QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Sunday, February 8, 2015

Ý Nghĩa Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” (The Journey To Freedom Day)


Ý Nghĩa Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” (The Journey To Freedom Day)

ngo-thanh-hai-canada-senator-300
Thưa quý cô bác, anh chị em,
Trước hết xin quý cô bác, anh chị  thứ lỗi nếu tôi có làm phiền lòng quý cô bác, anh chị.  Tôi cũng xin cám ơn quý cô bác, anh chị  đã dành thì giờ đọc thư nầy.

Thật tình tôi không khỏi sửng sờ và hết sức buồn  khi thấy trên mạng và diễn đàn có một vài anh/chị đã vì hiểu lầm mà loan tin không đúng sự thật về việc chọn tên cho Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư và còn có những lời lẽ thật nặng nề đối với Thượng Nghị Sĩ (TNS) Ngô Thanh Hải vì nghĩ TNS là “việt cộng nằm vùng”.

Vì lợi ích của tinh thần Đoàn Kết Toàn Dân hầu sớm giải thể chế độ việt cộng tàn ác, phi nhân cũng như vì tình thương yêu Đồng Bào đã gần 40 năm sống trong nghèo đói, tủi nhục dưới bạo quyền,  tôi  cảm thấy có trách nhiệm đính chánh những điều đã bị hiểu lầm. Xin quý cô bác anh chị đọc bản tin cuộc  phỏng vấn TNS Ngô Thanh Hải do Đài Á Châu Tự Do thực hiện, đính kèm bên dưới, để biết thêm chi tiết.

1) TNS Ngô Thanh Hải xứng đáng để được cộng đồng người Việt trong và ngoài Nước biết ơn hơn là khiển trách.
Nhiều cô bác, anh chị trong cộng đồng Việt ở Canada, cũng như tôi  đã chứng kiến TNS Hải đã và đang đồng hành cùng người Việt Quốc Gia trong công cuộc đấu tranh giải thể chế độ việt cộng trong hơn 30 năm qua  bằng mọi hình thức từ việc tham gia biểu tình, đến những việc thật quan trọng khác là dùng quyền hạn của một Thượng Nghị Sĩ để yêu cầu chính phủ Canada làm áp lực buộc việt cộng phải trả tự do cho Tù Nhân Lương Tâm, Tôn Trọng Nhân Quyền, v.v… trước khi có những giao thiệp buôn bán hay ngoại giao với chúng.  

Gần đây nhất là Thượng Nghị Sĩ đã yêu cầu Bộ Di Trú Canada chấp nhận cho anh Đặng Chí Hùng được quyền tỵ nạn cộng sản tại Canada và chính ông cũng đã can thiệp với chính phủ Quân Đội Thái Lan cho anh Đặng Chí Hùng được đến Canada định cư thật sớm từ nhà tù Thái Lan.

Cũng thật là vinh dự và đáng để cho chúng ta  tự hào là  cộng đồng Việt hôm nay tại Canada có đựơc một dự luật cho Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư mà không có một cộng đồng người  Việt nào hiện sống tại các Quốc Gia  khác có được. Có thể xem đây là một sự kiện lịch sử, để ghi nhớ ngày mà Quê Hương ta bị việt cộng cưỡng chiếm bằng bạo lực, buộc chúng ta phải bỏ Nước ra đi. Thành quả nầy là do sự đóng góp của cộng đồng Việt chúng ta tại Canada và quan trọng hơn cả là nhờ sự can thiệp của TNS Hải. Không có ông có lẽ là chúng ta chưa có được dự luật nầy.

TNS Hải nói: “Dự luật S-219 tôi dự định đưa ra năm rồi, tháng Mười 2013. Bởi vì năm 2015 là 40 năm thì tôi nghĩ cách mình có thể làm được là một dự luật tưởng niệm ngày 30 tháng Tư  năm 1975, nhớ lại hành trình chúng ta ra đi vì tự do.
Trong dự luật tôi đưa ra là để tưởng nhớ làn sóng hai triệu người đã ra đi, để tưởng nhớ 250.000 người chết trên biển cả, để cám ơn Canada nhận 300.000 người tỵ nạn và để cám ơn chính phủ Canada, nhân dân Canada đã mở rộng vòng tay để đón tiếp chúng ta…” . Tuy nhiên trong cái preambule lời nói đầu của tôi thì tôi để là đa số người Việt Canada đều coi ngày 30 tháng Tư năm 75 là “Black April Day”,  Ngày Tháng Tư Đen. Một số người thì cứ khăng khăng nói rằng ngày 30 tháng Tư là ngày quốc hận. Cộng đồng mình muốn dùng chữ 30 tháng Tư gì cũng được hết, khi đã được công nhân rồi mình có thể nói Ngày 30 tháng Tư Đen hoặc Ngày Quốc Hận cũng được như thường (Thượng Nghị Sĩ trả lời cô Thanh Trúc, Đài Á Châu Tự Do).

2) Tại Sao Dự Luật Có Tên là ” Ngày Hành Trình Đến Tự Do” ( The Journey To Freedom Day).
Cũng như chúng ta, TNS Ngô Thanh Hải mong muốn Ngày Quốc Hận có được một cái tên thật đúng với ý nghĩa của nó. Chẳng hạn như tên “Ngày Quốc Hận” hay “Tháng Tư Đen”. Rất tiếc là những gì chúng ta muốn, không hẳn Chính Phủ hay Quốc Hội Canada muốn, vì trong quan hệ với việt cộng họ còn có những quyền lợi về ngoại giao, kinh tế cho lợi ích của toàn dân Canada. Vì vậy “Ngày Tháng Tư” ( Black April Day) khi được TNS Hải đệ trình lên chính phủ, Thủ Tướng Harper đề nghị chọn một tên khác với hai lý do chính: a) “Tháng Tư Đen” sẽ tạo sự nhạy cảm đối với người ngoại quốc, và b) Khi dùng từ “Black April” người ngoại quốc không hiểu chúng ta muốn nói gì nếu không có lời giải thích rõ ràng.

Do đó Thủ Tướng Harper đề nghị nên đổi lại là “The Journey to Freedom Day”,    ( Ngày Hành Trình Đến Tự Do). Tên nầy dễ hiểu hơn, đọc tới thì dân Canada hiểu rằng đó là ngày người Việt của mình   từ bỏ cha mẹ, bạn bè, nơi chôn nhau cắt rún để bắt đầu  cuộc hành trình nguy hiểm, ra đi tìm Tự Do).  Là một công dân Canada, làm việc cho chánh phủ, TNS Ngô Thanh Hải không thể có một lựa chọn nào khác. Nếu quý cô bác, anh chị ở vào địa vị của ông thì thử hỏi quý cô bác, anh chị sẽ làm gì?
“Cộng đồng mình nghĩ ngày 30 tháng Tư là Black April Day Tháng Tư Đen, thì tôi cũng đệ trình lên là Black April Day. Nhưng mà cộng đồng người Việt mình không nghĩ là thủ tướng và chính phủ cho rằng dùng chữ “black” nó hơi nhạy cảm.
Thứ hai, khi dùng chữ Black April Day dân Canada không rõ ý nghĩa của cái đó là gì. Thành ra thủ tướng Canada đề nghị là “Journey To Freedom Day” nó dễ hiểu hơn, đọc tới thì dân Canada hiểu rằng đó là ngày người Việt của mình bỏ nước ra đi, Journey To Freedom Da,  Hành Trình Đến Tự Do thì nó đầy đủ ý nghĩa hơn” (TNS Hải trả lời cô Thanh Trúc, Đài Á Châu Tự Do).
“Ngày Hành Trình Đến Tự Do”, tên gọi nầy còn là một lời tố cáo mạnh mẽ trước cộng đồng thế giới là chế độ việt cộng là một chế độ độc tài, đảng trị, không có Tự Do nên người dân mới từ bỏ cha mẹ, bạn bè, nơi chôn nhau cắt rún để bắt đầu cuộc hành trình nguy hiểm, ra đi tìm Tự Do. Thiết nghĩ tên gọi nầy mang một ý nghĩa rất sâu xa.

Chính vì vậy mà tà quyền việt cộng đã làm áp lực với Chính Phủ và Quốc Hội Canada không được dùng tên gọi nầy:
“Tòa đại sứ Việt Nam tại Canada và chính phủ Việt Nam đã mướn một người để lobby và đánh phá cho dự luật này không được thông qua… Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, nói dự luật yêu cầu công nhận ngày 30 tháng Tư là ngày kỷ niệm Hành Trình Đến Tự Do mà thượng viện Canada thông qua hồi đầu tuần này là một dự luật xuyên tạc lịch sử, vì chính trị cá nhân, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam” ( trả lời cô Thanh Trúc, Đài Á Châu Tự Do).

Thử hỏi nếu chánh phủ Canada và Thượng Nghị Sỉ Hải thân cộng, muốn đặt tên cho Ngày Quốc Hận một cái tên mà có lợi cho việt cộng thì tại sao chúng lại chống đối để Dự Luật S-219 không được Hạ Viện thông qua?

Nếu quý cô bác, anh chị nào còn có điều gì thắc mắc, không hài lòng về tên gọi  “Ngày Hành Trình Đến Tự Do” thì xin viết thư trực tiếp để Thượng Nghị Sĩ giải thích. Tôi tha thiết xin quý cô bác, anh chị đó hãy nghĩ đến hàng triệu dân oan bị cướp đất; cướp nhà, những công nhân bị bóc lột tận xương tủy trong các xí nghiệp của tàu; những tù nhân lương tâm như cha Lý, Bùi Thị Minh Hằng, Việt Khang v.v… đang chịu cảnh gông cùm tù tội, bị tra tấn tàn bạo bởi việt cộng; và hàng triệu dân nghèo đói khổ mà đừng đánh phá, phỉ báng bất cứ một người Quốc Gia chống cộng khác, chỉ vì người đó không làm đúng ý mình. Làm như thế chỉ có lợi cho việt cộng mà chúng còn cười khinh bỉ nữa vì chúng ta không có đoàn kết và không làm gì được chúng.

Đã gần 40 năm rồi mà việt cộng, vẫn ngồi trên đầu trên cổ của người dân vô tội. Không phải chúng có tài năng gì mà chính vì chúng ta không có đoàn kết.
Vì tà quyền việt cộng không từ bỏ phản đối, đánh phá để dự luật S-219 không được Hạ Viện thông qua trong những tuần lễ tới. Vì vậy một số Hội Đoàn tại Canada sẽ gởi Thỉnh Nguyện Thư  xin cộng đồng Việt mình ký tên, để gởi đến Hạ Viện. Tôi tha thiết xin quý cô bác, anh chị cùng gia đình, bạn bè ký Thỉnh Nguyện Thư để Dự Luật được thông qua.
“Dự luật này bị cộng sản Việt Nam mướn người đánh phá thành ra cũng hơi khó khăn, nhưng hy vọng mình là con người làm việc ngay thẳng, hai là có sự yểm trợ của đồng bào và của cộng đồng, tôi hy vọng dự luật được thông qua trong năm tới, kỷ niệm 40 năm chúng ta bỏ nước ra đi” (trả lời cô Thanh Trúc, Đài Á Châu Tự Do).

Để kết thúc thư nầy,  tôi xin kính lời cám ơn chân thành Hội  Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Ontario đã tạo cơ hội cho chúng tôi được dịp tham dự buổi họp  biểu quyết Dự Luật S-219  tại Thượng Viện Canada, ngày 08 tháng 12, 2014 vừa qua. Tôi cũng không quên đặc biệt cám ơn TNS Ngô Thanh Hải và hai nhân viên phụ tá của ông, cô Tanya và anh Vincent,  đã làm việc thật vất vả trong ngày hôm đó cho đến khi chúng tôi rời văn phòng của Thượng Nghị Sĩ lúc 8 giờ 30 tối. Dù rất bận rộn nhưng Thượng Nghị Sỉ và hai phụ tá vẫn dành nhiều thời giờ tiếp đón, trò chuyện với chúng tôi trong tình anh em thân mật. Trước khi ra về TNS còn có nhã ý mời chúng tôi dùng cơm chiều với ông.

Trong lúc trò chuyện, để trả lời câu hỏi của tôi là: “làm thế nào để cộng đồng người Việt hải ngoại có thể đóng góp một cách hữu hiệu với đồng bào trong Nước vào công cuộc đấu tranh giải thể chế độ việt cộng thật sớm?”. Thượng Nghị Sỉ trả lời thật đơn giản là: “Chúng ta phải đoàn kết”.  Ông giải thích thêm là mỗi Đoàn Thể, đảng phái chính trị có một hình thức tranh đấu riêng của họ, nhưng tựu chung là chúng ta có cùng một mục tiêu là giải thể chế độ việt cộng. Chúng ta cần đoàn kết, tập trung mọi nỗ lực để sớm đạt được mục tiêu đó chứ không nên đánh phá, nhục mạ lẫn nhau. Chúng ta nên “thấy Nước” chứ không thấy “Người”. Nước  là Quê Hương Dân Tộc của chúng ta đang trong ngục tù việt cộng. Không thấy “Người” có nghĩa là không để ý đến những khác biệt của các Tổ Chức,  Hội Đoàn khác mà chê bai, chỉ trích. Cùng nhau hỗ trợ cho các Xả Hội Dân Sự trong Nước.
Ngoài ra TNS cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lá phiếu. Cộng đồng người Việt hải ngoại cần phải đi bầu cử, sử dụng lá phiếu để nhờ đó chúng ta có thể vận động Quốc Hội các Nước mà chúng ta cư ngụ ủng hộ chúng ta, tạo áp lực kinh tế và buộc việt cộng phải trả Tự Do cho tù nhân lương tâm, tôn trọng quyền làm người v.v…
Kính thư,

Đặng Thành Tiến




Xin cám ơn Hành trình đến Tự Do












































Canada thảo luận dự luật tỵ nạn cộng sản


image





Preview by Yahoo

Báo Canada nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư cho Thủ tướng Stephen Harper hồi trung tuần tháng 12/2014 để phản đối Dự luật S219

Hạ viện Canada vừa thảo luận về dự luật coi ngày 30/4 là ngày chính thức kỷ niệm người tỵ nạn cộng sản bỏ nước ra đi sau khi Sài Gòn thất thủ, bất chấp sự phản đối từ phía chính quyền Việt Nam.
Dự luật S-219, hay còn gọi là Dự luật Ngày Con đường tới Tự do, do Thượng nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải khởi xướng và đã được Thượng viện Canada thông qua hôm 8/12/2014.
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết: "Hầu như tất cả các hạ nghị sỹ phát biểu đại diện các đảng phái đều đồng ý với nội dung của dự luật."
"Họ hân hoan hết lời ca ngợi vinh danh cộng đồng người Canada gốc Việt. Họ cũng lên án, phê phán thẳng thừng chế độ độc tài hà khắc của cộng sản Việt Nam mặc dù nhìn nhận xã hội Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực mạnh mẽ."
"Cuối cùng, họ đồng ý đề nghị đưa dự luật này ra trước tiểu ban quốc hội "Di sản Canada" để tiếp tục tranh luận một cách rộng rãi vì đây cũng là cơ hội để tất cả mọi người dân Canada có cơ hội bày tỏ quan điểm chính kiến của mình."
"Đây là điểm son nổi bật cơ bản truyền thống của nền tự do, dân chủ Canada."
Trước đó, Thủ tướng Việt Nam đã viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Canada Stephen Harper để bày tỏ quan ngại về dự luật này, trang tin globeandmail.comcủa Canada tường thuật.
Thủ tướng Dũng trong lá thư được gửi cho Văn phòng Thủ tướng thông qua Tòa đại sứ Canada tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 12/2014 nói rằng dự luật này đưa ra cái nhìn méo mó về lịch sử Việt Nam và sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương mà cả hai nước đã nỗ lực bồi đắp, theo bài viết của tác giả Kim Mackrael.
'Phản ứng mạnh'
Ngay khi được Thượng viện Canada thông qua, Dự luật đã gây những phản ứng dữ dội từ phía giới chức Việt Nam.
Báo chí Canada hôm 9/12/2014 dẫn lời một trong các quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa, ông Vũ Việt Dũng, nói việc này "sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada, cũng như nỗ lực làm sâu rộng quan hệ trong cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư".
Những lập luận của Hà Nội không vượt qua được những phép thử pháp lý và quy định của quốc hội Canada.Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada
Ông Dũng cho hay Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng đã bày tỏ quan ngại với Ngoại trưởng Canada John Baird về dự luật này, mà Việt Nam cho rằng sẽ gửi thông điệp không đúng tới người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố Dự luật S219 "có những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân", trang tin VietnamNet tường thuật.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng từng gửi thư cho người đồng nhiệm Canada về việc này.
Tuy nhiên, không thấy truyền thông trong nước nhắc tới lá thư của Thủ tướng Dũng.
Luật sư Vũ Đức Khanh nhận xét: "Những lập luận của Hà Nội không vượt qua được những phép thử pháp lý và quy định của quốc hội Canada.
"Tôi nghĩ Hà Nội đang làm trò hề vì thứ nhất họ không hiểu luật chơi, thứ hai họ không biết lobby vì không biết ai là nhân vật cần tác động và thứ ba là điều quan trọng nhất là họ không có thực tâm hoà giải dân tộc và cải thiện cách điều hành quản trị đất nước."
'Hợp tác và tôn trọng'
Chính phủ của ông Harper nói Canada coi Việt Nam là thị trường ưu tiên trong mảng đầu tư

Canada hiện đang nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam và các nước Á châu khác.
Chính phủ của ông Harper coi Việt Nam là một thị trường ưu tiên cho các hoạt động đầu tư và rất muốn tỏ thái độ quan tâm tới khu vực qua việc đàm phán về thỏa thuận thương mại TPP.
Bộ trưởng Lao động Jason Kenney, người chịu trách nhiệm về vấn đề đa văn hóa của Canada trong một tuyên bố nói rằng "Canada tiếp tục tôn trọng những quan hệ với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" nhưng ông ủng hộ dự luật bởi nó kỷ niệm 60 ngàn người "đã dám đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do, và đã tìm được tự do tại Canada".
Cuối tuần vừa rồi Thủ tướng Harper dự lễ Tết ở Toronto với một rừng cờ vàng với trên 10.000 người tham dựLuật sư Vũ Đức Khanh
Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, người bảo trợ cho dự luật nói rằng dự luật không liên quan gì tới chính phủ hiện tại của Việt Nam. "Quan điểm của tôi là dự luật không đụng gì tới Việt Nam hết, dự luật không đụng gì tới các quan hệ thương mại," trang tin globeandmail.com trích trả lời của ông trong một cuộc phỏng vấn.
Hồi đầu tuần, Đại sứ Việt Nam tại Canada đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Canada để bày tỏ quan ngại về việc cờ Việt Nam Cộng hòa được sử dụng trong một sự kiện tại Mississauga ở ngoại vi Toronto dịp cuối tuần qua, là sự kiện có mặt ông Harper.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên và quan ngại về chuyện nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa trước đây đã được treo cạnh các lá cờ Canada tại các địa điểm công cộng ở Toronto," tuyên bố của Tòa đại sứ viết.
Tuy nhiên, ông Kenney nói rằng cờ vàng là biểu tượng mà người Canada gốc Việt đã lựa chọn, còn luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng việc đồng ý cho sử dụng cờ vàng là chỉ dấu cho thấy ông thủ tướng Canada ủng hộ Dự luật 219: "Quan điểm chính thức của Thủ tướng Harper là bằng mọi giá phải thông qua dự luật này vì đây là năm bầu cử quốc hội liên bang. Bằng chứng là cuối tuần vừa rồi Thủ tướng Harper dự lễ Tết ở Toronto với một rừng cờ vàng với trên 10.000 người tham dự."
"Dự luật được thông qua rồi bầu cử, sau đó mọi người sẽ quên đi. TPP kết thúc đàm phán, 2016 tất cả sẽ trở lại bình thường. Và mọi chuyện sẽ rơi vào lãng quên," luật sư Khanh nhận xét.




Thượng viện Canada thông qua luật liên quan VN
  • 10 tháng 12 2014
Chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper đang muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam

Thượng viện Canada thông qua dự luật Ngày Con đường tới tự do lấy ngày 30/4 là ngày kỷ niệm người tỵ nạn cộng sản Việt Nam.
Dự luật S-219 do Thượng nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải khởi xướng vừa được thông qua ngày 8/12 và chắc chắn sẽ gây phản ứng từ Hà Nội.
Dự luật này cũng bị cho là sẽ gây sóng gió cho quan hệ ngoại giao hai bên.
Theo dự luật, ngày 30/4 hàng năm được cho là ngày kỷ niệm làn sóng người tỵ nạn từ Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975.
Tuy nhiên, nó còn phải qua Hạ viện, và có ý kiến cho rằng còn lâu S-219 mới được mang ra thảo luận.
Chính quyền của Thủ tướng Harper đang nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Á châu, trong đó có Việt Nam.
Hành động của Thượng viện Canada ngay lập tức đã dẫn đến cảnh báo từ giới chức ngoại giao Việt Nam.
Báo chí Canada dẫn lời một trong các quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa, ông Vũ Việt Dũng, nói việc này "sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada, cũng như nỗ lực làm sâu rộng quan hệ trong cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư".
Ông Dũng cho hay Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng đã bày tỏ quan ngại với Ngoại trưởng Canada John Baird về dự luật này, mà Việt Nam cho rằng sẽ gửi thông điệp không đúng tới người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng từng gửi thư cho người đồng nhiệm Canada về việc này.
'Ngày tháng Tư đen'
Trước đó, trong một thông cáo, Nghị sỹ Ngô Thanh Hải cho hay ông rất 'vinh dự được giới thiệu dự luật S-219'.
“Dự luật này đề cập tới Ngày Con đường tới tự do, hay còn gọi là Ngày tháng Tư đen khi hàng nghìn người Việt rời khỏi Việt Nam để tìm tự do..."
“Trong 39 năm qua, người Việt tại Canada đã tụ họp vào ngày 30/4 để kỷ niệm một sự khởi đầu mới và cảm ơn Canada. Năm 2015, cộng đồng người Việt sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thuyền nhân tới định cư tại đây."
Ông Hải nói dự luật này sẽ đánh dấu mốc lịch sử đó.
“Tự do không miễn phí và các thuyền nhân đã phải trả giá cho tự do bằng các chuyến đi nguy hiểm của mình."





'Hành trình đến tự do' và cơ hội hòa giải?
( đảng CSVN phải hoà giải với nhân dân trong nước trước, bằng cách chấp nhận quyền tự do, dân chủ )

Luật sư Vũ Đức KhanhGửi cho BBCVietnamese.com từ Canada
  • 11 tháng 12 2014
Dự luật được đưa ra Thượng viện hồi tháng Tư với tên nguyên thủy là "Tháng Tư Đen"

Thượng viện Canada hôm 8/12 đã thông qua Dự Luật "Hành trình đến Tự do" với 45 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 14 phiếu trắng.
Điều đáng quan tâm là 4 phiếu chống đến từ Đảng Tự do Canada mặc dù vị lãnh đạo Khối đối lập chính của Thượng viện là Thượng nghị sỹ James Cowan thuộc Đảng Tự do Canada, đã bỏ phiếu trắng.
Trong lời phát biểu giải trình trước Thượng viện về lá phiếu của mình, ông nói: "Tôi bỏ phiếu trắng để bày tỏ sự không có ý kiến về nội dung của dự luật, ủng hộ hoặc chống lại nó…"
"Tôi dùng lá phiếu trắng để biểu thị sự bất mãn chống lại cách thức mà dự luật này đã được xử lý… Tôi hy vọng chúng ta sẽ suy nghĩ về điều đó. Đây không phải là cách mà chúng ta nên làm tại đất nước này."
"Công việc của chúng ta là nên cẩn thận xem xét khi làm luật vì thế chúng ta cần được nghe những người muốn bày tỏ ý kiến, cho dù họ ủng hộ hay chống lại hoặc chỉ đơn giản là đặt câu hỏi về pháp luật…"
Dự Luật "Hành trình đến Tự do" đã được Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải và Thượng nghị sỹ Enverga đồng bảo trợ đưa ra Thượng viện hồi tháng Tư năm nay với tên nguyên thủy là "Tháng Tư Đen".
Tuy nhiên, theo tin hành lang thì các thượng nghị sỹ thuộc Đảng Bảo thủ những người ủng hộ TNS Ngô Thanh Hải cũng không hiểu rõ ý nghĩa của nó nên đã đề nghị đổi lại. Theo một nguồn không xác nhận thì chính Thủ tướng Canada Stephen Harper đã đề nghị thay đổi thành “Hành trình đến Tự do” để được người dân Canada hiểu đầy đủ ý nghĩa hơn.

Có ai có mất mát, đau thương trên chuyến "Hành trình đến Tự do" này mới cảm thông với Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, mới thấu hiểu được vì sao một đạo luật như thế này là liều thuốc chữa lành cơn bệnh mà gần 40 năm qua hàng triệu người Việt phải mang nó trong lòng

Trong phần mở đầu dự luật ghi rõ là để “bày tỏ sự trân trọng về một ngày quốc lễ để tưởng niệm đến việc di cư của các người dân tỵ nạn Việt Nam và sự chọn lựa sinh sống và được sống tại Canada của họ sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chấm dứt chiến tranh Việt Nam”.
Điều 2 của dự luật ghi: “Khắp đất nước Canada và hàng năm và mỗi năm, ngày 30 tháng Tư (30/4) sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’."
"Ngày này để “mọi người nhớ đến và tưởng niệm những mạng người đã bị mất và những kinh nghiệm đau đớn mà những người tỵ nạn phải trải qua trong cuộc di cư của người dân Việt và sự được chấp nhận cho người Việt được sinh sống tại Canada và được chính phủ Canada chấp thuận, và cũng là để nhớ đến sự đóng góp của người dân Canada - và người Việt mà số dân này hiện nay có vào khoảng 300.000 người trong xã hội Canada.”
Phải công tâm nhìn nhận rằng nếu không có những nỗ lực vô biên của Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải cũng như sự cảm thông nghĩa tình của nhiều chính khách Canada, dự luật này khó lòng được Thượng viện Canada thông qua.
Đây là lần đầu tiên người Việt tại Canada và hải ngoại, những người tỵ nạn cộng sản được chính thức nhìn nhận và vinh danh. Chúng ta phải thành thật cám ơn họ thật nhiều vì chặng đường phiá trước còn dài và nhiều chông gai.
Dự luật này sẽ được ra Hạ viện Canada để thảo luận và thông qua nhưng không biết đến bao giờ và bao lâu cho nên chúng ta cũng cần học bài học kinh nghiệm quý báu hôm nay chuẩn bị cho tương lai.
Tự do ngôn luận: Con đường tiến tới dân chủ
Tự do, dân chủ là những giá trị phổ quát mà chúng ta cũng như đất nước Canada trân quý và bảo vệ.
Việc một số thượng nghị sỹ ủng hộ dự luật này nhưng đã từ chối không mời Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Canada ra điều trần trước Thượng viện là một khiếm khuyết quan trọng đối với những giá trị mà chúng ta tôn vinh.
Tuy về mặt quy trình pháp luật, Thượng viện không có gì sai vì dẫu sao ngài Đại sứ cũng đã có cơ hội giải trình bằng công văn với Thượng viện. Việc không có mặt trước Thượng viện tuy không được hoàn hảo cho lý tưởng dân chủ nhưng không có gì quá nghiêm trọng.
Cộng sản Việt Nam luôn đòi hỏi được tôn trọng và đòi thực thi dân chủ nhưng họ thì không bao giờ chấp nhận tôn trọng và thực thi dân chủ với ai.
Cá nhân tôi từng đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam tại Canada để được đối thoại về những vấn đề còn tồn đọng của lịch sử Việt Nam cận đại như câu chuyện về “thảm trạng thuyền nhân” sau biến cố 30/4 nhưng có bao giờ Đại sứ quán Việt Nam quan tâm thậm chí một lá thư hồi âm cũng chưa có.
Nhiều người Việt đã bỏ mạng trên biển trong làn sóng tỵ nạn sau 30/4/1975

Tuy nhiên, chúng ta không thể cổ vũ cho tự do, dân chủ mà lại từ chối nó, nhất là với những người thường phỉ báng nó.
Nếu như Thượng viện Canada để cho Đại sứ Việt Nam đến điều trần tôi vẫn tin rằng dự luật vẫn được thông qua, thậm chí số phiếu thuận có thể còn cao hơn nữa.
Tôi tin chắc rằng không có một vị thượng nghị sỹ Canada nào không biết gì về ngày 30/4cũng như thảm cảnh thuyền nhân hoặc thành tích nhân quyền tồi tệ của cộng sản Việt Nam. Cái mà họ phản đối là cách xử lý vụ việc.
Tại sao tôi bỏ phiếu trắng? Là vì dự luật này là về “con đường tiến tới dân chủ.” Đó phải là con đường tự do ngôn luận. Mối quan tâm của tôi đơn giản là: Hãy coi đó là một bài học mà mỗi khi chúng ta có một cuộc trò chuyện trong một đất nước dân chủ, tự do như Canada, cả hai mặt của vấn đề cần được lắng nghe, ít nhất, và sau đó chúng ta có thể bỏ phiếu theo cách chúng ta muốn bỏ phiếu. Một phần của con đường dẫn tới dân chủ là con đường tự do ngôn luận.Thượng nghị sỹ Jim Munson, bỏ phiếu trắng
Thượng nghị sỹ Jim Munson, người cũng bỏ phiếu trắng phát biểu như sau: “Tại sao tôi bỏ phiếu trắng? Là vì dự luật này là về “con đường tiến tới dân chủ.” Đó phải là con đường tự do ngôn luận."
"Mối quan tâm của tôi đơn giản là: Hãy coi đó là một bài học mà mỗi khi chúng ta có một cuộc trò chuyện trong một đất nước dân chủ, tự do như Canada, cả hai mặt của vấn đề cần được lắng nghe, ít nhất, và sau đó chúng ta có thể bỏ phiếu theo cách chúng ta muốn bỏ phiếu."
"Một phần của con đường dẫn tới dân chủ là con đường tự do ngôn luận.”
Canada phê phán cộng sản Việt Nam độc tài, chuyên chế không tôn trọng quyền tự do ngôn luận không thể từ chối quyền này với nhà nước cộng sản Việt Nam cho dù chúng ta có thích hoặc không thích họ.
Chúng ta có chính nghĩa thì không lý do gì chúng ta phải sợ. Hãy để cho đại diện Hà Nội phát biểu rồi chúng ta biểu quyết. Đó là cách cư xử, làm việc của chúng ta xứng đáng một Canada tự do, dân chủ.
Dự luật này sẽ được đưa ra Hạ viện Canada vào những ngày tháng sắp tới. Thử thách vẫn còn nguyên đó và tôi tin rằng chúng ta sẽ lấy bài học hôm nay làm kinh nghiệm.
Con đường mà Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải đã làm đã giúp chúng ta đi trên nửa đoạn đầu quan trọng, phần còn lại là trách nhiêm chung của chúng ta những công dân Canada gốc Việt.
Chúng ta cần đoàn kết với Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải và đảng Bảo thủ của ông hầu đảm bảo đủ số phiếu tối thiểu thông qua nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta vượt qua những dị biệt, bất đồng chính kiến cùng chung sức vận động các đảng chính trị khác của Canada như đảng Tân Dân chủ và đảng Tự do giúp thông qua dự luật.
Đối với các dân biểu Canada, dự luật này tuy có tầm quan trọng đối người Canada gốc Việt nhưng không phải là ưu tiên của họ.
Cho nên, nếu chúng ta không vận động kỹ vừa có chiều rộng lẫn chiều sâu thì có nhiều khả năng dự luật sẽ bị đình hoãn một cách oan uổn vì những thủ thuật chính trị của các đảng ở Hạ viện.
Cơ hội hòa giải
“Hành trình đến Tự do” phải là của tất cả mọi người vì Canada là một xứ sở tự do dân chủ nơi không những tôn trọng ý kiến đa số mà cả ý kiến thiểu số.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận ngay cả đó là những người cộng sản luôn phỉ báng quyền này.

“Hành trình đến Tự do” phải đứng trên những dị biệt đảng phái chính trị vì chúng ta muốn mọi người hôm nay cũng như những thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về ngày lịch sử này, ngày cộng đồng người Việt lập cư trên đất nước Canada thanh bình tự do dân chủ và thịnh vượng.

Nó cũng giúp người Canada gốc Việt có cơ hội nhìn thẳng vào sự thật, làm hòa với quá khứ để cùng nhau chung sức xây dựng tương lai một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng như Canada, và cũng để cám ơn Canada một xứ sở thanh bình, nhân bản đã rộng lượng cưu mang cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản trong những giờ phút kinh hoàng nhất của cuộc đời họ.
Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải có nói: “Đối với những người Canada gốc Việt và đông đảo cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài, ngày 30/4 được mô tả như một ngày Việt Nam rơi vào quyền lực của một chế độ cộng sản độc tài, áp bức, không đếm xỉa gì đến nhân quyền..."
"Chúng tôi nhớ đến ngày 30/4 như một ngày đen tối bởi vì nó đại diện cho một ngày buồn đau mà chúng tôi đã bị mất nước, mất gia đình, bạn bè, tự do và quyền dân chủ của mình. Nó kỷ niệm một ngày mất mát và đau buồn.”
Có ai có mất mát, đau thương trên chuyến "Hành trình đến Tự do" này mới cảm thông với Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, mới thấu hiểu được vì sao một đạo luật như thế này là liều thuốc chữa lành cơn bệnh mà gần 40 năm qua hàng triệu người Việt phải mang nó trong lòng.
Đưa ra trước ánh sáng và nói lên sự thật không phải là để trả thù trả oán gì ai hay để tiếp tục gieo thù hận mà để giúp chữa lành vết thương cũ, tạo cơ hội làm hòa với nhau và cuối cùng để sự thật phải được tôn trọng. Đó cũng là di sản yêu thương, nhân bản, tình tự dân tộc mà chúng ta để lại cho thế hệ tương lai.













No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List