QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Friday, December 27, 2013

Nam “bạc đầu”



From: khanh2uwng
Date: Wed, 25 Dec 2013 18:20:19 -0600
Subject: Nam “bạc đầu”

 

Nam “bạc đầu”
NguyenVuDuong

     Không bao lâu sau ngày vừa chiếm được miền Nam và lợi dụng tình thế còn đang trong hỗn loạn, cộng sản ra thông cáo kêu gọi các thành phần trong chính quyền cũ đi học tập cải tạo. Mấy ngày đầu, viết bản kê khai lý lịch và quá trình hoạt động. Sau đó, mọi người bị phân chia thành tổ đội. Tôi và Nam được xếp chung ở một đội, có lẽ do trùng tên. Tôi, đơn vị Nhảy dù, còn Nam đơn vị Biệt kích, cả hai chúng tôi trong quân ngũ cùng đội trên đầu chiếc Mũ Đỏ, do đó chúng tôi cũng dễ thân nhau ngay từ những ngày đầu nhập trại. 


Trong đội, để phân biệt hai đứa, anh em gọi tôi là Nam Nhảy Dù, gọi tắt, Nam Dù , còn anh có rất nhiều hỗn danh, từ Nam BK, (chữ tắt, Biệt kích) đến Nam đầu bạc, (tuy còn trẻ , nhưng mái tóc ngắn trên đầu đã bạc trắng). Vóc dáng khổ người anh chắc nịch, thêm nước da ngăm ngăm đen và tánh tình rất trầm tĩnh, do đó, anh còn có hỗn danh: gã bạc đầu, cái tên y như của một tay anh chị giang hồ. Anh thường tỏ vẻ thích thú với hỗn danh, gã bạc đầu. Có lần anh nói với tôi: Đại ca này, anh thấy em có oai không? anh em trong trại gọi em bằng cái tên,” gã bạc đầu”, oai đấy chứ phải không ? Sở dĩ, Nam xưng em với tôi vì tôi hơn anh một tuổi và được anh phong chức đại ca.

     Những tháng năm đầu, sinh sống trong các trại giam niềm Nam , Hóc Môn, Long Giao, Long Bình, không có gì đáng nói ngoài các việc dọn dẹp cảnh ngổn ngang hoang tàn trong doanh trại , tháo gỡ vật liệu xây cất, kẽm gai và chiến cụ trong căn cứ của quân đội Hoa Kỳ để lại. Đưa chuyển những thứ này lên những chiếc xe vận tải của cộng quân chuyển dời ra miền Bắc.

     Cuối năm thứ hai, chúng tôi bị chuyển trại ra miền Bắc, năm đó thời tiết miền Nam bổng trở lạnh khác thường , (thiên hạ nói do những người miền Bắc đem vào). Trời có gió to thổi buốt lạnh; trong đêm tối từ trại giam, chúng tôi được đoàn xe tải bít bùng chở xuống bến tàu cảng Saigon. Từng tốp người nối đuôi nhau đi trên mảnh ván cầu, xuống hầm tàu, loại tàu sắt trước đây dùng để chuyên chở gạo, phân bón xuất nhập khẩu. Chúng tôi cùng nhau ngồi bó gối trên sàn tàu, chân đan nhau, vì không còn một khoảng trống nào rộng, đủ chỗ cho một người nằm thẳng lưng . 

Hằng ngày thực phẩm khô Trung quốc,(loại bánh bột khô vị mặn ngọt) và nước uống (chứa trong những thùng nhựa) được thả xuống từ khoảng trống ở giữa hầm khoang phía trên đầu. Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn uống đến các việc vệ sinh thông thường đều xảy ra ngay tại khoang hầm sắt to lớn này, việc tắm gội hằng ngày hoàn toàn không. Cảnh tượng này chắc chắn nó hơn hẳn những hình ảnh sinh hoạt trong các trại tù binh của thời Đức quốc xã, đệ Nhị chiến.

     Tàu cập bến cảng Hải phòng cũng đêm khuya, cũng từng tốp nối đuôi nhau lên bờ. Loa phóng thanh đêm khuya của chính quyền địa phương lải nhải phát thanh lời chào mừng khách bị mời từ phương Nam ra miền Bắc. Để hiếu khách, họ mời gọi ăn dưa hấu, dưa gang được đựng trong các thúng đan tre, để dưới dất, sát ngay bên cạnh các thùng phi sắt dựng nước lã, trên nắp đậy có vài cái gáo dừa để múc uống. Tôi đi sau lưng Nam nhắc nhở:

-Nam, mày đừng có ăn dưa và uống nước, trên tàu ba bốn ngày tụi mình đã bị đi kiết lỵ, giờ mà ăn và uống mấy của nợ này, bảo đảm sẽ được đi tàu suốt. Tôi lẩm bẩm: -tiên sư chúng hiểm ác thật.

     Từ bến cảng Hải Phòng, cũng lại trong đêm khuya ,chúng tôi được chuyển lên miền thượng du Bắc Việt trên các toa xe lửa loại chở hàng , than đá. Xuống tàu, kiểm điểm lại quân số từ lúc khởi hành tại Saigon, có hai người chết vì không thể chịu đựng được cuộc hành trình. Giữa núi rừng hoang vu, trại giam và hàng rào được hình thành do bởi chính những tù nhân tự tạo lập. Một nghịch lý khó giải thích cho những người bên ngoài hiểu được. Tại một loạt những trại miền Bắc, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Cổng Trời, Thanh Cẩm. 

Hai đứa có thêm biệt danh mới; tôi “Nam mưu sinh”, vì trong những lần đi lao dộng, vào rừng chặt cây, bẻ măng, thấy những thứ hoa trái lạ, anh em trong đội thường hay hỏi:-Nam Dù, mày lội rừng nhiều và nghe nói cũng đã học khóa mưu sinh thoát hiểm. Riêng Nam bạc đầu, biệt danh mới: Nam bụp, do bởi anh ăn được đủ mọi thứ, kể cả những thứ mà anh em trong đội không dám ăn. Ngoài hành xác đi lao động. Trại đôi khi cũng bắt tập trung ngồi dưới dất, ê cả dít, trong sân trại để nghe những buổi được gọi là học tập đường lối chính sách của cách mạng, ngồi mà nghe mấy ông cán bộ cộng sản này nói tiếng Việt với giọng nói âm thanh nhà quê ; nó còn hay hơn cả mấy anh hài chọc cười trên sân khấu.

     Mùa Đông thời tiết miền Bắc thường khá lạnh, năm thứ hai nhiệt độ đột nhiên xuống khá thấp, tạo cái lạnh buốt giá đến tê cóng cả da thịt, lạnh đến nỗi trại đồng ý cho chúng tôi được đốt lửa củi trong đêm giữa nhà (láng). Bên ngoài trời, gói thổi mạnh rít từng cơn, tạo nên những âm thanh nghe chói tai cao vút; cao hơn cả những tiếng rú đêm khuya của bày chó sói hoang dã miền Bắc cực. Tôi và Nam đầu bạc, theo phân công, ngồi bên nhau canh chừng lửa củi cháy. 


Ngọn lửa cháy bập bùng to nhỏ, thình thoảng vài cơn gió buốt lạnh thồi lùa vào từ vách lá, tạo ngọn lửa cháy bùng lên lung linh thật đẹp. Nhớ nhà, nhớ bạn bè và nhớ phố phường, thị trấn, mỗi khi được nghỉ phép về thăm. Nam đầu bạc ngồi im lặng câm nín, tôi gạ chuyện:
- Nam à, mày có nhớ nhà không? im lặng, bất động, không trả lời, tôi bèn vỗ vai hỏi :
- Nam, mày có nhớ nhà không? không quay lại, Nam chăm chú nhìn ngọn lửa đỏ đang cháy, đáp :
- Em nhớ U em rất nhiều.
- Ơ ! mà U mày bây giờ ở với ai? Rồi câu chuyện bắt đầu.

     Trời hôm đó, mùa Đông cuối năm thế chiến thứ hai, mây âm u, gió thổi mạnh làm tung bay cả những cọng rơm khô còn để lại trên đồng ruộng sau mùa gặt. Một thằng bé hai ba tuổi, bận chiếc áo ngắn tay đã rách nát và chiếc quần đùi; nằm co cắp như con tôm luộc chín, hai bàn tay dấu kín giữa hai chân . Tiếng khóc nấc đã yếu dần từng cơn, nó nằm trên bờ con đường đất, phía ngoài ngôi chợ làng Hải Lạng, một xóm làng bên cạnh con sông lớn của tỉnh Nam Định. Người đàn bà tuổi còn khá trẻ.

 Sau khi bán hàng xong từ chợ chiều, đi ngang qua , thấy tội nghiệp, đem thằng bé về nuôi và đặt cho nó cái tên Nam, danh từ đầu của tỉnh lỵ, cách đặt tên theo thói quen thông thường của các bậc cha mẹ. Thằng bé lớn lên được bà cho đi học tại trường, do các bà nữ tu công giáo trông coi và được cho rửa tội, theo đạo. Hai mẹ con sống an phận trong căn nhà mái lợp tranh, vách đất nho nhỏ nơi khu cuối làng của nhà thờ xóm đạo. Hiệp định 54, bà dẫn con theo đoàn người di cư vào miền Nam sinh sống lập nghiệp vùng Cái sắn Cà mâu, ít năm sau bà lên vùng Tam Hiệp Biên Hòa để buôn bán làm ăn.

     Cảnh chợ búa đông người , tin tức xao dộng của thời cuộc và hằng ngày Nam nhìn hình ảnh của những người lính chiến bận quân phục mầu hoa rừng, đội trên dầu chiếc nón đỏ đi hiên ngang ngoài đường phố mỗi khi đi hành quân về, đã tạo nên mẫu người hùng thần tượng trong lòng người thanh niên mới lớn. Mặc dù mẹ khuyên tiếp tục học lên cao, nhưng Nam vẫn hao hức muốn đi lính để hy vọng cũng được đội trên đầu chiếc nón đỏ. Vì lý do này anh thưa mẹ:

- U, này, U cho phép con được đi lính, đi lính làm sĩ quan chắc chắn con có tiền gởi về nuôi U, như vậy U ở nhà không còn phải vất vả đi buôn bán nữa. Bà đáp:
- Mày nói thế, U cám ơn, nhưng U chỉ mong con tếp tục học thêm nữa, để mai này mày có mảnh bằng được nở mặt và có địa vị trong xã hội ; mà mày đi lính nguy hiểm lắm, nếu chẳng may mày có chết, U lại sống đơn chiếc. Từ bao nhiêu năm nay U con mình sống có nhau quen rồi.
     Trước ngày anh nhập ngũ, trong bữa cơm tối có đầy đủ tất cả các món ăn mà thường ngày anh rất thích. Sau khi cơm nước xong, hai mẹ con ngồi tâm sự, và bà nói:
- Nam con, ngày mai con đi lính và con nay cũng đã là người lớn, U quyết định kể con nghe chuyện đời U.
Khi nghe bà nói vậy, anh linh cảm có diều gì rất khác thường, không phản ứng anh cuối đầu im lặng.

- Nam con, đây là sự thật đời U và chưa bao giờ nói cho bất cứ ai nghe. Năm ấy khi U được mười bẩy, mười tám tuổi, bố mẹ gả chồng cho U, chồng U, con trai trưởng trong một gia dình khá giả của làng trên, U về làm dâu nhà chồng được vài ba năm. Nhưng hai vợ chồng không có con, dần rồi bà mẹ chồng đay nghiến vì U không thể sinh con để nối dõi tông đường. Buồn tủi cho số phận, hơn nữa chồng U, ông là người con rất có hiếu luôn vâng lời bố mẹ. Sau cùng, U bỏ nhà ra đi. Ngày ấy U cũng không dám quay trở về nhà bố mẹ của mình, vì sợ mang tiếng cho gia dình: con gái đã di lấy chồng còn trở về. U sống đơn độc một mình được mấy năm.

     Vào mùa Đông năm Ất Dậu, hôm đó U còn nhớ trên đường đi bán chợ chiều về. U thấy con nằm khóc lóc thảm thiết đói khát, U động lòng thương hại và mang mày về nuôi nấng. Những tháng năm trước đây, mày vẫn thường hỏi U về cha mày và U đã nói dối, sau khi sinh mày ít năm, ông đi lính cho Tây và dã chết không về.

Nói đến đây nước trong đôi mắt bà chảy trào xuống trên gương mặt đã có nhiều vết nhăn của một kiếp con người đã chịu nhiều thống khổ. Bà nói tiếp:
- U xin lỗi con, trước sau gì U cũng phải cho con biết sự thật về nguồn gốc của con , đừng trách U, bởi với U, con là người duy nhất của U trên cõi đời. Ngày đêm U vẫn thường cầu xin ơn Trời Phật ban cho mẹ con mình sống an lành mạnh khỏe, cho con khi khôn lớn có được một đời sống sung túc và dịa vị trong xã hôi. Nam ôm mẹ khóc ròng, anh khóc nấc từng cơn, âm vang còn to hơn những tiếng khóc trẻ thơ ngày còn bé. Sau khi hoàn tất bậc trung học, 

Nam nhập ngũ; ra trường sĩ quan trừ trị Thủ Đức, Nam tình nguyện gia nhập phục vụ trong đơn vị biệt kích, đơn vị đầu trong quân ngũ, một tiền đồn đóng chốt trong rừng sâu ranh giới giáp Lào thuộc địa phận Pleiku. Năm tháng quân ngũ của Nam gần như chỉ sinh sống bên đồng đội trong các khu rừng sâu hang động . Về thành phố chỉ mỗi khi được nghỉ phép hay là các dịp thành phố tổ chức các buổi lễ chào đón các chiến sĩ có nhiều công trạng xuất sắc từ chiến trường .

 Nam thường luôn được tuyển chọn là một trong các chiến sĩ xuất sắc nhất của đơn vị. Trong một lần về phép thăm mẹ, bà cụ tỏ ý muốn Nam lập gia đình; hơn nữa vì tuổi đời bà cũng đã nhiều , đơn chiếc. Bà nói với Nam:
- Nam con, mày đã lớn, cũng nên lập gia đình , hơn nữa khi mày có vợ, có nó về ở chung , mỗi khi mẹ ốm đau cũng có người chăm sóc.

- U à, con đâu có quen người con gái nào để mà lấy. Hay U có biết cô nào, U chọn lựa cho con đi! Bà cụ tủm tỉm cười.

     Từ ngày ra trường gần như chỉ sống ở trong các rừng sâu; bởi vậy khi nghe mẹ thúc dục, Nam chợt nhớ đến cô nữ sinh năm xưa, trong buổi lễ chào đón các chiến sĩ xuất sắc tổ chức tại tòa hành chánh tỉnh Tây Ninh. Nam được cô choàng vòng hoa. Lần mò xuống Tây Ninh tìm kiếm. Phải nói là duyên số, Nam gặp lại cô nữ sinh năm xưa, nay đã là cô giáo. Đám cưới tổ chức thật đơn giản và mau chóng. Tất cả chỉ vỏn vẹn trong mười ngày phép nghỉ. Theo Nam kể, bên nhà gái có lẽ vì sợ anh hăm dọa nổ tung nhà, đành phải tiến hành ngay làm đám cưới. Cách lấy vợ độc nhất vô nhị này, nó cũng giống y như cuộc đời anh.

     Sau ngày cưới, vợ Nam về chung sống với bà cụ, Mấy tháng sau ngày cưới, bà cụ nói riêng với Nam:
- Vợ con, U đoán chắc sau này nó sẽ bị bệnh phong và bà cũng không giải thich lý do nào. Gần hai năm sau, vợ chồng Nam có được đứa con trai. Khi thằng bé đến tuổi bắt đầu đi học, thì vợ Nam cũng lộ rõ bị mang bệnh phong hủi. Nam gởi vợ sinh sống trong trại cùi Nha Trang. Hai cha con lâu lâu lên ghé thăm. Ít năm sau đó, vợ và mẹ lần lượt qua đời. Nam mang con lên đơn vị sinh sống. 

Có những ngày, sau khi hành quân từ rừng về hay sau những bữa ăn nhậu say sớt mướt; anh lấy súng bắn loạn xạ trong nhà làm thằng con và đứa bé gái anh thuê chăm sóc sợ hãi quên cả khóc , nằm chui trốn dưới gầm giường. Sáng tỉnh đậy, Nam thấy hai đứa trẻ còn ôm nhau ngủ vùi dưới gầm giường. Sau lần ấy, anh quyết định bỏ rượu và trở nêm trầm lặng ít nói. Cuộc di tản tháng 3 năm 75, từ miền Trung, thằng con Nam bị thất lạc.


     Gần chục năm tù đày Nam được cho xuất trại từ miền Bắc. Tôi ra tù sau đó hơn một năm từ trại Xuân Lộc. Vài tuần lễ sau khi ra khỏi tù, trong buổi chiều mưa to, trời có nhiều mây đen u sám, từ trước cổng cũ Hoàng Hoa Thám Bẩy Hiền, tôi gọi xe.
- Ê, xích lô, anh chở cho tôi lên chợ Saigon. Xuống xe. Trả tiền, vừa nhìn thấy người tài xế tôi kinh ngạc thốt lên:
- Oh! Nam, mà tại sao mày lại đến nông nỗi này?

Rồi cả hai chúng tôi ôm nhau khóc. Trong quán cóc bên đường; câu chuyện đời Nam đầu bạc được tiếp tục:
     Về địa phương, Nam tìm lại căn nhà cũ, nhưng nó đã có chủ mới và cũng đã sửa chữa lại to hơn. Nhà của Mỹ Ngụy bị cách mạng tịch thu, theo hàng xóm nói như vậy. Lang thang lần mò lên thành phố, không nhà, không người thân, không có cả miếng ăn. Dần rồi Nam lại được một người đàn bà tốt bụng, đồng ý cho về ở mài hiên phía sau nhà, khu Phú Lâm. Bà bỏ tiên mua cho Nam chiếc xe xich lô dạp để kiếm sống. Trước sau gần bốn mươi năm, hoàn cảnh cuộc đời Nam được lập lại. Lớp tuổi đời như chúng tôi. Sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong bom đạn và sau khi cuộc chiến tàn, chịu dọa dày trong thù hận và sống kiếp tha phương. Xin cảm tạ Thượng Đế, xin cám ơn đồng đội và những người đã nằm xuống để chúng tôi còn tồn tại.

     Câu chuyện “Nam bạc đầu”, cũng chính là của tôi và có thể cũng là một phần của ai đó. Số phận một kiếp người trong đất nước nhỏ bé.
- Nam, tao chỉ được nghe nói, mày đã cùng người đàn bà mua cho mày chiếc xích lộ đạp được định cư tại Mỹ ?
     Nếu mày có đọc câu chuyện này, mày hiểu được lý do nào tao viết, mặc dù đã qua đi rất nhiều năm. Sau hết, tao muốn hỏi:
- Nam “bạc đầu”, thế còn thằng con trai thất lạc? Cầu mong , nếu còn sống , số phận nó, cũng sẽ được một bà tốt bụng nào đó ấp ủ. Những bà Mẹ Việt Nam muôn đời đáng kính của quê hương.
     Nam Dù đại ca - cái danh hiệu mày đã phong cho tao ngày trước -.

Những ngày tháng cuối Đông.

NguyenVuDuong

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List