Trận Khe Sanh 1968 – William Dabney
FRONTLINE VIETNAM: The Battle of Khe Sanh
(720p)
|
|||||||
|
|
|
|
|
|
||
Preview by Yahoo
|
|||||||
|
|||||||
Đăng trong: Tháng Một 11, 2015 | Author: muoisau | Filed under: Human Rights | Tags: Lịch Sử | 1
Phản hồi
Bài đọc suy gẫm: Tổng thống Obama trong bài diễn văn nhậm chức
của ông có nhắc đến Khe Sanh như một chiến tích của nước Mỹ. Khe Sanh không
phải là trận đánh có tính quyết định cuộc chiến Việt Nam như Điện Biên Phủ. Nhưng trận Khe Sanh có thể được xem là cuộc đọ
sức giữa hoả lực vô giới hạn của Hoa Kỳ và sự bất chấp mức tổn thất sinh mạng
bộ đội Bắc Việt của đảng cộng sản Việt Nam. Xin mời độc giả xem một góc độ của
trận Khe Sanh qua bài “Under Siege – The Battle of Khe Sanh” của Đại Úy William Dabney do Trà Bồng viết lại. Bài được
trích từ cuốn The U.S. Marines in
Actioncủa Villard Books New
York phát hành năm 1986. Hình ảnh chỉ có tính minh họa.
Họa đồ trận chiến Khe Sanh của 2 bên. Phía cộng sản đặt tên
“Chiến Dịch Đường 9″
Vị trí các ngọn đồi chiến lược chung quanh căn cứ Khe Sanh
Người bắn tỉa núp rất kỹ trên sườn đồi um tùm bên kia, khoảng 200 mét về phía
bắc nơi chúng tôi đóng quân, là đồi Nam 881 (881S). Anh ta đã nằm ở vị trí
thuận lợi đó suốt một tuần qua. Thỉnh thoảng anh ta mới bắn, thường là khi trời
nhiều mây và sườn núi không có sương mù bao phủ. Khi anh ta bắn thì chúng tôi
chỉ có từ chết tới bị thương. Chỉ cần khoảng 20 phát anh ta đã gây tử thương
cho 2 binh sĩ thủy quân lục chiến (TQLC) và làm bị thương năm sáu mạng.
Anh ta tỏ ra vô cùng
kiên nhẫn, luôn luôn đợi lúc các pháo thủ phải ra khỏi giao thông hào để bắn
đại bác yểm trợ quân bạn, hoặc khiêng băng ca ra các trực thăng tải thương. Lúc
ấy chúng tôi là những mục tiêu rất ngon lành của anh ta. Một đặc tính nữa của
anh ta là rất thận trọng. Một ngày quang đãng chúng tôi đã gọi phi cơ dội bom
xăng xuống toàn bộ khu vực anh ta đang núp. Nhưng hôm sau, khi trời có mây bao
phủ anh ta lại “cắc bùm”, và vẫn cực kỳ chính xác. Anh ta biết rõ khi có mây mù
phi cơ không dám oanh tạc một mục tiêu gần chúng tôi như vậy.
Nhưng rồi cũng có lúc
anh sơ xuất. Toán quan sát vẫn luôn dí mắt vào các ống viễn vọng kính cực mạnh
hướng về phía anh ta, một hôm chợt thấy một lùm cây lay động. Hôm đó lại là một
buổi chiều đứng gió! Biết chắc súng nhỏ không làm gì được vì anh ta núp trong
hầm đào sâu vào núi, nên phải dùng súng lớn. Chúng tôi bắn cầm chừng để xác
định vị trí, và để anh rút vào hầm, đồng thời cho khiêng khẩu đại bác không
giật chống xe tăng qua. Vì cả đồi chỉ có hai khẩu nên phải đặt ở vị trí mà xe
tăng của địch có thể tiến vào phía bên kia. Một quả đạn có sức công phá mạnh đã
biến căn hầm của anh thành một hố sâu trong đó có đất đá lẫn với xác của anh
ta.
Đồi đối diện khá xa,
rừng lại rậm. Quân Bắc Việt di chuyển thoải mái vào ban đêm và trong sương mù,
mà chúng tôi thì lại không đủ quân để kiểm soát bên đó. Cho nên chẳng bao lâu
đã có một người bắn tỉa khác thay thế. Trong suốt 10 ngày sau đó anh chàng thứ
hai này đã gây cho chúng tôi một tử thương và nhiều người khác bị thương. Nhưng
rồi chúng tôi cũng xác định được vị trí của anh ta. Thế là lại phải khiêng khẩu
không giật 106 ly qua, lại một quả đạn lọt vào hầm để biến nó thành mồ chôn xác
người bắn tỉa.
Chỉ hai ngày sau chuyện
bắn tỉa lại tái diễn. Mấy tay pháo binh và cứu thương là những người căng thẳng
nhất. Chỉ cần xớ rớ vài giây đồng hồ bên ngoài hầm trú ẩn là lại nghe tiếng cắc
bùm khô khan của anh ta. Tệ nhất là những chuyến bay tải thương. Khiêng băng ca
đã nặng nhưng nghe tiếng súng là phe ta phải quẳng các thương binh xuống để tìm
chổ núp. May thay mấy ngày sau chúng tôi cũng xác định được vị trí của anh ta.
Thế là phải vật vã vác khẩu 106 không giật qua phía bên này. Ðang khi điều
chỉnh để xác định mục tiêu thì một anh binh nhì nêu lên một nhận xét không
giống ai. Anh ta cho rằng suốt một tuần nay tay xạ thủ mới này vẫn bắn đều như
tay trước, nhưng chưa hề trúng một ai nên cứ để yên cho hắn sống. Nếu chúng ta
loại tay này quân Bắc Việt sẽ có ngay một người khác vào thay, gặp tay bắn giỏi
thì khốn cả lũ. Thật có lý! Thế là khẩu 106 không giật được đưa về vị trí cũ.
Thỉnh thoảng có quân
nhân còn phá phách bằng cách vẫy lá cờ đỏ khi nghe tiếng cắc bùm của anh ta. Đó
là hiệu kỳ khai hoả trong xạ trường. Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy hình như tay
này cố ý bắn trật, chứ không phải hắn bắn dở. Không chừng anh ta biết số phận
của các tay xạ thủ trước nên cố ý không gây thương vong cho chúng tôi. Ðàng nào
thì cấp chỉ huy của anh ta cũng không có cách nào kiểm chứng được kết quả.
Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng đó là cách suy diễn của chúng tôi. Vì thế, để hỗ trợ cho anh ta chúng tôi ngưng trêu chọc và có khi còn giả bộ trúng đạn. Anh ta tiếp tục ở đó, vẫn bắn đều đặn và vẫn không gây thương vong nào trong suốt thời gian hai tháng còn lại của cuộc vây hãm.
Nhóm TQLC Mỹ luôn quan sát những người bắn tỉa từ phía địch. Hình dưới: Đồi 881S
Đồi 881S là một trong
nhiều ngọn đồi khá cao nhìn xuống căn cứ Khe Sanh, là tiền đồn xa nhất nằm phía
Tây Bắc của miền Nam Việt Nam. Khe Sanh có một trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến
(TQLC) Mỹ trấn giữ, và đã bị hai sư đoàn Bắc Việt bao vây vào đầu năm 1968.
TQLC đóng ở Khe Sanh đã điều nghiên rất kỹ trận Điện Biên Phủ, nơi quân Pháp đã
bị lực lượng Việt Minh tràn ngập vào năm 1954.
Lỗi lầm quân sự nghiêm trọng
nhất của người Pháp là đã để cho Việt Minh có điều kiện mang quá nhiều trọng
pháo lên các ngọn đồi xung quanh. Chính hoả lực của trọng pháo đã phá tan hệ
thống phòng thủ của Pháp. Từ đó TQLC Hoa Kỳ rút ra bài học then chốt để bảo vệ
cứ điểm lòng chảo Khe Sanh là không cho quân Bắc Việt kiểm soát các ngọn đồi
quanh vùng.
Không phải đồi nào cũng
là vị trí phòng thủ được, nhưng chúng tôi chạm địch thường xuyên trong cố gắng
chiếm giữ những cao điểm có tầm nhìn bao quát. Các điểm này quan sát được cả
đường chuyển quân về phía Khe Sanh của Bắc Việt từ hậu cứ của họ ở phía tây nằm
trên đất Lào. Trong số các ngọn đồi này không cái nào quan trọng, cheo leo,
hiểm trở và trống trải hơn đồi 881S. Đồi có sườn rất dốc, cao khoảng 450 thước
so với khu thung lũng bao quanh.
Đồi nằm cách căn cứ Khe Sanh khoảng 8 cây số
về phía Tây. Nơi này đã từng là một chiến trường đẫm máu cách đây một năm, khi
quân trú phòng Bắc Việt quyết định cố thủ. Vào giai đoạn đó chuyện tử thủ đồi
881S của CSBV là một chuyện khó hiểu. Nhưng sau nhiều đợt tấn công với tổn thất
nặng nề lực lượng TQLC Hoa Kỳ đã chiếm được nó. Những trận đánh bom và mưa pháo
yểm trợ trong các đợt tấn công đã đốt cháy rụi sườn đồi, chỉ để lại toàn hố bom
xen kẻ với các hầm bê tông bị phá nát. Các hầm này đã trở thành mồ chôn rất
nhiều bộ đội Bắc Việt.
Đồi 881S nhìn được cả
đường số 9, một quốc lộ cũ thời Pháp thuộc. Đường 9 chạy ngoằn ngèo phía tây
Khe Sanh qua biên giới Lào, lên tận Tchepone. Theo cách ví von của các tay TQLC
trẻ tại Khe Sanh thì đây đích thị là “Indian Country” (tức là “vùng Việt Cộng”)
vì hướng nào cũng lúc nhúc địch quân.
Còn một con đường khác ở
phía đông, chạy từ căn cứ Khe Sanh xuống hậu cứ của TQLC ở dọc phía biển, gần
khu Phi Quân Sự. Nhưng đường này chạy lòng vòng suốt 24 cây số qua nhiều khe
núi hẹp và một số cầu cheo leo nên đã bị quân Bắc Việt cắt đứt từ mấy tháng trước.
Đường tiếp tế duy nhất cho căn cứ Khe Sanh và cứ điểm trên các đồi là đường
không vận. Phi trường Khe Sanh có phi đạo khá dài được lót bằng những tấm thép
ghép lại, nên có một thời gian vận tải cơ C-130 vẫn đáp thường xuyên để tiếp tế
thuốc men, thực phẩm và đạn dược. Nhưng sau đó các dàn cao xạ phòng không của
Bắc Việt tăng cường quá mạnh, máy bay không đáp được nên phải thả dù để tiếp
tế. Nước uống thì có thể lấy từ các con suối, và từ một cái giếng trong căn cứ.
Các cứ điểm trên đồi
xung quanh có diện tích quá nhỏ, chỉ có thể tiếp tế bằng trực thăng. Trực thăng
lại không chở được nhiều nên phải tiếp tế thường xuyên. Riêng các đơn vị phòng
thủ trên những đỉnh đồi thì không lấy đâu ra nước để uống. Đưa một toán quân
xuống các khe suối để lấy nước thì chắc chắn là làm bia bắn tỉa cho quân Bắc
Việt đóng đầy xung quanh. Nếu toán lấy nước có người bị thương – một điều gần
như chắc chắn – thì phải gửi một toán khá mạnh từ trên đồi xuống tiếp cứu, lực
lượng phòng thủ trên đồi sẽ yếu đi một cách đáng kể. Mà nhiệm vụ duy nhất của
đơn vị là giữ đồi, cho nên chuyện xuống suối lấy nước là chuyện không thể làm
được.
Chúng tôi được hoả lực
yểm trợ vô giới hạn của không quân và pháo binh. Lợi điểm của TQLC là vị trí cố
định trên đỉnh đồi, xung quanh là khu oanh kích tự do. Vì thế chạm địch ngoài
vòng rào, phía chân đồi là một sai lầm về chiến thuật chỉ làm phức tạp thêm
chuyện yểm trợ một cách không cần thiết. Cách đơn giản nhất để thắng trong tình
huống này là nằm yên trên đồi. Không quân và pháo binh biết rõ toạ độ, nên chỉ
cần gọi pháo binh, B52 hoặc gần hơn thì súng cối 60 ly hoặc súng máy và lựu đạn
để tấn công bất cứ dấu hiệu động binh nào của địch.
Mỗi ngọn đồi có một đơn
vị tương đương một đại đội trấn giữ. Tất cả đều thuộc trung đoàn 26 TQLC có
trách nhiệm toàn bộ căn cứ Khe Sanh. Đồi 881S là ngọn đồi xa nhất và khó tiếp
viện nhất. Ở đó có toàn bộ đại đội “India”, hai trung đội và bộ chỉ huy đại đội
“Mike” của tiểu đoàn 3 trung đoàn 26 TQLC trấn đóng. Hoả lực gồm một phân đội
với 2 súng cối 81 ly, 2 súng không giật 106 ly và một chi đội pháo binh có 3
đại bác 105 ly. Vào ngày 20 tháng Giêng năm 1968 tôi có tất cả 400 binh sĩ
TQLC.
Tình báo đã tiên đoán từ
trước là quân Bắc Việt có ý định tấn công hoặc bao vây Khe Sanh. Vì thế hồi
tháng 12 và đầu tháng Giêng tiểu đoàn trú đóng tại căn cứ Khe Sanh đã được tăng
viện thêm 3 tiểu đoàn khác, với quân số mỗi tiểu đoàn là 1,000 người. Ngoài ra
còn có một tiểu đoàn 300 quân nhân của quân lực VNCH. (Có lẽ đây chính là tiểu
đoàn 37 Biệt Động Quân của đại Úy Hoàng Phổ.) Nếu tính cả các đơn vị hậu cần và
tiếp liệu thì lực lượng trú phòng ở Khe Sanh và các đồi lân cận lên tới 6,000
người.
Phù hiệu các lực lượng tham chiến trận
đánh Khe Sanh, Sư đoàn 3 TQLC, Sư Đoàn Không Kỵ, Không Yểm từ Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, và tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam.
Trái: Cựu Trung Tá BĐQ Hoàng Phổ, và hình Đại Tướng
Westmoreland gắn huy chương US. Presidenttial Unit Citation vào cờ tiểu đoàn 37
BĐQ Việt Nam.
Dù không đụng trận nào
đáng kể trước ngày 20 tháng Giêng (1968), nhưng chúng tôi vẫn hành quân rất đều
khu vực bao quanh đồi 881S. Vào ngày 18 và 19 chúng tôi có vài cuộc chạm súng
lẻ tẻ với Bắc quân ở phía bắc đồi 881S, nơi mà trong các cuộc tuần tra trước
đây chúng tôi không gặp gì cả. Vì lo lắng việc quân Bắc Việt có thể đang tập
trung lực lượng về phía bắc đồi 881S nên tôi đã xin cấp trên cho mang đại đội
India ra thám sát, và nếu cần phá vỡ các vị trí bố phòng của địch.
Đại đội chúng tôi được
trực thăng vận xuống trước vào tờ mờ sáng 20 tháng Giêng. Đang di chuyển một cách
chậm chạp và thận trọng qua vùng cây cối rậm rạp, chưa đi được quá 500 thước
thì hai trung đội tiền sát bị tấn công. Hoả lực địch rất mạnh chứng tỏ một lực
lượng đáng kể đang chờ chúng tôi. Trung đội của Trung uý Richard Fromme ở bên
phải đã bị kềm lại, vì nhiều thương vong nên phải chuẩn bị bãi đáp cho trực
thăng tải thương rồi mới tiến tới được.
Chiếc trực thăng cứu thương vừa sà
xuống thì bị trúng đạn phải dạt qua một bên để đáp khẩn cấp xuống một chổ trũng
gần đó. Những binh sĩ TQLC trong trung đội dự phòng của Trung úy Michael Thomas
lúc đó đang bảo vệ bãi đáp, không cần đợi lệnh đã phóng nhanh xuống khoảng 200
thước về hướng chiếc trực thăng. Cú đột kích bất ngờ làm cho những cán binh CS
đang nấp sau trảng tranh hoảng hốt cắm đầu bỏ chạy mất dạng, không kịp bắn lấy
một phát súng.
Cả phi hành đoàn đều bị
thương, nhưng đã được kéo ra khỏi máy bay và được TQLC đưa về vị trí phòng thủ.
Tất cả những người bị thương sau đó đã được một trực thăng khác bốc đi an toàn.
Trong khi cạnh sườn bên
mặt đang chống đở vất vã như vậy thì trung đội của Trung úy Thomas Brindley bên
cánh trái còn tệ hơn. Họ bị kẹt cứng giữa một vùng đất không có chổ nấp, chỉ
cách gò chỉ huy của địch chưa tới 200 thước. Đạn địch bắn tới tấp làm họ không
cách chi ngóc đầu lên được. Brindley là một sĩ quan rất lỳ. Biết rằng nằm đây
chỉ có chết, và không cách nào giữ được vị trí này nếu không có yểm trợ.
Thế là
chàng kêu một loạt đại bác nhắm vào gò chỉ huy của địch. Lợi dụng đợt trọng
pháo Brindley đã sắp xếp lại đội hình, ngay sau quả đại bác cuối cùng chàng đã
xung phong chiếm được vùng cao điểm sau khi phải trả giá rất đắt. Nhiều người
tử thương, trong đó có Brindley, và rất nhiều người bị thương. Lúc ấy đạn dược
còn rất ít, và đơn vị chỉ còn một hạ sĩ chỉ huy.
Địch lui về phía sau
chuẩn tái chiếm cao điểm này, nhưng đã bị diệt sạch nhờ một đợt bom xăng thả
gần đến độ lông mày của nhiều quân bạn bị cháy trụi. Tình hình vẫn còn rất bi
đát nên tôi để Fromme ở lại lo bên phía phải, tôi mang một trung đội qua giúp
cánh trái bên kia đồi, đồng thời di chuyển các thương binh về chổ chờ trực
thăng tải thương.
Chưa qua tới bên kia tôi
chợt nhận ra một nhóm thám sát tám người thuộc trung đội Brandley đang bị hoả
lực địch áp đảo phía dưới. Nhóm này bị lạc đội hình vì mất phương hướng trong
cuộc chạm súng. Thomas đã tình nguyện tiếp cứu, nhưng chưa tiến được quá 20
thước anh đã bị trúng đạn. Ngay tức thì Trung sĩ David Jessup nắm trung đội và
tiếp tục mở đường đưa nhóm thám sát và những người bị thương trở lại vị trí một
cách khá an toàn.
Vào lúc này tất cả vị
trí địch đã được xác định. Đại đội India xin trọng pháo và phi pháo yểm trợ với
hoả lực tối đa để chống đỡ. Nhưng trời cũng bắt đầu sụp tối, và bởi vì sứ mệnh
chính của đơn vị là trấn giữ đồi nên đại đội không thể rời xa đồi 881S để truy
kích địch. Đại đội India đã bắt tay lại được với đại đội Mike để cùng nhau rút
về đồi 881S an toàn dưới sự che chở của trận mưa trọng pháo vào các vị trí
địch. So với con số xuất quân lúc sáng chúng tôi đã sụt mất 50 người, vừa chết
vừa bị thương.
Ngay hôm sau, lúc 2 giờ
sáng ngày 21 tháng Giêng quân Bắc Việt đã đồng loạt tấn công vào các vị trí
ngoại vi quanh căn cứ Khe Sanh. Dưới các đợt tấn công biển người một cứ điểm
nhỏ ở làng Khe Sanh, cách vòng đai căn cứ khoảng vài trăm thước, phải di tản.
Nhưng các điểm khác đã đánh bật được mọi đợt xung phong. Nhờ pháo binh rót đều
đặn vào các khu chuẩn bị dàn trận của Bắc Việt, cũng như các đường tiến quân
nên địch đã không khai thác được thế thượng phong lúc khởi đầu. Đồi 881S dù là đồi
ở điểm trọng yếu nhất ngoài căn cứ nhưng không bị tấn công trong đợt này. Có lẽ
các cuộc chạm súng ngày hôm trước với các toán trinh sát quanh đồi đã đánh tan
tố bất ngờ và gây thiệt hại đáng kể khiến họ bỏ kế hoạch tấn công 881S.
Trong suốt trận đánh từ
nửa đêm 21 này các pháo thủ của hai bệ súng cối đã bắn liên tục gần 700 quả ở
tầm xa tối đa để ngăn không cho địch chọc thủng vòng đai đồi 861. đồi này nằm
về phía đông bắc của 881S. Nòng súng cối nóng tới độ quả đạn chưa chạm kim hoả
đã được kích hoạt phóng ra sớm khiến đạn bay lệch đạn đạo quá xa. Phải dùng số
nước uống rất hạn chế trong đồn để làm nguội ống phóng trước khi xài tiếp.
Nhưng rồi hết nước uống, phải dùng tới nước trái cây. Nước trái cây cũng cạn.
Cuối cùng lính phải sắp hàng thay nhau dùng nước tiểu để làm nguội nòng súng
cối.
Trận đánh đầu tiên đã
chấm dứt. Mọi đơn vị trên các ngọn đồi lo chỉnh đốn hệ thống bố phòng để đón
những trận tấn công liên tục có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào. Chúng tôi không
phải chờ lâu. Hừng đông ngày 22 căn cứ Khe Sanh bị hàng loạt mấy trăm quả đạn
pháo và hoả tiển hạng nặng gây thiệt hại dọc theo phi đạo chính và làm nổ tung
kho đạn. Đại bác thì gồm có 152 và 130 ly, chính xác một cách chết người, bắn
tới từ bên kia biên giới Lào, nằm về hướng tây và tây nam căn cứ Khe Sanh. Thêm
vào đó là hoả tiển 122 ly, loại bó thành khối của Nga, bắn đồng loạt, mỗi lần
khoảng 30 đến 50 trái từ nhiều hướng khác nhau. Dù là một căn cứ lớn, nhưng
loạt pháo kích chưa từng thấy này đã làm tê liệt nhiều phần căn cứ Khe Sanh.
Riêng đồi 881S, vì đã
mất yếu tố bất ngờ và biết chúng tôi sẳn sàng đánh trả nên địch đổi chiến
thuật. Quân Bắc Việt quyết định cắt đứt đường tiếp liệu của đồi 881S để buộc
chúng tôi phải triệt thoái. Cũng may TQLC chúng tôi có một cơ cấu tổ chức độc
nhất vô nhị gọi là “Air-Ground Team”, nếu không thì không chừng quân Bắc Việt
đã thành công. (Air-Ground Task Force là một công thức hành động phối hợp giữa
TQLC trên không và TQLC trên bộ để hoàn tất một sứ mệnh đã định.)
Quân Bắc Việt bắt đầu
đặt súng cối 120 ly phía tây 881S khoảng 5 cây số. Súng được đặt gọn trong các
đường hầm ngắn đào sâu vào vách núi với góc độ cần thiết để tác xạ. Máy bay
không thể nào phát hiện vị trí các ổ súng này, và nếu có biết cũng không thể
nào làm nó câm họng được, trừ khi thả bom hay bắn trọng pháo lọt đúng ngay vào
miệng hầm. Đồi 881S là một mục tiêu cố định, vì thế địch chỉ cần điều chỉnh một
hai ly chiều thẳng đứng hay ngang là có thể bắn trúng bất cứ điểm nào trên đồi.
Cả tiếng “thụp” khô khan của súng cối cũng chìm mất vào trong lòng núi. Âm
thanh của súng cối khai hoả là tiếng kêu rất đục và ngắn, chỉ có những lỗ tai
thính lắm mới nghe được. Ấy là trong điều kiện không có gió, không có tiếng bom
hay trọng pháo, không có tiếng máy bay… tức là phải yên lặng như tờ. Điều kiện
này chẳng mấy khi có được ở Khe Sanh.
Lúc đầu chúng tôi chỉ
cần một trực thăng tiếp tế. Phi công thường yêu cầu chúng tôi phải sẳn sàng
trong giao thông hào, đồng loạt bắn tưới lên các hướng núi dày đặc cao xạ phòng
không để chặn, trước khi anh ta giảm cao độ để đáp. Nhưng kết quả thật thê
thảm. Ngay khi phi công hướng về một điểm đáp, tiền sát của quân Bắc Việt báo
ngay vị trí này cho các tay bắn súng cối. Các tay này chỉ tốn vài giây đồng hồ
điều chỉnh là họ có thể “đặt” quả đạn vào đúng vị trí họ muốn trên đồi 881S. Họ
biết rất chính xác các góc độ vì họ vẫn bắn như thực tập hàng ngày. Trong tiếng
ồn của máy bay trực thăng chúng tôi không thể nghe được tiếng súng cối khai
hoả, nhưng chúng tôi biết quả đạn chỉ cần 25 giây đồng hồ để bay tới mục tiêu.
Chuyện cất hàng xuống và đưa thương binh lên trong vòng 25 giây là chuyện không
thể làm được.
Vào ngày 22 (tháng
Giêng) hai loạt súng cối chụp xuống ngay bãi đáp khi người bị thương sau cùng
đang được đưa lên trực thăng tải thương. Đúng 22 người, vừa chết vừa bị thương
nội trong cú đó, kể cả phi hành đoàn. Chiếc trực thăng hoàn toàn bị phá hủy
cùng tất cả lính bị thương trong đó.
Tới đầu tháng Hai súng
cối và hoả lực phòng không liên tục đã làm hai đại đội India và Mike thiệt hại
tới 150 TQLC và 6 trực thăng. Nếu kể cả các binh sĩ chết hay bị thương vì bắn
tỉa thì mức thiệt hại của chúng tôi là 50%, và không có dấu hiệu nào cho thấy
tình hình bi đát này sẽ chấm dứt.
Với tỷ lệ này thì chẳng bao lâu nữa sẽ không thể giữ được cứ điểm 881S. Quân bổ sung thì thỉnh thoảng lại bị trúng đạn ngay khi chưa kịp rời trực thăng. Lính tráng thì chỉ còn được phần tư bi đông nước uống mỗi ngày. Với khí hậu tại đây thì lượng nước này không thể nào chấp nhận được. Mỗi khi phá được ổ phòng không nào thì lập tức quân Bắc Việt thay thế ngay, cũng nhanh như thay thế các tay bắn tỉa vậy.
Giải pháp cho tình hình
này của chúng tôi là một giải pháp khác thường nhưng có hiệu quả ngay tức thì,
và lần nào cũng y như lần nấy. Có lẽ ít quân đội nào trên thế giới có thể làm
được. Kế hoạch tiếp vận được tính toán và tập dượt rất kỹ lưỡng, thời gian phải
chính xác tuyệt đối để phối hợp lược lượng trên không với dưới đất. Chúng tôi
thực hiện chiến thuật “Super Gaggle” – đàn ngỗng siêu hạng – vào một ngày quang
đãng giữa tháng Hai.
Sau khi ra hiệu trước, các khẩu súng cối trên đồi 881S bắn hàng loạt đạn khói trắng về hướng các vị trí súng phòng không mà chúng tôi đã xác định được. Loạt đạn khói vừa chạm đất thì lập tức 4 phản lực cơ tấn công A4 Skyhawk đâm xuống bắn phá các vị trí này theo các trái khói định vị của chúng tôi. Mỗi chiếc Skyhawk đều mang dưới cánh nhiều hoả tiển chống xe tăng hạng nặng (5inch). Tiếp theo ngay lập tức là 4 phi tuần Skyhawk khác mang bom xăng (napalm) xuất hiện nối đuôi nhau tạo một bức tường lửa quanh đồi.
Mục đích loạt bom napalm này là
tiêu diệt các tay súng vẫn luôn luôn nằm ngữa dưới các hầm cạn quanh vòng đai
để bắn vào bụng trực thăng khi phi công sà xuống chuẩn bị đáp. Rồi tới 2 phi
tuần Skyhawk rãi hàng ngàn trái bom tí hon đều khắp cạnh sườn thung lũng. Loại
bom tí hon này được chỉnh giờ khác nhau để phát nổ lai rai và liên tục trong
nhiều phút. Sau đó đồi 881S bắn một loạt đạn trái khói khác về hướng các vị trí
phòng không. Nếu họ chưa bị không quân tiêu diệt thì các cột khói phosphorus
trắng này sẽ khiến họ không thấy được gì trên bầu trời.
Súng từ các vị trí địch
im tiếng, chỉ còn lác đác vài quả đạn cối rơi lưa thưa. Chắc chắn quân Bắc Việt
đang còn núp dưới các hầm cá nhân, nếu họ còn sống, hoặc đã bị chôn vùi dưới
vài thước đất đá.
Lẫn trong khói súng và
bụi đất mịt mù có 10 chiếc trực thăng CH-46 của TQLC lù lù xuất hiện. Mỗi chiếc
mang theo khoảng một tấn đồ tiếp liệu và đạn dược. Khi các trực thăng CH-46 tới
gần đồi 881S thì thêm 4 phi tuần Skyhawk xuất hiện. Mỗi bên 2 chiếc trải thêm
một màng khói bên hai cạnh sườn giữa đồi 881S và các vị trí cao xạ phòng không
của địch. Mục đích là tạo một giải không gian hẹp cho các trực thăng CH-46 đáp
xuống 881S giữa hai bức tường khói.
Phản lực cơ Douglas A4 Sky Hawk
Trực thăng cứ theo đội
hình năm chiếc lần lượt đáp xuống, bỏ hàng, nối đuôi nhau cất cánh ngay vào
giữa hai đám khói. Trong đội hình thứ hai có một chiếc chở các quân nhân bổ
sung đồng thời mang người bị thương cũng như tử thương về hậu cứ. Vị trí đáp
của chiếc này luôn luôn thay đổi, nhờ đó đạn súng cối của địch không bao giờ
rơi trúng một chiếc trực thăng tải quân nào khác.
Toàn bộ cuộc phối hợp
tác chiến và tiếp viện có tên gọi là Super Gaggle này kéo dài không đầy 5 phút,
và từ khi màn khói chắn được trải ra cho tới lúc chiếc trực thăng cuối cất cánh
không bao giờ quá 30 giây đồng hồ. Hoả lực phòng không của quân Bắc Việt vẫn
quét ngang dọc qua đỉnh đồi, nhưng chỉ là bắn bừa với số lượng ít hơn nhiều cho
nên không hiệu quả gì. Đạn súng cối vẫn tiếp tục rơi đều cả giờ sau khi tất cả
các phi cơ đã rời trận địa, nhưng không làm gì được chúng tôi vì tất cả đã chui
xuống hầm. Khoảng một chục tấn hàng tiếp liệu nằm rãi rác khắp nơi. Lực lượng
bổ sung đã an vị dưới các giao thông hào, những người lính TQLC bị thương đã
rời xa khỏi căn cứ. Thường thì chúng tôi không chịu thiệt hại nào về nhân sự
trong các chuyến tiếp quân này.
Chiến thuật này được
điều khiển từ chiếc phản lực TA-4 hai ghế do chính ông phi đoàn trưởng phi đoàn
A4 lái, ghế sau là phi đoàn trưởng trực thăng lo việc liên lạc vô tuyến thường
xuyên xuống đất với tôi. Tất cả đều là dân TQLC đã từng huấn luyện với nhau,
cùng diễn hành, cùng tiệc tùng với nhau nhiều năm trời. Nhờ vậy chúng tôi mới
có thể thực hiện một chiến thuật phức tạp đến từng giây từng khắc một cách hoàn
hảo.
Màn đêm vừa phủ xuống là lúc chúng tôi bò ra gom đồ tiếp liệu, vì lúc đó quân Bắc Việt không thấy được các hoạt động của chúng tôi. Kiện hàng nào cũng đầy mảnh đạn súng cối. Sau khi phân phối xong chúng tôi phải vào vị trí ứng chiến. Từ sụp tối đến nửa đêm chúng tôi thay nhau, phân nửa thức phân nửa ngủ. Từ nửa đêm tới sáng chúng tôi ứng chiến 100%.
Lý do rất đơn giản là
ban ngày địch không động binh vì sợ chúng tôi phát hiện, nên phải chờ đến tối.
Từ chạng vạng tối mà leo từ chân núi lên, nếu leo giỏi thì sớm lắm cũng phải
nửa đêm địch mới tới được vòng đai của chúng tôi. Bọn TQLC chúng tôi vẫn leo
hoài nên biết rất rõ. Lúc ấy chúng tôi đã sẵn sàng rồi.
Đồi 881S không bị tấn
công lần nào. Thỉnh thoảng địch có vài hoạt động thăm dò bên ngoài vòng đai.
Đây là cơ hội để binh sĩ TQLC chứng minh rằng chúng tôi ném lựu đạn xuống dễ
hơn quân Bắc Việt ném lên, và nhất là lựu đạn chúng tôi ném không bao giờ lăn
ngược trở lại phía chúng tôi! Để tiết kiệm nước và tránh thương vong chúng tôi
làm việc chủ yếu vào ban đêm, ban ngày chỉ tập trung vào việc quan sát. Thương
vong tuy vẫn có, nhưng so với trước khi thực hiện chiến thuật Super Gaggle thì
nhẹ hơn nhiều vì binh sĩ luôn ở dưới hầm.
Trong khi hoả lực của
quân Bắc Việt giảm đi thì của chúng tôi lại tăng lên.
Thời tiết tốt hơn nên
ngày nào cũng có phi cơ yểm trợ. Các địa điểm đặt hoả tiễn của địch bị bắn phá
thường xuyên. Một chuyện nhỏ nói lên lòng kiên nhẫn và sự tinh mắt của một binh
sĩ trẻ, đó là Hạ sĩ Molikau Niuatoa, người Mỹ Samoan. Anh ta dùng viễn kính 20x
của hải quân đã tình cờ thấy được ánh chớp của đại bác địch khai hoả ở tít chân
trời, cách chúng tôi khoảng 15 cây số. Anh ta là người vẫn quan sát ngày này
qua tuần nọ, dựa vào tiếng khai hoả của trọng pháo bắn vòng qua đầu chúng tôi
hướng tới căn cứ Khe Sanh. Hạ sĩ nhất Robert Arrotta, người hướng dẫn phi cơ
oanh kích đã gọi ngay một phi cơ quan sát tới vùng đó, nhưng không ai có thể
thấy được chiếc phi cơ ở xa như vậy để hướng dẫn đến mục tiêu.
Vì sự quan trọng của mấy
khẩu đại bác này nên dù chưa xác định được mục tiêu phi công quan sát đã nôn
nóng gọi mấy oanh tạc cơ đến. Lượn vòng mãi vẫn chưa có toạ độ, phi cơ quan sát
bắn một trái khói trắng để làm chuẩn, nhưng ở đồi 881S không nhìn thấy được cột
khói xa như vậy. Rồi tới các oanh tạc cơ sắp phải quay trở về nếu không sẽ bị
cạn nhiên liệu. Sốt ruột, phi cơ quan sát đề nghị thả một quả bom 150 ký xuống
một mỏm đá để làm dấu, và các quan sát viên ở đồi 881S đã thấy được điểm này.
Sau vài lần điều chỉnh viên phi công quan sát cho biết đã xác định được vị trí.
Kết quả là 5 khẩu 130 ly do Nga chế tạo bị phá hủy. Loại đại bác này có tầm đạn
gần 30 cây số và rất chính xác nên đã gây cho chúng tôi không biết bao nhiêu là
tổn thất.
Vào tháng Ba thì vòng
vây quanh Khe Sanh đã nới lỏng. Đại Úy đại đội trưởng Harry Jenkins của đại đội
Mike và tôi có thể chơi trò “nhạc trưởng”, dùng máy vô tuyến truyền tin làm gậy
điều khiển một dàn đại hoà tấu của bom đạn. Chúng tôi có hoả lực gần như vô
giới hạn của trọng pháo và phi pháo, gọi là có ngay để tấn công vào bất cứ cái
gì nhúc nhích, bất cứ tiếng động lạ nào, bất cứ mùi nào khả nghi, hay bất cứ
điểm nào chúng tôi chỉ linh cảm là có quân Bắc Việt. Âm thanh của giàn nhạc này
kéo dài liên tục. Vùng cao nguyên xanh tươi trước đây ba tháng giờ trông chẳng
khác nào mặt trăng cháy nám, đầy những hố bom nối liền nhau nằm lẫn với các gốc
cây chỏng trơ.
Cuộc vây hãm không chấm
dứt một cách đột ngột. Quân Bắc Việt như từ từ tan biến đi, chỉ để lại vài chốt
tử thủ kháng cự một cách vô vọng cho lực lượng tăng viện làm cỏ. Cuộc tấn công
toàn diện vào căn cứ Khe Sanh không bao giờ được thực hiện. Một chuyện diễn ra,
hình như vào ngày 1 tháng 4, khi quân tiếp viện đã tới, rất có thể là lý do tại
sao cuộc tấn công đã không diễn ra.
Giữa thanh thiên bạch
nhật chợt có hai bộ đội Bắc Việt trần truồng chạy về hướng vòng đai của chúng
tôi, chân chạy tay vẫy tờ truyền đơn xin gọi là “giấy thông hành” ra đầu thú.
Một người bị đồng đội anh ta từ phía sau bắn hạ ngay, người kia ngã xuống ngoài
vòng rào. Chúng tôi bắn yểm trợ cho một binh sĩ TQLC bò ra kéo anh ta vào. Anh
ta là một người to con, cao gần thước tám, vạm vỡ, trông rất khoẻ mạnh.
Chúng
tôi bắt đầu hỏi cung anh ta, nhưng bị gián đoạn vì một phản lực cơ của TQLC bay
ngang. Anh ta hoàn toàn biến thái, mất tự chủ mọi thứ, từ con mắt tới cơ bắp và
dĩ nhiên cả chuyện tiểu và đại tiện. Anh ta run lẩy bẩy và té xụm ngay trong
giao thông hào. Một tiếng vỗ tay mạnh sau lưng anh ta cũng gây nên trạng thái
kinh hoàng y như vậy.
Trạng thái tâm lý của
người hồi chánh đã bị bại liệt hoàn toàn vì anh ta và đồng đội đã bị hoả lực
kinh hồn của chúng tôi vùi dập trong suốt 77 ngày. Những lúc tỉnh táo anh cho
biết nhiều đồng đội của anh cũng bị khủng hoảng như vậy. Thế thì họ không đánh
lớn vào Khe Sanh được là phải rồi.
Đại đội India trở về vùng duyên hải với quân số vỏn vẹn có 19 người, so với lúc đến đóng quân ở đồi 881S là 200. Đại đội Mike làm ăn khá hơn đôi chút. Khi dừng chân qua đêm ở một hậu cứ khá an toàn tại Quảng Trị đại đội India mất thêm 6 trong số 19 người còn lại vì một hoả tiễn rớt ngay lều trú quân của họ. Công cuộc phòng thủ cứ điểm Khe Sanh kể như thành công, nhưng với tổn thất rất cao. (Trà Bồng viết lại)
Đại
Úy WILLIAM DABNEY
Hình ảnh và bài
đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết