Trích
từ Tạp Chí Cách Mạng của Đại Việt Cách Mạng Đảng.
Ngày Lịch Sử Sang Trang
30-4-1975
Hà Thúc Ký
L.T.S: Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc Chương 1 trong cuốn
hồi ký "Sống Còn Với Dân Tộc" của ông Hà Thúc Ký do nhà sách Phương
Nghi xuất bản năm 2009.
Ngày 30-4-1975 là ngày lịch sử sang trang. Ðối
với miền Bắc, ngày ấy là ngày “đại thắng mùa Xuân”, là ngày “cách mạng thành
công”, là ngày vui chứng kiến cảnh “Mỹ cút Ngụy nhào”. Ðối với miền Nam, ngày
ấy là ngày buồn, ngày hận, là ngày nước mất nhà tan, là ngày bắt đầu cuộc đời
đau thương, tủi nhục, khổ cực, đọa đày, ngày đêm chan hòa mồ hôi và nước mắt.
Ðã ba mươi năm qua, quang cảnh ly loạn của đô thành Sài gòn ngày ấy như còn
lung linh ẩn hiện trước mắt tôi, tiếng người, tiếng xe, tiếng đạn pháo, tất cả
mọi thứ âm thanh hỗn loạn đó như còn vang dội nhức nhối trong tim tôi. Bởi vậy,
mở đầu tập hồi ký này, tôi muốn nhắc lại ngày ấy như nhắc đến một món nợ chưa
trả nổi. Ở vào cái ngày đen tối ấy, bản năng hoạt động của con người tôi, trong
tình huống đó, trở nên hoàn toàn bất lực, như đầu hàng trước thiên định!
Trước ngày 30-4, thấy tình hình mỗi ngày một
khẩn trương, tôi có vào Bộ Tổng tham mưu gặp nguyên Phó Tổng thống Nguyễn Cao
Kỳ. Ông Kỳ thổ lộ tâm sự: “Mỹ rút hết quân, bỏ rơi miền Nam, bây giờ không
còn làm gì được nữa.” Dù đã theo dõi tình hình, đã phần nào ý thức được
tình trạng khẩn trương của đất nước, nhưng khi nghe ông Kỳ nói vậy, tôi không
khỏi có tâm trạng bàng hoàng, chua xót. Mới mấy tuần lễ trước đây, khi một số
anh em đồng chí đến hỏi thăm về tình hình biến chuyển và tương lai chính trị
của miền Nam, tôi còn trấn an anh em là tình hình đất nước chưa đến nỗi nào,
tinh thần quân đội vẫn còn cao, không dễ gì một sớm một chiều mà mất miền Nam
được. Bản thân tôi được trời phú cho cái tính lạc quan, và sự lạc quan thiên
phú đó đã giúp cho tôi nhiều lần giữ vững tinh thần để vượt qua bao nỗi khó
khăn, dù đôi lúc cũng đã đưa đẩy tôi đến những bước đi lầm lỡ trong cuộc đời.
Bây giờ nghe ông Kỳ thốt lên lời tuyệt vọng như thế, tôi quả thấy lòng mình
hoang mang, tinh thần lạc quan thiên phú trong tôi bất chợt chùng xuống, nhường
chỗ cho cái tâm trạng chua xót tiến thoái lưỡng nan, phân vân với sự giằng co
trong quyết định phải ra đi hay nên ở lại. Thật ra thì lúc bấy giờ tôi còn đủ
thời giờ để có thể liên lạc được với mấy người bạn Mỹ ở tòa Ðại sứ để nhờ họ
thu xếp phương tiện ra đi, nhưng tôi không muốn ra đi một mình như vậy. Mình thoát
ra khỏi nơi dầu sôi lửa bỏng, nhưng còn anh em đồng chí, còn quần chúng đồng
bào, số phận họ sẽ ra sao? Nhớ lại mới ngày nào, biết bao nhiêu anh chị em đồng
chí của tôi đã tận tụy hy sinh ngày giờ, tiền bạc, mồ hôi và cả xương máu cho
các công tác đảng vụ, tuân thủ sự chỉ đạo của tôi mà phục vụ lý tưởng vì quyền
lợi quốc gia và phúc lợi dân tộc. Rồi nghĩ tới hàng vạn đồng bào đã rầm rập
xuống đường, từ Trị Thiên, Quảng Tín đến Tây Ninh, Sóc Trăng, biểu tình ủng hộ
Tuyên ngôn 9 điểm tôi đưa ra để đòi hỏi chính quyền đương thời cải cách chế độ,
thực thi dân chủ.
Cũng như nhớ lại những ngày năm xưa trên lộ trình tranh cử
cùng đi chung với các liên danh khác, có mặt tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy
ban Hành pháp Trung ương, tại sân bay Phú Bài, tôi đã được anh chị em sinh viên
đón tiếp rầm rộ và rước về Huế với cả đoàn xe gắn máy dài dằng dặc, tiếng máy
nổ rền vang một góc trời. Rồi tại sân trường Ðồng Khánh, nơi các ứng cử viên
Tổng thống trả lời các câu chất vấn của đồng bào, quần chúng cử tri đã hoan hô tôi
nồng nhiệt làm bẽ mặt nhà chức trách sở tại trước sự chứng kiến của người đứng
đầu Ủy ban Hành pháp Trung ương. Thế mà bây giờ gặp cơn nguy biến, lẽ nào tôi
lại một mình lo chuyện thoát thân?
Cho dù công luận rồi cũng lãng quên nhưng tự
thân tôi không thể tha thứ cho hành trạng vô trách nhiệm của mình. Huống chi
giang sơn vẫn còn một nửa, quân đội ở vùng IV chiến thuật vẫn còn nguyên. Vận
mạng đất nước, tương lai dân tộc còn ở trong tay mình, tình hình dù có khẩn
trương cũng chưa đến nỗi tuyệt vọng.
Nào ngờ ... đến ngày 21-4-1975, Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu từ chức, bàn giao chức vụ Tổng thống cho Phó Tổng thống Trần
Văn Hương, theo quy định của Hiến Pháp. Tình hình biến chuyển dồn dập. Tổng
thống mới nhậm chức Trần Văn Hương, chưa làm được việc gì đã bị áp lực từ nhiều
phía, đành trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh vào chiều ngày 28-4-1975. Sự
kiện này là một chuyện bất thường. Theo đúng tinh thần Hiến Pháp 1-4-1967, nếu Tổng
thống Trần Văn Hương mệnh một hay từ chức, chức vụ Tổng thống sẽ về tay Chủ
tịch Thượng viện Trần Văn Lắm. Tướng chủ bại họ Dương được tấn phong Tổng thống
sau một buổi họp đặc biệt của Quốc hội tại dinh Ðộc Lập, trong lúc bên ngoài
trời đất mịt mù, mưa to gió lớn. Tướng Dương Văn Minh và đám tay chân bộ hạ chủ
trương hòa hợp hòa giải cùng với mấy tên Cộng sản nằm vùng ra tuyên cáo đòi Mỹ
triệt thoái toàn bộ nhân viên quân sự và dân sự ra khỏi Việt nam, đồng thời sở
cậy nhà sư chính khách Thích Trí Quang làm trung gian thương thuyết với Cộng
sản Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam.
Tình hình biến chuyển theo chiều
hướng như vậy thực sự đã ra ngoài dự đoán của tôi. Lại thêm những người có
trách nhiệm chính yếu trong sự quyết định “còn mất” của miền Nam đều đã bỏ nước
ra đi ngoại trừ Tổng thống (mới nhậm chức 7 ngày) Trần Văn Hương. Lại thêm một
số tướng lãnh cũng đã chạy trước ... thì quân đội ở tiền tuyến dù anh dũng đến
đâu cũng không còn tinh thần để chiến đấu khi không còn hậu thuẫn ở hậu phương,
hậu thuẫn chính trị lại mất hậu thuẫn đồng minh đã đưa đến tình trạng tan hàng
rã ngũ vô phương cứu vãn. Như vậy còn hy vọng gì để lật lại thế cờ!
Tình trạng của người dân lúc bấy giờ là tự lo,
tự liệu. Trước tình huống đó, ở vào cái thế của tôi lúc bấy giờ, tôi không thể
ở lại Thủ đô mà phải tính kế thoát thân để khỏi sa vào tay Cộng sản, nhưng chưa
biết đi đâu và đi bằng cách nào.
Sáng ngày 30-4-1975, Sài gòn vẫn đang ở trong
tình trạng thiết quân luật, nhưng đường phố ồn ào náo loạn, tràn ngập dân chúng
chạy ngược chạy xuôi, tìm đường lo thoát lấy thân, bất chấp lệnh lạc. Ðiện
thoại nhà tôi bị trục trặc đã mấy hôm nay, tôi chẳng còn liên lạc được với ai,
gọi đi không được đã đành mà có ai gọi tới thì chuông có reo đâu mà biết. Xe
nhà thì hết xăng, muốn đi đâu cũng đành chịu. Ðang lúc bồn chồn lo lắng, đứng
ngồi không yên, bỗng dưng vào khoảng 8 giờ sáng, chuông ngoài cổng reo, người
nhà vào báo có Trung úy Lê Hữu Dinh đến. Dinh là một đồng chí trẻ tuổi của tôi.
Bước vào nhà, trông thấy tôi, Dinh vội vàng kêu lên: “Anh ơi, đến giờ này mà
anh còn ngồi đây sao? Quân Bắc Việt đã đánh tới Biên Hòa rồi, anh quyết định
gấp đi, muốn đi đâu em chở anh đi.” Nghe Dinh thúc giục, tôi lặng lẽ vào
phòng ngủ lấy cái túi vải đựng ít quần áo và các thứ cần dùng lặt vặt mà nhà
tôi đã chuẩn bị sẵn, rồi vội vàng lên ngồi đằng sau yên xe Vespa của Dinh. Tôi
bảo Dinh chở tôi đến Tổng nha Cảnh sát tìm gặp anh Bảo Trọng, Giám đốc Cảnh sát
Nha Trang thời ấy và hiện đang có mặt ở Tổng nha vì lý do công vụ.
Tôi chủ tâm
tìm gặp anh Bảo Trọng là để rủ anh cùng chạy xuống vùng IV chiến thuật rồi mọi
chuyện kế tiếp sẽ tính sau. Nhưng khổ nỗi là tất cả các nẻo đường đi về Tổng
nha đều bị hàng rào kẽm gai ngăn chận, chúng tôi không thể vượt qua để vào
được. Dinh nói: “Bây giờ anh tính đi đâu nữa em chở anh đến đó rồi em còn
phải về để lo cho gia đình em.” Tôi bèn nhờ Dinh chở đến nhà bà chị tôi ở
gần đường Cao Bá Nhạ. Dinh đưa tôi đến đó rồi chúng tôi chia tay nhau từ đấy.
Tôi để lại hành trang tại nhà chị tôi, rồi đi bộ đến nhà một người quen ở đường
Trần Hưng Ðạo là nhà Trung tá Dung, định bụng để nhờ điện thoại gọi về nhà báo
cho biết tôi đang ở đâu để gia đình khỏi lo lắng.
Ðến nhà anh Dung, tình cờ tôi gặp anh chị Nguyễn
Danh Ðàn. Anh Nguyễn Danh Ðàn là thứ trưởng Bộ Giáo dục thời Bác sĩ Nguyễn Lưu
Viên làm Tổng trưởng. Anh chị Ðàn, mỗi người mang trên vai một túi xắc, như
loại xắc của Hướng đạo. Tôi hỏi: “Anh chị đi đâu mà gọn ghẽ hành trang như thế?”
Chị Ðàn trả lời: “Thế anh chưa biết ông Dương Văn Minh vừa đầu hàng giặc hay
sao?” Tôi nói: “Tôi đi từ sáng tới giờ có hay biết gì đâu!” Chị Ðàn
vồn vã: “Có tàu Trường Xuân, tôi quen với chủ tàu, anh có muốn đi thì đi với
chúng tôi.” Thực tình mà nói, lúc bấy giờ nghe chị Ðàn nói vậy, tôi lâm vào
tâm trạng phân vân, “dùng dằng nửa ở nửa đi”... Mấy phút trước đây, từ nhà chị
tôi đến đây định bụng gọi nhờ điện thoại, tôi nghĩ là gọi cầu may chứ chưa chắc
đã liên lạc được vì điện thoại nhà tôi bị trục trặc từ mấy hôm nay rồi. Nay
nhấc điện thoại gọi về nhà, lòng tôi lo âu, pha lẫn buồn phiền, nghĩ rằng nếu
không gọi được thì đành phải từ biệt quê hương, vợ con.
Tôi gọi đến 5, 6 lần
không được mà thời giờ thì cấp bách, tôi cố gọi thêm một lần cuối, may sao
chuông điện thoại reo, nghe tiếng nhà tôi ở đầu dây, tôi vội vàng nói: “Có tàu
đi, trong vòng một tiếng, mấy mẹ con phải gấp rút có mặt tại nhà anh Dung để
kịp xuống tàu.” Nhà tôi và ba đứa con đến kịp lúc. Nhà tôi mừng rỡ kể lại
cho hay rằng chú tài xế của tôi đến nhà vừa lúc tôi gọi điện thoại về. Mấy ngày
trước đó, chú vắng mặt không đến được vì thành phố thiết quân luật, nhưng hôm
nay thiên hạ loạn cả lên, đổ xô ra đường bất chấp lệnh lạc, nên chú thừa cơ chạy
đến nhà xem tôi có gì cần giúp. Vừa lúc tôi gọi điện thoại về gọi cả nhà gấp
rút đến điểm hẹn, nhưng xe hơi cạn xăng không xử dụng được, chú bèn đèo hai đứa
con tôi trên xe gắn máy, còn đứa con gái lớn thì chở nhà tôi trên xe mobylette.
Thế là gia đình tôi và chú tài, cùng với anh chị Nguyễn Danh Ðàn, tất cả tám
mạng người, ngồi như nêm trên chiếc xe nhỏ của anh chị Ðàn, lên đường ra bến
tàu Khánh hội.
Trên đường ra bến tàu, đường sá vô trật tự, xe cộ ngổn ngang, đó
đây tụ tập vô số kẻ vô lại thừa cơ hôi của, cướp giật ... Trước mắt tôi một
quangcảnh hỗn loạn, đau lòng đang diễn ra: dân chúng đầy đường, chạy xuôi, chạy
ngược, mặt mày hốc hác phờ phạc, hớt hơ hớt hải, chồn dắt vợ, mẹ bế con, tay
xách nách mang, vừa đi vừa chạy, ai nấy đều lo tìm phương lánh nạn, lánh đi đâu
chưa biết, chạy về hướng nào cũng chưa hay, miễn sao thoát lấy thân trước khi
đất nước rơi vào tay Cộng sản. Từ đường Trần Hưng Ðạo ra bến tàu, con đường
không xa nhưng lắm trở ngại, lại qua mấy lần bị cướp chận xe, may mà chị Ðàn đã
chuẩn bị sẵn tiền mãi lộ, nên mấy bận đều thoát khỏi, cuối cùng chúng tôi cũng
đến được bến tàu an toàn. Tôi ngậm ngùi chia tay với người tài xế, thầy trò đều
nghẹn ngào từ biệt nhau.
Tàu Trường Xuân đậu ngoài xa, cách bờ độ nửa cây
số. Thật may mắn cho chúng tôi, vừa lúc đó có một chiếc ca nô đậu sát bờ, bằng
lòng chở chúng tôi ra tận tàu với số thù lao đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Lúc
mới xuống ca nô, chúng tôi đoán chỉ độ vài chục người trên tàu, nhưng khi lên
boong tàu mới thấy cả một rừng người trông mà phát ngợp! Về sau này, tôi được
biết số người đi trên tàu Trường Xuân ngày ấy vào khoảng trên dưới bốn nghìn.
Tàu nhổ neo vào khoảng hai, ba giờ chiều. Thuyền trưởng tàu Trường Xuân là ông
Phạm Ngọc Lũy. Tàu lướt chầm chậm trên sông, đi qua vùng ven đô vừa lúc bóng
chiều buông xuống, rồi trôi xuôi về hướng biển trong màn đêm mịt mùng. Tảng
sáng ngày 1-5-1975, tàu Trường Xuân đi qua Vũng Tàu. Rất may mắn là tàu chúng
tôi đã đi qua trót lọt. Phải chăng vì quân đội miền Bắc chưa kiểm soát được
toàn bộ vùng duyên hải, hoặc giả cán bộ Việt cộng còn bận bịu với việc ăn mừng
chiến thắng nên lỏng lẻo việc canh phòng. Dù sao thì tàu của chúng tôi cũng ra
được tới hải phận quốc tế. Ngày kế tiếp, tàu Trường Xuân bị trục trặc máy móc.
Thuyền trưởng mấy lần gởi điện cầu cứu, cuối cùng nhờ phúc lớn của bốn nghìn
con người trên tàu nên đã được chiếc tàu buôn Maersk của Ðan Mạch đến cứu.
Chiếc tàu buôn Ðan Mạch này đang trên đường đến hải cảng Hồng Kông. May mắn cho
chúng tôi là lúc bấy giờ Nữ Hoàng Anh đang viếng thăm Hồng Kông nên chúng tôi
được nhanh chóng cho phép tỵ nạn tại đây. Chúng tôi được thủy thủ đoàn tàu buôn
Ðan Mạch đưa lên tạm nghỉ trên boong và cấp thời tiếp tế thức ăn nước uống. Ðám
người lánh nạn kẻ nằm người ngồi la liệt trên boong tàu, trên là trời, dưới là
bể, bốn bề gió thổi lồng lộng, người nào người nấy bơ phờ, tả tơi, thật không
có cảnh tượng nào trông thương tâm bằng.
Gia đình tôi quây quần ở một góc. Mấy
ngày đêm ngồi thức trắng trên tàu Trường Xuân, bị đói bị khát, nay được lên
trên tàu Maersk rộng lớn, có chỗ ngã lưng, mọi người nằm xuống là lăn ra ngủ
như chết. Hành trang tôi chẳng có gì, ngoài một số giấy tờ tùy thân. Khi ngủ
say, giá có ai muốn lấy cũng dễ, nên sáng ngày hôm sau, tôi đem mớ giấy tờ đó
thả hết xuống biển, vì trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, tôi không muốn ai biết đến
danh tánh của tôi. Nhìn mớ giấy tờ theo dòng nước cuốn đi mà chạnh nghĩ đến
thân phận mấy nghìn người tỵ nạn trên tàu này, trong đó có gia đình tôi, rồi
đây không biết sẽ trôi giạt về đâu!
Thế rồi tàu cập bến Hồng Kông. Ðám dân tỵ nạn
chúng tôi được đưa vào các trại tiếp nhận. Nữ Hoàng Anh đã giúp 25.000 bảng Anh
cho dân tỵ nạn, và về sau còn tiếp tục giúp đỡ nhiều lần nữa. Gia đình chúng
tôi được phân phối vào trại SaiKung là một trại lính thuộc vùng Kaoloon. Chúng
tôi ở đấy khoảng chừng ba tháng. Ðến đầu tháng 8-1975, mấy đứa con lớn của
chúng tôi đang du học ở Mỹ làm thủ tục bảo lãnh chúng tôi sang định cư ở Hoa
Kỳ. Bắt đầu từ đây, chúng tôi sống một cuộc đời mới, cuộc đời người Việt lưu
vong, cuộc đời những người Việt nam tỵ nạn Cộng sản.
Từ ngày rời xa quê cha đất tổ đến nay thấm thoát
đã gần ba mươi năm, nay viết chương mở đầu này, đưa hồi ức lui về những ngày
hoảng loạn của tháng tư đen năm ấy, trước hết tôi xin đốt nén hương lòng để
tưởng nhớ những người ra đi mong tìm đất sống nhưng không may đã phải vùi thây
trong gió bão biển khơi hoặc bỏ thân vì nạn hải tặc. Sau nữa, tôi muốn san sẻ
nỗi niềm đau thương, chua xót, với những kẻ ở vào cái thế chẳng đặng đừng phải
bỏ nước ra đi, nhưng ra đi không trót lọt, bị kẹt lại ở quê nhà, để phải cắn
răng chịu đựng một cuộc sống đắng cay, tủi nhục, tù tội, đọa đày. Tôi cũng muốn
ký thác nơi chương mở đầu này mấy dòng cảm nghĩ chân thành phát xuất từ đáy tâm
tư để ngợi khen sự thủy chung của các đồng chí, sau khi thoát khỏi ngục tù cải
tạo Cộng sản, liền tìm về với đảng, tinh thần bất khuất vẫn không sa sút. Tôi
cũng xin cảm tạ đồng bào đã từng ủng hộ tôi trên con đường dài đấu tranh cho
Ðộc Lập Tự Do của quê hương đất nước.
Ba mươi năm qua, lòng tôi canh cánh với món nợ
này chưa trả nổi. Tự thân tự xét dù tôi có tận tụy đến đâu cũng chưa thể đền
đáp một phần nhỏ so với sự chịu đựng khốn khổ của đồng chí, của đồng bào dưới
chế độ Cộng sản.
Sống trên đất nước người từ bấy cho đến nay
(2003) và khi viết tới mấy dòng này, tôi đã ở vào tuổi 83 – tấm thân dù đã có
mỏi – vẫn cố gắng đeo đuổi công việc để khỏi phụ lòng đồng chí và đồng bào.
Nơi chương mở đầu này, tôi sở dĩ nhắc đến ngày
30-4-1975 là để cảm thông nỗi lòng của những kẻ đã bỏ nước ra đi cũng như những
người còn kẹt lại và đó là niềm đau xót chung của kẻ ở người đi!
Ngày 23 tháng 3 năm
1975 Xuân Lộc thất thủ
Tại Lâm Đồng , Long
Khánh
Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
http://dtphorum.com/pr4/showthread.php?1363-Mi%E1%BB%81n-Nam-Vi%E1%BB%87t-Nam-trong-nh%E1%BB%AFng-ng%C3%A0y-g%E1%BA%A7n-30-4-1975http://dtphorum.com/pr4/showthread.php?1363-Mi%E1%BB%81n-Nam-Vi%E1%BB%87t-Nam-trong-nh%E1%BB%AFng-ng%C3%A0y-g%E1%BA%A7n-30-4-1975
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết