữa kê một cái bàn gỗ dài, hai cái ghế dài hai bên, có lẽ là chỗ gặp thân nhân. Gần lối ra vào, một cái bảng nội qui ghi những điều luật cấm.Những điều luật cấm thì trại tù nào cũng như nhau, nhưng thời gian thăm nuôi thì tôi như hụt hẫng với bao mơ ước dự tính trong đầu khi nhìn con số 15 phút thăm gặp. Lòng tôi sôi quặn, trời ơi ba ngày đường xa xôi, lặn lội rừng sâu mà chỉ được gặp chồng có 15 phút thôi sao. Chưa gặp mặt chồng mà nước mắt tôi đã ứa bờ mi. Trước sân nhà thăm nuôi là con suối nhỏ, bên kia con suối, những dãy nhà tù thật xa, dù thấy bóng người tù cũng không thể nhận diện được ai vì quá xa. Tôi mon men đến gần sát bờ suối, mắt hướng về phía trại tù mong ngóng hình bóng yêu thương của mình qua thần giao cách cảm. Trời gần nhá nhem tối, thêm được hai chị đi thăm chồng ở K4 và K5 đến tạm ngủ chung với chúng tôi cho qua đêm, chờ sáng hôm sau trở lại chỗ cũ để gặp chồng. Chúng tôi chẳng ai biết ai, nhưng cùng hoàn cảnh nên dễ thân thiết, ngồi chụm chung lại với nhau nói chuyện. Thật là khủng khiếp kinh sợ khi nghe các chị kể chuyện, ngay tại nhà thăm nuôi K1 này, đêm đêm có một bóng ma, hiện lên lơ lửng phía sau nhà, chỗ cây cao nhiều cành lá. Ngôi nhà này vách sau có những cửa sổ không cánh, chấn song bằng những cành tre nhỏ nên có thể nhìn qua lại rất rõ.
Tin đồn có một chị đi thăm chồng, không biết vì vấn đề
gì đã treo cổ tự tử ngay cây cao phía sau nhà, nên bây giờ hồn chị luẩn quẩn
quanh đây, hiện ra với âm thanh rên rỉ khóc than theo tiếng gió vi vu thật
rợn người. Trời chưa tối hẳn, tôi đã thấy sờ sợ, ngồi chen vào giữa các chị.
Có chị quả quyết là chị không tin người đàn bà đó tự tử, trong khi cực khổ đi
thăm chồng, đã đến tới nơi sắp gặp được chồng, cớ gì lại tự tử. Có thể người
đó tới đây, không có ai cùng thăm nuôi, đêm vắng vẻ bị tụi công an hãm hiếp, rồi
giết treo cổ chị trên cây để không chứng cớ và gán cho chị là tự tử. Hai chị
thăm nuôi K4 và K5 đều nói cũng nghe tin đồn đó, nên hai chị tìm đến với
chúng tôi để không bị nguy hại. Phần tôi, nếu không nghe được chuyện này, lần
đầu tiên đến đây, một mình đêm vắng, có thể cũng như người đàn bà bị treo cổ
trên cây kia.
Ngoài sân màn đêm đã bao phủ một màu đen đặc, ếch nhái ngoài bờ suối ì ộp kêu. Đàng xa, có ánh đèn bin đang rọi đi tới nhà thăm nuôi, một chị khều tay nói khẽ, “kiến vàng đang đến” ( ý nói Công An). Chờ trời tối, công an mới đến kiểm tra có bao nhiêu người ở đó để phát mùng mền. Tới lượt tôi, tên công an cầm súng chỉa thẳng vào tôi, sợ trường hợp bất cẩn, tôi nói với tên công an: - Cán bộ làm ơn đưa họng súng qua hướng khác, đừng chỉa vào tôi lỡ tay rất nguy hiểm. Tên công an sừng sộ: - Vợ tụi ngụy không tin được, phải cảnh giác. Và họng súng vẫn hướng về phía tôi. Tôi là người sau cùng vô tới trại, công việc nấu cơm theo thứ tự, tới phiên tôi là chót. Ở đây có một cái bếp và một cái nồi móp méo, người này nấu xong dỡ cơm ra rồi đến người kế tiếp. Cũng có người không nấu cơm, họ mua các loại bánh đưa vào ăn, còn tôi tiền bạc eo hẹp, mua được hai lon gạo, nấu ăn đêm nay và ngày hôm sau, cũng may tôi còn một quả trứng luộc mua dọc đường chưa kịp ăn.. Nấu cơm xong đã quá nửa đêm, tôi dỡ cơm vào chiếc khăn tay ướt nắm lại cho chắc và chia thành hai nắm, một nắm ăn ngay, còn một nắm dành cho ngày mai. Tôi cạo vét những hạt cơm cháy dưới đáy nồi để còn rửa sạch cho người khác nấu. Nhìn những hạt cơm bất chợt lòng tôi nhói buốt xót xa. Hình ảnh hai người tù cải tạo hồi chiều đã làm tôi rơi nước mắt, ruột co thắt và tim gan như xé ra từng mảnh Lúc tôi đứng bên bờ suối nhìn sang trại giam. Một chị đưa nồi ra suối rửa, những hạt cơm theo nước trôi, nằm đọng dưới nước lẫn lộn đất cát và sỏi đá. Một người tù cải tạo lao động gần đó, đưa mắt liếc nhanh, chờ cho chị ấy bước hẳn lên bờ, người tù vội vàng bước thật nhanh xuống lòng suối, giả bộ cúi xuống rửa mặt, nhanh tay mò nhặt những hạt cơm lẫn chung với đất cát bỏ vội vào miệng của mình. Hình ảnh đó thu nhanh vào mắt tôi, vào đáy lòng của tôi. Ôi! Thật đau khổ dường nào, xót xa dường nào. Trời ơi! Chồng tôi cũng như thế sao? Khi tôi ra bìa rừng nhặt mấy nhánh củi khô để nấu cơm, một người tù cải tạo đang chặt cây rừng, mon men lại gần phía tôi lấm lét nói nhỏ, ánh mắt như cầu khẩn: - Chị ơi! Khi nào chị nấu cơm xong, chị đừng đưa nồi ra suối rửa, chị làm ơn dấu cái nồi trong bụi rậm này cho chúng tôi chị nhé. Hai hình ảnh đó làm tôi như chết lặng. Trời ơi! Những người tù cải tạo, những con người khốn khổ sao ra nông nỗi này? Sao biến đổi như thế này? Cộng sản quá ti tiện bẩn thỉu, hành hạ người tù bằng cách này. Hai nắm cơm trắng nằm trong chiếc khăn tay. Tự nhiên hình ảnh chồng tôi qua hình ảnh hai người tù cải tạo ấy làm tôi chẳng thấy đói. Một nắm tôi gói lại cho chồng, một nắm tôi bỏ lại trong nồi cùng ít cơm cháy, chờ trời sáng tôi dấu vào bụi rậm, không biết người tù nào may mắn được ăn nắm cơm này. Đặt lưng xuống chiếc giường tre, tôi không ngủ được, trằn trọc thao thức đếm từng tiếng chim cú kêu ngoài rừng, đếm từng tiếng gà rừng gáy. Chỉ còn vài giờ đồng hồ là tôi được gặp người chồng yêu thương của tôi. Thời gian trôi qua chậm lòng tôi bồn chồn nôn nao khó diễn tả, bao nhiêu hình ảnh của chồng, bao nhiêu tâm tình muốn nói với chồng đầy ắp trong đầu, không biết sắp xếp câu nào trước câu nào sau, vì chỉ có 15 phút.
Mắt cứ mở lớn nhìn trên nóc
mùng, từng bầy rệp, họ hàng nhà rệp, phải nói là cả xã hội rệp lớn nhỏ có đủ,
vừa ngửi thấy hơi người, thi nhau bò theo hàng theo lớp thật nhanh xuống chỗ tôi
nằm để hút máu, cái mền cũng vậy, rệp bò lổn ngổn lúc nhúc, mùi tanh tanh
ngai ngái đến lợm giọng. Bỏ mền ra thì lạnh, cái lạnh của miền núi rừng cao
nguyên tê buốt thấu xương, ra ngoài ngồi thì bị muỗi rừng chích, tôi đành
chịu để rệp hút máu. Nhìn đoàn rệp bò như hội chợ, con no máu bụng căng phồng
chậm chạp bò lên nóc mùng, con nào còn thèm thuồng lại bò xuống, cứ như vậy
bò lên bò xuống suốt đêm. Tôi thương tôi bị rệp hút máu, tôi lại đau xót cho
đất nước và đồng bào tôi, chịu để bị tàn phá rỉa róc đến tận xương tủy.
Trời hừng hừng sáng, tiếng kẻng lanh lảnh phát ra từ trong trại tù, hàng loạt vang dội vào tai tôi đến nhức óc, tiếng kẻng báo hiệu những người tù đi làm khổ sai. Mọi người lăng xăng háo hức xếp đồ thăm nuôi gọn gàng chờ gặp người thân, có người sắp đồ để bên cạnh cái bàn như thể chồng mình đang ở đó.
Tôi
cũng nôn nao hồi hộp, mắt hướng về bên kia bờ suối mong ngóng. Từ đàng xa,
người công an dẫn những người tù đi đến, tất cả mọi người chúng tôi chạy ùa
ra đứng cạnh bờ suối, chỉ mong nhìn thấy chồng mình trước, nhưng những người
tù đó rẽ ra hướng khác làm mọi người hụt hẫng ngơ ngác. Tôi không ngạc nhiên,
biết chắc tốp tù đó không có chồng tôi, vì họ mắc bộ đồ tù màu xám nhạt,
trước ngực và sau lưng đều đeo bảng số, người nào cũng như bộ xương biết đi
được khoác lên bộ đồ tù rộng thùng thình, vạt và tay áo phất phơ như hình
thằng bù nhìn mà nông dân thường treo ngoài ruộng rẫy để đuổi chim.
Thêm hai
lớp tù nữa đi qua, họ đi bên kia bờ suối khoảng cách hơi xa, nhưng họ cứ
ngoái lại nhìn chúng tôi, trông thật tội nghiệp. Mặt người nào cũng còm cõi
hốc hác. Tôi đoán họ là tù hình sự, chắc bị hành hạ tra tấn dữ lắm nên thân
xác họ tiều tụy như vậy. Tiếng các bác các chị nhao nhao:
- Đang ra kìa! Đang đến nữa kìa, chắc lần này đúng rồi. Tôi bước ra chỗ khác để nhìn cho rõ, vẫn thấy hai người công an mặc áo màu vàng cầm súng đi chung với tù cải tạo, nhưng tốp này ít người tù hơn. Họ cũng mặc áo tù màu xám có bảng số. Tôi nhìn dửng dưng, người tôi đang mong đợi là chồng tôi, chứ không phải những người tù hình sự đó. Những người tù đến gần bờ suối, người nào cũng hướng về chúng tôi, mắt tôi nhìn về một người vì người ấy nhìn tôi mỉm cười. Tôi thấy tội nghiệp vì bộ đồ tù quá rộng phủ lên người đó, còn tóc cắt ngắn gần như trọc nhẵn. Mắt tôi vẫn trông theo người đó, tôi hơi ngạc nhiên, người đó xa lạ tôi không quen tại sao cứ nhìn thẳng vào tôi. Quay sang chị bên cạnh, tôi chỉ vào người tù đó: - Chị ơi! Tôi không quen người tù đó, mà sao nhìn tôi cười. Chị ta nhìn theo hướng tay tôi chỉ: - Chắc người nhà chị, cười với chị, chứ tui đây sao không cười với tui. Chị ta cười nói đùa: - Trời ơi! Nhìn thấy chồng mà mặt làm bộ tỉnh queo. Tôi cãi lại : “Chồng tôi nhìn đâu như vậy”. Những người tù qua hẳn bên này suối, khoảng cách thật gần, cách tôi chừng 5 bước. Bỗng mắt tôi hoa lên, chân đứng không vững, bầu trời như sập xuống. Tôi mở to mắt nhìn, như không vào mắt mình, tim tôi đập mạnh trong lồng ngực. Ôm lấy ngực, cắn chặt môi để không thét thành tiếng, tim tôi đau nhói. Ôi! Chồng tôi, chồng tôi đấy ư! Chồng tôi ra nông nỗi này sao? Không lẽ là anh, lúc này tôi nhận rõ anh qua ánh mắt. Ánh mắt ngày xưa nhìn tôi yêu thương nồng nàn, bây giờ cũng ánh mắt ấy nằm trong một hốc sâu trông thật xót xa. Đôi mắt to tròn đầy cương nghị chỉ còn là hai hố sâu hoắm trên cái đầu lâu được bọc da. Đau xót thương cảm tôi nghẹn ngào, nước mắt cuồn cuộn thi nhau chảy. Trời ơi! Hình dạng chồng tôi hao mòn biến đổi ra thế này ư. Tôi đưa tay bụm chặt lấy miệng để tiếng khóc không thoát ra ngoài, mặt tôi dàn dụa nước mắt, tim nhói đau theo nhịp tiếng khóc trong cổ họng. Hình ảnh chồng tôi lung linh qua làn nước mắt. Anh nhìn tôi đau khổ, đầy nước mắt khô,môi anh khẽ mấp máy: - Nín đi em, nín đi em. Anh đây! Anh không sao, anh còn sống! Tôi đứng nhìn anh chết sững, Tôi biết những dòng nước mắt của tôi sẽ làm anh khổ, nhưng tôi không thể nào cầm lòng được khi nhìn thấy chồng như thế này. Tôi muốn chạy lại ôm chặt lấy anh, ôm lấy hình hài như da bọc xương của anh, san sẻ cho anh chút sinh lực hơi ấm nơi tôi. Nhưng tôi không làm được, cặp mắt hai tên công an cầm súng trừng trừng nhìn chúng tôi như ngầm bảo “không được lại gần những người tù”, chúng tôi thật gần mà khoảng cách thật xa bởi quyền lực. Sáu người tù đứng theo hàng trước nhà thăm nuôi. Tôi chờ tiếng nói của 2 tên công an cho phép gặp gỡ người tù, sẽ chạy đến bên anh, đưa anh vào chỗ nơi tôi để sẵn giỏ đồ thăm nuôi. Nhưng tên công an ra lệnh mấy người tù thứ tự theo hàng đứng vào một bên hàng ghế, còn một bên hàng ghế đối diện, tên công an hất mặt lại phía những người đi thăm nuôi. - Này! Ai là người nhà, chỉ được một người thôi, ngồi phía bên kia người nhà của mình. Chúng tôi lần lượt như một cái máy bước nhanh vào chỗ ngồi đối diện. Những người tù ngồi bất động, xót đau nhìn người thân của mình, kiên nhẫn chờ đợi. Người công an đứng ở đầu bàn hắng dặng, gằn giọng nói: - Trước khi người nhà tâm sự với nhau, phải tuân theo điều luật, động viên các anh ấy học tập tốt, nhất là không được khóc làm nản chí học tập các anh ấy. Phải biết là nhà nước cách mạng đánh đuổi Mỹ- Ngụy ra khỏi nước, nhà nước đã khoan hồng cho các anh ấy học tập để không còn theo Mỹ-Ngụy đánh đổ nhà nước, bây giờ đã hòa bình, xã hội chủ nghĩa là xã hội tự do vv…Ôi chao, tên công an cứ như con vẹt đọc bài thuộc lòng, những lời tên công an không lọt vào tai chúng tôi. Mắt và đầu óc tôi chỉ chăm chú vào chồng tôi, nước mắt tôi vẫn không ngừng rơi. Trong phòng thăm nuôi im lặng, ngoài tiếng nấc, tiếng sụt xịt nghẹn ngào trong cuống họng và tiếng giảng thuyết lên lớp của tên công an, kéo dài như cố tình quên 15 phút thăm gặp. Những giọt nước mắt của tôi như động lực đưa bàn tay anh về phía tôi, như muốn vỗ về an ủi mà trước đây mỗi lần tôi khóc. Bàn tay anh rướn gần tới bàn tay tôi thì ngừng lại, vì tên công an cầm súng tiến gần phía sau lưng tôi, ngón tay anh run rẩy như những lóng xương đang động đậy. Lòng tôi đau như cắt, chẳng nói được gì ngoài hai hàng nước mắt, tôi muốn vươn tới nắm lấy bàn tay xương xẩu của anh, nhưng cặp mắt của tên công an vừa nói vừa liếc nhìn chúng tôi.
Dưới gầm bàn, tôi cảm được bàn chân chồng
tôi đang động đậy kiếm bàn chân tôi, trút vội cái dép khỏi chân tôi đưa chân
mình lần mò đặt lên chân anh, để chồng tôi nhận hơi ấm và tình cảm của tôi
lén lút gửi qua bàn chân anh. Bàn chân chồng tôi đang lạnh từ từ ấm lên, tôi
khóc mà cảm được hạnh phúc qua đôi bàn chân. Cho tới khi tên công an cho phép
trao đổi tâm tình, thời gian chỉ còn 5 phút ngắn ngủi, tôi chẳng nói được gì
với chồng tôi, ngoài tiếng nấc nghẹn ngào, gật đầu và lắc đầu theo tiếng hỏi
thăm của chồng tôi về bố mẹ và hàng loạt người thân mà chồng tôi nhớ tới. Hết
giờ thăm nuôi.
Tới lúc kiểm tra đồ thăm nuôi, có món mẹ tôi cố công làm gửi cho anh và vài món khác không hợp lệ bị gạt ra. Tôi hồi hộp nhìn những món đang kiểm tra, tới món mỡ chưng hấp với đường cát trắng, tôi nặn óc nghĩ mãi cách qua mặt tên công an, mở gói mỡ ra, những miếng mỡ trong veo bọc với đường cát trắng trông giống như miếng mứt bí, tên công an cầm từng miếng lên ngửi, thắc mắc hỏi tôi: - Cái này là thứ gì? Tôi trả lời nhanh để hắn khỏi nghi ngờ: - Thưa cán bộ, thứ này là mứt bí, Tết qua lâu rồi sợ bị hư, tôi gởi cho chồng tôi để ăn tết muộn ạ. Như thể tên công an chưa bao giờ nhìn và nghe nói mứt bí, vẫn thắc mắc: - Mứt bí là cái thứ gì? Có lẽ người ngoài Bắc không hiểu tiếng người trong Nam. Tôi lại giải nghĩa: - Mứt này cứ vào dịp tết, chúng tôi lấy quả bí đao cắt lát, ướp với đường phơi khô thành mứt , gọi là mứt bí. Tôi thở phào khi tên công an bỏ miếng mỡ heo vào gói và đẩy về phía chồng tôi, anh nhanh tay bỏ vào giỏ của mình, chỉ sợ bị lấy lại. Tên công an giả lả: - Mất bí đao thì cứ gọi là mất bí đao. nói là mứt..mứt …,ai mà biết. Vài tiếng cười khúc khích nho nhỏ của mấy người đi thăm nuôi đứng gần đó. Tên công an quay lại gừ lên: - Các chị cười cái gì vậy. Còn nắm cơm, tôi gói vào tờ giấy đã nguội ngắt, hắn cầm lên sừng xỏ với tôi: - A! Chị này giỏi thật. Dám xỉ nhục cách mạng. Chị tưởng nhà nước chúng tôi bỏ đói chồng chị hả, tôi bỏ lại hết đồ thăm nuôi của chị bây giờ. Lúc đó tôi run quá, vì thương chồng mà làm hại tới anh. Sợ chồng tôi không được nhận những món đồ thăm nuôi, tôi định lấy lại nắm cơm và xin lỗi tên công an, nhưng thấy ánh mắt chồng tôi nhìn vào nắm cơm. Tôi thật đau lòng và xấu hổ cho sự hèn nhát yếu đuối của mình khi phải nói những gì không đúng sự thật, giọng tôi run run uất ức: - Thưa cán bộ! Tôi biết nhà nước cách mạng khoan hồng cho chồng tôi, được đi học tập cải tạo như vậy là tốt, để chồng tôi thông suốt đường lối, sống tốt với nhà nước với nhân dân. Còn tôi đâu dám xỉ nhục nhà nước, nắm cơm này tôi nắm để ăn, còn thừa đã hơn một ngày rồi, nó bắt đầu hơi thiu, bỏ đi thì tiếc. Tôi để lại cho chồng tôi ăn, nếu không còn ăn được, chồng tôi vất đi cũng được mà. Những lời tôi nói làm dịu lòng tên công an, cầm cuốn sổ tay, tên công an gõ vào cạnh bàn, nói. - Chị hiểu được nhà nước như vậy là tốt, thôi được, cho phép chồng chị lấy nắm cơm thiu này. Chồng tôi chỉ chờ có vậy, cầm vội nắm cơm bỏ vào giỏ và bước nhanh vào hàng đi theo hai tên công an vào lại trại. Chúng tôi nước mắt tiễn đưa những người thân tới bờ suối, ranh giới của chia cách. Những người tù ngoái lại nhìn chúng tôi trông rất thương cảm xót xa, không biết có lần sau gặp lại vợ mình, người nhà của mình nữa không? Mọi người trở vào thu xếp để đi về. Bóng chồng đã khuất hẳn, tôi thẫn thờ nán lại bên bờ suối, nhìn về hướng trại giam như để hy vọng còn nhìn thấy anh. Tiếng các chị gọi ơi ới: - Không gặp lại nữa đâu, đi về đi. Bước vào nhà thăm nuôi, nhìn từng chỗ vẫn thấy hình ảnh chồng tôi, từ chỗ anh đứng xếp hàng, chỗ ngồi vào ghế, lúc anh đứng nhích tới để xếp đồ vào giỏ, từng hình ảnh một hiện lại trong mắt tôi. Tôi ngồi vào ngay chỗ anh ngồi, tưởng tượng anh còn đang ngồi với tôi, tay tôi xoa xoa mặt bàn tìm chút hơi ấm còn đọng lại của anh. Nước mắt tôi lại trào ra, chỉ là tưởng tượng, mặt bàn trống trải lạnh tanh, hơi lạnh chuyền vào tay thấm tới tim tôi, ngơ ngác tôi như còn muốn kiếm tìm. Mặt trời đã lên cao. Tôi ra về mà lòng trĩu nặng xót đau, hình ảnh tù tội khốn khổ của chồng luẩn quẩn quanh tôi là hành trang yêu thương theo tôi suốt cả cuộc đời. Từng bước chân nặng nề bước trên con đường dốc ven đồi, đầu tôi ngoái lại như hồn còn ở giữa núi rừng hoang vu. Từ xa, nơi ngã ba đường, hình dáng như quen thộc đang tiến vào con đường tôi đang đi. Ồ! Thì ra ông cụ cùng chuyến xe sáng hôm qua. Tôi đứng lại chờ, dáng ông thất thểu lom khom từng bước chậm chạp, không còn vẻ nhanh nhẹn như hôm qua. Thấy tôi ông chỉ hơi nhếch mép, vẫn cái miệng móm mém của ông, tôi nhanh nhẩu chào: - Chào bác! Hai bác cháu mình có duyên gặp lại nhau, sao bác? Con trai bác có khỏe không? Tôi chào hỏi để có chuyện nói chứ cùng cảnh thăm tù, thấy người thân nỗi đau như xé ruột gan. Ông cụ òa lên khóc, tiếng khóc nỉ non ai oán. - Tôi khổ quá cô ơi! Lặn lộn đường xa mong gặp con mà chẳng được gặp. Tôi cầm lấy tay ông lắc lắc, lo sợ! - Sao vậy bác! Anh ấy bị làm sao? Như cào vào nỗi đau thương của ông, mếu máo ông càng khóc to hơn: - Tội nghiệp cho con tôi, nếu tôi đi thăm một tuần trước đây thì đâu đến nỗi này, con tôi bị giam vào nhà đá mấy bữa nay rồi cô ơi. Ông khóc hu hu, giọng nghẹn ngào đứt quãng: “ Khổ thân con tôi! Sao con khổ vậy, con làm gì nên tội mà họ hành hạ con”! Nước mắt tôi chảy theo nước mắt ông, cùng hoàn cảnh và tâm trạng. Kẻ khổ không gặp được con, người đau nhìn chồng thân xác hao mòn xác xơ. Một già một trẻ chung niềm đau, chậm chạp lê bước trên đường.… Sau này, những đêm nằm gối đầu trên cánh tay chồng, tôi thường nghĩ đến những năm tháng sống trong đen tối khổ đau, những tủi nhục khổ cực mà chồng tôi chịu đựng trong nhà tù khổ sai mà Cộng sản gọi là “ tập trung cải tạo”. Tôi thì thầm hỏi anh nghĩ gì mỗi lần nhìn thấy tôi và ngày đó ở trại tù Gia Trung, cảm giác của anh khi bàn chân tôi tìm để trên bàn chân anh dưới gầm bàn, anh bóp nhè nhẹ bờ vai tôi cách âu yếm. Ngày mất nước, anh mất tất cả. Ngày vào tù, coi như anh đã chết.
Những lần thấy tôi, nhìn tôi tàn tạ héo úa, anh rất
khổ. Anh bất lực trong hoàn cảnh không thể an ủi xoa dịu tôi, anh không khóc
được như tôi đã khóc, anh dồn nén niềm đau của mình càng làm anh đau hơn. Nhưng
anh vẫn nhìn thấy nơi tôi một vùng trời đầy hy vọng, giúp anh thêm niềm tin
và nghị lực. Và lần đó, anh không nhận được hơi ấm từ bàn chân tôi, có thể
chân anh và tôi khoảng cách hơi xa, nên chân tôi đặt lên bàn chân người bạn
tù ngồi kế bên.. Thôi thì người bạn tù đó cũng cảm được sự an ủi, hạnh phúc
nghĩ đó là chân của vợ mình.
Anh quàng tay ôm chặt lấy tôi, như thể bàn tay anh còn quá hẹp, không đủ ôm cả niềm yêu thương hạnh phúc của mình. Còn tôi, rúc vào cổ vào ngực anh, hạnh phúc nghe được nhịp tim và hơi ấm, như đang nghe điệu nhạc dịu êm, ru tôi vào giấc ngủ trong vòng tay ấm áp của anh, mà trước đây tôi thường phập phồng lo sợ tưởng rằng mình không bao giờ còn có những giây phút này. Hoàng Yến |
QUỐC HẬN 30 THÁNG 4
-----
==== ====
==== ====
Saturday, April 27, 2013
Một chuyến đi thăm nuôi chồng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Featured Post
BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP
https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...
Popular Posts
-
Cu ộ c đ ờ i em g á i T ổ ng th ố ng Ng ô Đì nh Di ệ m. (Bà Elizabeth Ngô Ðình Thị Hiệp là Mẹ của Hồng y Nguyễn ...
-
Việt Nam : Một Trời Tâm Sự hồi ký của Trung Tướng VNCH Nguyễn Chánh Thi THÂN PHẬN CỦA ĐẠI TÁ CAO VĂN VIÊN ...
-
Việt Nam Nhân Chứng Hồi Ký của Trung tướng VNCH Trần Văn Đôn Phó Thủ Tướng kiêm Thanh Tra Các Kế Hoạch Quốc Gia 1974-...
-
Trời đất Quỷ Thần ơi!!! Sao các ông các bà muốn nói gì thì nói hay sao ? Lúc thì bảo: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy n...
-
Matthew Trần: ĐẸP HẾT SẪY !!! KHÔNG BIẾT NHÀ HỌA-SĨ -- TIGER MURRIZUMI -- NHẬT NI K...
-
XIN CHUYỂN .... ---------- Forwarded message ---------- From: Date: 2013/5/1 Subject: Vài chuyện về Anh em ông Diệm và nhâ...
-
1. TỰ TRUYỆN ĐÈN CÙ CỦA TRẦN ĐĨNH 2. MỘT RỪNG ĐẠI NGÀN NHỮNG TRANG HỒI KÝ HAY, RẤT ĐÁNG ĐỌC MỘT RỪNG ĐẠI NGÀN NHỮNG TRA...
-
On Saturday, February 8, 2014 6:16 PM, Luong Mai <> wrote: Thật đáng ca tụng đông bào trong nước vẫn thương TPB VNCH On Sat...
-
https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...
-
----- Forwarded Message ----- From: Minh Pham M ộ t an ủ i cu ố i đ ờ i cho ca sĩ kiêm di ễ n viên màn b ạ c Th...
Popular Posts
-
Cu ộ c đ ờ i em g á i T ổ ng th ố ng Ng ô Đì nh Di ệ m. (Bà Elizabeth Ngô Ðình Thị Hiệp là Mẹ của Hồng y Nguyễn ...
-
Việt Nam Nhân Chứng Hồi Ký của Trung tướng VNCH Trần Văn Đôn Phó Thủ Tướng kiêm Thanh Tra Các Kế Hoạch Quốc Gia 1974-...
-
Việt Nam : Một Trời Tâm Sự hồi ký của Trung Tướng VNCH Nguyễn Chánh Thi THÂN PHẬN CỦA ĐẠI TÁ CAO VĂN VIÊN ...
-
1. TỰ TRUYỆN ĐÈN CÙ CỦA TRẦN ĐĨNH 2. MỘT RỪNG ĐẠI NGÀN NHỮNG TRANG HỒI KÝ HAY, RẤT ĐÁNG ĐỌC MỘT RỪNG ĐẠI NGÀN NHỮNG TRA...
-
XIN CHUYỂN .... ---------- Forwarded message ---------- From: Date: 2013/5/1 Subject: Vài chuyện về Anh em ông Diệm và nhâ...
-
Trời đất Quỷ Thần ơi!!! Sao các ông các bà muốn nói gì thì nói hay sao ? Lúc thì bảo: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy n...
-
Những sự thật cần phải biết (phần 24) - Tội bán nước và tham nhũng có tên Lê Khả Phiêu Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Lê...
-
https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...
-
3 Lu Doan Nhay Du Cung Phao Binh Ngày 1 tháng 12 năm 1966 các Chiến Ðoàn Nhẩy Dù được cải danh thành Lữ Ðoàn Nhẩy Dù Lữ Ðoà...
-
From: Nhuan Tran To: Cong Tran ; KINH NGUYEN Sent: Friday, May 3, 2013 11:15 AM Subject: Fw: TÀI LIỆU: Lính Mỹ Dạy Việt Minh 19...
My Blog List
-
-
-
-
-
-
-
-
-
https://www.facebook.com/reel/802490438523735 - https://www.facebook.com/reel/8024904385237355 months ago
-
-
-
BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP - https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa rpedn...1 year ago
-
-
-
-
Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái - From: *VUONG DANG* < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Sleepingon Your Left ...3 years ago
-
5 Kỷ Lục Thế Giới Dành Cho Ẩm Thực Việt Nam - WATCH LIVE NOW : NHỮNG CA KHÚC HAY NHẤT CỦA HOÀI AN [14 Ca Khúc] (Super HD Videos) https://www.youtube.com/playlist?list=PLNBxCTIUVE70m607mVC5vUdM...4 years ago
-
-
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết