QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, February 11, 2015

Người Việt tiêu biểu dưới 40 tuổi tại Mỹ


Người Việt tiêu biểu dưới 40 tuổi tại Mỹ

Người Việt tiêu biểu dưới 40 tuổi: TNS Janet Nguyễn
09.02.2015
Bà Janet Nguyễn năm nay 39 tuổi, đắc cử chức thượng nghị sĩ tiểu bang California năm 2014, và hiện là dân cử gốc Việt cao cấp nhất Hoa Kỳ.
Janet Nguyễn. (Hình: janet2014.com)
 Trước đó, bà đắc cử chức giám sát viên Orange County trong cuộc bầu cử đặc biệt năm 2007, trở thành giám sát viên trẻ nhất và là người gốc Châu Á đầu tiên đắc cử vào Hội Đồng Giám Sát Orange County. Trong cuộc bầu cử này, bà chỉ hơn người về nhì có 3 phiếu, sau một loạt tái kiểm phiếu và kiện ra tòa án tiểu bang, thấp nhất trong lịch sử Orange County.

Sau đó, bà tái đắc cử năm 2008 và năm 2012, cả hai lần đều thắng ngay trong vòng sơ bộ, không phải vào vòng hai. Trước khi làm giám sát viên, bà là nghị viên Garden Grove từ năm 2005 đến năm 2007. Trước đó, bà là giám đốc địa hạt cho Dân Biểu Tiểu Bang Ken Maddox và thực tập tại văn phòng Giám Sát Viên William Steiner.

Bà Janet Nguyễn sinh ra ở Việt Nam, cùng gia đình vượt biên đến Hoa Kỳ năm 1981 khi mới 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học Garden Grove, bà vào học đại học UC Irvine và tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị.

Người Việt tiêu biểu dưới 40 tuổi: Thị trưởng Bảo Nguyễn
09.02.2014
Ông Bảo Nguyễn năm nay 35 tuổi, hiện là thị trưởng Garden Grove, trẻ nhất trong lịch sử thành phố, sau khi đắc cử năm 2014.
Bảo Nguyễn. (Hình: Facebook)
Năm 2012, ông thắng cử chức ủy viên Học Khu Garden Grove. Năm 2010, ông ứng cử vào học khu, nhưng không đủ số phiếu. Một năm sau, ông được bổ nhiệm vào học khu, thay thế Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh từ chức.

Ông Bảo Nguyễn tốt nghiệp trung học Pacifica, Garden Grove, và cử nhân khoa học chính trị tại đại học UC Irvine và cao học thần học đại học Naropa University ở Boulder, Colorado. Ông cũng có bằng hành nghề hòa giải do Orange County Human Relations cấp và là giáo viên dạy thế tại Học Khu Garden Grove. Ngoài ra, ông hoạt động với Nghiệp Ðoàn Nhân Viên Săn Sóc Tại Gia, đại diện người cao niên và khuyết tật cũng như số đông học sinh chương trình giáo dục đặc biệt.

Ông hiện cũng là ủy viên Hội Đồng Quản Trị Hội Chợ Orange County và là thành viên Ủy Ban Đa Tôn Giáo Giáo Phận Orange. Ông Bảo Nguyễn ra đời trong trại tị nạn Songkla, Thái Lan, và đến Hoa Kỳ khi mới 3 tháng tuổi. Ngoài tiếng Việt và tiếng Anh, ông nói được tiếng Tây Ban Nha.
Người Việt tiêu biểu dưới 40 tuổi: Nghị viên Tyler Diệp
09.02.2015

Ông Tyler Diệp năm nay 32 tuổi, đắc cử chức nghị viên Westminster lần đầu năm 2008, với nhiệm kỳ bốn năm. Năm 2011, ông được các đồng viện bầu làm phó thị trưởng.
Tyler Diệp. (Hình: Facebook)

Trong cuộc tái tranh cử năm 2012, ông chỉ về hạng ba, không hội đủ số phiếu. Năm 2014, ông về hạng nhất trong cuộc đua tranh hai ghế nghị viên, đắc cử với nhiệm kỳ bốn năm.

Trước đó, ông đắc cử chức ủy viên Đặc Khu Vệ Sinh Midway City năm 2006, tái đắc cử năm 2010 và năm 2014. Trước khi trở thành dân cử, ông là phụ tá cho Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn. Ông cũng từng là phụ tá cho bà Michelle Steel, ủy viên Hội Đồng Thuế California, Địa Hạt 3. Ông Tyler Diệp tốt nghiệp cử nhân hành chánh công tại đại học California State University, San Diego.

Ngoài hai chức vụ dân cử, ông cũng là nhân viên Hội Đồng Thuế California và là cộng tác viên của đài truyền hình Viet Face TV 57.2 ở vùng Little Saigon. Ông cũng từng là đại diện của thành phố Westminster trong Hội Đồng Quản Trị Sở Cứu Hỏa Orange County, phó chủ tịch Ủy Ban Giao Thông Westminster, và ủy viên cố vấn Văn Phòng Biện Lý Orange County.


Người Việt tiêu biểu dưới 40 tuổi: Cassie Nguyễn
10.02.2015
Cassie Nguyễn từng trải qua bảy năm đối mặt với khối u não trước khi trở thành đại diện của Hội Ung Thư Hoa Kỳ (ACS). Cô thành lập chương trình dạy các bệnh nhi làm phim để quên đi nỗi đau bệnh tật.
Năm 16 tuổi, cô bắt đầu được các bác sĩ phát hiện và chữa trị khối u não. Trong thời gian làm hoá trị, Cassie quyết tâm hoàn thành các lớp yêu cầu để tốt nghiệp trung học.

Cassie hiện học tại UC Riverside, ngành Luật Công Cộng để “sẽ vận động có thêm điều luật giúp bệnh nhân ung thư.” Ngoài việc học, cô làm tình nguyện cho American Cancer Society và Children’s Brain Tumor Foundation. Các học bổng cô nhận được một phần là từ hai tổ chức này, phần còn lại từ các cơ quan vô vụ lợi khác.
Đoàn làm phim Spotlight on Hope là ý tưởng của Cassie. Trong khi học đại học, cô từng thực tập tại một toà báo và có dịp làm việc với công ty điện ảnh Think Ten Media. Cô xin thực tập tại công ty, bàn với ban giám đốc về ý định tổ chức các lớp học miễn phí như một sinh hoạt ngoại khoá cho trẻ ung thư.

Sức mạnh chính trị Việt ở Little Saigon
Đỗ Dzũng
18.01.2015
“40 năm rồi cộng đồng chúng ta mới làm nên lịch sử ngày hôm nay,” Giám Sát Viên Janet Nguyễn cảm động tuyên bố, khi kết quả của Cơ Quan Bầu Cử Orange County cho thấy bà dẫn trước đối thủ Jose Solorio 62% so với 38% trong cuộc đua giành chức thượng nghị sĩ California, Địa Hạt 34, vào lúc 10 giờ tối Thứ Ba, 4 Tháng Mười Một.



Cựu Nghị Viên Tony Lâm, dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Bà Janet Nguyễn không những là người Việt đầu tiên đắc cử vào Thượng Viện một tiểu bang ở Hoa Kỳ, mà bà cũng là người Việt đầu tiên đắc cử chức giám sát viên một quận hạt ở nước Mỹ, hồi năm 2007.
Trong đêm thắng cử, bà đặc biệt cảm ơn ông Tony Lâm, nghị viên gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ.
“Xin cảm ơn chú Tony Lâm. Nhờ chú mở đường mà từng lớp chúng cháu mới có ngày hôm nay,” bà Janet Nguyễn nói.
Ông Tony Lâm thắng bà Margie Rice trong cuộc đua làm nghị viên Westminster ngày 3 Tháng Mười Một, 1992.

Cũng trong cuộc bầu cử năm 1992, lần đầu tiên Hoa Kỳ có ba ứng cử viên gốc Việt. Ngoài ông Tony Lâm, còn có ông Jimmy Tòng Nguyễn, cũng ứng cử nghị viên Westminster, và ông Henry Lê, ứng cử nghị viên Santa Ana.
Năm 2004, Luật Sư Trần Thái Văn thắng đối thủ Al Snook trong cuộc đua vào chức dân biểu California, Địa Hạt 68, ngày 2 Tháng Mười Một, trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên ngồi trong Quốc Hội tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ.

Đó là những sự kiện lịch sử nói lên sức mạnh chính trị của cộng đồng Việt Nam tại Orange County, trong đó có Little Saigon.
Mặc dù cộng đồng Việt Nam có mặt ở miền Nam California từ năm 1975, nhưng mãi đến 17 năm sau, mới có một dân cử gốc Việt, và từ đó đến nay, Little Saigon có tới 21 dân cử gốc Việt các cấp, nắm giữ 27 chức vụ khác nhau.



Cựu Dân Biểu Trần Thái Văn, dân cử gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội California. (Hình: Facebook)

Trong số này, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn từng giữ chức giám sát viên Orange County và nghị viên Garden Grove; Luật Sư Trần Thái Văn từng là nghị viên Garden Grove trước khi đắc cử dân biểu tiểu bang California; ông Tạ Đức Trí từng là nghị viên trước khi làm thị trưởng Westminster; Luật Sư Dina Nguyễn từng là nghị viên Garden Grove trước khi đắc cử ủy viên Hội Đồng Thủy Cục Orange County, Khu Vực 1; và ông Tyler Diệp hiện là nghị viên Westminster kiêm ủy viên Đặc Khu Vệ Sinh Midway City.

Vai trò của truyền thông
Cựu Nghị Viên Tony Lâm cho rằng, một trong những lý do cử tri gốc Việt đi bầu nhiều và bầu cho người Việt là do truyền thông Việt Nam ở Little Saigon.
Ông chia sẻ, “Tôi nhớ lúc thắng cử năm 1992, tôi chỉ hơn bà Margie Rice 138 phiếu, và chỉ có khoảng 2,000 cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu. Lúc đó, cộng đồng chúng ta chưa có nhiều cơ quan truyền thông, ngoại trừ một số cơ quan lớn như nhật báo Người Việt, đài truyền hình Little Saigon TV, và đài truyền hình của ông Lương Văn Tỷ, nhưng phát rất ít giờ mỗi ngày, chứ không nhiều như bây giờ.”

Trong cuộc bầu cử ngày 4 Tháng Mười Một, 2014, các ứng cử viên gốc Việt, và một số ứng cử viên không phải Việt Nam, xuất hiện thường xuyên trên ba tờ nhật báo tiếng Việt và gần một chục đài truyền hình địa phương trong cộng đồng Việt Nam, để quảng bá cho chính bản thân họ, cũng như nhắc nhở mọi người đi bầu.

“Có thể nói, giới truyền thông Việt đóng một vai trò đáng kể trong việc kêu gọi và cổ động cử tri Việt Nam rất hữu hiệu và nhanh chóng,” Luật Sư Trần Thái Văn chia sẻ. “Tôi xin đưa ra một ví dụ, đó là sau vụ khủng bố 9-11, thành phố Westminster muốn tổ chức một buổi tưởng niệm các nạn nhân ngay, nhưng không có phương tiện. Chỉ vài ngày sau, qua các cơ quan truyền thông Việt, số người đến tham gia rất đông, trong đó, tới 85% là người Việt Nam.”



Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, người Việt Nam đầu tiên đắc cử vào Thượng Viện
một tiểu bang ở Hoa Kỳ. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, đắc cử ủy viên Học Khu Garden Grove lần đầu năm 2002 và từng tham gia nhiều cuộc vận động bầu cử trong cộng đồng Việt Nam, phân tích, “Vận động qua truyền thông Việt vừa rẻ lại vừa hiệu quả so với truyền thông khác. Quảng cáo trên truyền thông Việt tập trung hơn, vì chỉ có bấy nhiêu báo và đài.”
“Khi ứng cử viên gốc Việt được sự ủng hộ tài chánh của cộng đồng, họ luôn chọn bỏ tiền vào truyền thông Việt. Và đây chính là lợi thế của ứng cử viên gốc Việt so với người bản xứ,” ông Lân nói tiếp.

Vận động cử tri
Một trong các cuộc vận động ghi danh cử tri quan trọng trong vùng Little Saigon là buổi trình diễn văn nghệ “Rock the Vote” tổ chức ở đại học UC Irvine năm 1999, với hàng trăm ca sĩ Việt Nam trình diễn trong hơn 150 tiết mục, gồm những người đứng ra tổ chức như Luật Sư Trần Thái Văn, nhạc sĩ Nam Lộc, cố nhạc sĩ Việt Dzũng, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, và ông Hồ Văn Xuân Nhi...
Trong buổi văn nghệ này, ban tổ chức ghi danh được hơn 5,000 cử tri gốc Việt mới.
Luật Sư Trần Thái Văn kể, “Tôi nhớ lúc đó là sau vụ Trần Trường, khí thế của cộng đồng Việt Nam lên rất cao. Thế là chúng tôi quyết định tổ chức ghi danh cử tri. Có thể nói, đây là cuộc ghi danh lớn nhất đầu tiên trong cộng đồng Việt Nam. Và kể từ sau đó, ngày càng có nhiều người Việt đi bầu và có nhiều người Việt ra ứng cử.”

Sau thành công này, ông Văn được Thị Trưởng Bruce Broadwater và Nghị Viên Mark Rosen của Garden Grove khuyến khích ra ứng cử, ông kể, và ông Broadwater còn bổ nhiệm ông Văn vào chức ủy viên Quy Hoạch Garden Grove.
Năm 2000, ông Văn là người Việt Nam đầu tiên đắc cử nghị viên Garden Grove. Bốn năm sau, ông đắc cử dân biểu tiểu bang.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân chia sẻ, “Sau vụ biểu tình Trần Trường, chúng tôi nghĩ, 'Tại sao không dùng lá phiếu của cộng đồng để đấu tranh hữu hiệu hơn nữa?' Thế là chúng tôi bắt tay vào tổ chức 'Rock the Vote.'”
Một lý do nữa làm cử tri Việt Nam đi bầu đông đảo là vì “cá tính cộng đồng.”
Ông Lân nói, “Người Việt mình có nhiều nhu cầu chính trị.”
“Cộng đồng mình là một cộng đồng tị nạn chính trị, kiến thức chính trị rất cao, biết tại sao chúng ta có mặt tại Hoa Kỳ,” ông Văn nhận định.


Ngày càng có nhiều người Việt ra ứng cử và đắc cử ở Little Saigon. Năm 2014
có chín người đắc cử, cao nhất từ trước đến nay. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Ông Bùi Mạnh Cường, một nhà hoạt động tranh cử lâu năm trong cộng đồng, chia sẻ, “Người Việt mình thích chính trị, thích có tiếng tăm. Trong khi đó, người gốc Hispanic và các cộng đồng khác, họ lo chuyện khác, chứ không chú ý đến chính trị nhiều.”
Sau khi ông Tony Lâm đắc cử, mãi tám năm sau mới có người gốc Việt thứ nhì đắc cử tại Orange County. Thế nhưng, kể từ đó, có hàng chục người Việt Nam ra ứng cử và có thêm 20 người đắc cử.

Phiếu bầu bằng thư
Một trong những lợi thế của cử tri gốc Việt tại Orange County là bầu bằng thư, trước đây gọi là bầu khiếm diện, có nghĩa là cử tri không cần phải đến phòng phiếu, mà từ nhà, gởi phiếu bầu qua bưu điện.
Và số người Việt bầu qua hình thức này ngày càng tăng, tạo lợi thế cho ứng cử viên gốc Việt.
“Bầu bằng thư có từ lâu, nhưng ít ai tận dụng,” Luật Sư Nguyễn Quốc Lân nói. “Cho tới năm 2000, trong cuộc bầu cử của Luật Sư Trần Thái Văn vào Hội Đồng Thành Phố Garden Grove, cộng đồng Việt Nam mới sử dụng hình thức này, và kết quả rất thành công. Đến năm 2002, khi tôi ứng cử vào Học Khu Garden Grove, tôi cũng vận động cử tri bầu qua cách này.”
Luật Sư Andrew Đỗ, cựu nghị viên Garden Grove và là trưởng ban tranh cử của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, nhận xét, “Bầu cử bằng thư là một lợi thế của cộng đồng Việt Nam, mặc dù các cộng đồng khác cũng có thể vận động được. Nên nhớ, vẫn còn nhiều cử tri Việt Nam, nhất là các vị cao niên, chưa quen đi đến phòng phiếu. Dù nhân viên phòng phiếu có những người trẻ, nói được tiếng Việt, nhưng nhiều người vẫn không cảm thấy thoải mái.”
“Nếu cử tri bị bắt buộc phải đi đến phòng phiếu, chắc chắn số phiếu của người Việt sẽ giảm,” ông Andrew Đỗ nhận định.
Cho tới năm 2012, theo Cơ Quan Bầu Cử Orange County, có tới 51.4% cử tri trong quận hạt chọn cách bầu bằng thư.
Cũng theo cơ quan này, “Trong khi ngày càng có nhiều cử tri gốc Châu Á chọn cách bầu bằng thư, thì cử tri gốc Hispanic vẫn thích đi bầu tại phòng phiếu hơn.”
Trong số cử tri gốc Châu Á, có tới 74.5% cử tri gốc Việt bầu bằng thư, so với 67.4% cử tri Nam Hàn, và 61.1% cử tri gốc Hoa.


18% cư dân Orange County là gốc Châu Á. (Nguồn: Orange County Registrar of Voters)

Lợi thế của bầu cử giữa kỳ và đặc biệt
Lợi thế bầu bằng thư được các ứng cử viên gốc Việt tận dụng, nhất là trong các cuộc bầu cử giữa mùa, tức là không có bầu tổng thống, và các cuộc bầu cử gay cấn.
“Tỉ lệ cử tri gốc Việt đi bầu giữa kỳ hoặc đặc biệt lúc nào cũng cao, nên ứng cử viên gốc Việt có khả năng thắng cử cao là chuyện hợp lý,” cựu Dân Biểu Trần Thái Văn nói. “Tuy nhiên, cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà đôi khi, ứng cử viên không kiểm soát được.”
Ông Văn đưa ví dụ, “So sánh hai cuộc bầu cử giữa kỳ của năm 2010 và năm 2014, có một số yếu tố quan trọng. Trong năm 2010, California có bầu cử thống đốc và thượng nghị sĩ liên bang rất sôi nổi. Chính hai cuộc bầu cử này lôi kéo nhiều cử tri sắc dân khác đi bầu cao hơn năm 2014, thành ra ứng cử viên gốc Việt không có lợi.”
“Trong cuộc bầu cử năm 2010, số cử tri Santa Ana đi bầu nhiều hơn cuộc bầu cử năm 2014 tới 20,000 người,” ông Văn so sánh.
Trong cuộc bầu cử năm 2010, có tới 17 người Việt Nam ứng cử, nhưng chỉ có bảy người đắc cử.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử đặc biệt năm 2007 cho chức giám sát viên Địa Hạt 1 của Orange County, cử tri gốc Việt lại đi bầu đông đảo.
Luật Sư Andrew Đỗ nhận định, “Nhìn vào cuộc bầu cử này, chúng ta thấy có tới 10 ứng cử viên tranh duy nhất một ghế, trong đó có ba người gốc Việt. Tuy nhiên, hai ứng cử viên gốc Việt, Janet Nguyễn và Nguyễn Quang Trung, lại đứng đầu, chiếm gần 22,000 phiếu trong tổng số gần 46,000 phiếu bầu, tức là gần một nửa số phiếu. Kết quả này làm các nhà phân tích chính trị địa phương vô cùng ngạc nhiên, vì đa số phiếu của cử tri gốc Việt dồn cho hai người này.”
“Điều này cho thấy, trong một cuộc bầu cử đặc biệt ở Little Saigon, các ứng cử viên gốc Việt 'cùng nhau' thu hút lá phiếu của cử tri Việt,” ông Andrew Đỗ phân tích. “Nếu có một người Việt ra ứng cử, điều này có thể lý giải ứng cử viên này thu hút đa số phiếu cử tri Việt. Thế nhưng, ngay cả có hơn một người Việt ra tranh cử, ứng cử viên gốc Việt vẫn thu hút một số phiếu lớn của cử tri Việt.”
“Điều này cho thấy, mỗi ứng cử viên gốc Việt có thể thu hút cử tri riêng cho mình. Và khi cùng ứng cử, nó thu hút thêm người đi bầu, tạo thêm sức mạnh cho cộng đồng,” vị cựu nghị viên Garden Grove chia sẻ thêm.
Qua 40 năm định cư tại Little Saigon, sức mạnh chính trị của người Việt ngày càng lớn, và kết quả là ngày càng có nhiều người Việt ra ứng cử và ngày càng có nhiều dân cử gốc Việt.
Cử tri gốc Việt tại Orange County
Theo bài nghiên cứu “Bloc Voting, Polarization, and the Panethnic Hypothesis: The Case of Little Saigon” của tác giả Christian Collet thuộc đại học UC Irvine, xuất bản vào năm 2005, cho tới năm 1992, trong tất cả cử tri có ghi danh đi bầu ở khu vực Little Saigon, chỉ có 7% là cử tri gốc Việt. Cho tới năm 2002, tỉ lệ này là 28%. Tại Westminster và Garden Grove, tỉ lệ cử tri gốc Việt có ghi danh đi bầu tương đương với tỉ lệ dân số của họ trong từng thành phố.


Tổng số cư dân Việt Nam có quốc tịch Mỹ ở Orange County là 168,220 người, trong đó,
số người nằm trong độ tuổi đi bầu là 132,712 người. (Nguồn: Orange County Registrar of Voters)

Theo thống kê của Cơ Quan Bầu Cử Orange County năm 2012, Orange County có 3,090,132 cư dân, trong đó 43% gốc da trắng, 34% gốc Hispanic, 18% gốc Châu Á, và 5% gốc các sắc dân khác.
Cả Orange County có 1,996,545 người ở tuổi đi bầu, tương đương 65% dân số. Trong số này, có 712,320 người thuộc các cộng đồng thiểu số ở độ tuổi đi bầu, tương đương 36% số người ở độ tuổi đi bầu và tương đương 24% dân số của quận hạt.
Số người Việt Nam có quốc tịch Mỹ ở Orange County là 168,220 người, trong đó có 132,712 người ở độ tuổi đi bầu.
Trong khi đó, số người gốc Hispanic là 742,132 người, trong đó có 496,422 người ở độ tuổi đi bầu.
Tổng số người Hoa là 72,980 người, trong đó có 60,520 người ở độ tuổi đi bầu.
Người Nam Hàn có số dân 63,347 người, và có 49,966 người ở độ tuổi đi bầu.
Điều này cho thấy, người Mỹ gốc Việt là nhóm thiểu số lớn thứ nhì ở Orange County, và là nhóm dân gốc Châu Á lớn nhất ở quận hạt này.

Tiếp tục vận động ghi danh
Tuy đạt được một số thành quả chính trị đáng kể ở địa phương, cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon nói riêng, và ở Orange County nói chung, vẫn chưa “vươn xa” ra khỏi nơi này, ví dụ như chức dân biểu liên bang, hoặc cao hơn nữa.
Điều này làm một số nhà hoạt động lo lắng, khi bắt đầu có dấu hiệu cử tri gốc Việt “chựng” lại, qua hiện tượng một số người không tiếp tục bỏ phiếu, vì nhiều lý do khác nhau.
Theo Luật Sư Trần Thái Văn, gần 30% danh sách ghi danh của cử tri gốc Việt tại cơ quan bầu cử đã quá cũ, không đúng, và không được cập nhật.

“Có nhiều người Việt Nam nay không biết đi bầu ở đâu,” ông Văn nói. “Lý do? Cộng đồng chúng ta là một cộng đồng di dân, phải lo làm ăn, di chuyển nhiều, nhiều người ở nhà mướn, hoặc 'share' phòng. Cho nên, có khi họ không báo cho cơ quan bầu cử để có phiếu bầu gởi về địa chỉ mới.”
Ông Bùi Mạnh Cường nói, “Người Việt mình 'di động' quá! Trong cuộc bầu cử của Dân Biểu Trần Thái Văn năm 2008, tôi ghi danh được 3,500 người trong hai tháng. Sau một tháng, tôi ghi danh lại, có tới 30% số thư gởi cho cử tri bị trả lại, vì người nhận không còn ở địa chỉ đó nữa.”
Theo Cơ Quan Bầu Cử Orange County, cho tới ngày 30 Tháng Năm, 2014, có 87,123 cử tri Việt Nam ghi danh đi bầu, nhưng chỉ có 68,454 người thực sự đi bầu thường xuyên, gọi là “active voter.”
Số còn lại, 18,669 người, không đi bầu, gọi là “inactive voter.”
Con số này đối với cử gốc Hispanic là 109,195 ghi danh, có 87,325 cử tri thực sự đi bầu, và 21,870 không đi bầu.
Với cộng đồng người Hoa, con số này là 23,783 ghi danh, có 19,033 đi bầu, và 4,750 không bầu.
Cộng đồng Nam Hàn có 27,720 người ghi danh, có 22,575 đi bầu, và 5,145 không đi bầu.
Con số này tỉ lệ với số dân thiểu số tại Orange County. Nghĩa là, cử tri gốc Việt vẫn đứng sau cử tri gốc Hispanic về số lượng người thực sự đi bầu, và vẫn là nhóm gốc Châu Á lớn nhất thực sự đi bầu.
Theo luật California, vào Tháng Hai, 2013, Cơ Quan Bầu Cử Orange County phải chuyển hơn 300,000 cử tri đã ghi danh vào danh sách “inactive.”



Trong cuộc bầu cử năm 2012, có gần 75% cử tri gốc Việt bầu bằng thư, cao nhất
Orange County. Trong khi đó, cử tri gốc Hispanic vẫn thích đến bầu
ở phòng phiếu hơn. (Nguồn: Orange County Registrar of Voters)

Có hai lý do cơ quan bầu cử làm chuyện này. Thứ nhất, cử tri đổi địa chỉ mà không báo, nên khi gởi phiếu bầu tới, không ai nhận, và thư bị trả lại. Thứ nhì, cử tri không tham gia bầu cử trong 4 năm trước cuộc bầu cử mới nhất, và cũng chưa cập nhật thông tin với cơ quan bầu cử.
Trở lại chuyện vận động bầu cử, chuyện đóng góp tài chánh cho các ứng cử viên cũng quan trọng vô cùng.

Trong các cuộc vận động tranh cử lớn của ứng cử viên gốc Việt ở Little Saigon, ngoài chuyện gởi thư, gởi flyer, gọi điện thoại, một số ứng cử viên còn hướng dẫn cử tri ghi danh, điền phiếu bầu, và ngay cả chở đi bỏ phiếu!

“Tất cả những công việc này đều phải có người làm, và phải có tiền để trả họ, ít nhất cũng phải $10/giờ, chưa kể xăng nhớt,” ông Cường nói. “Nếu không có đóng góp tài chánh, tôi e rằng, ứng cử viên gốc Việt có thể gặp khó khăn. Tôi rất thực tế trong chuyện này!”
Theo ông, trung bình, một ứng cử viên gốc Việt phải chi ra $15 để vận động một lá phiếu, còn ứng cử viên không phải gốc Việt, có thể lên tới $20.
Tân Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn chia sẻ, “Hãy nhìn cuộc bầu cử thượng nghị sĩ Địa Hạt 34 vừa qua, phía đối thủ của tôi chi ra tới $11 triệu. Thế nhưng, lá phiếu của người Việt đã chiến thắng, và tôi hơn đối thủ 18% số phiếu bầu.”

Kết luận
“So với trước đây, vận động ghi danh bây giờ dễ dàng hơn nhiều,” cựu Dân Biểu Trần Thái Văn chia sẻ. “Hồi thập niên 1980, chúng tôi không có Internet, không có máy hình digital như hiện nay, nói chung là thiếu thốn nhiều thứ. Muốn vận động, phải dùng sức người là chính. Còn bây giờ, phương tiện kỹ thuật có đủ, cộng đồng chúng ta phải tiếp tục vận động lẫn nhau để đi bầu.”
Khi nhìn tân Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn tuyên thệ nhậm chức ở Sacramento hôm 1 Tháng Mười Hai, 2014, cựu Nghị Viên Tony Lâm chia sẻ, “Trước đây, khi tôi ra ứng cử, ước mong của cá nhân tôi cũng là mong muốn để những người khác tiếp nối, và ngày nay, nhiều người khác và Janet đã làm được. Điều tôi mong ước bây giờ là cộng đồng chúng ta phải đoàn kết, ủng hộ các vị dân cử, để tất cả cùng vươn lên.”

“Cứ nhìn Garden Grove thì biết. Có tới 1/3 cư dân ở đây là gốc Hispanic mà chưa bao giờ họ có một nghị viên nào,” Luật Sư Trần Thái Văn tâm sự. “Trong khi đó, năm 2014, lần đầu tiên thành phố này có một thị trưởng gốc Việt, và Hội Đồng Thành Phố có ba người gốc Việt ngồi trong đó. Số cử tri gốc Hispanic đông hơn cử tri gốc Việt, nhưng tỉ lệ đi bầu của họ lại không cao.”

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List