QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Saturday, March 8, 2014

GIỚI THIỆU SÁCH “SMALL IS BEAUTIFUL” BÀI 2



GIỚI THIỆU SÁCH “SMALL IS BEAUTIFUL” BÀI 2

Tác  giả  : E F Schumacher 
( xuất bản lần đầu : Năm 1973)   
Như đã có dịp trình bày nơi bài 1 trước đây, cuốn sách “Small is Beautiful” đã được tờ New York Times xếp vào lọai “100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất” kể từ sau thế chiến hai ( the most influential books). Và sau 30 năm kể từ khi ra mắt độc giả, thì đã lưu hành được tới trên một triệu cuốn riêng về ấn bản tiếng Anh; đó là chưa kể đến các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.

 Tác giả Schumacher là một kinh tế gia đã từng làm việc lâu năm trong ngành quản lý về than đá tại Anh quốc, đặc biệt trong lãnh vực thống kê, nên ông đã đưa ra những số liệu khá vững chắc và khả tín để minh họa cho lý luận của mình. Xuyên suốt qua gần 300 trang sách, tác giả đã lần lượt trình bày suy nghĩ và tìm kiếm của mình trong suốt 40 năm vừa học tập, làm việc, trao đổi và nghiên cứu của mình về những vấn đề căn bản của nhân sinh trên phạm vi tòan cầu. 

Người đọc có thể thấy tác giả đã gửi gấm vào tác phẩm tất cả tài năng trí tuệ và tấm lòng tha thiết nóng bỏng đối với cuộc sống của con người, mà phần đông đang là nạn nhân khốn khổ của cái đường lối sai lầm vì coi nhẹ giá trị đạo đức nhân bản và nhân ái của giới điều hành guồng máy kinh tế tại chính các quốc gia tiền tiến trong thế giới hiện đại.

 Có thể coi cuốn sách là “lời cảnh báo” về mối nguy cơ trầm trọng đang đe dọa cuộc sống của nhân lọai ngày nay, và đồng thời tác giả cũng khơi mào cho việc tìm kiếm một lối thóat khả dĩ cho con người, đặc biệt là cho hàng tỉ con người kém may mắn (underpriviledged) trong các quốc gia được liệt kê vào lọai “ đang phát triển” ( developing countries)  
Nhan đề chính của cuốn sách là “Small is Beautiful” lại được kèm theo câu phụ diễn cho thêm rõ ý nghĩa nữa : “ Economics as if People Mattered”, xin tạm dịch là “Kinh tế học Dân Vi Quý”. Và riêng trong ấn bản năm 1999, thì lại còn kèm theo nhiều bình luận của các thức giả đương thời được in bên lề các trang sách nữa. Bài giới thiệu này chủ yếu dựa vào ấn bản năm 1999, nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt ấn bản đầu tiên năm 1973. 

Sách được trình bày thành 4 phần trong 19 chương như sau  :
                                Phần 1  :  Thế giới hịên đại      (Chương 1-5)
                                Phần 2  :  Tài nguyên               (Chương 6-10)
                                Phần 3  :  Thế giới thứ ba         (Chương 11-14)
                                Phần 4  :  Tổ chức và Sở hữu   (Chương  15-19). 
Nói chung thì sau trên 30 năm, các luận đề do Schumacher nêu ra trong cuốn sách vẫn còn giữ được tính cách thực tiễn khách quan và được coi như những gợi ý rất sâu sắc cho sự thảo luận và tìm kiếm của giới hàn lâm, cũng như của công chúng có sự quan tâm đến vấn đề sinh tử của con người trong bối cảnh văn hóa xã hội của thế kỷ XXI hiện nay. 

Nhằm trình bày sáng sủa, gọn gàng tư tưởng của tác giả, người viết xin được tóm gọn trong mấy luận điểm chính yếu được lựa chọn như sau đây : 
1/  Hai triệu ngôi làng trong thế giới thứ ba  :  Làm sao mà phát triển?             
Schumacher đưa ra con số hai triệu ngôi làng trong thế giới thứ ba mà gồm các quốc gia đang phát triển, với bình quân mỗi làng có 1000 người. Như vậy là trong 2 triệu ngôi làng, thì có đến 2000 triệu người (2 tỉ), tức là tương đương với dân số ở mức nghèo túng trên thế giới vào thập niên 1960 lúc tác giả viết cuốn sách này. 

Tình trạng sinh sống của người dân tại các vùng quê như ở Ấn độ đã được Schumacher rất lưu tâm quan sát, tìm hiểu và cố gắng đưa ra một phương thức kiến hiệu và hợp lý, hợp tình nhất để gây ra được một “khí thế phát triển” (development mood) thật là sinh động tại hạ tầng cơ sở các địa phương đó.
Từ sau thế chiến 2, các quốc gia Âu Mỹ giàu có đã đề ra các chương trình viện trợ khi thì đa phương thông qua Liên Hiệp Quốc, khi thì song phương nhằm giúp đỡ các nước nghèo thóat được cảnh bần hàn khốn khổ. 

Nhưng Schumacher đã chỉ ra là hầu hết cái lối viện trợ kiểu này không đem lại kết quả bao nhiêu, bởi lẽ là những chuyên gia viện trợ đã không nắm bắt được tâm lý và hòan cảnh phức tạp của đa số quần chúng nông dân vừa ít học, vừa bị giới trung gian khai thác lợi dụng. Và hơn nữa, các kỹ thuật áp dụng lại không thích hợp với hòan cảnh văn hóa xã hội và tâm linh truyền thống tại miền nông thôn địa phương. Vì thế mà Schumacher đã mạnh dạn đưa ra những đường hướng quyết liệt là : “ Viện trợ tốt nhất là thứ viện trợ trí tuệ (Intellectual aid), viện trợ kỹ năng hữu ích (gift of useful knowledge), chứ không phải là quà tặng vật chất. “ 

Lối viện trợ như vậy mới làm cho người nhận sớm trở thành tự lập và không còn bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp mãi của thứ “con bò sữa” như vẫn thường xảy ra. Phương thức này vừa ít tốn phí, mà vừa kích thích được cái mầm mống tự cường, tự túc vẫn có sẵn trong tiềm thức của lớp người dân vốn có lòng tự trọng, tự tin ở khả năng của bản thân mình. Đây mới đích thực là cách thức hay nhất để thực hiện được chủ trương “Giúp dân để người dân có thể tự giúp bản thân họ” ( Helping the people to help themselves). 

Muốn đảy mạnh phong trào như vậy, thì phải lôi cuốn được các tổ chức thiện nguyện phi-chánh phủ (non-governmental voluntary agencies) ở cả hai phía quốc gia bên viện trợ cũng như bên nhận lãnh (donor/recipient countries); chứ không thể hòan tòan do hai bên chánh phủ độc quyền đứng ra hành động bao biện như từ bao lâu nay. Phương thức này, nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì là : “Phải vận động Xã hội Dân sự từ cả hai nước cùng dấn thân nhập cuộc vào tiến trình phát triển và xây dựng tòan diện và điều hòa này” (total and harmonized development). Nhờ vậy mà cả một tập thể cộng đồng như được kích thích gây men ngay trong nội tâm sâu kín của mình (Mass fermentation and mobilization), để tạo ra được một thứ “năng động nhóm” (group dynamics) nhằm tiến hành được một sự phát triển bền vững lâu dài tại địa phương (self-sustaining community development).

Xin trích nguyên văn một đọan cuối của “ Chương 13 : Two million villages ” như sau :  “Phát triển kinh tế chỉ có thể thành công nếu nó được tiến hành như một phong trào quần chúng rộng rãi dấn thân vào công cuộc tái thiết (a broad, popular movement of reconstruction), tập trung chủ yếu vào việc tận dụng sự hăng say phấn khởi, sự tài trí và sức lao động của tất cả mọi người trong công đồng…Sự thành công chỉ có thể đạt tới là do quá trình phát triển bao gồm cả trình độ giáo dục, tính tổ chức và cả tính kỷ luật của tòan thể các thành viên trong cộng đồng. Thiếu một yếu tố nào kể trên, thì chỉ là gặt hái sự thất bại mà thôi “ ( trang 171).  
2/   Đi tìm lọai kỹ thuật thích hợp nhất ( Appropriate Technology AT)             
Với tinh thần thực dụng, Schumacher chủ trương cần phải phát triển lọai “kỹ thuật trung gian” để thích hợp với hòan cảnh kinh tế xã hội tại các nước đang phát triển. Ông dành hẳn Chương 12 cho đề tài này với nhan đề như sau :     “ Social and Economic Problems Calling For The Development Of Intermediate Technology ” (Những Vấn Đề Xã Hội và Kinh Tế Đòi Hỏi Phải Phát Triển Lọai Kỹ Thuật Trung Gian). Tác giả viện dẫn hai lý do chính yếu sau đây  :  Thứ nhất là kỹ thuật quá tân tiến thì lại tốn phí, nên các nước nghèo không thể áp dụng phổ biến rộng rãi khắp nơi được. Thứ hai là trình độ văn hóa kỹ thuật của dân chúng miền quê không thể dễ dàng thích nghi với cái kỹ thuật quá tinh vi, phức tạp do các nước phát triển đề xuất ra. Do đó mà cần phải tìm kiếm cho ra được lọai “kỹ thuật thích hợp” mà thường cũng được gọi là “kỹ thuật trung gian” (Intermediate Technology), tức là thứ kỹ thuật đứng giữa lọai kỹ thuật lạc hậu cổ truyền  (mà rất rẻ tiền) với kỹ thuật hiện đại ( mà rất là đắt tiền ).

Tác giả lại có kinh nghiệm thực tiễn về chủ trương này, khi ông cùng với một số bạn hữu thành lập hẳn một Nhóm riêng biệt để nghiên cứu và thử nghiệm lọai kỹ thuật này tại Luân Đôn vào năm 1965 gọi là “The Intermediate Technology Development Group” ( ITDG). Cụ thể như : Nếu dùng kỹ thuật cao cấp như máy gặt liên hợp (combine harvester), thì phải tốn phí hết 70,000 dollar cho một người làm việc (workplace); như vậy thì các nước nghèo khó mà có thể tạo ra đủ công ăn việc làm cho cả triệu người được. Nhưng nếu sử dụng lọai kỹ thuật trung gian chỉ tốn kém có 700 dollar cho một người lao động, thì với số tiền 70,000 nói trên ta có thể tạo ra việc làm cho cả 1000 người. Và rõ ràng đây là thứ kỹ thuật thích hợp nhất cho các nước nghèo của thế giới thứ ba vậy. Cho đến nay ITDG đã phát triển và phổ biến khá rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, cả ở khu vực tiền tiến cũng như khu vực đang phát triển.

Cũng vì nhằm tạo ra thật nhiều công ăn việc làm ổn định hầu đáp ứng nhu cầu rất lớn cho nhiều khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ bé, mà việc nghiên cứu kỹ thuật trung gian này phải được thực hiện trong quy mô của một miền bao gồm nhiều cộng đồng nông thôn và đô thị nhỏ, chứ không thể làm theo cái lối khép kín, hạn hẹp trong môi trường quá hạn chế được. Do đó Schumacher đã khẳng định rằng “ Nếu mục tiêu của sự phát triển là giúp đỡ cho những người cần được giúp đỡ nhất, thì “ Mỗi một Miền hay Quận hạt trong một quốc gia phải có riêng một chương trình phát triển cơ hữu của mình.” Cụ thể như tại nướcThụy sĩ chỉ có chưa đày 6 triệu dân số, mà họ lại chia ra thành 20 quận hạt (cantons), mà mỗi đơn vị lại là một quận hạt phát triển riêng thích hợp với điều kiện đặc thù của mình (development district). Và chính nhờ vào sự “Phân quyền” (Decentralisation) như vậy, mà cả quốc gia này luôn giữ được sự phát triển điều hòa, ổn định trong một nền dân chủ mà mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào công việc điều hành của cộng đồng nơi mình sinh sống (Participatory Democracy).   
3/  Vấn đề Cạn kiệt Tài nguyên Thiên nhiên ( Depletion of Natural Resources) 
Là người làm việc lâu năm trong ngành than đá, nên Schumacher rất chú trọng đến tình trạng sự dụng bừa bãi phí phạm về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong các nước văn minh tiền tiến Âu Mỹ. Cụ thể là về dầu khí, than đá và nhất là rừng cây. Bằng những con số thống kê chính xác, tác giả đã nêu lên các sự thao túng, lạm dụng và ích kỷ của các nước giàu có trong việc xài hoang phí các tài nguyên thiên nhiên. Schumacher phân biệt rất rõ rệt hai lọai tài nguyên : lọai tái tạo được và lọai không tái tạo được (renewable/non-renewable resources). Ông còn chỉ rõ ra là :  Thiên nhiên luôn luôn hào phóng trong việc cung cấp cho con người những tài nguyên dồi dào phong phú, để mà khai thác đáp ứng nhu cầu sinh họat của nhân lọai. Nhưng thật  đáng buồn là con người trong mấy thế kỷ gần đây đã dùng khoa học kỹ thuật để mà khai phá quá mức đến độ tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ, tạo ra cảnh cạn kiệt mau chóng các tài nguyên thiên nhiên (rapid depletion/exhaustion), tạo ra một sự mất quân bình giữa con người với thiên nhiên, cũng như giữa hiện tại với tương lai, và cả giữa con người với con người nữa. Ông còn nói rõ là : Phải coi thiên nhiên như một “ nguồn vốn” (Capital) và nhờ biết khai thác khôn khéo, chừng mực đối với thiên nhiên mà con người kiếm ra được các “ lợi tức” (Income). Và như vậy, thì chỉ được quyền sử dụng lợi tức trong việc thanh thỏa các nhu cầu chính đáng của mình; chứ không được tiêu xài vào cái nguồn vốn chỉ có giới hạn nhất định nào đó mà thôi. Schumacher đã rất nghiêm khắc phê phán cái sự kiêu căng, tham lam quá độ và nhất là cái thái độ bạo hành của con người đối với thiên nhiên, cũng như giữa con người đối với nhau nữa. 

Ông đề cao chủ trương “Bất bạo động, Bất hại “ (Non-violence, Ahimsa) của thánh Gandhi cũng như của Đức Phật, mà ông có dịp khảo sát tại Ấn Độ và Miến Điện. Những suy ngẫm này ông đã ghi rõ ràng trong Chương 4 nhan đề là  : “Buddhist Economics” ( Kinh tế học Phật giáo) mà chúng tôi sẽ dịch nguyên văn ra Việt ngữ được trình bày với đày đủ chi tiết trong một bài sau.
Cũng trong dòng chảy suy nghĩ đó mà Schumacher đã dành hẳn một Chương 9 với nhan đề : “ Nuclear Energy – Salvation or Damnation ?” (Năng lượng Hạt nhân – Sự Cứu Rỗi hay là Án Phạt?) để bàn về cái lợi hay cái hại của năng lượng hạt nhân. Tác giả kiên quyết chống lại việc sử dụng lọai máy phát điện nguyên tử vì lý do chất thải của lọai máy này chứa nhiều chất phóng xạ rất nguy hiểm lâu dài cho nhiều thế hệ sau này. Và may thay, do các biến cố “rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Three Miles Island” ở Mỹ và nhất là tai nạn thảm khốc Chernobyl ở Liên Xô, mà việc xây dựng bừa bãi các nhà máy hạt nhân này mới bị kìm hãm lại. Rõ rệt là Schumacher là một vị tiền phong đóng góp rất lớn cho phong trào bảo vệ môi sinh trên khắp thế giới từ mấy chục năm gần đây. 
4/   Phải Định Hướng lại cho Khoa Học và Kỹ Thuật ( The Re - Orientation of Science and Technology).           
Hơn ai hết, Schumacher là người luôn luôn cảnh giác về tính kiêu căng ngạo mạn và ngoan cố của giới khoa học ngày nay, nhất là trong ngành kinh tế học là lãnh vực họat động chuyên môn suốt cả cuộc đời của ông. Bàng bạc trong cuốn sách này, ta thấy tác giả luôn đề cao sự khiêm tốn, tinh thần nhân ái và nhân bản trong việc đề ra đường lối họat động cụ thể mà thiết thực, nhằm vào việc “Cải thiện thế giới” (World Improvement). Ta có thể thấy lời cảnh giác này đã có từ mấy trăm năm trước qua nhà hiền triết Rabelais ở Pháp mà dịch ra tiếng Anh là : “ Science without conscience is only the ruin of the soul” (Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ là sự suy đồi của tâm hồn).
Tác giả đề cao tinh thần bao dung, đơn sơ, hòa ái của thánh Gandhi và nhất là của Phật Tổ, mà ông rất say mê nghiên cứu học hỏi trong thời gian làm việc ở Ấn Độ và Miến Điện. Nếu ta chú ý đến môi trường tôn giáo mà ông vẫn sinh họat tại nước Đức cũng như ở nước Anh, nhất là khi về già ông đã gia nhập đạo công giáo nữa, thì ta lại càng khâm phục cái thái độ thành tâm cầu thị, khiêm nhu và quý trọng của ông đối với Phật giáo và Thánh Gandhi ở Á châu. Ông đặc biệt đem thêm khía cạnh phẩm chất (qualitative aspects) và đạo đức (ethics) vào trong môn Kinh tế học là môn học mà các chuyên viên kinh tế thường chỉ chú trọng đến khía cạnh định lượng mà thôi (quantification). Tác giả luôn nhắc nhủ các nhà khoa học là phải tìm kiếm sự minh triết (wisdom) vốn đã ăn rễ sâu trong truyền thống đạo đức văn hóa trong các xã hội phương đông, mà thường bị người phương tây vì quá say mê và kiêu hãnh với tiến bộ khoa học, kỹ thuật vất chất nên đã xem thường. Vì thế ông mới gọi đó là môn “Siêu kinh tế học” (Meta-Economics).
Nói vắn tắt lại, các luận đề Schumacher đưa ra trong cuốn sách “Small is Beautiful” này hiện vẫn còn được thảo luận, khai thác rộng rãi trên tòan thế giới. Lọat bài viết ngắn ngủi này chỉ nhằm giới thiệu sơ lược về tư tưởng độc đáo, can đảm, mà lại rất táo bạo dứt khóat của Fritz Schumacher. Cuốn sách này là đúc kết kinh nghiệm họat động và suy nghĩ tìm kiếm trong suốt cuộc đời của tác giả, với tấm lòng tha thiết phục vụ cho nhân quần xã hội, đặc biệt đối với lớp đa số quần chúng kém may mắn nhất trên thế giới ngày nay. Bạn đọc có thể tham khảo thêm trên internet, để có số liệu cập nhật hóa rất đày đủ và phong phú về các đề tài mà Schumacher đã gợi ra trong cuốn sách thời danh này.          
Người viết mong ước giới trẻ Việt nam, ở trong cũng như ở ngòai đất nước, để tâm theo dõi sự phát triển của lọai tư tưởng đày tính nhân bản và nhân ái tương tự như thế này, mà hiện đang có sức rất thuyết phục, quyến rũ cho cao trào tranh đấu bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền và cả bảo vệ môi sinh đang dâng cao khắp thế giới ngày nay trong thế kỷ XXI. Và cũng mong được sự tiếp tay trong việc đào sâu và phổ biến trào lưu tư tưởng tiến bộ này từ nơi các bậc thức giả trong những tổ chức chuyên về văn hóa khoa học, cụ thể như : Viện Việt Học, Lê Văn Duyệt Foundation, Hội Khoa Học Kỹ Thuật, Hội Chuyên Gia Việt nam, Các Viện Nghiên Cứu thuộc các Tôn Giáo Việt nam v.v…    
California, Mùa Phật Đản Kỷ Sửu 2009
Đòan Thanh Liêm


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List