QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, October 30, 2013

ANH HÙNG VÀ KẺ BỘI PHẢN” TRONG QUÂN LỰC VNCH,”


 

 

 

Date: Tue, 29 Oct 2013 04:58:56 -0700
From: sangthai42
Subject: ANH HÙNG VÀ KẺ BỘI PHẢN” TRONG QUÂN LỰC VNCH,”

 

 

“Không như những gì thế giới Phương Tây đã nghĩ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong 20 năm. ......... Trong các trận đánh, từ chiến trường nhỏ trước Mậu Thân, và mở rộng ra sau đó, họ đã chiến đấu rất can đảm và hiệu quả.”

 

Buổi ra mắt tác phẩm nghiên cứu lịch sử về chiến tranh Việt Nam của giáo sư Andew Wiest tại thành phố Falls Church có thể được xem là cơ hội để những người bạn cũ, những đồng đội cũ, của 40 năm trước gặp lại nhau. Họ có thể là những mảnh vụn, bị phân tán khắp nơi sau khi chia tay, để rồi, với tác phẩm nghiên cứu của Wiest, họ lại được sắp vào nhau như một khoa học ghép hình, góp phần tái lập lại hình ảnh đúng đắn hơn cho một quân đội, theo lời giáo sư Wiest, gần như chưa bao giờ được thế giới Tây Phương thừa nhận và đối xử công bằng.

*Cuộc chiến không thể diễn tả hết bằng giấy mực

Thành phố Falls Church, ngày 17 tháng Hai, năm 2008. Tại buổi lễ ra mắt tác phẩm nghiên cứu lịch sử của giáo sư Andrew Wiest. Tác phẩm có tên “Vietnam’s forgotten Army. Heroism and betrayal.”

“Hãy cho tôi giải thích tại sao tôi viết cuốn sách này. Tôi chỉ mới 14 tuổi khi Sài Gòn thất thủ, còn quá trẻ cho cuộc chiến Việt Nam! Nhưng tôi đã nhìn thấy cuộc chiến ấy mỗi ngày, trên tivi, trong ánh mắt những thanh niên Hoa Kỳ đàn anh trở về từ chiến trường Việt Nam, trên khuôn mặt những người Việt Nam được các nhà thờ trong địa phương bảo trợ sang Hoa Kỳ sau cuộc chiến. Nhưng tôi cũng nhận ra một điều: không một ai có thể giải thích cuộc chiến ấy! Đối với tôi, đó là một bí ẩn. Và chắc hẳn, đó cũng là bí ẩn trung tâm của thế hệ chúng tôi. Và tôi quyết định đi tìm câu trả lời.” (Tiến sĩ Andrew Wiest)

Andrew Wiest, giáo sư sử học, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Tranh và Xã Hội tại đại học Southern Mississippi trình bày nguyên ủy ra đời của tác phẩm “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Một Quân Đội Bị Quên Lãng. Anh Hùng và Kẻ Bội Phản.”

Đối với Andrew Wiest, chiến tranh Việt Nam là một lớp học không có giáo sư, một cuốn sách không có tác giả, một điều cấm kỵ mà dường như hầu hết người Mỹ muốn quên đi.

Wiest không chọn thái độ đó, và ông quyết định một phương pháp giảng dạy mới. Đó là, mời các cựu chiến binh đến giảng bài, và sau đó, chính ông đưa họ cùng các sinh viên sang Việt Nam, để tìm hiểu chiến trường của hơn 30 năm trước, và cũng để đi tìm diện mạo của một quân đội mà ông gọi là “bị bỏ quên.”

“Trong thời gian ở Việt Nam, tôi gặp một người đàn ông có tên là Phạm Văn Đính, đã tham gia chiến tranh Việt Nam. Qua câu chuyện ông ta kể, tôi thấy ông ta là một bí ẩn. Tôi tin rằng, tôi sẽ cần phải nói chuyện với ông ta nhiều hơn nữa để học hỏi.

Sau khi trở lại Hoa Kỳ, tôi hỏi rất nhiều người về Phạm Văn Đính. Tất cả đều nói, nếu tôi muốn biết nhiều hơn về Đính, có một người có thể kể cho tôi. Người đó tên là Trần Ngọc Huế, đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp theo một con đường hoàn toàn khác Phạm Văn Đính.”

Và cuốn sách ra đời. Tác phẩm của Wiest là một công trình thuần túy lịch sử, nhưng cấu trúc được xây dựng lạ lùng, và chủ đề được tiếp cận nhân bản.

*Cuộc gặp gỡ định mệnh

“Anh Hùng và Kẻ Bội Phản” cũng đầy những con số, địa danh, tên gọi, tổn thất. Nhưng “Anh Hùng và Kẻ Bội Phản” không lạnh lùng, vô cảm. Tác phẩm được xây dựng trên 2 nhân vật chính, có thật, hoàn toàn có thể kiểm chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hai nhân vật có tên Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế.

Cả hai gặp nhau trong một sự sắp xếp trớ trêu của định mệnh. Trước hết, họ là đồng hương, là người Huế, và cùng yêu cố đô với tình cảm mãnh liệt. Cả hai đều chọn binh nghiệp. Sĩ quan Phạm Văn Đính, sinh năm 1937, tốt nghiệp trường Võ Bị Thủ Đức, sĩ quan Trần Ngọc Huế, sinh năm 1942, tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Con đường binh nghiệp của cả hai sĩ quan trẻ gặp nhau tất cả 5 lần.

Bốn lần đầu, trong vinh quang, khi cả hai cùng liên tiếp được thăng cấp rất nhanh trong vai trò sĩ quan tác chiến. Sự gan dạ và các chiến tích của họ được tác giả cuốn sách gọi là “Thời Đại Của Những Anh Hùng.”

Lần gặp thứ năm, cũng là lần cuối cùng, cả hai không thể lường trước, về hoàn cảnh, về địa điểm, và cả tư thế. Lần gặp này, một trong hai người sẽ phải ân hận cho đến cuối đời.

*Một quân đội anh hùng

Tạm rời câu chuyện của Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế để trở lại hành trình tìm hiểu chiến tranh Việt Nam của tác giả Andrew Wiest.

“Không như những gì thế giới Phương Tây đã nghĩ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong 20 năm. Anh dũng hơn cả những gì mà thế giới Tây Phương, cho đến thời điểm này, vẫn viết, vẫn tin và vẫn hình dung. Trong các trận đánh, từ chiến trường nhỏ trước Mậu Thân, và mở rộng ra sau đó, họ đã chiến đấu rất can đảm và hiệu quả.”

Wiest, ở tuổi 14 khi chiến tranh kết thúc. Có thể xem Wiest là thế hệ hậu chiến. Wiest, tại sao bị ám ảnh bởi cuộc chiến? Cuộc chiến tranh Việt Nam là vậy. Hãy nghe nhận định của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một diễn giả trong buổi ra mắt sách.

“Những câu chuyện thân tình mà Trung Tướng William Bolt vừa kể về Trần Ngọc Huế cho thấy ông tin rằng Huế đã chết, thế mà đột nhiên ông ta lại xuất hiện. Cuộc chiến Việt Nam là như vậy. Khó hiểu thật.

Tôi thuộc vào thế hệ chiến tranh, và tôi không thể lấy cuộc chiến ấy ra khỏi đầu tôi, rõ ràng là như vậy. Thế nhưng những thế hệ trẻ hơn, chẳng hạn giáo sư Wiest, tác giả cuốn sách này, thì rõ ràng, cuộc chiến Việt Nam lại quay về, và ám ảnh chúng ta.”

Hãy quay trở lại với hai sĩ quan trẻ Trần Ngọc Huế và Phạm Văn Đính. Hãy hình dung chiến trường Tchepone, Hạ Lào, gần 40 năm về trước.

Một đêm cuối tháng Ba năm 1971, trong khuôn khổ chiến dịch Lam Sơn 719, Trần Ngọc Huế lúc đó đang ở Tchepone, bị thương và ngất lịm. Ông ra lệnh cấp dưới mở đường máu thoát thân, để ông lại trận địa nhằm tránh gây cản trở trên đường tháo lui. “Giấc Mơ Bị Vỡ Vụn,” là tên của chương sách nói về trường hợp sĩ quan Trần Ngọc Huế bị bắt làm tù binh.

Về phần Phạm Văn Đính, trong giai đoạn cuối của hành quân Lam Sơn 719, được lệnh đưa đơn vị đến Khe Sanh để yểm trợ và đóng cửa căn cứ. Vòng vây Bắc Việt xiết chặt, tình thế hiểm nghèo. Phạm Văn Đình 2 lần nhận được yêu cầu của phía Bắc Việt: Đầu hàng để được toàn mạng. Trung tá Phạm Văn Đính quyết định đầu hàng, ở tuổi 35, khi còn 2 tháng nữa thì được vinh thăng đại tá. “Kẻ Bội Phản” là chương sách nói về trường hợp của trung tá Phạm Văn Đính.

Một năm sau, tại một trại tù binh ở Sơn Tây, trung tá Đính và thiếu tá Huế gặp nhau lần thứ năm. Huế bàng hoàng nhận ra, trung tá Đính của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, bây giờ đã là trung tá Đính quân đội nhân dân, đến gặp, nói chuyện và tế nhị chiêu dụ thiếu tá Huế hợp tác với miền Bắc. Thì ra, chỉ một thời gian ngắn sau khi trung tá Đính đầu hàng, ông đã quyết định đổi bộ quân phục, hợp tác và được chuyển ngang cấp bậc sang phía quân đội Bắc Việt.

Thiếu tá Huế từ chối hợp tác, bị giam đến năm 1973, có tên trong danh sách trao đổi tù binh theo Hiệp Định Paris. Ông được đưa đến địa điểm trao đối tù binh thuộc tỉnh Quảng Trị, có thể nhìn thấy cảnh cũ ở bên kia biên giới, tay đã chạm vào tự do, và rồi, một sĩ quan Bắc Việt tiến đến, nói rằng Huế bị bắt tại Lào nên không phải là tù binh của Bắc Việt. Ông không được trả tự do.

Năm 1983, thiếu tá Huế ra tù, về sống tại Sài Gòn, sau đó sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, cho đến nay.

Trung tá Phạm Văn Đính thì đã qua đời hồi năm ngoái, tại Việt Nam, sau một lần sang Hoa Kỳ để trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Wiest, tác giả cuốn sách đang được nói đến. Tại đây, những đồng đội ngày xưa, tức những kẻ thù bây giờ, kể cả các cố vấn Hoa Kỳ, từ chối gặp mặt ông.

*Lịch sử không công bằng

Tác giả Wiest khẳng định, quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực bị bỏ quên. Trong tư thế một sử gia, Wiest khẳng định, bằng chính nghiên cứu của mình, rằng quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực anh dũng, đã chiến đấu trong cuộc chiến 20 năm để bảo vệ tự do.

Quân lực ấy có rất nhiều anh hùng, nhưng không được lịch sử đối xử công bằng. Wiest nói, Tây Phương chỉ viết về chiến tranh Việt Nam như một cuộc chiến chỉ có người Hoa Kỳ đánh nhau. Thực tế không phải như vậy, và càng không phải như vậy khi người Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Hãy nghe thiếu tướng Creighton Abrams, con trai cố đại tướng Abrams nhắc lại những gì thân phụ ông suy nghĩ.

“Một sĩ quan người Anh đã phát biểu về cha tôi, rằng Abrams giỏi lắm, rất giỏi. Đáng lý ra ông ta phải có một cuộc chiến tốt hơn. Tôi không đồng ý với nhận định ấy. Đến hôm nay tôi vẫn tin, cũng như cha tôi đã từng nói, quân đội miền Nam Việt Nam đáng cho những gì tốt nhất mà ông đã ra công. Và ông thấy hãnh diện đã từng cùng họ phục vụ một cuộc chiến mà kết thúc cuối cùng không như mong muốn.”

Để kết thúc, xin được giới thiệu trích đoạn trong lời đề tựa trên tác phẩm “Anh Hùng và Kẻ Bội Phản.” Lời đề tựa do thượng nghị sĩ James Webb, cựu Bộ Trưởng Hải Quân, và cũng là cựu chiến binh Việt Nam, viết, có đoạn đại ý như sau:

Câu chuyện của Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế không phải là những câu chuyện dễ cảm nhận. Điều quan trọng không phải là nhìn vào một Việt Nam vươn mình từng năm một vào cộng đồng thế giới. Để hiểu được hai hành trình trái ngược này, phải nhìn vào một Việt Nam những ngày đầu thoát ra khỏi bóng tối của cuộc chiến.

Hãy nhìn như vậy, để cảm nhận một Trần Ngọc Huế chiến sĩ dũng cảm, trả giá đắt cho lòng trung thành nhưng chẳng bao giờ phải trả lời câu hỏi về danh dự. Trong khi đó, con đường mà Phạm Văn Đính đã chọn, ít đau đớn hơn, nhưng lại trở nên phức tạp hơn ở hồi kết thúc.”

Tác giả Wiest nói rằng, sự chọn lựa của hai nhân vật chính, nhất là quyết định “thay đổi bộ quân phục” của Phạm Văn Đính, sẽ do chính độc giả tự đánh giá. Mục đích của Wiest là, thông qua câu chuyện của hai sĩ quan này, trình bày lại sự thật về một quân đội quả cảm nhưng bị đối xử thiếu công bằng về mặt lịch sử.

Mà đó cũng là công việc của Wiest, một sử gia. Có người đã từng phát biểu, rằng “không có sử gia, sự thật sẽ vĩnh viễn nằm trong bóng tối.”

Andrew Weist, thông qua “Anh Hùng và Bội Phản,” đã phần nào đưa được sự thật ra ánh sáng.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List