Sách: XÃ
HỘI DÂN SỰ (Nxb Tri thức/Viện VIDS)
+ Chương
I. XÃ HỘI DÂN SỰ
– NHỮNG KHÁI NIỆM
CƠ BẢN
+ Chương
II. XÃ HỘI DÂN SỰ
TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN
CỦA THẾ GIỚI (1)
+ Chương II. XÃ HỘI DÂN SỰ
TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN
CỦA THẾ GIỚI (2)
+ Chương III. TÌNH HÌNH VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA XÃ HỘI
DÂN SỰ Ở VIỆT NAM – NHỮNG
MẶT TÍCH CỰC
VÀ TỒN TẠI (1)
+ Chương III. TÌNH HÌNH VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA XÃ HỘI
DÂN SỰ Ở VIỆT NAM – NHỮNG
MẶT TÍCH CỰC
VÀ TỒN TẠI (2)
+ Chương
IV. THẾ GIỚI HIỆN NAY VÀ TƯƠNG
LAI DƯỚI GÓC NHÌN TỪ NHỮNG NGƯỜI
DÂN – XÃ HỘI DÂN SỰ (1)
+ Chương IV. THẾ GIỚI HIỆN NAY VÀ TƯƠNG
LAI DƯỚI GÓC NHÌN TỪ NHỮNG NGƯỜI
DÂN – XÃ HỘI DÂN SỰ (2)
.
LỜI NÓI ĐẦU
Xã hội dân sự (XHDS) là một đề tài vừa cổ điển, lại vừa rất thời sự. Nó cổ điển bởi vì ngay từ thời Cổ Hy Lạp, người ta đã bàn tới khái niệm này. Sang thế kỷ XVI, XHDS chính
thức xuất hiện và trở nên phổ biến từ thế kỷ XVIII, khi các
nhà triết học kinh điển lại đem ra phân tích
sôi nổi một lần nữa. Tính thời sự của XHDS là rõ ràng với sự trở lại của vấn đề này từ giữa thế kỷ XX, khi cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới bắt đầu bùng nổ và xuất hiện dần nền kinh tế tri thức.
Không phải ngẫu nhiên XHDS được quan tâm trở lại. Cho đến hiện nay, ở tầm rộng và khái quát nhất, mỗi xã hội hiện đại đều được coi là cấu thành bởi ba trụ cột chính, đó là nhà nước, thị trường và XHDS. Về đại thể, nhà nước và thị trường đã phát triển ngày càng đầy đủ và toàn diện, và cũng đã được nghiên cứu khá sâu sắc thấu đáo.
Riêng phần XHDS, cái chân thứ ba khá quan trọng trong cái kiềng kết cấu của một xã hội hiện đại, cho đến nay vẫn còn những khía cạnh dường như chưa được hình thành thật đầy đủ và rõ nét, sự phong phú và tính
đa dạng của nó vẫn chưa được tìm hiểu một cách cặn kẽ, nhất là đối với những nước đang chuyển đổi như nước ta.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 đã dựa vào lực lượng chủ lực là nhân dân,
thông qua các đoàn thế cách mạng do Đảng lập ra, để tiến hành đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Theo quan niệm khái quát hiện nay thì Đảng cộng sản đã sáng suốt, khéo léo vận dụng một bộ phận quan trọng các tổ chức nhân dân nằm trong phạm trù XHDS, nhưng không dùng cái
tên đã được triết học hoá mà ngày nay đang trở thành thuật ngữ phổ biến.
Khoảng từ 10 đến 15 năm gần đây, khái niệm, tên gọi XHDS nói trên mới dần dần vào Việt Nam bằng rất nhiều con đường. Cùng với việc thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng và Chính phủ, nhiều tổ chức mới thuộc XHDS trong nước và nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều và các hoạt động của chúng đã đem lại nhiều kết quả tốt, bắt đầu nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực trong xã hội.
Tuy nhiên, do
nhiều lý do: tính lịch sử, sự thiếu chủ động quan tâm của Nhà nước trước đây, tình trạng ít thông tin và sự hiểu biết cặn kẽ… nên mặc dù XHDS vẫn đang tồn tại hiển nhiên trong xã hội, nhưng không mấy khi được công luận sử dụng một cách chính thức khái niệm và tên gọi này. Về mặt Nhà nước, đôi khi cũng có
các cơ quan nêu ra yêu cầu giải quyết các khó khăn về mặt pháp quy để các tổ chức XHDS hoạt động có nền nếp, được quản lý chính thức bằng luật, do đó sẽ thuận lợi hơn, thu được nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Đến nay, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương mang lại nhiều hy vọng mới cho các tổ chức và hoạt động của XHDS.
Thực hiện chủ trương nâng cao dân
trí của Đảng và Chính phủ, việc làm rõ vị trí, chức năng, sự đa dạng của XHDS, quan hệ giữa XHDS với các tổ chức nhà nước và thị trường ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt là trong điều kiện toàn cầu hoá đã mở rộng và nền kinh tế tri thức đang phát triển, cần được tiếp tục phân tích và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Trong mấy năm qua, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các cơ quan nhà nước hữu quan, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam, và tổ chức CIVICUS quốc tế(1)., Viện Những Vấn đề Phát triển (VIDS) đã tổ chức nghiên cứu chuyên đề XHDS.
Một phần kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại một số hội nghị trong nước và quốc tế, được nhiều trường và viện nghiên cứu dùng làm tài liệu tham khảo. Nhận thấy việc phổ biến và trao đổi rộng rãi hơn những hiểu biết về XHDS có thể góp phần mang lại bổ ích cho xã hội, Viện VIDS đã quyết định tổ chức viết quyển sách mà các bạn đang có trong
tay với tiêu đề: Xã hội dân sự - Một Số vấn đề chọn lọc.
Quyển sách được chia làm 5 chương:
* Chương I: Lịch sử hình thành và những khái niệm cơ bản của XHDS, do nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học, thuộc Viện Mác – Lê, nguyên
Thư ký Tổ lý luận, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ phát triển, biên soạn.
* Chương II: XHDS trong bối cảnh phát triển của thếgiới (thời đại kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu hiện nay), do Thạc sỹ Trần Chí Đức, nguyên là
chuyên viên chính Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là chuyên viên chính nghiên cứu thuộc Viện VIDS, biên soạn.
* Chương III: Tình hình và đặc điểm của XHDS ở Việt Nam – Nhữngmặt tích cực và các vấn đề cần hoàn thiện, do PGS. TS Đặng Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Viện trưởng Viện VTDS, hiện là ủy viên Hội đồng của Viện, biên soạn.
* Chương IV: Thếgiới hiện nay và trong tương lai từ một góc nhìn của những người dân -XHDS, do TS. Vũ Duy Phú, nguyên Vụ trưởng khoa học và kỹ thuật, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử – Tin học Việt Nam, hiện là Phó
Viện trưởng Viện VIDS, biên soạn.
* Chương V: Phát triển XHDS thông thái tương xứng với nhà nước pháp quyền (NNPQ) hiện đại là nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ XXI, do TS. Vũ Duy Phú biên soạn.
Như trên đã nói, XHDS là một vấn đề rất phong phú, quan
trọng và phức tạp trong bối cảnh của thời đại mới, nhưng trước mắt chúng tôi chỉ có thể đi sâu vào một số nội dung có chọn lọc. Vì vậy, chắc chắn quyển sách không khỏi có những thiếu sót. Rất mong quý vị độc giả châm chước và góp ý kiến về địa chi vidsster@gmail.com. chúng tôi sẽ nghiêm túc nghiên
cứu tiếp thu để phục vụ cho những lần tái bản sau.
Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các Cơ quan Nhà nước, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và tổ chức CIVICUS, đã khuyến khích Viện VTDS tiến hành công việc nghiên cứu có kết quả về XHDS trong thời gian vừa qua.
Xin chân
thành cảm ơn các GS. Trần Phương, Đặng Hữu, Nguyễn Mại, Chu Hảo, Nguyễn Quang Thái, TS.
Mai Thanh Hải… đã đọc bản thảo và góp nhiều ý kiến sâu sắc, xin chân thành
cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã động viên và tài trợ cho việc viết và xuất bản quyển sách này, và rất hân hạnh cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức đã nhiệt tình nhận xuất bản quyển sách với chủ đề đang khá thời sự nói trên.
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2007
Thay mặt nhóm tác giả Vũ Duy Phú
Nhân xét của mốt số đôc giả đầu tiên nhận đọc cuốn sách Xã hội dân sự – Môt số vấn đề chọn lọc
XÃ HỘI DÂN SỰ – MỘT VẤN ĐỀ THỜI SỰ
GS. Trần Phương(2).
XHDS là một vấn đề mới mẻ đối với phần lớn người Việt Nam, kể cả các nhà khoa học. Nó mới mẻ ngay từ tên gọi. Để chuyển từ một thuật ngữ Latin sang tiếng Việt, người ta phải đắn đo giữa hai thuật ngữ: “xã hội công dân” hay
“XHDS”?
Nó mới mẻ cả trong cách hiểu nội hàm của khái niệm ấy: những lực lượng nào thì được bao hàm trong
“XHDS”? Nó càng mới mẻ ở cách hiểu vai trò của XHDS: phải chăng đó là một lực lượng đối trọng, đối tác, hay là một lực lượng đối lập, đối kháng với Nhà nước? Bấy nhiêu vấn đề rối rắm về học thuật – mới chỉ xét về giác độ học thuật thôi – cũng đủ cho chúng ta đánh giá cao công phu nghiên cứa của tập thể tác giả cuốn sách, mặc dù nhiều vấn đề nêu ra trong cuốn sách mới chỉ là những gợi mở cho những suy nghĩ và tranh luận tiếp theo.
Tuy nhiên, giá trị của cuốn sách không chỉ dừng lại ở ý nghĩa học thuật của nó. Giá trị lớn hơn của cuốn sách là ở chỗ nó đặt ra một vấn đề thời sự: tiền đồ phát triển của XHDS trong thế giới ngày nay và ngay
ở nước ta. Về chủ đề này, tôi muốn bổ sung một vài khía cạnh.
Nếu hiểu XHDS là xã hội của người dân thì chỉ từ khi nhà nước xuất hiện mới nảy sinh ra sự phân biệt giữa nhà nước vàXHDS. Đặc biệt là khi nhà nước mở rộng vai trò của nó đến mức trở thành nhà nước cực quyền, toàn trị, lấn át cả vai trò của người dân, thì XHDS mới được đề cao như một lực lượng đối lập, đối kháng với Nhà nước. Tình hình này
đã từng xảy ra vào đêm trước của cuộc Đại cách mạng Pháp thế kỷ XVIII.
Ở nước ta từ ngày “Đổi mới”, việc đề cao vai trò của XHDS đã trở thành một thực tế, một vấn đề thời sự. Để làm rõ vấn đề này, cần đi ngược lại thời gian về những năm 60 của thế kỷ trước. Hồi đó, miền Bắc nước ta khởi đầu công cuộc xây dựng CNXH. Xây dựng CNXH theo mô
hình nào?
Theo quan niệm của tất cả các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ thì nhà nước xã hội chủ nghĩa – nhà nước của dân, do dân và vì dân – phải có trách nhiệm lo cho dân tất cả, từ cái ăn, cái mặc, đến việc học hành, chữa bệnh. Chính là từ quan niệm ấy mà bao cấp trở thành quốc sách, mọi xí nghiệp, cửa hàng, trường học, bệnh viện đều trở thành trách nhiệm độc quyền của nhà nước.
Chưa đầy hai thập kỷ sau, người ta phát hiện ra rằng xây dựng xã hội chủ nghĩa theo mô
hình ấy thì chỉ dẫn đến nghèo đói.
Vì
nhà nước thì “lực bất tòng tâm”, còn
nhân dân có nhiều khả năng làm thì
không được làm. “Đổi mới” chính là sự bác bỏ mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà trong
đó, mọi trách nhiệm đều dồn cho Nhà nước. Điều đó cũng có nghĩa
là trả lại cho XHDS những vai trò vốn có của nó, kể từ kinh doanh, công
nghiệp, thương mại – dịch vụ đến mở trường dạy học, mở phòng khám bệnh.
Trong trường hợp này, XHDS không phải là cái gi đối lập, đối kháng với nhà nước, mà là những lực lượng xã hội hoạt động trong hành lang
pháp lý do nhà nước ấn định, cùng nhà nước chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho nhân dân.
Về mối quan hệ hài hoà giữa nhà nước dân chủ với XHDS, lời phát biểu sau đây của Tổng thống Nga Putin đáng
để chúng ta suy ngẫm. Trong bài phát biểu về “Chiến lược phát triển của Nga đến năm 2020” tại phiên họp mở rộng Hội đồng Nhà nước(3), ông nói:
“Một nhà nước dân chủ cần trở thành công cụ hiệu quả để giúp tự tổ chức được xã hội công dân.”
Với sự kết hợp hài hoà giữa nhà nước dân chủ với XHDS, chúng ta
có quyền tin tưởng rằng tiềm lực to lớn của nhân dân sẽ được phát huy đến mức tối đa nhằm đi tới một tương lai trong đó,
nhà nước ngày càng mất đi vai trò thống trị giai cấp của nó, nghĩa là “tự tiêu vong”, như c. Mác (Karl Marx) đã từng dự kiến.
*
*
*
TOÀN DIỆN, SÂU SẮC, TÁO BẠO, NHƯNG HƠI QUÁ LẠC QUAN
GS. TSKH Nguyễn Quang Thái(4).
“…Tóm lại, có thể nói ngắn gọn, đây là quyển sách tiếng Việt đầu tiên được viết có hệ thống, hoàn chỉnh, sâu sắc và tương đối toàn diện chuyên về XHDS, có thể dùng làm tài liệu nâng cao tri thức cơ bản cho rộng rãi người đọc, và cũng có thể làm tài liệu tham khảo rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu xã hội về chủ đề này.
Điều đặc biệt là các tác giả đã đưa ra một cách đầy đủ không chỉ những khái niệm cơ bản có hệ thống, những đánh giá chuyên
gia khách quan, mà còn mạnh dạn đề cập những nhận định sâu sắc, táo bạo, thậm chí hơi quá lạc quan. Có thể có những tranh luận, phản bác điều này, ý khác –
không thể tránh khỏi – song, đó chính là con đường phổ biến góp phần từng bước, từng bước dẫn chúng ta tới chân lý…”
*
*
*
CHÍNH NHỮNG ĐIỀU ĐÓ CÀNG LÀM CUỐN SÁCH THÊM HẤP DẪN
TS. Mai Thanh Hải(5)
“…XHDS là một lực lượng không phải đối lập với nhà nước và thị trường, mà nó có ảnh hưởng phối hợp, điều tiết và phản biện những gì NNPQ muốn xây dựng để quản lý đất nước và mặt trái của nền kinh tế thị trường. Với một nhà nước tam quyền phân lập thì XHDS tham
gia như là lực lượng thứ tư để điều hoà phối hợp, liên kết, tạo thành nhà nước “tứ quyền”, giống như trong âm có dương, trong dương có âm trong đồ hình thái cực. Phải chăng trong tương lai ở một xã hội phát triển, ở một nền văn minh nhân bản và thông tuệ hơn sẽ hình thành nên những quốc gia có nền kinh tế phát triển kiểu mới: bền vững và vì tất cả mọi người.
Đây tuy là cuốn sách của nhiều tác giả, song lại có cấu trúc khá logic. Nó dẫn người đọc từ những khái niệm cơ bản về XHDS, đặc biệt trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá, đa cực hoá và đa nguyên
hoá của nhiều quốc gia phát triển. Cuốn sách cũng nêu
nhiều nhận xét của các nhà khoa học và các nguyên thủ quốc gia về mặt trái của nền văn minh hiện tại.
Mặc dù không thể nói ra, nhưng nếu nhân loại cứ tồn tại và phát triển theo xu hướng hiện nay, khó ai có
thể đoán chắc rằng nền văn minh này không bị huỷ diệt.
Nhiều tư duy của cuốn sách nhắc ta phải suy ngẫm và nghiên cứu nhiều nữa để đi đến nhận thức sâu hơn về thế giới ngày nay và XHDS
phát triển trong tương lai. Tôi đồng tình rằng cần có cái nhìn xa
và sâu hơn về vận mệnh đất nước và số phận của hành tinh – Trái
Đất.
Tôi thích thú, tuy chưa thoả mãn, khi đọc nửa cuối của quyển sách này. Tôi
cho rằng người viết thật thẳng thắn, tâm huyết và “dám” nêu ra
quan điểm của mình mà không phải “thăm dò” trước thái độ các chính trị gia. Khoa học phải là như vậy và mãi mãi phải là như vậy. Có lẽ chính điều đó làm cho cuốn sách càng thêm hấp dẫn.
Ngoài những ưu điểm rõ ràng của cuốn sách, đương nhiên nó cũng
không thể hàm chứa tất cả những gì mà người đọc mong muốn. Còn nhiều nội dung nữa cần phải đề cập cho một cuốn sách nói đầy đủ về XHDS. Chẳng hạn, cuốn sách mới đề cập đến phần nổi của XHDS mà chưa “đào bới” tới phần gốc của nó, khi mà các
tác giả mong xây dựng một xã hội tương lai phát triển cả về đời sống vật chất (thể xác) và đời sống tinh thần (tâm linh), điều mà trong kinh
sách Phật giáo đã nói đến từ lâu.
Mong sao, sau cuốn sách này, sẽ có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về những điều đã nêu và những nội dung còn bỏ ngỏ về XHDS, nhằm thật sự làm rõ vai trò của nó trong “tứ quyền liên kết” (Lập pháp – Tư pháp – Hành pháp – Công luận), góp phần hiệu quả lái các xu hướng phát triển của nhân loại sang một nền văn minh mới – một nền văn minh nhân bản, phát triển vì hết thảy mọi người.”
CHÚ THÍCH: XÃ HỘI DÂN SỰ – Một số vấn đề chọn lọc, Vũ Duy Phú, Đặng Ngọc Dinh, Trần Chí Đức, Nguyễn Vi Khải, Nhà xuất bản tri thức trẻ.
(1)CIVICUS – Một tổ chức phi chính phủ quốc tế, tên là Liên minh
Thế giới vì sự tham gia của Công dân (World Alliance for Citizen Participation).
(2) Trần Phương là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học (dân lập) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
(3) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 040 – TTX ngày
21/2/2008
(4)GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, nguyên Phó viện trưởng viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
(5) TS. Mai Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài của Việt Nam; Thành viên
Ban tư vẩn cấp cao của Chính phủ; Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc.
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết