QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, November 6, 2013

Thiếu Tướng NGUYỄN NGỌC LOAN Và Huế trong Mậu Thân 1968.



 

Thiếu Tướng NGUYỄN NGỌC LOAN Và Huế trong Mậu Thân 1968.

Liên Thành

       LTS: Người ta gọi ông là Thiếu Tướng Tổng Giám Đốc, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, sau đổi là Thiếu Tướng Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.  Ông còn đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng khác nữa là Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội và Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo......
       Nhưng những người quen biết ít khi gọi theo cấp bậc và chức vụ của ông.  Họ gọi ông một cách thân thương, ngắn gọn là "Sáu Lèo", tùy theo tư thế của mỗi cá nhân mà thêm tiếng ông hay anh phía trước.  Chúng tôi không rõ lý do tại sao mà ông có tên Sáu Lèo, chỉ biết rằng số người gọi ông bằng hỗn danh này nhiều hơn những người gọi ông theo cấp bậc, chức vụ.
 Thiếu Tướng Loan       Gọi Thiếu Tướng Tư Lệnh hay ông Sáu Lèo cũng chẳng có gì khác nhau - Người người đều hình dung ra ngay một ông Tướng... lè phè - Khi thì áo bỏ ngoài quần, khi thì mặc bộ combinaison không ủi và tứ thời bát tiết mang đôi dép lẹp xẹp...
       Có một điều rất đặc biệt về Tướng Loan, là bạn đừng thấy bề ngoài của ông như vậy mà nghĩ rằng ông là người "qua loa chủ nghĩa", rồi từ đó làm việc "tàn tàn". Như vậy là... tới số với ông ta đấy!
       Con người ông bề ngoài thấy xuề xòa, nhưng trong đó là một trái tim nồng cháy, luôn nhiệt tình với công vụ và chứa chan tình cảm với đồng đội, đồng bào...  Khi tuyến đầu đụng giặc thì chiến đấu can đảm, luôn đi hàng đầu làm gương cho thuộc cấp.  Lúc ở hậu phương thì đầy lòng nhân ái, coi anh em đồng đội như người thân trong gia đình.  Bài viết dưới đây của tác giả Liên Thành mà kỳ này chúng tôi giới thiệu với quý vị sẽ nói lên điều đó.
       Những người thân cận với ông còn cho biết, ông là người rất nhạy cảm và mau... nước mắt.  Họ đã từng thấy ông đổ lệ trước những đau thương của đồng bào và chiến hữu thuộc cấp.  Ông không thể là người xấu, không thể là người sắt máu, vô tình.
       Việc ông xử tử tại chỗ một đặc công cộng sản, rõ ràng "thập mục sở thị".  Trước ống kính của các phóng viên trong và ngoài nước, tất nhiên phải có nguyên do của nó...  Nguyên do đó đơn giản thôi, vì y chính là quỷ đỏ khát máu, y đã sát hại dã man nhiều đàn bà, trẻ con, thân nhân của những quân nhân, cảnh sát, trong trại gia binh, những người chân yếu tay mềm, không một tấc sắt tự vệ.  Tội lỗi của y lãnh án tử hình là phải - Mà đúng ra theo kiểu nói của dân gian ta, thì tội như y, chết một lần chắc chắn chưa đủ.
       Mời quý vị đọc một trích đoạn trong bài "Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa" của tác giả Cao Hồng Lê:
      " .... Sau khi đến thăm một số nhà binh sĩ có người bị Vc giết, nhiều xác người chưa được mang đi, còn quàn tại chỗ, Tướng Loan nói ông có người bạn cùng khóa là Đại Tá Tuấn, binh chủng Thiết Giáp, đã giải ngũ nhưng không có nhà riêng ngoài thành phố, nên cả gia đình vẫn ở trong Trại gia Binh này.  Ông bảo ông Trung Úy Thiết Giáp đưa ông đến nhà Đại Tá Tuấn.  Tôi đi theo đến một hầm trú ẩn.  Hầm này vốn là cái xác của chiếc xe M.113 đã phế thải, Đại Tá Tuấn xin về đặt bên cạnh nhà, đắp thêm bao cát bên ngoài, cho vợ con ông làm hầm tránh pháo kích của bọn Vc.
       Khi mở cửa hầm ra thì... tôi rởn tóc gáy trước cảnh tôi nhìn thấy: Cả gia đình Đại Tá Tuấn vẫn còn nằm trong hầm.  Máu ngập cao cả chục phân tây, kín cả cái sàn xe thiết vận xa phế thải.  Trong vũng máu là 8 xác chết, đủ cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, người nào cũng bị chém đầu lìa khỏi cổ.  Cả đến đứa cháu ngoại, mới 3 tuổi của Đại tá Tuấn về ăn Tết với ông ngoại cũng bị Vc chặt đầu.
       Tướng NN Loan đứng nhìn thảm cảnh, ông lặng người không nói được lời nào!  Rồi ông đứng nghiêm, giơ tay chào vĩnh biệt gia đình Đại Tá Tuấn.
       Trên trực thăng bay trở về Bộ Tổng Tham Mưu, Tướng Loan mặt tái xám, hai mắt ông đỏ ngầu.  Ông chỉ nói một câu mà đến nay gần 40 năm, tôi còn nhớ:
       - Đ... Cụ thằng nào từ nay bắt được Việt cộng còn cho nó làm tù binh?
       (Trích "Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa" của Cao Hồng Lê-Con Ong, Houston, Texas - Số 179/tháng 2-2006.)
       Ngôn từ kiểu này đúng là của ông - Khi vui, khi buồn gì, ông cũng thường mở đầu bằng câu nói ấy - Ông đã dặn lòng như vậy rồi, nên ông không muốn có tên tù binh đã gây muôn vàn tội ác như tên Nguyễn văn Lém - Gia đình Đại Tá Tuấn, bạn ông, và những thân nhân binh sĩ, cảnh sát, bị giết hại trong trại gia binh không muốn, và chính những người cùng chung chiến tuyến với ông, chắc cũng không muốn như vậy...
       Ông đã làm một việc phải làm, dù sau này ông bị cả phe địch lẫn phe đồng minh phản chiến lên án, bêu xấu, thậm chí còn muốn triệt hạ, đạp ông xuống tận bùn đen nữa.
      Nhưng ông vẫn vững vàng, vì ông nghĩ việc ông làm là đúng, ông không thẹn với lương tâm - Ông can đảm đối diện mọi người, cả bạn lẫn thù, không oán than, không trách móc và cũng chẳng biện minh.
       Khi dư luận được giải tỏa, mọi người đã thay đổi thái độ đối với ông, vì họ đã nhìn ra sự thật, thì chính ông cũng vẫn cảm thấy... bình thường.
       Con người của ông là vậy, ông đã từng dặn dò thuộc cấp:
       "Họ nói gì thì kệ họ, trách nhiệm và bổn phận của mình, mình phải làm"
       Lòng ông vằng vặc như gương.  Lúc còn tại thế ông chẳng ngại những lời đàm tiếu, thì khi đã thênh thang nơi miền cực lạc, ông cần gì đến những lời khen.
       Vì kính trọng một cấp chỉ huy tài đức của Quân Đội VNCH, một người được coi như nhân vật lịch sử, trong giai đoạn chống cộng của nhân dân miền Nam Việt Nam, tác giả Liên Thành và chúng tôi chỉ làm công việc góp nhặt những giai thoại về Tướng Nguyễn Ngọc Loan, ghi lại để sau này những thế hệ kế tiếp muốn tìm hiểu còn có chút tài liệu mà nghiên cứu.
       Một điều chúng tôi muốn thưa cùng quý vị - Chắc quý vị cũng đồng ý với chúng tôi là với tinh thần, tư cách, đức độ của Tướng Nguyễn Ngọc Loan như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sau năm vị Tướng tuẫn tiết ngày 30-4-75 - Ông là người xứng đáng nhất với câu: "Sinh vi Tướng, tử vi Thần".  Tập San BĐQ Có quá nhiều kỷ niệm về Huế trong tôi.  Tạ từ Huế đã lâu, lâu lắm rồi.... từ dạo quê hương bắt đầu chìm trong thảm họa.  Hơn ba mươi ba năm, chưa một lần nào về thăm cảnh cũ người xưa, tìm lại những dấu vết thời gian của một Huế ngày tháng cũ.
       Nam Cali, vùng San Bernardino, nơi xứ lạ quê người, mùa này cuối năm, buổi sáng trời trở lạnh, sương mù mênh mông, mờ ảo, gợi nhớ những kỷ niệm Huế vào những ngày cuối năm, cũng sương mù dày đặc chắn lối đi. Hình ảnh những người đàn bà Huế với chiếc áo dài, khi ẩn, khi hiện trong sương sớm, quẩy đôi thúng cá, nặng trĩu đong đưa trên vai từ Chợ Dinh qua cầu Gia Hội, Chợ Nọ qua cầu Tràng Tiền đến chợ Đông Ba. Hay những gánh cơm hến từ vùng Cồn Hến băng qua Đập Đá lên đường Hàng Me, rồi thì nồi bún trâu từ lò trâu Vân Dương lên vùng An Cựu thơm lạ lùng và quyến rũ trong sương sớm. Ai đã là dân Huế mà chưa một lần ăn bún trâu Vân Dương thì quả là một thiếu sót lớn.
       Giờ này, thời gian cuối năm cũng đã gần kề.  Từ chốn xa xôi biền biệt, chợt thấy nhớ quê hương, nhớ Huế một cách lạ lùng, nhớ da diết... nhớ lại những ngày cận Tết của năm 1968 tại Huế.  Từ ngữ Mậu Thân 1968, tất cả đều làm cho người ta nhớ đến Huế.  HUẾ, MẬU THÂN, 68, đã vĩnh viễn đi vào lịch sử với nỗi hãi hùng kinh sợ....  Đã hơn bốn mươi năm trôi qua vậy mà vết thương Mậu Thân như vẫn còn đau đớn trong lòng, cứ mỗi độ đông sang, vết thương lại tái phát, lại đau nhức trở lại, nhất là thế hệ chúng tôi, những kẻ suốt nửa cuộc đời tuổi trẻ sống trọn và dâng hiến cho "cầu Tràng tiền sáu vài mười hai nhịp", cho "sông An cựu nắng đục mưa trong", cho "tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương", và cho những ngày mưa bụi dăng đầy từ Văn Thánh, Thiên Mụ, xuống Kim Long về Bạch Hổ, qua Hoàng Cung của một thời: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo".  Mưa bụi mờ nhạt trên giòng sông Hương trôi về Đập Đá, Vỹ Dạ, dòng sông âm thầm lặng lẽ, như đời người dân Huế chịu đựng bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu nghịch cảnh của một thời chính chiến, tao loạn.
       Và khi đã ở lính, được phép về Huế, bất chợt đi ngang qua trường Đồng Khánh, ngang bến đò Thừa Phủ vào buổi chiều tan học khi mà "Áo em trắng quá nhìn không ra", nhìn theo mà lòng ngẩn ngơ buồn.

Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương em mà em đâu có hay
                   (Thơ Quang Dũng)

Phản chiến Mỹ       Đó là Huế yêu dấu ngàn đời.  Một nửa quãng đời tôi sống và lớn lên tại Huế, bây giờ tháng năm xa cách, thật nhớ khôn nguôi.        Nhớ lại Mậu Thân 1968, sau 22 ngày bị VC chiếm giữ, đến ngày thứ 26 Huế hoàn toàn được cứu thoát khỏi cơn tai biến do chính QLVNCH, xin tạ ơn các anh, người lính VNCH.
       Thế nhưng sau tai ương thảm khốc đó, Huế còn lại gì?
       Thân thuộc gia đình, bạn xa, bạn gần, hàng xóm láng giềng gần, xa, bao nhiêu mất mát chia lìa, bao nhiêu tống biệt, bao nhiêu ngậm ngùi xót xa, Huế đều nhận lãnh sau ngày đó.
       Sau Mậu Thân Huế chẳng còn gì, có còn chăng là những đổ vỡ điêu tàn trong lòng người và trong lòng cố đô Huế.
       Việt Cộng tràn vào Huế khuya ngày mồng một rạng ngày mồng hai Tết Mậu Thân.  Sau 22 ngày tàn sát dân Huế và gây tang tóc, điêu linh, đổ nát cho Huế, bọn chúng bắt đầu chạy trốn khỏi Huế vào khuya ngày 22/2/1968, khi bị QLVNCH tấn công và đẩy bọn chúng ra khỏi Huế, để lại cho Huế những đau thương cùng cực với 5327 nạn nhân mà chúng đã hạ sát và 1200 người mất tích không còn dấu vết tìm kiếm.  Huế còn lại điêu tàn đổ nát, thành phố đầy rẫy xác người.  Từ đường Lê Lợi, đến đường Nguyễn Huệ, trường Thiên Hựu, vùng Dòng Chúa Cứu Thế kéo về đường Duy Tân, qua đường Lý Thường Kiệt, Trần Cao Vân.  Khu toà Đại Biểu, khu toà Hành Chánh Tỉnh, bệnh viện Trung ương Huế, khu Bưu Điện, Ngân Khố, bị tàn phá nặng nề, đâu đâu cũng thấy xác người, ngay vệ đường, trong lùm cây bụi cỏ, xác người đã sình thối và bắt đầu rữa nát.
       Dòng sông An Cựu "nắng đục mưa trong" có 6 cây cầu bắc ngang.  Cầu An Cựu nối liền quốc lộ I ra Tỉnh Quảng Trị đã bị phá sập hoàn toàn.  Cầu Kho Rèn, cầu Phủ cam, Cầu Bến Ngự.  Ba cây cầu này loang lổ vết đạn pháo binh, đã hư hại đến hơn 70%, không thể xử dụng được nữa.  Duy chỉ còn cầu Nam Giao nối thành phố lên vùng Từ Đàm Nam Giao, và cầu Ga, nối thành phố lên ga tàu lửa Huế Đà Nẵng, Huế Quảng Trị tương đối còn có thể xử dụng được.  Và cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp ngay giưã lòng thành phố Huế chỉ còn lại năm vài, một đầu vài kia đã chìm xuống dưới dòng sông lạnh....
      Khu Quận 2, trung tâm thương mại Huế lại càng điêu tàn và tang thương hơn.  Dãy phố nối dài từ bến xe Nguyễn Hoàng xuống đến đường Trần Hưng Đạo, qua đường Phan Bội Châu, đường Hàng Bè, đến khu Gia Hội đường Chi Lăng, khu Trung Bộ, đường Bạch Đằng, đến tận trường trung học Gia Hội, qua khu Bãi Dâu.  Nhiều cửa tiệm đã xập đổ, nhiều cửa hàng có đến hằng ngàn vết đạn, và đầy những xác người và những mồ chôn tập thể.
       Trở vào quận I thành nội Huế, nơi đây trong 22 ngày trận chiến nặng nề nhất, cộng quân đã bị đã bị Quân lực VNCH vây chặt, bọn chúng không còn đường rút lui nên cố phá vòng vây của TQLC Việt Nam Cộng Hòa, Nhảy Dù, Sư Đoàn I BB. T rận chiến cam go và ác liệt, kéo dài nhiều ngày.
       Thành nội Huế với những cửa thành: Thượng Tứ, Chánh Tây, Đông Ba, Cửa Trài, khu Kỳ Đài tất cả đều bị tàn phá, sụp đổ nặng nề, có nơi không còn viên gạch nào chồng lên viên nào.  Khu vực Tây Linh, Tây Lộc, đường Hòa Bình, Đinh Bộ Lĩnh cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba tất cả điêu tàn sụp đổ, xác người đã sinh thối.  Tang thương và đau đớn nhất là khu vực Đại Nội, Tử Cấm Thành, một di tích lịch sử của triều đại nhà Nguyễn đã bị phá hủy nặng nề.
      Đã hơn 150 năm trước, trong triều đại Vua Minh Mạng Bà Huyện Thanh Quang hoài vọng nhà Lê đã viết trong bài 'Thăng Long hoài cổ':

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.

       Thì năm 1968 cố đô Huế, Đại Nội, Tử Cấm Thành còn điêu tàn khủng khiếp, rùng rợn hơn Thăng Long ngày xưa ngàn lần.  Và trong những ngày kinh hoàng cơ cực của năm Mậu Thân 1968, dân chúng Huế đã tỵ nạn trên chính ngay thành phố Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.  Tất cả các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Kiểu Mẫu, Lê Lợi, Thiên Hựu, Thượng Tứ, Hàm Nghi, Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phủ Cam đã là những trại tỵ nạn.  Hằng ngàn người cho mỗi nơi.        Đàn bà, trẻ thơ, ông già, bà lão, họ kinh hoàng, thất thần, đói khát, ôm nhau để cùng chết, cùng sống trong những giờ phút bi thương đó, khổ nạn đã vút tận trời xanh, cùng cực đã xuống tận đáy sâu, kể sao cho hết, viết sao cho cùng.  Ôi!  Huế đau thương.  Huế đọa đày.  Huế địa ngục trần gian có thật của năm Mậu Thân 1968.
       Rồi những ngày tháng kế tiếp, Huế trong cảnh điêu tàn còn phải gánh chịu thêm tang tóc chia lìa.  Có thể nói hầu như không có gia đình nào không có thân nhân bị VC sát hại hoặc bắt đi, vợ mất chồng, con mất cha, anh em mất nhau.  Bạn gần, bạn xa, hàng xóm láng giềng vắng bóng.  Huế đã sống trong nỗi hy vong mong manh, và niềm đớn đau tuyệt vọng tận cùng.  Mọi người đã sống trong khắc khoải chờ đợi người thân trở về, và trong nghẹn ngào, đớn đau, xót xa khi đã tìm ra thân xác của thân nhân nằm chết co quắp bên vệ đường Lê Lợi, Duy Tân, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo Chi Lăng Nhà Bè, Đinh Bộ Lĩnh, Hòa Bình, Ngã tư Anh Danh, Miếu Âm Hồn, chết tức tưởi trong lùm cây bụi bỏ, dưới hố sâu hầm cạn, tại trường Trung học Gia Hội, Bãi Dâu, tại cửa Đông Ba, Thượng Tứ Nhà Đồ, bên bờ khe vực thẳm, dọc theo Khe Đá Mài, Khe Trái, Khe Lụ, tại vùng Lăng Xá Bàu, Lăng xá Cồn v...v...
       Và như như ông Tú Trần Tế Xương đã nói:
       "Bừng con mắt dậy, ngỡ mình chiêm bao"
       Quả đúng, buổi sáng thức giấc, chợt thấy thành phố Huế phủ một màu tang trắng, hằng đoàn người khăn tang áo chế, theo sau hằng trăm cổ quan tài, u buồn, chậm buớc dọc cầu Tràng Tiền theo đường Lê Lợi lên nghĩa trang Ba Đồn cạnh đàn Nam Giao, nơi mồ chôn tập thể của hàng ngàn nạn nhân vô tội bị bọn quỷ dữ Việt cộng tàn sát.
       Còn gì đau thương hơn hỡi trời, hỡi đất, hỡi sông Hương núi Ngự, hỡi Cung miếu triều xưa, hỡi hồn thiêng sống núi, hỡi anh linh tiền nhân sao nỡ đọa dày dân tộc đến tận cùng khổ đau.  Có thể là một nghiệp báo chăng?  Có thể ngày xưa trên đường Nam tiến mở mang bờ cõi, các vị Tiên Đế đã quá mạnh tay với dân tộc khác để ngày nay con cháu phải trả món nợ oan khiên này?
       Huế trong tình trạng gạo thiếu, nhu yếu phẩm thiếu, điện thiếu, nước thiếu, dân Huế đang quằn quại, cơ cực trong các trại tỵ nạn.  Xác người sình thối trong thành phố, và hầu như trong các trại tỵ nạn không nơi nào có nhà vệ sinh cho đồng bào.  Họ phải tùy cơ ứng biến vì thế không một trại ty nạn nào không toả mùi hôi thứ đó.
       Nguy cơ những cơn bệnh truyền nhiểm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.  Những ngày này thời tiết lại quá xấu, bầu trời thật thấp, phủ một màu xám, từng cơn mưa phùn trải dài qua thành phố, ngày này sang ngày khác, lạnh cắt da.  Ông già, bà lão, trẻ thơ, run rẩy trong chiếc áo mong manh, họ đang bị đói và lạnh trong các trại tỵ nạn.
       Huế trong đổ nát điêu tàn, trong đau thương quằn quại.  Huế nằm bất động như người bệnh bán thân bất toại tưởng chừng như không bao giờ gượng dậy nổi.
       Một số ít người Huế đã nói: "Huế chỉ để mà nhớ, chứ không để mà ở..., và họ đã bỏ Huế ra đi"

***

       Thế nhưng, có một người, mặc dầu thân sinh là người Bắc, nhưng ông ta lại được sinh ra tại Huế, lớn lên tại Huế, rời khỏi Huế từ độ quê hương chìm đắêm trong binh lửa.  Nhưng mỗi khi Huế gặp nạn, dân Huế gặp nạn, ông lại trở về Huế với tấm chân tình và lòng thiết tha cứu Huế và giúp đồng bào Huế.
       Sáng hôm nay ngồì viết những dòng chữ về ông mà lòng không nén nổi xúc động.  Tưởng nhớ đến ông, một người anh cả trong lực lựợng CSQG, mà không những tôi, còn một số lớn anh em đồng đội trong lực lượng CSQG muôn đời thương tiếc và kính trọng ông.
       Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.  Bây giờ ông đã đi khuất, không còn trong cuộc đời phiền muộn này nữa, nhưng Ông đã để lại tiếng tốt muôn đời, để lại sự kính trọng, và lòng biết ơn của rất nhiều người dân Huế.
       Ông chính là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Lực Lượng CSQG (1966- tháng 5/1968).
       Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan sinh ngày 1-2-1930 tại Huế.  Tốt nghiệp khóa 1 trường Võ bị Thủ Đức.


·       1953 Thiếu Tướng Loan thụ huấn khóa phi công tại trường Không quân Salon de Provencce tại Pháp, tốt nghiệp với bằng Kỹ Sư Hàng Không. Ông là một trong những phi công lái khu trục cơ đầu tiên của VNCH.

·       1960 ông giữ chức vụ CHT Phi đoàn 2 Quan sát tại Nha Trang.

·       1964, vinh thăng Đại Tá, Tư Lệnh Phó Không Quân VNCH.

Ngày 11-2-1965, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan đã dẫn đầu những phi đoàn A1 Skyraider vượt vỹ tuyến 17 oanh tạc miền Bắc Việt Nam trong chiến dịch Mũi Tên Lửa (Flamming Dart).

        Chưa bao giờ trong cuộc chiến đầy bi thảm của quê hương mà lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu chống Cộng sản của dân quân Trị Thiên lại lên cao như vậy.  Dân chúng, học sinh, sinh viên Huế đã tổ chức biểu tình lớn để hoan hô, vinh danh những nguởi hùng Không Lực VNCH, những Kinh Kha của thời đại, đã vượt sông Gianh xông vào đất địch.  Những tên tuổi Nguyễn cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Phạm Phú quốc, đã được đồng bào trân trọng vinh danh. Tôi bấy giờ chỉ là viên sĩ quan trẻ, cấp Thiếu úy, tôi được biết tên ông từ dạo đó.        Sau cuộc hành quân Mũi Tên Lửa 11-2-65, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan được bổ nhiệm về làm Tổng Giám Đốc CSQG, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, Giám đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
       Tháng 3/1966 miền Trung Huế dậy sóng.  Biến động lớn xẩy ra vì tham vọng, điên cuồng, bất chấp vận mệnh quốc gia, dân tộc, say mê quyền lực của Thích Trí Quang, một kẻ khao khát làm "Quốc Trưởng", "Quốc Phụ".  Sau khi phá đổ được chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, qua phong trào Phật Giáo Tranh Đấu biểu tình làm tê liệt chính quyền, dẫn đến cuộc đảo chánh 1-11- 1963.  Say men chiến thắng, ngỡ mình là "anh hùng cái thế", Trí Quang liên tiếp khống chế, gây bất ổn chính trị cho đất nước.
       Với sự nhượng bộ của Mỹ, Trí Quang liên tục thay đổi điều hành các "triều đại" theo ý hắn ta, qua quyền lực đen của các cuộc biểu tình, xuống đường của các Phật Tử tranh đấu.  Từ triều đại Dương Văn Minh, đến Nguyễn Khánh, qua triều đại Khánh-Minh-Khiêm, đến triều đại Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, cho đến thời gian đầu của chính quyền Tướng Thiệu-Kỳ, tất cả đêu bị Trí Quang thao túng, sắp đặt nhân sự.  Đến khi hành động của y vượt quá sự chịu đựng của chính quyền Johnson, và đất nước trên bờ vực thẳm để cho Cs thôn tính, các Tướng lãnh phẫn nộ thì Henry Cabot Logde không thể nào nghe lời và chiều chuộng Trí Quang được nữa.  Bị phía Mỹ từ chối không ủng hộ, từ Saigòn, Thích Trí Quang bay ra Huế cùng đám cán bộ cộng sản nằm vùng quá lâu trong Phật giáo như: Đôn Hậu, Chánh Trực, Thiện Siêu, Nguyễn Khắc Từ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Phan duy Nhân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, v..v..., và được sự hổ trợ mạnh mẽ của Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam qua tên Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, bọn chúng mưu đồ muốn biến miền Trung thành một vùng trái độn, và âm mưu biến Kinh đô Huế ngày xưa sẽ là thủ đô của đám MTGP Miền Nam.
       Cuộc biến động xẩy ra từ tháng 3/1966 kéo dài trong 100 ngày. T ình hình rối lọan từng giờ, từng ngày, công sở của chính quyền bị đám phản loạn chiếm giữ.  Cơ sở Ngoại giao đoàn bị đốt pha. Quân đội, Công chức, Cảnh sát, ngã theo đám tranh đấu.  Thành phố không còn Chính quyền, không còn luật pháp quốc gia, đám tranh đấu muốn vu khống, muốn đánh đập, muốn bắt bớ ai tùy thích.  Dân chúng Huế kinh hoàng hỗn loạn, đời sống mỗi ngày mỗi cơ cực, họ sống trong niềm tuyệt vọng, buồn thảm nhìn tương lai vô định...
       Chính phủ Trung Ương đã liên tục cử ra miền Trung bốn vị tướng lãnh với chức Tư Lệnh Quân Đoàn để ổn định tình hình miền Trung, nhưng tình hình vẫn mỗi ngày mỗi rối loạn thêm, họ bất lực bó tay.  Từ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi phải ngã theo ông Thích Trí Quang chống lại chính phủ Trung ương, đến Thiếu tướng Nguyễn văn Chuân, rồi đến Trung Tướng Tôn Thất Đính, Ông này hoảng sợ ông Trí Quang và phong trào tranh đấu phải chạy trốn vào BTL/Sư đoàn TQLC Hoa Kỳ tại Đà Nẵng xin tỵ nạn, rồi đến Thiếu tướng Huỳnh văn Cao.  Thiếu Tướng Cao đã bị Viên Trung úy Sư Đoàn I BB ly khai Nguyễn Đại Thức bắn, cũng may ông không bị trúng đạn.  Cuối cùng Thiếu Tướng Cao cũng vào xin tỵ nạn tại BTL/TQLC Hoa Kỳ tại Đà Nẵng.
       
Với một tình hình rối loạn và hầu như tuyệt vọng tại miền Trung như vậy, bốn Tướng đã bỏ chạy, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG được Chính phủ giao trọng trách ổn định và tái lập an ninh trật tự tại miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
       Theo Đại tá Trần Minh Công, Viện Trưởng Học Viện CSQG/ VNCH, (vào thời điểm đó Đại Tá Công là một Sĩ quan trẻ của LL/CSQG cùng đi với Đại tá Loan ra Đà Nẵng) thì lực lượng của BCH/hành quân dẹp loạn của Đại Tá Loan gồm có Chiến Đoàn TQLC/VNCH, được tăng phái thêm một tiểu đoàn Nhảy Dù/VNCH.  Lực lượng hành quân được không vận ra Đà Nẵng đã phải ở trong phi trường mất hai ngày mà không thể tung quân ra được vì Đại tá Loan muốn tránh một cuộc đổ máu xẩy ra, bởi lẽ Trung đoàn 51 BB/VNCH ly khai đang bố trí và sẵn sàng tấn công lực lượng của Đại Tá Loan.  Đấy là chưa nói đến bên cạnh Trung Đoàn 51 BB ly khai còn có tiểu đoàn 11/BĐQ của Đại úy Nguyễn Thừa Dzu cũng đã hợp tác với lực lượng tranh đấu tại Đà Nẵng.
       Thiếu Tướng KQ Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã bay ra Đà Nẵng họp cùng Đại Tá Loan.  Thiếu Tướng Kỳ có ý định cho chiến đấu cơ của Không Quân VNCH cất cánh nhắm vào BCH của Trung đoàn 51 BB ly khai, chỉ mục đích cảnh cáo, nhưng gặp ngay phản ứng về phía Chính Phủ Hoa Kỳ.  Tư lệnh lực lượng TQLC/Hoa Kỳ tại Đà Nẵng,  Trung Tướng Waltz đã gởi một thông điệp cho Thiếu Tướng Kỳ:
       - Nếu chiến đấu cơ của Không quân VNCH cất cánh, ông ta sẽ cho chiến đấu cơ Hoa Kỳ cất cánh ngăn chận, bắn hạ ngay.
       Được hỏi lý do tại sao?  Theo ông Trần Minh Công thì Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan cho rằng có lẽ Hoa Kỳ đã buộc Chính phủ VNCH phải chấp nhận một số điều kiện nào đó của họ thì họ mới chịu để yên cho Chính phủ VNCH ra tay dẹp đám phản loạn Thích Trí Quang, và câu kết luận chua xót của ông Trần Minh Công: "Thật tình không hiểu nổi, đây là loại Đồng Minh kiểu gì"
       Cũng theo ông Trần Minh Công, lúc bấy giờ tình hình tại Đà Nẵng rất căng thẳng, nguy hiểm, và đầy bất trắc.  Có thể đánh nhau lớn trong thành phố Đà Nẵng giữa lực lượng hành quân dẹp loạn của Đại Tá Loan gồm TQLC, Nhảy Dù VNCH, và quân đội ly khai gồm có: Trung Đoàn 51 BB, Tiểu Đoàn 11/BĐQ của Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, cùng với đám tranh đấu ô hợp, nhưng sắt máu, cuồng tín, mà đại đa số là cơ sở Việt Cộng thuộc 2 Đại Đội SV Phật Tử Quyết Tử do chính SV Nguyễn Đắc Xuân chỉ huy, từ Huế vào Đà Nẵng tăng cuờng cho lực lượng tranh đấu tại chùa Tỉnh hội Đà Nẵng, bọn chúng đã được trang bị vũ khí.
       Để tránh đổ máu giữa phe mình đánh phe ta, Đại Tá Loan đã dùng những người bạn thân của Đại úy Nguyễn Thừa Dzu bí mật tiếp xúc và chiêu dụ đại úy Dzu trở về với chính phủ.  BĐQ là một trong những binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH.  Tiểu đoàn BĐQ của Đại úy Dzu lại đang chiếm giữ thành phố Đà Nẵng, không chiêu dụ được tiểu đoàn này thì đại họa sẽ xẩy ra.  Người phụ trách công tác chiêu dụ Đại úy Nguyễn Thừa Du là Đại Úy Nguyễn Tự Cường.
       Đại úy Nguyễn Tự Cường xuất thân Khóa 7 Võ bị Đà Lạt.  Ông là chuyên viên tình báo phụ trách tình báo hải ngọai vùng Bắc Lào.  Sau đảo chánh 1963, ông bị bắt giữ và giam tại Cục An Ninh Quân Đội.  Theo lời ông kể lại với tôi:
       - Sau đảo chánh 1963, anh bị bắt vì là người của Cậu Cẩn.  Tù một năm được thả ra, đói quá, mấy thằng Mỹ trả tiền và xúi dại anh tham gia đảo chánh, chỉnh lý lung tung, lại bị An Ninh Quân đội bắt lại, lần này bị giam gần 2 năm.
       Đang ở tù thì bỗng cửa tù mở ra, được dẫn đi trình diện ông "Sáu Lèo".  Anh đâu biết Sáu Lèo là ai, hỏi viên Sĩ quan đi theo thì mới biết là Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan Cục Trưởng Cục ANQĐ, và cuộc gặp mặt với anh Sáu Lèo xẩy ra như sau:
      - Đ... Cụ anh.  Làm cái gì mà tham gia đảo chánh lung tung để phải ngồi tù?
      - Thưa Đại tá, em làm gì đâu.  Sau đảo chánh 1963 em bị bắt vì tội người của Ông Cậu.  Một năm sau được thả ra, đói quá tham gia chỉnh lý kiếm tí tiền còm.
       - Mày quen Nguyễn Thừa Dzu không?
       - Bạn thân.
       - Nó theo đám tranh đấu.  Tiểu đoàn 11/BĐQ của nó đang chiếm thị xã Đà Nẵng.  Mày ra Đà Nẵng dụ nó trở về được không?
       - Em làm được.
       - Làm được, cho làm lớn.  Còn không thì về lại Cục ở tù tiếp.
       - Trình Đại tá, làm được nhưng phải có điều kiện.
       - Điều kiện gì?
       - Trước khi đi Đà Nẵng, Đại tá phải cho em truy lãnh 3 năm lương. "Có thực mới vực được đạo".  Bạch hóa hồ sơ, không ghi vào quân bạ.  Đại tá làm được hai chuyện đó thì em đi Đà Nẵng dụ thằng Dzu.  Còn không em vào tù tiếp, không đi.
       - Được.
Tỵ nạm Cộng Sản tại Quảng Trị, 1968       Đại úy Cường đã gặp Đại úy Nguyễn Thừa Dzu.  Kết quả là Đại úy Dzu rút Tiểu Đoàn 11/BĐQ ra khỏi thành phố Đà Nẵng, tránh được cuộc đổ máu không cần thiết.
       Đại úy Nguyễn Tự Cường ngay sau đó đã được Đại tá Loan bổ nhiệm làm Trưởng ty An Ninh Quân đội thị xã Đà Nẵng (1966-1975).  Ông và Đại tá Loan tính tình có nhiều điểm hợp nhau.  Trung Tá Nguyễn Tự Cường cũng đã theo Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đi vào miền vĩnh cửu vào tháng 12/2007 tại Nam Cali.  Phần Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, ông theo Đại Tá Loan dẹp xong vụ biến động miền Trung, về Sàigòn và được Đại tá Loan bổ nhiệm đi làm Trưởng Ty CSQG một trong những quận tại Chợ Lớn.
       Tuy vậy, súng đã nổ và đã có người chết.  Khi ông Trần Minh Công tiến quân vào Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng, ông đã phát giác có mười mấy xác chết đã sình thối trong nhà kho của chùa, và chính ông cùng nhân viên thuộc quyền đã vác những thi hài sinh thối này ra xe đem chôn.
       Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã ổn định được tình hình tại Thị xã Đà Nẵng.  Ông rời Đà nẵng ra Huế tiếp tục nhiệm vụ nặng nề đầy hiểm nguy là dẹp lọan tại Huế mà chính phủ đã giao trọng trách này cho ông.  Người tiếp tục ổn định tình hình an ninh trật tự tại Đà Nẵng là Quận Trưởng Cảnh sát Trần minh Công, tân Trưởng Ty CSQG thị xã Đà Nẵng, người mà Đại Tá Loan tin cậy vào tài năng, và lòng dũng cảm.  Quận Trưởng Cảnh Sát Trần Minh Công không phụ lòng của Đại tá Loan, ông ta đã hoàn tất nhiệm vụ mà Đại tá Loan giao phó cho ông.  Đó là một nhiệm vụ nặng nề, tiếp tục ổn định tình hình rối loạn.  Chỉ một năm sau, tình hình Đà Nẵng đã hoàn toàn ổn định.  Đại Tá Loan lại thuyên chuyển ông vào SàiGòn giữ chức vụ Trưởng Ty CSQG Quận II Thủ đô Sàigòn.  Để rồi Mậu Thân 1968, trong 2 đợt tổng công kích của VC vào Sàigòn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và Quận Trưởng Trần minh Công lại sát cánh cùng nhau tung lực lượng CSQG phản công ngăn chận 2 đợt tấn công của VC vào Sàigòn ngay những giờ phút đầu tiên.

***

       Tôi trở lại vụ Tướng Loan dẹp lọan miền Trung:
       Ngày 8/6/1966 Biệt Đoàn 222 Cảnh sát Dã chiến thuộc BTL/CSQG do Trung tá Phan Huy Sảnh chỉ huy đổ quân chiếm ty CSQG Thị xã Huế.
       Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan và bộ tham mưu hành quân dẹp lọan đến Huế vào ngày 9/6/1966.  Lực lượng hành quân chiếm lại Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế.  Đại Tá Loan đặt BCH hành quân tại đó.  Tôi trình diện Đại tá Loan nhận công tác.  Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông.  Huế lúc bấy giờ hoàn toàn nằm trong tay Thích Trí Quang và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam qua tên Trung Tá điệp viên Hoàng Kim Loan, Thành ủy viên Thành ủy Huế.  Bọn này định biến Huế thành vùng trái độn.  Chiến trường Huế đã mở.  Mặt trận Tri-Thiên-Huế vừa chính trị, vừa quân sự ,sẽ cam go, nguy hiểm và đầy bất trắc đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan nhảy vào thử lửa.  Dọc dãy Trường Sơn, cạnh sườn Thừa Thiên-Huế, lực lượng quân sự của Hà Nội, Sư Đoàn 324B thuộc Quân Khu Trị Thiên đang ém quân chờ đợi biến cố lớn xẩy ra tại thành phố Huế là xua đại quân bôn tập tấn công và chiếm Huế.  Nếu Đại tá Nguyễn Ngọc Loan không kịp thời cứu Huế, có lẽ Huế đã mất vào tay Cộng sản mà không cần phải đợi đến Mậu Thân 1968.  Tại thành phố Huế, Sư Đoàn I/BB là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của QLVNCH và dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, có thể nói một số lớn các đơn vị của Sư Đoàn này cùng với Tư Lệnh.  Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đã ly khai với chính phủ trung ương, phục vụ cho mưu đồ đen tối và mộng tranh bá đồ vương của Thích Trí Quang đang chờ đợi Đại Tá Loan.  Thích Trí Quang và lực lượng tranh đấu của hắn ta còn có 4 đại đội Sinh viên Quyết Tử do tên Nguyễn Đắc Xuân SV Sư phạm Hán Việt chỉ huy.  Bốn đại đội này đã được Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đưa vào TTHL Văn Thánh của Sư Đoàn I/BB huấn luyện quân sự, và trang bị vũ khí.  Bọn chúng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội ly khai cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan.  Và các liên đoàn Công chức Phật Tử, giáo chức Phật Tử, Tiểu thương Phật Tử của các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, lực lượng này khoảng vài chục ngàn nguời.
       Hai phong trào quần chúng đấu tranh do tên Trung tá Điệp viên Hoàng Kim Loan thành lập cũng đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đó là:

- Phong trào Sinh Viên Tranh Thủ Hòa Bình do sinh viên Y Khoa Đại học Huế Tôn Thất Kỳ Chỉ huy.
- Phong trào SV Tranh thủ Dân Chủ do sinh Luật Khoa Nguyễn Hữu Giao Chỉ huy.

       Đau lòng và nghiệt ngã nhất là những thằng con bất hiếu của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan cũng đã nghe lời quyến rũ của Thích Trí Quang, Hoàng Kim Loan quay lại chống ông, đó là Lực Lượng CSQG Phật Tử thuộc Ty Cảnh Sát quốc Gia Thừa Thiên và Thị xã Huế.  Lực lượng này gồm khoảng trên 5 ngàn Sĩ quan và Cảnh Sát viên.  Con phản lại cha, theo giặc, làm lọan, thật bất hạnh cho Đại Tá Loan và lực lượng CSQG/VNCH.  Và cuối cùng hai viên Tư Lệnh của Phong trào tranh đấu đang chờ đợi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan trong trận thư hùng một còn một mất này là Thích Trí Quang và Điệp viên của Hà Nội Trung Tá Hoàng Kim Loan.        Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, một anh hùng hào kiệt của binh chủng Không quân VNCH, một hiệp sĩ Kinh Kha của thời đại, đã vượt sông Gianh Bắc phạt, trong chiến dịch "Mũi Tên Lửa".  Giờ đây tháng 6/1966, Kinh Kha đang trực diện với chiến trường cay nghiệt.  Ông sẽ nhảy vào chiến trường này, chỉ huy trận đánh này, trận đánh sẽ còn cam go hơn khi dẫn đầu Phi Đoàn Không Quân VNCH lao mình vào đất giặc.
       Thích trí Quang và Hoàng Kim Loan đã dùng niềm tin tôn giáo của 80% dân chúng Huế để gài Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan vào chiếc bẫy sập này.  Nỗi khó khăn của ông là một số lớn dân chúng Huế lúc bay giờ đã vì cuồng tín nghe theo lời Thích trí Quang, không phân biệt được lý lẽ đúng sai.  Đau lòng thay, Đấng từ bi cũng đã bị hai tên này lợi dụng làm bẫy sập ngăn chận Đại Tá Loan:
       Bàn thờ Phật đã xuống đường.
       Thắng trận đánh này chưa hẳn là một vinh quang, nhưng bại trận đánh này là một báo hiệu đầu hàng sớm hơn ngày 30/4/75 của dân chúng miền Nam Việt Nam, của Chính phủ VNCH trước sự xâm lăng của Cộng Sản Hà Nội. Chính ngay bản thân ông, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, đời binh nghiệp của ông, sẽ giống như số phận của 5 tướng Thi, Nhuận, Chuân, Đính, Cao.
       Thế nhưng, thật không hổ danh anh "Sáu Lèo".  Đại tá Loan đến Huế trực diện với một lực lượng phản loạn to lón và hùng hậu như vậy.  O6ng thật can đảm, bình tĩnh nhảy vào chiến trường khắc nghiệt và cam go này, tung những đòn phản công lúc hư, lúc thực, y như Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo Giang Hồ của Kim Dung, nghiêng ngã thân người tung Tửu quyền chế ngự địch thủ.
        Và ông đã chế ngự được và dẹp tan đám phản lọan: 

·       Không có đổ máu xảy ra.

·       Thu hồi Sư Đoàn I/BB lại cho quân lực. Giao Sư Đoàn I/BB cho Đại Tá Ngô Quang Trưởng Tham Mưu trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH chỉ huy và chỉnh đốn lại.

·       Thâu hồi lại Huế cho chính Phủ Trung Ương từ tay Thích Trí Quang, và Trung tá Điệp viên Hà Nội Hoàng Kim Loan.

·       Bắt giữ Thích Trí Quang

·       Bắt giữ Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận

·       Bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi

·       Và khoảng trên một ngàn các thành phần tranh đấu chủ chốt, vừa dân sự và quân sự bị bắt đem vào Cục ANQĐ và BTL/CSQG xét sử.

·       Thanh lý môn hộ và tái tổ chức gia đình CSQG tại BCH/CSQG Thừa Thiên Huế. Điều quan trọng nhất là đem lại bình yên và ổn định cho đời sống đồng bào Thừa Thiên-Huế.

        Bốn vị tướng lãnh đã chào thua với tình hình rối lọan, bỏ mặc dân chúng Huế sống trong cảnh kinh hoàng, lo sợ trong sự áp bức, khủng bố của đám Vệ binh đỏ Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ ngọc Tường, Hoàng Phủ ngọc Phan, những phần tử thân cận của Thích Trí Quang, những cơ sở nội thành nòng cốt của Thành ủy viên Việt Cộng Hoàng Kim Loan.  Huế vô chính phủ, không còn luật pháp quốc gia, mà chỉ có luật rừng của đám giặc cỏ này.  Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh CSQG, đã giải thoát đồng bào Huế khỏi cơn tai ương của đám giặc cỏ, tái lập lại luật pháp quốc gia, trật tự an ninh công cộng.        Ngày tôi đưa ông và BTM/Hành quân của ông xuống phi trường Phú Bài về lại Sàigòn, tôi còn nhớ ông dặn tôi:
       - Mày cẩn thận lo giữ mình, bọn nó không tha mày đâu.
        - Dạ.
       - Bọn họ nói Đại tá và em là hai tên "Phản đạo" lật đổ bàn thờ Phật.  Mày có buồn vì câu nói đó không? Ông nói tiếp.
       - Không Đại Tá.
       - Mình làm đúng, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của minh.  Ai muốn nói gì thì nói, để ý làm gì.
       Sau này, trong chín năm chịu trách nhiệm an ninh, tình báo, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào, mỗi khi có biến động lớn xẩy ra tại Huế, buộc phải có những quyết định và hành động cứng rắn với những thành phần, những phong trào phá rối, tạo nguy cơ cho Huế và cho đồng bào Huế, tôi vẫn thường nhớ đến câu nói của Đại Tá Loan, như một lời nhắn nhủ của ông đối với tôi:
      "
Mình phải hành động vì đó là bổn phận và trách nhiệm của mình.  Ai muốn nói gì thì nói, để ý làm gì".
       . . . . . . . ..


Sinh Tồn chuyển

 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List