QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Tuesday, March 18, 2014

SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ VIỆT NAM và CUỘC HÀNH QUÂN LAM SƠN 719



Vào 05:30 Ngày 16 tháng 03 năm 2014, Bui Ngoc Thang <> đã viết:

SƯ ĐOÀN NHẢY DÙ VIỆT NAM và CUỘC HÀNH QUÂN LAM SƠN 719

Trung Tướng (hồi hưu) James B. Vaught
Bản dịch : MX 520

Ghi chú: Trước đây đã có nhiều nguời viết về cuộc hành quân Lam Sơn 719 tấn công vào các mật khu của Cộng sản Bắc Việt đặt trên đất Hạ Lào do QLVNCH hoạch định và thi hành với các đại đơn vị thuộc QĐ 1, được tăng cuờng bằng 2 SĐ Tổng trừ bị Nhảy Dù và TQLC. Những bài viết ấy , phần vì quá sơ luợc, phần vì thiếu nhiều chi tiết chính xác từ những cấp chỉ huy, thế nên gần 30 năm qua cuộc hành quân Lam Sơn 719 vẫn còn là một đề tài gây nhiều chú ý và tranh cãi. Trung tuớng Hoa Kỳ hồi hưu James B. Vaught, lúc ấy tham dự cuộc hành quân LS 719 trong cuơng vị Cố vấn truởng SĐ ND. Sau khi rời VN, Tuớng Vaught về phục vụ tại Bộ Tư Lệnh HQ Đặc biệt Hoa Kỳ (gồm các Lực lượng phản ứng chớp nhoáng như LLĐB, Delta, Thám Sát, Nguời Nhái-Navy Seal). Ông từng chỉ huy cuộc đột kích Operation Eagle Claws, giải cứu con tin Mỹ bị Iran cầm tù năm 1978 –tuy bị bỏ dở nửa chừng- và các chức vụ liên quan đến hoạt động chiến tranh đặc biệt ngoài quy uớc tại nhiều mặt trận khác như Bosnia, Kosovo và Iraq. Xin giới thiệu bài viết ngắn sau đây của tuớng Vaught để biết cái nhìn “chính xác” của 1 sĩ quan cao cấp Mỹ về khả năng, tinh thần chiến đấu của SĐ Nhảy Dù, nói riêng và QLVNCH, nói chung lúc đó.
*
“Mục đích của cuộc hành quân Lam Sơn 719 là cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh nằm trên đất Lào, về phiá Tây Nam căn cứ Khe Sanh, gần đoạn giao lộ với QL 9 cũng như nhằm phá huỷ, tịch thu các kho tiếp liệu quan trọng của địch đặt trong khu vực này. Các đơn vị tham dự cuộc hành quân này gồm SĐ 1BB, SĐ TQLC và SĐ ND. Trong những ngaỳ đầu của cuộc hành quân, các chiến binh Mũ Đỏ được 1 Lữ đoàn Kỵ binh tăng phái đã nhanh chóng tiến vào đất Lào lập các căn cứ hoả lực để yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến khi họ băng về phiá Tây với nhiệm vụ cắt đứt con đường mòn HCM”.
  
Tôi là Cố Vấn Trưởng của Sư đoàn Nhảy Dù Việt-nam Cộng Hoà (trưởng toán CV 162). Toán của chúng tôi có thể nói là 1 toán CV danh tiếng (xem lại danh sách những cựu CV trong toán 162 là thấy ngay nhiều nguời sau này lên Tướng. Chẳng hạn như Tướng Lindsay (chú thích: ĐT James J. Lindsay, nguyên Tư Lệnh Bộ TL HQ/ĐB Hoa Kỳ), Tướng Sandy Meloy (nguyên TL/SĐ82ND) hay Tướng Leroy Suddath (nguyên Tư lệnh LLĐB) và còn nhiều, nhiều người nữa … (Hình như tôi là CVT/SĐ duy nhất lên Tướng), trong khi có rất nhiều vị khác từng là Cố vấn cấp Tiểu đoàn hay Lữ đoàn NDVN sau này cũng trở thành các vị sĩ quan chỉ huy cao cấp của Quân lực Hoa Kỳ. Toán CV 162 là 1 đơn vị ngoại hạng.

Quay lại với chuyện HQ/ Lam Sơn 719, lúc đó chiến dịch đang tiến hành và đây là cuộc hành quân quy mô đầu tiên tôi can dự. Sau cuộc họp với các CV khác, tôi bắt đầu bàn định kế hoạch để đưa SĐ Nhảy Dù trở lại với tính năng hành quân tác chiến chuyên nghiệp vì lúc ấy SĐ Dù bị chôn chân nằm yên tại các căn cứ hoả lực, không có chút di động nào! Vì vậy tôi lên gặp vị Tư lệnh Sư Đoàn và tha thiết đề nghị là phải có một khái niệm chiến thuật để điều động con cái ra khỏi những căn cứ hoả lực đó. Sau một chút suy nghĩ, ông gật đầu chấp thuận và thế là chúng tôi bắt tay vào việc ngay. Ngay sau khi tôi nhậm chức Cố Vấn Trưởng, trong suốt thời gian còn lại của cuộc hành quân Lam Sơn 719, SĐ Dù không bị mất một khí tài quan trọng nào, đơn vị thực sự vào cuộc chiến đấu và đã chiến đấu vô cùng anh dũng . Trong vòng 8 tới 10 ngày sau đó, SĐ Dù bắt đầu cuộc triệt thoái có quy củ khỏi đất Lào rất thành công. Một trong những quyết định chúng tôi buộc phải làm lúc đó để có thể thay thế cho 1 Chiến đoàn hỗn hợp BB-TG đang bị Cộng quân bao vây là cho B-52 ném bom rải thảm ở khoảng cách tuyến quân bạn chỉ chừng từ 400 đến 500 mét! Dĩ nhiên là 1 cuộc ném bom ở độ gần như vậy chỉ có thể tiến hành nếu được sự chấp thuận của vị Tư lệnh SĐNhảy Dù!

Và đó là 1 trong những thách thức đầu tiên tôi phải đối diện: làm sao thuyết phục được ông chấp nhận mối hiểm nguy như vậy cho con cái ông để đồng ý cho ném bom ở độ gần chết người đó. Trong 2 tuần lễ cùng với SĐND Việt Nam trên đất Lào tôi đã gọi đâu chừng 412 trận ném bom như thế đấy! Nếu chưa chứng kiến một trận ném bom rải thảm của B-52 thì không tài nào tuởng tuợng được mức độ tàn phá kinh hoàng của nó, nhưng đó là cách phải làm để giúp các đơn vị trên mặt trận trong tình thế đó sống còn, để phá vỡ vòng vây của địch quân đang thắt chặt chung quanh hầu họ có thể rút ra an toàn. Nếu dựa vào báo cáo tại chỗ của các binh sĩ kèm theo uớc tính hết sức khiêm tốn, chúng tôi đã hạ ít nhất 2-ngàn Cộng quân ngay chung quanh căn cứ! Chúng tôi mở một cuộc hành quân phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ binh, Không quân và Pháo binh để vào được bên trong căn cứ thay thế cho đơn vị bị bao vây. 

Trong khi B-52 ném bom ở khoảng cách chính xác từ 200 đến 300 mét bên ngoài căn cứ, thì 1 hợp đoàn 16 chiến đấu cơ oanh kích vào đám Cộng quân đào hào bao vây căn cứ và cùng lúc 1 hợp đoàn trực thăng 20 chiếc đổ 2 Đại đội Nhảy Dù xuống, rồi bốc thuơng binh và xác binh sĩ tử thuơng bay ra. Cứ thế các chuyến trực thăng đổ quân, bốc thuơng binh liên tục trong lúc trận chiến vẫn tiếp diễn. Hãy tuởng tuợng, căn cứ có 4 mặt thì 1 bên B-52 ném bom ngăn chặn, 1 mặt thì phi cơ phản lực oanh tạc, 1 mặt thì pháo binh bắn chặn, chỉ còn đúng 1 mặt trống dành cho trực thăng bay vào rồi cất cánh quay đầu bay ra … Ấy thế mà chúng tôi không mất 1 trực thăng nào mới tài! Có 2 hay 3 chiếc bị trúng đạn địch nhưng không hề hấn gì vẫn cứ tiếp tục bay 4, 5 chuyến cho đến khi chúng tôi đổ được toàn bộ Nhảy Dù vào căn cứ, bốc hết thuơng binh và tử sĩ ra , đổ đầy xăng cho các chiến xa và … a lê hấp, đánh tiếp! Đó là 1 thí dụ tiêu biểu cho kết quả mỹ mãn nhờ vào sự phối hợp ăn ý giữa Không quân, Bộ binh, Trực thăng và các đơn vị yểm trợ hoả lực.

Xong nhiệm vụ này (đó là ngày thứ nhì tôi có mặt tại chiến truờng) Tướng Đống trong buổi họp tham mưu đã nói với với toàn bộ các đơn vị trưởng trong SĐ Nhảy Dù của ông rằng “Từ nay, tôi được phép đề nghị các quyết định hành quân chiến thuật cần thiết và mọi nguời phải tuyệt đối thi hành như đó là lệnh của ông”. Và thế là kể từ ngày đó tôi không bao giờ phải băn khoăn lưỡng lự gì cả. Luôn luôn khi nào tính xong một kế hoạch, tôi đều lên trình Tướng Đống để xin ông chấp thuận nhưng không bao giờ ông phản đối bất cứ một đề nghị nào của tôi đưa ra. Và từ ngày đó SĐ Nhảy Dù liên tiếp đi từ thành công này đến thắng lợi khác.

Trong vòng 3, 4 ngày chúng tôi đưa được toàn bộ các đơn vị chiến thuật của SĐ Dù ra khỏi các căn cứ hoả lực để mở những cuộc hành quân lùng địch trong rừng. Phải thú thật tôi không bao giờ thích thú với quan niệm đóng quân trong các căn cứ hoả lực bởi vì một khi đóng quân trong căn cứ là vừa mất đi khả năng di động mà lại còn trở thành mục tiêu cho địch quân tấn công. Tôi quan niệm rằng trong cuộc chiến Việt nam, giữ cho các đơn vị luôn luôn ở thế di động là kế hoạch tốt nhất.

Tôi có thể tự tin mà nói rằng “Việc chôn chân trong căn cứ hoả lực và di động bên ngoài, thì chẳng khác gì nhau ngoài một bên là tha hồ ăn pháo, trở thành mục tiêu cho địch bao vây và tấn công để bị tiêu hao dần. Cộng quân Bắc Việt đã tập trung đại pháo bắn xối xả vào các căn cứ hoả lực bất cứ lúc nào chúng muốn, và tha hồ nhắm bắn trực thăng tiếp tế, tải thuơng … Rõ ràng là không thể nằm bẹp trong căn cứ hoả lực được, chiến thuật đó chẳng có giá trị gì hết. Vì vậy tôi chủ trương là phải kéo hết ra khỏi các căn cứ hoả lực kiểu đó. Khi đề nghị lên thì các quan ở phiá sau nói, “Ê coi chừng gặp nạn, nhưng muốn ra thì cứ ra và chờ thảm họa tới!” Nói thế mà cũng nói được! Thảm họa là thế nào khi mà mọi trách nhiệm giao phó chúng tôi đều chu toàn và có mức thiệt hại không đáng kể trong khi chúng tôi đập bọn Cộng tơi tả khắp nơi? Và thế là Nhảy Dù kéo ra khỏi các căn cứ hoả lực để nhận nhiệm vụ đoạn hậu.

Thế nhưng ở trên kia, bất ngờ họ ra lệnh kết thúc cuộc hành quân Lam Sơn 719 chỉ vì nó không đem lại kết quả như họ đã tính. Cuộc hành quân này được mở ra không ngoài mục đích nhảy vào Hạ Lào, cắt ngang con đường HCM một cái rồi kéo về! Theo ý kiến cá nhân tôi thì đáng lẽ quân ta phải đánh vào đó, phá huỷ đường HCM rồi ở lại! Giá như cuộc hành quân tổng hợp được bàn định kỹ lưỡng cẩn thận ngay từ đầu thì điều đó là khả năng hoàn toàn có thể thực hiện. Đáng tiếc là tất cả những đơn vị khác đều được lệnh rút về. Nhảy Dù cũng phải về và thi hành xuất sắc nhiệm vụ đoạn hậu, SĐ chúng tôi về trong tình thế tuơng đối bảo toàn.

Thế nhưng khi chúng tôi kéo về đến con sông chạy dọc biên giới Lào Việt, dọc theo QL 9, Bộ chỉ huy của Chiến đoàn 1 TG -từng có 1, 2 TĐ Dù tăng phái trong suốt cuộc hành quân- nằm trong phạm vi điều động của SĐ Dù báo cáo rằng “phải tính chuyện bỏ xe đi bộ vì phần hết xăng, phần sông lớn không thấy có nhánh nhỏ nào khả dĩ chiến xa có thể băng qua được “. Tôi bác bỏ lập tức yêu cầu này, ra lệnh cho họ phân tán chiến xa, bố trí đội hình tác chiến và phòng thủ chờ lệnh. Ngay lập tức tôi liên lạc với SĐ 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ, xin họ yểm trợ, tập trung tất cả những chiếc UH-1 có thể điều động được để bốc những thùng 55-gallons xăng lên tiếp tế cho chiến xa. Tôi còn kiếm được 1 Chinook và 1 trực thăng cẩu lên vùng. Đồng thời tôi xin SĐ 101 cho 1 trung đội Thám sát không kỵ giúp tôi thám sát 1 trong 2 nhánh sông mà tôi nhìn thấy trên tấm bản đồ cũ thời Pháp mang theo, để xác định nơi nào chiến xa có thể băng qua. Viên Trung đội trưởng Thám sát báo cáo rằng chiến xa có thể vuợt qua ở 1 nhánh sông với điều kiện phải có được xe ủi để san bằng 1 bờ sông cao gần 10 thuớc! Và thế là chúng tôi cho viên ĐĐT Công binh Dù dẫn quân tới đó ngay, rồi cũng không nhớ là tôi bốc đâu ra được 4 xe ủi, tất cả xúm vào làm việc cật lực, vừa dùng mìn , vừa xe ủi, san bằng bờ sông cao để chiến xa có thể lội qua. 

Cùng lúc , trực thăng liên tục ném xuống những thùng xăng 55-gallons cho chiến xa để họ châm đầy bình! Sau khi đổ đầy xăng, đoàn chiến xa lập đội hình di chuyển, bắt đầu khởi hành lúc 11 giờ đêm và qua sông an toàn, đem về trọn vẹn Chiến đoàn gồm khoảng 360 chiến xa và M-113 cùng với lực lượng bộ binh tùng thiết! Đó là 1 bằng chứng hiển nhiên cho việc điều quân có tính toán, có ý chí và có sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Đó cũng chính là 1 thành quả tuyệt vời khác trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 mà ít ai biết hoặc nhắc đến.
*
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, chúng tôi được lệnh đưa 1 LĐ Dù lên mặt trận Dak To tăng cuờng cho 1 đơn vị VN bị địch quân tràn ngập. Nhảy Dù VN đụng địch trên các cao điểm, đánh bật chúng ra khỏi các vị trí đã chiếm được của quân VNCH, bắn hạ chừng 600 Cộng quân (chưa kể số địch chết vì không quân , pháo binh). Ngày hôm sau, trong khi báo chí Mỹ vẫn đang tràn ngập những bài vở, hình ảnh chê bai đơn vị thiện chiến nhất của VNCH là Sư đoàn Dù bị tơi tả thế nào tại Hạ Lào trong cuộc hành quân LS 719 và nay đã mất hết khả năng chiến đấu, tôi gọi điện thoại thẳng về Bộ Chỉ huy MACV ở Sàigòn cho họ biết “Chúng tôi vừa chiếm xong các mục tiêu chỉ định ở Dak To, chung quanh chúng tôi vẫn còn la liệt hơn 600 xác Cộng quân chưa thu dọn. Xin làm ơn gửi ngay ra đây mấy thằng nhà báo vừa nói là SĐ Nhảy Dù mất hết sức chiến đấu cho chúng nó xem tận mắt”! Cũng có vài nguời ra thật và họ thấy tận mắt kết quả chứng minh khả năng chiến đấu tuyệt vời của các quân nhân Mũ Đỏ thế nào!
*
Chúng tôi đóng ở Dak To đâu chừng 3, 4 ngày, củng cố các vị trí đã lấy lại xong bàn giao cho đơn vị khác rồi lên đường ra Huế,. Nằm duỡng quân khoảng 1 tuần toàn LĐ Dù lên phi cơ về Sàigòn.
Đây là lúc Sư Đoàn Dù tái bổ sung nhân lực, quân trang, vũ khí, rồi huấn luyện bổ túc để lấy lại phong độ của Sư đoàn thiện chiến lừng danh Mũ Đỏ. Sau khoảng trong vòng 6 tới 8 tuần lễ, SĐ Nhảy Dù Việt nam hoàn toàn hồi phục tư thế và khả năng sẵn sàng chiến đấu tại bất cứ nơi nào, với quân số khoảng 12-ngàn nguời.
Nhờ mối giao tình, tôi vận động được một số trợ giúp đáng kể từ phiá phòng 5 , BTL/MACV để cải tiến và tân trang Quân Y viện của SĐ, lập thêm 1 khu doanh trại mới cho binh sĩ. Nhờ đó mối quan hệ giữa toán Cố vấn 162 với BTL cùng toàn thể quân nhân SĐ Dù trở nên gắn bó, khắng khít hơn.
*
Sau các trận Lam Sơn 719 và Dak To, vào lúc đó SĐ Nhảy Dù luôn luôn có 1 Lữ đoàn ứng chiến để sẵn sàng nhận lệnh hành quân bất cứ lúc nào. Từ đó cho đến khi nổ ra trận Tổng công kích của Cộng quân hồi mùa hè 1972 (Easter Offensive), Nhảy Dù liên tục được lệnh gửi các đơn vị, có khi chỉ cấp Tiều đoàn để giải toả hoặc tái chiếm 1 vị trí nào đó thuộc trách nhiệm của lực lượng Bô binh hay Địa phuơng đã bị Cộng quân tập trung tràn ngập. Và lần nào Nhảy Dù cũng thành công xuất sắc.
Qua kinh nghiệm chiến đấu bên cạnh các quân nhân Sư đoàn Nhảy Dù Việt Nam, tôi luôn luôn dành sự kính trọng vô biên đối với những thành tích của các chiến binh Mũ Đỏ. Và với tôi, tất cả các cấp chỉ huy Nhảy Dù Việt Nam đều là những sĩ quan thuợng thặng!
*
Nói thêm về Toán Cố Vấn 162 : Toán 162 là 1 trong vài toán Cố Vấn đông nhất quân đội Hoa Kỳ tăng phái hoạt động bên cạnh các đơn vị QLVNCH. Tổng cộng trong vòng 11 năm, tính từ đầu đến khi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt nam đã có hơn 1200 quân nhân Mỹ các cấp phục vụ trong toán Cố vấn 162. Muốn phục vụ trong toán 162 bắt buộc phải thuộc Lực lượng Nhảy dù Hoa Kỳ, phần lớn xuất thân từ các SĐ 11, 82 hay 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ. Họ hãnh diện với tên gọi “Red Hat” như danh xưng “Mũ Đỏ” của chiến binh Nhảy Dù VNCH. Bên cạnh đó cũng có các Sĩ quan tiền sát không quân (forward air ontrollers) và họ rất hãnh diện với danh xưng Red Markers!

Tổng cộng đã có 34 quân nhân Nhảy dù Mỹ và 3 Tiền sát viên Không quân Mỹ hy sinh tại mặt trận trong lúc phục vụ duới hiệu kỳ của Toán CV 162 cạnh Sư đoàn Nhảy Dù Việt nam. Và đây là con số tổn thất cao nhất trong tất cả các toán Cố vấn Mỹ ở Việt Nam.

Một điểm hãnh diện cho những cựu CV Nhảy Dù Hoa Kỳ là trong số những cựu CV cho Nhảy Dù Việt nam sau này có tới 34 vị lên Tướng. Có thể đơn cử vài vị Tướng nổi tiếng như các Tướng Pete Dawkins, Norman Schwarzkopf, Barry McCaffrey, James Lindsey, Jim Vaught, Joe Kinzer, John LeMoyne, Guy Meloy và Herb Lloy. Về phần hàng Hã sĩ quan, cựu thành viên Toán CV 162 sau này có 78 nguời lên tới chức Thuợng Sĩ Thuờng Vụ ( Sergeants Major). Toán 162 cũng vinh dự từng nhận 1 Huy chuơng Danh Dự (Medal of Honor) cùng rất nhiều huy chuơng Anh dũng (Distinguished Service Crosses). Hàng năm các Red Hats Hoa Kỳ vẫn tề tựu về họp mặt với Mũ Đỏ Việt Nam trong 1 ngày hội ngộ, và đặc biệt nhất, năm 2006, tại Viện Bảo Tàng Nhảy Dù Hoa Kỳ đã khánh thành khu tưởng niệm riêng để vinh danh các chiến binh Nhảy Dù Việt nam Cộng hoà!

Tướng Hoàng Xuân Lãm, Chiến Dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào


* Tư lệnh Quân đoàn 1 Hoàng Xuân Lãm và kế hoạch phối hợp với Quân đoàn 24 Hoa Kỳ
Sau khi liên quân Việt-Mỹ khởi động cuộc hành quân ngoại biên trong mùa Hè và mùa Thu năm 1970 tại Cam Bốt để triệt phá các căn cứ địa của CSBV, vào tháng 12/1970, Thượng viện Hoa Kỳ đã biểu quyết không cho sử dụng kinh phí dành cho Quân đội Hoa Kỳ để tham dự các cuộc hành quân quá lãnh thổ VNCH, nên kể từ năm 1971, các đơn vị Hoa Kỳ không thể tham gia các cuộc hành quân ngoại biên cùng với các đơn vị VNCH, mà chỉ được phép yểm trợ về Không quân, tiếp tế và Pháo binh.

Tháng 1/1971, theo sự chỉ định của bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ phối hợp với Quân đoàn 1 VNCH để yểm trợ cuộc tấn công bằng Không quân và Bộ binh dọc theo đường số 9 tới căn cứ địa 604 của CSBV ở về phía Tây Nam Tchépone. Cuộc hành quân này được đặt tên là Chiến dịch Lam Sơn 719 (còn được gọi là cuộc hành quân Hạ Lào), khởi động ngày 30-1 và kết thúc vào ngày 6-4-1971.

Theo kế hoạch, tổng chỉ huy lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân Hạ Lào là trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1/Vùng 1 chiến thuật. Tướng Lãm quê quán Quảng Trị, ông là một trong những sĩ quan đầu tiên của binh chủng Thiết giáp Quân đội Quốc gia VN từ năm 1951, từng giữ chức chỉ huy trưởng Thiết giáp QL.VNCH vào thời gian 1958-1959 khi ông còn mang cấp bậc trung tá. Năm 1960, ông được điều động về Trường Đại học Quân sự (sau này cải danh thành trường Chỉ huy Tham mưu). Đầu tháng 11/1963, ông được thăng đại tá và sau đó được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, được thăng cấp chuẩn tướng vào tháng 8/1964. Giữa tháng 10/1964, ông ra miền Trung giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, được thăng thiếu tướng vào tháng 11/1965. Tháng 6/1966, tướng Lãm được cử giữ cử chức tư lệnh Quân đoàn 1/Vùng 1 chiến thuật, thăng trung tướng vào tháng 7/1967 và tiếp tục chỉ huy Quân đoàn 1 đến đầu tháng 5/1972.

Trở lại với cuộc hành quân Hạ Lào, theo kế hoạch, nỗ lực chính của cuộc hành quân là các đơn vị VNCH thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh và 2 sư đoàn tổng trừ bị là Sư đoàn Nhảy Dù và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Lữ đoàn 1 Kỵ binh, Liên đoàn 1 Biệt động quân.
Về phía lực lượng Hoa Kỳ (HK), kế hoạch yểm trợ chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ngày D (30-1/1971), Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 HK được phi cơ yểm trợ hành quân về hướng Tây, giữ đường số 9 từ Đông Hà đến biên giới Việt Lào, bảo vệ căn cứ Khe Sanh; Sư đoàn 834 Không lực HK đảm trách không vận.
Giai đoạn 2: các đơn vị VNCH tham dự cuộc hành quân được Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Không đoàn Tác chiến 7AF Hoa Kỳ yểm trợ để tiến nhanh chóng về hướng Tây chiếm Tchépone trên bộ, cũng như bằng không vận. Giai đoạn 3: Không quân Hoa Kỳ yểm trợ các cánh quân VNCH khai triển các cuộc tấn công, hành quân lục soát. Giai đoạn 4: Yểm trợ cuộc rút quân.

Sau đây là chi tiết về kế hoạch phối hợp giữa Quân đoàn 1 VNCH và Quân đoàn 24 Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Những sự kiện được trình bày trong phần này được tổng hợp dựa theo hồi ký của đại tướng Westmoreland (nhà xuất bản Thế Giới), tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, bài viết về sự yểm trợ của Hoa Kỳ cuộc hành quân Lam Sơn 719 được phổ biến trong tạp chí KBC và tài liệu riêng của VB.

* Tướng Hoàng Xuân Lãm, lực lượng VNCH, lực lượng Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719
Theo nhận định của bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân hỗn hợp Việt Mỹ, được tổ chức quy mô với một số đặc điểm. Vùng hành quân trên đất Lào, do đó vai trò của QL.VNCH và Hoa Kỳ rất khác biệt. Lực lượng Hoa Kỳ bị giới hạn rất nhiều, không một quân nhân Hoa Kỳ nào được phép đặt chân trên đất Lào và do đó các cố vấn Hoa Kỳ không được đi theo các đơn vị VNCH.

Về hệ thống chỉ huy, toàn bộ lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân được đặt dưới quyền điều động của trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1 đồng thời là Tư lệnh cuộc hành quân trên bộ. Về phía Hoa Kỳ, giám sát các hoạt động yểm trợ là đại tướng Creighton W. Abrams, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN, dưới quyền của đại tướng Abrams là trung tướng James W. Sutherland, Tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ, trách nhiệm điều hợp kế hoạch yểm trợ và đại tướng Lucious D. Clay, Jr, Tư lệnh Không lực 7, chỉ huy về yểm trợ không lực cho cuộc hành quân Lam Sơn 719.
Để gia tăng hiệu năng trong vấn đề kế hoạch phối hợp, bộ Tư lệnh Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam và bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH cho thành lập ban điều hợp gồm một số sĩ quan cao cấp Việt-Mỹ để thực hiện nhiệm vụ liên lạc giữa bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 của trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Quân đoàn 24 Hoa Kỳ của trung tướng James W. Sutherland. Ban điều hợp bắt đầu làm việc từ ngày 6 tháng 3 gồm 1 chuẩn tướng cố vấn Pháo binh, một chuẩn tướng cố vấn không yểm Lục quân, một chuẩn tướng cố vấn không-yểm Không quân chiến lược và một chuẩn tướng VNCH cố vấn về Pháo binh cho các đơn vị Pháo binh VN. Khi làm việc, ban điều hợp họp với trung tướng Lãm hàng ngày, và trở nên bộ tham mưu của ông để cố vấn trong mọi kế hoạch, bảo đảm sự phối hợp được hoàn hảo với các đơn vị tham chiến. Phía Hoa Kỳ cho rằng vấn đề này nhằm yểm trợ cho Quân đoàn 1 với tất cả mọi nỗ lực.

* Không lực Hoa Kỳ yểm trợ cuộc hành quân của lực lượng VNCH Thủ tục điều hành Không quân Chiến lược trong nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị VNCH tham chiến trong hành quân Lam Sơn 719 dựa theo lệnh hành quân 1-71 cho bộ chỉ huy Không yểm Hoa Kỳ (DASC). Theo lệnh này, bộ chỉ huy Không yểm tại Đà Nẵng chuyển tiếp những nhu cầu không trợ cho giai đoạn 1 đến trung tâm Không yểm QL.VNCH. Trong giai đoạn 2, 3, và 4, một bộ chỉ huy Không yểm mới được thành lập ngày 31 tháng 1 lấy danh hiệu là DASC Victor đặt tại Quảng Trị để điều hành hoạt động không trợ cho các đơn vị VNCH. Bộ chỉ huy mới này bắt đầu hoạt động từ ngày 7 tháng 2/1971.

Máy bay quan sát thuộc phi đoàn yểm trợ trong căn cứ Không quân Nakhon Phanon ở Thái Lan, danh hiệu là Nail, được đem qua Quảng Trị để cung ứng cho nhu cầu không trợ cho các đơn vị bộ chiến trên đất Lào. Khi đến Quảng Trị, phi đoàn quan sát này lấy danh hiệu là Hammer. Sử dụng các phi cơ Hammer, bộ chỉ huy Không yểm điều hành các phi vụ chiến thuật, chiến lược ngoại biên.

Ngoài ra, bộ chỉ huy Không yểm (DASC) sử dụng các phi cơ quan sát danh hiệu Barky để yểm trợ cho Lục quân Hoa Kỳ trong cuộc hành quân trên nội địa Việt Nam. Trung tâm Không yểm DASC vẫn trực thuộc trung tâm Hành quân Không lực 7 Hoa Kỳ.

Một khía cạnh khác trong hệ thống điều hành là bộ chỉ huy Yểm trợ Chiến trường thuộc Không lực 7 Hoa Kỳ, danh hiệu là Hillsboro hoặc Moonbeam kiểm soát không phận bên Lào. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy này được giao cho phòng phối hợp với trách nhiệm là nhận yêu cầu yểm trợ rồi chuyển cho phi cơ quan sát trong vùng hành quân. Bộ chỉ huy Không yểm DASC chỉ huy phi đoàn quan sát Hammer, chia vùng trách nhiệm cho phi đoàn này, thông báo những vị trí mục tiêu. Thực tế, tình hình chiến trường trên bộ thay đổi nhanh chóng nên phi cơ quan sát phải thông qua bộ Chỉ huy Yểm trợ chiến trường. Tùy theo tình hình trận địa bộ chiến, phi cơ quan sát thường quyết định trong trường hợp nào thì phải sử dụng phi cơ chiến lược.

Khoảng giữa tháng 1/1971, sĩ quan cao cấp đại diện Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Quân đoàn 1 VNCH họp bàn về kế hoạch không yểm cho cuộc hành quân Lam Sơn 719. Lúc đó, Quân đoàn 1 dự trù sử dụng hai sư đoàn và 1 lữ đoàn biệt lập. Một lực lượng sẽ bao mặt Bắc, một dọc theo đường số 9, và còn lại sẽ chạm mặt Nam. Các trung tâm hành quân sẽ đặt trên đất Lào, điều này gây trở ngại cho không yểm, việc liên lạc với phi cơ quan sát không thực hiện được vì các sĩ quan Hoa Kỳ không đi theo các trung tâm Hành quân qua Lào. Để hoạt động không yểm được thuận lợi, phía lực lượng VNCH phải cử các sĩ quan tiền sát viên Việt Nam thạo Anh ngữ bay kèm theo phi cơ quan sát Hoa Kỳ để thông dịch. Đến ngày 23 tháng 1/1971, Quân đoàn 1 cho biết các trung tâm hành quân cấp sư đoàn sẽ ở lại Việt Nam, đặt trong khu vực Khe Sanh, điều này tạo dễ dàng cho vấn đề liên lạc Không-Lục, tuy nhiên vẫn cần phải có có sĩ quan tiền sát viên Việt Nam khá Anh ngữ giúp đỡ phi công quan sát Hoa Kỳ liên lạc với cấp chỉ huy các đơn vị VNCH trên bộ. Để yểm trợ Quân đoàn 1, Không lực 7 cung cấp hai chiến đấu cơ làm việc với phi cơ quan sát và thay thế theo chu kỳ 15 phút.

* Ngày N của giai đoạn 2
Ngày 27 tháng 1, ba ngày trước ngày D của giai đoạn 1, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1, tổng chỉ huy lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719, đã thông báo cho bộ chỉ huy Không yểm DASC rằng nỗ lực chính của lực lượng bộ chiến VNCH trong cuộc hành quân là gồm có 3 sư đoàn: Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Khi đó, thêm 1 trung tâm Không trợ mới được thành lập tại Khe Sanh.Trong suốt cuộc hành quân, có 3 trung tâm hành quân và 3 trung tâm không yểm bên cạnh để yểm trợ các đơn vị bộ chiến VNCH. Ngày 8 tháng 2/1972, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh hành quân Lam Sơn 719, cho lệnh các đơn vị VNCH khởi động cuộc tiến quân qua Lào, mở đầu trận chiến mới.


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List