Ngày Quốc Hận của toàn dân Việt Nam
Hà
Nhân
(Bút ký của Nguyễn Hà Tường Anh)
Cuối tháng Tư năm nay, ba mươi năm sau ngày
Sàigòn sụp đổ. Đối với tôi, ở tuổi 11 vào năm 1975, tôi còn nhỏ. Xã hội quanh
tôi cũng nhỏ: gia đình, vài đứa bạn tiểu học, hàng quán quanh nhà, chợ Ông Tạ,
nhà thờ An Lạc, nhà thờ Nam Thái, trường Bắc Hải… Vậy thôi! Thế nhưng cái xã
hội nhỏ và đơn giản của tôi phải mang một dấu ấn sắc, nhọn, nhầy nhụa, dã man.
Ba mươi năm sau “ngày ấy”, tôi viết lại câu chuyện này để một lần nhìn vào dấu
sẹo trong tâm hồn mình. Viết để lý giải về nó một cách bình tĩnh và trưởng
thành hơn. Viết để nói với những người đã đem đến cho tôi kinh nghiệm kinh
khủng đó. Nói chung, viết là lối giải tỏa tâm lý ẩn ức của người viết.
Ngày 30/4/1975, lời tuyên bố đầu hàng đã truyền
đi. Lá cờ tai họa đã bay trên Dinh Độc Lập. Bố tôi từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính
Trị về nhà. Mắt ông đỏ tia máu. Trước nhà tôi, những người lính cởi trần ngồi
lề đường khóc. Họ chửi rủa rằng họ bị phản bội, bị bỏ rơi. Họ nói đến chuyện tự
tử để không thẹn với hồn thiêng sông núi. Có cái gì đó khủng khiếp khi
những người đàn ông khóc. Hàng xóm súm lại an ủi họ.
Trời chang chang nắng đổ. Súng ống quân phục đầy
đường từ Ngã Tư Bẩy Hiền vào Lê Văn Duyệt. Tiếng súng do bọn thanh thiếu niên
hoang loạn bắn từ vũ khí vương vãi trên hè phố nổ rền suốt mấy giờ liền. Đến
khoảng 2 giờ chiều chỉ còn lác đác tiếng súng ở xa. Nỗi hoang mang tiếp tục gia
tăng khi người ta bắt đầu nhìn thấy những người lính miền Bắc đeo ba-lô, đi dép
râu, mặt mũi lơ láo, lạ lẫm bắt đầu đi vào con đường hẻm. Bất thình lình, trong
cái oi bức, ngột ngạt của không gian, trong cái căng thẳng kinh hoàng của đầu
óc, có những tiếng súng nhỏ vang lên trong một căn nhà.
Những tiếng súng ấy nhỏ và không vội vã như người
ta bắn qua lại khi giao tranh. Những tiếng súng ấy bình tĩnh, cách nhau
đều đặn. Chúng vang lên một cách chắc chắn, chắc chắn như quyết định của người
nổ súng. Đó chính là tiếng súng mà Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh đã nổ để kết liễu mạng
sống của cả gia đình gồm vợ với bảy người con và chính bản thân ông.
Tôi nhớ, trước đó, khoảng cuối năm 1974, Trung Tá
Đặng Sĩ Vĩnh bán căn nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Bắc Hải và dọn về ngôi nhà nhỏ
xinh cách nhà tôi khoảng mười căn. Ngôi nhà màu xanh lá cây, cổng gạch trắng,
không có garage đậu xe, mang số 98/39 đường Phạm Hồng Thái, Gia Định, thuộc Ấp
Hòa Bình, quận Tân Bình. Đường hẻm lớn này thường được gọi là Hẻm Con Mắt, Khu
Ông Tạ. Ngôi nhà nay là 98/39 Cách Mạng Tháng Tám, quận 5, Tân Bình.
Trung Tá Vĩnh thường mang xe sang gởi tại
sân nhà ông Năm Châu xế cửa. Đó cũng là nơi tôi nhìn thấy Trung Tá lần cuối khi
ông còn sống.
Bà Trung Tá Vĩnh tên tục là Trần Ánh Nguyệt, chị
kế của phu nhân lão thi sĩ Hà Thượng Nhân. Ông bà từng làm chủ một nhà in. Ông
tốt nghiệp khóa 3 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức năm 1953. Năm 1954, theo vận
nước, ông bà Vĩnh vào Sài Gòn.
Ông bà có tất cả bảy người con. Người con cả, anh
Đặng Trần Vinh, sinh năm 1948. Hai cô con gái út là một cặp sinh đôi, khoảng 15
tuổi vào năm 1975.
Trung Tá Vĩnh tùng sự tại Phòng Nhì Bộ Tổng Tham
Mưu sau sang làm việc tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia từ cuối thập niên
1960. Theo thi lão Hà Thượng Nhân, ông Vĩnh là người rất hiền từ. Một số quí vi
đã có dịp làm việc với ông Vĩnh cũng đồng ý như vậy. Theo các vị này, ông Vĩnh
không hề cau có, cãi cọ với ai bao giờ. Ông điềm tĩnh và nhân hậu.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, ông Vĩnh lúc ấy 56
tuổi mà còn phong độ. gặp bố tôi, ông trao đổi một vài câu chuyện với giọng
thật hiền hòa, thân thiện. Anh Vinh, con ông lúc ấy 27 tuổi. Hai cô em gái sinh
đôi của anh thường đùa nghịch cười rúc rich. Họ đồng tuổi với chị Trang của
tôi. Da trắng, tóc dài, đen nhánh, buộc bằng nơ đỏ và xanh dương.
Âm thanh và hình ảnh của gia đình Trung Tá Đặng
Sĩ Vĩnh, nếu chỉ có thể trong tôi, đã không trở thành ký ức kinh hoàng. Ký ức
đó chỉ một thời gian ngắn sau, đã bằng những tiếng súng chuyển thành kinh
hoàng.
Bố tôi nói buổi trưa ngày 30/4/1975, khi nghe
tiếng súng: “Chắc bác Vĩnh tự tử rồi!”. Mắt ông vẫn đỏ tia máu. Tôi dư biết ông
có khẩu súng lục và một trái lưu đạn trong ngăn kéo trên lầu. Bố tôi không nói
gì nữa. Ông ngồi đó mà không ăn trưa, hai mắt lừ lừ.
Tôi không tin lời bố tôi nói. Một đứa 11 tuổi
chưa đủ khả năng để lượng định những áp lực tinh thần đang đè nặng trên vai kẻ
sĩ trong lúc đất nước rơi vào tay giặc. Thật sự, dù có tin, tôi cũng không nghĩ
đến cái chết của người khác vào lúc đó. Nhưng tôi sợ cái chết của bác Vĩnh và
cả nhà sẽ khiến bố tôi quyết định cùng gia đình chọn cái chết hơn là sống với
chế độ Cộng Sản.
Mẹ tôi lo ngại, lén lấy súng lục và lựu đạn của
bố gói trong bao vải ném xuống kinh Nhiêu Lộc. Mẹ tôi chỉ nói ngắn gọn với bố:
“Anh muốn làm gì cũng phải bàn với cả nhà, nhất là với mẹ, người sinh ra anh
trên đời này”. Bà tôi thấy vậy cũng sợ, bắt chúng tôi bốn đứa âm thầm thay
phiên nhau canh chừng bố. May thay sau đó bố tôi đã thoát được những ám ảnh từ
gia đình bác Vĩnh.
Những tiếng súng trong căn nhà Trung Tá Vĩnh vang
lên như vậy rồi lặng đi. Mãi đến ngày hôm sau, hàng xóm mới phá cửa vào nhà.
Tôi chạy theo, hối hả chen vào, để rồi chết lặng khi thấy mình đứng cách những
xác chết không đầy một thước. Bố tôi nói không sai. Gia đình bác Vĩnh tự tử
thật. Ngoài phòng khách, bác treo bộ quân phục đại lễ oai nghi. Nơi trong
phòng, quạt máy trên trần vẫn chạy. Những tấm nệm lấy từ trên lầu xuống được
xếp ngay ngắn. Xác của bảy người con bác Vĩnh cũng ngay ngắn. Họ nằm cạnh nhau
trên nệm, đầu quay ra cửa. Anh Vinh lớn nhất nằm phía ngoài cùng, bên phải. Hai
cô gái sinh đôi nằm ngoài cùng bên trái. Bác Vĩnh gái nằm quay ngang dưới chân
các con. Mỗi người có một vết đạn duy nhất ở thái dương. Những vũng máu đông
đặc. Bác Vĩnh trai nằm trong tư thế như không được ai sắp xếp cho.
Từ nơi tôi đứng có thể nhìn thấy bàn ăn. Thức ăn
còn đầy trong đĩa, trong bát. Những ly nước trên bàn còn một nửa. Mỗi ly đều có
một lớp đầy cặn màu trắng. Bác Vĩnh có để lại một lá thư cho ông Đặng Sĩ Toản,
anh trai của bác. Trong một lá thư ngắn khác, bác có lời xin lỗi hàng xóm vì
quyết định của gia đình bác có thể làm phiền lòng họ. Bác còn xin họ giúp báo
tin cho thân nhân của bác để lo chôn cất. Bác cho biết bác còn một ít tiền để
trong ngăn kéo.
Ngay buổi tối hôm bác Vĩnh cùng gia đình ra đi,
bọn du thủ du thực trong ấp đã cạy cửa vào lục lọi khắp trong nhà bác và lấy
hết tiền bạc cùng những gì chúng tìm thấy trước khi thân nhân đến nơi.
Hàng xóm đã làm theo lời bác yêu cầu. Họ báo với
ông Đặng Sĩ Toản. Ông Toản báo với bà Hà Thượng Nhân. Chính bà Hà Thượng Nhân
đã cùng chị là bà Chấn, chị dâu là bà Tâm, em gái là bà Viên, làm tang lễ vội
vàng tiễn đưa gia đình bác Vĩnh ra nghĩa trang Chí Hòa ngày hôm sau.
Quanh xóm tôi, người ta đoán gia đình bác Vĩnh đã
uống thuốc ngủ hoặc một chất độc vì nhìn thấy nhiều cặn màu trắng trong những
ly nước. Người ta đoán bác Vĩnh là người cuối cùng ra khỏi cuộc đời vì xác bác
nằm không ngay ngắn.
Còn tôi, tôi lạnh người trong nhiều năm mường
tượng về giây phút cuối cùng của gia đình bác Vĩnh. Tôi thắc mắc đủ điều. Ai là
người xướng ra đề nghị cả gia đình cùng tuẫn tiết? Tôi cứ cho rằng chỉ có thể
là bác Vĩnh hay anh Vinh. Nhưng bác Vĩnh hay anh Vinh? Người hiền như bác Vĩnh
sao đi đến quyết định như vậy? Bác Vĩnh hay anh Vinh có bàn thảo với bác Vĩnh
gái trước không? Có nói gì với những người còn lại trong gia đình không? Nói
thế nào? Nếu có nói, làm sao có thể thuyết phục người khác cùng chết với mình?
Thuyết phục bằng nỗi sợ Cộng Sản? Thuyết phục bằng tình gia đình sống chết có
nhau? Thuyết phục bằng lý tưởng không đội trời chung với Cộng Sản? Nếu bác Vĩnh
là người ra đi cuối cùng, bác nghĩ gì vào giây phút ấy?
Sau này, người ta lấy nhà bác Vĩnh làm hợp tác
xã, rồi phường đội, v.v… Những ai ngủ tại đó không bao giờ dám tắt đèn. Tôi
nghĩ bác Vĩnh hiền thế, dọa họ làm chi. Tôi lại ước bác Vĩnh hay các anh chị
con bác trở lại thế gian này khóc lóc như những vong hồn thác oan. Với riêng
tôi, nếu có thể, hình ảnh gia đình bác không ám ảnh tôi. Thì ít nhất họ cũng
thường tình: chết mà không muốn chết nên hiện về phá phách. Nhưng không, chẳng
có ai hiện về. Chín thành viên gia đình bác Vĩnh tự tử mà như bằng lòng
với chọn lựa của mình. Họ chết cái chết can đảm và chính trực.
Nhưng tại sao người chính trực phải chết thảm cả
gia đình? Tiếng súng của gia đình bác Vĩnh từ đó cho tôi cái nhìn trần tục hơn
về xã hội chung quanh. Lý giải về người hiền người ác không chỉ có trong cổ
tích trời giúp kẻ hiền lương. Nếu trời luôn giúp kẻ hiền, sao cả gia đình bác
Vĩnh chỉ còn một đường chết? Niềm tin của tôi không có chỗ dựa vững chãi:
Thượng Đế tạo ra con gà, con thỏ xinh xinh, rồi lại tạo ra con cọp, con cáo làm
gì? Tôi xét đoán về người đối diện một cách dè dặt hơn, bởi có ai đoán nổi
quyết định của bác Vĩnh? Bác Vĩnh hiền còn dám thế, người hung hãn sẽ bán cả
trời khi uất hận!
Tôi gõ cửa nhà ông bà Hà Thượng Nhân tìm một giải
tỏa cho nỗi ám ảnh của mình. Tôi viết như viết tâm sự của mình khi kể lại
chuyện thương tâm của gia đình Trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh. Hình ảnh anh Vinh và hai
chị sinh đôi cùng bốn anh chị em còn lại mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền, máu
chảy thành vũng từ thái dương, tóc bay lơ thơ dưới quạt trần, từ nay xin là
những đau thương của quá khứ. Chính từ những đau thương ấy, xin cho hiện tại
được chăm chút trân trọng hơn. Xin cho tương lai được coi là quan trọng
hơn hết khi kính mến những hy sinh, khổ sầu của người đã chết vì vận nước.
Xin thắp một nén nhang cho mỗi người trong gia
đình trung Tá Đặng Sĩ Vĩnh. Xin gửi lời người đã khuất cầu nguyện cho đất
nước, và cho chính tôi được nhẹ nhàng.
NGUYỄN HÀ TƯỜNG ANH
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
* * * * *
TƯỞNG NIỆM G/Đ CỐ TR/TÁ ĐẶNG SĨ VĨNH
Nhang lòng một
nén vọng hương linh
Sống nhục chẳng
thà được chết vinh
Nước mất đành
sao mà úy tử
Nhà tan không
lẽ lại tham sinh
Họ hàng thân
thuộc đều thương cảm
Bè bạn gần xa
thảy hữu tình
Chiến Sĩ Quốc
Gia gương tiết liệt
Ngàn thu vằng
vặc tấm trung trinh
Bee Cave,
22/3/2015
HỒ CÔNG TÂM
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết