From: Nguyễn Chính Kết <
Date: 2014-04-15 16:32 GMT-07:00
Subject: "Phải chăng tình trạng chia rẽ trong cộng đồng đều do cộng sản gây nên?" (Nguyễn Chính Kết)
Date: 2014-04-15 16:32 GMT-07:00
Subject: "Phải chăng tình trạng chia rẽ trong cộng đồng đều do cộng sản gây nên?" (Nguyễn Chính Kết)
Kính gửi các bài:
Phải chăng tình trạng chia rẽ trong cộng đồng đều do cộng sản gây
nên?
Nguyễn Chính Kết
(bài này viết theo tinh thần những phát biểu
của Lm Antôn Lê Ngọc Thanh trong video clip:
https://www.youtube.com/watch?v=AlvcRZayaSI)
của Lm Antôn Lê Ngọc Thanh trong video clip:
https://www.youtube.com/watch?v=AlvcRZayaSI)
Ma quỉ, trong một số tôn giáo, được coi là những tên cám dỗ,
chuyên tìm cách thúc đẩy, quyến dụ con người làm điều xấu. Nổi tiếng về
việc này, đó là chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ. Sau khi ăn chay 40 đêm ngày, Ngài
cảm thấy đói. Ma quỉ bèn đến cám dỗ Ngài, nó xui giục Ngài dùng quyền phép biến
đá thành bánh mà ăn, rồi cám dỗ Ngài biểu diễn “thần thông” để chứng tỏ Ngài là
Con Thiên Chúa, đồng thời thử thách Ngài về lòng ham muốn quyền lực, nhưng nó
hoàn toàn thất bại (xem Luca 4:1-13).
Nhiều tín
hữu tôn giáo xác tín rằng ma quỷ là một thế lực vô hình thường xui khiến con
người làm điều xấu ác. Người viết bài này cũng tin như thế. Tuy nhiên, nếu mọi
tội ác của con người đều quy trách nhiệm hết cho ma quỉ, làm như không có ma
quỷ thì con người không hề phạm tội, thì quả thực là quá sai lầm và có hại. Nếu
thế, người phạm tội sẽ được coi là vô tội vì trách nhiệm chủ yếu là do ma quỷ
gánh chịu hết.
Con người chẳng cần phải tự xét mình để sửa lỗi. Do đó, tình
trạng phạm tội sẽ chẳng bao giờ được cải thiện. Vì chỉ khi nào con người tự
nhìn nhận lỗi về phía mình thì họ mới cố gắng sửa chữa và sự việc mới trở nên
tốt đẹp. Chính “Kinh Cáo Mình” trong Kitô giáo cũng giúp các tín hữu tự nhận
lỗi về mình qua câu: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Điều này rất phù hợp với câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (Hãy trách
mình trước đã, rồi mới trách người sau).
Thật ra,
có biết bao người trong rất nhiều trường hợp bị cám dỗ mà đâu có phạm tội. Nếu
ai cũng bị cám dỗ, nhưng có người phạm tội, có người không, thì rõ ràng chuyện
sa chước cám dỗ không chỉ tùy thuộc vào ma quỷ, mà còn tùy thuộc vào con người.
Nếu con người không có những khuynh hướng xấu trong bản thân, như tham lam, đố
kỵ, ghen tương, ham danh, ham lợi, ích kỷ, v.v… thì ma quỷ có cám dỗ thường
xuyên và mạnh đến đâu, con người cũng khó mà sa ngã.
Cũng vậy,
tình trạng chia rẽ trong các cộng đồng người Việt hải ngoại, nhiều người cho
rằng chủ yếu là do kế ly gián của cộng sản, do nghị quyết 36, do bọn nằm vùng
được cài cắm trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ… Quan niệm như thế thì hóa ra
ngoại trừ bọn cộng sản được cài cắm, chẳng ai trong cộng đồng phải chịu trách
nhiệm về tình trạng chia rẽ nội bộ của cộng đồng, vì thế chẳng cần ai phải quan
tâm sửa lỗi cả.
Quan niệm như thế ắt nhiên sẽ đi đến chủ trương: muốn chấm dứt
chia rẽ trong cộng đồng để cộng đồng mạnh lên thì phải diệt trừ những tên cộng
sản nằm vùng trong cộng đồng, chứ không ai phải xét lại xem bản thân mình có
gây nên chia rẽ không. Và như thế thì hẳn nhiên ngoài những tên cộng sản đích
thực, sẽ có nhiều người bị nghi ngờ và bị tố cáo oan ức là cộng sản.
Thật vậy, kinh nghiệm cho ta thấy, trong cộng đồng, ngoài số ít
bọn nằm vùng tìm cách đánh phá cộng đồng (chắc chắn là có), không thiếu gì
những người hàm hồ sẵn sàng chụp mũ cộng sản cho người khác mà không cần đủ
bằng chứng, nhất là khi họ bị cảm tính (tức tham, sân, si cùng hỷ, nộ, ái, ố,
dục) chi phối.
Họ giống như người mới thấy một đôi nam nữ rủ nhau uống càphê
hay khiêu vũ với nhau đã vội kết luận như đinh đóng cột rằng đôi nam nữ ấy có
tình ý với nhau. Nói theo kiểu toán học thì mới thấy hai tam giác có một hay hai
cạnh bằng nhau đã kết luận chúng bằng nhau rồi. Và trong cộng đồng cũng không
thiếu gì những người dễ tin, sẵn sàng tin những gì mình đọc thấy trên báo, trên
net, nhất là khi chúng hợp với quan niệm hay thành kiến của mình mà không cần
lý luận xem điều đó có lý, có đáng tin không.
Do đó, có rất nhiều người bị nghi
ngờ hay kết án là cộng sản một cách oan ức, cụ thể như trường hợp của Nhà thơ
Nguyễn Chí Thiện. Có những trường hợp hai người hay hai nhóm nghi ngờ hay tố
cáo lẫn nhau là cộng sản, mặc dù cả hai bên đều là những người chống cộng quyết
liệt. Rất nhiều trường hợp chỉ cần một chút suy nghĩ, một chút lý luận là thấy
ngay những điều xác quyết ấy không có chút cơ sở nào.
Hậu quả là mọi người trong cộng đồng trở nên hoang mang, không thể
tin tưởng nhau, không dám liên kết với nhau để trở thành sức mạnh, chỉ vì sợ mắc
bẫy cộng sản. Thậm chí còn thù oán và đánh phá lẫn nhau khiến cộng đồng trở nên
suy yếu hoặc tan nát.
Như vậy, thái độ đổ lỗi hết cho cộng sản về mọi tình trạng chia rẽ
trong cộng đồng chỉ làm cho cộng đồng ngày càng chia rẽ, cho dù cộng sản chưa
cần tác động gì cả hoặc mới chỉ ra tay chút ít.
Chúng ta thử nhìn vào trong nước, nơi mà cộng sản có đầy đủ mọi
điều kiện thuận lợi, nào là nhân lực, quyền lực, tài lực, v.v... để thực hiện
kế ly gián đối với các nhà đấu tranh dân chủ. Nhân lực của chúng đông gấp rất
nhiều lần số người tham gia đấu tranh. Hơn nữa, tại Việt Nam, người dân nói
chung tương đối nghèo với mức sinh hoạt khá thấp, nên với số tiền tham nhũng và
cướp đoạt được của dân chúng, cộng sản quá dư tiền bạc để có thể mua chuộc
người dân vốn nghèo và cần tiền làm tay sai cho chúng, kể cả những người trong
hàng ngũ đấu tranh dân chủ. Với những điều kiện khách quan rất thuận lợi để
thực hiện kế ly gián đối với lực lượng dân chủ trong nước, thế mà chúng không
thành công.
Thật vậy, trong khi tại hải ngoại, có vô số trường hợp người này
công kích hay chụp mũ người khác là cộng sản, thì ở trong nước, chúng ta chỉ có
thể kể ra được một vài trường hợp các nhà đấu tranh dân chủ nghi ngờ và công kích
lẫn nhau mà thôi. Nói chung, các nhà đấu tranh dân chủ trong nước vẫn đoàn kết,
tin tưởng lẫn nhau nên đã kết hợp với nhau thành nhiều tổ chức dân sự có độ bền
chặt, bất chấp cộng sản chủ trương tiêu diệt bằng mọi cách. Nếu có tổ chức nào
bị tan rã thì hoàn toàn không phải do khả năng ly gián của cộng sản, mà do cộng
sản chủ trương “đánh rắn phải đánh vào đầu” nên bắt bớ, bỏ tù những
người lãnh đạo và những người hoạt động tích cực trong những tổ chức ấy.
Còn tại hải ngoại, chắc chắn số cán bộ cộng sản nằm vùng ít hơn
cán bộ cộng sản trong nước hàng ngàn lần. Thế nhưng dư luận trên các diễn đàn
của người Việt ở hải ngoại khiến người ta dễ hiểu rằng cộng sản nằm vùng đầy
dẫy ở hải ngoại, và nghị quyết 36 của chúng đang tác động hữu hiệu và thành
công. Thật ra tỷ lệ giữa cán bộ cộng sản và số người đấu tranh chống cộng hoàn
toàn ngược lại với tỷ lệ ấy ở trong nước.
Nếu có tên cộng sản nằm vùng nào bị
vạch mặt chỉ tên, lập tức hắn bị cô lập ngay, thậm chí cả những người bị chụp
mũ oan là cộng sản cũng bị cô lập. Chắc chắn số cộng sản nằm vùng tại hải ngoại
rất ít, không thể nhiều được, vì nếu nhiều thì cộng sản lấy tiền đâu mà trả
lương cho bọn chúng khi mà mức sinh hoạt tại hải ngoại rất cao, đòi hỏi phải
trả lương cao gấp bội so với mức lương trong nước. Vả lại, nếu là cán bộ cộng
sản, chắc chắn chúng không bao giờ chấp nhận sống thanh bạch để hy sinh cho lý
tưởng cộng sản vốn không còn mấy ai bị ảo tưởng là cao đẹp. Lý tưởng ấy hoàn
toàn không còn khả năng thúc đẩy chúng hy sinh như thời trước 1975 nữa. Chắc
chắn là như thế!
Người viết bài này không thể tin rằng CSVN lại có đủ tài năng để
đào tạo hay mua chuộc được quá nhiều người làm việc cho chúng tại hải ngoại. Lại
càng không có khả năng quyến rũ hay chiêu hồi được những người chống cộng tại
hải ngoại về với chúng, làm tay sai cho chúng.
Trái lại, tôi còn nghĩ rằng
những người đã từng làm việc cho chúng ngày càng ít đi khi họ được sống trong
một thể chế dân chủ với đầy đủ thông tin để thấy rằng chế độ cộng sản là một
chế độ vô cùng tàn bạo, phản dân hại nước, hèn với giặc ác với dân, nhất là khi
cộng đồng Người Việt hải ngoại luôn luôn vạch rõ tội ác của chúng. Cộng sản chỉ
có thể giữ lại được những người đang bị chúng nắm tẩy hoặc “cấy sinh tử phù”,
hoặc một số rất ít người đang hưởng ơn mưa móc của chúng.
Những tên này được đào tạo có bài bản để lường gạt chúng ta, bằng
cách dùng kế “củi đậu nấu đậu”, “nồi da sáo thịt”, “gậy ông
đập lưng ông”, mượn tay chúng ta đánh phá chúng ta, dùng chính chúng ta
chụp mũ chúng ta. Tuy rất ngu xuẩn trong điều thiện, nhưng chúng vô cùng khôn
lanh trong việc lợi dụng tính “tham, sân, si” (tham lam, giận dữ, ngu
xuẩn), và “hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục” (mừng, giận, thương, ghét, buồn,
sợ, tham vọng) vốn có trong bản tính con người để biến những người thường chống
cộng theo cảm tính thành công cụ cho kế ly gián của chúng. Trở thành công cụ ly
gián của chúng mà không biết, những người này vẫn cứ tưởng mình là những người
chống cộng hết sức quyết liệt.
Những cộng đồng người Việt tại hải ngoại bị chia rẽ có thể phần
nào vì đã quá “thần thánh hóa” bọn cộng sản nằm vùng, bị nghị quyết 36 hù dọa,
trong khi chúng thật sự không có “thần thông biến hóa” hay “ba đầu sáu tay” như
chúng ta nghĩ lầm. Từ đó, chúng ta tưởng tượng rằng số người thân cộng hay hoạt
động cho cộng sản đầy dẫy ở hải ngoại, khiến chúng ta nghi ngờ lẫn nhau và dễ
kết án lẫn nhau.
Có thể chính cộng sản cố tình tạo ra sự lầm tưởng này nơi
chúng ta khi chúng có quá ít người tại hải ngoại. Trong những trận tuyến trước
đây, khi ra trận với số quân quá ít, chúng thường dùng kế nghi binh để làm cho
đối phương tưởng chúng rất đông bằng cách bắn ở chỗ này một vài phát, rồi chạy
sang nhiều chỗ khác mỗi chỗ bắn vài phát.
Chúng ta cần tỉnh táo nhận định, đừng để mắc bẫy chúng. Khi có ai
vốn nằm trong hàng ngũ chúng ta bị một ai đó kết án là cộng sản, hay là đảng
viên một đảng nào đó không được quần chúng tin tưởng, chúng ta cần bình tĩnh
suy xét. Đừng quá dễ tin.
Hãy suy nghĩ rằng chế độ cộng sản trên thế giới đang trên đường
suy vong trước làn sóng dân chủ hóa toàn cầu. Chế độ cộng sản trong nước đang
run sợ trước sự căm phẫn ngày càng gia tăng của dân chúng. Viễn cảnh bị lật đổ
bởi những cuộc cách mạng như ở Đông Âu, hoặc như ở Tunisia, Ai Cập, Lybia… đang
làm chúng bấn loạn.
Người Việt có đầu óc tại hải ngoại, nhất là những người có
địa vị tương đối vững chắc và cuộc sống tương đối bảo đảm không ngu gì lại đi
“phù suy” chứ không “phù thịnh”. Điều đó lại càng đúng đối với những người đã
từng có thành tích chống cộng vững mạnh trong quá khứ.
Theo Linh mục Lê Ngọc Thanh phát biểu trong một video clip nọ thì nguyên
nhân của sự chia rẽ trong các cộng đồng người Việt hải ngoại do kế ly gián của
cộng sản thì rất ít, mà chủ yếu là do tâm lý đố kỵ của người Việt: “Trâu cột
ghét trâu ăn”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, “hai ca sĩ có bao giờ
ưa nhau?” Tương tự như trường hợp Chúa Giêsu bị các tư tế và người Pharisêu
nộp Ngài cho quan tổng trấn Philatô để nhờ tay ông giết Ngài, nhưng “ông
thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Ngài” (Matthêu 27,18).
Nhiều người cho rằng tính phe phái của người Việt rất nặng, nó
chính là nguyên nhân gây chia rẽ nội bộ. Một số người khác cho rằng việc đặt quá
nặng “cái tôi” cá nhân hay “cái tôi” tập thể, coi quyền lợi cá nhân hay tập thể
mình lớn hơn quyền lợi tổ quốc góp phần rất lớn vào tình trạng chia rẽ trong
các cộng đồng. Có người cho rằng thủ phạm của tình trạng chia rẽ chính là tính
độc tài độc đoán, luôn luôn cho mình là duy nhất đúng nên muốn ép buộc tất cả
mọi người phải quan niệm như mình, chủ trương và hành động như mình, ai khác với
mình là sai, là phá hoại, là cộng sản.
Thiết tưởng nếu chúng ta thật sự yêu nước, yêu dân chủ, thì chúng
ta phải thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân chủ ấy bằng những hành động cụ
thể.
Trong Kinh thánh có câu: “Nếu ai nói: “Tôi yêu
mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không
yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà
họ không trông thấy” (xem 1Gioan 4,20).
Tương tự như vậy: Nếu ai nói: “Tôi yêu đất nước tôi”, mà
lại sẵn sàng mạt sát, chụp mũ, chỉ trích cách bất công những người cùng tổ
quốc, cùng chống cộng, cùng đấu tranh cho tự do dân chủ với mình chỉ vì họ khác
đường lối chống cộng với mình, người ấy là kẻ nói dối.
Ai nói “tôi quyết đấu
tranh cho tự do dân chủ nhân quyền” mà chính họ lại không thể hiện tinh
thần dân chủ, không tôn trọng nhân quyền người khác, đấy là kẻ nói dối. Người
cùng chiến tuyến với mình, sống cụ thể bên cạnh mình, cùng chống cộng sản với
mình mà mình không thể hiện tình yêu thương được, thì làm sao mình yêu được quê
hương đất nước, vốn là một thực thể khá trừu tượng?”
Còn tình trạng chia rẽ trong cộng đồng, chúng ta cần tự xét xem
nguyên nhân từ đâu? Do cộng sản nhiều hơn hay do chính chúng ta nhiều hơn? Nếu
chúng ta không đố kỵ nhau, không bực bội lẫn nhau, không đặt nặng tính phe
phái, không tự ái dởm, không quá coi trọng “cái tôi”, thì cộng sản có thể ly
gián chúng ta được không?
Nguyễn Chính Kết
Nghĩ gì về những ý kiến đa dạng liên quan đến
việc xuất ngoại của Luật gia Cù Huy Hà Vũ?
việc xuất ngoại của Luật gia Cù Huy Hà Vũ?
Nguyễn Chính Kết
Đa dạng và khác biệt là quy luật muôn đời của vũ trụ vạn vật. Muôn
sự thì muôn vẻ, không sự nào vật nào hoàn toàn giống nhau. Con người thì
"bá nhân bá tánh", “chín người mười ý”, chẳng ai giống ai.
Chính vì thế, những quyết định của con người, dù hoàn cảnh có hoàn
toàn như nhau, thì mỗi người quyết định mỗi khác, chẳng mấy ai giống ai. Mà
hoàn cảnh thì có hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào đâu? Nhiều khi bề ngoài có
vẻ giống nhau, nhưng thực tế có khi khác nhau một trời một vực. Khi quyết định,
ai cũng có lý do mà họ tự đánh giá là chính đáng cho quyết định của mình.
Quy luật đa dạng của vũ trụ cũng áp dụng cho tình trạng trong tù
và quyết định của mỗi người trong tù, đừng bao giờ nghĩ họ quyết định giống
nhau hay đòi buộc họ giống nhau. Có người như linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà thơ
Nguyễn Hữu Cầu, Luật sư Nguyễn Văn Đài… thà chết rũ tù vì bệnh chứ không chấp
nhận được phóng thích mà bị trục xuất ra hải ngoại.
Có người như Luật sư Cù Huy
Hà Vũ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy mặc dù không muốn
ra hải ngoại, nhưng vẫn có thể bất đắc dĩ chấp nhận điều kiện đó để thoát cảnh
tù đày. Sự khác biệt trong quyết định là tùy cách suy nghĩ, cách nhìn vấn đề,
và tùy tâm tính, hoàn cảnh vốn rất khác biệt nhau của mỗi người. Nói theo toán
học, với những biến số khác nhau thì hàm số khác nhau là chuyện hết sức bình thường.
Quyết định như thế nào hoàn toàn là quyền tự do của mỗi người, ta nên tôn
trọng, miễn đó không phải là điều xấu và nhất là khi đương sự được lương tâm
của mình cho phép.
Những người quyết định thà chết trong tù để có thể ở lại trong nước
đấu tranh bất chấp những đau khổ hay nhục hình có thể xảy đến với mình, chứ
không chịu xuất ngoại để được tự do, thật vô cùng đáng phục! Những người can
đảm một cách đáng nể phục như họ rất hiếm và thật đáng quý.
Nhưng chắc chắn
không phải nhà đấu tranh hay yêu nước nào cũng đều can đảm được như họ, hoặc
đều có cách tính toán suy nghĩ giống họ (luật đa dạng mà!) Việc họ dám lên
tiếng đấu tranh trong chế độ cộng sản đã là điều đáng phục vốn không mấy người
làm được. Nếu họ không thể chịu đựng nổi những cực hình trong tù, mà chấp nhận
ra hải ngoại để thoát khỏi cảnh ấy, điều đó tuy không đáng phục bằng những
người thà chết trong tù chứ không chấp nhận ra hải ngoại, nhưng những gì họ đã
từng can đảm làm cho quê hương đất nước rất đáng cho chúng ta ngưỡng phục.
Chúng ta không nên lấy tiêu chuẩn tốt nhất vốn rất hiếm người làm được để áp
đặt lên mọi nhà đấu tranh, buộc phải làm được trong khi chính chúng ta chưa hề
làm nổi một phần nhỏ của họ.
Họ quyết định thế nào là quyền tự do của họ. Nếu chúng ta thật sự
là những người đấu tranh cho quyền con người, cho tự do dân chủ, chúng ta phải
tôn trọng quyền đó của họ. Voltaire nói: “Tôi có thể không đồng ý những điều
anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó”
(Je désapprouve ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que
vous ayez le droit de le dire).
Trong tinh thần ấy, ai không tôn trọng
những quyết định của người khác khi những quyết định này không hề phương hại
đến quyền lợi chính đáng của người khác, kẻ ấy hẳn nhiên không phải là kẻ tôn
trọng nhân quyền, lại càng không phải là người thật sự đấu tranh cho nhân
quyền.
Tù ngục là nơi mà các tù nhân phải chịu biết bao đau khổ, thậm chí
có thể chết như thầy giáo Đinh Đăng Định mới đây. Tù của các nước tôn trọng
nhân quyền mà còn khổ, huống hồ tù của một nước độc tài, vô luân, chà đạp nhân
quyền như CSVN. Ai cũng biết câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một
ngày trong tù dài lê thê tựa như ngàn ngày ở ngoài). Việc mong muốn hay nhu cầu
ra khỏi tù rất lớn.
Những người chưa từng ở tù cộng sản thiết tưởng khó
mà hiểu được những khó chịu, đau đớn, khổ cực và ước mong được tự do của những
tù nhân trong chế độ cộng sản.
Đừng nói tới những trường hợp tù ngục, ngay cả những người ở ngoài
tù trong chế độ cộng sản cũng muốn thoát khỏi chế độ tàn bạo khủng khiếp này.
Bằng chứng là có hàng triệu người đã vượt biên tìm tự do, bất kể sống chết, bất
kể bị chết đói chết khát, bất kể bị làm mồi cho cá mập, bất kể bị cướp bóc, bị
hiếp dâm, bất kể bị thất bại và bị công an cộng sản bắt vào tù. Trong dân gian
hậu 1975 có câu: “Cái cột đèn nếu biết đi cũng sẵn sàng bỏ nước ra đi..”
Trời sinh ra sức chịu đựng và ý chí của mỗi người khác nhau.
Chúng
ta đừng đánh đồng mọi người như nhau. Khi chưa chịu cực thì ai cũng tưởng khả
năng chịu cực của mình rất lớn, sẵn sàng thề sống chết rằng vì đất nước, cực
tới đâu mình cũng chịu. Nhưng khi thực tế phải đối diện với cực khổ, ta mới
biết sức chịu đựng của ta giới hạn thế nào. “Lực bất tòng tâm” là điều ai cũng
kinh nghiệm được. Vì thế, ta nên thông cảm thay vì chê trách những người yêu
nước vì không chịu đựng được đau đớn, khổ cực mà tìm cách giảm nhẹ đau khổ cách
phù hợp với lương tâm mình. Thiết tưởng khi chê trách ai, ta nên tự nhìn lại
mình trước đã.
Để biểu lộ lòng yêu nước hay đấu tranh cứu nước, có nhiều lựa chọn
khác nhau, không nhất thiết chỉ một cách duy nhất. Khi Miền Nam Việt Nam thất
thủ năm 1975, để biểu lộ lòng yêu nước và phản đối chế độ cộng sản, có người tự
sát như các tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng... Có người vượt
biên ra hải ngoại để có thể đem vũ khí trở về nước chiến đấu như tướng Hoàng Cơ
Minh, sinh viên Trần Văn Bá, Đại tá Võ Đại Tôn… Có những người ở lại trong nước
để chiến đấu như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Lm Nguyễn Văn Lý, người tù thế kỷ
Nguyễn Hữu Cầu…
Có biết bao người sau khi vượt biên đến bến bờ tự do đã đấu
tranh cho tự do dân chủ bằng cách yểm trợ hữu hiệu cho cuộc đấu tranh tại quốc
nội về tài chánh qua việc tiếp tế cho các nhà đấu tranh trong nước, về chính
trị qua hoạt động quốc tế vận, về thông tin qua các đài phát thanh, truyền
hình, Internet, paltalk, v.v... biến hải ngoại trở thành một hậu phương vững
chắc cho quốc nội.
Tất cả những cách biểu lộ lòng yêu nước hay hình thức đấu
tranh khác nhau đó, dù ở lại trong nước hay ra hải ngoại, đều đáng trân quý,
đều không những ích lợi mà còn rất cần thiết, không thể thiếu. Thật vậy, nếu tất
cả đều ở lại trong nước thì sẽ không có lực lượng yểm trợ tại hải ngoại như
hiện nay. Đó là sự phân công tự nhiên và đa dạng của cuộc đấu tranh.
Trong lịch sử, thời thực dân Pháp cai trị −chắc chắn không hà khắc
và tàn bạo như CSVN hiện nay− nhiều nhà yêu nước và đấu tranh nổi tiếng như
Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, và rất nhiều người khác, đã từng bỏ nước ra đi
mặc dù chẳng phải trong tình trạng tù tội. Tại hải ngoại, các vị ấy đã làm được
nhiều việc khiến tổ quốc phải tri ân. Tùy hoàn cảnh và khả năng mỗi người, có
người ở lại trong nước sẽ có lợi cho đại cuộc hơn, có người ra hải ngoại có lợi
hơn. Không phải ai cũng giống ai.
Việc đấu tranh cũng như làm chính trị thì “thiên biến vạn hóa”,
người càng nhiều mưu lược thì khả năng “tùy cơ ứng biến” càng cao và sự biến
hóa càng khó có thể tiên đoán hay tưởng tượng được. Đấu tranh hay làm chính trị
mà chỉ nghĩ được một chiến lược, một chiến thuật duy nhất để đối phó trong tất
cả mọi hoàn cảnh, bất chấp hoàn cảnh thay đổi khác nhau, thì hoàn toàn đi ngược
lại với nguyên tắc “tùy cơ ứng biến” của binh pháp mà các nhà đấu tranh cần
phải hiểu rõ và áp dụng. Người đấu tranh hay làm chính trị có thể chủ trương ở
trong nước, mà cũng có thể chủ trương ra hải ngoại. Tùy tình thế! Không nhất
thiết chỉ có một đường!
Trước sự việc Luật gia Cù Huy Hà Vũ ra hải ngoại, biết bao nhiêu
người lên tiếng phát biểu ý kiến trên các diễn đàn Internet, người đồng ý thì
chúc mừng, cho đấy là một quyết định khôn ngoan; người không đồng ý thì phản
đối, cho đấy là đầu hàng, là hèn nhát; có những người đứng trung lập… Đồng ý
hay phản đối cũng có nhiều mức độ khác nhau.
Dù đồng ý hay bất đồng, dù ủng hộ
hay phản đối, ai cũng đều có lý do mà một cách chủ quan mình luôn cho là hợp
lý, là đúng. Nếu không cho điều mình nghĩ là đúng thì đâu còn là lập trường
nữa. Thiết tưởng mọi người đều có quyền phát biểu ý nghĩ của mình, và các nhà
đấu tranh cho nhân quyền và tự do dân chủ không những cần tôn trọng mà còn phải
đấu tranh bảo vệ quyền ấy.
Ý kiến khác biệt đủ kiểu ấy cho thấy sự thể hiện luật đa dạng của
vũ trụ vạn vật trong xã hội con người. Người viết bài này cảm thấy rất thích
thú về luật này, đồng thời tạ ơn Trời vì đã tạo nên luật đa dạng ấy. Nếu không
có luật đa dạng ấy thì mọi vật trong vũ trụ đều đồng dạng, đều giống nhau, lúc
ấy vũ trụ này chắc là buồn chán lắm. Ngay trong chuyện ăn uống, nếu thức ăn mà
không có nhiều thứ khác nhau để thay đổi, cứ ăn hoài một món dù là món mình
thích nhất chắc là… chán lắm, nuốt không trôi!
Nếu mọi tế bào trong thân thể
tôi đều giống nhau thì tôi chỉ là một cục thịt, hay một cục xương thuần nhất.
Nhưng điều buồn cười là có rất nhiều người lại không muốn hay
không chấp nhận tính đa dạng của tự nhiên. Con người muốn tất cả mọi người đều
phải quan niệm giống mình, hoạt động giống mình, ai giống mình thì đúng, ai
khác mình thì sai. Ai khác mình thì phải tìm cách bắt họ giống mình. Họ không
chịu giống mình thì chửi rủa, mạt sát họ, hạ họ xuống bùn đen.
Mọi chế
độ độc tài trên thế giới đều phát sinh từ tâm thức này. Một đất nước mà đa số
người dân đều có tâm thức này thì hẳn nhiên chế độ mà họ sản sinh ra phải là
một chế độ độc tài. Người Mỹ có câu: “Such people, such government” (dân nào chính
phủ nấy). Thật vậy, người dân mà có tâm thức độc tài thì làm sao sinh xuất được
một chế độ dân chủ?
Nhiều
người phê bình chỉ trích người khác mà không hề nhìn lại mình thế nào, mình là
ai. Chính mình cũng trốn chạy cộng sản và chưa bao giờ có được một hành động
nào anh hùng như Cù Huy Hà Vũ, thậm chí kém xa ông ấy một trời một vực, lại lên
tiếng chỉ trích việc ông bất đắc dĩ phải ra hải ngoại, lại còn dạy ông phải can
đảm thế này thế khác! Ôi, ngao ngán thay cảnh “thờn bơn méo miệng chê trai lệch
mồm” hay cảnh “dạy đĩ vén váy!” (xin lỗi độc giả, do không tìm được một hình
ảnh nào khác ngoài thành ngữ bình dân này để minh họa, dù không xứng hợp).
Thiết
tưởng chúng ta đừng vội phán đoán một con người đã từng có những hành động anh hùng
đáng phục mà rất hiếm người làm được như Luật gia Cù Huy Hà Vũ. Chúng ta hãy
chờ xem khi ra hải ngoại, ông làm gì, ông nói gì, ông làm lợi gì cho cuộc đấu
tranh dân chủ trong nước. Nếu thấy ông có ý chí tiếp tục đấu tranh thì chúng ta
phải ủng hộ ông, phải tiếp tay giúp phương tiện để ông đấu tranh, không cách
này thì cách khác.
Giả như
(chỉ “giả như” thôi!), giả như ông im tiếng luôn thì ta cũng nên tự hỏi: người
Việt hải ngoại − trong đó có ta − có quan tâm tạo điều kiện cho ông đấu tranh
không? Ngay như những nhà đấu tranh trong nước nếu không có sự yểm trợ của
người Việt hải ngoại, những người yêu nước làm sao đấu tranh lâu dài được khi
bị công an bao vây kinh tế, sách nhiễu đủ điều đó? Làm sao họ yên tâm đấu tranh
lâu dài được khi bụng họ đói, gia đình họ nheo nhóc?
Cũng vậy, người mới từ trong nước ra hải ngoại nếu cứ phải vật lộn
với cuộc sống suốt ngày suốt tháng suốt năm, nếu cuộc sống của họ chưa ổn định
được, làm sao họ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ được?
Người chỉ biết trách
người mà không hề xét xem mình có đáng trách không thì còn đáng trách hơn người
bị mình trách nữa.
Người ta đấu tranh là do lòng yêu nước và sự tự nguyện của người
ta. Họ đấu tranh không phải vì ta khuyến khích họ, lại càng không phải vì ta
trả lương cho họ... Giả như họ ngừng đấu tranh thì đó là quyền của họ, ta không
có quyền trách móc phê phán họ, nhất là khi ta chưa từng đấu tranh anh dũng như
họ.
Chỉ cần dám can đảm lên tiếng đấu tranh bất chấp tù tội như Lê Chí Quang,
Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Phong, v.v... dù bây giờ họ đã im tiếng hay không còn
đấu tranh mạnh mẽ như trước, miễn là không làm gì phản lại lý tưởng của họ, thì
họ vẫn là những người đáng phục, nhiều lần đáng phục hơn những người chưa bao
giờ làm được như họ.
Khi phê
bình chỉ trích ai, nhất là những người cùng chiến tuyến với mình, xin hãy tự
hỏi: lời chỉ trích này có lợi cho ai? cho độc tài cộng sản hay cho tự do dân
chủ? Coi chừng kẻo chúng ta đang lạm dụng quyền tự do dân chủ của các nước tự
do để vi phạm nhân quyền hay quyền tự do của người khác.
Nguyễn
Chính Kết
_______________________
_______
Xin tham
khảo thêm:
1) Đừng
vội xét đoán – Chuyện nồi cơm của Khổng Tử:
2) Đừng xét đoán:
3) Đừng
vội vàng kết luận:
TuyênTruyền Xám
Submitted by Webmaster on Mon, 12/12/2011 - 16:06
Tác giả: Huỳnh Quốc Bình
Lời mở đầu của tác giả: Bọn VC và Việt gian không
bao giờ buông tha bất cứ ai công khai chống ai sự gian ác và dối trá của chúng.
Cho nên người Quốc Gia chân chính sẽ không làm thinh trước điều quấy và cũng
không mất thì giờ đôi co với những nên viết bài theo kiểu chửi rủa những người
chống cộng hoặc người tử tế bằng những ngôn từ hết sức tàn độc và hạ cấp… Nhưng
chúng ta dứt khoát phải làm nhiệm vụ của chính mình, đó là tiếp tục “đâu lưng
lại” để tố cáo tội ác và những âm mưu thâm độc của bọn VC, Việt gian. (HQB)
***
Tuyên truyền là gì?: Tuyên là nói ra; truyền là đưa đi, từ người
này sang người kia. Làm một hành động gọi là tuyên truyền là đưa một lời tuyên
bố nào đó từ người này sang người kia trong dư luận. Phương tiện có thể khác
nhau nhưng mục tiêu của hành động thì không khác.
Các loại tuyên truyền: Người ta thường phân ra nhiều loại tuyên
truyền, được áp dụng tùy vào mục tiêu họ nhắm tới, như là: Tuyên truyền trắng,
tuyên truyền đen và tuyên truyền xám,...
Ở đây, tôi chỉ xin bàn đến một loại
tuyên truyền độc hại nhất, là "tuyên truyền xám". Đây là
loại tuyên truyền mà kẻ gian thường sử dụng để triệt hạ đối phương. Hơn nửa thế
kỷ qua, bọn VC thường sử dụng loại tuyên truyền nầy để triệt hạ những ai không
theo chúng. Thảm kịch Tháng Tư Đen năm 1975 đã cho thấy hậu quả của điều vừa
nói.
Tây phương định nghĩa về loại "tuyên
truyền xám" như sau: "Grey propaganda is propaganda
without any identifiable source or author. A major application of grey
propaganda is making enemies believe falsehoods using straw arguments." Có
thể dịch là: Tuyên truyền xám là loại tuyên truyền không biết nguồn gốc hay
không biết ai là tác giả. Tác dụng chính yếu của loại tuyên truyền nầy là làm
cho kẻ thù tin vào những lý lẽ sai sự thật.
Tuyên truyền xám là gì và để làm gì?: Tôi xin đưa ra vài nhận định về ý nghĩa của
tuyên truyền xám. Đây là lối tuyên truyền theo kiểu tạo tin đồn không
đúng sự thật, hoặc chỉ là phân nửa sự thật. Có người đã nói: "nửa
ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng phân nửa sự thật không thể là sự thật".
Lối tuyên truyền "phân nửa sự thật" thường là những
dữ kiện"úp mở" không rõ ràng, tạo sự tò mò của người
nghe, người đọc và sau đó được các đối tượng ấy "thêm mắm dặm
muối" cho hấp dẫn và tiếp tay loan truyền một cách vô trách
nhiệm.
Sử dụng quyền tự do ngôn luận: Tại các nước dân chủ, người dân có quyền tự do
ngôn luận. Ai cũng có thể phê bình chỉ trích chính quyền, kể cả tổng thống. Cho
nên người Việt tỵ nạn VC sử dụng quyền tự do ngôn luận đó để lên tiếng phản đối
hay vạch trần âm mưu của những cá nhân hay tổ chức, đảng phái nào thuộc loại
đón gió trở cờ, có lập trường không rõ ràng, nói và làm những điều có lợi cho
VC… Đó là chuyện đáng làm, và đáng cho mọi người ca ngợi.
Khi kẻ ác khai thác quyền tự do ngôn luận: Bọn chúng muốn tấn công những người có uy tín
trong cộng đồng nhưng khó có thể làm cho người khác tin vào những điều do chúng
nguỵ tạo; cho nên bọn chúng phải dựa vào những dữ kiện có thật, tích cực của
đối phương, rồi kèm song song với những dữ kiện dối trá được ngụy tạo để lừa
gạt người dễ tin. Hoặc tồi bại hơn nữa, chúng mô tả đối phương bằng một nửa sự
thật gồm những điều vô cùng tốt đẹp rồi cộng với một nửa còn lại là những điều
tội tệ xấu xa. Có khi những dữ kiện mà chúng tròng vào cổ người khác cũng chính
là những điều xấu xí của chính chúng nó. Mục tiêu của chúng nó là chỉa mũi dùi
vào đối phương, và làm cho người ta quên đi điều xấu chúng nó đang mắc phải.
Thí dụ, một nhân sĩ có tư cách, đạo đức, là người
có tính tình khẳng khái, khiêm tốn, có đời sống giản dị và tử tế với mọi người.
Nhân sĩ nầy chống cộng quyết liệt, ông không chửi đổng VC bên ly cà phê hay
chén trà, nhưng thường công khai viết bài tấn công tội ác VC, vạch trần âm mưu
tuyên truyền của VC và mạnh dạn lên tiếng trước những điều quấy trong xã hội.
Đây là mẫu người mà bọn VC không ưa, kẻ gian không bao giờ thích và những thành
phần sợ VC không dám đứng gần. Để có thể hạ uy tín nhân sĩ này, bọn VC và kẻ
gian cần phải sử dụng loại "tuyên truyền xám", tức
là phải áp dụng chiêu thức "phân nửa sự thật", bằng
cách dàn dựng những điều nguỵ tạo để tầm thường hoá vị nhân sĩ nầy.
Chụp mũ bừa bãi: Trong thời gian gần đây, để có thể triệt hạ những
người có uy tín trong cộng đồng, kẻ gian không thể chụp mũ người ta là VC được
nữa, nên chúng phải gán ép người ta là đảng viên hay đoàn viên của các tổ chức
hay đảng phái đang bị đồng bào nghi ngờ về lập trường chống cộng, nhằm mục đích
ám chỉ người ta là VC.
Dĩ nhiên, những ai đã từng quen biết và tiếp xúc nhiều
với các nhân sĩ nầy thì người ta chỉ phì cười hoặc lắc đầu ngao ngán trước hiện
tượng "loạn chiêu" ở vùng đất tự do, nơi mà người tử tế sử dụng quyền
tự do ngôn luận cho mục tiêu chính nghĩa thì VC và kẻ gian sử dụng cho mục tiêu
bất chính. Chỉ có người chưa từng biết những nhân sĩ nầy, hoặc những ai nhẹ dạ
mới tin vào những gì kẻ gian tạo ra mà thôi. Tuy nhiên, điều tai hại là không
phải kẻ gian có thể bôi đen người tử tế, nhưng bọn chúng đã làm cho nhiều người
chống cộng phải ngao ngán hoặc tỏ ra e dè, không muốn tham gia sinh hoạt cộng
đồng, không dám ủng hộ đấu tranh và né tránh bênh vực cho lẽ phải và chân lý.
Những
sự thật hết sức ê chề: Trước
ngày 30-4-75 đồng bào miền Bắc vì thiếu tin tức, đã tin rằng, đồng bào miền Nam
đang sống đói khổ vì bị "đế quốc Mỹ và nguỵ quyền kiềm kẹp",
cho nên họ đã nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam
và đã tham gia vào chiến dịch "một nắm gạo cho miền Nam", rồi
vượt Trường Sơn để "đánh Mỹ cứu nước". Sau ngày
30-4-75, nhiều người đã "sáng mắt".
Nhưng cũng không
ít người tiếp tục "đui mù" vì những chiêu thức tuyên
truyền của VC.
Bằng chứng là có biết bao người vì nhẹ dạ, mau quên những dối
trá của bọn VC hôm nào, nên đã vội mang tiền về Việt Nam đầu tư kiếm lời, và
kết quả là họ phải "bỏ của chạy lấy người". Nạn nhân
không chỉ giới hạn trong giới bình dân mà có nhiều "con Trời" (tức
là những người nhận mình là con dân Chúa, có sự sáng của Chúa…) cũng sa vào bẩy
xập của VC. Những ông bà "con Trời" nầy không ngần
ngại thoả hiệp với ma quỷ VC, dưới lớp che hay vỏ bọc "công tác từ
thiện".
Họ còn sáng tác ra đủ thứ mục vụ "thiêng liêng", trong
đó có việc rầm rộ về Việt Nam mở mắt cho người mù hay chữa lành người khiếm
thị… nhưng họ không hề quan tâm đến việc công an VC thu tiền những người bất
hạnh khi muốn ghi danh để được chữa trị. Chính vì ngao ngán trước hình ảnh đó,
nên có người đã than thở rằng: Làm sao chúng ta có thể làm cho người khác thấy
được ánh sáng bằng chính đôi mắt "mù loà" của mình?
Bàn them về “Tuyên truyền xám”: Trở lại ba chữ "tuyên truyền
xám". Theo tôi, bọn VC đã "sang sông" để tiêu diệt đối
phương với vũ khí tuyên truyền xám, và bằng con thuyền truyền thông. Truyền
thông rất lợi hại trong việc hướng dẫn dư luận hiểu và có những phản ứng theo
đúng chiều hướng mà người chủ trương muốn nhắm đến. Chức năng của các cơ quan
truyền thông đứng đắn là loan tải tin tức một cách trung thực và chịu trách
nhiệm những gì họ cung cấp.
Kẻ gian lợi dụng truyền thông và quyền tự do ngôn
luận tại các nước tự do, nhất là Hoa Kỳ để tấn công những người tử tế. Trên
thực tế, đảng cướp VC và kẻ gian đã nhiều lần thành công trong công tác tuyên
truyền với nhiều phương tiện khác nhau. Người ta đã thừa nhận tập đoàn VC và kẻ
gian có nhiều mưu mô xảo quyệt, đã qua mặt những người khoa bảng gồm những
thành phần mơ hồ về thủ đoạn gian manh của mấy tên VC và bọn bất hảo trong xã hội.
Thời chiến tranh Việt Nam: Trong chiến tranh Việt Nam , chính quyền
Việt Nam Cộng Hoà đã bị bọn thiên tả sử dụng truyền thông để tạo những hình ảnh
tiêu cực về Quân, Công, Cán, Chính, Việt Nam Cộng Hoà, là một tập thể có lòng
yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Họ đã bị xuyên tạc là "nguỵ
quân, ngụy quyền", ôm chân thực dân Pháp và "đế quốc
Mỹ xâm lược". Những thanh niên Hoa Kỳ, xa nhà tham chiến tại Việt
Nam để góp phần bảo vệ thế giới tự do, thay vì được trân quý sự hy sinh cao cả
đó thì họ lại trở thành những kẻ "giết đàn bà và trẻ con" (Women
and Baby killers) qua sự loan tải theo lối tuyên truyền xám bằng các cuộc phỏng
vấn, tường thuật, những hình ảnh một chiều mang nhiều cảm tính sai lạc...
Khuyết điểm và tội lỗi: Dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hoà,
người ta không thể phủ nhận rằng chính quyền cũng có những khuyết điểm, nhưng
những tên vô liêm sỉ đã đồng hoá những khuyết điểm nầy với tội lỗi tày trời của
đảng cướp VC để lấy điểm, để được yên thân. Không ít người trong giới khoa bảng
lợi dụng yếu tố này, chống cộng thì ít mà chống chính quyền Quốc Gia thì nhiều.
Ngày nay ra hải ngoại, cũng còn có một số người nhân danh là người chống cộng,
nhưng họ ít tấn công VC, mà tấn công người Việt tự do thì rất chăm chỉ. Họ đã
tiếp tay cho quân thù mà không hề hay biết.
Đề nghị một giải pháp: Tôi xin đề nghị một giải pháp để ngăn chận
sự lộng hành của thành phần bất hảo trong cộng đồng người Việt tự do, hầu giúp
cho sinh hoạt của những người tử tế không bị vẩn đục: Khi chúng ta có bằng
chứng rõ ràng, tờ báo nào, đài phát thanh nào, cá nhân nào chuyên loan tải
những dữ kiện sai sự thật có tính cách triệt hạ uy tín người khác, hoặc chụp mũ
bừa bãi người ta là VC trên các tờ báo hay diễn đàn Internet…Chúng ta dứt khoát
không đọc, không nghe, không quảng cáo, mà còn mạnh dạn lên tiếng kêu gọi các
cơ sở thương mại mà mình là khách hàng, và những đồng hương khác cùng nhau tẩy
chay, cô lập bọn chúng.
Bổn phận của tôi: Là một Cơ Đốc Nhân, tôi không cho phép mình
ươn hèn làm thinh trước những điều sai quấy. Bởi nhiều người đã đồng ý: Tội lỗi
không chỉ do mình gây ra tội, mà thái độ im lặng trước hành động tội lỗi, cũng
là phạm tội. Giống như châm ngôn của người Anh: "Làm thinh trước
điều quấy là đồng loã với điều đó". Điều nầy Kinh Thánh đã có
khuyến cáo: "Cho
nên kẻ biết điều lành mà chẳng làm thì phạm tội". "Anyone, then, who
knows the good he ought to do and doesn't do it, sins." (James 4:17)
Không ngừng chống kẻ ác: Lần lượt tôi sẽ nói về "lối
đánh dưới thắt lưng" của những người nhận mình là đạo đức, là hài
hoà, là "quốc gia chống cộng" mà lại tán phát những
bài viết của VC trên mạng lưới toàn cầu; lợi dụng những buổi hội họp "phục
vụ cộng đồng", hoặc qua các buổi họp "thiêng liêng" để truyền
tay, rỉ tai bằng những tin tức theo kiểu "rộng đường dư luận" nhưng
thực chất chỉ là loại "rác rến" để hạ uy tín những người chống cộng
hay những người mình không ưa thích.
Kết luận: Đối với những thành phần chuyên dàn đựng
những mẩu truyện không đúng sự thật, hay dựa vào phân nửa sự thật, để lồng vào
đó những điều dối trá nhằm mục đích bêu xấu, vu khống, chụp mũ, miệt thị những
nạn nhân mà chúng muốn nhắm đến… cần phải bị mọi người vạch mặt. Người tử tế
cần phải hài hoà, nhưng không thể tiếp tục hài hoà với bọn bất lương một cách
triền miên. Không phải tự nhiên mà bọn chúng dễ dàng ngừng nghỉ việc làm gian
trá của chúng mà chính những người tử tế trong cộng đồng phải mạnh dạn lên
tiếng và đồng thanh báo động rồi cô lập bọn chúng. Hiện tượng "bôi
đen" người chống cộng hay những ai tử tế, tuy không ảnh hưởng
được những ai có đầy đủ tin tức, có khả năng nhận xét trong sự khôn ngoan,
nhưng lối "tuyên truyền xám" nầy vẫn còn hữu dụng,
góp phần ly gián người Việt Quốc Gia.
Nếu người Quốc Gia mà không ý thức về những âm
mưu tuyên truyền của đảng cướp Việt cộng và bọn Việt gian; hoặc không biết phân
biệt thái độ nào là cảnh báo, hành động nào gọi là "đánh phá nhau",
thì tôi e rằng, việc chấm dứt chế độ VC độc tài tại Việt Nam sẽ còn lâu lắm.
Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361
Salem, OR 97303.
USA
(503) 949-8752
huynhquocbinh@yahoo.com
www.danviet.net
P.O. Box 20361
Salem, OR 97303.
USA
(503) 949-8752
huynhquocbinh@yahoo.com
www.danviet.net
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết