QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, January 29, 2014

QUÂN CÁN CHÍNH BÌNH THUẬN ANH DŨNG GIỮ ÐẤT TRONG ÐÊM 28-1-1973 THI HÀNH HIỆP ÐỊNH BA LÊ



--
Kính Chuyển
MG/HD
QUÂN CÁN CHÍNH BÌNH THUẬN ANH DŨNG GIỮ ÐẤT TRONG ÐÊM 28-1-1973
THI HÀNH HIỆP ÐỊNH BA LÊ
Ngô Tấn Nghĩa,
Phạm Ngọc Cửu, Mường Giang, Huỳnh Văn Quý, Cao Hoài Sơn, Mai Xuân Cúc.


            Tóm lại để kết thúc chiến tranh VN theo ý mình, Kissinger không bao giờ trình bày sự thật khi thương thuyết với Hà Nội cho TT.Nixon biết. Từ ngày 13-4-1971, Kissinger đã manh nha trò phản bội và lộng quyền, khi tự sử dụng đường dây nóng đặc biệt không qua Bộ Ngoại Giao và Tổng Thống Mỹ, để ra lệnh cho Ðại Sứ Bunker và liên lạc với Bắc Việt. Theo các tài liệu lịch sử đã giải mật, những lộ đồ đề nghị hòa bình VN của các giới chức Mỹ từ tổng thống Nixon tới đại sứ Bunker hoàn toàn trái ngược với ý riêng của Kissinger

            Trong đêm thi hành Hiệp định Ba Lê năm 1973, cộng sản đã ra lệnh “cắm cờ” vào giờ ‘ N’ , nghĩa là cờ VC cắm tới đâu trong đêm, thì sáng hôm sau phần đất đó thuộc về chúng. Theo Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng Bình Thuận, đã được Trung Tướng Timmes, người liên lạc giữa Tòa Ðại Sứ Mỹ, Phủ Tổng Thống và Phái Ðoàn hòa đàm Ba Lê. Ông đã bay ra Phan Thiết với mật lệnh phòng thủ tỉnh. Ông còn tiết lộ là từ Ba Lê tiến sĩ Kissinger vừa điện về cho biết ‘ CS đã quyết tâm lợi dụng việc cắm cờ để chiếm Bình Thuận’.

            Trung Tướng Timmer đã hỏi Ðại Tá Nghĩa có cần tăng viện những gì trong nhiệm vụ phòng thủ, để ông chuyển lời tới Tổng Thống Thiệu và Bộ Tổng Tham Mưu, thì được Ðại Tá Nghĩa cám ơn, vì ông đã hiểu rõ tình hình bạn và địch lúc đó trên khắp chiến trường. Vì vậy, dù có xin tăng viện thì trung ương cũng không đủ khả năng để đáp ứng lúc đó, nên chỉ còn gói ghém với những gì đang có trong tay. Ðó là lực lượng Ðịa Phương Quân + Nghĩa Quân BT với quân số trên 13.000 người, được dàn mỏng cho 173 Ấp , trong đó có 24 Ấp bao quanh thị xã Phan Thiết với 2 trung đoàn. Trong khi đó địch có 3 tiểu đoàn địa phương và 1 trung đoàn chính qui thuộc quân khu 6 VC tăng viện. Như vậy tương quan lực lượng một chọi một, nên ta không có gì lo ngại với sự phòng thủ vững chắc, trong khi đó địch muốn tấn công ta, phải vượt qua hệ thống mìn phòng thủ sẽ bị sa lầy và tiêu diệt.

            Trước ngày địch dự định tấn công cắm cờ trên lãnh thổ ta, Ðại Tá Nghĩa đã đi tới tận các Ấp bao quanh thị xã để giải thích cho đồng bào là VC sẽ đột nhập vào các làng xã để bắt người dân địa phương làm con tin để uy hiếp, ngăn cản ta oanh kích tấn công đánh đuổi chúng ra khỏi các vị trí đã lấn chiếm. Vì vậy Tỉnh đã ra thông cáo là sẽ oanh kích thẳng tay để bảo vệ lãnh thổ , quyết không thể để cho CS lợi dụng dồng bào, lùa đi trước làm bia đở đạn, để chúng tấn công chiếm đất.

            Nhờ sự thông báo trên, nên khi đồng bào đi làm ruộng tại các vùng xa gần rừng đã phát hiện VC hiện diện tại đây và đang chuẩn bị về cắm cờ chiếm đất như kế hoạch đã sắp đặt. Do đó họ rủ nhau bồng bế con cái tản cư về các vùng an ninh để tránh bom đạn giao tranh.

            Ðêm 27-1-1973 vào giờ N, địch tiến quân tấn công đồng loạt 13 ấp nhưng gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của các đơn vị ĐPQ + NQ, các Ðoàn CB/XDNT cộng với pháo binh đã chấm sẵn các mục tiêu thật chính xác. Cuộc chiến thật đẵm máu kéo dài suốt 48 giờ. Cuối cùng CS phải chém vè, bỏ lại tại trận địa hằng trăm xác của đồng bọn..

            Ðại Nẳm là một trong những mặt trận chính, trong số các xã ven biên Phan Thiết thuộc quận Hàm Thuận, nơi VC chọn làm vị trí xuất phát gom quân mổi khi tấn công ta vì tiếp giáp với rừng rậm...Nên nơi này đã từng xảy ra nhiều cuộc phục kích gây thương vong cho các lực lượng VNCH nhất là thời gian Ðinh Văn Ðệ làm Tỉnh trưởng (1965-1967). Cuối năm 1969 Ðại Tá Nghĩa về thế Ðại Tá Ðàng Thiện Ngôn, đã cho tăng cường thêm hệ thống phòng thủ vành đai thị xã thật kiên cố. Tại phân chi khu Ðại Nẳm, tu bổ lại Ðồn “Mộng Cầm” dọc theo đường sắt đi Phú Hội-Mường Mán cách phân chi khu chừng 100m về hướng tây bắc. Ngoài ra còn có Ðồn Hữu Chí nằm ven bờ Suối Thị cách phân chi khu chừng 600m về hướng đông nam. Hai đồn trên là mục tiêu mà VC nhắm vào nhất mỗi khi mở cuộc tấn công vào Ấp chiến lược Ðại Hòa cùng với hai đồn Phú Thọ và Bàu Gia do Tiểu Ðoàn 274 ÐP của Thiếu Tá Trịnh Văn Bình trấn giữ.

            Trong cuộc chiến cắm cờ dành đất, VC đã bỏ lại tại Ðại Nẵm 121 xác chết, một số khác được đồng bọn mang đi. Ba ngày sau khi tình hình êm dịu, Tiểu Khu mới điều động xe ủu đất lên tận chổ đào đất chôn tập thể các tử thi đã sình thối vì thân nhân đã tàn cư tránh giặc, nên không ai nhận.

            Ðầu tháng 2-1973, tướng Timmer từ Sài Gòn bay ra Phan Thiết để lượng giá tình hình vì đã nhận được tin chiến thắng vẻ vang tại Bình Thuận. Ðại Tá Nghĩa đã lên phi trường trên Camp để đón ông. Ngay khi vừa nước xuống phi cơ, ông tướng Mỹ đã nở một nụ cười thật hân hoan và hô bằng tiếng Việt ‘ Ðại Tá Neah ! Celebrity ‘ . Sau đó khi về tới văn phòng tỉnh trưởng, tướng Timmes tận tay khui chai champagne của ông mang theo để chúc mừng “Bình Thuận Chiến Thắng Vẻ Vang”

            Cái tên định mệnh này đã theo tôi (ĐT Nghĩa) từ đó đến nay !

           
             LONG HIỆP
scan0015TRONG NHỮNG NGÀY THI HÀNH HIỆP ÐỊNH BA LÊ 1973
Huỳnh Văn Quý

(Ðại Tá Nghĩa và Ðại Uý Quý tại ÐH Ân Tình I năm 2007) .

            Lúc đó tôi là Ðại Ðội Trưởng ÐÐ283 ÐPQ Biệt Lập kiêm Yếu Khu Trưởng Long Hiệp, với nhiệm vụ bảo vệ đồn và Ấp này, trong ngày ‘ N ‘ khi Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 có hiệu lực. Ấp Long Hiệp nằm ngay trên QL1 về phía bắc thị xã Phan Thiết chừng 20 km. Ấp có tên cũ là Long Phú , dân chúng sống rải rác từ chân núi Tà Dôn vào tới bìa rừng mật khu Lê Hồng Phong và Ðồn Nora. Phia tây Ấp là Xóm Rừng Ông Rắc chạy dọc theo đường rầy xe lửa, nằm trong lãnh thổ phía đông của Quận Thiện Giáo.

            Ðây là vùng xôi đậu, trên 90% người địa phương có liên hệ với cộng sản, 5% lưng chừng cầu an nên chỉ còn có 5% thuộc thành phần Quốc Gia. Ðất đai rộng mênh mông nhưng dân chúng lại thưa thớt khiến cho người địa phương phải sống trong cảnh tranh tối tranh sáng, một cổ mang hai gông, ban ngày là QG ban đêm thuộc VC rất cơ cực.

            Về hành chánh, các cơ quan công quyền không quản lý được nguồn nhân lực. Thời Ðại Tá Nghĩa mới qui hoạch lại tình trạng dân chúng đang sống trong vùng theo nếp sống cộng đồng, xây dựng trường học, trạm xá và thường xuyên tổ chức các buổi chiếu bóng văn nghệ giúp người dân mở mang kiến thức, tạo sự tin tưởng về chính nghĩa của VNCH, để người dân không còn sợ VC hù dọa phải đóng thuế nuôi chúng như trước.
           
            Nhằm bảo vệ hữu hiệu đời sống an bình cho đồng bào, Tiểu Khu đã thiết lập một vị trí quân sự tại vùng này, đó là Ðồn Long Hiệp. Ðồn nằm sát vòng đai xã Long Phú cạnh QL1. Phía đồng đồn là mật khu Lê Hông Phong, phiá tây bắc đồn có vài ngọn đồi thấp nối tiếp với núi Bành, núi Kính (quận Thiện Giáo) và những cánh rừng thưa trải dài tới ranh giới tỉnh Lâm Ðồng. Ðây cũng là con đường giao liên chính mà CSBV dùng để chuyển quân nhận tiếp tế từ biển lên các căn cứ hay ngược lại từ quân khu 6 VC về khu Lê nằm giữa lãnh thổ ba quận Hòa Ða, Thiện Giáo và Hải Long thuộc tỉnh Bình Thuận.

            Do đó sự hiện diện của Ðồn Long Hiệp như một mũi dao nhọn đâm vào yết hầu của CS, cản trợ sự hoạt động phá hoại của chúng nhắm vào đồng bào trong vùng nên VC đã không ngớt liên tiếp mở nhiều cuộc tấn công, phục kích các đơn vị trú phòng. Nói chung từ ngày Ðại Ðội 283 thành lập đồn trên tới khi đơn vị di chuyển, qua chỉ huy của các Ðại Uý Trò, Hùng, Dũng, Sơn và Tôi (Huỳnh Văn Quý), đều bị VC phục kích cũng như tấn công đồn, gây cho ta nhiều tổn thất.

            Trước ngày Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 có hiệu lực, một tiểu đoàn VC đã phục kích ÐÐ283 ÐPQ trong khi đang mở đường. Nhờ kinh nghiệm chỉ huy qua nhiều đơn vị, nên tôi đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật hành quân hàng ngày. Vì vậy ta đã phản ứng kịp thời, cũng như được phi cơ và pháo binh yểm trợ đúng lúc chính xác. Có lẽ qua trận này nên CS muốn được gặp tôi trong ngày Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 có hiệu lực.

            Ðể chuẩn bị đối phó với trận chiến “cắm cờ dành đất của CS” Ðại Tá Nghĩa đã mở một cuộc họp với sự hiện diện của tất cả các cấp trưởng. Ông ban hành lệnh cũng như gửi lời nhắn nhủ quân nhân các cáp phải cương quyết giữ vững lãnh thổ của mình đang trách nhiệm, vào giờ N, để phá vỡ âm mưu thâm độc của Hà Nội. Tuyệt nhiên ông không nhắc gì tới lời của Tướng Timmes liên quan tới quyết định của Bắc Việt, qua quyết tâm chiếm Bình Thuận làm thủ đô cho cái “mặt trận GPMN” và cắt hai VNCH trong dịp này. Về sau tôi mới biết, sở dĩ Ðại Tá Nghĩa phải hành động như thế, vì ông không muốn gây hoang mang cho các đơn vị đang trực tiếp đối mặt với giặc tại chiến trường.

            Mãn cuộc họp Tôi trở về đơn vị với quyết tâm bằng mọi giá để giữ nguyên vẹn vùng lãnh thổ trách nhiệm. Ngoài việc động viên tinh thần binh sĩ các cấp trong đơn vị, tôi kiểm tra và tu bổ thêm hệ thống phòng thủ, tăng cường nhiều mìn claymore, lựu đạn, súng chống tăng M72 và đạn cá nhân cho binh sĩ. Ngoài ra tôi ban lệnh cắm trại, cấm phép thường niên cũng như đặc biệt.

            Ðồn Long Hiệp có địa thế rất trống trải dễ phòng thủ nhưng khi bị địch tấn công biển người thì phương tiện hữu hiệu duy nhất để đẩy lui chúng vẫn là sự yểm trợ hỏa lực của phi cơ , pháo binh và tiếp cứu của các đơn vị bạn. Nhưng trong hoàn cảnh lúc đó hầu như tất cả lãnh thổ VNCH nói chung và Bình Thuận nói riêng đều bị kẹt về sự phòng thủ diện địa giữ đồn, xã ấp, cầu cống dọc theo các trục lộ trải mỏng suốt bảy quận từ nam ra bắc tỉnh nhà. Nên không còn lực lượng trừ bị nào kể cả Ðại Ðội 206 Thám Sát, để tiếp viện khi khẩn cấp.

            Chiến thuật quen thuộc của CS từ xưa tới nay vẫn là lấy thịt đè ngươì, tức là khi cần tấn công một đơn vị nào của ta, chúng cho tập trung quân số đông đảo gấp ta nhiều lần để dứt điểm. Ðây cũng là thế yếu của ÐPQ + NQ trong việc phòng thủ diện địa. Ðầu tháng 1-1973, lực lượng CS tại Bình Thuận có 3 tiểu đoàn địa phương được tăng cường thêm một trung đoàn chính qui Bắc Việt của quân khu 6, cùng với các đại đội đặc công biệt lập, lực lượng du kích dân quân. Tất cả đều chuẩn bị mở các cuộc tấn công ta để cắm cờ chiếm đất với quyết tâm chiếm cho được Bình Thuận để chia cắt VNCH thành từng mảnh vụn.

            Ðể củng cố thêm hệ thống phòng thủ từ Ðồn tới chu vi xã Long Phú , tôi đã tạo một vòng đai ánh sáng giúp quân sĩ trú phòng quan sát thêm dễ dàng, bằng cách dùng những vỏ và ruột xe hơi phế thải, xin tại các tiệm sửa xe ở Phan Thiết. Sau đó nhờ phương tiện của Phòng 4/TK và xe cơ hữu đơn vị chở về, xếp thành từng cụm quanh chu vi phòng thủ của đồn và xã Long Phú, tại các địa điểm mà địch có thể lợi dụng để tấn công ta. Nhờ vậy mà trong đêm hiệp định Ba Lê có hiệu lực, ta đã có một vòng rào lửa bảo vệ soi sáng, giúp cho đơn vị trú phòng quan sát được sự di chuyển hay xâm nhập của đặc công VC.

            Trước ngày N-1, Tôi đã được Tiểu Khu tăng cường thêm một Ðại Ðội của Tiểu Ðoàn 274 ÐP (Tiểu Ðoàn Trưởng là Thiếu Tá Trịnh Văn Bình) do Trung Uý Khang chỉ huy nên thấy vững tâm hơn. Chúng tôi cùng phối hợp đề ra kế hoạch phòng thủ chung với lực lượng Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ của xã Long Phú. Theo đó Tôi cho Tiểu Ðội Viễn Thám của ÐÐ283 chiếm giữ ngọn đồi phía tây bắc của đồn để quan sát địch, quân số còn lại đều có nhiệm vụ phòng thủ đồn. Các đơn vị cứ đầu giờ đều phải báo cáo tình hình về BCH Ðại Ðội để theo dõi. Nói chung đêm đó VC không tấn công đồn Long Hiệp và xã Long Phú.

            Nhưng tại các xã quanh vòng đai Phan Thiết đều bị VC tấn công. Tiếng súng nổ vang dậy khắp nơi cùng với hỏa châu soi sáng một góc trời. Qua tần số của Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu, tôi theo dõi nên biết được CS đồng loạt mở cuộc tấn công vào 13 Ấp ven biên tỉnh lỵ. Cuộc chiến kéo dài suốt 48 giờ, đẵm máu nhất là tại Ðại Nẳm, khi VC chém vè đã bỏ lại 121 tử thi ngoài một số khác đuợc đồng bọn mang theo.

            Sáng ngày N của hiệp định Ba Lê có hiệu lực (27-1-1973), tôi thấy chung quanh đồn và xã Long Phú, nói chung là trên lãnh thổ trách nhiệm của đơn vị tôi, CS đã cho treo và cắm đầy cờ máu (nửa xanh nửa đỏ) của chúng để dành đất. Tóm lại không riêng gì ở đây mà khắp nơi tại VNCH , cộng sản Bắc Việt đều cho trình diễn y chang một màn kịch. Vì vậy nhiệm vụ của đơn vị tôi là phải gỡ bỏ hết những lá cờ quái đản đó và giữ gìn QL1 trong phạm vi của ÐÐ283.

            Ðể xúc tiến công tác, tôi phân công cho Ðại Ðội của Trung Uý Khang mở đường và gỡ cờ về hướng bắc dọc theo QL1 để bắt tay vơi Ðại Ðội của Tiểu Ðoàn 249 ÐP đang trấn giữ Ðồn Nora. Còn Ðại Ðội tôi thì hành quân về hướng nam, củng để bắt tay với một Ðại Ðội khác của TÐ 249 ÐP. Trong lúc ÐÐ283 đang mở đường và gỡ cờ chỉ bị du kích VC bắn sẻ không đáng kể, thì Ðại Ðội của Trung Uý Khang lại chạm địch khá nặng. Tôi yêu cầu Trung Uý Khang ráng cố thủ để ÐÐ283 tới tiếp viện. Chừng 10 sau, Trung Uý Khang lại báo cáo là VC đã xâm nhập được vào tần số của ta và yêu cầu Khang ngưng bắn, để thực hiện cái goi là “hòa hơp hòa giải dân tộc” có sự tham dự của lực lượng chúng.

            Ðiều kiện CS đưa ra là hai bên phải ở ngay vị trí vừa giao tranh và gặp nhau để nói chuyện. Nơi này chính giữa có một cây me rất lớn, cách vị trí dàn quân của mỗi bên chừng 50m, mỗi bên lên chỗ tiếp xúc với quân số bằng nhau (5 người) được phép mang theo súng ngắn mà thôi. Ngoài ra Khang cho biết, VC muốn gặp tôi (Đại Uý Quý) thì chúng mới chịu nói chuyện. Lúc đó tôi cũng không biết phải hành động ra sao vì Khang đã tự mình quyết định hết rồi mới báo cáo cho tôi. Trong khi đó tại phiên họp vừa qua, chính Ðại Tá Nghĩa đã ban lệnh nghiêm cấm quân nhân các cấp không được tiếp xúc hay nói chuyện với đối phương .

            Vì vậy tôi đã dùng tần số riêng báo cáo về Ðại Tá tình hình đang diễn ra và xin ông cho phép tôi lên tại chỗ để gặp VC xem chúng muốn gì . Nhưng lúc đó tôi không gặp được Ðại Tá, vì vậy tôi lại liên lạc với Trung Tâm Hành Quân và gặp Ðại Uý Hạnh Phòng 3 TK đang trực (Hạnh sau này là Tiểu Ðoàn Phó cho tôi đã tử thủ Phú Long vào những ngày tháng tư 1975) thì Hạnh cho biết cũng không liên lạc được với Ðai Tá Tỉnh Trưởng. nhưng cho biết là sẽ trình lại với ông về việc tôi lên địa điểm đóng quân của Trung Uý Khang để gặp VC theo yêu cầu của chúng.

            Sau khi dứt điện thoại, tôi và một tiểu đội hộ tống dùng xe Dodge tới địa điểm đóng quân của Trung Uy Khang. Tôi cho toán hộ tống ở lại, chỉ dẫn theo 2 hiệu thính viên và 1 cận vệ, rồi đi theo một quân nhân thuộc ÐÐ của Trung Uý Khang vào địa điểm tiếp xúc với VC cách QL1 khoảng 400m. Tới nơi tôi thấy phía VC có 5 người đang hiện diện, đồng quân số với phía Trung Uý Khang. Sau màn chào hỏivà giới thiệu, Khang chỉ cho tôi biết người cầm đầu toán VC là Thượng Uý Châu Tiểu Ðoàn Trưởng còn 4 người còn lại là Ðại Ðội Trưởng. Tôi liếc mắt nhìn chung quanh còn thấy có một số binh sĩ thuộc đơn vị của Trung Uý Khang và VC, kẻ ngồi người đứng, còn trên tay Thượng Uý Châu đang cầm môt quyển sách, mà sau này tôi mới biết. Ðó là quyển  “Mùa Hè Ðỏ Lửa 72” của tác giả Phan Nhật Nam do Trung Uý Khang vừa mới tặng.

            Rồi Khang chỉ tôi để giới thiệu với tên tiểu đoàn trưởng và chính trị viên VC “Ðây là Ðại Uý Huỳnh Văn Quý, Ðại Ðội trưởng kiêm Yếu Khu Trưởng Ðồn Long Hiệp”. Tên Thượng Uý VC ngạc nhiên nhìn vào tôi chằm chặp rồi lắc đầu và nói “Tôi chỉ muốn gặp Ðại Uý Quý chứ không gặp bất cứ ai”  ( Ðây là nguyên văn mà tới nay tôi vẫn còn nhớ rõ). Thấy tên Châu không tin, tôi mới lấy tay xê dây ba chạc đang mang để lộ bảng tên trên nắp túi áo QUYS. Chừng đó cả tên Châu và tên thượng uý chính trị viên VC mới chịu bắt tay. Tôi hỏi “các anh gặp tôi để làm gì ?”.Tên Châu nói “chúng tôi muốn gặp anh để cùng bảo vệ hiệp định Ba Lê và thực hiện việc hòa hợp hòa giải dân tộc”.Tôi trả lời ngay với Châu “tôi và anh bây giờ chỉ có nhiệm vụ là thi hành hiệp định Ba Lê, chứ không còn phải bàn cải gì nữa vì việc đó , thượng cấp hai bên đã bàn thảo cách đây 4 năm rồi tư bàn tròn đến bàn vuông, nay đã ký kết. Ngay phút đầu tiên các anh đã vi phạm khi lợi dụng đêm tối, tới cắm cờ trong phạm vị đóng quân kiểm soát của VNCH, mà đúng theo tinh thần hiệp định thì hai bên phải ở ngay vị trí của mình, trước khi hiệp định có hiệu lực” .

            Tôi đang định nói thêm thì hiệu thính viên báo cho tôi biết “ Ðại Tá Nghĩa đang có mặt ở đồn Long Hiệp cần gặp tôi gắp, đồng thời ra lệnh cho tôi không được tiếp xúc với VC nữa .“Tôi dem lệnh trên báo lại với Trung Uý Khang. Trước khi giả từ, tôi tới bắt tay tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn VC, đồng thời không quên nhắc lại lần chót là họ phải rút đơn vị về mật khu Lê Hồng Phong”.

            Tại đồn Long Hiệp, tôi trình mọi diễn biến vừa qua với Ðại Tá Nghĩa. Giữa lúc đó CS đã vào được tần số truyền tin và đòi nói chuyện với ông. Qua loa khếch đại đặt trên xe, họ nói chuyện với Ðại Tá Nghĩa, cũng với nội dung giống như vừa nói chuyện với tôi. Cuối cùng Ðại Tá Nghĩa cương quyết yêu cầu đơn vị VC phải rút khỏi vị trí đang chiếm đóng. Ông còn cho biết, đó là vùng thực tập của pháo binh Tiểu Khu, nếu sau 12 giờ trưa hôm nay mà các anh vẫn không rút, thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì chúng tôi đã báo trước nhiều lân.

            Nói xong Ðại Tá Nghĩa cúp máy và cho chuyển sang tần số giải tỏa. Ðồng thời ông ra lệnh cho tôi gọi pháo binh tại Tà Dôn, pháo binh 105 ly ở đồn Nora, pháo binh 155 ly tại Thiện Giáo, kể cả súng cối 81 ly cơ hữu của Ðồn, lấy yếu tố tác xạ sẵn sàng. Sau 12 giờ trưa giờ qui định mà VC vẫn ngoan cố không rút quân, thì ra lệnh tác xạ tối đa vào địa điểm trên. Sau khi ban lệnh xong, Ðại Tá lên xe rời đồn Long Hiệp.

            Rồi thời gian 12 giờ trưa cũng tới và được Trung Uý Khanh báo về là VC vẫn đóng quân không chịu rút. Lập tức tôi thi hành theo lệnh của Ðại Tá Nghĩa và chỉ trong phút chốc dịa điểm đóng quân của tiểu đoàn VC đã trở thành vùng thực tập tự do của hàng chục khẩu pháo từ 105 tới 155 ly kể cả những bích kích pháo 81 ly tại đồn Long Hiệp. Kết quả như thế nào sau đợt pháo long trời lở đất trên, chính tôi cũng không biết nhưng sau ngày 30-4-1975, tôi bị VC kết án qua 4 tội danh :
1- Là một sĩ quan tích cực chống phá cách mạng đến cùng.
2- Có hiệp định đình chiến rồi mà còn gọi pháo binh bắn phá cách mạng và chưởi bới lãnh đạo.
3- Ngoan cố đem quân tái chiếm xã Phú Long trong khi các đơn vị khác đã bỏ chạy.
4- Cải tạo về rồi mà còn ngoan cố gia nhập vào tổ chức phục quốc để chống đối, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Do trên tôi đã bị 8 năm tù cải tạo tận ngoài Bắc + 12 năm tù ở về tội âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, thêm 5 năm quản chế tại địa phương sau khi mãn tù. Ngoài ra gia đình tôi cũng bị trù dập thê thảm, con cái bị thất học vì không được phép học tới cấp hai.

            Vài ngày sau, Ðại Ðội của Trung Úy Khanh nhận nhiệm vụ mới. Từ đó chỉ còn Ðại Ðội 283 của tôi hằng ngày phải đi gỡ cờ, mở đường, giữ an ninh trục lộ như thường lệ. Thời gian này CS luôn bám sát quanh đồn Long Hiệp và xã Long Phú. Do đó ban ngày mình vừa gỡ xong cờ của chúng thì tối vế chúng lại tiếp tục treo cờ, dù thỉnh thoảng chúng cũng bị vướng mìn cóc của ta chôn ở các góc cây mà chúng tới để treo cờ

            Trước sự lỳ lợm của VC, Ðại Tá Nghĩa thay đổi chiến thuật đối phó, cho một toán tâm lý chiến thuộc Phòng 5/TK phối hợp với Ty Thông Tin , Ty Chiêu Hồi mở chiến dịch tâm lý chiến nhắm vào hàng ngũ của địch bên kia chiến tuyến, dùng tình thương mái ấm gia đình để lung lạc tinh thần của cán binh CS Bác Việt đang sinh bắc tử nam, lúc nào cũng ngong ngóng về quê hương trong nỗi lòng tuyệt vọng vì cuộc chiến vô định không biết bao giờ mới chấm dứt. Theo kế hoạch thì hằng ngày vào lúc 6 giờ chiều, toán tâm lý chiến hỗn hợp từ Phan Thiết lên đồn Long Hiệp với một chiếc xe Dogde có gắn loa phóng thanh rất mạnh, để thực hiện chương trình “Chiêu Hồi Cán Binh VC” vào lúc 8 giờ tối gồm các phần phổ biến tin tức, bình luận và những bài hát tình cảm tha thiết, để đánh động lương tâm những con người bị đảng nhồi sọ bằng chủ nghĩa cuồng tín sát nhân Mác Lê.

            Chương trình lại được kế tiếp từ 4 - 6 giờ sáng trong ngày, cũng vẫn tin tức, bình luận và những bài hát thấm đượm tình yêu tình người do các nam nữ ca sĩ nổi tiếng lúc đó như Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Thanh Lan, Nhật Trường, Anh Khoa, Duy Khánh.. trình diễn qua các ca khúc tiêu biểu “Anh về Với Em, Nửa Ðêm Nhớ Anh .”. Giọng ca réo rắt, âm điệu du dương buồn thảm gợi nhớ nhung thương hận cho những tâm hồn đang sống cảnh ly hương ly tán dở dang, làm cháy tim đứt ruột mọi người. Cứ thế cứ thế , chương trình được tiếp diễn liên tục đêm lẫn ngày, có sức tàn phá hơn pháo đài B52 hay tiếng sáo của Trương Lương bên bờ sông Cai Hạ, đã làm tan rã mấy chục vạn quân của Sở Bá Vương Hạng Võ, trên đường bị Hàn Tín truy sát khi trở về Bành Thành.

            Và không ai ngờ là chưa tới một tuần lễ, lực lượng chính qui của CS Bắc Việt đã tự động rút êm không kèn trống khỏi khu vực, chỉ để lại các toán du kích địa phương biết phận cũng trốn nhủi vào hang ổ trong khu Lê. Qua kinh nghiệm này, cho thấy giá trị thực tiển của các chiến sĩ tâm lý chiến nếu được khai thác sử dụng đúng lúc như tại Bình Thuận, có khả năng chống lại sự tuyên truyền nhồi sọ của CS vì chúng rất sợ sự thật.

Boston Hoa Kỳ
Tháng 4-2009
Huỳnh Văn Quý

TIỂU ÐOÀN 229 ÐP/BT TẠI TÂN NÔNG (THIỆN GIÁO) TRONG NGÀY 27-1-1973 THI HÀNH HIỆP ÐINH BA LÊ
Cao Hoài Sơn

            Ðể chuẩn bị đối phó với những biến chuyển của đất nước, sau khi hiệp định Ba Lê do Mỹ và Bắc Việt đồng thuận ký kết và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 27-1-1973. Vì vậy Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa đã cho phối trí lại các đơn vị ĐPQ từ cấp Tiểu Ðoàn và các Ðại Ðội Biệt Lập thuộc các chi khu, nhằm thích ứng với tình hình quân sự tại địa phương. Do đó TÐ229 ÐP do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tiến làm Tiểu Ðoàn Trưởng, được tăng phái cho Nam BT giữ an ninh tại hai Ấp Tân An, Tân Ðiền thuộc xã Tân Phú Xuân, quận Thiện Giáo.

scan0016(Ảnh Cao Hoài Sơn năm 1969 tại Trường Bô Binh Thủ Ðức) .

            Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 229 đóng tại ấp Tân An, các đại đội cơ hữu trách nhiệm phòng thủ trụ sở ấp Tân Ðiền và xã Tân Phú Xuân nằm trên Liên Tỉnh Lộ 8 Phan Thiết-Ma Lâm. Lúc này, Tôi (Cao Hoài Sơn) là sĩ quan hành quân của tiểu đoàn 229/ÐP đang có mặt tại Tân An. Hiệp định Ba Lê chính thức có hiệu lực vào lúc 0 giờ ngày 27-1-2009 nhưng CS Bắc Việt đã vi phạm trắng trợn. Do đó vào lúc 4 giờ sáng, TÐ chỉ định Ðại Ðội 2/229 của Ðại Uý Lê Viết Duyên, xuất phát từ ấp Tân Ðiền chuyển quân gấp trong dêm để tái chiếm Ðồn Tân Nông đã bị bỏ hoang từ lâu.

            Ðồn này đã có từ thời Pháp thuộc, được xây dựng rất kiên cố bằng bêtông cốt sắt, được bao bọc bởi các hệ thống giao thông hào và ba vòng đai bằng kẽm gai. Tân Nông ở về phía tây ấp Tân Ðiền và LTL8 chừng 2 km, coi như nằm lọt thỏm trong phạm vi khống chế của mật khu Tam Giác của VC.

            Vì trời tối như mực nên Ðại Ðội 2/229 vô tình lọt vào giữa vị trí đóng quân của một Trung Ðoàn CS Bắc Việt cũng vừa mới di chuyển tới đây từ tối đêm nay, trước khi hiệp định Ba Lê có hiệu lực. Ðến khi trời tờ mờ sáng, bên ta nghe tiếng nói chuyện bằng giọng Bắc phát ra chung quanh, chừng ấy mới biết quân mình và địch đang đóng quân xen kẽ vào nhau.

            Cùng lúc VC cũng đã phát được sự hiện diện của ÐÐ2/229 nên viên chỉ huy yêu cầu Ðại Uý Duyên rút quân ra khỏi vị trí đang đóng. Ông đã trả lời với phía bên kia là mình được lệnh tiếp thu Ðồn Tân Nông. Vì vậy muốn gì phải xin lệnh của cấp trên mới giải quyết được.

            Trong khi chờ quyết định từ Tiểu Khu, binh sĩ hai bên đã tiếp xúc thật vui vẻ , còn mời nhau thưởng thức các thức ăn mang theo. Nhìn nét mặt rạng rỡ một cách ngây thơ của bộ đội miền Bắc lúc đó, cho thấy họ đã bị cấp chỉ huy tuyên truyền lường gạt nên rất tin tưởng vào hiệp định Ba Lê, qua chiêu bài  “hòa hợp hòa giải dân tộc” . Vì vậy nên tới đây để tiếp thu đất đai và dân chúng, không cần gì phải đấm đá bởi ngụy đã đầu hàng rồi.

            Ðang lúc hai bên còn đấu hót tưng bừng, thì phía VC ra lệnh cho cán binh trở về vị trí chiến đấu. Còn Ðại Uý Duyên thì được lệnh TK đi vào đồn Tân Nông gặp cấp chỉ huy VC , yêu cầu họ rút quân để ta vào tiếp quản nhưng bị từ chối. Do đó Ðại Ðội 2/229 được lệnh di chuyển gấp ra khỏi vòng kềm tỏa của địch, theo Ðại Uý Duyên báo cáo vào khoảng một Trung Ðoàn Chính Qui CS Bắc Việt, vì có cối 82 ly, đại bác 57 ly không giật và nhiều khẩu phòng không được ngụy trang rất khéo giấu ở các lùm cây. Lúc đó là 8 giờ sáng ngày 27-1-1973.

            Tại Tân An, nơi đặt BCH của Tiểu Ðoàn 229 ÐP , nhìn về phía tây hướng ấp Tân Ðiền, từ sừng bò đang gặm cỏ, cho tới ngọn cây, bờ ruộng.. đâu đâu cũng thấy cờ là cờ nửa xanh nửa đỏ chính giữa có ngôi sao vàng, của cái được gọi là Mặt Trận GPMN. Tiểu đội Tỉnh Báo của Tiểu Ðoàn đang nằm tiền đồn, đã báo về là VC với một lực lượng rất đông đang áp sát vào ấp Tân An và Tân Ðiền.

            Lúc này Ðại Tá Nghĩa và BCH nhẹ đã có mặt tại Tân An. Cùng lúc VC cũng rà kiếm được tầng số hoạt động của TÐ229 ÐP nên chỉ huy địch muốn nói chuyện với ông. Ðại ý cuộc đối thoại hôm đó của hai bên, mà tôi may mắn được nghe qua loa khuếch đại của máy PRC25 :

            - Xin chào anh, tôi là Ðại Tá Ngô Tấn Nghỉa, Tỉnh kiêm Tiểu Khu Bình Thuận, không biết đang được tiếp chuyện vói ai bên kia đầu dây ?
            - Bên kia có giọng người Nam trả lới “tôi là Mười, hiện là chỉ huy miền, có trách nhiệm tại vùng này”.
            Sau đó Ðại Tá Nghĩa đưa ra đề nghị với phía bên kia là phải rút quân ra khỏi vị trí đang cưỡng chiếm vì đã vi phạm tinh thần hiệp định Ba Lê tháng 1-1973 qua hành động công khai “dành dân lấn đất” của VNCH.
            Phía bên kia trả lời đề nghị của Ðại Tá Nghĩa, bằng luận điệu cố hữu nhai đi nhai lại cái điệp khúc tuyên truyền của đảng đã được phổ biến liên tục trên báo đài của chúng, nhằm bôi lộ bóp méo sự thật. Hắn còn nói “QLVNCH là công cụ của Mỹ, được đào tạo để đánh giặc mướn cho đế quốc”.
            Nhưng Ðại Tá Nghĩa đã đáp lại phía bên kia bằng những lời lẽ đanh thép, bác bỏ những vu khống một chiều của đich, chứng minh sự độc lập và tự do của quân đội cũng như chính quyền miền Nam, chứ không như sự lệ thuộc nô lệ của miền Bắc đối với quan thầy Nga-Tàu. Trước khi cúp máy, Ðại Tá Nghĩa đã gửi tới địch một tối hậu thư “phải rút quân ra khỏi phạm vi Ðồn Tân Nông vào lúc 1 giờ trưa cùng ngày. Nếu không, QLVNCH sẽ tấn công chiếm lại lãnh thổ đã bị lấn chiếm .“Sau đó Ðại Tá Nghĩa cho giải tỏa tần số hoạt động hiện hữu của TĐ229/ĐP để đich không còn lải nhải quấy phá các đơn vị trực thuộc đang hoạt động tại đây.

            Ðể đáp ứng với tình thế tại mặt trận này, Ðại Tá Nghĩa đã tăng cường thêm Chi Ðội 2/8 Thiết Vận Xa M113 do Ðại Uý Hóa chỉ huy, đặt dưới quyền điều động của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tiến, TÐT Tiểu Ðoàn 229 ÐP lúc bấy giờ với ba đại đội tác chiến 1,3,4 (Ðại Ðội 2/229 đang có mặt tại Tân Nông). Trung Ðội Vũ Khi Nặng của ÐÐCHYT/229 phòng thủ Ấp Tân An. Lúc đó kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ trưa ngày 27-1-1973.

            Rồi thì thời gian qui định của Ðại Tá Nghĩa cũng đến (1giờ) nhưng CS Bắc Việt vẫn ngoan cố ở lỳ tại chỗ. Do đó bên ta bắt buộc phải khai hỏa, TÐ229/ÐP với sự yểm trợ hỏa lực của Chi Ðoàn 2/8, mở cuộc tấn công vào các vị trí của địch. Một chiếc L19 xuất hiện trên bầu trời Ðồn Tân Nông, dùng loa khuếch đại yêu cầu bộ đội Bắc Việt phải rút khỏi vị trí đang chiếm đóng, thì được trả lời bằng những tràng phòng không từ dưới đất bắn lên. Lập tức 2 chiếc A-37 của Không Lực VNCH xuất hiện, trút xuống các vị trí của địch hằng loạt bom đủ loại. Trong đồn, phòng không của địch cũng bắn trả quyết liệt.

            Trong lúc đó Tiểu Ðoàn 229 ÐP và Thiết Vận Xa M113 càng lúc càng áp sát vào các vòng đai phía ngoài đồn Tân Nông. Cuộc giao tranh thật đẵm máu và dữ dội kéo dài hơn nửa giờ thì CS Bắc Việt chém vè, bỏ lại tại chỗ nhiều xác đồng bọn tại các đường giao thông hào, lùm cây nơi đặt các loại vũ khí cộng đồng. Bên ta tịch thu nhiều súng đạn, trong đó có hai khẩu cối 82 ly và 2 đại bác không giật 57ly. Trước khi rút quân ra khỏi vùng giao tranh, Ðại Tá Nghĩa ra lệnh san bằng Ðồn Tân Nông, để tránh địch trở lại chiếm đóng.

            Tại Tân An, VC mở cuộc tấn công vào Tiểu Ðội Tình Báo của Tiểu Ðoàn lúc đó đang nằm tiền đồn. Vì VC quá đông nên đơn vị này được lệnh rút lui bằng cách băng qua các cánh đồng lúa trống đã gặt xong. Phía sau địch vẫn mở cuộc truy sát để trả thù cho đồng bọn vừa bị hạ tại Tân Nông. Ðể tiếp cứu quân bạn đang lúc nguy khốn, ta phải dùng cối 82 ly cơ hữu bắn chận địch với khoảng cách hai bên không quá 20m. Cũng may các binh sĩ thuộc Tiểu Ðội Tình Báo đều là những quân nhân chuyên nghiệp, từ các binh chủng Nhảy Dù, BÐQ , LLÐB.. thuyên chuyển về. Vì vậy họ đã tìm đủ mọi cách rút lui an toàn tới vị trí của Ðại Ðội 3/229 vừa mới đến tăng viện. Trận đánh kết thúc không lâu sau đó, VC chém vè chạy vào rừng, ta lại tiến lên dẹp bỏ tất cả cờ máu mà địch vừa bày ra, qua cái gọi là thi hành “ hiệp định ngưng bắn”. Nhờ đó đồng bào lại được yên ổn làm ăn thêm một thời gian ngắn, cho tới ngày 19-4-1975 mới chịu cảnh nô lệ lầm than, khi Tỉnh/Tiểu Khu Bình Thuận không còn nữa.

Hoa Kỳ Ngày 27-4-2009
Cao Hoài Sơn

BẢO VỆ AN NINH LÃNH THỔ TUY PHONG
TRONG NGÀY THI HÀNH HIỆP ÐỊNH BA LÊ 27-1-1973
Mai Xuân Cúc


            Giữa tháng 12/1972 , Tiểu Ðoàn 248 ÐP của Thiếu Tá Lê Văn Trung được lệnh tăng phái cho Tiểu Khu Tuyên Ðức với trách nhiệm giữ an ninh vòng đai cho trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, trong dịp trường này tổ chức lễ mãn khóa cho các tân sĩ quan khóa 27.

            Nhân đó, Tiểu Khu Bình Thuận đã sắp xếp lại vùng hoạt động của các Tiểu Ðoàn ÐP và các Ðại Ðội/ ÐPQ Biệt lập tại các chi khu, nhằm mục đích bảo vệ an ninh lãnh thổ để đối phó với âm mưu của CS Bắc Việt, lợi dụng hiệp định Ba Lê có hiệu lực vào ngày 27-1-1973 để “dành dân lấn đất” .

            Tiểu Ðoàn 275 ÐP của Thiếu Tá Nguyễn Tư, từ Nam Bình Thuận được điều động tới thay thế vùng trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 248 ÐP. Bộ Chỉ Huy TÐ dóng tại cầu Ðại Hòa nằm trên QL1. Một Ðại Ðội bảo vệ cây cầu chiến lược tại Ðá Chẹt trên QL1, cùng với cây cầu thiết lộ sát bên nằm kế Dinh Cô, giữa ranh giới hai tỉnh Bình và Ninh Thuận. Một Ðại Ðội bảo vệ Ấp Vĩnh Hảo cũng nằm trên QL1. Một Ðại Ðội bảo vệ Ấp Tuy Tịnh (Việt) và Ðại Ðội còn lại bảo vệ BCH/Chi Khu Tuy Phong.

            Vài ngày trước khi hiệp định Ba Lê có hiệu lực, tình hình trong Chi Khu hoàn toàn yên tĩnh. Tuy vậy tất cả các lực lượng quân sự của ta tại đây vẫn sẵn sàng ứng chiến với lệnh cắm trại, cấm phép mọi cấp 100%. Sự giao thông trên QL1 từ Cầu Ðá Chẹt vào tới ranh giới quận Hoà Ða tại Duồn (Thượng Văn) vẫn thông suốt bình thường.

            Nhưng hiệp định vừa ký chưa ráo mực, thì ngay ngày có hiệu lực, một đơn vị VC bất thần tấn công vào Ðồn Vĩnh Hảo do một Ðại Ðội thuộc TÐ 275/ÐP trấn giữ. Một toán khác xâm nhập Trụ Sổ Ấp Vỉnh Hảo do Tiểu Ðội An Ninh Tình Báo dưới quyền chỉ huy của Trung Sĩ I Nguyễn Xì, vừa được Chi Khu tăng phái. Ðơn vị này đã phối hợp với lực lượng an ninh địa phương do ông Xã Trưởng Vĩnh Hảo là Nguyễn Văn Cẩm chống giữ và giao tranh với địch suốt nửa giờ thì VC chém vè mang theo xác đồng bọn. Bên ta, TSI Nguyễn Xì Tiểu Ðội Trưởng Tiểu Ðội Tình Báo CK Tuy Phong bị tử thương. Kế hoạch chiếm Ấp Vĩnh Hảo trên QL1 của CS Bắc Việt nhằm chia cắt Bình Thuận và khống chế sự giao thông đường bộ, đã bị bẻ gãy.

            Cũng trong đêm đó, địch đã tấn công vào Ấp Long Hải thuộc xã Liên Hương. Ấp này cách quận lỵ Tuy Phong khoảng 1 km đường chim bay, phía đông sát bờ biển, phía nam có những đồi cát lồi lõm chạy dài tới ranh giới xã Bình Thạnh (La Gàn) rất thuận tiện để VC ẩn núp và di chuyển. Dân địa phương chừng vài ngàn người, đa số theo đạo Thiên Chúa, hầu hết sống bằng nghề biển chỉ một số ít làm rẫy tại Xóm Quýt và Bầu Sầm. Ấp được một Trung Ðội Nghĩa Quân bảo vệ.

            Trong Ấp có một ngôi thánh đường do dân chúng xây dựng để mọi người tới làm lễ vào ngày chủ nhật và các dịp lễ tết. Nhà thờ nằm giữa một vườn dừa rộng khoảng 300m, phủ bóng mát khắp bốn bề suốt ngày, ở trên cao nhìn xuống không quan sát được bất kỳ thứ gì ngoài dừa.
Vừa mới tờ mờ sáng ngày 27-1-1973, dân chúng trong ấp bồng bế nhau chạy về hướng quận lỵ cho biết, tối qua VC đã lợi dụng thời gian hiệp đinh Ba Lê có hiệu lực, xâm nhập vào ấp, đào hầm để bố trí súng quanh rặng dừa, cũng như treo đầy cờ Mặt Trận GPMN .

            Ngay khi nhận được tin trên, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Xuân Quận kiêm Chi Khu Trưởng Tuy Phong, đem theo một Trung Ðội Nghĩa Quân của Trung Ðội Trưởng Nguyễn Mười Ninh và một Trung Ðội Cảnh Sát Dã Chiến được Tỉnh tăng phái từ nửa tháng trước, đến giải tỏa. Nhưng cánh quân này vừa tới bìa rừng dừa thì chạm súng ác liệt với địch đang cố thủ trong ấp, làm một CSDC tên Nguyễn Hợp trúng đạn tử thương. Hai bên cầm cự tại chỗ.

            Nhận thấy tình trạng vô cùng khẩn cấp nên Thiếu Tá Xuân ra lệnh cho tất cả các quân nhân cơ hữu tại Chi khu tới tiếp ứng. Trung sĩ I Lê Văn Trung, phụ tá Trương Ban 3 Chi Khu chỉ huy toán quân tiếp viện, di chuyển trên một xe Dodgre 4x4, vừa tới bìa rặng dừa thì chạm địch khiến ông cũng bị tử thương. Pháo binh cơ hữu của Chi Khu đã bắn đạn TOT (Time on target) từ trên cao ập xuống, nhắm vào các vị trí đặt súng và ẩn nắp của địch. Ðồng thời một Ðại Ðội thuộc Tiểu Ðoàn 275 ÐP cũng đã tới chiến trường. Cuộc giao tranh kéo dài tới tối thì VC lợi dụng bóng đêm để chém vè về hướng những đồi cát mất dạng.

            Sáng hôm sau quân ta tiến vào Ấp lục soát, tháo bỏ cờ VC, giúp đồng bào dọn dẹp những hư hại đổ nát, tình hình an ninh trong ấp được vãn hồi.

            Sự việc đã xảy ra hơn 36 năm vật đổi sao dời, nay hồi tưởng lại để càng thương nhớ những chiến sĩ Nghĩa Quân, Ðịa Phương Quân, CSDC, Cán Bộ XDNT và các viên chức xã ấp tại Bình Thuận.. đã anh dũng hy sinh đền nợ nước, bảo vệ an ninh và cuộc sống âm no cho đồng bào suốt 20 năm binh lửa. Giờ một số lớn anh em còn lại ở quê nhà, chịu sống lầm than cơ cực dưới sự áp bức của đảng CSVN. Nhưng dù gì chăng nữa, thì tinh thần hy sinh bất khuất đó, vĩnh viễn sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của chúng ta.

Viết tại Greensboro Hoa Kỳ
Tháng 4-2009


*** 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List