THÁNG TƯ ÐEN VÀ
NIỀM ÐAU VONG QUỐC
NGUYỄN CHÂU (San Jose)
Ngày 30 tháng Tư lại về... Bao nhiêu kỷ niệm đau thương riêng và chung của người Việt miền Nam đều đang bừng trỗi dậy. Ba mươi tám năm đã trôi qua, nhưng niềm đau mất nước vẫn tồn tại trong lòng hầu hết những người Việt Nam phải ly hương vì vận nước, vì không chấp nhận chế độ cộng sản ngoại lai, phi nhân, vô thần.
NGUYỄN CHÂU (San Jose)
Ngày 30 tháng Tư lại về... Bao nhiêu kỷ niệm đau thương riêng và chung của người Việt miền Nam đều đang bừng trỗi dậy. Ba mươi tám năm đã trôi qua, nhưng niềm đau mất nước vẫn tồn tại trong lòng hầu hết những người Việt Nam phải ly hương vì vận nước, vì không chấp nhận chế độ cộng sản ngoại lai, phi nhân, vô thần.
Ba mươi tám năm dài, người Việt ly hương vẫn còn mang hận bọn cộng sản Bắc Việt đem quân đánh chiếm miền Nam Tự Do để thiết lập chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, ngày 30 tháng Tư năm 1975, là một ngày đen tối, là một Ngày Quốc Hận như những ngày quốc hận khác trong lịch sử Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam đã thật bất hạnh, vì đã nhiều lần mang nỗi buồn vong quốc. Văn học sử Việt Nam đã có rất nhiều văn thơ nói lên nỗi niềm của người dân mất nước, nói lên mối hận với kẻ xâm lăng. Trong những áng thơ văn vong quốc đó, tâm sự của cụ Phan Bội Châu thật lâm ly và thống thiết:
Thật vậy, mở đầu sách Việt Nam Vong Quốc Sử, cụ Phan Bội Châu viết:
Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước! Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao phen lệ cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi chữ nào. Nay nhân Ẩm Băng Thất (Lương Khải Siêu, 1873-1929) nói: “Than ôi! Tôi với ông thật là đồng bệnh. Những việc tàn ác của người Pháp thi hành ở Việt Nam, cả thế giới chưa ai biết đến. Ông hãy nói cho tôi rõ, tôi sẽ vì ông mà truyền bá, may ra có thể kêu gọi được dư luận của thế giới”... Tôi nghe nói lấy làm cảm động, gạt nước mắt mà viết cuốn Việt Nam Vong Quốc Sử này.
Việt Nam Vong Quốc Sử viết năm 1929, tác giả cũng đã kể lại rằng sau khi tới Nhật Bản vào đầu năm 1905, ông đã lần lượt gặp nhiều chính khách, trong đó có Lương Khải Siêu. Các nhà cách mạng Trung Hoa này đã khuyên cụ Phan Bội Châu nên dùng thơ văn để tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi đồng bào trong nước thức tỉnh để cùng nhau chống ngoại xâm. Sau các cuộc gặp gỡ này, năm 1906, cụ Phan Bội Châu đã viết tập thơ “Hải Ngoại Huyết Thư” (Thư Viết bằng máu từ hải ngoại) gửi cho đồng bào trong nước, nội dung tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với dân Việt và nói rõ thực trạng bi đát về chính trị tại Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới mất nước và bị cai trị bởi ngoại bang. Thực trạng đó là:
“Một là vua, sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai.”
Có nghĩa là từ vua, quan cho đến dân, không ai nghĩ tới quốc gia, dân tộc cả, chỉ biết lo cho bản thân mình mà thôi! Vua chỉ lo cho ngai vàng, không biết cuộc sống của dân sướng hay khổ, ra làm sao; quan chức thì chẳng coi dân ra gì; còn dân thì chỉ biết mình thôi, mặc kệ vua với nước ra sao thì ra, mặc quan với quyền... Vì vậy nên thực dân mới dễ dàng thống trị. Lời huyết lệ của cụ Phan Bội Châu gởi về quốc nội, mở đầu thống thiết như sau:
Lời huyết lệ gởi về trong nước
Kể tháng ngày chưa được bao lâu
Nhác trông phong cảnh Thần Châu
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ…
Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn
Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn
Khói tuôn khí uất, sóng cuồng trận đau.
Nghĩ nông nỗi đồng bào thêm ngán
Tưởng thân mình chẳng quản một hai
Tiện đây thưa cật mấy lời
Lại xin tỏ giải cùng người quốc nhân.
(*) Thần châu: ý nói đất nước thiêng liêng, quý giá).
Cùng thời với cụ Phan Bội Châu, nhà Nho Trần Tế Xương tức Tú Xương, cũng mang một tâm sự bi đát trước cảnh nước mất, nhà tan mà đa số người dân thì lại thờ ơ khiến cho người yêu nước cảm thấy bơ vơ:
“Một mình đứng giữa quãng chơ vơ
Có gặp ai không để đợi chờ
Nước biếc, non xanh, coi vắng vẻ
Kẻ đi, người lại, ngó bơ vơ...
Hỏi người, chỉ thấy non xanh ngắt
Ðợi nước, càng thêm tóc bạc phơ...”
Trong lúc, người dân bình thường Trần Tế Xương thao thức trước tình cảnh điêu linh của đất nước đầu thế kỷ thứ 20, thì Nguyễn Khuyến, một quan chức có tài của triều đình Nhà Nguyễn, dù đã xin từ quan về quê ẩn dật, vẫn ngấm ngầm dằn vặt và đau khổ vì bất lực trước cảnh vong quốc. Niềm khắc khoải, u uất trong lòng Nguyễn Khuyến đã gửi vào tâm sự của con chim “Quốc” qua bài “Quốc Kêu Cảm Hứng”:
“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục Ðế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ...”
Chim Cuốc còn có tên là Ðỗ Quyên, Tử Quy hay Ðỗ Vũ. Giống chim này, đầu mỏ hơi cong, miệng to đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng có một đường đen nằm ngang. Nó thường lủi trong những bụi rậm cạnh ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối mùa xuân đầu mùa hè thì bắt đầu kêu về ban đêm. Giọng kêu rất thê thảm khiến khách lữ hành động lòng nhớ nhà, nhớ quê hương. Người Trung Hoa xưa đã dựng nên một truyền thuyết về chim Ðỗ Quyên.
Truyện kể rằng vua nước Thục là Ðỗ Vũ, vì ham sắc đẹp, đã cướp vợ của một bề tôi là Biết Linh. Biết Linh ghen tức, giận nhà vua vô đạo, nổi loạn, Vua Thục thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng. Sau đó, buồn khổ, hối hận, nhớ nước đến sinh bệnh mà chết. Chưa nguôi hận nước, hồn Thục đế gửi vào thân chim Ðỗ Quyên, ngày đêm kêu mãi tiếng “Quốc Quốc”, từ đầu hôm cho đến gần sáng, trăng mờ thì mửa máu ra mà chết...
Ðối với những người sẵn mang tâm sự vong quốc, nhớ nhà thương nước, thì tiếng chim Cuốc thường gợi lên nỗi nhớ nhung một thời oanh liệt xa xôi; có khi thúc giục và làm bừng dậy cái tinh thần ái quốc nồng nàn đang tiềm tàng trong lòng người dân bị mất nước, tan nhà, thân lưu lạc...
Trong Thi ca cổ điển Việt Nam thế kỷ thứ 19, nhiều tác giả đã nhắc đến chim Cuốc.
Trần Danh An, một trung thần nhà Lê (1428-1788), đêm nghe tiếng Cuốc kêu cũng cảm xúc, nhớ lại triều xưa, vua cũ... Ðối với các vị này đất nước được đồng hóa với triều đại, cho nên khi nhà Lê mất ngôi, nhà Nguyễn lên trị vì, họ trở thành người vong quốc; Trần Danh An tâm sự:
"Giá cô minh gia gia
Ðỗ Quyên thanh quốc quốc.
Vi cầm thượng hữu quốc gia thanh,
Cô thần đối thử tình nan địch."
Nghĩa là:
Chim Giá cô kêu gia gia,
Chim Ðỗ Quyên kêu quốc quốc
Loài cầm trên còn kêu tiếng nước nhà
Người bề tôi cô độc này khó mà sánh được...
Bà Huyện Thanh Quan, trước phụng sự nhà Lê, sau được vua Gia Long mời vào Kinh Ðô Phú Xuân dạy học, khi qua đèo Ngang, đã mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm trạng hoài niệm triều nhà Lê của mình:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta...”
Tiếng kêu chim Cuốc trong thơ Chu Mạnh Trinh lại não nùng hơn, khi ông đứng trước di tích thành Cổ Loa, xưa kia của vua Thục Phán, cảnh vắng vẻ lạnh lùng, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng cuốc kêu khắc khoải năm canh buồn bã:
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Ðỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
(Nguyên văn chữ Hán).
Tiền Ðàm dịch ra Việt:
“Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu.”
Ðúng như lời cụ Phan Bội Châu “Không có gì đau bằng người mất nước...”, cho nên bất cứ thời đại nào, người mất nước cũng mang nặng hờn vong quốc. Thi sĩ tiền chiến Chế Lan Viên đã mượn “Hận Ðồ Bàn” để âm thầm giải tỏa nỗi căm hờn đối với thực dân Pháp:
“Sầu hận cũ tim ta ai biết được
Người vui tươi, ta mãi mãi căm hờn!”
Nói là “mượn” chuyện Chiêm Quốc là vì Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, một người Việt Nam, làm Thông Phán cho Pháp! Không thể nói thẳng mối hận ra được!
Cùng mang hận vong quốc, nhưng có lẽ những người đang ở trên đất nước phải hàng ngày chung đụng với kẻ thù đang cai trị dân mình, là khổ sở nhiều nhất. Phan Ngọc Hoan thì phải giấu sầu hận cũ trong đáy tim, Vũ Hoàng Chương thì sống trong tâm trạng lưu đày trên chính quê hương mình:
“Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh!”
Ðây cũng là tâm trạng của Nguyễn Khuyến hơn nửa thế kỷ trước, bất lực trước cảnh nước nhà bị Pháp đô hộ, sĩ phu thấy mình là kẻ vô dụng:
“Ông đứng làm chi đấy hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Ðêm ngày coi sóc cho ai đó
Non nước đầy vơi có biết không?” (Vịnh Phỗng đá).
Cũng là cái nhức nhối tâm can của cụ Phan Bội Châu trước khi theo phong trào Ðông Du: “Ngồi trên nước mà không lo được nước”, hoặc “Ngồi trên nước mà khát nước”.
Nỗi đau mất nước của dân tộc Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư,1975 đã trở nên bi thiết hơn. Bởi vì:
“Cũng có quê hương, không được yêu
Vì chưng chủ nghĩa được nuông chiều
Không yêu chủ nghĩa đành mất nước
Lưu lạc quê người, nỗi tịch liêu.” (Trúc Ti Ly Châu).
Cộng sản Việt Nam đưa ra định nghĩa “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Ðây là một sự kiện kỳ quặc, phi lý. Bởi vì, kể từ thời vua Hùng lập quốc đến các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn vân vân, dân Việt Nam vẫn yêu nước, vẫn hy sinh để đánh đuổi ngoại xâm giành lại độc lập, tự chủ, nhưng khi đó thì chế độ xã hội chủ nghĩa chưa sinh ra! Và ngày nay, cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa ấy đã lỗi thời, làm sao có thể buộc người dân yêu nó như nước mình!
Hiện nay đồng bào quốc nội cũng đang mang niềm đau vong quốc! Bởi vì họ đang bị ly hương trên chính quê hương của mình! Thật vậy, dân Việt Nam tại quốc nội đang “bị quê hương ruồng bỏ” bởi vì nhân dân Việt Nam trong nước đã bị Nhà Nước Cộng Sản tước mất cái quyền thiêng liêng nhất, đó là “quyền yêu nước”. Những người công khai bộc lộ lòng yêu nước chống Trung cộng xâm lăng, hà hiếp, đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp dã man, bắt bớ, kết án và bỏ tù. Nhân dân tiến bộ trên thế giới Tự Do đều lên án cộng sản Việt Nam đã đàn áp người yêu nước, đã chà đạp quyền làm người của dân.
Sống trên quê hương Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Việt Khang đã thảng thốt đặt câu hỏi: “Việt Nam Tôi Ðâu?” và hỏi người công an cộng sản Việt Nam “Anh Là Ai?” “Anh là ai mà đánh tôi không một chút nương tay?”
Ôi! Thật là bi đát! Nhạc sĩ trẻ Việt Khang đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam vì anh đã dám bày tỏ lòng yêu nước nồng nàn khi hỏi rằng:
“Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta!
Hoàng, Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu.”
...
“Việt Nam tôi đâu... Việt Nam tôi đâu... Việt Nam tôi đâu...”
Và Việt Khang đã không kiềm hãm được nỗi lo âu cho đất nước và dân tộc, nên lên tiếng cảnh báo nguy cơ mất nước:
“Tôi không thể ngồi yên
Khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
Một nghìn năm hay triền miên tăm tối!
Tôi không thể ngồi yên
Ðể sau này con cháu tôi làm người
Cội nguồn đâu
Khi thế giới này không còn Việt Nam!”
BA MƯƠI THÁNG TƯ LÀ NGÀY QUỐC HẬN
Ngày tang tóc điêu linh của một dân tộc bị mất nước, mất nhà, mất tự do, mất quyền làm người!
Thật vậy, làm sao mà không hận cho được, khi Cộng sản Bắc Việt đã trắng trợn vi phạm Hiệp Ðịnh Paris về lập lại Hòa Bình ở Việt Nam năm 1973, dùng bạo lực xâm lăng miền Nam Việt Nam, áp đặt chế độ cộng sản phi nhân lên nhân dân miền Nam và toàn quốc.
Nước mất, nhà tan, bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh tang tóc, ly tán, đau thương... Không hận thế nào được, khi mới chiếm được miền Nam, việc làm đầu tiên của cộng sản Bắc Việt ra tay trả thù và cưỡng chiếm nhà cửa của quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa. Hơn một triệu người thuộc chính phủ miền Nam bị bắt vào trại tù lao động khổ sai dưới cái tên nhẹ nhàng là Trại Cải Tạo, được dựng lên tại những vùng rừng núi hoang vu, ma thiêng nước độc từ Nam ra Bắc; hàng trăm ngàn dân thành thị, phần lớn là vợ, là con, là thân nhân của công chức, quân đội miền Nam bị xem là “dân ngụy” đã bị tống xuất đến các vùng rừng núi khô cằn, hiểm trở, gọi là Kinh Tế Mới để khai hoang, trồng trọt... mà sống! Hàng chục ngàn đã chết dần mòn vì đói lạnh, ốm đau không thuốc thang điều trị...
Thời Lê Lợi đánh giặc nhà Minh xâm lăng, dân Việt Nam ta có “Hận Nam Quan”; thời Trịnh Nguyễn phân tranh, dân ta có “Hờn Sông Gianh” chia cắt đôi Ðàng, Trong và Ngoài; Năm 1954, cộng sản Bắc Việt đã vâng lệnh Quốc Tế Vô sản tìm cách chia đôi đất nước tại vĩ tuyến thứ 17, trên con sông Bến Hải, dân ta lại có một ngày Ðau Thương và hận dòng sông Bến Hải.
Như vậy mối quốc hận 30 tháng Tư là không thể nào nói khác đi được! Chính cộng sản Bắc Việt đã nhận vũ khí từ Liên Xô và Tàu Cộng để đem đại quân đánh chiếm miền Nam rồi cai trị như một quốc gia bị chiến bại, phá hoại các di tích lịch sử, văn hóa tại miền Nam, cày phá các Nghĩa Trang Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa và luôn xem dân miền Nam như thù địch. Thế nhưng, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có tẩy não bao nhiêu đi nữa, họ vẫn không thể nào làm tiêu tan mối hận vong quốc trong lòng người miền Nam và hiện nay cả trong lòng người dân miền Bắc vì nước thì cộng Việt dâng cho cộng Tàu, đất ruộng của dân miền Bắc thì đã và đang bị Ðảng cộng sản cưỡng chế, cướp lấy rồi bán cho tư bản ngoại quốc xây nhà, làm sân golf... Dân oan, dân khổ, dân phiền, bị đẩy tới chân tường, dân phải nổi lên!
Do đó, Ba Mươi Tháng Tư đúng là Ngày Quốc Hận! Mưu đồ đổi tên Ngày Ba Mươi Tháng Tư thành Ngày Nam Việt Nam sẽ thất bại thảm hại bởi vì nó phi lý và lãng xẹt, nói lên sự ngu muội của những kẻ manh tâm đưa đề nghị lên Quốc Hội bang Virginia! Nam Việt Nam đã bị cộng sản Bắc Việt đánh chiếm vào ngày 30-4-1975, tức là Nam Việt Nam đã mất, thì đúng ra phải gọi là “Ngày Giỗ Nam Việt Nam”, chứ sao lại gọi trổng là Ngày Nam Việt Nam, thưa ông Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Anh văn (một trong những người tham gia vào mưu đồ trên đây)! Ông nghĩ thế nào mà lại dấn thân vào cuộc biến cải phi lý này?
“Tang điền biến vi thương hải” (ruộng dâu biến thành biển xanh) cuộc “biển dâu”* (mulberry Sea) này không thể ứng dụng vào mưu đồ đen tối nhằm hủy đi Ngày Quốc Hận của nhân dân nước Việt Nam Cộng Hòa trước 1975!
Nguyễn Châu (San Jose)
* Ghi chú: GS. Nguyễn Ngọc Bích từng dịch từ ngữ “biển dâu” thành “mulberry sea” tức là “dâu biển” trong ý nghĩa của chữ “biển dâu” chỉ sự biến đổi vô thường do câu ““Tang điền biến vi thương hải” và ngược lại “Thương hải biến vi tang điền”.
- - - - - - - - -
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết