QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, January 15, 2014

Quán Văn, Thuở Cũng Cần Có Nhau


Quán Văn, Thuở Cũng Cần Có Nhau
(01/14/2014) (Xem: 516)
Tác giả : Bùi Văn Phú
Bùi Văn Phú
[Đọc “Cũng Cần Có Nhau”. Phóng bút của Hoàng Xuân Sơn. Nxb Nhân Ảnh 2013. 374 trang.]

Năm lớp 7 ở trường Thánh Tâm, Ngã ba Ông Tạ, tôi học văn với thày Trần Văn Thuận. Một hôm thày kể cho nghe về vụ nổ súng tại Đại học Văn khoa Sài Gòn trong một đêm văn nghệ với Khánh Ly, Trịnh Công Sơn. Thày Thuận thích nhạc Trịnh và thỉnh thoảng mang đàn vào lớp hát cho học trò nghe.

Những năm học cấp hai, là một học trò năng động nên giờ sinh hoạt hiệu đoàn của thày Nguyễn Văn Khải tôi thường lên thuyết trình, cùng một bạn trong đội hát những ca khúc quen thuộc của Y Vân, Trịnh Công Sơn.

Thích sinh hoạt nên ở cấp ba tôi cũng tham gia văn nghệ, bích báo tại trường Nguyễn Bá Tòng.

Nhưng lên đại học thì không chỉ có lòng đam mê hoạt động là được. Phải là người quốc gia hay cộng sản, như một đàn anh đã nói khi tôi và Hoà, hiện ở Úc, muốn ứng cử vào ban đại diện sinh viên khoa học và luật khoa.
Bìa sách “Cũng Cần Có Nhau.”

Còn đang đi tìm sự hậu thuẫn của đảng phái chính trị thì mọi thứ khép lại với dấu mốc thời gian 30/4/1975.

Đến Mỹ, tôi tiếp tục hoạt động sinh viên. Cũng lại tổ chức văn nghệ, làm báo. Tờ báo của sinh viên Đại học Berkeley, phát hành đầu tiên năm 1979, mang tên “Nối Vòng Tay” là ý trong ca khúc “Nối Vòng Tay Lớn” của Trịnh Công Sơn mà các bạn sinh viên trong và ngoài nước đã cùng nhau cất tiếng hát vang tại trại hè trước 1975, sau khi Hiệp định Ba Lê 1973 đã được ký.

Ở hải ngoại tôi vẫn thường theo dõi và tìm đọc các bài viết về thành phần sinh viên học sinh tranh đấu như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Hữu Thái, Dương Văn Đầy, Lê Văn Nuôi, Đoàn Văn Toại. Sau 1975, đất nước ngập tràn trấn áp, lao tù, bất công khiến tôi thắc mắc những sinh viên đã tranh đấu là vì lý tưởng gì mà sao nay lại im tiếng. Cuối thập niên 1970 có Đoàn Văn Toại bỏ nước ra đi và lên tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Năm ngoái Lê Hiếu Đằng từ bỏ Đảng Cộng sản.

Cùng với thành phần sinh viên tranh đấu, Trịnh Công Sơn là người nghệ sĩ tôi rất chú ý vì những Ca Khúc Da Vàng qua giọng hát Khánh Ly đã như ngấm vào tim gan sinh viên, thanh niên giữa lúc đất nước ngả nghiêng, chao đảo thời bấy giờ.

Câu hỏi thường được đặt ra là Trịnh Công Sơn có phải là cộng sản hay không? Và trong thành phần lãnh đạo sinh viên Sài Gòn thời đó ai thực sự vì lý tưởng tự do nhân bản, ai theo cộng sản.

Trong nước đã có nhiều bài báo, nhiều sách viết về phong trào tranh đấu ở đô thị do cộng sản chủ trương hay đứng sau giựt dây.

Tại hải ngoại, mới đây có tập phóng bút “Cũng Cần Có Nhau” của Hoàng Xuân Sơn là một đóng góp tài liệu về hoạt động của sinh viên quốc gia, về sự thành hình của Quán Văn, chiếc nôi của hoạt động sinh viên từ giữa thập niên 1960, tụ điểm của những người trẻ đầy nhiệt huyết đã khơi dậy sinh hoạt thanh thiếu niên qua chương trình CPS. Cũng từ quán cà-phê đó đã có nhiều tài năng văn nghệ, văn chương và hội hoạ đóng góp cho nền văn học Việt Nam Cộng hoà.
Tác giả Hoàng Xuân Sơn. (ảnh Hoàng Xuân Sơn cung cấp)

Từ Quán Văn những tiếng đàn, giọng ca của Thanh Lan, Hồng Vân, Nguyễn Đức Quang, Lê Uyên Phương, Miên Đức Thắng, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Vũ Thành An, Tam Ca Đông Phương, Ca đoàn Nguồn Sống, Từ Công Phụng, Phạm Duy và đặc biệt là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã bay bổng và lan toả ra khắp thành thị và thôn làng miền Nam.

Những lời ca không kêu gọi chiến tranh mà là tình người. Những ca từ mang nỗi buồn cuộc chiến nhưng cũng đầy ắp nét đẹp quê hương, ấp ủ lý tưởng dựng xây đất nước. Những kêu gào cho hoà bình. Những điệp khúc tình yêu lung linh nhiệm mầu của mọi thời đại. Quán Văn đã là bệ phóng cho những lời ca, tiếng nhạc đó.

Tựa sách, trích ca từ “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” trong một bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, bài “Diễm Xưa” là ca khúc quyến rũ đầu đời đối với Hoàng Xuân Sơn, như để nói lên tình người trong số bạn bè đã hiện diện tại Quán Văn và trong cuộc đời tác giả. Những con người đầy tình thân ái, tính nhân bản thể hiện qua cuộc sống, qua những công tác cứu trợ, hoạt động xã hội, qua giúp đỡ che chở lẫn nhau, tương phản với cách ứng xử của người cộng sản đối với anh em, bạn bè, dân tộc và đất nước trong suốt nửa thể kỷ qua.

Tác giả gốc Huế, là một sinh viên ban triết có mặt ở Quán Văn từ những ngày đầu. Ông kể lại lịch sử rất đơn sơ của quán, với một quá khứ trên ô vuông đất bạo tàn từ thời Tây để lại cùng những ám ảnh ma quái đã hù doạ một vài thành viên sống ở đó. Nơi mảnh đất này, năm 1965 một quán như quán nước ven đường mọc trên nền cỏ với vài chiếc ghế, bán vài thứ nước uống như cà-phê, nước ngọt hay chanh đường pha chút rượu rum.

Đêm nhạc đầu tiên của quán là độc tấu tây ban cầm cổ điển với Nguyễn Thạc. Người đến nghe không đông nhưng không khí trầm lắng giữa những nốt nhạc thánh thót. Rồi những đêm Trầm Ca, Tâm Ca, Thần thoại Quê hương và khi Trịnh Công Sơn cùng Nữ hoàng Chân đất Khánh Ly đến với quán thì là một hiện tượng, hiện tượng “Hát và Lắng Nghe”, theo tác giả “đã trở thành một nhu cầu cần thiết cho tuổi trẻ hôm nay giữa vùng đạn bom tủi nhục” và đã “lan dần vào các đại học; lớn dậy một phong trào sinh hoạt đầy nhiệt huyết.”.

Từ sân cỏ Quán Văn, phong trào du ca và hát cộng đồng đã lan toả trên đất miền Nam qua những sinh hoạt của các đoàn thể xã hội, học đường, tôn giáo.

Giữa những chuyện kể về sinh hoạt quán với cả trăm bạn cùng chí hướng, tác giả đặc biệt ghi đậm nét về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, về ca từ và quan hệ của nhạc sĩ với bạn bè. Ít có ai biết được trước Khánh Ly đã có Hà Thanh (mới qua đời ngày 2/1/14 tại Boston) hát nhạc Trịnh. Cũng ít ai biết được Hoàng Xuân Sơn có lúc đã thay Trịnh Công Sơn đệm đàn cho Khánh Ly hát.
Hoàng Xuân Sơn và Khánh Ly năm 2008 tại Hoa Kỳ. (ảnh Hoàng Xuân Sơn cung cấp)

Có ghi lại buổi nhạc đầu tiên, nhưng tác giả không nói đến buổi văn nghệ cuối cùng ở Quán Văn là khi nào và nội dung ra sao. Độc giả chỉ có thể liên tưởng rằng sau khi dọn về trường văn khoa, đêm văn nghệ đầu tiên ở giảng đường mới do những thành viên Quán Văn tổ chức là vào Giáng Sinh 1967, cũng là dịp bầu cử ban đại diện văn khoa. Đêm văn nghệ có súng nổ mà tôi chỉ được nghe thày dạy văn kể thoáng qua cách đây đã mấy chục năm, nay được đọc tác giả thuật lại chi tiết. Buổi văn nghệ có Trịnh Công Sơn, Khánh Ly hát và cả chính tác giả đã cùng Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Trịnh Công Sơn đồng ca trước hàng nghìn sinh viên đến nghe. Hôm đó cán bộ cộng sản nội thành đã lên cướp micrô, tuyên bố mừng 7 năm ngày ra đời của Mặt trận Giải phóng miền Nam và nổ súng vào Ngô Vương Toại, ứng cử viên ban đại diện sinh viên. Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn (mới qua đời ngày 22/12/13 ở San Jose) muốn cứu bạn mình cũng bị ăn đạn vào chân. May mắn không ai tử thương. Trịnh Công Sơn đã ghi lại bi kịch của đêm ca nhạc đó qua ca khúc “Nhân Danh Ai”. Ngô Vương Toại là ứng cử viên trong một liên danh gồm Phạm Tài Tấn, Phạm Đông Bách, Bùi Bảo Trúc, Phạm Vân Bằng... Sau khi bị bắn trọng thương và phải nằm bệnh viện một thời gian thì thay Ngô Vương Toại ra ứng cử là Nguyễn Ngọc Ngạn, hiện là nhà văn và MC của Thúy Nga.

Sau vụ nổ súng, tác giả về Huế đón tết bên mạ. Trịnh Công Sơn cũng về cố đô xum họp với gia đình. Khi Tổng công kích Mậu Thân xảy ra thì cả hai phải chạy trốn tử thần, tìm nơi trú ẩn tại một trường học trong nhiều ngày. Thoát chết, để gia tài nhạc Trịnh có “Bài ca dành cho những xác người” là dấu tích của cộng sản bạo tàn. Thoát chết, để sau nhạc sĩ đóng phim “Đất khổ” về Tết Mậu thân, về con người và những bài ca của chính mình nhưng lại bị cấm chiếu ở miền Nam, chỉ mới được phổ biến ở Hoa Kỳ chừng chục năm trước. Ôi cũng là những nghịch lý của chiến tranh Việt Nam.

Quán Văn sau Mậu Thân cũng tan hàng vì nhiều thành viên nhập ngũ, có những người bị cảnh sát “cum” và giam nhiều ngày vì nghi là cộng sản. Giấy khai tử nơi này là quyết định của chính phủ cho xây thư viện quốc gia trên nền đất của quán.

Hoàng Xuân Sơn, một thi sĩ với nhiều tập thơ đã xuất bản và sống ở Canada từ năm 1981, đã ghi lại nhiều cảm xúc qua những dòng thơ về cuộc đời, về một thời, về những gì ông đã trải qua và về bạn bè. Mỗi người trong ông là một kỉ niệm khó quên, sâu đậm nhất là người em Hoàng Xuân Giang chết khi còn trẻ vì bạo bệnh, rồi Trịnh Công Sơn, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn tác giả “Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau”.

Những trang phóng bút là cuốn sổ đời Quán Văn, có người thành danh có người bạc phận. Những cái chết trẻ ở chiến trường xưa. Những bạn cũ của quán ra hải ngoại và chết dưới tuổi 70 có phải là một cái huông? Đọc để tìm lại bạn bè phiêu bạt tha hương còn ai mất ai. Đọc để cùng nghĩ về một vài nhân vật huyền bí từng quanh quẩn bên quán như Quasimodo, như anh binh nhì lính Mỹ sõi tiếng Việt được đặt cho cái tên David “Copperfield”.

“Cũng Cần Có Nhau” là một khẳng định, cùng với những bài viết của bạn bè như Từ Thức Trần Công Sung, Phan Thanh Tâm, bài phỏng vấn Hoàng Xuân Sơn do Bùi Văn Phú thực hiện và đều có in trong tập phóng bút, theo đó Trịnh Công Sơn trước năm 1975 không là cộng sản.

Nếu nhạc sĩ có đổi sang mầu cam thì chỉ từ sau ngày oan nghiệt khi Trịnh Công Sơn ghé qua nhà kêu anh em Sơn/Giang cùng lên đài hát “Nối Vòng Tay Lớn” mà trong lo âu hoảng loạn tác giả đã từ chối.
Quán Văn. (ảnh Hoàng Xuân Sơn cung cấp)

Sau 1975, Trịnh Công Sơn có lời nhạc:

Em ra đi nơi này vẫn thế
vẫn có em trong tim của mẹ
thành phố vẫn có những ước mơ
vẫn sống thiết tha
vẫn lấp lánh HOA trên đường đi…


Và Hoàng Xuân Sơn có nhận xét:

“Không! Không hẳn thế đâu! “lấp lánh hoa”! hoa gì? Hoa [nặng] hoạ thì có!”

“Cũng Cần Có Nhau” cho độc giả hiểu được nhiệt huyết và tấm lòng của những sinh viên quốc gia trong một thập niên dầu sôi lửa bỏng của quê hương trước khi đứt phim. Tập sách cũng là chứng nhân của một xã hội miền Nam tương đối tự do, thể hiện qua những ca từ, qua sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Tiếc là hoài bão và nhiệt tình của những thành viên Quán Văn, mà nhiều người đã vào đời, như Hoàng Xuân Sơn, đã không có cơ hội đem những lý tưởng nhân bản để phục vụ đất nước lâu dài hơn sau ngày 30/4/1975.
*


Tác giả là một trong những người sáng lập và từ năm 1979 đến 1983 là thành viên ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley, California. Ông hiện dạy đại học cộng đồng ở California.

© 2014 Buivanphu.wordpres.com

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List