QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Sunday, March 16, 2014

Tiếng gào Trong Đêm – Nguyễn Thị Ngọc Nhung


Tiếng gào Trong Đêm – Nguyn Th Ngc Nhung

 Tác giả: muoisau | Filed under: Human Right Tags: Bài Đọc Hay | Để lại phản hồi

Bài đọc suy gẫm: Tiếng gào Trong Đêm - Nguyễn Thị Ngọc Nhung câu truyện mô tả những diễn biến rùng rợn của một chuyến vượt biên, trong đó tác giả là nạn nhân nhưng sau cùng lại được cứu bởi một người thân đã khuất trùng giờ. Truyện được viết dưới dạng tự thuật, nên lôi cuốn từ đầu đến cuối, khiến người đọc vô cùng hồi hộp, như được sống lại những kỷ niệm hãi hùng của ngày xưa vượt biên.một người thân.  Hình ảnh chỉ có tính minh họa.


Ghe chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liên nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.
“Bây giờ mình phải đi bộ một khoảng, tui dẫn hai người một lần. Chia ra để khỏi lộ. Mấy người khác cứ ngồi đợi đến phiên, nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng.”

Hắn dẫn hai người đàn bà ngồi sát cửa mui đi trước. Cả đám ngồi đợi ẩn nhẫn. Tim tôi chưa hết hồi hộp đập thình thịch thể như bất cứ người nào ngồi gần cũng đều có thể nghe được nhịp ấy. Phong nắm tay tôi. Tay Phong đẫm mồ hôi và lạnh. Tôi phải ngồi bệt và khom lưng, hai đầu gối co đụng cằm, gọn lỏn trong lòng Phong. Khoang ghe quá chật cho mười người ngồi lèn nhau, phía ngoài còn tấn mấy buồng chuối mùi nhựa nồng chát. 

Bên trái tôi, cha mẹ Phong dúi sát nhau. Một bé trai độ bốn, năm tuổi, bị uống thuốc ngủ, nằm im lìm trong lòng cha nó. Bà vợ ngồi kế bên, chân trái đạp chân tôi nhưng hình như bà không biết và tôi cũng không thể dời chân đi nơi khác. Đành chịu. Người con gái ngồi kế có lẽ là em gái bà, mặc bà ba đen như gái quê, mặt từa tựa nét.

Khí trời đêm hơi lạnh nhưng bên trong khoang, nóng hầm hơi người. Hình như cái nóng hậm hực ấy tăng gấp bội vì trộn lẫn với nỗi căng thẳng bập bùng ngập ngụa không gian. Tôi lén nhìn đồng hồ giấu trong ngực áo. Khoảng 2g15 sáng. Tôi thì thầm nơi tai Phong “Hơn hai giờ sáng rồi anh.” Phong gật nhẹ đầu. Người đàn ông chèo lái ngồi im như pho tượng.

Đôi khi ánh mắt của hắn lấp lánh nhẹ dưới ánh trăng khi chớp. Cái mũi dài mang nét khoằm khiến mặt hắn lộ đầy vẻ gian ác nhưng nụ cười nở rộng với hàm răng thưa làm giảm bớt ấn tượng xấu nơi người đối diện. Hắn mặc áo bà ba đen, tay áo xắn quá cùi chỏ.

Người đàn ông đưa hai người đàn bà lội bộ băng qua hàng cây thấp trở lại. Hơi thở của hắn nóng hôi hổi phà ngay mặt tôi khi thò đầu vào khoang kêu người đàn ông ẵm đứa con ngủ mê mệt. Người chồng bò ra đằng lái, vác đứa bé trên vai như vác bị gạo mò mẫm bước lên bờ. Vấp phải vật gì trên bờ đất, ông chúi nhủi suýt té, tay cố giữ thằng bé, người lảo đảo bước quàng xiên lòm khòm rồi mới đứng thẳng lên được.

Tên đàn ông dẫn đường mặc áo sơ mi màu nâu đen, quần tây nhàu nát ống nhỏ túm hơi ngắn trên mắt cá, có chỗ sờn, đôi dép mỏng. Hắn ta tương đối trông được hơn người ngồi lái. Với nước da tái, môi thâm vì thuốc lá nhưng lại vẽ nên một nụ cười thật đẹp với lúm đồng tiền bên trái, kẽ răng đóng nhựa thuốc. Đôi mắt mí to với hàng mi rậm, duy có ánh mắt của hắn là không thẳng thắn, còn ngoài ra hắn dễ dàng lấy cảm tình của người xa lạ với giọng nói trầm và chậm.

Tôi và Phong chưa bao giờ gặp hai người đàn ông này. Chuyến đi này chúng tôi qua trung gian bởi người bạn thân giới thiệu. Người bạn đó đã đến Mã Lai an toàn, chính vì vậy mà tôi và Phong mới tin tưởng nơi người trung gian này. Hơn nữa, chuyến đi có cả gia đình người thân gì đó của người trung gian cùng đi, như vậy thì không có gì để chúng tôi lo ngại. 

Thường là chắc ăn, người trung gian mới dẫn gia đình đi sau khi đã mối lái nhiều lần có vàng có tiền làm của hoặc manh mối bắt đầu bị lộ. Ba mẹ Phong và tôi phải xuống Cần Thơ, giả đi thăm bà con. Tôi mặc hai bộ đồ trên người, giấu theo ít vàng và nữ trang. Phong mặc quần áo nhăn nhíu không ủi. Mẹ Phong thì mặc bà ba quần thâm. Ba Phong thì vận đồ rách, vá chùm vá đụp mấy chỗ, chân mang dép rách quai cột nối bằng cọng kẽm. 

Tất nhiên là không dễ gì qua mắt người miệt quê đó nhưng hình như họ cảm thông (hay tội nghiệp) trước sự trá hình không mấy chỉnh nên tôi thường bắt gặp ánh mắt ái ngại nhìn mà không dám hỏi vài lần suốt đường đi.

Đến nơi, cả bốn được dẫn đến một căn nhà nằm dựa mé sông chờ đến tối mới xuống ghe nhỏ theo sông ra cửa biển nơi có ghe lớn đợi sẵn. Trong nhà có độ hơn mười người khác đợi sẵn khi chúng tôi đến rồi chia nhóm theo ghe. Tôi dặn Phong tìm cách đi chung với người trung gian, bảo đảm hơn. Phong gật nhưng gia đình người đó cả thảy là tám, thêm hai người thì vừa đủ cho một chuyến. Nhưng tôi lẫn Phong đều không muốn đi tẻ riêng thành ra đành phải chờ chuyến chót, mười người, hơn mười giờ tối.

Thoạt đầu, ngồi chen chúc trong khoang, tôi muốn ngộp thở với hơi người và mùi bùn non lẫn mùi nước đọng hôi hám nơi đáy ghe. Hai người chèo bắt chúng tôi khom lưng gần như nằm mọp xuống, tấn bên ngoài dằn bên trên, mấy buồng chuối xanh ngắt sau khi đậy bao bố tời dơ bẩn lên đầu mọi người. Đường đi may mắn yên tĩnh không có chuyện gì xảy ra tuy rất chậm và kéo dài như không bao giờ đến nơi.

Người đàn ông dẫn đường trở lại, kêu bà vợ và cô em gái của bà cùng đi. Tôi chợt ngửi phải mùi nồng tanh tưởi nơi áo hắn khi hắn nghiêng người khều vai bà vợ. Bỗng dưng tôi nghe lợm giọng không hiểu tại sao. Cái mùi thật lạ lùng. Bóng tối trong khoang không cho phép tôi nhìn rõ mặt hắn. Mùi tanh đến lạ. Hơi thở của hắn cũng nặng nề hơn. Tôi thì thào với Phong sau khi hắn đã đi.

“Anh có nghe mùi gì không?”
“Không. Mùi gì?”
“Có mùi tanh tanh kỳ lắm… “
Phong bâng quơ qua chuyện.
Mùi bùn đó mà.”

Cũng khá lâu người đàn ông dẫn đường mới trở lại. Có thể hắn đi không lâu lắm nhưng khi chờ đợi thì năm ba phút dễ biến thành năm ba giờ. Chỉ còn bốn người trong khoang. Hai tên đàn ông bàn tính nho nhỏ trên bờ. Tôi bỗng nghe gai ốc nổi đầy người. Tôi nắm chặt tay Phong. Mồ hôi tươm ướt lưng. Người đàn ông đẹp trai kêu chúng tôi ra khỏi khoang. Hắn nói, giọng khoan thai.

“Bây giờ tui dẫn ông bà đi, hai người một. Để khỏi mất thì giờ, hai người đi với anh Ban, hai người đi với tui. Tụi tui đi hai đường nhưng đường nào cũng dẫn tới chỗ ghe lớn. Đi đông nhiều tiếng động dễ bị lộ. “

Rồi không đợi phản ứng của người nào hết, hắn hất hàm người mũi khoằm tên Ban, đẩy cha mẹ Phong về phía đó. Quay nhìn hai đứa tôi, hắn cười, hàm răng lởn nhởn dưới ánh trăng, bóng đen lúm đồng tiền nổi rõ trên má, rồi hắn quay lui bắt đầu đi về phía rừng cây thấp. Phong nắm tay tôi đi theo hắn. Rừng cây tối mờ dù là rừng thưa, bóng lá đen ngòm trên đường lồi lõm. Tôi vấp té loạng choạng nhiều lần, đi chậm hẳn lại.

Chợt một nhánh cây đập vào mặt đau điếng, tôi khựng lại, giằng tay khỏi tay Phong rồi đỡ nhánh cây cúi người lom khom. Bỗng dưng, tôi nghe thấy… không chắc mình nghe đúng, nhưng tứ chi chai cứng. 

Thứ âm thanh nhọn như tiếng mèo gào giữa khuya. Tim tôi đập nhịp cuồng. Tôi quờ quạng tìm tay Phong. Chàng đứng sát tôi, chợt tôi cảm thấy cả người mệt mỏi và thỏng dài. Người đàn ông dẫn đường quay nhìn hai đứa tôi. Bóng tối mờ nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt kỳ lạ của hắn. 

Bỗng nhiên nỗi sợ hãi ùa tới tràn ngập người tôi với sự im lặng kỳ lạ của người dẫn đường không thúc hối khi thấy chúng tôi khựng lại. 

Hắn không hề kêu chúng tôi nhanh bước. Thời gian đứng khựng và cả ba đứng im như chờ đợi phản ứng của nhau. Chợt Phong kéo ngược tay tôi chạy trở lại hướng vừa rời đi lúc nãy. Tôi chạy cuống cuồng theo tay kéo mù loà. Rừng cây như mê hồn trận, chúng tôi chạy bất kể mọi thứ.

Rồi cả hai cũng trở lại được bờ sông nơi ghe cặp bến. Người đàn ông tên Ban đang cúi khom lục lọi chi nơi bóng đen nằm im bên chân hắn. 

Tôi đứng sựng kêu không ra tiếng. Miệng lưỡi dính thành một khối nghèn nghẹn. Bóng đen dưới chân hắn là mẹ Phong, nửa trên loã thể, tư thế co quắp, mặt úp xuống bùn. Ban hình như cũng không ngờ sự có mặt của tôi và Phong. Hắn đờ người, tay còn cầm sợi dây chuyền vàng lòng thòng. 

Trong khoảnh khắc chúng tôi nhìn hắn, nhìn cái búa bửa củi vất bên chân. Tôi không thấy máu vì bóng đêm làm nhoè bẩn mọi thứ. Nỗi sợ hãi dâng lấp trí óc. Ý nghĩ lướt thật nhanh trong đầu. Tôi đã hiểu tại sao chúng muốn dẫn từng hai người một. 

Tôi sực nhớ đến người dẫn đường. Đầu óc hoảng sợ nhưng vẫn còn sáng suốt để nghe rõ tiếng chân chạy đuổi và tiếng la của hắn đâu đó “Ê Ban, coi chừng tụi nó chạy. Ban! Ban! Tụi nó chạy rồi!” Phong vụt chạy về chỗ neo ghe. Tôi chạy theo tay níu của Phong đến sát mé nước, chân vấp vật gì. Tôi ré lên như đạp phải giòi.

Nhìn xuống, ba Phong nằm nửa người vùi dưới nước. Phong khựng lại vì tiếng la của tôi rồi đẩy tôi ra sông. Tôi sặc sục, nước mới ngang ngực. Phong hét vào tai tôi.

“Lội mau lên, lội ra giữa sông.”

Tôi bơi hối hả, tay chân nặng chình chịch vì hai bộ đồ ướt nước. Tôi quay cuồng tứ phía, không rõ mình bơi về hướng nào mới đúng. Tiếng người la hét sau lưng nghe chói tai đến độ hãi hùng. Một tràng đạn bắn vãi quanh tôi và Phong. Chàng đè đầu tôi ngụp xuống nước. Không mấy lâu, tôi ngộp thở hất tay Phong trồi lên hớp không khí. Súng nổ liên hồi như sát mang tai. Tôi luýnh quýnh đập tay chân loạn xạ, chưa đầy mấy phút đã mệt lả. Tôi càng ráng trồi lên chừng nào thì lại càng chìm xuống nhanh chừng nấy. Tôi lặn hụp lên xuống như người sắp chết đuối. 

Có lẽ nhờ vậy mà tôi tránh được đạn bắn xối xả chung quanh. Phong khi lặn kéo tôi hụp xuống, khi nổi đẩy tôi trùi tới. Tôi bơi tới tấp với cảm tưởng mình nổi ì một chỗ. Đầu óc tôi rối loạn nhưng hình như vẫn tỉnh táo, rất tỉnh táo để thấy ánh trăng mờ trên cao, cây cối đứng im nơi bờ, bóng nước lấp lánh quanh mình, hơi thở hào hễn, cơn mệt muốn đứt hơi và mấy bóng đen trên bờ với loạt đạn dữ dội. 

Tôi bơi như máy, hơi thở dần ngắn với nước tuôn vào mũi mồm sặc sục. Biết mình không đủ sức, tôi thả ngửa để Phong vịn vai đẩy đi. Hình như chúng tôi đã ra được giữa sông. Tôi nhìn vào bờ, chỉ thấy dạng cái ghe, hai bóng đen tàn ác nhoè lẫn trong bóng đêm nhưng ánh lửa nháng với tiếng nổ vẫn hiện hữu. 

Tôi đạp chân phụ sức với Phong, mắt nhìn thẳng lên lòng đêm có trăng sao đầy đủ. Trời đất có đó nhưng hình như bịt tai im lặng trước hành động dã man. Tôi nhẩm cầu những đấng tối cao mà tôi có thể nghĩ đến trong nhịp tim hỗn loạn.

Tiếng súng bỗng im. Sự im lặng hãi hùng đè chụp lấy tôi. Tiếng đập nước vùng vẫy của chúng tôi bỗng trở thành tiếng động duy nhất rõ mồn một trong đêm. 

Tôi lật sấp người lại tiếp tục bơi, bờ bên kia vẫn còn xa thăm thẳm. Có bơi mới thấy con sông không nhỏ như tôi tưởng khi còn ngồi trên ghe. Phong nhìn lại rồi nói qua hơi thở đứt quãng “Tụi nó chèo theo… bơi lẹ… lên em… May ra mình… thoát.”

Câu nói của Phong lại được đệm bằng tiếng súng nhưng rời rạc hơn lúc nãy. Tôi muốn bịt tai để đừng nghe thứ âm thanh dữ dằn chở đầy gai nhọn đâm thẳng tim óc. 

Tôi nhìn lui, không hiểu sao trong lúc bấn loạn, trí óc vẫn tiếp tục có lúc minh mẫn để thấu suốt những thứ không dính dáng gì hết, quanh mình. Chiếc ghe trôi lừ lừ ra giữa sông thật nhanh. Lửa đỏ loé quanh.

 Tôi nghe được tiếng giầm quậy nước lẫn với tiếng súng mỗi lúc thưa hơn. Tiếng lủm chủm của đạn rơi không còn nghe gần đâu đây nữa mà vạt xa xa về phía bờ bên phải. Phong kề tai thì thào.

“Tụi nó không thấy mình. Em bơi nhẹ dưới nước trôi lần vào bờ, đừng gây tiếng động mạnh. Khi tụi nó bắn thì mình bơi nhanh hơn một chút.”

Đám lục bình nhẩn nha trôi đâu đó làm hai tên đàn ông lầm lẫn. Chúng la hét lẫn nhau.

“Mày bắn lục bình không hà, Ban! Ê. Đ.m. tụi nó trôi hướng này sao mày cứ bắn hướng đó hoài vậy? Đ.m. giết có hai đứa mà cũng không xong, biết làm gì ăn đây mậy?”
“Câm cái miệng của mày lại. 

Đứa nào để xẩy? Hả? Mẹ cha nó, tao bắn đúng chỗ, chắc tụi nó chìm rồi. Không tin thì thôi. Đ.m, bỏ cho rồi. Sống chết kệ mẹ tụi nó. Về cho xong, trời gần sáng rồi, làm cả đêm, mệt chết mẹ!”
Mọi thứ vụt im. 

Không có tiếng chèo lẫn tiếng chửi thề. Tay Phong nắm cứng vai tôi trong khoảnh khắc rồi buông. Tôi chúi đầu sát mặt nước, tay chân cố khuẫy thật nhẹ nhưng vẫn mang cảm tưởng nặng chịt lào xào khuyấy nước. Im lặng nặng như tấm màn sũng nước phủ đè lên tâm trí. 

Tim tôi đập rối rít, mạch máu nhảy theo nhịp tim hào hễn, tai tôi nghe được tiếng bình bịch của tim mình tưởng như ai cũng đều nghe ra. Chợt có người dúi chân tôi xuống. Tôi hơi giật mình khi chân đạp phải lớp sình mềm. Phong đứng, mặt ngửa chừa mũi thở, cả đầu dìm gần hết dưới nước. 

Tôi bắt chước Phong, đỡ mệt vì chân chạm đáy sông nhưng phải đổi chân chống vì lớp sình mềm khiến chân chuồi nghiêng không vững. Được một lát, tôi ngẩng nhìn vừa lúc bóng đen nơi ghe lên tiếng.
“Đằng kia kìa. Đó. Đ…đ… tụi nó vừa hụp xuống. Chỗ này nè. Mày bắn chỗ đó coi.”

Phong nắm tay tôi kéo hụp xuống nước. Nghe được câu nói của người trên ghe nên tôi kịp chuẩn bị để hít một hơi không đến nỗi chịu ngộp lâu. 

Đạn bắn tung toé sát nơi tôi đứng. Phong dò dẫm bước đi dưới nước. Tôi bước theo mò mẫm, chân đạp sình loạng choạng nhằm nơi trũng sâu làm tôi hốt hoảng bíu chặt tay Phong. 

Miệng há ra bất ngờ khiến nước ùa vào mồm, tôi ngột ngạt trồi đầu lên thở. Trước mặt, đám lục bình kẹt nhánh cây chết dồn đống bên bờ. Tôi truồi sâu vào đám lá, chỗ nước cạn ngang bụng nên ngồi chồm hỗm dưới nước. Bóng ghe đi ngang thật rõ. Tiếng nói chuyện vang vang.

“Kệ mẹ tụi nó, về cho rồi. Mày cất đồ chưa?”
Giọng trầm khoan thai trả lời như không bị ảnh hưởng chi hết với hỗn loạn máu me vừa rồi.

Rồi, hỏi hoài! Xét hết mấy cái thây rồi. Trừ khi nào họ nuốt vô bụng thì tao chịu chớ… Ờ, hay là mình quay lại mổ mấy cái thây đàn bà. Tụi nó có khi nuốt hột xoàn…”
Giọng kia bẳn gắt hơn. “Sao hồi nãy hổng nói? Mẹ nó. Xì. Đ.m, gì cũng mày. Đợi xong rồi mới nói. Xẩy hết hai đứa… Gần sáng rồi, mổ miết gì nữa. Đ. m..”

Tiếng nói nhỏ dần theo dạng ghe loãng dần trong đêm tối. Phong đứng dậy, lần mò trượt lên trượt xuống với lớp sình nơi bờ rồi mò lên bờ đất. 

Tôi đạp sình nhão nhoẹt len chảy qua mấy kẽ chân, theo Phong lên chỗ có đất cứng. Bờ đất đầy rễ chằng chịt của thân cây chết, không rõ cây gì. Tôi lại vấp chân đau điếng nhưng cơn đau không đủ nồng độ để tôi nhận biết lâu hơn. 

Ngồi bệt xuống, tôi lần mò ngực áo tìm đồng hồ. Ánh lân tinh mờ ảo. 4g20 sáng. Tôi nói với Phong, hơi khựng lại khi nhận ra mình lạc giọng.

“Gần bốn rưỡi rồi anh. Giờ tính sao đây?”

Phong cởi áo vắt nước không trả lời. Tôi cởi bớt một bộ đồ bên ngoài cố vắt cho ráo rồi phơi đại trên mấy nhánh cây gần đó. Hơi lạnh thấm qua lần áo ướt còn lại trên người khiến tôi nổi ốc. Cả người tôi run từng cơn theo phản xạ cơ thể. Tôi ngồi bó gối, hai tay ôm chân co ro. Phong choàng tay qua vai tôi cho ấm. Hai đứa chúi vào nhau. Trí óc tôi dần dần tỉnh và tôi cố tránh không nghĩ đến những gì vừa xảy ra.
Rừng cây thưa thớt không một bóng nhà hay bóng đèn. Sao thật sáng và thật nhiều. 

Tiếng ếch nhái ễnh ương đâu đó nổi lên thật bình yên như không có chuyện gì xảy ra. Nước mắt tôi rơi chầm chậm nhiểu trên tay mới hay. Cơn sợ hãi lắng xuống, giờ chỉ còn lạc lõng khốn cùng sau cơn bão tàn khốc. 

Tôi mang cảm tưởng vừa rỗng không vừa đầy ắp đến độ muốn nôn. Không biết tôi nên nói gì, làm gì. Sau con giông tàn bạo, sực thấy mình không là gì cả, tay chân dư thừa, đầu óc đầy rẫy những hình ảnh chết chóc và cảm tưởng mình rất mỏng manh dễ bị xúc phạm thì lấp đầy cả người.

Giọt nước mắt đầu rơi xuống, khơi dậy trùng dương trong tôi. Tôi khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Trí óc lần mò trở lại xác người vấp phải nơi mé nước, sợi dây chuyền vàng đong đưa nơi tay gã đàn ông cúi mình trên cái xác trần. Hoá ra, tim tôi hụt nhịp, những người chung ghe đã chết. Tôi nhớ đứa bé trai ngủ mê vì thuốc. 

Cô gái trẻ thì thầm với tôi “Bồ em ở Texas. Ảnh hứa sẽ đón khi em tới đảo. Mấy năm rồi em chỉ đợi có dịp này. Tưởng sẽ không bao giờ gặp rồi chứ. ” Giọng cười khẽ vui sướng đầy hy vọng của cô. Giờ thì thật là không bao giờ gặp.

 Tôi gục đầu ủ rũ với nước mắt. Phong ngồi im lặng lẽ. Chúng tôi đã gặp phải lũ cướp cạn tàn ác. Lũ cướp cùng màu da cùng tiếng nói với mình. Tôi thường nghe nói đến hải tặc Thái lan nhưng chưa nghe nói đến lũ cướp cùng màu da tiếng nói với mình. 

Giờ thì tôi hiểu, nạn nhân chết cả, lấy ai kể lại câu chuyện thương tâm nơi bờ sông vắng. Biết bao bờ sông vắng đã chứng kiến những cảnh tượng tương tự? 

Tôi lau nước mắt trên tay áo còn ẩm ướt, nằm lăn ra đất. Phong nằm theo, gối đầu tôi lên tay chàng. Tôi sờ soạng mặt Phong trong đêm tối mờ, ngón tay tôi ướt khi lướt ngang mắt. Tôi vùi mình trong lòng Phong, cảm kích và đau đớn vô vàn.
    o O o 

Bà ngoại Phong mất khoảng sau hai giờ sáng cùng ngày hôm ấy. Dì Sáu cho chúng tôi hay mấy ngày sau, khi hai đứa mò về đến nhà. Bà mất cùng ngày chúng tôi bị nạn. Lúc hai giờ, bà còn đòi dì Sáu rót cho tách trà. 

Sau đó, dì Sáu về giường của mình. Đến sáng thì bà đã chết cứng, hai chân thò ra ngoài như sửa soạn xuống giường, tay phải níu chặt thành giường, mắt mở hé.

Phong ngồi ôm đầu nghĩ ngợi. Chập sau Phong hỏi.
“Dì có chắc là sau hai giờ không?”
“Chắc. Dì cho ngoại uống nửa tách trà. Lúc để tách xuống bàn sực thấy đồng hồ gần hai giờ chớ dì có tính coi giờ đâu mà nhớ.”

Dì Sáu là em út của mẹ Phong. Dì lớn tuổi nhưng không con. Chồng dì còn ở trại học tập nên dì không đi với chúng tôi, vả lại không ai trông nom bà ngoại, đã hơn bảy mươi lăm già yếu nhiều bệnh tật. Dì giống mẹ Phong nhiều nét nhưng khô khan cằn cỗi hơn. Mặt dì sưng húp vì khóc nhiều.

Lúc mở cửa thấy hai đứa tôi, dì oà khóc như trẻ nhỏ. Thấy trở về, hiểu ngay là không thoát, phần mới chôn mẹ một mình nên dì tủi thân. 

Đến khi biết cha mẹ Phong tử nạn, dì khóc thảm thiết hơn. Phong chỉ ngồi yên nhìn tôi và dì Sáu, mặt chàng chai cứng với giận dữ và oán hờn.

Tối hôm đó, Phong ngồi nơi giường ngoại, vụt nói một câu lạ.
“Mình thoát được là nhờ ngoại!”
Tôi nhìn Phong không hiểu. Dì Sáu hỏi.
“Sao? Con nói sao?”
Phong chậm rãi kể, mắt nhìn mông lung.

“Lúc Ngà giật tay con đứng lại, tự nhiên con thấy bà ngoại. Thấy như thế nào thì con không biết, chỉ biết là thấy mà trong người không hề thắc mắc tại sao. Bà ngoại xua xua tay nói. Chạy đi con, lội qua bên kia sông. Lẹ lên. Chạy đi con! Con nghe rõ ràng giọng thúc hối nóng lòng của Ngoại. Con đang hoang mang chưa biết làm gì thì lại nghe bà nói. Mẹ mày chết rồi. Chạy mau lên con ơi. 

Rồi như có gì ám, con lôi tay Ngà chạy về phía bờ sông theo lời Ngoại. “
Tôi nghe lạnh nơi sống lưng. 

Tôi đã không kéo tay Phong đứng lại vô cớ, rõ ràng có nhánh cây đập nơi mặt đau như trời giáng nên tôi đứng lại không suy nghĩ. Khi mặt trời lên, Phong nhìn và không thấy vết bầm hay trầy trụa nào trên mặt tôi cả. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì cái đau xé da thịt kia không thể nào không để lại dấu vết trên mặt. Còn tiếng gào, thứ tiếng đau đớn của một con thú bị nạn.

 Thứ âm thanh chỉ có thể tạo được bởi cơn đau tận cùng xương tuỷ. Phong đã không nghe tiếng gào nào hết khi giật tay tôi quay lui chạy ngược về hướng cũ. Không dám suy tưởng nhiều hơn, tôi chỉ giản dị cho rằng mẹ Phong đã tìm cách cứu chúng tôi bằng tiếng gào mà bà đã không kịp thoát thành tiếng. 

Tôi đã nghe được thứ âm thanh xé rách màn đêm chọc thẳng óc mình, đã ngửi được mùi máu trên áo kẻ giết người. Nếu không có nhánh cây quật mặt, tôi đã không dừng lại và đã tiếp tục ngoan ngoãn đi theo tên dẫn đường gian ác. 

Nếu không có tiếng gào, có lẽ tôi vẫn tiếp tục đi không chút ngờ vực. 

Tiếng gào và cái đau của nhánh cây quật mặt, cả hai đều thật, thật như nỗi hãi hùng của cuộc thảm sát ghê rợn nơi bờ sông vắng. 

Tôi đã cảm thấy được tất cả mọi thứ bằng mọi giác quan trên người. Có thể, nhánh cây làm tôi đau nhưng không để lại dấu vết, nhưng còn tiếng gào, tôi phải giải thích làm sao khi Phong không hề nghe có tiếng gào nào hết. 

Hai đứa tôi đã được báo động cùng một lúc bằng hai hình thức khác nhau. Và nhờ hành động vụt chạy bất thần khiến tên dẫn đường không kịp trở tay. 

Nếu không, nếu không… tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không, nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra và tôi sẽ làm gì nếu gã đàn ông không gờm tay với mình giả như tôi và Phong cùng rơi vào tình trạng sống chết dưới tay hắn? 

Đây là nỗi ám ảnh không biết đến khi nào tôi mới được quên dù đã yên ổn xứ người nhiều năm sau đó. 

Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.


Sc Mnh Thc Tnh T Chính Thân Xác Người Cm Bút











Trần Dạ Từ 

                      

TK21: Ngày 9 tháng Chín năm 1987, sau gần 12 năm tù đày, nhà thơ Trần Dạ Từ, một gương mặt trí thức miền Nam Việt Nam ra khỏi trại tù Z30D ở Hàm Tân, Việt Nam. Ngày 9 tháng Chín năm 1988 ông và gia đình được tiếp đón tại Thụy Ðiển. Một năm sau cũng đúng ngày này, ông đến Mỹ và trong một buổi sinh hoạt tại Little Sàigòn, kể lại cùng thân hữu:  


Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút


Ðêm thứ Sáu rạng thứ Bảy, 3 tháng Tư, 1976, mười một tháng sau khi chiếm Sàigòn, công an Cộng Sản được huy động toàn lực vào một chiến dịch đặc biệt: bắt giam toàn bộ các nhà thơ, nhà văn, nhà báo và một số nghệ sĩ miền Nam tự do cũ. Từ 0 giờ ngày 3 tháng Tư, 1976, ngay đợt đầu, gần 60 người bị bắt giữ. 

Chị Chu Vị Thủy, thứ nữ của nhà văn Chu Tử, vừa sinh cháu trai chưa quá 7 ngày. Cả hai mẹ con cùng bị bắt. Ðứa trẻ sơ sinh trở thành người tù trẻ nhất, chỉ vì cháu lỡ mang tý huyết thống của ông ngoại. Ký giả Hồ Nam, tức nhà thơ Vương Tân, từ lâu đổi nghề, ẩn cư đâu đó ở Mỹ Tho, vẫn có xe công an — từ Sàigòn vượt 70 cây số về một chợ nhỏ tỉnh lỵ — bắt cho bằng được… 

Các cuộc truy lùng sau đó còn tiếp diễn cả năm. Tuần báo Pháp L’Express, và tổ chức Văn Bút Quốc Tế, phải mấy năm sau đó, mới công bố được danh sách hơn trăm văn nghệ sĩ Việt Nam bị cầm tù không xét xử. Ðây chưa phải là danh sách đầy đủ. Cho tới nay, gần 14 năm sau, vẫn còn những người bị giam giữ. 

Nhà văn Thảo Trường tiếp tục bị giam ở Z.30D, Hàm Tân. Các nhà văn, học giả Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu, Tuệ Sỹ vẫn tiếp tục bị giam cầm tại trại khổ sai Z.30A, Long Khánh. Trong số những văn nghệ sĩ bị chết vì tù đày, riêng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, đã mất trọn một ban chấp hành: nhà thơ Vũ Hoàng Chương, chủ tịch, nhà văn Hồ Hữu Tường, phó chủ tịch, và nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, tổng thư ký 

Trong lịch sử văn hóa nhân loại – kể cả thời vua Tần đốt sách chôn học trò ở phương đông, Nê Rô đốt thành La Mã ở phương tây, Mao Trạch Đông làm cách mạng văn hóa ở Hoa Lục – Sự bách hại nhắm riêng vào giới cầm bút và nghệ sỹ, chưa bao giờ đạt tới mức qui mô như biến cố ngày 3 tháng Tư, 1976 ở Việt Nam, cả về tính cách và thời gian. 

Những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sỹ Việt Nam, nhờ sự trợ giúp của Cộng Sản, mà được thật sự nhập mình vào những oan nghiệt chung của cả dân tộc. Không chỉ bằng chữ nghĩa, sách vở, mà bằng cả sinh mạng, họ đi nốt con đường phải đi, làm nốt những việc còn phải làm. 

Mười bốn năm, đã tới lúc phải khởi sự nhìn lại.


Một nhân vật nữ, trong tiểu thuyết mới ở Nga, viết thư cho bạn tình già của bà ta. Đại khái: “Em bị đóng đinh trong rừng tai ga mười mấy năm, cho tới khi nhờ thấy được anh mà tái sinh. Anh giản dị như thế. Vậy mà để đủ sức nhận ra được anh, em phải đi qua bao nhiêu là địa ngục. Thật đáng đời cho em.”

Người bạn tình của văn chương Nga thời Glasnost này, chắc nên có tên là sự thật. 

Có những sự thật giản dị, trước mắt, đôi khi ngay trong bản thân. Vậy mà không nghe, không tin, không thấy. Tiến trình của chủ nghĩa cộng sản trong lịch sử nhân loại là một ví dụ. Hai phần ba thế kỷ: bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu địa ngục. Phải thêm Việt Nam bị đóng đinh trên cây thập tự nữa. Cũng vẫn cứ chưa đủ. Nó còn muốn bước tới. Những trí tuệ lớn của loài người vẫn cãi nhau chí chóe vì nó. 

“Thật đáng đời cho em.” Câu than thở của người đẹp Liên Xô, không chỉ đúng riêng cho nước Nga. Trước mắt, còn đúng cho chính dân tộc chúng ta, trong đó có bọn nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ. 

Trước 1975, tại Sài Gòn, các nhà báo vui tính, có lần phản đối chính quyền bằng cách xuống đường biểu tình, dưới hình thức ‘ký giả đi ăn mày.’ 

Sau 30 tháng Tư, ở quê hương, ở hải ngoại, vẫn có anh nhà banh hỏi anh nhà báo: ‘Sao các anh không xuống đường ăn mày nữa đi.’ 

Để trả lời giùm câu hỏi này, ông Hoài Bắc, khi còn ở Sài Gòn, thường cười hề hề, hát một câu “tình ca của lính": Ngày ấy, có anh đi hàng đầu. Hàng đầu. Đầu hàng. Có nghĩa là chịu thua. Hết cãi. Đầu hàng, cũng có nghĩa là cái nhục chung. 

Nhà văn, nhà báo thường được coi là những sứ giả truyền thông. Sứ mạng họ, không chỉ là cái máy chuyển hình ảnh, tin tức, mà còn là truyền đạt tâm hồn và lý trí, làm cách nào cho lẽ phải, sự thật được nhìn nhận, bảo vệ. 

Suốt cuộc chiến tranh thảm hại ở Việt Nam, họ đã viết, đã nói, nhưng không hoàn tất được sứ mạng. Sự gian dối và cái ác đã thắng. Tội của họ lớn. 

Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường, Trần Việt Sơn, rồi Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh, đã chết đều vì tù đầy. Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Đức Nhuận, cho đến bây giờ, vẫn còn bị giam giữ. Những người sống khác, hầu hết đang tiếp tục bị đày đọa ở quê hương. 

Trong "cộng nghiệp" chung của cả dân tộc, giá phải trả của bọn nhà văn, hình như cũng không nhẹ nhàng gì, nếu đối chiếu tỷ lệ với những ngành nghề khác. 

Trả nhgiệp bằng tù tội, chết chóc, nhục nhã. Toàn món khổ đau cả. Giành nhau làm gì. Điều đáng nhìn cho ra ở chỗ khác: Sự khổ đau, vốn không phải là một thứ vô ích. 

Xăng, khí đốt, thành sức mạnh làm trục quay, đẩy bánh xe lăn. 

Khổ đau, khi đủ sức hùng dũng, cũng thành được sức mạnh, làm nên sự thức tỉnh. Bánh xe đạo lý của loài người, bánh xe tiến hóa của lịch sử, há đã chẳng quay bằng cái trụ thức tỉnh đó sao. 

Chiến tranh Việt Nam là cao trào của chủ nghĩa Cộng sản. Mặt mũi họ được chính lòng tốt của tây phương lau chùi dùm bong loáng. Giải Nobel hòa bình tặng cho Lê Đức Thọ, người điều khiển cả guồng máy chiến tranh khổng lồ ở đông dương. Ông ta chê, không nhận. 

Sau 30 tháng Tư, 1975, đưa gọn được hàng trăm ngàn sỹ quan, viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ vô nhà tù, mặt mũi người cộng sản Việt Nam càng nghênh ngang hơn. Những ngọn đèn pha tối tân nhất của ngành truyền thông thế giới vẫn hăng hái rọi đèn, đánh bóng cho họ. Tại Hoa Kỳ, ông Carter, với nhãn hiệu tự do, cấp tiến, vào được tòa Bạch Ốc. Ở tây phương, cánh tả vẫn tiếp tục ăn khách. 

Câu hỏi "ai thắng ai," do chủ nghĩa cộng sản ném vào mặt nhân loại suốt hai phần ba thế kỷ, xem ra, còn nhức nhối lâu lắm. 

Vậy mà không. Chưa đầy 15 năm, sau khi Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, mọi loại mặt nạ đều đã bị đập vỡ. Mới đó, còn nghênh ngang vênh váo. Bây giờ, nó dúm dó, thảm hại. Dĩ nhiên, nhiều nhân tố phức tạp, (như những biến chuyển về chính trị, kinh tế, bước nhảy bẩy dặm của khoa học truyền thông ) đã làm nên việc này. Nhưng điều chính yếu là con mắt, trái tim, khối óc của con người đã nhìn được rõ bộ mặt thật của nó.

Cái trục thức tỉnh của nhân loại, một lần nữa, chuyển động. 

Chính sự đau khổ của dân tộc chúng ta, khi bùng sáng thành sức mạnh, đẩy cho nó quay. 

Nhiều người đã bị Hê Rốt đóng đinh. Không phải bất cứ cây thập tự nào cũng sáng lên được sức mạnh cứu chuộc.

Trước và cả sau Việt Nam, nhiều xứ sở đã bị Cộng sản biến thành địa ngục. Chỉ với hàng triệu người Việt liên tiếp lao ra biển, làm thành cuộc vượt thoát chưa từng có trong lịch sử nhân loại về bất cứ phương diện nào, cái địa ngục kiểu mẫu của Cộng Sản ở Việt Nam mới được mở toang ra trước mắt nhân loại.

Những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ Việt Nam đi với dân tộc họ lên cây thập tự của thời đại. Họ không đông, phần xương thịt không nhiều. Nhưng phẩm giá con người, ý chí một dân tộc không chịu quỳ gối, khi biểu hiện qua họ, gây nên những chấn động kỳ diệu. 

Họ là cái chớp sáng. Một tia thôi. Nhưng báo hiệu đám cháy thành Sô đom. Ly nước đầy sẵn. Chờ thêm một giọt để tràn. Họ là giọt nước ấy. Một giọt thôi. Nhưng báo hiệu cơn hồng thủy sự thật, thức tỉnh đạo lý của nhân loại. Muốn ngơ cũng không được.

Tổng thống Mỹ Reagan, nghe đâu, đã đích than đề cập  tới những văn nghệ sỹ Việt Nam, với Mai Thảo, Kiều Chinh. Nhưng đỉnh đầu khác của thế giới văn minh, cũng không thể làm ngơ việc này.

Tổ chức Văn Bút Quốc Tế, đã phải thành lập hẳn một ủy ban quốc tế về những nhà văn bị cầm tù, do chính Francis King, CBE làm chủ tịch, và Thomas Von Vegesack, nhà văn lớn Thuỵ Điển, nguyên chủ tịch văn bút quốc tế, làm trưởng ban điều hành. Với sự tham dự của 22 khuôn mặt tiêu biểu cho các dân tộc - ở Mỹ là Arthur Miller, ở Pháp là René Tavernier – uỷ ban này hiện vẫn liên tục hoạt động, không mệt mỏi, vì các nhà văn bị cầm tù ở Việt Nam.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, cũng như nhiều tổ chức văn hóa và nhân quyền khác, đã dốc toàn lực vào cuộc vận động này. Nhiều cấp lãnh đạo chính phủ đã tích cự can thiệp.

Từ J.P. Sartre cho tới J. Fonda, những khuôn mặt tả khuynh nổi tiếng của thế giới văn minh, đều đã tỏ thái độ. Họ đã viết, đã nói.

Olof Palme, cố thủ tướng Thụy Điển, người từng đích than xuống đường biểu tình ủng hộ cộng sản Việt Nam, cũng đã phải xem lại thái độ của ông đối với họ. 

Ở cương vị và bằng cách thức của ông, Olof Palme không chỉ nói hoặc viết, ông ta còn trực tiếp hành đông. Bằng cách tích cực thực hiện những đề nghị của tổ chức văn bút và ân xá quốc tế, vị thủ tướng nổi tiếng, người lãnh đạo đảng xã hội, đã biến những nhận thức mới của ông đối với cộng sản Việt Nam, thành thái độ và hoạt động chung của cả chính phủ và nhân dân Thụy Điển. 

Trong nhiều năm, ít nhất, có ba bộ trưởng Thụy Điển: Ngoại trưởng Sten Anderson, Bộ trưởng xã hội Lena Hjelm Wallen, Bộ trưởng ngoại thương Anita Gradin, đã tới Việt Nam nhiều lần, và can thiệp trực tiếp với cấp cao nhất của Cộng sản, về trường hợp các văn nghệ sỹ Việt Nam bị giam cầm. 

Olof Palme bị bắn chết trên hè phố Sstockholm. Thái độ và hoạt động ông đề ra càng được trân trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Thủ tướng Ingvar Carlson, người kế vị ông, phải viết thư riêng cho thủ tướng Cộng sản Việt Nam Phạm Hùng, về trường hợp nhà văn Việt Nam bị cầm tù mà Thụy Điển chính thức bảo lãnh. 

Gần đây nhất, ngay khi đang công du Đông Nam Á, trước khi tới Việt Nam, ngoại trưởng Thụy Điển Sten Anderson đã phải dừng ở Thái Lan, nhận những chi tiết về hai bản án tử hình Trí Siêu và Tuệ Sỹ, trường hợp Thích Đức Nhuận, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy. Chỉ ít ngày sau khi ông tới, Hà Nội đã chính thức công bố hủy bỏ hai bản án tử hình. 

Ngay từ thời đầu chiến tranh, khi muốn bắn tiếng với phương tây điều gì, Hồ Chí Minh đã phải nhờ Thụy Điển. Sau 30 tháng Tư, 1975, Thủ tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng đến Stockholm, Olof Palme mở cửa điện Rosenbad nồng nhiệt đón ông ta. Nhưng cũng nơi đây, 13 năm sau, thực hiện chính ý muốn của Olof Palme, Thủ tướng Thụy Điển Ingvar Carlson đã mở cửa điện Rosenbad, không phải để đón một lãnh tụ Cộng Sản, mà đón gia đình hai người cầm bút Việt Nam tầm thường, chỉ vì họ đã bị chính Cộng Sản bắt bớ, đầy ải. 

Thái độ khinh bỉ loài người, khi cộng sản bắt giữ các nhà văn nhà thơ nhà báo nghệ sỹ Việt Nam, đã được dội lại đầy đủ cho chính họ, từ đủ mọi phía. Ngay đại diện Nga, trong một đại hội văn bút quốc tế gần đây, cũng đã nhất trí lên án hành vi này của cộng sản Việt Nam. 

Trong giai đoạn quỳ gối trước tây phương, sau Nga Sô, Trung Quốc, chắc sẽ tới phiên cộng sản Việt Nam xin gia nhập Văn Bút Quốc Tế. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ phải tự vả vào mặt họ. Tiến trình mới mẻ này, cũng đã được khởi sự tại Việt Nam từ lâu, bằng sự mở mắt của lớp người cầm bút được chính Cộng sản nhào nặn. 

Cũng như những cuộc hành quân mang tên Lam Sơn hay Đống Đa trước 1975, những tác phẩm mang tên các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ của miền Nam tự do, vì nhiều lý do, đã không đủ sức mạnh góp thành sự chiến thắng. Cũng như hầu hết các chiến sĩ, họ đã ở lại, cùng chịu đóng đinh với dân tộc. 

Bằng chút vốn liếng cuối cùng là chính than xác mình, những người "tưởng đã tiêu tùng" này, đã có cơ hội hoàn tất được sứ mạng của họ một cách vang dội. Tác phẩm của họ, dù bị xé, bị đốt, vẫn được chép tay, truyền tay ở quê hương. Sức mạnh thức tỉnh của họ, không chỉ lay động được đạo lý phương tây, mà đang bền bỉ nẩy mầm ở quê nhà, ngay trước mặt hoặc ngay trong lòng, những kẻ tự coi là thù địch với họ.

Đây là một đề tài khác. Còn nhiều đề tài khác nữa, phải được nói đến, đào sâu, bật sáng. Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu, Tuệ Sỹ… chỉ là những người cầm bút yếu đuối thôi. Nhưng chính họ là những người đầu tiên đã đứng thẳng, nhỏ nhẹ mà dõng dạc, trước cái gọi là tòa án của cộng sản. Còn nhiều người cầm bút khác nữa, họ đều vậy. Những người cầm bút đã có cơ hội vượt thoát như chúng ta, có thể yên tâm, tự hào về những đồng nghiệp của mình còn ở lại quê hương. 

Với những người vừa rời họ không lâu, như anh Hồ Văn Đồng và chúng tôi, xin thú thật, lòng tự hào còn biến thành một câu hỏi ray rứt: bản thân mình phải làm gì để xứng đáng với họ? 

Khổ đau chung của cả một dân tộc, bùng sang thành sức mạnh. Sức mạnh lớn lao ấy, không boa giờ chỉ là kỳ công của một người, một phía. Nó là sự nghiệp chung, của cả những người còn ở lại quê hương và những người đang ở hải ngoại. 

Không phải tự nhiên báo L’Express, Văn Bút Quốc Tế, Ân Xá Quốc Tế, ông Tổng Thống này, ông thủ tướng nọ, có được những dữ kiện để mà lên tiếng về bọn nhà văn Việt Nam bị cầm tù. 

Không phải tự nhiên có Văn Bút hải ngoại, duy trì được đến nay. Rồi có những gói quà gửi cho bạn văn quê nhà từ Cao Ngọc Phương, Trần Tam Tiệp, Minh Đức Hoài Trinh, Mai Thảo, Thiếu Mai… 

Cũng không phải dễ dàng mà người đọc hải ngoại có được những trang sách cùm đỏ, đại học máu, đáy địa ngục, sở công an, trại tập trung… duy trì được một sinh hoạt báo chí, xuất bản đều khắp ở hải ngoại, ngày càng lớn mạnh, phong phú hơn. 

Những người ở quê hương tù đầy hiểu rất rõ, rằng đó là công khó của bằng hữu hải ngoại. 

Bản thân chúng tôi và gia đình ngay từ những năm địa ngụ ở quê hương, đã nhận biết bao nhiêu ơn nghĩa, từ bằng hữu hải ngoại và bằng hữu thế giới. 

Cháu trai Lê Phương Đông của chúng tôi năm 1986, vượt biên lần thứ 10, đến được biên giới Thái bằng đường bộ. Bạn hữu tận lực. Ba tháng sau, Marianne Eyre, tổng thư ký PEN Thụy Điển đích thân dẫn cháu đi coi Stockholm. 

Ông bà Thomas Von Vegesack, chủ tịch văn bút, trưởng ban điều hành Uỷ Ban Quốc Tế các nhà văn bị cầm tù, đón cháu về nhà, cùng viết với cháu một bưu ảnh gửi về Việt nam cho bố trong nhà tù. 

Nhờ thư can thiệp đích danh của thủ tưởng Ingvar Carlson, đúng một năm sau khi rời khỏi nhà tù, chúng tôi và gia đình tới được Thụy Điển ngày 9 tháng 9, 1988. 

Tại điện Rosenbad ở Stockholm, các cháu nhỏ cám ơn Thủ tướng Ingvar Carlson. Ông ôm chúng, nói một cách giản dị: “Các cháu không cần cám ơn. Bố mẹ các cháu là những nhà văn. Họ xứng đáng được vậy. Còn nhiều người xứng đáng khác nữa. Việc đã làm được cho họ còn ít. Sắp tới, phải làm nhiều hơn.” 

Thủ tướng Thụy Điển đã nói vậy về những người văn nghệ sĩ bị cầm tù ở Việt Nam. Sự nhìnlại, không hề có ý coi nhẹ công sức cũ. Chỉ là để khẳng định thêm quyết tâm hướng về tương lai. 

Những nhà văn, nhà báo đang còn trong nhà tù nhỏ, nhà tù lớn ở quê hương, hẳn cũng đang chờ đợi một khẳng định tương tự từ chúng ta, các đồng nghiệp ở hải ngoại của họ. 

Tín hiệu từ thế giới tốt đẹp mà vì nó họ đã không quỳ gối, một lời thăm, một gói quà, một sự can thiệp, hẳng nhiên sẽ gia tăng lòng tin và hy vọng. Đó là việc cấp bách cần thiết. Nhưng chưa đủ. 

Một bà cảnh sát ở một thành phố nhỏ Thụy Điển, giúp lập hồ sơ di trú, sau khi nghe những câu trả lời đơn giản nhất về nghề nghiệp, lý do, thời gian bị tù đầy của chúng tôi, đặt bút xuống, nói: “Những sự việc ông kể, làm tôi xấu hổ quá. Làm sao chúng tôi có thể sống thư thái, sung sướng thế này, trong khi đồng loại phải chịu những điều khủng khiếp ấy. Tôi có thể tìm hiểu thêm những sự việc ông kể bằng sách báo nào không?” 

Không. Không có sách báo nào bằng tiếng Thụy Điển, ngay cả bằng tiếng Anh, để có thể giới thiệu cho bà ta. Thì ra sức mạnh, khổ đau của chúng ta, tuy có bừng sáng, lay động được những đỉnh cao. Nhưng sâu rộng thì chưa.

Với ngày 3 tháng tư, 1976, chỉ bằng một cái búng tay của bạo lực cộng sản cầm tù được cả trăm văn nghệ sĩ Việt Nam. Nhưng bài họ nhận được từ thế giới văn minh về cái búng tay dễ dàng này, họ học 14 năm chưa thông. Họ sẽ còn phải tiếp tục học nữa. 

Đạo lý chung của nhân loại sẽ kiên trì, không chỉ ôn tập cho họ, mà còn để cảnh giác những kẻ đui mù khác, còn muốn bắt chước họ. 

Văn nghệ sĩ Việt Nam, cũng như dân tộc của họ, không có gì lớn hơn, để dâng hiến nhân loại, ngoài những kinh nghiệm đau thương của chính mình. Kinh nghiệm ấy, suốt 14 năm qua, đã không ngừng được thế giới tiếp nhận như một sức mạnh thức tỉnh, để nhận ra mặt thật của bao điều gian trá. 

Trong ý hướng ấy, ngày 3 tháng 4, thật xứng đáng để trở thành “ngày quốc tế các nhà văn, nhà báo bị cầm tù.” Chúng tôi ước mong mỗi chúng ta, bằng cách riêng, cách chung, hãy thúc đẩy việc ấy. 

Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hoạt, Trần Việt Sơn, Dương Hùng Cường, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh… những người đã chết vì tù đày. Họ xứng đáng được tưởng niệm hàng năm. 

Những việc làm tốt đẹp của cộng đồng Việt Nam hải ngoại bao năm nay hướng về những văn nghệ sĩ đang bị đầy đọa trong nhà tù nhỏ, nhà tù lớn ở quê hương, cần được phát huy. 

Những bài học từ kinh nghiệm ngày 3 tháng 4 cần được sưu tập, rao giảng sâu rộng hơn. Trong ý tưởng ấy, ngày 3 tháng 4, ngày đầu tiên những người văn nghệ Việt mang sinh mạng mình đương đầu với nhà tù Cộng sản, xứng đáng trở thành “ngày văn nghệ sĩ Việt Nam” hàng năm.

Quanh những “ngày văn nghệ sĩ Việt Nam” này, hàng năm sẽ có biết bao việc phải làm, phải viết, phải nói, phải phiên dịch, phải hội họp, triển lãm. 

Với những thôi thúc, ray rứt, mang đi từ quê nhà, với lòng cảm kích sâu xa về những ơn nghĩa mà bạn hữu hải ngoại và thế giới dành cho, chúng tôi xin gửi tới bè bạn cũ mới những gợi ý trên đây, về sự thành hình của “ngày văn nghệ sĩ Việt Nam,” trong sinh hoạt cộng đồng; và ngày “quốc tế nhà văn nhà báo bị cầm tù,” trong sinh hoạt văn bút và báo chí thế giới. 

(Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút, đăng trong Thế Kỷ 21, số 6, phát hành tháng 10, 1989)

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List